BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode CN-Times font


Ðường vào Thiền học
PHÁP CHÁNH ÐỊNH và SƯU TẬP PHÁP

Hòa thượng HỘ TÔNG


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn CN-Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

[1.3]

-ooOoo-

MƯỜI ÐỀ MỤC TỬ THI

TỬ THI MỚI SÌNH (uddhumātaka asubha)

Khi hành giả muốn niệm đề mục tử thi mới sình, nên tìm thụ giáo với một vị thiền sư như đã có giải trước; phải học phương pháp đi đến chỗ để tử thi, phương pháp phân biệt tử thi bên cạnh, phương pháp tầm tử thi, làm đề mục, phương pháp quan sát, theo đường đi tới, trở lui, cho dễ cách nhập định, đi ngụ nơi thuận cảnh theo pháp chánh định, và tìm tử thi để quán tưởng.

- Thế nào là học phương pháp đi đến chỗ để tử thi?

- Phải học cho biết: Trước khi đến chỗ để tử thi, phải cho sư cả biết, rồi mới nên đi, mà chẳng nên đi 2 hoặc 3 vị. Phải niệm Phật luôn luôn, đừng gián đoạn. Phải cầm tích trượng mà đi, để ngừa tai nạn xảy đến (chó, rắn...). Phải chăm chỉ mà đi, lục căn cho thanh tịnh. Phải phân biệt phương hướng, biết cửa nẻo, biết đường đi ra, đi vào. Phải biết bên tả, bên hữu, nơi nào có những vật gì. Chẳng nên đi phía dưới gió mà vào chỗ để tử thi.

- Chỗ nói: Học phương pháp để phân biệt tử thi bên cạnh ấy là thế nào?

- Phải học cho biết: Khi đi đến t? thi rồi, chẳng nên chăm chỉ xem tử thi trước, phải tìm cho biết phương hướng quán tử thi cho rõ rệt, phải dùng khoảng, không trên gió, không dưới gió, không xa, không gần lắm, không quay về bên đầu hoặc bên chân lắm. Phải phân biệt chung quanh cho biết trước phía nào có những vật gì (đá, gò mối...) nhỏ hoặc lớn, thấp hoặc cao. Phải ghi vào tâm những vật bên cạnh tử thi rằng: đây đá, kia tử thi...

- Chỗ nói học phương pháp tìm tử thi làm đề mục ấy như thế nào?

- Phải học cho biết: Phương pháp quan sát tử thi theo 11 điều như sau đây:

1.- Vaṇṇato: Ðây là thi hài của người trắng hoặc đen v.v...

2.- Lingato: Ðây là thi hài của người ấu niên, trung niên hoặc lão niên;

3.- Santhānato: Ðây về phần đầu, hoặc về phần chân v.v...

4.- Sisato: Trong thi hài này, từ rún trở xuống về phần dưới, từ rún trở lên về phần trên: "Ðây về phần dưới, đây về phần trên", hoặc ghi nhớ cho biết: "Ta đứng trong phần này, tử thi ở phía này".

5.- Okāsato: "Tay ở phía này, chân ở phía này", "hoặc ta đứng ở phía này, tử thi ở phía này";

6.- Paricchedato: Phân biệt cho biết: "Thi hài này; phía dưới tới bàn chân, phía trên tới ngọn tóc,chung quanh có da bao bọc, trong khoảng ấy chỉ đầy những 32 thể trược, hoặc phải cho biết: "Tay chừng này, chân chừng này";

7.- Sandhito: Phân biệt cho biết trong cả thi hài, có 180 khớp xương;

8.- Vivarato: Phân biệt cho biết: khoảng trong tay chân và bụng;

9.- Ninnato: Phân biệt cho biết chỗ hõm tử thi, như: mắt, miệng v.v...; phân biệt cho biết; ta đứng chỗ thấp, tử thi nơi cao.

10.- Unnatato: Phân biệt cho biết chỗ gò của tử thi (đầu gối v.v...), hoặc phân biệt cho biết ta đứng chỗ cao, tử thi ở dưới thấp.

11.- Samantato: Phải đem trí tuệ quan sát khắp cả tử thi cho đều đủ, nếu chỗ nào phát sanh ra rõ rệt, phải ghi nhớ chỗ ấy.

Chỗ nói phải học phương pháp quan sát theo đường, đi đến, đi về ấy như thế nào?

Phương pháp quan sát theo đường đi đến đã có giải trong phương pháp đi đến chỗ để tử thi ở đoạn trước.

Ðây chỉ giải về phương pháp quan sát theo đàng về. Khi hành giả đã quan sát tử thi chín chắn rồi mà cũng chưa thấy kết quả mỹ mãn thì nên trở về chỗ ngụ. Lúc trở về phải luôn luôn ghi nhớ đề mục tử thi ấy. Phải chăm chỉ mà đi, lục căng phải thanh tịnh. Khi ra khỏi chỗ để thi hài mộ địa, phải nhớ đàng đi, nhớ phương hướng, nhớ vật kế cận cho đều đủ, như khi đến. Về đến chỗ ngụ rồi, nếu đứng, đi hoặc ngồi thì phải cho kỹ càng, day mặt qua phía để tử thi. Phải đem ý tìm nhớ tử thi mà mình đã quan sát ấy để niệm tưởng.

- Phương pháp phân biệt tử thi bên cạnh, có sự hữu ích thế nào?

- Phương pháp ấy làm cho mình không lầm lạc trong khi tử thi bày dạng đáng ghê gớm.

Phương pháp niệm tử thi theo 11 điều đã giải trên, để buộc chặt đề mục thiền định cho phát sanh uggahanimitta, paṭibhāgangimitta và nhập định, cho đến khi đắc quả A La Hán, nếu hành giả niệm thêm pháp minh sát.

Phương pháp quan sát theo đường đi đến và đi về là cho được kết quả trong khi hành giả công phu có uggahanimitta, đi trở về chỗ ngụ. Nếu uggahanimitta hư hoại, hành giả hành y theo phương pháp ấy, triệu chứng ắt phát sanh trở lại.

Khi hành giả đã học những phương pháp đã giải trên nơi vị Thiền sư đều đủ rồi, nếu hay tin có tử thi sình ở nơi nào, nên tìm đến để quan sát y theo phương pháp đã giải. Ði đến chỗ rồi, đứng hoặc ngồi quan sát (không xa hoặc không gần lắm) vừa xem thấy tử thi cho rõ rệt. Phải tin rằng: "Ta chắc sẽ được thoát khỏi những thống khổ luân hồi, do nhờ học pháp thiền định chân chánh này".

