BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Niệm Phật Thập Yếu

Hòa thượng Thích Thiền Tâm


Chương X: Đệ Thập Yếu
Niệm Phật Phải Dự Bị Lúc Lâm Chung

Khải Đề:

Bên đường xe tang buồn đi qua
Chiều hôm mồ hoang sương trăng tà
Vô thường đời trần thương ôi mau!
Người đi rồi lần sang phiên ta.
Nghìn xưa xa vời trong mông lung
Tài hoa tan về nơi vô cùng!
Luân hồi không cầu đường siêu thăng
Dù cho hiền minh sao anh hùng?
Hoàng hôn mây hồng in non xa
Dung hoa thầm khô theo suy già
Di Đà chuyên tu phòng lâm chung
Tương tư mơ về trời Liên Hoa.

Mục A. Những Dự Bị Cần Thiết Cho Lúc Lâm Chung

Tiết 67 Dự Bị Về Ngoại Duyên

Cổ thi nói: "Ta thấy người khác chết. Trong lòng nóng xót xa! Chẳng phải xót kẻ mất. Vì sẽ đến phiên ta!" Giữa đời, việc buồn thảm lớn lao không chi hơn tử biệt. Nhưng sự chết, người đời lại chẳng ai tránh khỏi. Cho nên những kẻ có lòng muốn lợi mình lợi người, không thể không sớm dự bị lo toan. Thật ra, chữ chết nguyên là giả danh, vì đó chẳng qua là sự kết liễu của một thời quả báo, do nghiệp cảm liên chuyền giữa mỗi đời, khi xả thân này, lại thọ thân khác mà thôi. Kẻ không biết Phật pháp vẫn đành để cho tùy nghiệp xoay vần. Người đã nghe pháp môn Tịnh Độ của Như Lai, phải tín nguyện niệm Phật dự bị tư lương, để khi lâm chung được vãng sanh an thuận. Như thế mới mong sớm thoát nỗi huyễn khổ của sống chết luân hồi, chứng vào cảnh chân lạc của Niết Bàn thường trú. Lại người đã tu Tịnh Độ, chẳng những chỉ lo riêng vì mình, mà đối với cha mẹ quyến thuộc cùng những thân bằng quen biết, nên phát lòng hiếu thuận từ bi, khuyên cho đồng niệm Phật, và trợ niệm cho khi bịnh nặng, lúc lâm chung. Đó là công hạnh lợi tha, cũng là việc gây phước báo duyên lành cho mình đời sau vậy.

* Nhưng dự bị cho lúc lâm chung có nhiều chi tiết, nay trước tiên xin nói về ngoại duyên. Người tu Tịnh Độ khi còn khoẻ mạnh, phải dự trước tìm kết những đồng bạn, nhứt là kẻ ở gần mình, để trợ niệm cho nhau khi bịnh nặng và lúc lâm chung. Bởi chúng ta phần nhiều nghiệp nặng, tuy đã gắng hết sức mình, song những lúc ấy e khi túc chướng phát hiện, thân lực yếu kém, tâm thức hôn mê, khó giữ vững được chánh niệm. Nếu không nhờ người hộ trợ, tất dễ bị tùy nghiệp lưu chuyển, công tu một đời chẳng cũng uổng lắm ư? Đây là điểm cần yếu thứ nhứt.

* Điểm thứ hai là người niệm Phật khi thấy mình suy yếu, nên đem hậu sự sắp đặt dặn dò trước, để khi lâm chung khỏi bận tâm. Nếu là người xuất gia thì phải đem việc chùa chiền phó chúc đệ tử, chỉ định kẻ thay thế mình điều hành Phật sự. Như người tại gia thì đem tài sản ruộng vườn tương phân cho con cháu, sắp đặt trước mọi duyên. Lại phải dặn trước người quyến thuộc, khi mình đau nặng hoặc lâm chung, không được khóc lóc hoặc lộ nét bi sầu. Nếu có thương thì nên bình tỉnh, vì mình niệm Phật cầu nguyện, hoặc hộ trợ cho sự vãng sanh, đó mới là tình thương chân thật.

Tiết 68 Dự Bị Về Tinh Thần

Về ngoại duyên như trên đã nói, người niệm Phật lại còn phải dự bị về tinh thần cho chính mình. Cách dự bị ấy như thế nào? - Trên đường tu, hành giả phải có tinh thần giải thoát, xem từ tiền của ruộng vườn cho đến thân tình quyến thuộc đều là duyên giả tạm, sống tùy cảnh huyễn, chết rũ sạch không. Nếu chẳng hiểu lẽ này, tất nó sẽ ngăn trở sự giải thoát, có khi phải đọa làm loài bàng sanh như chó hoặc rắn để giữ nhà giữ cửa. Đã có nhiều người vì nắm níu tiền của hoặc thân nhơn, mà khi sắp chết phải khó khăn, không yên tâm nhắm mắt được.

Hồi bút giả còn làm đạo hầu, trong lúc dâng trà khuya, có nghe một vị Giáo thọ thuật lại câu chuyện, bao hàm ý nghĩa giác tỉnh. Cốt truyện đại khái như sau:

Khi xưa có hai bạn đồng tu, một ông thích ở cảnh non cao, một vị cất am dựa khu rừng bên bờ suối. Thời gian sau, tăng sĩ ở cạnh suối tịch trước, vị sư trên núi hay được xuống viếng thăm. Sau khi tụng kinh cầu nguyện, sư liền ngồi yên nhập định coi bạn mình sanh về cõi nào? Nhưng tìm kiếm quan sát khắp các nơi, từ cõi trời đến địa ngục, ông không thấy người bạn ở đâu cả. Xuất định ra, sư hỏi thị giả của ông bạn: "Hằng ngày thầy mi làm những việc chi?" Đạo đồng đáp: "Bạch, mấy lúc sau này vì thấy bụi mía trước am mập tốt, thầy con thường ra vun phân tỉa lá, săm soi mãi, ra chiều thích thú lắm!" Vị sư nghe nói nhập định lại, quán thấy ông bạn hóa ra làm con sâu trong thân cây mía. Sư liền đốn cây mía ấy, chẻ bắt lấy con sâu ra, thuyết pháp chú nguyện cho nó siêu thoát.

