BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ mười bảy
(tiếp theo)

-ooOoo-

Giới tướng (nimitta) và Cương giới (sima)

Bấy giờ, đức Phật ở thành La Duyệt - thành Vương Xá (Ràjagaha) - nước Ma Kiệt (Magadhà). Cả ba danh hiệu này đồng một nghĩa. Hán dịch là thành Vương Xá, phiên âm theo nước ngoài là La Duyệt thành. Chữ La (Ràjan) nghĩa là vương (vua), chữ duyệt (Gaha) nghĩa là xá (nhà) nên gọi là thành La Duyệt. Ma Kiệt là phiên âm theo ngoại quốc và cũng là danh hiệu đầu tiên của nước này.

Giới tướng (Nimitta) như tướng cương giới của núi, lớn như núi Tu Di, nhỏ thì lớn như con voi gọi là tướng của núi.

Tướng cương giới của đá: lớn như con bò, nhỏ chừng 30 cân. Ðá nằm tản mạn không được lấy làm cương giới, nên chọn đá cố định để làm tướng cương giới.

Tướng cương giới rừng: không được lấy rừng cỏ, rừng tre làm tướng cương giới. Vì sao? Cỏ và tre ruột trống không có lõi cứng nên không được lấy làm tướng cương giới.

Tướng của rừng: Tướng của rừng lớn được rộng đến trăm do tuần, rừng nhỏ nhất là bốn cây mọc liên tiếp nhau, cũng gọi là tướng cương giới của rừng cây. Không được lấy cây khô làm tướng cương giới. Cây lớn cỡ như cây Diêm Phù lớn, cây nhỏ (phải) cao chừng tám tấc, hình dạng lớn như cái bát thì được lấy làm tướng cương giới. Nếu không có cây mọc tự nhiên, cũng được lấy cây trồng làm tướng cương giới.

Cương giới (bằng) đường đi: Ðường đi vào ruộng, đường đi đến giếng để lấy nước, đường đi ra sông để lấy nước. Ðường cùng không được lấy làm cương giới. Ðường lớn là đường đi xe hay đi bộ. Ðường ngắn cho đến đi qua ba hay bốn thôn đều được lấy làm tướng cương giới.

Tướng cương giới (bằng) tổ kiến: Lớn như núi, nhỏ thì cao chừng tám tấc, đều được lấy làm tướng cương giới.

Tướng cương giới sông: Nếu gặp vua tốt trị nước thì năm ngày mưa một lần. Nước sông do mưa này thì không được lấy làm tướng cương giới. Nếu suốt cả bốn tháng không mưa mà nước này vẫn chảy không ngừng và sâu hai thước (thước Tàu, khoảng 0,6m) thì được lấy làm tướng cương giới.

Cương giới bằng tướng nước: Nếu là ao nước tự nhiên thì được lấy làm tướng cương giới, nếu nước chảy thông vào ruộng, hoặc cống chứa đầy nước đều không được lấy (tướng nước ấy) làm tướng cương giới. Trên đây là tám loại tướng của cương giới.

Kết giới tướng (Simamandala) có năm loại: Vuông, tròn, hình cái trống, hình bán nguyệt, góc nhọn.

Ðã y theo tướng để kết cương giới rồi, nếu sau đó tướng ấy bị mất thì cương giới không mất. Nếu có người đào đất (chỗ giới tướng) đến tận mạch nước đi nữa cũng không mất tướng của cương giới.

Nếu kết tiểu cương giới thì không được thuyết dục (Chanda). Kết giới để bố tát thì được thuyết dục.

Kết giới trường (Sima) (phạm vi) nhỏ nhất cũng phải chứa đủ hai mươi mốt người.

Kết giới trường xong, sau đó xây nhà che lên trên, cương giới không mất.

Sau khi kết tiểu giới, trong đó lại xây lầu ba tầng thì (tầng) dưới đất đến tầng cao nhất đều đồng một giới.

Nếu núi đá trên rộng dưới nhỏ, kết giới ở phần trên , có tỳ kheo ở phần dưới thì cũng không trở ngại.