Phải phấn chí hành cho tinh tấn, phải hết lòng thỏa thích, phải đem cả tinh thần vào đề mục Thiền định ấy và mở mắt nhìn xem, ghi nhớ và niệm như vầy: uddhumātakam patikūlam, uddhumātakam patikūlam v.v... Tử thi sình đáng ghê gớm, Tử thi sình đáng ghê gớm v.v..." và nhắm mắt lại cũng niệm như thế đến 100, 1000 lần, cho đến khi uggahanimitta phát sanh ra rõ rệt, mở mắt cũng thấy, nhắm mắt cũng thấy như nhau. Ðến khi ra khỏi nơi ấy, về đến chỗ ngụ của mình cũng hằng nhớ niệm luôn luôn như thế cho đến khi paṭibhāgangimitta phát sanh.

Trong đề mục tử thi này, uggahanimitta phát sanh ra có điều lạ, là đáng ghê gớm lắm. Còn paṭibhāgangimitta phát sanh ra như người có tay, chân, mắt, mũi đều đủ thân thể to béo, như người mới dùng cơm no nằm ngủ. Ðến đây, 5 phép che lấp và các phiền não của hành giả đều dần dần êm lặng, tâm an trụ vào bậc gần nhập định (upacārasamādhi). Nếu hành giả tinh tấn niệm luôn đề mục thiền định ấy, ắt sẽ nhập định được. Nhưng đề mục thiền định này chỉ có thắng lực đem đến bực sơ định thôi, chớ không có thể kết quả đến bực định trên nữa. Chín đề mục tử thi sẽ giải ra sau cũng vậy.

TỬ THI SÌNH SẮC XANH (vinilaka asubha)

Chín đề mục tử thi giải tiếp sau đây có phương pháp giống nhau gần đều đủ, cho nên không cần giải nhiều, trừ ra chỗ nào khác nhau thì mới nói. Chỗ nào không giải rộng, xin xem lại trong đề mục tử thi trên.

Trong đề mục tử thi có sắc xanh, phải niệm như vầy:

"Vinilakam, patikūlaṃ, vinilakam, patikulam v.v..." Tử thi sình có sắc xanh đáng ghê gớm, Tử thi sình có sắc xanh đáng ghê gớm v.v...". Uggahanimitta phát sanh ra có nhiều màu sắc, còn patibhāgangimitta có nhiều sắc: đỏ, trắng, xanh; sắc nào nhiều hơn sẽ trở nên rõ rệt.

TỬ THI SÌNH CÓ MỦ CHẢY BÊN TRÊN, BÊN DƯỚI (vipubbaka asubha)

Trong đề mục tử thi này, phải niệm như vầy: "Vipubbakam patikulam, vipubbakam patikulam v.v... Tử thi sình có mủ chảy bên trên, bên dưới v.v... Tử thi sình có mủ chảy bên trên, bên dưới v.v...". Uggahanimitta phát sinh ra như có mủ đang chảy ra, còn patibhāgangimitta như tử thi có mủ nhưng im lặng.

TỬ THI MÀ BỊ NGƯỜI CHẶT ÐỨT NỬA THÂN MÌNH (viccheddaka asubha)

Trong đề mục tử thi này, thường có ở nơi chiến trường, hoặc trong chỗ có bọn cướp hay cư ngụ, trong chỗ giết tội nhơn, hoặc nơi có thú dữ (cọp, beo), chỗ nên hành giả tìm kiếm được tử thi ấy trong một nơi nào, nếu tử thi đứt lìa xa nhau, phải gom tinh thần, niệm hiệp dính lại làm một, hoặc nhờ người hoặc tự mình dùng cây hiệp tử thi lại (chẳng nên mó tay vào), và phải niệm như vầy "Vicchedakam patikūlam, vicchedakam patikūlam v.v... Tử thi người chặt đứt nửa thân mình đáng ghê gớm v.v...". Uggahanimitta phát sanh ra như tử thi đứt lìa phân nửa, còn patibhāgangimitta như tử thi dính lại làm một.

TỬ THI CÓ THÚ BƯƠI, MOI ĂN (vikkhayitaka asubha)

Trong đề mục tử thi này, phải ghi nhớ niệm như vầy: "Vikkhayitakam patikūlam; vikkhayitakam patikūlam, v.v... Tử thi có nhiều dấu thú bươi ăn, đáng ghê gớm, Tử thi có nhiều dấu thú bươi ăn, đáng ghê gớm v.v..".

Ấn chứng uggahanimitta trong đề mục tử thi này phát sanh ra như có nhiều dấu thú bươi ăn, còn paṭibhāgangimitta phát sanh ra như tử thi còn đều đủ.

TỬ THI BỊ NGƯỜI CHẶT ÐỨT LÌA TỪNG ÐOẠN RẢI RÁC (vikkhittaka asubha)

Trong đề mục tử thi này, phải ghi nhớ niệm như vầy: "Vikkhittakam patikūlam, vikkhittakam patikūlaṃ v.v...". Tử thi bị người chặt đứt lìa từng đoạn rải rác đáng ghê gớm, Tử thi bị người chặt đứt lìa từng đoạn rải rác đáng ghê rớm v.v...".

Uggahanimitta trong đề mục tử thi này phát sanh ra như tử thi đứt lìa ra từng mảnh, còn patibhāgangimitta phát sanh ra như tử thi còn đều đủ.

TỬ THI BỊ NGƯỜI BẰM NHIỀU DẤU (Hatavikkhitaka asubha)

Trong đề mục tử thi này phải ghi nhớ, niệm như vầy: "Hatavikkhittakam patipūlam, hatavikkhittakam patikūlaṃ" v.v.. Tử thi bị người bằm nhiều dấu, đáng ghê gớm. Tử thi bị người bằm nhiều dấu, đáng ghê gớm v.v..".

Uggahanimitta trong đề mục tử thi này phát sanh ra có dấu bằm đứt; còn patibhāgangimitta phát sanh ra như tử thi còn nguyên.

TỬ THI CÓ MÁU CHẢY LẤM LEM (Lohitaka asubha)

Hành giả phải tìm đề mục tử thi này tại nơi chiến trường, như đã có giải trong đề mục "Tử thi bị người chặt đứt nửa thân mình (viccheddaka asubha)"; nhưng chỉ phải niệm trong khi máu đương chảy ra, bằng không thì niệm trong khi máu chảy ra mấy chỗ nứt sình, hoặc ngoài tử thi ra cũng được (người còn sống bị thương tích). Phải ghi nhớ niệm như vầy: "lohitakam patikūlaṃ, lohitakam patikūlaṃ" v.v... Tử thi có máu chảy lấm lem đáng ghê gớm, Tử thi có máu chảy lắm lem đáng ghê gớm v.v..".

Uggahanimitta trong đề mục tử thi này phát sanh ràng ràng như miếng vải đỏ bị gió thổi phất phơ. Còn paṭibhāgangimitta phát sanh ra có sắc đỏ yên lặng.

