BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ bảy
(tiếp theo)

-ooOoo-

Pháp sư nói: - Luật bản có nói: Phật bảo các Tỳ kheo: Thế nào là không thành xả giới? Câu nói bắt đầu bằng sự điên đảo, hoặc dạ-xoa điên cuồng, hoặc nói năng điên cuồng, ngoài ra những trường hợp xả giới do tâm điên đảo, thì không thành xả. Với ý rất thích thú, xả giới với người điên cuồng nhưng kẻ điên này không hiểu giới thì không thành xả giới. Người tâm tính không bình thường thì cũng như dạ xoa.

Pháp sư nói: - Ðiên cuồng như dạ-xoa cũng như lời nói điên cuồng đều không có tội, sau sẽ nói rõ. Xả giới với tâm không ổn định thì không thành xả giới. Như quá đau khổ, khổ như dao cắt vào thân làm cho ngất ngây nên nói ra lời xả giới thì không thành xả. Nếu nói xả giới với người quá đau khổ nhưng họ vì đang đau khổ nên không hiểu lời nói này thì cũng không thành xả giới. Nếu nói xả giới với thiên thần như địa thần cho đến thiên thần A-suất-nỵ-xoa (Akanitthadevatà) thì không thành xả giới. Nếu nói xả giới với súc sinh như ma-hầu-la-già, ca-lâu-la- khẩn-na-la, voi, vượn khỉ (mahoraga, garula, kinnara, hatthin, makkata) và các loại súc sinh khác thì không thành xả. Người điên cuồng nói xả giới với người điên cuồng, vì không hiểu nên không thành xả.

Pháp sư nói: - Hướng đến thiên thần xả giới thì họ biết ngay vì họ có công đức lớn. Họ có ba nhân thọ thai (tihetupatisandhika) nên hiểu biết nhanh. Nếu người này thay đổi tâm, muốn xả giới thì chư thiên thần đã biết rõ. Vì hộ trì sự dễ thay đổi của tâm người nên đức Phật không cho mất giới. Do đó, Phật không cho phép xả giới với thiên thần, không ngăn cấm đối với người, có trường hợp cho phép, có trường hợp không cho, có trường hợp xem như nhau, có trường hợp xem không như nhau. Nếu nói với người thế tục hay xả giới mà hiểu rõ việc xả giới thì thành xả giới. Nếu người kia không hiểu thì không thành xả giới.

Pháp sư nói: - Tôi nói về ý nghĩa này. Thiện ngữ (Ariyaka) nghĩa là ngôn ngữ mà người thiện xử dụng. Ðó là ngôn ngữ nước Ma-yết (Magadhabhàsà). Nếu ở vùng biên địa như nước An-đà-la-di (Andha-damila) thì không hiểu ngôn ngữ nước Ma-yết. Có những nước ngôn ngữ khác nhau nên không hiểu tiếng nói của nhau. Do đó, khi cần phải giáo hóa, ông nói lời nước Ma-yết nhưng họ không hiểu thì trước hết phải dạy cho họ hiểu. Lời nói đùa, nói gấp, nói nhầm, như nói tôi xả Phật, do nói như vậy với sự ngu si thì không thành xả giới. Người có trí tuệ mà nói gấp, nói nhầm, cũng không thành xả giới. Không muốn xả giới mà nói xả thì cũng như người đọc luật, như người nghe luật, như người tụng luật, như người dạy luật (nói về xả giới). Nói những lời như vậy thì không thành xả giới. Muốn nói với người khác nhưng không nói nhưng đã có tướng trạng giới suy (nên có ý nghĩ) tôi nay xả giới; nhưng không nói ra. Ðây là muốn nói mà không nói. Nói với người ngu si, người già cả, tượng người bằng đất, bằng gỗ, với trẻ con nơi thôn dã và đến nơi nhưng không nói thì không thành xả giới.

Pháp sư nói: - Tôi nói tóm lại, nếu dùng tất cả những phương tiện thuận lợi mà bắt đầu bằng câu nói tôi xả Phật thì thành xả giới. Nếu nói khác ( thiếu chi tiết này) thì không thành xả giới.