Câu chuyện trên chỉ là truyền khẩu, bút giả chưa tìm thấy trong kinh sách. Nhưng cứ theo lý mà đoán, thì sự kiện ấy vẫn chẳng phải hư huyền. Nơi điển tích nhà Phật cũng có mấy việc tương tợ. Chẳng hạn như: -Chuyện ông sa di vì tham ăn sữa tô lạc, nên khi chết đọa làm con vòi trong bình sữa. - Chuyện vị ưu bà tắc tuy có công giữ giới tu hành, nhưng bởi quá quyến luyến vợ, nên khi chết thần thức hóa sanh làm con vòi trong mũi vợ. Lúc cô vợ thương khóc sì mũi con vòi văng ra, cô cả thẹn đưa chân muốn chà đạp, may nhờ một vị A La Hán can ngăn, nói rõ nguyên do, thuyết pháp siêu độ cho con vòi ấy. - Chuyện vợ một khách thương đường biển, bởi luyến tiếc nhan sắc xinh đẹp của mình, nên lúc chết liền hóa thành con vòi từ trong mũi bò ra đi quanh trên mặt, như Kinh Hiền Ngu đã nói. Cho nên người tu Tịnh Độ hằng ngày phải tỉnh tâm quán xét, dứt trừ lòng tham gốc ái, quyết chí hướng về cõi Phật, để khi lâm chung không bị sức nghiệp ngăn trở cuốn lôi.

* Từ Chiếu đại sư nói: "Người tu Tịnh Độ khi lâm chung thường có ba điều nghi, bốn cửa ải, hay làm chướng ngại cho sự vãng sanh, phải dự bị suy nghĩ trước để phá trừ ba điều nghi là:

1- Nghi mình túc nghiệp sâu nặng, thời gian công phu tu hành ít, e không được vãng sanh.
2- Nghi mình bản nguyện chưa trả xong, tham sân si chưa dứt, e không được vãng sanh.
3- Nghi mình niệm Phật, Phật không đến rước, e không được vãng sanh.

Bốn cửa ải là:

1- Hoặc nhân bị bịnh khổ mà trở lại hủy báng Phật không linh.
2- Hoặc nhân tham sống mà giết vật mạng cúng tế.
3- Hoặc nhân uống thuốc mà dùng rượu cùng chất máu tanh hôi.
4- Hoặc nhân ái luyến mà tự ràng buộc với gia đình."

Đại sư nêu ra thuyết Tam Nghi Tứ Quan ở trên, bậc trí huệ có thể suy nghĩ tìm phương pháp giải quyết. Nay bút giả xin mạn phép nói lược qua cách phá trừ để góp ý, và các bạn đồng tu với sự hiểu biết của mình, có thể suy diễn hiểu rộng thêm ra.

1. Phá mối nghi túc nghiệp nặng, công tu ít: - Phật A Di Đà từng có lời thệ nguyện: "Chúng sanh nào chí tâm muốn về Cực Lạc, niệm danh hiệu Ngài cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, Ngài thề không thành Phật." Phật không khi nào nói dối, vậy hành giả phải tin nơi đức Từ Tôn. Mười niệm là thời gian công phu tu hành rất ít mà còn được vãng sanh, huống chi ta niệm nhiều hơn số đó. Lại dù kẻ nghiệp nặng đến đâu, như phạm trai phá giới, tạo đủ nghiệp ác, nếu chí tâm sám hối nương về Phật A Di Đà, Ngài đều tiếp dẫn. Kinh Quán Vô Lượng Thọ đã chẳng nói kẻ tạo tội nặng ngũ nghịch thập ác, khi lâm chung chí tâm niệm mười niệm đều được vãng sanh đó ư? Trong truyện Vãng Sanh, như Trương Thiện Hòa, Hùng Tuấn, Duy Cung, trọn đời giết trâu bò, phá giới, làm ác, khi lâm chung tướng địa ngục hiện, sợ hãi niệm Phật, liền thấy Phật đến rước. Cho đến loài chim sáo, két niệm Phật , còn được vãng sanh, huống chi ta chưa phải là tệ đến mức đó?

2. Phá mối nghi bản nguyện chưa trả, tham sân si chưa dứt: - Bản nguyện của hành giả đại khái có hai: đạo và đời. Về đạo, có người nguyện cất chùa bố thí hay nguyện tụng số kinh chú bao nhiêu, làm chưa tròn đã đến giờ chết. Phải nghĩ rằng: chỉ tín tâm niệm Phật, khi được vãng sanh sẽ làm vô lượng vô biên công đức, còn bản nguyện chỉ là việc nhỏ, làm xong hay chưa không mấy quan hệ, và chẳng có hại chi cả. Về đời, hoặc có người vì nhiệm vụ gia đình chưa tròn, như cha mẹ suy già không ai săn sóc, vợ con thơ dại thiếu chỗ tựa nương, hoặc có kẻ thiếu nợ người chưa kịp trả, tâm nguyện chưa vẹn nên lòng chẳng yên. Phải nghĩ rằng: lúc ta sắp chết, dù có lo hay không cũng chẳng làm sao được. Chi bằng chuyên tâm niệm Phật, khi đã được vãng sanh Tây Phương chứng đạo quả, thì tất cả bản nguyện trái duyên đều có thể trả xong, tất cả kẻ oán người thân đều có thể cứu độ.

Lại Kinh Na Tiên nói: "Ví như hột cát nhẹ, bỏ xuống nước liền chìm. Trái lại tảng đá dù nặng to, nếu được thuyền chở, có thể đem từ chỗ này sang chỗ khác. Người niệm Phật cũng thế, nghiệp tuy nhẹ nếu không được Phật cứu độ, tất bị luân hồi, tội chướng dù nặng bao nhiêu, được Phật tiếp dẫn sẽ sanh về Cực Lạc." Theo đoạn kinh đây, ta thấy môn Niệm Phật là pháp có thể đới nghiệp vãng sanh, vì nhờ tha lực. Tảng đá lớn ví cho sức nghiệp nặng to, thuyền chở ví cho nguyện lực của Phật. Vậy người tu đừng nghĩ rằng mình còn tham, sân, si, e không được vãng sanh. Thí dụ trên có thể phá luôn điểm nghi về nghiệp nặng ở điều thứ nhứt.