TỬ THI CÓ DÒI ĂN TỪ TRONG CỬU KHIẾU BÒ RA (Pulovaka asubha)

Trong đề mục tử thi này, phải niệm trong khi dòi từ trong cửu khiếu bò ra, hoặc trong khi hài cốt rời ra từng đoạn, chỉ còn dòi từng cục như cục cơm cũng được, dầu hài cốt ấy là loài thú (chó, ngựa, trâu, bò...) cũng niệm được cả. Phải ghi nhớ niệm như vậy: "puluvakam patikulam, puluvakam patikulam" v.v... Tử thi bị dòi ăn từ trong cửu khiếu bò ra đáng ghê gớm.

Uggahanimitta trong đề mục tử thi này phát sanh ra như rung rinh; còn pathibhāgangimitta phát sanh ra yên lặng như cục cơm vậy.

TỬ THI CHỈ CÒN XƯƠNG KHÔNG, RỜI RÃ TỪNG ÐOẠN (Atthika asubha)

Trong đề mục tử thi này, dầu chỉ còn xương không hoặc rời rã từng đoạn mà chỉ còn một hai đoạn mục nát đến đâu cũng đều dùng để niệm được cả. Phải ghi nhớ niệm như vậy: "Atthikam patikūlam, atthikam patikūlaṃ v.v... Tử thi chỉ còn xương không, rời rã ra đáng ghê gớm, Tử thi chỉ còn xương không, rời rã ra đáng ghê gớm v.v...".

Uggahanimitta phát sanh ra như tử thi chỉ còn xương rời xa nhau từng chặng, còn patibhāgangimitta phát sanh ra như tử thi còn đều đủ.

Trong 10 đề mục tử thi này, khi hành giả niệm phát sanh patibhāgangimitta thì 5 phép che lấp (nivaranadharma) dần dần yên lặng; hành giả được vào bậc gần nhập định, rồi sẽ nhập định được, nhưng chỉ nhập định đến bậc sơ thiền thôi. Dầu hành giả có gắng niệm đến đâu cũng chẳng có thể nhập định bậc trên, hoặc đắc nhãn thông, nhĩ thông được, chỉ thấy tử thi rõ rệt khắp mặt đất. Tuy nhiên, nếu hành giả tu thêm phép minh sát thì sẽ đắt đến A La Hán quả.

MƯỜI ÐỀ MỤC NIỆM NIỆM

NIỆM NIỆM ÐỨC CỦA PHẬT (Buddhānussati)

Khi hành giảmuốn niệm đức của Phật, phải nhất tâm qui ngưỡng đức của Phật không thối chuyển và tìm nơi thanh vắng, chăm chỉ ghi nhớ đức của Phật. Khởi đầu niệm từ: Itipiso bhagavā araham (Ðức Thế Tôn có hiệu Á RÁ HĂN) cho đến ... bhagavā (xem thêm trong Kinh "Nhật Hành"). Phải lựa trong 10 hiệu Phật mà niệm như vầy:

"So bhagavā itipi araham" : Ðức Thế Tôn, hiệu Arahaṃ bởi Ngài đã xa lìa các phiền não và tiền khiên tật rồi, Ngài đã bẻ gãy bánh xe luân hồi, Ngài đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường, và Ngài không làm việc tội lỗi trong nơi khuất lấp...

Hành giả nhớ niệm niệm đức của Phật y theo lời giải trên, tâm sẽ dần dần xa lìa phiền não, rồi an trụ theo đức của Như Lai, luôn cả 5 phép che lấp cũng do đó mà êm lặng. Nhờ chi thiền, tầm sát, phỉ lạc đã phát sanh, làm cho thân tâm không còn quyến luyến theo thế sự, tâm của hành giả khắn khít trong đức Phật mà được vào bực gần nhập định.

Ðề mục niệm niệm đức của Phật, chỉ có thắng lực đem tâm hành giả đến bực gần nhập định thôi, không có thể vào sơ thiền được, bởi đức của Phật rất cao thâm, hành giả chẳng có thể nhớ ghi cho cùng tột được, dầu cho 7 đề mục niệm niệm (trừ ra đề mục niệm theo thân thể và hơi thở sẽ giải ra sau) cũng chỉ có thắng lực đem tâm hành giả đến bực cận định thôi.

NIỆM NIỆM PHÁP (Dhammānussati)

Nếu hành giả muốn niệm đề mục niệm Pháp, phải một lòng tín ngưỡng đức của Pháp và tìm nơi thanh vắng chăm chỉ nhớ ghi đức của Pháp học và Pháp hành, kể từ Svakkhato, bhagavatā, dhammo... cho đến paccattam veditabbo viññuhi, và phải lựa một đức nào để niệm cho thấy rõ triệu chứng phát sanh.

NIỆM NIỆM TĂNG (Sanghānussati)

Nếu hành giả muốn niệm đề mục niệm Tăng, phải hết lòng tín ngưỡng đức của Tăng và tìm nơi thanh vắng, chăm chỉ nhớ ghi đức của Thánh Tăng, kể từ Supatipañño bhagavato... cho đến anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa và phải dùng mỗi đức để niệm niệm.

NIỆM NIỆM GIỚI (Sīlānussati)

Nếu hành giả muốn niệm đề mục niệm giới, phải hành cho giới của mình đã thọ trì được trong sạch và tìm nơi thanh vắng, chăm chỉ niệm niệm đức của Giới như vầy: "Aho vata mesīlāni akhandāni acchiddāni asabalāni akammāsāni bhujissāmivinnupasatthāni aparāmatthāni samādhi samvattanikāni". Nghĩa: Ô! Giới của ta thọ trì không hư hoại, không nhơ bợn, thoát khỏi vòng ái dục và tà kiến đáng cho bực minh triết nhứt là Ðức Phật ngợi khen. Giới được trong sạch ắt sanh thiền định.

NIỆM NIỆM SỰ THÍ (Cāgānussati).

Nếu hành giả muốn niệm đề mục niệm sự thí, phải một lòng tín thành trong việc thí, bằng chia sớt của cải cho người. Trong thời công phu phát nguyện rằng: Nếu có kẻ đến xin, mà ta chưa được cho, dầu là một vắt cơm, thì ta cũng chẳng ăn trước". Khi ta được bố thí ít nhiều cho một bậc đại đức nào rồi, ta phải tìm nơi thanh vắng, chăm chỉ nhớ niệm sự thí mà ta đã làm như vậy: "Lābhāvata me suladdham vata me yoham maccheramalapariyutthitāya pajāya vigatamalamaccherena cetasā viharāmi muttacāgo payatapāni vossaggarato yācayogo dānasamvibhāgarato", nghĩa: Năm quả báo mà Ðức Phật ngợi khen là tài lợi của thí chủ, quả báo ấy là của ta thật (năm món quả báo trong sự thí: được sống lâu, sắc đẹp, yên vui, sức mạnh và giàu sang). Phật - Pháp hoặc hình thể con người mà ta đã được đây gọi là được theo lẻ chánh (bởi chúng sanh bị lắm nhơ vì bị lòng bỏn sẻn) ta đem của ra tự mình bố thí theo lẻ đạo, đó là cách hành động của người ưa thích việc đem của mình chia cho người khác.

