BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập II

-ooOoo-

Đức Phật thuyết về ngọn lửa phá-hoại

Sau khi ngự tại rừng Uruvela trong một thời-gian, Ðức Thế Tôn liền lên đường sang xứ Gayasisa và dắt theo một ngàn thầy tỳ-khưu thuộc về nhóm Djatilas vừa mới thọ giáo cùng Ngài. Lúc đến nơi, Ðức Thế Tôn và các đệ-tử đồng lên ngự trên đảnh núi Gaya. Rồi Ngài thuyết cho các thầy tỳ-khưu nghe như vầy: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! Mỗi vật đều là ngọn lửa phá-hoại:

- Mắt là ngọn lửa phá-hoại, những vật do mắt trông thấy là lửa, sự nhận thấy rõ hình sắc là lửa, cách tiếp-xúc giữa mắt và mọi vật là lửa, những cảm-giác vui khổ, hoặc không vui không khổ, do sự tiếp-xúc của mắt với sắc-trần cũng là do ngọn lửa phá-hoại. Vậy ngọn lửa phá-hoại ấy do đâu mà phát-sinh? Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ngọn lửa phá-hoại ấy được phát-sinh là do lòng tham-dục, sân-hận, si-mê, do những sự: sanh, già, đau, chết, do những cảnh chia lìa, khóc than, thất-vọng, do các điều đau-đớn, thống-khổ.

- Tai là ngọn lửa phá-hoại, những tiếng do tai nghe là lửa, sự nhận biết được tiếng là lửa, cách tiếp-xúc giữa tai và các âm-thanh là lửa, những cảm-giác vui hay khổ do sự tiếp-xúc của tai với tiếng bên ngoài cũng là ngọn lửa phá-hoại. Vậy ngọn lửa phá-hoại ấy do đâu mà phát-sinh? Nó được phát-sinh là do lòng tham-dục, sân-hận, si-mê, do những sự: sanh, già, đau, chết, do những cảnh chia lìa, khóc than, thất-vọng, do các điều đau-đớn thống-khổ.

- Mũi là ngọn lửa phá-hoại, những mùi do mũi ngửi là lửa, sự nhận biết mùi thơm hay khó chịu là lửa, cách tiếp-xúc giữa mùi và hương trần là lửa, những cảm-giác vui khổ, hoặc không vui không khổ, do sự tiếp-xúc của mùi và hương trần, cũng là ngọn lửa phá-hoại. Vậy ngọn lửa phá-hoại do đâu mà phát-sinh? Nó được phát-sinh là do lòng tham-dục, sân-hận, si-mê, do những sự: sanh, già, đau, chết, do những cảnh chia lìa, khóc than, thất-vọng, do các điều đau-đớn thống-khổ.

- Lưỡi là ngọn lửa phá-hoại, những vật thực do lưỡi nếm là lửa, sự nhận biết vật ngon hay dở là lửa, cách tiếp-xúc giữa lưỡi và vị-trần là lửa, những cảm-giác vui khổ, hoặc không vui không khổ, do sự tiếp-xúc của lưỡi và các vật thực, cũng là ngọn lửa phá-hoại. Vậy ngọn lửa phá-hoại ấy do đâu mà phát-sinh? Nó được phát-sinh là do lòng tham-dục, sân-hận, si mê, do những sự: sanh, già, đau, chết, do những cảnh chia lìa, khóc than, thất-vọng, do các điều đau-đớn thống-khổ.

- Xác thân là ngọn lửa phá-hoại, những vật do thân đụng chạm là lửa, sự nhận biết những vật ấy mềm-mại hay nham-nhúa là lửa, cách đụng chạm vật này với vật nọ là lửa, những cảm-giác vui khổ, hoặc không vui không khổ, do sự đụng chạm gây nên cũng là lửa. Vậy ngọn lửa phá-hoại ấy do đâu mà phát-sinh? Nó được phát-sinh là do lòng tham-dục, sân-hận, si-mê, do những sự: sanh, già, đau, chết, do những cảnh chia lìa, khóc than, thất-vọng, do các điều đau-đớn thống-khổ.