3. Phá mối nghi niệm Phật, e Phật không đến rước: - Người niệm Phật tùy theo công đức mình, khi lâm chung thấy Phật, hoặc Bồ Tát, hay Thánh chúng đến rước. Có khi không thấy chi, mà nhờ sức nguyện của mình và Phật lực thầm nhiếp thọ, thần thức tự bay về Tây Phương. Đây là bởi công hạnh của mình có cao thấp, sâu cạn. Chỉ cần yếu lúc ấy ta phải chí tâm niệm Phật, đừng nghĩ chi sai khác. Nếu nghi ngờ sẽ tự sanh ra chướng ngại. Tóm lại, khi lâm chung dù thấy tướng tốt hay không cũng đừng quản đến, chỉ hết lòng niệm Phật cho đến giây phút cuối cùng mà thôi.

* Phá chung bốn cửa ải: - nhân bịnh khổ hủy báng Phật - tham sống sát sanh cúng tế - cầu lành bịnh uống ruợu, hoặc dùng thuốc có chất huyết tanh - vì ái luyến nên tâm niệm ràng buộc với gia đình.

Người niệm Phật mà bị tai nạn bịnh khổ, đó là do nhờ công đức tu hành, nên chuyển quả nặng thành quả nhẹ, chuyển hậu báo thành hiện báo, trả cho hết để được sanh về Tây Phương. Nếu trở lại nghi ngờ hủy báng, là người kém tin hiểu, phụ ơn Phật, tự gây tội chướng cho mình. Trong sự tích Tịnh Độ có thuật chuyện ông Ngô Mao cùng rất nhiều Phật tử khác, nhờ dồn nghiệp mà sớm được vãng sanh. Vậy khi gặp cảnh này, người niệm Phật nên ý thức để hiểu rõ.

Lại thân này giả tạm, tùy theo tội nghiệp mà kiếp sống có vui khổ lâu mau. Nếu giết sanh mạng để nuôi dưỡng sanh mạng, hoặc cúng tế, thì tội khổ càng thêm nặng, phải triệt để nương theo Phật và tin chắc lý nhân quả.

Khi đau yếu chỉ cầu Phật, không nên cầu phù phép tà sư, hoặc nghe lời kẻ chưa hiểu đạo, trở lại ăn mặn, uống rượu, hay dùng thuốc bằng chất máu huyết tanh hôi. Thân này nhơ nhớp, được về cõi Phật sớm chừng nào hay chừng ấy, như bỏ chiếc áo hôi rách mặc sắc phục đẹp thơm, đáng chi phải bận lòng?

Đến như mối hại về ái luyến khi lâm chung, thì như đoạn trên đã nói. Phải nghĩ: trong gia đình từ cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, đều do đời trước có nợ nần ân oán, nên mới tạm hội ngộ nhau. Khi nhân duyên đã hết thì mỗi người đi mỗi ngả. Nếu có lòng thương, tốt hơn ta nên gát bỏ tình trần cầu sanh Tây Phương, để độ tất cả kẻ oan thân. Khi cái chết sắp đến, dù có quyến luyến cũng không thể đem theo, không làm chi được, bởi chính sắc thân của ta còn phải tan về cát bụi. Nếu ái luyến thì đã không được vãng sanh, lại bị khổ luân hồi vô cùng vô tận.

Những điểm về Tam Nghi Tứ Quan trên đây, hành giả phải suy nghiệm ghi nhớ kỹ, để dự bị trước cho tinh thần được yên ổn trong lúc lâm chung.

Mục B. Sự Khẩn Yếu Lúc Lâm Chung

Tiết 69 Thỉnh Bậc Tri Thức Khai Thị

Người tu Tịnh Độ, khi bịnh chưa nặng cũng nên uống thuốc, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật, chớ tưởng nghĩ rằng: uống thuốc rồi sẽ lành bịnh. Lúc bịnh đã nặng, có thể không cần dùng thuốc. Hoằng Nhứt đại sư khi đau nặng, có kẻ thưa để xin rước thầy hốt thuốc. Ngài liền từ tạ và nói kệ rằng:

Đức Phật A Di Đà.
Là vô thượng y vương.
Nếu bỏ đây không cầu
Ấy là kẻ si cuồng!
Một câu hồng danh Phật.
Là thuốc diệu Dà Đà.
Nếu bỏ đây không uống.
Thật lầm to lắm mà!

Rồi Ngài chỉ chuyên tâm niệm Phật. Quả nhiên bịnh cũng lần lần thuyên giảm.

Nên nhớ khi bịnh đã nặng, hành giả phải buông bỏ tất cả mọi việc xung quanh, cho đến chính thân tâm của mình, chỉ chuyên nhứt niệm Phật, một lòng mong cầu vãng sanh Tây Phương. Làm như thế, nếu thọ mạng đã hết, quyết được vãng sanh. Như thọ mạng chưa dứt, tuy cầu vãng sanh mà trở lại mau lành bịnh, do vì lòng mình chuyên thành, nên có thể diệt trừ nghiệp ác đời trước. Trái lại, nếu chẳng buông bỏ mọi duyên nhứt tâm niệm Phật, như thọ mạng đã hết quyết không được vãng sanh, vì mình chỉ chuyên cầu lành bịnh chớ không cầu vãng sanh, nên không do đâu được về Cực Lạc. Nếu thọ mạng chưa dứt, chẳng những không được mau thuyên giảm, mà bịnh lại tăng thêm, vì mình nhân cầu lành bịnh, vọng sanh lòng buồn lo sợ hãi.

Có nhiều người tu Tịnh Độ, trong lúc đau nặng, thân nhơn vì kém hiểu đạo, chẳng lo khuyến tấn sự niệm Phật, trở lại không tiếc tiền rước nhiều đông, tây y hoặc thầy phù thủy, đến cầu điều trị hoặc cúng tế cho mau lành bịnh. Làm như thế, khiến cho người bịnh đã không được sự trợ niệm, lại bị rộn ràng phân tâm, nên không được vãng sanh. Đó là lấy tiền mua hiếu hoặc mua danh, để cho người ngoài thấy mình là kẻ ân hậu, tận tâm lo lắng. Họ đâu hiểu rằng, có lòng hay không Phật Thánh đều chứng biết, chớ nào phải hình thức bên ngoài! Hành động ấy khiến cho người sáng suốt chỉ mỉm cười thương xót!