Sau khi kết giới, nước ngập thành hố (che khuất mặt bằng cũ) và có nước chảy, biết rõ vị trí (của cương giới cũ) chôn trụ vững làm gác ở trên, làm pháp sự vẫn được (thành tựu).

Sau khi kết giới, nước xoi mòn mặt đất thành lỗ, hang, không mất tướng cương giới. Tỳ kheo có thần thông ở giữa không trung nơi chỗ trống của lỗ hang, hoặc ở dưới đất (trong hang ấy) cũng không được làm pháp sự riêng.

Trong giới trường, có cây to, nhánh dài đưa ra ngoài cương giới. Khi làm pháp sự, tỳ kheo không được ở trên cây vì ngăn việc làm pháp sự , nên gọi vị ấy xuống. Nếu tỳ kheo có thần thông đang ở trên hư không giữa đất trống thì không ngăn việc làm pháp sự. Nếu góc y của vị ấy còn chấm dưới đất thì ngăn pháp sự, nên gọi vị ấy xuống.

Kết cương giới để bố tát, rộng nhất là ba do tuần (1 do tuần - yojana # 7 miles Þ 1,609m x 7 x 3 # 34 km . Xem Pàli-English Dictionaty, trang 559 - người dịch), không được lớn hơn, nếu lớn hơn không thành cương giới nữa, bị tội.

Cương giới trừ xóm nhà dân và khu vực ngoài xóm (khu vực quanh xóm là vùng đất trống) trong tầm ném đá của người trung bình. Nếu tỳ kheo kết cương giới rồi, ngay tại phi giới của tỳ kheo ny, trên cương giới của tỳ kheo ny, được kết giới thêm lên mà cương giới của tỳ kheo ny không bị mất. Tỳ kheo ny cũng được kết giới chồng lên trên cương giới của tỳ kheo tăng mà cương giới của tỳ kheo tăng không bị mất.

Cương giới A Lan Nhã: Cương giới A Lan Nhã nhỏ nhất là trong chu vi bảy Bàn-đà-la (Abbhantara) (Tương đương 84m, Yết-ma yếu-chỉ trang 79, chú thích 5). Một Bàn-đà-la bằng hai mươi tám khủy tay (Hattha). Người không đồng ý thì ngoài 28 khủy tay có thể làm pháp sự.

Không được lấy nước sông suối (làm tiêu tướng để) kết cương giới (quy định vì chúng luôn di chuyển).

Cương giới tự nhiên trong nước. (Phạm vi từ chỗ ngồi) tạt nước hay ném cát ra ngoài (đến nơi rơi xuống). Nếu không có tỳ kheo ngăn chặn, nước thường chảy dù sâu hay cạn đều có thể làm cương giới tự nhiên, không được lấy nước thủy triều làm cương giới.

Nếu bố tát trên thuyền, nên thả neo giữ thuyền lại, hoặc cắm cọc giữ thuyền lại nhưng không được dùng dây cột vào bờ. Nếu bờ bị sụp lở, có rễ cây lớn nằm trong nước thì không được cột thuyền vào rễ cây ấy. Nếu trong (phạm vi) tầm tạt nước (để kết giới) có rễ cây (từ bờ mọc ra) thì phải chặt đi. Nếu không chặt thì (do rễ cây ấy làm cho thủy giới) cùng cương giới trên mặt đất liền nhau. Trong nước có đá, có cây hoặc gỗ nổi thì đều thuộc về cương giới của nước.

Câu thứ nhất nói về phi pháp biệt chúng. Thế nào là phi pháp biệt chúng? Bốn tỳ kheo cùng ở chung một trú xứ, một người nhận dục, ba người kia thuyết giới Ba la đề mộc xoa (Patimokkha), hoặc 3 người mà một người thọ dục, hai người thuyết giới Ba la đề mộc xoa, thì gọi là phi pháp, cũng gọi là biệt chúng. Ðây gọi là phi pháp biệt chúng.

Câu thứ hai phi pháp hòa hợp chúng: Có bốn tỳ kheo cùng ở chung một trú xứ, bốn người cần phải thuyết đủ Ba la đề mộc xoa nhưng không thuyết giới đủ lại tác pháp ba người hay từng người đối thủ thuyết giới. Ðây gọi là phi pháp hòa hợp chúng.