- Tâm-trí con người là ngọn lửa phá-hoại, tư-tưởng là lửa, sự suy xét phải quấy là lửa, cách tiếp-xúc giữa tư-tưởng mình và tư-tưởng của kẻ khác là lửa, những cảm-giác vui khổ, hoặc không vui không khổ, do sự suy xét gây nên cũng là ngọn lửa phá-hoại. Vậy ngọn lửa phá-hoại ấy do đâu mà phát-sinh? Nó được phát-sinh là do lòng tham-dục, sân-hận, si-mê, do những sự: sanh, già, đau, chết, do những cảnh chia lìa, khóc than, thất-vọng, do các điều đau-đớn thống-khổ".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Vì những lẽ kể trên nên bậc hành-giả chân-chánh, suốt-thông giới-luật, biết ăn ở theo đường phạm-hạnh, không còn chấp rằng những giác-quan là của mình, và chẳng để ý tới những sắc tốt hay xấu, tiếng hay hoặc dở, mùi thơm hay khó chịu, vật ngon hay chẳng vừa miệng, những sự đụng chạm vừa lòng hay Phật ý, những sự suy-nghĩ viễn-vông và không lợi-ích".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Khi đã tẩy-trừ được sự chấp-trước về lục-căn và lục-trần rồi, bậc hành-giả ấy biết chắc rằng mình đã diệt được lòng tham-dục, đã được hoàn-toàn giải-thoát".

"Người biết rằng mình đã bước vào vòng thánh vức, đã làm tròn phận-sự trên cõi thế và không còn tái-sinh nữa".

Sau khi nghe Ðức Thế Tôn thuyết pháp về ngọn lửa phá-hoại xong rồi, tất cả một ngàn vị tỳ-khưu ấy đều đắc thánh quả, từ bậc Tu Ðà Huờn cho đến A La Hán.

-- MAHAVAGGA VINAYA

Đức Phật giải về những điều kinh-sợ của bậc hành-giả ngụ nơi rừng vắng

Ðức Thế Tôn có thuyết cho thầy Bà La Môn Janussoni nghe như vầy: "Này người Bà La Môn, khi chưa được giác-ngộ và hãy còn đang tiến bước trên đường chân-lý, có lần nọ ta nghĩ rằng: "Ðời sống giữa chốn rừng sâu hiu-quạnh thật là cam go nguy-hiểm. Rất khó mà tìm được sự an vui trong cảnh thanh-vắng, cô-độc như vầy; những nỗi lo-âu, sợ-sệt, luôn-luôn khuấy nhiễu tâm-trí của bậc hành-giả nào chưa được thuần-thục trong phép định tâm".

"Này người Bà La Môn, rồi ta lại nghĩ nữa rằng: "Sở-dĩ sự kinh-sợ được phát-sinh là vì các bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn ấy, tuy sống ở giữa rừng sâu thanh-vắng, nhưng tâm-trí vẫn còn vọng tưởng về tài sắc, lợi danh, chẳng biết điều-khiển xác thân và để cho nó tự-do hành-động bất chánh bằng những lời nói và việc làm. Các vị đạo-sĩ ấy hằng bị ngọn lửa tham-dục, ngọn lửa oán-thù thiêu đốt, bị những sự suy-nghĩ vẫn-vơ, sự hôn-trầm, sự ngờ-vực làm chủ thân tâm. Hoặc giả những đạo-sĩ hay Bà La Môn ấy, tuy vào ngụ nơi rừng vắng, nhưng vẫn còn tánh cống cao, ngã mạn, lười-biếng, hững-hờ, ươn-hèn, xảo-trá, bất-nhã. Vì giới hạnh không trong sạch, nên họ phải bị những điều kinh-sợ làm lung-lạc thân tâm".

"Này người Bà La Môn, còn về phần Như Lai, khi để chân vào rừng vắng, ta đã có thân khẩu ý luôn-luôn trong sạch; không còn tham-dục, ta cố giữ cõi-lòng thơ thới; không còn sân-hận, ta có sự từ-bi, nhẫn-nại đối với chúng-sinh; không còn lười-biếng, ta hằng siêng-năng tinh-tấn; không còn suy-nghĩ vẫn-vơ, ta ráng giữ tâm-trí luôn-luôn an-định; không còn nghi-ngờ, ta hằng có đức tin dũng-mãnh trên đường đạo-đức. Với tâm-trí bình-tĩnh và hăng-hái chiến-đấu để diệt-tận các điều xấu-xa, lầm-lạc, chẳng còn cống cao, ngã mạn, si-mê, hờ-hững, luôn-luôn có sự tri-túc và ghi nhớ biết mình, nên những điều kinh-sợ không sao làm lay-chuyển thân tâm ta được. Vì ta đã đặt chân vào rừng vắng với tư-cách của một bậc hành-giả có phẩm-hạnh thanh-cao, thông-suốt đạo lý và thân tâm trong sạch".