Pháp sư nói: - Bắt đầu từ việc hành động bất tịnh, tôi sẽ trình bày về ý nghĩa này. Như trong luật nói, thế nào là hành động bất tịnh?

Ðáp: - Là làm việc bất hảo, việc người thiện không làm, là hành động của kẻ hoang dã, ngu si. Như trong luật nói rằng tội trọng có khi do việc lấy nước nơi vắng vẻ chỉ có hai người. Ý nghĩa của ác pháp này là bắt đầu từ việc lấy nước (Odakantika) đưa đến sự việc xúc chạm nhau qua bãi cát và thành tội lớn, nên gọi là bất tịnh hạnh.

Nơi khuất kín là nơi vắng người nên hai người có thể làm việc bất tịnh.

Hỏi: - Thế nào là làm việc bất tịnh?

Ðáp: - Cả hai đều mong muốn và thích thú, hay cả hai đều thụ hưởng dục thì gọi là làm việc bất tịnh. Như trong luật nói rằng đem phần ngoài thân thể của nam đặt vào phần ngoài thân thể của nữ và ngược lại, đem nam căn đặt vào nữ căn, nếu đi vào chỗ gió không vào được, chỗ ẩm ướt bằng chừng một hạt mè (Ekatilabijamattampi vàtena asamphutthe allokàse paveseti) thì phạm tội Ba-la-dy. Trong nữ căn (Itthinimitta) có bốn mặt và phần giữa (passa) là năm. Cả năm chỗ này đều là nơi sinh tội. Nam căn cũng có bốn mặt và phần đầu có kín và lộ. Cả sáu phần này, một phần nào tiếp xúc cũng bị phạm tội Ba-la-dy. Phần khuất kín như cong ngón tay, phần đầu lộ ra, cao thấp đều phạm. Nếu nam căn có mọc thịt chết nên không cảm giác thích thú, phạm Ðột-cát-la; có cảm giác thích thú, phạm Ba-la-dy. Dùng lông ở nam căn, đầu ngón tay đưa vào (nữ căn), phạm Ðột-cát-la.

Pháp sư nói: - Ðây là làm việc bất tịnh. Vì sao? Ðây là lời bất thiện, các trưởng lão nghe nói đến việc bất tịnh này thì cẩn thận chớ kinh ngạc. Ðây là tâm tàm quí của sa-môn, nên chí tâm hướng về Phật. Vì sao? Ðức Phật vì từ bi đối với chúng ta, ngài là bậc đế vương trong thế gian này, đã từ bỏ ái dục đạt đến chỗ thanh tịnh, vì thương tưởng đến chúng ta mà chế định giới luật nên nói ra lời thô ác này.

Người nào quán sát công đức của Như Lai như vậy thì không có tâm chê bai. Nếu Phật không nói sự việc này thì làm sao chúng ta biết được tội Ba-la-dy, tội Thu-lan-giá, tội Ðột-cát-la. Nếu pháp sư thuyết giảng cho người, cho phép người nghe và người nói dùng quạt che mặt, cẩn thận chớ cười lộ răng (cười lớn). Ai cười thì đuổi họ ra. Vì sao? - Ðức Phật Chánh-đẳng-giác vì thương chúng sinh nên nói ra từ kim khẩu, các vị nên sinh tâm tàm quí để lắng nghe, sao lại cười, nên phải đuổi ra. Cho đến cùng với súc sinh, đây là lời sau cùng, cùng súc sinh cũng bị phạm Ba-la-dy, huống chi với người nữ.