Câu thứ ba: pháp biệt chúng là ở một trú xứ có bốn tỳ kheo mà một người thọ dục, ba người đối thủ thuyết giới; hay ba tỳ kheo mà một người thọ dục, hai người đối thủ thuyết giới thì gọi là pháp biệt chúng.

Câu thứ tư: Có bốn tỳ kheo ở chung một trú xứ cùng nhau hòa hợp thuyết Ba La đề mộc xoa, hoặc ba tỳ kheo hòa hợp thuyết tam ngữ bố tát (nói ba lần thanh tịnh - người dịch). Ðây gọi là pháp hòa hợp chúng.

Bố tát ngày mười sáu: Ðây gọi là hòa hợp bố tát. Theo bản luật Phạn ngữ (Pàli), vào ngày 16 tháng 5 là tiền an cư, (từ 17 tháng 5 đến) 16 tháng 6 là hậu an cư. Trong thời gian an cư, có nhân duyên phải dời đi (nơi khác) không có tội nhưng không thành an cư (không tính tuổi hạ). Không được an cư ở đất trống, không được an cư dưới gốc cây, dù, lọng (Uposathakkhandhakavannanà dutiyà)

Dưới chân có lông (Pàdatalesu lomàni): lông ấy màu biếc (Anjanavanna) như màu thiên thanh nhờ nhân đời trước nên được quả báo như vậy.

Hỏi: - Do tạo nghiệp gì mà được quả báo ấy?

Ðáp: - Thời quá khứ Thủ Lung Na này (Sona) ở chung với tám vạn người. Trong tám vạn người này, cậu ta lớn nhất. Cậu ta cùng con các trưởng giả dựng một căn nhà cỏ (Pannasàlà) cho vị Phật Bích Chi và thỉnh vị này an cư ba tháng mùa hạ. Bấy giờ, Thủ Lung Na đem một tấm thảm Khâm bà la bằng lông dê trãi trước nhà cỏ ấy để cho vị Phật Bích Chi kia lau chà chân. Nhờ quả báo ấy, nên dưới chân mọc lông (đẹp ấy). Tám vạn người con trưởng giả nhờ cúng dường Phật Bích Chi nên đời này cũng sinh làm bạn thân (với Thủ Lung Na). Ðến gặp vua, tại sao Thủ Lung Na cùng đi với tám vạn người bạn?

Nếu vua mời riêng Thủ Lung Na, sợ anh ta sẽ lo sợ nên ra lệnh cho tám vạn người con trưởng giả cùng đi đến gặp vua.

Năm tượng vương: Một voi cha có sáu voi mẹ (cái) nên gọi là tượng vương. Có năm con tượng vương như vậy.

Giầy dép da Na La Phú La (Ganamga nùpàhana, Ekapalàsika): là loại giày, dép da bọc cả gót chân (Sabbapìtaka upàhana)

Dép da hình sừng nai: may da thành hình sừng nai (mũi cong lên?).

Dép da A La Lê (Khallikabaddha upàhana): dép có gắn lông voi chung quanh.

Dép da Phúc La bạt đà la (Putabaddha upàhana) giày may bằng da và bông vải cùng các tạp vật khác, làm cho ở giữa cong lên.

Dép da Chơn Thệ Lê: làm bằng cỏ đan lại.

Dép da đan chung quanh: đan chung quanh bằng đuôi lông công, hình dáng như lông công. (Cammakkhandhakavannanà pancamìnitthìtà)

Bấy giờ, tại thành Vương xá có một thiếu nữ tên Bà La bạt Ðề (Sàlavati) xinh đẹp vô cùng, được vua Bình Sa (Bimbisàra) lấy làm kỹ nữ. Nhà vua đưa ra một trăm ngàn tiền vàng, các quan và trưởng giả cùng đưa ra hai trăm ngàn tiền cùng nhau đóng góp cho cô gái này để làm nhà ở, y phục, xe cộ, vườn chơi, ao tắm, các loại âm nhạc.(Cô này sinh con và vứt bỏ bên đường).