"Này người Bà La Môn! Khi  biết mình đã có giới hạnh tinh-nghiêm và sự thông hiểu cao cả rồi, ta nhận thấy đời sống cô-độc ở giữa rừng sâu thanh-vắng thật là an vui hạnh-phúc. Rồi ta lại nghĩ rằng: "Vậy ta thử chọn một đêm trăng trong, sao tỏ, nào để tìm đến ngụ tại giữa chốn âm-u, sầm-uất nhất trong cảnh rừng này. Nơi mà ai-ai cũng phải rởn gáy, kinh-hồn, mỗi khi đặt chân đến chốn đó. Ta vào chỗ quạnh-hiu, nguy-hiểm ấy để thử-thách những điều kinh-sợ hằng làm lay-chuyển tâm-trí của người hành đạo ngụ nơi rừng vắng".

"Này người Bà La Môn! Trong khi ta đang ngồi quán tưởng dưới một gốc cây to, bỗng-nhiên có những loài chim đáp xuống và một con công làm gãy mấy cành cây mục răng-rắc rơi xuống gần bên; một luồng gió lạnh xào-xạt thổi xuyên qua những lá cây khô, khiến cho ta nghĩ rằng: "Sự kinh-sợ đã đến rồi!" Nhưng ta lại xét như vầy: "Cớ sao ta lại chờ đón rước những điều kinh-sợ, lo-âu ấy để làm gì? Mà nếu sự lo-sợ phát-sinh, thì ta phải làm thế nào để tiêu-diệt trừ nó?"

"Này người Bà La Môn! Tuy nghĩ như vậy, nhưng trong lúc đang đi, ta cũng có cảm-giác rằng điều kinh-sợ vẫn đeo đuổi theo ta. Biết vậy, ta không dừng bước, mà cứ đi mãi, cho tới khi nào ta dẹp được sự kinh-sợ ấy mới thôi. Lúc đứng yên một chỗ, ta cũng thấy mình còn lo-sợ. Biết vậy, ta không cử-động và chờ đến khi nào tâm-trí trở nên bình-tĩnh rồi mới ngồi xuống. Ngồi xong, ta phải cố gắng diệt trừ sự kinh-sợ rồi mới nằm nghỉ, và lúc nào chẳng còn lo-sợ chi nữa, thì ta mới ngồi dậy".

"Này người Bà La Môn! Có nhiều bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn, vì chẳng diệt trừ được những điều kinh-sợ khi đặt chân vào rừng vắng, nên hằng lấy ngày làm đêm và lấy đêm làm ngày (vì lo-sợ nên thức suốt đêm còn ban ngày thì ngủ). Vì lầm-lạc như thế, nên họ không sao tấn-hoá được. Còn đối với Như Lai, khi đêm đến thì biết rõ rằng đêm, và ngày tới, biết rõ là ngày. Bởi cớ ấy, người ta gọi Như Lai là một bậc chẳng còn lầm-lạc, là bậc giàu lòng từ-bi, bác-ái, có sự thông-hiểu nhiệm-mầu, đã đem lại sự an vui, hạnh-phúc cho tất cả chư-thiên và nhân-loại".

-- MAJJAHIMÃ NIKÃYA

Đức Phật tìm vào ngụ nơi rừng vắng một mình

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngụ tại tịnh-xá Ghosita, thuộc về thành Kosambi. Ngài phải bực-bội, khó chịu, vì có một nhóm đông: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, thiện-nam, tín-nữ, vua chúa, quan quân và luôn cả các tín-đồ ngoại-đạo, cứ quanh-quẩn bên Ngài. Ðức Thế Tôn bèn nghĩ rằng: "Vậy muốn tránh những sự phiền-phức, ồn-ào giữa chỗ đông người, ta thử tìm sống một mình trong nơi thanh-vắng coi ra sao?".

Rồi đó, Ðức Phật mặc y mang bát đi vào thành Kosambi để khất-thực. Khi trở về và độ ngọ xong, Ngài sắp đặt chỗ ngụ của mình cho có thứ-tự và chẳng cho các đệ-tử hay biết chi cả, rồi lên đường sang xứ Palileyyaka, vào rừng Rakkhila, và ngự dưới gốc cây Sala.