Pháp sư nói: - Tuần tự tôi sẽ giải thích. Chúng sinh có chân không chân. Không chân như rắn, hai chân như gà cho đến chim cánh vàng, bốn chân như mèo cho đến chó, các loại lớn dài như trăn rắn. Tiếp xúc vào một trong ba chỗ của các loài lớn này, chừng bằng hạt mè thì phạm Ba-la-dy. Ðối với các loại nhỏ không thể (hành dâm) được thì phạm Ðột-cát-la. Ðối với cá, đối với các loại cá, rùa, giải, trạnh, sò mà phạm vào ba chỗ như trên thì cũng bị tội. Trong trường hợp này có sự khác nhau chút ít, gặp miệng sò rất lớn, nếu đưa nam căn vào bên trong miệng sò mà không đủ, chỉ tiếp xúc như mụt nhọt thì phạm thu-lan-giá. Nếu tiếp xúc với ba chỗ của các loại gà, quạ, chim trĩ, kên kên... tùy trường hợp mà phạm Ba-la-dy hay Thu-lan-giá. Nếu phạm vào ba chỗ của mèo, chồn, chó... thì mắc tội như trên.

Ba-la-dy nghĩa là thối đọa, thua. Ðây là tội của Tỳ kheo. Như trong luật có nói: Phật bảo A-Nan rằng vì Bạt-Xà-Tử ta đã chế định giới Ba-la-dy, Tỳ kheo nào có làm việc như vậy thì phạm tội Ba-la-dy. Ðây gọi là Ba-la-dy.

Pháp sư nói: - Ai phạm giới này, gọi là kẻ Ba-la-dy. Do đó, trong phẩm Ba-lị-bà (Parivàna) có kệ:

Ta thuyết Ba-la-dy
Ông hãy chú ý nghe
Ðọa, lạc không hoàn hảo,
Trái nghịch với chánh pháp,
Không được cùng sống chung,
Nên gọi Ba-la-dy.

Ðây nghĩa là người phạm tội Ba-la-dy thì bị gọi là đọa, cũng gọi là rơi ra khỏi pháp Như Lai, không còn là Thích-tử, không còn hoàn hảo trong pháp Tỳ kheo, nên gọi là Ba-la-dy. Không được sống chung nghĩa là không được cùng chung hành động như lúc đầu.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ tuần tự nói về tội ấy. Tăng có chung bốn hành động là trong giới đàn cùng nhau hòa hợp làm bốn pháp sự, gọi là cùng một hành động. Gọi là năm hành động Ba-la-đề-mộc-xoa nghĩa là khi tăng cùng thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa ở một chỗ thì người không biết tàm quí thì không được vào, không được vào dự tăng sự với chúng tăng mà bị đuổi ra ngoài, nên gọi là không được sống chung. Thế nên, trong luật bản nói rằng không được cùng bố tát và làm các pháp yết-ma. Tỳ kheo phạm tội Ba-la-dy thì không được sống chung với tăng.

Như vậy là đã trình bày thứ tự các câu văn giới, vì muốn phân biệt rõ khi phạm các chỗ khác nên Như Lai kết bằng câu văn này. Căn đưa vào căn không chỉ riêng cho người nữ mà cho tất cả giống cái. Nếu phụ nữ bằng vàng bạc thì không thuộc phi xứ. Nếu đúng là xứ thì phạm tội. Tôi sẽ nói: Nữ có ba nghĩa là trong ba loại nữ căn. Người nữ có ba đạo (chỗ sinh tội), hoàng môn có ba loại và có hai căn, đàn ông có ba loại đều thuộc Ba-la-dy. Người nam, nữ là có đủ 12 xứ, đây cũng dễ hiểu. Hai căn của hoàng môn sẽ giải thích sau.

Nữ nhân có ba căn, súc sinh cái cũng vậy, phi nhân nữ có ba căn ( cộng lại là chín căn). Riêng hoàng môn có hai căn; người, phi nhân và súc sinh cộng lại chín căn. Người hoàng môn, phi nhân hoàng môn, súc sinh hoàng môn đều có hai, hợp lại là sáu căn. Nhân nam, phi nhân nam, súc sinh nam hợp lại là sáu. Tổng cộng là ba mươi căn. Nếu hai căn tiếp xúc nhau chỉ bằng hạt mè để làm việc bất tịnh thì phạm Ba-la-dy. Nếu không do tâm dâm dục thì không thành tội này.