Kỳ Bà (Jivaka): phiên âm tiếng nước ngoài, Hán dịch là Ðồng Tử sống (hoạt đồng tử). Tại sao gọi là Ðồng tử sống? Bấy giờ, vào sáng sớm, vương tử Vô Úy cỡi ngựa muốn đến gặp nhà vua. Trên đường đi, thấy hài nhi, vương tử hỏi người bên cạnh rằng đứa bé này chết hay sống.

Người bên cạnh đáp: - sống.

Do đó gọi là Ðồng tử sống.

Vương tử hỏi rằng mẹ nó sinh ra tại sao vứt bỏ trên đường đi?

Ðáp: - Ðây là luật lệ của kỹ nữ. Nếu sinh con gái thì họ dạy tập theo nghề kỹ nữ, nếu sinh con trai thì vứt đi. Do đó, đưa bé này bị vứt trên đường.

Vương tử Vô Úy bồng đứa bé đem về nuôi, dần dần lớn lên, nhận làm con.

Hỏi: tại sao đồng tử Kỳ Bà không học kỹ thuật khác?

Ðáp: thời quá khứ, có đức Phật hiệu Liên Hoa. Bấy giờ, có một thầy thuốc thường xuyên cúng dường đức Phật Liên Hoa.

Thấy như vậy, Kỳ Bà suy nghĩ rằng làm thế nào mà trong đời tương lai ta cũng cúng dường đức Như Lai như thầy thuốc này. Sau khi nghĩ như vậy, Kỳ-bà cúng dường đức Phật suốt trong bảy ngày rồi đến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, bạch rằng con nguyện trong đời tương lai sẽ làm người thầy thuốc giỏi để cúng dường đức Phật cũng như người thầy thuốc đang cúng dường đức Phật vậy.

Phát nguyện xong, Kỳ Bà từ giả. Sau khi qua đời, Kỳ Bà sinh lên cõi trời, hết phước cõi trời lại sinh xuống loài người, cứ luân chuyển như vậy cho đến lúc đức Phật Thích Ca xuất thế, do nguyện đời trước dắt dẫn nên không học nghề khác mà chỉ học nghề thầy thuốc.

Hỏi: - Vì sao Kỳ Bà giỏi về ngành thuốc?

Ðáp: - Khi Kỳ Bà đến học với thầy thuốc, Thiên Ðế Thích thấy người này nếu thành đạt về y học thì chắc chắn sẽ cúng dường Phật. Do đó, Thiên Ðế Thích nhập vào thân của thầy dạy Kỳ bà để dạy Kỳ Bà. Trong bảy tháng, Kỳ Bà học hết cả nghề của thầy. Sau bảy tháng ấy, Thiên Ðế Thích lại tiếp tuc dạy nghề. Hết bảy năm, thành tựu được nghề y, Kỳ Bà trở về nước.

Tại sao Kỳ Bà trị bệnh trên đường đi?

Vị thầy dạy nghĩ rằng: Ðây là vương tử, không thiếu tài vật, nếu trở về nước thì không còn nhớ đến ân của ta.

Sau khi suy nghĩ như vậy, vị thầy dạy chỉ cho bộ y phục cũ chứ không cho lương thực.

Sau khi từ giã thầy trở về, đi đến giữa đường bị đói bụng, ngang qua một làng xóm, Kỳ Bà hỏi thăm người trong làng rằng ở đây có ai bị bệnh không?

Người làng đáp: Nhà trưởng giả... có người bệnh.

Kỳ Bà liền chữa trị cho họ, và được (thù lao) vật quý giá.

Kỳ Bà suy nghĩ: Ta trị một người bệnh mà được vật quý báu như vậy, nếu trị cho nhiều người bệnh sẽ được vô số vật báu. Ta được như vậy là nhờ ơn của thầy dạy.