NIỆM NIỆM ÐỨC TIN CỦA CHƯ THIÊN (Devatānussati)

Nếu hành giả muốn niệm đề mục này, phải hết lòng tín ngưỡng, nhất là đức tin Chư Thiên và tìm nơi thanh vắng chăm chỉ niệm đức tin của Chư Thiên và đức tin của mình như vầy: "Chư Thiên trong cõi Tứ Ðại Thiên Vương (cātummahārajikā), Chư Thiên trong cõi Trời Ðạo Lợi (tavatina), từng Dạ Ma Thiên (yāmā), Ðấu Xuất Ðà (tusitā) v.v... trong cõi Phạm Thiên hoặc trên nữa, tất cả Chư Thiên đó đều nhờ Tin, Giới, Văn, Thí, Tuệ và có trạng thái thế nào ở cõi người mới sanh lên cõi Ðức Thiên hoặc cõi Phạm Thiên, ta đây cũng có trạng thái như thế ấy.

NIỆM NIỆM SỰ CHẾT (Maranānussati)

Nếu hành giả muốn niệm sự chết, phải tìm ở nơi thanh vắng và niệm như vầy: "Maranam bhavissati jivitindriyam upacchijjissati", nghĩa là: Sự chết hẳn có thật, sanh mạng con người phải tiêu diệt. Hoặc niệm: maranaṃ... maranaṃ... Sự chết... Sự chết... cũng được.

Nếu đã niệm như thế đó rồi, 5 phép che lấp chưa yên lặng, ý nhớ chưa trọn đủ, tâm chưa đến gần nhập định thì phải suy gẫm đến sự chết, theo 8 điều sau này:

1.- Vadhakapaccupatthānato: Phải nhớ: Thấy sự chết rõ rệt, như kẻ nghịch cầm dao đưa ngang cổ;

2.- Sampattivipattito: Phải nhớ: Vạn vật trong thế giới đều phải tiêu hoại không sao trángh khỏi;

3.- Upasamharanato: Phải nhớ: Ðến sự chết của mình và đem so sánh với sự chết của người;

4.- Kāyabahusadhāranato: Phải nhớ: Thân thể này hằng bị nhiều sự tai hại, nhất là bị 80 thứ dòi (dòi trong cơ thể);

5.- Āyudubbalato: Phải nhớ: Tuổi thọ này không được lâu dài, bởi sự sống của chúng sanh chỉ nhờ hơi thở ra, thở ra;

6.- Animittato: Phải nhớ: Sự sống không chừng, bởi sự sống của chúng sanh không nhất định được;

7.- Addhānaparicchedato: Phải nhớ: Sự sống của chúng sanh trong thời kỳ này có lâu lắm chỉ được 100 tuổi là cùng;

8.- Khanaparittato: Phải nhớ: Sự sống chốc lát của chúng sanh, nếu nói theo lẽ chánh thì rất ngắn ngủi.

Cả 8 điều trên đây, điều thứ 3 đây phải nhớ đến sự chết của mình và đem so sánh với sự chết của người, ấy là phải so sánh sự chết của 7 hạng người sau này:

1.- Yasamahattato: So sánh với sự chết của người cao sang, có bộ hạ đông đúc như các bực đại Hoàng đế;

2.- Puñña mahatattato: So sánh với sự chết của người đại phước đức, như các bực đại phú gia;

3.- Thāmamahattato: So sánh với sự chết của người có sức lực nhiều, như đức Vua VasudevaBaladeva;

4.- Iddhimatattato: So sánh với sự chết của người có nhiều thần thông như Ðại đức Moggallānathera;

5.- Paññāmahattato: So sánh với sự chết của người có đại trí tuệ như Ðại đức Sariputtathera;

6.- Pacchekabuddhato: So sánh với sự nhập diệt của bậc Ðộc Giác Phật;

7.- Sammāsambuddhato: So sánh với sự nhập Niết Bàn của đức Phật Thế Tôn.

- Phải so sánh với sự chết của 7 hạng người ấy như thế nào?

- Ðáp: Phải so sánh rằng: Tất cả bực cao siêu như thế mà cũng chẳng tránh khỏi sự chết, huống hồ là hạng thấp hèn, có thể nào ta thoát khỏi sự chết được.

Khi hành giả nhớ đến sự chết theo một trong 8 điều ấy rồi do sự ghi vào tâm thường thường như thế thì 5 phép che lấp ắt yên lặng, các triệu chứng Thiền định sẽ phát sanh. Nhưng trong đề mục niệm niệm sự chết này chỉ có thắng lực đem tâm đến bực gần nhập định thôi, không có thể vào sơ thiền được.

NIỆM THEO THÂN THỂ (Kāyagatasati)

Trong đề mục thiền định này, phải chú ý đến 32 thể trong thân mình do sự ghi nhớ rằng là: "Vật dơ nhớp", gọi là đề mục thiền định niệm theo thân thể.

Khi hành giả muốn niệm đề mục này, trước phải học 7 phương pháp uggahakosalla, sau học 10 pháp thông hiểu nơi vị Thiền sư.

Bảy phương pháp uggahakosalla:

1.- Học đọc cho trôi chảy cả 32 thể (vacasā);
2.- Học đọc thầm cho trôi chảy cả 32 thể (
manasā);
3.- Học phân biệt màu sắc của 32 thể ấy (vannato)
4.- Học phân biệt rõ ràng hình trạng các thể ấy (
saṇthānato)
5.- Học phân biệt rõ ràng chỗ ở các thể ấy (disato);
6.- Học phân biệt rõ ràng thể nào ở chỗ nào (
okāsato);
7.- Học phân biệt rõ ràng nơi chung quanh và thái trạng của thể ấy, không lầm lộn (parichedato);

Giải: - Phương pháp thứ nhất dạy phải học đọc cho trôi chảy cả 32 thể ấy, chia ra 6 phần:

a) Phần thứ nhất 5 thể: Tóc (kesā), Lông (lomā), Móng (nakhā), Răng (dantā), Da (taco)

b) - Phần thứ nhì có 5 thể: Thịt (mamsaṃ), Thần kinh (nhārū), Xương (atthi), Tủy trong xương (atthiminjaṃ), vakkaṃ (vakkaṃ: 2 cục thịt từ cuống họng chạy xuống trái tim.);

c) - Phần thứ ba có năm thể: Tim (hadayaṃ), Gan (yakanaṃ), Màng bao ruột (kilomakaṃ), Dạ dày (pihakaṃ), Phổi (papphasaṃ);

d) Phần thứ tư có 5 thể: Ruột già (antaṃ), Ruột non (antagunaṃ), Vật thực mới (udariyaṃ), Vật thực cũ (karisaṃ), Tủy trong óc (matthaIuṅgaṃ);

e) - Phần thứ 5 có 6 thể: Mật (pittaṃ), Ðàm (semhaṃ), Mủ (pubbo), Máu (lohitaṃ), Mỡ đặc (medo), Mồ hôi (sedo);

f) - Phần thứ sáu có 6 thể: Nước mắt (assu), Mỡ lỏng (vasā), Nước miếng (khelo), Nước mũi (singhanikā), Nhớt (lasikā), Nước tiểu (muttam).