Trong khi ấy, có một voi chúa đoàn, cũng hằng bị bực-bội phiền-phức vì phải sống chung với một bầy voi đông-đúc, nào là voi đực, voi cái, voi già, voi con. Hễ đi đến đâu thì chúng nó dẫm đạp cỏ non đến đó, lội xuống ao nào thì quậy bùn lên làm cho nước trở nên đục và dơ bẩn. Vì sống giữa đàn voi đông-đúc như thế, mà hằng ngày voi chúa phải ăn cỏ úa, phải uống nước bùn. Khi lội ngang qua rạch, hoặc xông vào rừng, nó lại bị các con voi khác chen lấn, xô đẩy, giành đi trước. Voi chúa bàn-tính rằng: "Vậy muốn tránh những điều phiền-phức vì sự chung-chạ đông đảo ấy, ta thử tìm sống cô-độc trong nơi vắng-vẻ coi ra sao?" Nghĩ xong, voi chúa liền tách ra khỏi đoàn và đi một mình vào ngụ tại khu rừng Rakkhila. Gặp Ðức Thế Tôn đang ngồi dưới cây Sala, nó liền lại gần lấy vòi nhổ sạch cỏ mọc chung-quanh Ngài và lấy nước lại dâng cho Ngài dùng.

Ðức Thế Tôn liền nghĩ rằng: "Quả thật vậy, trước kia ta lấy làm bực-bội vì phải sống giữa một nhóm đông tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, thiện-nam, tín-nữ, vua chúa, quan quân. Trái lại, hiện nay ta chỉ sống cô-độc trong nơi thanh-vắng, không người cung-cấp, hộ độ, mà vẫn an vui, thơ thới hơn  xưa".

Khi ấy, voi chúa đàn cũng nghĩ như vầy: "Trước kia, vì sống giữa một bầy voi đông-đúc, nào là voi đực, voi cái, voi già, voi con, nên ta phải chịu ăn uống bẩn thỉu và nhọc tâm, bận-rộn với chúng nó. Còn bây giờ, chỉ sống tại rừng đây có một mình mà ta thấy thơ thới, nhẹ-nhàng hơn xưa".

Ðoán được tư-tưởng của voi chúa đoàn, Ðức Thế Tôn liền ngâm kệ khen sự an vui nơi rừng vắng như vầy:

Ý nghĩ của voi chúa nào khác chi tư-tưởng của Như Lai,
Khi chúng ta đồng xét về sự yên-tịnh trong nơi thanh-vắng,
Về sự an vui lợi-ích tại chốn rừng sâu.

-- UDANA

Đức Phật giải về thuyết "Trung-đạo"

Có thầy tỳ-khưu Sona-Kolivisa, khi được xuất-gia không bao lâu liền xin phép Ðức Thế Tôn cho mình vào rừng Sitavana để tu tập.

Vì muốn được mau thành-tựu trong đạo-quả, thầy Sona không nài cực nhọc, đi kinh-hành suốt ngày đêm trên khoảng đường rừng đầy chông gai, hiểm-trở, làm cho hai bàn chân phải bị thương-tổn, máu chảy ra lai-láng. Khi đã mệt mỏi, thầy lại đi tìm nơi thanh-vắng mà tham-thiền quán tưởng.

Bỗng nhiên, thầy Sona phát tâm suy-nghĩ như vầy: "Ta đây vốn thuộc gia-đình giàu có, sang-trọng, đã hy-sinh tất cả tài-sản, quyến-thuộc, xin làm đệ-tử của Ðức Phật. Khi vào tu rồi, ta lại cố gắng để hết tâm lực trau-giồi đạo-đức, kham-khổ đủ điều. Nhưng nào ta có diệt được phiền-não, và tâm-trí vẫn còn bị các ác pháp khuấy rối luôn. Rốt cuộc, đạo-quả đâu chẳng thấy, ta chỉ phải đau khổ thêm thôi. Vậy tốt hơn là ta nên trở lại với gia-đình đặng hưởng sự phong-lưu, hạnh-phúc, và làm việc lợi-ích cho đời".