Thế nên trong luật nói: Tỳ kheo không có tâm dâm dục. Ðây là nói lúc đầu. Tỳ kheo ở đây chỉ cho Tỳ kheo làm việc dâm dục. Cốc đạo là hậu môn. Nếu Tỳ kheo hành dâm vào cốc đạo, đưa vào chỉ bằng hạt mè, bị tội Ba-la-dy. Nếu mình không chủ động làm mà bảo người làm cho mình, khi làm có ý hưởng ứng thích thú thì cũng bị tội như trên. Ðây là cố ý chứ không phải do việc khác mà mắc tội. Người xuất gia bị người khác ép buộc làm việc bất tịnh. Tỳ kheo này không hưởng ứng thích thú mà nhất tâm hộ giới thì không phạm tội. Nếu sau đó, người này thích thú thì phạm tội Ba-la-dy.

Có kẻ thù oán đem người nữ đến muốn phá hoại Tỳ kheo, hoặc dụ dỗ bằng thức ăn. Ðến gặp Tỳ kheo, bạn bè, thân quyến nói: - Ðại đức! Ðây là việc làm của chúng tôi, xin đại đức hưởng ứng cho. Nửa đêm, họ đưa người nữ đến, gọi Tỳ kheo thức giấc, hoặc nắm, tay, chân, đầu Tỳ kheo rồi đưa nữ căn hay cốc đạo vào căn Tỳ kheo. Nếu Tỳ kheo này hưởng lạc cả trong ba giai đoạn thì phạm tội Ba-la-dy, dù tinh có xuất ra hay không cũng phạm. Không được nói thế này: Ðây là do kẻ thù giữ tôi lại nên không phạm. Nếu tâm có thích thú trong bốn giai đoạn thì phạm. Một, khi mới đưa căn vào; hai, căn vào trong; ba, lấy ra; bốn, có thích thú. Nếu khi căn mới vào mà không thích thú, nhưng khi vào trong và lấy ra có thích thú thì phạm Ba-la-dy. Khi căn vào và đã vào trong không thích thú nhưng khi lấy ra có thích thú thì phạm Ba-la-dy. Trong bốn giai đoạn đều không thích thú thì không phạm. Không thích thú nghĩa là như đưa căn vào miệng rắn độc, như đưa vào lửa. Thế nên trong luật có nói: Khi đưa vào lấy ra mà không thích thú thì không phạm Ba-la-dy.

Do đó, Tỳ kheo tọa thiền quán sát khổ, không, vô ngã, không kể đến thân mạng, khi người nữ vây quanh thì xem như lửa bao vây, đối với năm dục xem như năm dao bén của bọn giặc làm hại. Như vậy thì không có tội. Ở trên là phần bốn việc. Bốn việc đã rõ như vậy, khi có kẻ thù đưa người nữ đến chỗ Tỳ kheo, thì không chỉ phạm nơi cốc đạo mà nơi tiểu tiện hay miệng cũng bị tội. Lại nữa, khi kẻ thù đưa người nữ đến, hoặc nữ thức suốt đêm, hoặc đưa người nữ bị say, nữ bị điên, cuồng, nữ đã chết, hoặc thây chết người nữ mà dã thú chưa ăn.

Pháp sư nói: - Chưa ăn nghĩa là chưa ăn nữ căn. hoặc đưa thây chết ngưỡi nữ đến mà nữ căn bị hư hoại nhiều hay ít, không chỉ riêng nữ căn mà cốc đạo hay miệng cũng vậy. Không chỉ riêng người nữ mà súc sinh cái cũng vậy, trong ba chỗ ấy hư hoại còn lại nhiều hay ít. Ðàn ông hai căn và hoàng môn hai căn bị hư còn lại nhiều hay ít. Ðây có bốn loại như vậy.