Trước hết phải học đọc xuôi và đọc ngược phần thứ nhất cho thuộc làu, rồi mới nên học đọc qua phần thứ nhì. Khi học đọc thuộc làu phần thứ nhì rồi, phải đọc lại từ phần thứ nhất trở xuống (cũng phải học đọc xuôi và ngược). Khi đọc làu (xuôi và ngược) rồi mới nên học đến mấy phần sau nữa.

Trong phương pháp thứ nhì dạy phải học thuộc thêm cho trôi chảy như học đọc bằng miệng, nghĩa là phải ghi nhớ cả 32 thể ấy y theo phương pháp học đọc bằng miệng.

- Trong phương pháp thứ ba dạy phải phân biệt màu sắc các thể ấy cho biết rằng: Thể này màu này... thể kia màu kia như vậy cho đủ cả 32 thể.

- Trong phương pháp thứ tư dạy phải học phân biệt hình trạng các thể ấy cho biết rằng: Thể này hình trạng như thế này... thể kia hình trạng như thế kia... như vậy cho đủ cả 32 thể.

- Trong phương pháp thứ năm dạy phải phân biệt cho biết: Thể nào ở hướng nào, phía trên hoặc phía dưới, phía trên từ rún trở lên, phía dưới từ rún trở xuống.

- Trong phương pháp thứ sáu dạy phải phân biệt cho biết thể nào ở chỗ nào... cho đủ cả 32 thể.

- Trong phương pháp thứ bảy dạy phải học phân biệt cho biết nơi chung quanh của mỗi thể, thể nào tiếp cận với thể nào và phân biệt cho biết cả 32 thể ấy.

MƯỜI PHƯƠNG PHÁP HỌC NẰM LÒNG NƠI VỊ THIỀN SƯ LÀ:

1- Phải ghi nhớ theo thứ tự mỗi thể, từ phần thứ nhất và tiếp theo, không nên nhớ lẫn lộn (trước ra sau, sau ra trước) (anupubbato);

2- Phải ghi nhớ không nên đọc mau lắm (nātisīghato);

3- Phải ghi nhớ không nên đọc chậm lắm (nātisanikato);

4- Khi tâm bỏ đề mục Thiền định, tìm hoàn cảnh khác, phải kiềm chế đừng để cho tâm thối chuyển (vikkhepaṭibāhanato);

5- Phải ghi nhớ bỏ sự niệm: "Tóc, long..." chỉ phải nhớ đến trạng thái dơ nhớp, dơ nhớp... thôi;

6- Phải ghi nhớ học theo thứ tự của mỗi thể, nếu thể nào không phát sanh rõ rệt, thì bỏ ra, chỉ phải ghi nhớ thể nào phát sanh rõ rệt (anupubbamuñcanato);

7- Phải biết thể nào đem đến sự nhập định, là phải biết 32 thể (nhất là tóc...) đều có thắng lực đem tâm hành giả vào định được cả (appanāto);

8- Phải thông hiểu kinh adhicittasūtra (kinh giải về tâm cao thượng) mà Ðức Phật đã giải rằng: Phải ghi nhớ luôn luôn đến ba triệu chứng: Thiền định, uggaha và tâm xả.

(Nếu chỉ hành phép thiền định thì tâm phát hôn trầm; chỉ hành phép tinh tấn thì tâm phải xao lãng; chỉ hành phép xả thì tâm phát phóng đãng)

9- Phải thông hiểu kinh sitibhāvasūtta mà đức Phật đã giảng giải rằng: thầy Tỳ khưu có đủ 6 pháp nên hành cho thấy rõ Niết Bàn (sitibhāvato)

(Sáu pháp: Ðè nén tâm trong khi nên đè nén; xem chừng tâm trong khi nên xem chừng; phấn khởi tâm trong khi nên phấn khởi; kiềm chế tâm trong khi nên kiềm chế; tâm trụ trong đạo quả; thỏa thích trong Niết Bàn. )

10– Phải thông hiểu kinh sattabojjhangakosallasūtta mà Ðức Phật đã giảng giải phải hành theo 7 pháp Bồ Ðề trong khi tâm giãi đãi (sattabojjhangakosallosuttato) (Xem trong "Phật ngôn trích lục".).

Bực hành giả khi đã học xong 7 pháp uggahakosalla và 10 pháp thuộc nằm lòng nơi vị Thiền sư như đã giải trên đây, biết phân biệt màu sắc, hình trạng, phương hướng và không lầm lộn cả 32 thể xong rồi, phải ghi nhớ rằng: các thể ấy đều là vật dơ nhớp, ghi nhớ theo 5 điều sau này, đừng mau lắm, đừng chậm lắm.

Năm điều dơ nhớp là:

1- Dơ nhớp vì màu sắc (vaṇṇato),
2- Dơ nhớp vì hình trạng(
santhānato),
3- Dơ nhớp vì mùi vị (gangdhato),
4- Dơ nhớp vì chỗ nương dựa (
āsayato),
5- Dơ nhớp vì không khí chỗ ở (
okāsato),

Khi hành giả đã ghi nhớ sự dơ nhớp trong mỗi thể theo 5 điều ấy, nhớ đủ cả 32 thể trong mình, sự ghi nhớ ấy phát sanh ra đều nhau, không trước không sau, chỉ phải ghi nhớ xuôi rằng: "Tóc"... thì sự ghi nhớ ấy thông thấu đến ṅước tiểu" là thể cuối cùng rồi ghi nhớ trở ngược lại: Nước tiểu... thì sự ghi nhớ ấy thông thấu đến "Tóc" là thể đầu tiên.

Dầu ghi nhớ đến thân thể kẻ khác thì sự ghi nhớ cả 32 thể trong thân cũng phát sanh ra rõ rệt giống nhau.

Nếu hành giả hằng niệm sự dơ nhớp y theo 10 phương pháp đọc thầm, theo thứ tự, ắt nhập định được.