Ðoán được ý-nghĩ sai-lầm của thầy Sona, Ðức Thế Tôn liền rời khỏi đỉnh núi Kỳ Xà Quật,  dùng phép thần-thông bay vào rừng Sitavana, đến tại chỗ thầy Sona thường đi kinh-hành và thấy còn dấu máu. Ngài hỏi thầy Sona rằng: "Này Sona, có phải trong khi tham-thiền, quán tưởng, nhà ngươi có ý-nghĩ sai-lầm như vầy: Ta đây vốn thuộc gia-đình giàu có, sang-trọng, đã hy-sinh tất cả tài-sản, quyến-thuộc, xin làm đệ-tử của Ðức Phật. Khi vào tu rồi, ta lại cố gắng để hết tâm lực trau-giồi đạo đức, kham-khổ đủ điều. Nhưng ta nào có diệt được phiền-não, và tâm-trí vẫn còn bị các ác pháp khuấy rối luôn. Rốt cuộc, đạo-quả đâu chẳng thấy, ta chỉ phải đau khổ thêm thôi. Vậy tốt hơn là ta nên trở lại với gia-đình mà hưởng sự phong-lưu, hạnh-phúc, và giúp ích cho đời".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, đệ-tử có ý-nghĩ như vậy thật.

- "Này Sona, Như Lai có nghe rằng khi còn ở ngoài thế, ngươi là một kẻ khảy đàn giỏi, có phải vậy không?

- "Bạch Ðức Thế Tôn, chính phải như vậy.

- "Này Sona, nếu nhà ngươi lên dây đàn thẳng quá, thì tiếng đàn có được thanh-tao và ăn rập với giọng ca ngâm chăng?

- "Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.

- "Này Sona, còn nếu nhà ngươi xuống dây dùn quá, thì tiếng đàn có được thanh-tao và ăn rập với giọng ca ngâm chăng?

- "Bạch Ðức Thế Tôn, không thể được.

- "Này Sona, nhưng nếu ngươi lên dây cho vừa, không thẳng mà cũng không dùn quá, thì tiếng đàn sẽ ra sao?

- "Bạch Ðức Thế Tôn, như vậy thì tiếng đàn sẽ được thâm-trầm và ăn rập với giọng ca ngâm.

- "Này Sona, thì cũng như thế ấy, sự cố gắng quá sức của con người hằng đem lại những nỗi khổ tâm, cực xác, mà thôi, chớ chẳng có ích-lợi vào đâu. Còn sự buông tuồng, hờ-hững thì chỉ đem lại sự lười-biếng xấu-xa. Vậy ngươi nên thực-hành theo thuyết trung đạo, nghĩa là không khổ hạnh, mà cũng chẳng dễ-dàng quá đỗi, thì mới mong được tấn-hoá trên đường chân-lý. Vậy ngươi hãy ráng chú-tâm về những điều ấy.

- "Bạch Ðức Thế Tôn, đệ-tử xin vâng theo lời Ngài chỉ giáo".

-- MAHAVAGGA (Ðại Phẩm)

Tư-cách diệt trừ các điều hư-hỏng

Một hôm nọ, Ðức Sãriputta (Xá Lợi Phất) có thuyết cho các thầy tỳ-khưu nghe như vầy: "Hỡi các đạo-hữu! Trong thế-gian này, có bốn hạng người:

- hạng người thứ nhất đã hư-hỏng, nhưng không thấy rõ những tật xấu của mình;
- hạng người thứ nhì bị hư-hỏng, nhưng tự biết mình;
- hạng người thứ ba không hư-hỏng, nhưng chẳng chịu tìm hiểu chân-lý;
- hạng người thứ tư không hư-hỏng, nhưng thấu rõ chân-lý và hằng sống theo chân-lý.

"Hỡi các đạo-hữu! Trong hai hạng người hư-hỏng thứ nhất và thứ nhì, thì hạng thứ nhất là đê-hèn hơn, vì đã hư-hỏng rồi, mà không thấy rõ những tật xấu của mình. Còn hạng thứ nhì được coi là ít đê-hèn hơn".

"Hỡi các đạo-hữu! Trong hai hạng người không hư-hỏng thứ ba và thứ tư, thì hạng thứ ba thì thấp kém và hạng thứ tư được coi là cao-thượng hơn hết".