Pháp sư nói: - Người nữ có ba đạo, ba đạo chung cho bốn (trường hợp?), người nữ không ngủ có ba cho bốn, người nữ say có ba cho bốn, người nữ điên có ba cho bốn, người nữ cuồng có ba cho bốn, thây người nữ còn lại nhiều có ba cho bốn, thây người nữ còn lại ít có ba cho bốn, thây người nữ còn lại rất ít có ba cho bốn, cộng lại có hai mươi bảy (?); phi nhân nữ, súc sinh nữ cũng vậy, hợp ba loại nữ lại có 81 (?). Hoàng môn hai căn giống như người nữ, cộng lại có 81 (?). Hoàng môn và người nam cả hai có ba chỗ cộng lại là 54 (?). Phi nhân nam và súc sinh nam đều có hai căn cộng lại là 54 (?). Như vậy, cả người nữ cộng lại có 270 chỗ, nghĩa này dễ hiểu. Tôi sẽ giải thích về ý nghĩa câu còn lại nhiều hay ít.

Tại nước Sư tử có hai luật sư cùng học với một a-xà-lê. Một vị tên đại đức Ưu-Ba-Ðế-Tả (Upatissa), vị thứ hai tên đại đức Tả-Tả-Ðề-Bà (Phussadeva). Hai vị pháp sư này hộ trì luật tạng như đang ở nơi kinh sợ. Ưu-Ba-Ðế-Tả có đệ tử rất nhiều trí tuệ, một là đại đức Ma-Ha Ba-Ðầu-Ma (Mahàpaduma), vị thứ hai tên Ma-Ha Tu-Ma (Mahàsumma). Ma-Ha Tu-Ma đã học hết luật đến chín lượt. Tuy cùng Ma-Ha Tu-Ma nghe luật đến chín lượt nhưng Ma-Ha Ba-Ðầu-Ma học riêng thêm chín lượt nữa nên rất giỏi. Sau chín lần học luật, đại đức Ma-ha Tu-Ma lìa a-xà-lê, qua sông ra ở riêng. Nghe đại đức Ma-ha Tu-Ma đã qua sông ra ở riêng. Ma-Ha Ba-Ðầu-Ma suy nghĩ: Vị luật sư ở đây rất tài giỏi, thầy ấy đang còn mà vị kia lại đi đến ở trú xứ khác, thật là dũng mãnh. Nếu thầy đang còn, thì hằng năm ta nên đến nghe luật tạng và các phần chú giải chứ không phải chỉ học một lần, đọc tụng thông suốt mới gọi là luật sư cung kính luật.

Một hôm, đại đức Ưu-Ba-Ðể-Tả và Ma-Ha Ba-Ðầu-Ma đứng đầu, dạy 500 đệ tử. Trong khi đang ngồi thuyết giảng về các câu văn trong phần Ba-la-dy, có một đệ tử hỏi thầy: Thưa đại đức! (Căn) còn lại nhiều (hơn một nữa) thì phạm Ba-la-dy, còn lại ít thì phạm Thu-lan-dá, vậy còn lại một nữa thì như thế nào và bị những tội gì?

Thầy đáp: - Trưởng lão! Sở dĩ Như Lai chế định Ba-la-dy thì chế tất cả, nếu thuộc chỗ Ba-la-dy thì kết tội Ba-la-dy. Ðây là tội thuộc thế gian, không phải tội do kết. Nếu là còn nữa phần mà phạm tội Ba-la-dy thì Phật đã kết rồi. Không thấy như vậy ở Ba-la-dy chỉ thấy ở Thu-lan-dá. Ðối với tử thi, ở trường hợp còn nguyên quá bán thì Phật kết tội Ba-la-dy, còn lại ít thì kết tội Thu-lan-dá. Bị tội Thu-lan-dá mà không bị tội (Ba-la-dy) vì (căn) còn lại ít. Ðối với tử thi nên biết không còn sống, mà phần thịt ở căn như da ngoài, gân vẫn còn thì phạm Ba-la-dy.