Lúc bịnh nhơn đau nhiều, như thần thức còn thanh tỉnh, người nhà nên thỉnh bậc tri thức đến thuyết pháp khai ngộ cho. Nếu không có bậc tri thức, nên mời một vị đồng tu đến an ủi khai thị. Vị này nên khuyên nhắc thân nhơn kẻ bịnh, dùng lòng từ bi cố chủ trương điều hành cho mọi việc hợp với đạo, để cho người sắp mãn phần được sự lợi ích vãng sanh. Đại khái vị khai thị nên y theo mấy chi tiết sau đây:

1. Nói cảnh khổ Ta Bà, cảnh vui Cực Lạc, nhắc cho bịnh nhơn phát lòng hâm mộ. Lại nên đem việc lành, công tu của bịnh nhơn kể rõ ra và khen ngợi, khiến cho người bịnh sanh lòng vui mừng không còn nghi ngại, tự biết khi mình chết sẽ nương nơi nghiệp lành ấy sanh về Tây Phương.

2. Nếu bịnh nhơn có điều nghi ngờ gì, nên tùy cơ giải thích như thuyết Tam Nghi Tứ Quan ở đoạn trên đã nói. Trong đây điểm cần yếu là khuyên phải dứt trừ tâm tham tiếc tài sản và niệm ái luyến gia đình.

3. Nếu người sắp chết có di chúc trước thì thôi, bằng không, vị khai đạo phải can ngăn, khuyên thân nhơn không nên hỏi han về di chúc. Lại cũng khuyên đừng nói chuyện tạp vô ích khiến cho bịnh nhơn động tâm niệm tình ái, quyến luyến thế gian, có ngại cho sự vãng sanh.

4. Khi có bà con hay thân hữu của kẻ bịnh đến thăm nên ngăn không cho đến trước bịnh nhơn tỏ vẻ buồn thảm hỏi han. Nếu đã vì cảm tình đến viếng thăm, chỉ nên đứng gần bên chắp tay niệm Phật ra tiếng một hồi, đó mới thật là có lòng thương mến. Như kém hiểu biết chỉ dùng theo tục tình, đó chính là xô người xuống biển khổ, tình tuy đáng cảm, mà sự lại di hại đáng thương.

5. Nên khuyên bịnh nhơn đem những y phục vật dụng của mình thí cho kẻ khác. Hoặc y theo phẩm Như Lai Tán Thán trong Kinh Địa Tạng, đem vật liệu ấy cúng dường kinh tượng lại càng hay. Điều này cũng giúp cho người bịnh thêm phước tiêu tội, được dễ dàng trong sự vãng sanh.

Những điều đại khái như trên, vị khai thị phải lưu ý. Ngoài ra có thể tùy cơ ứng biến, ở đây không thể nói hết được.

Tiết 70 Cách Thức Trợ Niệm

Người bịnh từ khi đau nặng cho đến lúc sắp tắt hơi, thân nhơn quyến thuộc phải bình tỉnh đừng khóc lóc. Có kẻ tuy không khóc nhưng lại lộ nét bi thương sầu thảm, đó cũng là điều không nên. Bởi lúc bấy giờ, bịnh nhơn đã đi đến ngả rẽ phân chia giữa quỉ, người, phàm, Thánh, sự khẩn yếu nguy hiểu khác thường, như ngàn cân treo dưới sợi tóc. Khi ấy duy nhứt tâm trợ niệm Phật hiệu là điều thiết yếu. Người dù có chí nguyện vãng sanh, mà bị quyến thuộc thương khóc làm cho khơi động niệm tình ái, tất phải bị đọa lạc luân hồi, công tu cũng đành luống uổng!

Lại khi bịnh nhơn gần qua đời, tự họ muốn tắm gội, thay y phục hay đổi chỗ nằm, thì có thể thuận theo, song phải nhẹ nhàng cẩn thận mà làm. Như họ không chịu, hoặc á khẩu không nói được, rất không nên miễn cưỡng mà làm. Bởi người sắp chết thân thể thường đau nhức, nếu ép di động, đổi chỗ nằm hoặc tắm rửa, thay y phục, thì bịnh nhơn càng đau đớn thêm. Nhiều người tu hành phát nguyện cầu về Cực Lạc, nhưng khi lâm chung vì bị quyến thuộc di động nhiễu loạn, phá hoại chánh niệm, nên không được vãng sanh, việc này xảy ra rất thường. Hoặc kẻ mạng chung có thể sanh về cõi lành, nhưng bị người khác không biết, xúc chạm thân thể, sửa đổi tay chân làm cho đau đớn, nên sanh lòng giận tức. Do một niệm đó, liền đọa vào đường ác, làm rồng, rắn, cọp, beo, hoặc các loài độc khác. Như vua A Xà Thế tu nhiều phước lành, khi lâm chung bị người hầu cận ngủ gục làm rớt cây quạt trên mặt, nên giận chết đọa làm rắn mãng xà. Gương này không nên răn sợ ư!

Người bịnh khi lâm chung hoặc ngồi, hoặc nằm, đều tùy tiện, chớ nên gắng gượng. Nếu cảm thấy suy nhược chỉ có thể nằm, mà muốn xem cho ra vẻ, gắng gượng ngồi dậy, là điều nguy hại không nên. Hoặc theo lẽ, phải nằm nghiêng bên mặt hướng về tây, nhưng vì thân thể đau nhức phải nằm ngửa, hay nằm nghiêng bên trái hướng về đông, cũng cứ để tự nhiên chớ nên gắng gượng. Đây là chính bịnh nhơn phải hiểu như thế mà tự xử sự. Còn người thân thuộc cũng phải hiểu lẽ này, chẳng nên cầu danh, bắt người bịnh nằm nghiêng bên mặt hướng về tây, hay đỡ dậy, mặt áo tràng sửa ngồi kiết dà. Đâu biết rằng chỉ vì cầu chút hư danh, mà khiến cho người chết phải đọa tam đồ, chịu vô lượng sự khổ!

* Lúc bịnh nhơn sắp mãn phần, sự trợ niệm là điều rất cần thiết. Bởi khi ấy, người bịnh từ tinh thần đến thể chất đều yếu kém mê mờ, khó bề tự chủ. Đừng nói kẻ bình nhựt chưa tu không giữ nỗi câu niệm Phật được lâu bền; mà người bình nhựt lấy câu niệm Phật làm thường khóa, nếu không nhờ sức trợ niệm cũng khó mong đắc lực. Cách thức trợ niệm phải y theo những điều kiện như ở dưới đây:

1. Thỉnh tượng Phật Di Đà tiếp dẫn để trước bịnh nhơn khiến cho họ trông thấy. Cắm một bình hoa tươi và đốt lò hương nhẹ, khói thơm vừa thoảng để dẫn khởi chánh niệm cho bịnh nhơn. Nên nhớ khói chỉ nhẹ thôi, đừng để nhiều vì e ngột ngạt khó thở.