"Hỡi các đạo-hữu! Nói về hạng người thứ nhất, đã hư-hỏng nhưng không tự biết lấy mình, thì chẳng mong gì cho họ hồi tâm hướng thiện, cố gắng tu tập để tẩy trừ những điều xấu-xa, lầm-lạc. Ðến khi lâm-chung, họ phải chịu đau khổ, vì tâm-trí còn tích-trữ những điều xấu-xa, lầm-lạc. Ðến khi lâm chung, họ phải chịu đau khổ vì tâm-trí còn tích-trữ những sự tham lam, sân-hận, si-mê".

"Hỡi các đạo-hữu! Như người kia ra chợ mua một cái ô bằng đồng đã bị lem ố, rồi đem về bỏ vào một xó nào đó, và chẳng hề đem ra lau chùi để đựng vật thực. Không bao lâu, cái ô ấy trở nên dơ bẩn thêm, mà lại có mùi tanh hôi khó chịu. Vì vậy mà nó thành ra vô-dụng. Cũng như kẻ hư-hỏng mà chẳng tự biết mình, đến khi chết phải chịu khổ-sở vì tâm-trí bị lem ố".

"Hỡi các đạo-hữu! Trái lại, có người kia ra chợ mua một cái ô bằng đồng đã bị lem ố.  Nhưng khi đem về, người ấy thường lau chùi cho sạch-sẽ để đựng vật thực. Nhờ đó mà chẳng bao lâu, cái ô ấy trở nên sáng chói. Cũng như kẻ nào đã hư-hỏng, nhưng tự biết lấy mình, bỏ dữ theo lành, thì đến lúc chết, kẻ ấy hằng được yên vui, vì tâm-trí trong sạch".

"Hỡi các đạo-hữu! Còn hạng người thứ ba, không hư-hỏng, nhưng chẳng chịu tìm hiểu chân-lý, thì họ dễ bị sa ngã vì những tư-tưởng xấu-xa và những sự tham-lam, sân-hận, trong tâm. Ðến lúc chết, họ gặp nhiều điều thống-khổ chẳng sai".

"Hỡi các đạo-hữu! Như người kia ra chợ mua một cái ô bằng đồng trơn bóng sạch-sẽ, nhưng khi đem về lại bỏ nó vào một xó nào và chẳng hề đem ra lau chùi để đựng vật thực. Vì vậy mà không bao lâu, cái ô ấy phải trở nên dơ bẩn, lem ố. Cũng như kẻ không hư-hỏng, nhưng chẳng chịu trau-giồi đạo-đức, thì đến lúc lâm-chung phải chịu khổ-não, vì tâm-trí bị lem ố".

"Hỡi các đạo-hữu! Còn nói về hạng người thứ tư, không hư-hỏng lại luôn-luôn sáng-suốt biết mình, thì đến khi chết, sẽ được an vui, hạnh-phúc".

"Hỡi các đạo-hữu! Như người kia ra chợ mua một cái ô bằng đồng trơn bóng, sạch-sẽ. Khi đem về, người ấy lại năng lau chùi cho sạch để đựng vật thực. Nhờ vậy mà cái ô trở nên sạch-sẽ, bóng-nhoáng thêm. Cũng như kẻ nào không hư-hỏng, mà lại tự biết mình, chẳng để cho hoàn-cảnh lôi cuốn, ráng tinh-tấn rèn tập các pháp lành cho được tinh-vi thêm, thì đến lúc lâm-chung, kẻ ấy sẽ được yên vui, nhờ có tâm-trí trong sạch và sáng-suốt".

"Hỡi các đạo-hữu! Mà thế nào gọi là điều hư-hỏng của tâm?

"Ví-dụ, có một thầy tỳ-khưu nghĩ rằng: "Nay ta đã lở phạm giới rồi. Vậy ta mong sao cho các vị tỳ-khưu khác đừng biết lỗi của ta". Nhưng rủi thay, sự phạm giới ấy lại lọt vào tai những vị khác. Vị tỳ-khưu phá giới, khi nghe được chuyện ấy, đáng lẽ phải ăn-năn, sám-hối về tội-lỗi của mình, nhưng lại phát tâm bất-bình, oán-giận các tỳ-khưu khác".

"Hỡi các đạo-hữu! Những sự bất-bình, oán-giận không chính-đáng ấy, gọi là điều hư-hỏng của tâm vậy".