Nếu thịt đã hư rã, da không còn nhưng vẫn còn hình dạng, có thể đưa nam căn vào được thì phạm tội tội trọng. Nếu căn bị hư hết không còn hình dạng, bằng phẳng như vết thương thì phạm Thu-lan-dá. Nếu bị chó ăn, căn không còn ở thây chết, hành dâm vào thịt chỗ ấy thì phạm Ðột-cát-la. Nếu tử thi đã bị thú ăn hư hoại hết chỉ còn lại ba chỗ mà hành dâm được vào những chỗ ấy thì phạm tội trọng. Nếu còn ít hơn một nữa thì phạm tội Thu-lan-dá. Nếu với tâm dâm dục, đưa căn vào mắt, mũi, tai, da qui đầu, vết thương người sống bằng chừng một hạt mè thì bị tội Thu-lan-dá. Các chỗ khác như nách thì bị tội Ðột-cát-la. Do tâm dâm dục với tử thi chảy nước, chỗ Ba-la-dy thì phạm Thu-lan-dá, chỗ Thu-lan-dá phạm Ðột-cát-la. Nếu phạm vào chỗ Ðột-cát-la, tùy theo sự việc phạm mà kết tội. Nếu tử thi này sình trướng hôi thối, ruồi lằn bu quanh, mũ chảy ra từ chín lỗ, khó đến gần thì với chỗ Ba-la-dy phạm Thu-lan-dá, chỗ Thu-lan-dá phạm Ðột-cát-la, các chỗ Ðột-cát-la mà hành dâm thì phạm Ðột-cát-la. Hành dâm vào mũi các loài súc sinh như voi, ngựa, bò, lừa, lạc đà, trâu thì phạm Thu-lan-dá. Với mắt, tai, vết thương và các nơi khác của các loài trên thì phạm Ðột-cát-la. Nếu chết đã rịn nước, với chỗ Ba-la-dy thì phạm Thu-lan-dá, với chỗ phạm Ðột-cát-la thì tùy theo trường hợp nặng nhẹ mà mắc tội. Nếu tử thi sình lên thì như trước đã nói bị tội Ðột-cát-la. Với da qui đầu người nam, hoặc thích sự mềm trơn, hoặc thích làm với tâm dâm dục, hai bên cùng nắm nam căn nhau bị tội Ðột-cát-la.

Nếu nắm nữ căn với tâm dâm dục, bị Thu-lan-dá. Như trên rút ra từ bộ Ðại-nghĩa-sớ (Mahàathakathà). Nếu Tỳ kheo với tâm dâm dục, nắm nữ căn, hoặc hôn nhau bị tội Thu-lan-dá, duyên khởi do ai?

Ðáp: - Do nhóm sáu Tỳ kheo. Khi ấy, sáu Tỳ kheo ở bờ sông A-dần-la-ba-đế-dạ (Aciravatinadì). Khi cùng các con bò lội qua sông, họ nắm sừng và hành dâm vào vùng giữa sừng hoặc ở vùng có lông dưới tai tiếp giáp trên lưng, ma sát với ý dâm, không thể nói hết. Ðức Phật bảo các Tỳ kheo: Nếu cọ sát do tâm dâm dục thì phạm tội Thu-lan-dá. Tất cả tướng trạng như vậy, hãy suy xét để hiểu, không để mất ý nghĩa này. Thế nào là không mất ý nghĩa này?

Vì ý muốn dùng miệng đưa qua miệng, trường hợp không thành tướng dâm dục vì vốn không có tâm dâm dục thì bị tội Ðột-cát-la. Trường hợp có cảm thọ thích thú với cảm giác mềm trơn, dùng miệng tiếp xúc miệng, tăng-già-bà-thi-sa. Dùng nam căn tiếp xúc phần ngoài của nữ căn, tăng-già-bà-thi-sa. Dùng nam căn tiếp xúc phần ngoài của súc sinh cái, Thu-lan-dá. Nếu tiếp xúc vì thích sự mềm trơn, Ðột-cát-la.