Trong 10 đề mục Niệm niệm, (uggahanimitta) và (patibhāgangimitta) không phát sanh được đều đủ, chỉ phát sanh trong đề mục Niệm theo thân thể" và đề mục Niệm theo hơi thở" thôi.

Tuy nhiên, (uggahanimitta) trong đề mục Niệm theo thân thể" thì thấy rõ rệt màu sắc hình trạng, phương hướng chỗ ở và chung quanh của 32 thể.

Còn patibhāgangimitta phát sanh thấy sự dơ nhớp đủ cả 32 thể.

Nếu hành giả thường gìn giữ patibhāgangimitta, được thì sẽ đắc định, nhưng chỉ vào đến sơ thiền, cũng như trong đề mục tử thi vậy.

ÐỀ MỤC NIỆM HƠI THỞ RA VÔ (Anāpānassati)

Nếu hành giả muốn niệm đề mục hơi thở, trước hết phải trì giới cho trong sạch và học phương pháp niệm đề mục hơi thở theo 5 điều sau này nơi vị Thiền sư xong rồi mới nên hành:

1.- Phải học cho thông hiểu đều đủ cách niệm đề mục Thiền định ấy (uggaho).

2.- Phải tìm học hỏi nơi vị Thiền sư cho biết rõ rệt nơi nào mình còn hoài nghi (paripucchāna).

3.- Phải ghi nhớ, giữ gìn triệu chứng đã niệm phát sanh được (upatthanam).

4.- Phải học cho biết sự nhập định được trong đề mục này, như thế này (appanā).

5.- Phải học cho biết cái tướng của đề mục này rằng: phương pháp nhập định được nhờ năng lực của gangangāvidhī, anubandhanāvidhīphusanāvidhī (xem lời giải phía dưới).

Khi hành giả đã học thuộc nằm lòng phương pháp niệm đề mục Thiền định theo

5 điều ấy rồi, phải tìm nơi thanh vắng, ngồi thong thả, tưởng ân đức Tam Bảo cho tâm được thơ thới và nhớ làm y theo lời giáo huấn của vị Thiền sư, chẳng nên lầm lộn điều nào cả.

Phương pháp phải ghi nhớ cách niệm đề mục hơi thở có 8 điều:

1.- Cách đếm hơi gió thở ra hít vô (gangangā);
2.– Cách chú ý khắng khít theo hơi gió thở ra hít vô (
anubandhanā);
3.- Nơi mà hơi gió thở ra, hít vô tiếp xúc nhằm (
plasanā);
4.- Cách ghi nhớ chơn chánh cảnh giới nhập định (
thapanā);
5.- Cách ghi nhớ về cái tướng vô thường là ghi nhớ pháp minh sát (
sallakkhanā),
6.- Cách dứt bỏ sự luân hồi nương theo 4 đạo;
7.- Cách trong sạch, lánh xa các phiền não, nương theo 4 quả;
8.- Trí tuệ suy xét thấy rõ thể tướng vũ trụ theo pháp minh sát.

Trong 8 phương pháp ghi nhớ ấy, từ phương pháp số 1 đến số 4 để cho bực hành giả sơ cơ. Từ số 5 đến số 8 về phần hành giả đã đắc tứ thiền và ngũ thiền rồi.

Trong phương pháp thứ nhất giải rằng: Hành giả bực sơ cơ đã học nằm lòng cách niệm đề mục Thiền định này rồi, trước hết phải ghi nhớ phép đếm hơi gió thở ra hít vô.

Phép đếm ấy, chẳng nên đếm ít hơn 5 (làm cho tâm phải tồi túng rung động), chẳng nên đếm nhiều hơn 10 (làm cho tâm hằng nương theo phép đếm). Chẳng nên ngưng đếm khoảng dứt hơi thở ra và hít vô, làm cho tâm xao lãng. Trước hết phải đếm thong thả, hiệp hơi thở ra và hơi hít vô, lại đếm làm một đôi. Hơi nào tiếp xúc nhằm chót mũi, phải bắt đầu đếm hơi gió ấy, nhưng phải đếm 1-1, 2-2, 3-3, 4-4, đến 5-5... trở lại đếm 1-1, 2-2,... đến 6-6, trở lại đếm 1-1... đến 7-7; trở lại đếm 1-1... cho đến 10-10. Rồi trở đếm 1-1 cho đến 5-5 như trước, đếm cho đến khi hơi gió thở ra, hít vô phát sanh rõ rệt. Ðến khi hơi gió thở ra hít vô càng mau, cũng phải đếm cho mau và không nên bắt đếm hơi gió từ trong thở ra, hoặc từ ngoài hít vô, chỉ phải đếm hơi gió tiếp xúc nhằm cửa mũi thôi, như thế này: 1, 2, 3, 4, 5. - 1, 2, 3, 4, 5, 6. - 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. - 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. - 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. - 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10.

Khi đề mục thiền định đã trụ theo cách đếm như trên đây, thì tâm cũng an trụ vững vàng trong một cảnh giới.

Trong cách chú ý khắng khít theo hơi gió thở ra hít vô (anubandhanā) có giải rằng: Khi hành giả đã ghi nhớ cách đếm rồi phải ngưng, chú ý theo hơi gió thở ra hít vô, ghi nhớ đừng cho gián đoạn, nhưng chẳng nên nhớ chặng đầu, chặng giữa hay là chặng chót, nghĩa là ghi nhớ gián đoạn như vậy: Hơi thở ra rún là chặng đầu, tim là chặng giữa, chót mũi là chặng cuối cùng; hơi hít vô chót mũi là chặng đầu, tim là chặng giữa, rún là chặng cuối cùng, như thế là gián đoạn thì tâm phải xao lãng.

- Chỗ nói: Nơi hơi thở ra hít vô tiếp xúc nhằm ấy, chẳng phải khác với hai phương pháp trên, chỉ phải chú ý theo cách đếm và ghi nhớ đừng cho gián đoạn chỗ mà hơi gió thở ra hít vô, tiếp xúc nhằm đó.

- Chỗ nói: Cách ghi nhớ chơn chánh trong cảnh giới nhập định ấy. Giải rằng: khi hành giả đếm hơi gió ngay chỗ hơi thở ra và hít vô tiếp xúc nhằm và phải ghi nhớ hơi gió ấy về sự đếm và sự ghi nhớ chỗ hơi gió tiếp xúc nhằm, xong rồi phải đếm trong chỗ ấy và chú ý theo hơi thở ra, hít vô. Nếu triệu chứng nào phát sanh rõ rệt, có thể làm cho tâm nhập định được, thì chỉ ghi nhớ triệu chứng đó.