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA (Trung A-Hàm)

Con ngựa giống

"Này các thầy tỳ-khưu! Con ngựa giống cần phải có bốn đặc-tính mới được đức vua trọng dụng, mới đáng gọi là một con tuấn-mã, là một vật quý của hàng vương-giả".

"Mà bốn đặc-tính ấy như thế nào?"

"Này các thầy tỳ-khưu! Con ngựa giống cần phải

- có sự đẹp đẽ,
- có sức mạnh,
- có thân hình tương-xứng, và
- chạy cho thật mau".

"Cũng như thầy tỳ-khưu cần phải có bốn đức-tính mới đáng thọ-lãnh của tín-thí, mới đáng cho người chấp tay lễ bái cúng dường, mới đáng gọi là miếng ruộng báu của chúng-sinh không chi sánh bằng".

"Này các thầy tỳ-khưu! mà bốn đức-tính ấy như thế nào?

Thầy tỳ-khưu phải:

- có sự đẹp đẽ trang-nghiêm,
- có sức mạnh,
- có sự tương-xứng,
- và phải cho mau-mắn.

Mà thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu có sự đẹp đẽ trang-nghiêm?

"Trong điều này, thầy tỳ-khưu phải là người có đức hạnh, biết kềm-chế sự nuôi mạng của mình, không tham muốn thái-quá, có nhiều kinh-nghiệm trong sự hành đạo, biết tránh xa tội-lỗi, dầu là nhỏ nhen chút ít, biết trau-giồi tâm-trí và nghiêm-trì giới luật đúng theo lời Như Lai chỉ dạy".

"Này các thầy tỳ-khưu! Còn thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu có sức mạnh?

"Trong điều này, thầy tỳ-khưu phải có chí dũng-cảm, tinh-tấn chiến-đấu để tận-diệt các điều xấu-xa, lầm-lạc, ráng rèn tập những pháp lành và tìm cách để thoát khổ".

"Này các thầy tỳ-khưu! Còn thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu có sự tương-xứng?

"Trong điều này, khi được người bố-thí cho bốn món vật dụng như: cơm nước, chỗ ngụ, y phục, thuốc men, thầy tỳ-khưu cần phải có sự điều-độ và tri-túc[1]. Người chỉ nên nhận những vật nào cần-thiết mà thôi và chẳng nên thọ lãnh nhiều quá để tích-trữ, hoặc đem cho thân-bằng quyến-thuộc".

"Này các thầy tỳ-khưu! Còn như thế nào mới gọi là thầy tỳ-khưu có sự mau-mắn? 

"Trong điều này, thầy tỳ-khưu phải tìm cho thấy rõ một cách mau-mắn rằng: Ðây là sự khổ, đây là nguyên-nhân của sự khổ, đây là tư-cách diệt khổ, và đây là con đường để đi đến nơi diệt khổ[2]".

"Này các thầy tỳ-khưu! Như thế, thầy tỳ-khưu nào có đầy đủ bốn đức-tính ấy, mới đáng thọ lãnh của tín-thí, đáng cho người chấp tay lễ bái, cúng dường, và mới đáng gọi là miếng ruộng báu của chúng-sinh không đâu bì kịp".

-- ANGUTTARA NIKÃYA

Bốn hạng người

"Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Ðây là bốn hạng người: vua chúa, thầy tu, thương-gia và lao-động. Trong bốn hạng người ấy, có hai hạng: vua chúa và thầy tu thì được người ta coi là quan-trọng hơn hết. Sự quan-trọng của họ được biểu-lộ bằng những tập-quán lễ-nghi bên ngoài, như được người cung-kính chấp tay xá, cúi đầu chào hỏi, vân-vân ...".

"Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Lại cũng có năm đức-tính cao-thượng là: đức tin, nghị-lực, ngay thật, tinh-tấn và trí-tuệ mà con người cần phải trau giồi . Nếu tất cả bốn hạng người kể trên đều có đầy đủ năm đức-tính ấy, thì thảy-thảy đều được an vui lâu dài. Trong trường-hợp này, sự cố gắng tu tập của họ cũng như nhau, không có chi đáng phân-biệt cả".

"Cũng như người ta có một cặp voi hay một cặp ngựa thuần-thục, dễ khiến, lại có một cặp khác không thuần và khó trị. Thì cặp thứ nhất được coi là thuần-thục, dễ khiến, và cặp thứ nhì là không thuần và khó trị, dầu rằng chúng nó đều thuộc về một loại với nhau".