Tổng cộng có 269 trường hợp. Ðã nói xong về bốn loại. Như vậy đức Thế Tôn vì hộ trì người thuận theo giới nên nói ra 274 loại. Như Lai vì muốn ngăn chặn các Tỳ kheo ác trong tương lai không thể nói rằng dùng vật bọc nam căn lại mà hành dâm thì vô tội. Do đó đức Phật bày ra sự việc này để bảo vệ chánh pháp, không cho 274 điều trên xảy ra trong tương lai, biểu hiện phân biệt với 14 ngăn che. Có kẻ thù đem người nữ đến muốn phá hoại Tỳ kheo tịnh hạnh. Họ dùng cốc đạo, thủy đạo, hai miệng với hai cách sau để phá hại Tỳ kheo. Một, có cách không cách, có cách là ba đường của người nữ, không cách là căn của Tỳ kheo.

Pháp sư nói: - Ta sẽ phân tích sự việc này. Có cách nghĩa là tại ba đường của người nữ, dùng vật như lá cây, vải hay da thục, sáp ong, chì, thiết để ngăn cách nữ căn.

Pháp sư nói: - Ngăn cách tùy theo vật thuận tiện, có và không ngăn cách đi vào nhau dù cho không cách có cách, không cách không cách, có cách có cách mà hành động với tâm dâm dục đều phạm tội Ba-la-dy. Phạm vào Ba-la-dy thì bị tội Ba-la-dy, phạm Thu-lan-dá thì bị tội Thu-lan-dá, phạm Ðột-cát-la thì bị tội Ðột-cát-la. Nếu lấy vật đậy nữ căn lại rồi hành dâm trên vật ấy, Ðột-cát-la. Lấy vật cột vào nam căn, đem đầu vật ấy đua vào trong nữ căn, Ðột-cát-la. Ðưa hai vật trên ma sát nhau, Ðột-cát-la. Ðặt ống trúc, đồng vào nữ căn và hành dâm trong ống này. Nếu có tiếp xúc với thịt thì phạm Ba-la-dy. Nếu ống nứt ra hai bên, làm tiếp xúc với thịt, Ba-la-dy. Nếu dùng ống trúc có đốt đậy trên đầu nam căn, nhưng bốn bên phần còn lại có tiếp xúc với thịt nữ căn, Ba-la-dy. Nếu căn ở trong ống, không tiếp xúc với thịt, Ðột-cát-la. Như vậy với tất cả tội tướng, ông đã rõ. Phần trên là bốn sự ngăn cách.

Ðã nói rõ bốn sự ngăn cách là như vậy, không chỉ riêng trường hợp kẻ thù đem người nữ đến chỗ Tỳ kheo mà họ đem Tỳ kheo đến chỗ người nữ cũng có cách và không cách như nói ở trước. Ðã nói xong về bốn việc do kẻ thù. Vì sao? Vì kẻ thù của Tỳ kheo mới làm như vậy. Hoặc nhà vua là kẻ thù thứ nhất. Tôi sẽ trình bày. Những kẻ thù này đem đến chỗ Tỳ kheo bằng những kẻ như người nữ, hoặc giặc hoặc người nam đa dục thích thú với việc hành dục, hoặc kẻ phóng dật ưa thích dục, đến chỗ Tỳ kheo, hoặc giặc càn-đà là giặc thường lấy tim người để tế quỉ thần.

Vì sao? Giặc này không chịu cày ruộng, trồng trọt để nuôi vợ con, chỉ sống bằng nghề cướp phá người trong làng, người buôn để lấy vật. Những kẻ giặc càn-đà đi cướp thường bị lao nhọc vì người trong làng và người buôn có phòng vệ nên không thể lấy được. Tỳ kheo ở chỗ vắng vẻ không người bảo vệ nên dễ bị cướp. Khi bắt được Tỳ kheo, do suy nghĩ nếu giết Tỳ kheo thị bị tội nặng, nên chúng muốn phá giới hạnh của Tỳ kheo nên đưa người nữ đến để vị ấy phá giới.