Có mười lăm cách cho, được nhận sự dâng cúng:

1- Trong cương giới của giới trường (Khandasìmà).
2- Vùng ngoại cương giới (Upacàra phi cương giới).
3- Cương giới cùng bố tát (Sammànasamvàsa).
4- Cương giới không mất y (Avippavàsa).
5- Cương giới La Bà (Làbha - hưởng lợi chung).
6- Cương giới tụ lạc (Gàma).
7- Cương giới làng (Nigama).
8- Cương giới quốc độ (Nagara - thành phố lớn).
9- Cương giới a Bàn Ðà La (Abbhantara - quy định).
10- Cương giới tạt nước (Udakukkhepa).
11- Cương giới nhà dân cư (Jinapada).
12- Cương giới La Na (Rattha - cả xứ sở, cả nước ).
13- Cương giới A La Xà (Rajja - của vua).
14- Cương giới đảo (Dipa).
15- Cương giới thiết vi (Cakkavàla thế giới, trái đất).

Ðây là mười lăm loại cương giới được nhận dâng cúng. Các vị nên biết:

1. Cương giới của giới trường ở trên đã giải thích.

2. Vùng (ngoại) phi cương giới: hoặc ở giảng đường hoặc ở trai đường đang phân y, trong tầm ném đá của một người khỏe mạnh, tùy theo cương giới lớn nhỏ (ngoài đường ranh đã ấn định) đều có vùng cương giới ném đá, tỳ kheo nào vào bên trong vùng này đều được phân y.

3. Giới đồng bố tát: Tỳ kheo nào vào trong cương giới bố tát đều được phân chia. Ðây gọi là cương giới bố tát.

4. Cương giới không mất y: Nếu vào trong cương giới không mất y thì đều được phân chia.

5. Cương giới La Bà: Vua hay đại thần làm nơi dừng nghĩ cho các tỳ kheo, hoặc chừng mười do tuần dựng trụ để làm tiêu tướng. (Họ quy định rằng) trong phạm vi những trụ này, nếu có vật dâng cúng thì đều thuộc về chúng ta.

6. Cương giới tụ lạc: có phố chợ thì gọi là cương giới tụ lạc.

7. Cương giới làng xóm: không có phố chợ gọi là cương giới làng xóm.

8. Cương giới quốc độ: có thành ấp thì gọi là cương giới quốc độ.

9. Cương giới A Bàn Ðà La: cương giới nơi A Lan Nhã.

10. Cương giới tạt nước: cương giới (đang trên) thuyền.

11. Cương giới nhà dân cư: từ phía Ðông đến Tây thành phố gọi là cương giới dân cư ở.

12. Cương giới La Na: cương giới cả quốc độ.

13. Cương giới A La Xà:cương giới do một vị vua thống lĩnh.

14. Cương giới đảo: một hòn đảo giữa biển, gọi là cương giới đảo.

15. Cương giới thiết vi là cương giới một núi Thiết vi (cả thế giới).

Nếu thí chủ nói dâng cúng cho chúng tăng trong giới trường thì (vật dâng cúng) thuộc chúng tăng giới trường còn ở cương giới bố tát thì không được.

Nếu họ nói dâng cúng cả cương giới (của tăng thì) cả cương giới ném đá ở đó đều được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới bố tát thì cương giới đồng lợi dưỡng cũng được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho (tăng) ở cương giới không mất y thì ở cương giới bố tát và cương giới lợi dưỡng cũng được phân chia, trừ cương giới tụ lạc (nếu có) ở trong cương giới bố tát thì không được phân chia.

Nếu họ noí dâng cúng cho cương giới tụ lạc, trong cương giới tụ lạc nếu có cương giới bố tát dù lớn hay nhỏ cũng đều được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới thôn xóm, trong thôn xóm có cương giới bố tát và các tiểu giới đều được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới (thành ấp) của quốc độ thì tất cả cương giới (thành ấp) ở quốc độ đều được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới A Lan Nhã, thì chỉ nơi A Lan Nhã được, còn các cương giới khác không được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới tạt nước thì chỉ trong cương giới tạt nước được hưởng, ngoài ra không được.

Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới dân cư thì nếu có cương giới nào trong cương giới của dân cư thì cũng được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho (cương giới) La Na thì (trong) cương giới cả một quốc độ đều được.