2. Người trợ niệm tùy theo nhiều ít nên luân phiên mà niệm. Ít thì mỗi lần một hoặc hai người, chia thành ba phiên. Nhiều thì mỗi phiên có thể độ sáu hay tám người. Nên nhớ lúc ấy bịnh nhơn sức yếu rất cần thanh khí, nếu để cho người ta vào đông, hoặc kẻ trợ niệm quá nhiều, tất làm cho người bịnh ngột ngạt xao động, có hại hơn là có lợi. Lại, các phiên phải canh theo đồng hồ mà im lặng luân chuyển nhau, để cho câu niệm Phật tiếp tục không gián đoạn, đừng kêu gọi. Mỗi phiên niệm lâu ước độ một giờ.

3. Theo ngài Ấn Quang, nên niệm bốn chữ để cho bịnh nhơn dễ thâu nhận trong khi tinh thần thể chất quá suy yếu. Nhưng ý kiến của Hoằng Nhứt đại sư, thì muốn niệm bốn chữ hay sáu chữ, tốt hơn nên hỏi bịnh nhơn, để thuận với tập quán ưa thích thuở bình nhựt của người bịnh, khiến cho họ có thể niệm thầm theo. Nếu trái với tập quán ưa thích, tức là phá hoại chánh niệm của người bịnh, tất mình cũng có tội. Lại cách trợ niệm, không nên niệm to tiếng quá, vì mình sẽ tổn hơi khó bền; không nên niệm nhỏ quá, vì e người bịnh tinh thần lờ lạc khó thâu nhận. Cũng chẳng nên niệm quá mau, bởi làm cho bịnh nhơn đã không nghe nhận được rõ ràng, lại không thể theo kịp; chẳng nên niệm quá chậm, bởi có lỗi tiếng niệm rời rạc khiến người bịnh khó liên tục nhiếp tâm. Đại khái tiếng niệm phải không cao không thấp, chẳng chậm chẳng mau, mỗi chữ mỗi câu đều rành rẽ rõ ràng, khiến cho câu niệm trải qua tai đi sâu vào tâm thức của người bịnh, như thế mới đắc lực. Lại có điều nên chú ý, khi bịnh nhơn tâm thức quá hôn trầm, niệm ở ngoài tất họ nghe không rõ. Trong trường hợp ấy, phải kê miệng sát vào tai họ mà niệm, mới có thể khiến cho người bịnh được minh tâm.

4. Về pháp khí để dùng trong khi trợ niệm, thông thường nên đánh khánh. Bởi tiếng mõ âm thanh đục, không bằng tiếng khánh trong trẻo, dễ khiến cho bịnh nhơn tâm thần thanh tỉnh. Nhưng vấn đề đó cũng tùy, vì theo kinh nghiệm riêng, Hoằng Nhứt đại sư đã dạy: "Những kẻ suy yếu thần kinh, rất sợ nghe tiếng khánh và mõ nhỏ. Bởi âm thanh của mấy thứ này chát chúa đinh tai, kích thích thần kinh khiến cho người bịnh tâm thần không an. Theo thiển ý, chỉ nên niệm suông là thỏa đáng hơn hết. Hoặc nếu có, thì chỉ nên đánh thứ chuông mõ lớn. Những món này âm thanh hùng tráng, khiến cho người bịnh sanh niệm nghiêm kính, thật hơn đánh khánh và mõ nhỏ nhiều. Thứ mõ âm thanh đục cũng không nên đánh, vì làm cho bịnh nhơn tâm thần hôn trược. Tuy nhiên, sở thích của mỗi người không đồng, tốt hơn là nên hỏi trước bịnh nhơn. Nếu có chỗ nào không hợp, phải tùy cơ cải biến, chớ nên cố chấp."

Trên đây là mấy điểm nên lưu ý về cách thức trợ niệm.

Mục C. Điều Khẩn Yếu Sau Khi Mãn Phần

Tiết 71 Khi Tắt Hơi Cho Đến Lúc Truy Tiến

Người mới tắt hơi, điều thiết yếu là không nên vội di động. Hoặc kẻ chết thân mình dính chất dơ cũng không nên gấp lau rửa, phải đợi qua tám tiếng đồng hồ, hay ít nhứt cũng ba giờ, mới được tắm rửa thay đổi y phục. Trước và sau khi chết, người thân không được khóc lóc. Bởi khóc là vô ích mà lại có hại, vì làm cho kẻ mạng chung sanh niệm quyến luyến, không được giải thoát. Chỉ nên gắng sức niệm Phật mới thật có ích cho vong nhơn. Nếu muốn khóc lóc, phải đợi tám giờ sau. Tại sao thế? Vì bịnh nhơn tuy tắt hơi nhưng thức A Lại Da còn chưa đi. Nếu khi ấy lay động, tắm rửa thay y phục, hoặc kêu khóc, họ vẫn còn cảm giác đau đớn hoặc sanh buồn giận bi thương mà phải sa đọa. Điều này rất quan hệ, rất cần yếu, nên để ý ghi nhớ kỹ.

Thuyết thăm dò hơi nóng để nghiệm xem sanh về đâu, tuy có chứng cớ, song cũng không nên câu chấp. Nếu bịnh nhơn bình thời tín nguyện chân thiết, khi lâm chung chánh niệm rõ ràng, có thể chứng nghiệm là vãng sanh. Nhiều người không kỹ, cứ mãi thăm dò, rờ chỗ này chỗ kia, làm động niệm kẻ mạng chung, cũng có hại rất lớn.

Sau khi bịnh nhơn tắt hơi, người trợ niệm vẫn phải tiếp tục niệm Phật cho đến ba giờ đồng hồ sau, để cho sự vãng sanh được bảo đảm. Trợ niệm xong, liền đóng cửa phòng lại canh chừng cho kỹ, kẻo loài mèo chó hoặc kẻ không am hiểu đổ xô vào xúc chạm, đợi mãn tám giờ sẽ tắm rửa thay đổi y phục. Nếu luôn trong tám giờ, có người ở gần bên niệm Phật, là điều rất tốt. Ngoài ra cấm tuyệt không nên làm điều chi khác. Xin nhắc lại trong khoảng thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

Sau tám giờ nếu tay chân người chết đã cứng không thể chuyển động, nên dùng vải thấm nước nóng đắp bao quanh khớp xương. Làm như thế giây lâu, có thể sửa tay chân co duỗi như thường.