- Chỗ phương pháp đếm từ số 1 đến số 5 - số 1 đến số 6 - số 1 đến số 7 - số 1 tới số 8... giải rằng: Hành giả đắc tứ thiền và ngũ thiền rồi, nếu muốn hành theo pháp Minh sát và 4 thánh đạo để đạt đến 4 thánh quả, chứng bực A-la-hán, là hàng cao nhân đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường, thì phải hành phép nhập định theo 5 điều nhuần nhã và thẩm xét cả danh và sắc, quán tưởng thêm phép Minh sát thì sẽ đắc kỳ sở nguyện chẳng sai.

Trong phép niệm hơi thở (ānāpānassatikammatthāna) này nếu hành giả là bực sơ cơ (ādikammika) chú ý trong chỗ mà hơi thở ra, hít vô chạm nhằm cho thường thường theo phương tiện trí tuệ, do 4 phương pháp phía đầu, không bao lâu, hơi thở ra, hít vô đó sẽ trở nên rõ rệt, uggahanimittapaṭibhāgangimitta cũng phát sanh. Song cả 2 nimitta trong kammatthāna này khép chung vào với nhau, không thấy giải khác nhau.

Có hành giả, khiến sukhasamphassa phát lên, được nimitta sanh rõ rệt như bông, như gòn, như sao, như ngọc mani cũng có; có hành giả lại thấy như hột bông, như chùm hoa, như lưới nhền nhện, như hoa sen, như bánh xe, như mặt trăng, như mặt trời cũng có.

Từ khi nimitta sanh lên rồi, các pháp cái và phiền não của hành giả cũng yên lặng, trí nhớ tươi tỉnh, tâm cũng an trụ vào cận định.

Nếu hành giả gìn giữ nimitta cho chơn chánh theo rakkhanāvidhī, thường thường, theo appanākosallavidhī có thể đắc định cả catukanaya pancakanaya như trong 10 kasina.

NIỆM PHÁP NIẾT BÀN (Upasamānussati)

Khi hành giả muốn niệmupasamānussatikammatthāna , nên tìm ngụ trong nơi thanh vắng, xa khỏi các cảnh giới ngoại trần, rồi nhớ đến đức của Niết Bàn (nibbāna) là pháp yên lặng trừ diệt tất cả điều thống khổ sanh tử luân hồi nhất là theo Phật ngôn rằng: "yāvatā bhikkhave dhammā sankhatāasankhatāvirāgo tesaṃ dhammānaṃ aggamakhāyati": Này các tỳ khưu, tất cả bao nhiêu pháp, dầu là tạo tác (sankhata) hoặc không tạo tác (asanghata) chỉ có pháp ly dục (virāga) tức là Niết Bàn, rõ rệt cao quý hơn tất cả pháp đó "yadidammadanim madano pipāsavinayo ālayasamugghāto vattupaccheto tanhakkhayo virāgo nirodho nibbānam": Phép ly dục này là đều sát hại sự say mê, là đều đuổi xô sự đói khát lòng ham muốn, là đều dứt khỏi sự thương tiếc trong ngũ dục, là đều cắt đứt sự luân chuyển trong tam giới, là đều tiêu diệt ái dục, là đều ly dục, là đều tắt ái dục thoát ly khỏi hẳn rừng sâu, tức là ái dục. Hoặc niệm một trong mấy tiếng sau này:

Ālayasamugghādo: Niết Bàn, pháp rút khỏi sự thương tiếc tức là ngũ dục;
V
aṭṭūpacchedo: Niết Bàn hằng cắt đứt sự luân chuyển trong ba cõi;
Taṇhakkhayo: Niết Bàn, pháp tiêu diệt ái dục;
Virāgo: ly dục;
Nirodho: tắt ái dục;
Nibbānam: khỏi ái dục.

Phép niệm upasamānussatikammatthāna này chỉ có thế lực cho kết quả đến cận định thôi, như trong phép niệm ân đức Phật vậy.

PHÉP NIỆM TỪ (Mettābrahmavihāra)

Hành giả muốn niệm Từ brahmavihāra nên tìm ngụ trong nơi vắng vẻ, trước hết cần phải suy nghĩ đến tội của sự sân hận và phước của tư cách kiên nhẫn rằng: Người mà bị lòng giận đè nén rồi, nhất là có thể sát hại kẻ khác được. Về phước báo của nhẫn nại, hãy xét rằng, sự nhịn nín là một đức tánh cao quý, để dứt tâm sân, cho phát sanh nhẫn nại. Nếu không suy cứu cho thấy trước thì không có thể trừ điều cừu oán được.

Ðức Phật hằng ngợi khen đức nhẫn nại là Niết Bàn cao thượng thật. Người nào có sự nhịn nín là sức mạnh. Như Lai gọi người đó là Khīnāsavabrahmana (Bà-la-môn hết tâm phiền nãongầm) cao quý" "- Khi hành giả quán tưởng thấy tội của sự giận, rõ phước của điều nhẫn nại rồi, nên chú tâm ghi nhớ trong sự nhịn nín có quả báo rõ rệt như thế rồi, lúc niệm mettà, không nên tìm rải lòng từ ái đến 4 hạng người sau này:

1- Người mình không yêu,
2- Người mình quá thương,
3- Người mình không thương, không ghét
4- Người mình oán giận

Chẳng phải chỉ có thế thôi, dầu là với hạng người khác tính nhau (nam nữ) và người quá vãng, cũng không nên rải mettā trước Các hạng người đó có sự bất lợi như sau này:

1- Với người mình không yêu, thì khó làm cho thương được;
2- Người mình quá thương khó làm cho trở nên người lãnh đạm;
3- Người không thương ghét khó làm thành người tôn kính và thương yêu được;
4- Người oán giận cùng nhau, nếu rải metta thì thêm sân hận;

Với người có tính khác nhau, thì sanh tình ái; người đã quá vãng thì không có thể cho sanh cận định và định.

Vì lẽ đó nên không cho rải mettā đến các hạng người như đã giải trên.

Trước hết phải rải mettā cho mình, theo Pāli rằng: aham sukhitā homi niddukkho homi avero homi abyāpajjho homi anigho homi sukhī attānam pariharāmi: Xin cho ta được vui, đừng có khổ, đừng oán giận, không làm hại, cho khỏi khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

Nếu niệm niệm như thế đó mà chưa nhập định được, thì quán tưởng rằng: "Ta mong được vui, gớm khổ, ham sống, sợ chết thế nào, tất cả chúng sanh cũng ao ước sự vui, ghê khổ, hy vọng được sống, không muốn chết, cũng như thế đó".

Xong rồi phải rải mettā thường thường đến hạng người đáng tôn kính, nhất là ông thầy thế độ, giáo đạo rằng: "esa sappuriso sukhito hotu niddukkho: "Xin cho bậc thiện trí thức đó được vui đừng có khổ".

Do thế lực niệm niệm mettā brahmāvihāra ngay bậc ân nhân như thế đó, tâm định sẽ phát sanh không sai.