Nếu họ nói dâng cúng cho cương giới A Xà La thì chúng tăng ở trong một quốc độ do một vị vua thống lãnh đều được phân chia.

Nếu họ nói dâng cúng cho chúng tăng cả hai đảo là đảo Sư Tử và đảo thuộc đất Diêm Phù Lợi thì tùy theo chúng tăng hiện hữu, dù nhiều hay ít đều lấy mỗi đảo một nữa (số tăng). Nếu đất Diêm Phù Lợi có năm người, đảo Sư tử có trăm ngàn người thì cũng chỉ lấy một nữa số lượng (vật ấy).

Nếu họ nói dâng cúng cho chúng tăng trong cương giới của tăng thì tỳ kheo nên hỏi họ rằng cương giới có nhiều loại, vậy dâng cúng vật ấy vào cương giới nào? Nếu họ đáp không biết mà chỉ nói rằng dâng cho chúng tăng trong cương giới thì tất cả chúng tăng trong cương giới ấy đều được chia phần.

Biệt trú xứ đồng lợi dưỡng là trong (một hay cả hai) trú xứ được lợi dưỡng thì đều cùng nhau phân chia.

Tăng được thí: nếu có người nói xin dâng cúng cho tăng thì đánh khánh lên tập họp chúng tăng lại, ai đến thì được phân chia.

Nếu thí chủ đem đến một tấm y bố thí cho tăng và đưa cho một tỳ kheo, tỳ kheo nào nhận lấy lại nói rằng tôi đáng được nhận thì đó là sự nhận lãnh xấu ác.

Thế nào là sự nhận lãnh tốt đẹp? Sau khi nhận y rồi, đánh khánh tập họp chúng tăng lại, sau khi tăng đã họp, dùng vật màu vàng viết số lượng (vị được) phân chia, không được phá (vật ra).

Bắt đầu từ thượng tọa, (tỳ kheo nhận vật) trình vật ra (và thưa rằng) đây là phần của thượng tọa, ngài có nhận không?

Thượng tọa đáp phần này tôi không nhận, xin dâng cho trưởng lão.

Như vậy cho đến thượng tọa thứ hai, thứ ba đều nói không lấy, xin dâng cho trưởng lão... cho đến (hết) các vị hạ tọa cũng như vậy thì tỳ kheo ấy được nhận vật. Ðây gọi là sự nhận lấy tốt đẹp.

Nếu trú xứ có một tỳ kheo, thí chủ đem y đến bố thí cho một tỳ kheo. Tỳ kheo này nên đánh khánh tập họp tăng lại. Nếu có tỳ kheo nào đến thì cùng nhau phân chia, không có tỳ kheo nào đến thì được nhận với tâm niệm miệng nói nhận một mình.

Nếu thí chủ dâng y này đến tăng thì tỳ kheo (đang tu hạnh) nhận y phấn tảo không được nhận (y ấy).

Nếu có người vào trú xứ và dâng cúng cho tăng, đánh khánh tập họp chúng, có các tỳ kheo ở ngoài đến nối tiếp nhau trong tầm tay, kéo dài đến trăm do tuần, vị ở đầu đã vào trong cương giới thì vị cuối cùng (tuy ở ngoài giới) cũng được chia phần. Tại sao? Vì nối tiếp nhau không gián đoạn nên được phân chia.

Nếu có người dâng cúng cho cả hai bộ tăng, bất kể số người nhiều ít cũng đều phân làm hai phần. Giả như một trăm tỳ kheo ny mà chỉ có một tỳ kheo thì (tỳ kheo ấy) cũng được phân một nữa phần. Nếu có một trăm tỳ kheo mà chỉ có một tỳ kheo ny thì (ny ấy) cũng được phân một nữa phần.

Nếu họ dâng cho tăng túi đựng bát, túi đựng dép, túi lọc nước, kim, dao nhỏ, gậy, quạt thì tỳ kheo thọ y phấn tảo được phép nhận.

Nếu thí chủ đem vật đến (với ý định) dâng cho một người lại nói dâng cho tăng thì (tỳ kheo nào) theo thứ lớp của tăng được nhận một phần ấy, không được nhận riêng.