Pháp sư nói: - Như bốn việc đã nói ở trước. Trước đây đã nói người nữ có ba đạo (đường) hành dâm, đã nói qua rồi, nay nói rõ để không còn nghi ngờ. Dùng đạo đưa vào đạo.

Hỏi: - Dùng đạo đưa vào đạo nghĩa là gì?

Ðáp: - Người nữ có ba đạo, với một trong ba đạo này, đưa nam căn vào. Trường hợp hai đạo hợp lại thành một, như đưa vào bằng thủy đạo mà lấy ra theo cốc đạo. Ðưa vào từ cốc đạo mà lấy ra theo thủy đạo. Ðưa vào theo thủy đạo nhưng bên cạnh thủy đạo có vết thương nên lấy ra từ vết thương. Do phi đạo nghĩa là đưa vào theo vết thương, lấy ra theo thủy đạo. Từ phi đạo đưa vào, hay lấy ra theo phi đạo, Ba-la-dy. Thu-lan-dá là trường hợp hai đường vết thương hợp lại thành một, đưa vào theo vết thương thứ nhất, lấy ra theo vết thương thứ hai.

Thứ đến, tôi sẽ nói về hai trường hợp nếu không biết, không thích thú thì không phạm tội. Tỳ kheo ngủ mà biết, thích thú thì không được nói tôi ngủ. Nếu họ nói không biết, không cảm giác, thì người nói được thoát tội và đuổi người thứ hai hoàn tục. Nên hỏi người ngủ rằng ngươi có thích thú không? Nếu họ có thích thú thì Ba-la-dy. Nếu họ cố ý làm thì không cần hỏi. Như vậy đã rõ về trường hợp có tội. Trường hợp không có tội vì không biết: Tỳ kheo này ngủ say không biết như người nhập định, hoàn toàn không biết gì thì vô tội.

Như trong luật có nói rằng Tỳ kheo thưa: - Bạch Thế Tôn! Con không biết việc ấy.

Phật dạy: Này Tỳ kheo! Nếu không thức, không biết thì không phạm tội. Thức mà không cảm giác là biết vì đã thức nhưng không cảm giác thích thú thì vô tội. Như trong luật có nói: Thưa Thế Tôn! Con đã thức nhưng không thích thú.

Phật dạy: - Này Tỳ kheo! Nếu đã thức nhưng không thích thú thì không phạm tội. Ðiên cuồng có hai trường hợp. Một, điên cuồng bên trong. Hai, điên cuồng bên ngoài. Ðiên cuồng bên ngoài như có máu ở khắp thân thể, nên khi bệnh phát sinh thì cả người sinh ghẻ lở, chấn động toàn thân, dùng thuốc trị thì hết. Nếu bệnh thuộc bên trong, phát sinh cuồng loạn, không còn biết khinh trọng mà dùng thuốc không thể trị được. Bệnh điên cuồng như vậy thì không phạm. Mất trí nghĩa là như bị dạ xoa làm tâm trí bị thay đổi. Có hai trường hợp. Một, dạ- xoa hiện hình làm cho người bị sợ hãi nên mất trí. Hai, dạ-xoa đưa tay vào miệng người và xáo trộn ngũ tạng nên mất trí. Bị mất trí vì hai trường hợp này thì không phạm tội. Ngưòi bị trường hợp điên cuồng mất trí này, gặp lửa thì nắm vào như nắm vàng, thấy phân thì bốc như bốc bột chiên đàn. Người điên cuồng như vậy phạm giới không có tội. Gặp người khi mất trí, khi tỉnh nếu hành động khi tỉnh thì phạm. Người bệnh thì trong thời gian bị bệnh không phạm. Ban đầu nghĩa là hành động đầu tiên như Tu-Ðề-Na thì không phạm Ba-la-dy. Ngoài ra các trường hợp khác như di- hầu Tỳ kheo Bạt-Xà-Tử thì phạm tội Ba-la-dy. Như trên đã giải thích phần luật bản (Padabhàaniyavannanà nitthità).

Chú Giải Luật Thiện Kiến

-Quyển Thứ Bảy-

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001