Trong đám tang của người quá cố, thân nhơn nên làm đơn giản, đừng quá rườm rà mà tốn vô ích. Điều cần thiết là phải nên dùng đồ chay, chớ có sát sanh để đãi đằng cúng tế. Bất đắc dĩ cần có chút ít đồ mặn, thì nên mua thịt cá chết, hoặc người ta đã làm sẵn bán ngoài chợ. Nếu sát sanh để cúng tế đãi đằng, tất người mãn phần bị oan đối không được giải thoát. Dù kẻ mạng chung đã được vãng sanh, phẩm sen cũng vì đó mà bị giảm thấp.

Trong thời gian trước, bút giả cùng chư tăng có đi tụng kinh siêu độ cho bà kế mẫu người bạn là thượng tọa Bảo Huệ ở xã Tân Hội tỉnh Long An. Nơi đám tang, bút giả thấy dùng toàn đồ chay, có khen ngợi và hỏi thăm, thì thượng tọa đáp: "Sự cúng đãi đồ chay thật ra có do tôi khuyến hóa, nhưng phần lớn cũng nhờ động lực bởi một chuyện đã xảy ra ở xóm trên. Nguyên trên ấy có một nhà khá giàu, gia chủ mãn phần, người con cho giết nhiều bò heo gà vịt để tiếp đãi họ hàng thân thuộc và kẻ quen biết gần xa, suốt cả mấy ngày. Lúc sanh tiền gia chủ là người hiền lành phúc hậu thường ăn chay tụng niệm, lại có giao du rộng. Sau đám tang ấy, vào buổi chiều hồn ông nhập vào đứa cháu nội, mặt đỏ rần nhảy lên ván ngồi vỗ bàn kêu gọi ngay tên đứa con lại, và quát bảo: "Một đời tao tu hành làm phước, không tội lỗi chi nặng, đáng lẽ được sanh đến chỗ giàu sang. Nay bị mày sát sanh quá nhiều để cúng đãi, nên tao bị oan đối không được giải thoát. Hiện thời tao bị quản thúc phạt vạ, phải chăn giữ một bầy bò heo gà vịt, chạy trong bùn lầy gai gốc, thật khổ sở vô cùng!" Thuật xong câu chuyện, thượng tọa cười bảo: "Chính nhờ việc đó đồn vang ai cũng đều biết, lại mới xảy ra cách đây ít tháng, người nhà đã tin tưởng kinh sợ, nên tôi mới vừa đề nghị là được chấp thuận liền." Việc sát sanh đãi đằng cúng tế trong đám tang, Kinh Địa Tạng cũng đã có nói rõ sự nguy hại, vậy hàng Phật tử nên để tâm ghi nhớ.

Khi làm Phật sự truy tiễn cho người quá vãng, thân nhơn nên đem công đức ấy hồi hướng khắp chúng sanh trong pháp giới. Như thế, công đức sẽ càng thêm lớn, mà sự phước lợi của vong nhơn cũng nhân đó được tăng thêm nhiều.

Những điểm dự bị về lúc lâm chung trên đây, phần lớn bút giả rút lấy ý kiến của các bậc danh đức như ngài „n Quang và Hoằng Nhứt đại sư mà dung hội lại. Bởi buổi lâm chung chính là lúc quan yếu nhứt trong cuộc đời người. Nếu trước chưa dự bị tư lương vãng sanh cho đầy đủ, đến chừng ấy khó khỏi kinh hoàng bối rối, kêu cầu không kịp, nghiệp ác trong nhiều kiếp đồng thời hiện ra, làm sao giải thoát?

Cho nên khi lâm chung tuy nhờ người y theo phương pháp mà trợ niệm, nhưng chính mình lúc bình nhựt phải cố gắng tu trì chừng ấy mới được tự tại.

Xin các bạn tu tịnh nghiệp sớm lưu tâm dự bị, để đồng được dự phẩm sen nơi hải hội Liên Trì.

Tiết 72 Những Gương Đắc Thất Về Sự Trợ Niệm

1. Sự tích cư sĩ Lưu Cảnh Liệt

Cư sĩ Lưu Cảnh Liệt, người tỉnh Giang Tây ở Trung Hoa, buổi thiếu thời có sang lưu học Nhựt Bản. Sau khi quang phục, ông từng làm nghị viên ở quốc hội và ty trưởng nhiệm chức phương ty. Anh của cư sĩ là Cảnh Hy, vốn hàng quan thân, từ lâu đã mến chuộng Phật học, nên đối với cửa đạo, cư sĩ cũng khẳng khái hộ trì. Ông đã làm nhiều điều công đức, như việc trùng tu ngôi Thọ Lượng cổ sát, xuất tư sản mua chuộc ruộng hương hỏa cho chùa, lại thỉnh Đại Xuân hòa thượng về trụ trì. Khi Đức Sum pháp sư đề xướng việc đúc pho tượng Quán Âm Đại Sĩ bằng đồng, cao hai mươi tám thước, cư sĩ cũng bôn tẩu góp quyên cho đến khi hoàn thành Phật sự.

Năm Dân Quốc 22, Cảnh Liệt nhân tỵ nạn chiến tranh đến Tô Châu, quy y với „n Quang đại sư, được pháp danh là Đức Thành. Từ đó ông giữ lục trai và chuyên tu tịnh nghiệp. Khi chưa vào đạo, Cảnh Liệt thích đánh cá lưới chim, tạo nghiệp sát cũng nhiều. Do nhân ác đó về sau cư sĩ mang chứng ghẻ Đối Khẩu Sang rất nguy kịch, ngày đêm đau nhức rên la. Trong cảnh khổ, ông phát nguyện dứt trừ nghiệp ác, chuyên niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm bỗng nghe mùi hương lạ bay ngào ngạt, bịnh lần lần thuyên giảm.