Nếu họ dâng cho Phật với cả tỳ kheo và tỳ kheo ny thì làm sao phân chia? Hãy phá làm hai phần, một phần dâng cho đức Phật, một phần dâng cho tỳ kheo tỳ kheo ny (rồi họ) cùng phân cho nhau (theo như trên).

Nếu có người dâng cho chúng tỳ kheo với một vị pháp sư và đức Phật thì làm sao phân chia? Chia đều (ba phần) cho đức Phật, một tỳ kheo pháp sư và chúng tỳ kheo.

Nếu có người đem thức ăn uống đến cúng Phật và tăng thì đem bát (ấy) đặt trước đức Phật và theo thứ tự phân chia.

Thức ăn của Phật thì ai được ăn? Nếu có tỳ kheo thị giả của Phật thì được ăn. Nếu không có tỳ kheo thị giả của Phật mà có cư sĩ áo trắng làm thị giả cho Phật thì cũng được ăn.

Nếu thí chủ dâng cúng cho tăng (tiền) an cư xong thì người hậu an cư không được nhận, người bị đứt hạ cũng không được nhận.

Nếu vào thời gian Ðông-phân, thí chủ nói dâng cúng cho tăng an cư xong thì tăng tiền hậu an cư đều được phần, trừ người bị đứt hạ không được phân.

Nếu họ nói dâng cúng cho chùa... phòng... thì tùy theo lời thí chủ mà tăng ở những nơi ấy được phân.

Nếu họ nói dâng cúng cho tăng an cư thì người tiền an cư, hậu an cư hay phá hạ đều được phân.

Nếu thí chủ nói dâng cúng cho người hậu an cư vào tháng Ca Ðề (Kattika) thì người hậu an cư được phân còn người tiền an cư không được.

Nếu ở trong thời gian Xuân phân, thí chủ nói dâng cúng cho tăng an cư, nên hỏi họ rằng dâng cúng cho tăng đã an cư xong hay tăng sẽ an cư. Nếu họ đáp rằng dâng cho tăng sẽ an cư thì tăng an cư trong tương lai (mùa hạ sau) sẽ được phân.

Nếu tỳ kheo nói với thí chủ rằng trong tương lai e có nạn giặc nên không thể quản lý được, thí chủ bảo phân chia thì tùy theo thí chủ nên được phân.

Nếu thí chủ nói: vị nào ăn thức ăn của tôi thì được dâng y, vị nào không ăn thì không được thọ. Nếu họ nói: tôi dâng thuốc... thì cũng như vậy.

Chỉ thị dâng cúng: tùy theo chỗ nào được chỉ thị thì chỗ ấy được y.

Hết phần Kiền Ðộ về y (Cìvarakkhandhakavannanà nitthità).

-ooOoo-

Dược Kiền độ

(về sử dụng thuốc; thuốc ở đây kể cả thức ăn như sữa, đường vv...)

Cơm Câu Bạt đà la: cơm bằng gạo lúa tẻ.

Tu Bộ là canh đậu xanh.

Kiết La là măng tre.

Na Nậu là loại thuốc ở nước ngoài, không hiểu.

Khư Xà ny (Khajja) chỉ cho tất cả các loại trái.

Ha Lê lặc (Haritaka) lớn như trái đại táo, vị chua đắng, uống vào lợi cho tiêu hóa.

Tỳ Ê lặc (Vibhitaka) là trái dư cam tử, ở đất Quảng Châu có (trái này), hình dạng lớn như trái đoác núi.

Thuốc Chất đa la: tên một loại thuốc ở nước ngoài.

Thuốc Già bà: tên thuốc ở nước ngoài.

Bà Lợi bà bà: là hạt cải.

Nị cự: là loại thuốc nước ngoài chuyên trị độc, đất Hán không có.

Ðà Bà Xà: thuốc xông khói.

Kỳ la Xà na kỳ (Kajana) loại đá đỏ.

Thuốc trị mắt là Ðà bà xà đà bà (Anõjana).

Xà Na: sống trên đất.