Nếu chưa được như ý nguyện, cần phải niệm mettà đến hạng người mình thương, người lãnh đạm, người oán giận nhau, là đem hạng người thương để chỗ người không thương, không ghét, hạng người không thương ghét để chỗ người mình oán giận dứt trừ lòng bất bình trong người cựu thù nhau.

Lại nữa, nên niệm mettā thường thường đến 4 hạnh người: 1) mình (hành giả); 2) người thương; 3) người không thương-ghét; 4) người thù,... cho đều, không cho nặng nhẹ hơn nhau.

Khi hành giả niệm như thế đó được khắng khít, trong 4 oai nghi (đứng, đi, gnồi, nằm) chắc sẽ đắc định được dể dàng và 11 phước bảo sau này:

1- Sukhaṃ supati: ngũ hằng được vui,
2-
Sukham paṭibujjhati: thức dậy cũng vui,
3- Na papakam supinam passati: hằng không thấy mộng xấu xa,
4-
Manussānaṃ piyo hoti: hằng là nơi thương yêu của mọi người,
5-
Amanussānaṃ piyo hoti: hằng là nơi thương yêu của hàng phi nhơn,
6-
Devatā rakkhanti: chư thiên cũng hộ trì.
7-
Nāssa aggivisamkamati: lửa, độc, binh khí, không làm hại được.
8- Tuvataṃ cittam samadhiyati: tâm nhập định được mau lẹ,
9- Mukhavaṇṇo
vipassīdatti: sắc mặt tươi tỉnh khác thường,
10- Asammulho kalam karoti: không hôn mê trong giờ chết,
11- Uttarin appa
tivajjhanto brahmalokūpaggo hoti: nếu chưa được giác ngộ pháp cao thượng, đạo quả, thì hằng thọ sanh trong cõi phạn thiên.

Bi Brahmavihāra (Karunā brahmavihāra)

Khi hành giả muốn niệm Bi brahmavihāra nên trú ngụ trong nơi vắng vẻ, tìm xét tội lỗi trong sự làm khổ (vihiṃsa) và phước trong sự thương xót (karunā) trước rằng: "Sự làm khổ chúng sanh nhất là bằng tay hoặc bằng cây thật là rất xấu xa, cả và trong kiếp này và kiếp sau, quả báo của tâm thương xót, mong cho chúng sanh khỏi khổ mới là cao thượng trong đời này và đời sau.

Nếu hành giả niệm đức Bi brahmavihāra, đầu tiên, khoan nên tưởng đến 4 hạng người, như mettà brahmavihāra vậy, lúc thấy người đáng thương hại, như kẻ tàn tật, đói khát, nên rải lòng từ bi đến người đó rằng: "kiccaṃ vatayaṃ satto āppanno appeva nāma immamhā dukkhā mucceyya: Ồ! Chúng sanh này đang bị khổ, làm thế nào há cho (họ) khỏi khổ được?

Nếu niệm như vậy không được, phải tưởng đến người đang thọ vui mà làm nghiệp dữ, để thí dụ với tội nhơn bị phép nước gia hình, rồi quán tưởng đức Bi cho phát sanh rằng: Người đó chỉ được vui trong kiếp này thôi, từ đây về sau họ phải chịu khổ thái quá trong bốn đường dữ không sai, vì không thấy làm điều lành nào, ví như tội nhơn bị dẫn đi đến pháp trường, khi có người cho chút ít thực phẩm thì làm như tuồng thỏa thích được vật cao lương, song chẳng có ai nhận rằng được vui đâu, họ chắc rằng kẻ đó sẽ bị hại thật.

Kế tiếp phải rải tâm Bi đến 4 hạng người (thương, không thương - ghét...) dầu là hạng người đó có tạo nghiệp lành thì cũng niệm rằng: Người sẽ chịu khổ hẳn thật, vì chưa được giải thoát.

Lại nữa, phải rải lòng thương xót đều nhau đến 4 hạng người trên đó, đừng cho nặng nhẹ hơn nhau, niệm cho đến khi đắc định, thì được phước báo như trong phép từ brahmavi hara vậy.

Hỷ Brahmavihāra (Muditābrahmavihāra)

Nếu muốn niệm phép Hỉ brahmavihāra, không nên quán tưởng đến 3 hạng người thương, người không thương ghét, người oán giận cùng nhau và đến hai hạng người nữa, là người khác tính nhau (nam với nữ), người đã quá vãng, trước hết, phải niệm trong người mình quá thương yêu.

Khi thấy người đó, đáng thỏa thích, được vui, cần làm cho hỉ brahmavihara phát sanh lên rằng: ṁodati vatayam satta aho sadhu aho sutthu": Ô! chúng sanh này hoan hỉ rất chơn chánh, rất phải lẽ. Dầu là người đó ngày trước đã được vui, hôm nay phải chịu khổ, cũng nên ghi nhớ đến điều vui của họ trong ngày đã qua, xét đến cái vui đã hưởng, khiến cho hỉ brahmavihāra phát sanh rằng: "Esa atite evam mahabhogo mahaparivaro niccamudito ahosi": Từ trước người đó là bậc giàu có như vậy, được nhiều kẻ phục tùng như vậy, là bậc thường hoan hỉ như vậy.

Rồi nên hành hỉ brahmavihāra rằng: "Trong hạng người mình thương, người không thương không ghét, người thù nhau theo thứ tự cho đến khi êm lặng bất bình trong người thù oán rồi, làm cho hỉ brahmavihara phát sanh tâm bình đẳng trong 4 hạng người, cần phải niệm niệm cho đắc định, như trong mettà brahmavihara.

Xả Brahmavihara (Upekkhabrahmavihāra)

Muốn niệm Xả brahmavihara phải tập nhập thiền nhất là trong mettā brahmavihāra cho thuần thục rồi đến giờ xuất thiền nên quán tưởng thấy tội trong 3 brahmavihāra trước rằng: "Còn có sự chú ý trong chúng sanh, trú gần cái tâm bất bình và hoan hỉ thô hiển, thấy phước báo trong tâm vô ký (upekkhā) có trạng thái êm lặng vi tế cao thượng xong rồi, trước hết hành Xả brahmavihāra cho phát sanh trong hạng người lãnh đạm, kế tiếp trong hạng người mình thương bực trung, người mình quá yêu, người cựu thù cùng nhau cho đến mình (hành giả) là thứ tự, cho có trạng thái bình đẳng, phải niệm thường thường cho đều trong 4 oai nghi.

Hành giả nhờ thường tu tập như thế, thì tứ thiền hoặc ngũ thiền mới phát sanh lên được.

Xả brahmavihāra này, hành giả bực sơ cơ không nên niệm, cần phải thấy tội trong mettā, karuna, mudita-brahmavihāra trước, như đã có giải.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 2.1 | 2.2 | 2.3

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 14-06-2002