Đến năm Dân Quốc 25, cư sĩ mới trở lại quê hương. Tuy lòng tin đã phát, nhưng vì việc đời việc đạo bận rộn quá nhiều, nên về phần thật hành, ông chưa được chuyên thuần, mỗi ngày chỉ tùy duyên niệm Phật chút ít mà thôi. Sang năm Dân Quốc 27, do nghiệp sát đời này và đời trước, cư sĩ lại phát sanh bịnh nặng. Lâu ngày triền miên trong cơn bịnh khổ, ông khó kham nhẫn, liền bảo con là Lưu Phát Trang xuất tiền gởi Đức Sum pháp sư nhờ cúng dường ngài „n Quang và làm các việc công đức để cầu mau tiêu tội. Pháp sư viết thơ trả lời khuyên cư sĩ nên trường trai, nhưng dây dưa mãi đến cuối năm ông mới thật hành được.

Qua năm Dân Quốc 28 bịnh thế của cư sĩ càng thêm nặng. Vợ con ông đều là đệ tử quy y của ngài „n Quang, đã biết sự khẩn yếu lúc lâm chung, vội thỉnh chư tăng ở chùa Thọ Lượng đến trợ niệm. Ngày mười chín tháng giêng năm ấy, cư sĩ biết mình sẽ từ trần, bảo người nhà đem ghế đỡ ra trước sân ngồi để thay đổi thanh khí. Sau khi gọi anh em dặn dò hậu sự và bảo con là Phát Trang quì nghe di chúc xong, thần sắc ông bỗng đổi khác. Vợ con thấy thế liền đỡ vào nhà, đem tượng Di Đà tiếp dẫn đến để trước mặt cư sĩ, rồi cùng chư tăng lớn tiếng trợ niệm danh hiệu Phật. Đã vài tháng cư sĩ bị bịnh xuội hết một cánh tay trái, nhưng khi thấy tượng Phật, ông bỗng hoạt động được như thường, hai tay chắp lại, miệng niệm Phật, mặt lộ vẻ hớn hở vui mừng. Lúc đó, dường như ông không còn cảm thấy thống khổ, tùy theo mọi người niệm Phật giây lâu, rồi an lành thoát hóa.

Cư sĩ vãng sanh vào lúc được sáu mươi mốt tuổi. Mấy tháng ông bị bịnh khổ là do nghiệp sát sanh chuyển thành khinh báo trong hiện tại. Đến khi lâm chung nhờ sức trợ niệm nên hiện ra điềm tốt, có thể gọi là: các căn vui đẹp, chánh niệm phân minh, xả báo an lành, như vào thiền định. Như thế sự vãng sanh Tây Phương đã chắc không còn nghi ngờ nữa. Lúc tang tế đãi khách, cả nhà tuân theo lời ngài „n Quang, dùng toàn đồ chay, ai nấy đều khen ngợi.

Sự việc cư sĩ được vãng sanh, tuy do căn lành đã thành thục, mà cũng nhờ sức trợ niệm lúc lâm chung. Vậy đối với điểm khẩn yếu rốt sau, chư liên hữu cần để tâm chú ý.

2. Sự tích nữ cư sĩ Đức Hoằng

Nữ cư sĩ Đức Hoằng, là vợ của một người họ Lý ở Dương Châu. Nhân vì chồng có vợ bé mà mình lại không sanh dục, cô khó nỗi yên thân nơi nhà, nên đến nương ngụ với kế mẫu là nữ cư sĩ Đinh Đức Nguyên. Bà Đức Nguyên cũng thương cô như con đẻ, đôi bên nương nhau tình thân thiết hai mươi năm như một ngày.

Đức Hoằng cư sĩ trường trai tu tịnh nghiệp, hôm sớm rất chuyên cần. Cô và kế mẫu vì nghĩ duyên đời phước bạc, quyến thuộc điêu linh, nên nương tựa nhau cùng làm bạn pháp trên đường đạo. Luận về sự tín hướng và công hạnh tu trì lúc bình nhựt, thì mỗi mỗi cô đều vượt xa hơn Lưu Cảnh Liệt cư sĩ. Chỉ tiếc vì túc nghiệp cuốn lôi, nhân duyên khiếm khuyết, nên cô hằng gặp cảnh chướng nạn không mấy lúc được yên thân.

Năm Dân Quốc 27, nhân thấy miền Vũ Hán sắp chìm trong cuộc chiến, hai mẹ con liền từ Hương Cảng đến thị xã Hộ tạm lánh nạn. Bấy giờ vì vật giá lên cao, mướn nhà rất khó, mà ở lâu nơi khách sạn tổn phí nhiều lại càng bất tiện. Duyên may nhờ Diệu Chân hòa thượng xót thương, mở một gian tịnh thất nơi chùa Thái Bình để cho mẹ con cô và ba người Phật tử tản cư nữa cùng ở.

Năm Dân Quốc 28, vào khoảng tháng ba, Đức Hoằng cư sĩ bỗng cảm chứng thương hàn. Dây dưa qua đến tháng tư, thuốc thang đều vô hiệu. Bịnh thế mỗi ngày càng thêm nặng. Lúc ấy trong chùa Phật sự nhiều, phòng xá lại ít, nếu để chết tại đó thấy có điều bất tiện, nên bất đắc dĩ bà kế mẫu phải đưa cô vào y viện. Chương trình nơi đây đều theo cách thức Tây Phương, muốn được tự do trợ niệm trong lúc lâm chung, thật khó toàn vẹn. Đức Hoằng cư sĩ vào y viện được hai ba ngày, người biết Phật pháp không thể tới lui hộ trợ, nên buổi sáng ngày mười tám tháng tư, cô mãn phần một cách hồ đồ trong y viện. Lúc ấy nữ cư sĩ được năm mươi mốt tuổi.

Như Đức Hoằng cư sĩ xác thực là người có tín tâm tu trì. Nếu khi lâm chung được sự trợ niệm đúng pháp, tất điềm lành tướng tốt vãng sanh không ở sau Lưu cư sĩ. Cũng bởi cơ duyên trở ngại, nên đời này cô không thọ dụng được công hạnh tu niệm lúc bình thời, chỉ gây nhân đắc độ về sau mà thôi. Việc xảy ra thật đáng tiếc cho cô, song cũng cho ta thấy sự trợ niệm lúc lâm chung quả là trọng yếu.

3. Sự tích cư sĩ Dương Liên Hàng

Cư sĩ Dương Liên Hàng, người thời Trung Hoa Dân Quốc, quê ở huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Ông nhà nghèo từ nhỏ theo nghề buôn bán, tánh lịch thiệp quán xuyến hơn người.