Kỳ la xà na: sống dưới nước.

Long (rồng, rắn) thân dài không có chân.

Ðối với thịt sư tử, voi, ngựa, rồng, rắn, chó không được ăn, không được dùng da, lông. Khi được bất kỳ loại thịt gì thì cũng phải hỏi (là thịt gì), nếu không hỏi phạm tội Ðột Cát La.

Ðể mất (thất thủ?) La Ma: cá sấu.

Tại Quảng Châu có hắc thạch mật chính là đường mía, cứng như đá nên gọi là đá ngọt (Phànita).

Già ny: là mật (Madhu).

Ô Ba Ðà phả ny: phả ny là cục đường mía mỏng.

Lấy phòng bên cạnh kết làm tịnh thất (Kappiyakuti - phòng để đồ vật đúng pháp của tăng) khi bắt đầu dựng trụ, nên đào hố trước và đặt trụ gần hố, tỳ kheo đứng chung quanh nâng trụ lên và nói rằng làm tịnh thất cho tăng chúng. Nói ba lần và khi nói xong trụ đá cũng đã được được dựng lên. Ðến trụ thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng nói như vậy. Nếu chỉ nói cho một trụ, cũng thành tịnh thất.

Nếu đã thành thất rồi, vậy tác tịnh như thế nào? Nên gọi chủ thất đến và nói rằng thất này chưa tịnh, ông hãy tác tịnh cho tăng chúng.

Thí chủ nói như vầy: xin dâng cúng tịnh thất này cho chúng tăng, các ngài sử dụng tùy ý.

Làm như vậy thì thành tịnh thất.

Nếu khi làm tịnh thất mà không có thí chủ thì tác tịnh như thế nào?

Nếu tụ lạc ấy có người kỳ lão thì gọi họ lại (và nói rằng) phòng này chưa tác tịnh, thỉnh ông làm tịnh chủ.

Nếu thí chủ không biết cách nói, tỳ kheo nên dạy họ nói rằng đây là tịnh thất, xin dâng cho chúng tăng, tùy ý sử dụng.

Làm như vậy xong thì thành tịnh thất, được sử dụng tùy ý về việc chứa đựng thứa ăn uống, không bị tội ngủ chung với thức ăn, nấu thức ăn trong cương giới (của tăng).

Trái diêm phù (Jambu) lớn như trái hồng táo màu đỏ sậm, chua ngọt.

Xá lầu Ca (Sàlùkapàna) dùng ngó sen xanh (Uppala), ngó sen đỏ (Kumuda) giã nát lọc lấy nước trong, gọi là nước ngó sen.

Ba Lậu Sư (Phàrusaka) giống như trái am la (Amba - xoài).

Tất cả trái cây đều được dùng làm nước phi thời, chỉ trừ bảy loại mễ cốc. Tất cả các loại lá đều được dùng phi thời, chỉ trừ rau khoai nước (rau dụ). Tất cả các loài hoa đều được dùng phi thời, trừ nước hoa Ma Ðầu (Madhukapuppharasa - mật làm bằng bông cây madhuka). (Nước) trong các loại quả đều được dùng, trừ (nước) sáu loạitrái cây như trái Ta La (thốt nốt), trái dừa, trái Ba La Nại (?), trái bầu ngọt, dưa đông. dưa ngọt (Tàla, Nàlikèra, Panasa, Labuja, Alàbu, Kumbhanda, Pussaphara, Tipusaphala, Elàlaka) không được dùng phi thời. Tất cả các loại đậu không được dùng (làm) phi thời (dược) .

Vật dụng chứa nước (được dùng bằng) gỗ, đất nung, sắt, không được dùng các loại khác.

Nếu tự gieo trồng (cây trái) trên đất chúng tăng thì chia cho tăng một nửa số thu hoạch. Nếu tăng gieo trồng (cây trái) trên đất cá nhân thì cũng nên chia cho tăng một nửa (số thu hoạch).

Hết phần Dược Kiền Ðộ (Bhesajjakkhandakavannanà nitthità).

Chú Giải Luật Thiện Kiến

- Quyển 17 -

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001