Năm Dân Quốc thứ mười một, Liên Hàng được biết người bạn cùng xóm là Đồng Giác Hàng tu tịnh nghiệp, trong lòng ưa thích hằng qua lại để nghe lời chỉ giáo. Sau đó, ông thọ quy giới làm hàng Phật tử tu tại gia. Phần văn học tuy cư sĩ còn yếu kém, song về nghĩa lý kinh Phật, sự giải ngộ lại hơn người. Tháng chín năm Quý Hợi, các bạn ở Liên Xã ước hẹn cùng nhau thệ nguyện phát lòng Bồ Đề, Liên Hàng cũng có dự trong cuộc lễ ấy.

Cuối mùa Xuân năm Giáp Tý, vì đau bịnh, cư sĩ lén phá giới sát sanh, nhân đó lần lần xa cách với các liên hữu. Đến tháng bảy, bịnh ông càng thêm nặng, bạn đồng tu đến thăm, ai cũng bảo rằng tất sẽ chết. Liên Hàng cũng xét biết mình khó sống, tự cảnh giác ăn năn việc đã làm. Đầu tháng tám, ông gượng đau đến trước bàn Phật, hết lòng phát lộ chí thành sám hối, nguyện giữ lại năm giới, thề không tái phạm. Từ đó cư sĩ buông bỏ muôn duyên, dứt trừ ái dục, một lòng thầm niệm hồng danh Phật, chờ đến lúc mạng chung. Các liên hữu biết công phu trì niệm của cư sĩ còn cạn, nên trước khi ông lâm chung sáu ngày, thỉnh người đến trợ niệm. Mấy hôm rốt sau, những bạn đồng tu cũng tự mình đến niệm Phật giúp duyên.

Cuộc trợ niệm khởi đầu từ ngày mười hai tháng tám. Qua ngày rằm, Liên Hàng bỗng tự cảm thấy thần khí thanh nhẹ tươi tỉnh. Đến ngày mười bảy cư sĩ bảo trong giấc mơ thấy một vầng ánh sáng như năm sáu ngọn đèn điện chói lòa. Vào chiều tối, xem thần sắc ông cũng như thường, các liên hữu cho là chưa đến giờ, tiếp tục niệm Phật tới sang canh hai, rồi sắp sửa muốn ra về. Các vị ấy không ngờ rằng, lúc đó sự trợ niệm đã đến hồi tinh thuần đắc lực.

Liên Hàng nghe tiếng niệm Phật bỗng ngưng bặt, liền nói: "Tôi hãy còn chưa đến Tây Phương, mong nhờ chư liên hữu trợ niệm cho suốt đêm nay." Chúng nghe lời nói có vẻ khác lạ, lại cao tiếng niệm Phật. Không đầy nửa giờ sau, cư sĩ bỗng cười bảo: "Tôi đã đến Tây Phương. Ôi! Ao thất bảo to rộng quá! Kìa! Hoa sen thật là đẹp! Ánh quang minh cũng sáng đẹp vô cùng!" Rồi ông lại dặn đại chúng cao tiếng trợ niệm đừng nghỉ. Từ trước Liên Hàng vẫn lặng lẽ nằm yên. Đến lúc bây giờ tay và đầu ông đều hoạt động, miệng liên tiếp nói to: "Ôi! Hoa sen thật tươi xinh! Ao báu thật sáng đẹp!" Lúc ấy mặt của cư sĩ tươi cười hớn hở, trông như người bất chợt có việc vui mừng vượt quá hy vọng. Như thế qua một giờ sau, ông trở lại lặng yên không nói, tay chân cũng không động, chỉ nằm ngửa mắt chăm chú nhìn tượng Phật trước giường. Kế tiếp đôi tròng lần lần lờ lạc, hơi thở cũng lần yếu mòn. Đến năm giờ sáng ngày mười tám, cư sĩ mới tắt hơi.

Đêm ấy liên hữu chỉ có bốn người, mà vừa thay phiên nhau lớn tiếng trợ niệm suốt đêm, vừa thỉnh thoảng lại xen đôi lời sách tấn. Như thế cứ tiếp tục niệm cho đến sau khi cư sĩ tắt hơi một giờ rưởi, mới đổi phiên cho những vị khác vừa đến. Sự trợ niệm vẫn tiếp tục cho tới lúc thân thể kẻ mãn phần lạnh hẳn, người nhà đều bị ngăn không được khóc thương. Đến mười giờ trưa, một liên hữu thăm dò thử, thì các nơi khác đều lạnh, duy đảnh đầu còn nóng như nước sôi.

Trong kinh, có bài kệ nói:

Đảnh Thánh, mắt sanh trời.
Người tim, ngạ quỉ bụng.
Bàng sanh ra đầu gối.
Địa ngục lòng bàn chân.

Khi người chết các nơi khác đều lạnh, duy đảnh đầu nóng sau rốt, là kẻ ấy đã sanh về cõi Thánh, cõi Phật; mắt nóng sau rốt là sanh lên cõi trời; chỗ tim ngực nóng sau rốt là sanh lại cõi người. Còn nếu ở bụng thì kẻ đó sanh về cõi ngạ quỉ, ở đầu gối đầu thai vào loài bàng sanh; ở lòng bàn chân, tất đọa xuống địa ngục. Thần thức thoát ly từ nơi nào, thì chỗ đó nóng sau cùng. Cư sĩ đảnh đầu nóng sau rốt, chứng tỏ ông đã vãng sanh về Cực Lạc vậy.

Như Liên Hàng cư sĩ, giới phẩm không tròn, công hạnh tu trì lại còn non kém. Nhưng không được vãng sanh, xét ra toàn nhờ sức trợ niệm của các bạn đồng tu. Xem đây, ta thấy sự trợ niệm rất thiết yếu cho hành giả lúc lâm chung. Bấy giờ nhằm ngày 18 tháng bảy, năm Dân Quốc thứ 13 (1924), cư sĩ được ba mươi tuổi.

ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | Mục lục

"Niệm Phật Thập Yếu", Hòa thượng Thích Thiền Tâm, Tịnh Liên Đồ Thư Quán ấn tống.
Đánh máy: Huệ Toàn - Trích: Niệm Phật Viên Thông, https://www.vnet.org/phatgiao/


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 20-09-2001