"Về đường tu tập cũng vậy, đức tin, nghị-lực, ngay thật, tinh-tấn và trí-huệ đều do chí cố gắng của người hành đạo, chứ chẳng phải do dòng-giống hoặc giai-cấp mà được. Những đức-tính ấy không sao thành-tựu đến những kẻ vô tín-ngưỡng, thiếu nghị-lực, xảo-trá, lười-biếng và ngu dốt bao giờ. Nói về bốn hạng người kể trên, nếu họ đạt được năm đức-tính cao-quý ấy, thì thảy-thảy đều được giải-thoát như nhau. Sự giải-thoát chỉ có một và chẳng phải dành riêng cho hạng người nào cả".

"Ví-dụ có bốn nhân-vật, người thứ nhất lấy một bó lá khô, người thứ nhì lấy một nhánh cây Sala, người thứ ba lấy một nhánh cây sung và người thứ tư lấy một nhánh cây xoài. Mỗi người đem lá và cây của mình đi đốt riêng nơi một góc nào, lửa cháy lên cũng đỏ, cũng nóng, cũng sáng giống nhau như thế nào? Thì chính: đức tin, nghị-lực, ngay thật, tinh-tấn và trí-huệ hằng đem lại ánh-sáng cho tinh-thần cũng như thế ấy.

"Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Như Lai cho rằng sự giải-thoát chỉ có một, chứ không có gì đáng phân-biệt cả".

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA

Lời của soạn-giả:

Ðức Phật thuyết pháp trên đây là cố-ý đánh đổ kiến-thức sai-lầm của nhóm Bà La Môn giáo[3]; cho rằng họ là thông-minh, cao-thượng hơn hết. Họ viện lẽ rằng họ được sanh ra là do một nguồn gốc thiêng-liêng, do giòng giống tốt đẹp. Họ thông-suốt ba bộ kinh Veda là những vật bất-khả-xâm-phạm của các bậc thánh-nhân truyền lại từ lâu đời. Tại xứ Ấn Ðộ, phần đông đều phải kính-nể và nhờ đến các thầy tu Bà La Môn, dầu là vua chúa cũng vậy, trong những việc học hỏi, tế lễ, xem tướng số, dựng đôi, gả lứa, vân-vân ... Sự phân chia giai-cấp này, hiện nay vẫn còn thạnh-hành trong khắp xứ Ấn Ðộ. Biết bao nhiêu nhà thức-giả như: Ramakrishna, Vivekananda, Gandhi ...  đã hết sức hô-hào cải-cách, nhưng cũng chưa đánh đổ được hoàn-toàn sự chấp-nê ấy.

Ðức Thế Tôn giải rằng hết thảy con người đều có một cơ-thể như nhau, nhưng chỉ khác nhau vì phẩm-cách. Nếu tất cả giai-cấp đều tu hành chính-chắn thì cũng được giải-thoát như nhau, chớ sự giải-thoát không phải dành riêng cho ai cả.

 

Đức Xá-lợi-phất giải về sức khỏe của cái tâm cho người tại-gia cư-sĩ Nakulapita nghe

Một hôm nọ, có người tại-gia cư-sĩ Nakulapita đến thăm Ðức Sãriputta[4]. Khi ông ta đảnh lễ và ngồi xong, Ðức Sãriputta liền hỏi rằng: "Này ông Nakulapita, chẳng biết hôm nay ông có được nghe pháp của Ðức Thế Tôn chưa; mà bần-đạo thấy sắc mặt ông tươi-tắn và dáng-điệu bình-tĩnh như thế?"

Ông Nakulapita trả lời rằng: "Bạch-hóa Ðại-Ðức, chính phải như vậy. Tôi vừa mới nghe Ðức Thế Tôn thuyết-pháp xong, nên thân tâm tôi rất mát mẻ, chẳng khác nào được tắm bằng nước cam-lộ".

- Vậy chớ ông nghe Ðức Thế Tôn thuyết như thế nào?

Bạch Ðại Ðức, khi nãy tôi có tìm đến Ðức Thế Tôn, đảnh lễ, ngồi kế bên và bạch với Ngài như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, hiện nay đệ-tử đã già, kiếp sống của đệ-tử gần mãn. Ðã vậy, lại thường hay bệnh-hoạn, nên ít khi có dịp được yết-kiến Ðức Thế Tôn và Chư Thinh Văn Ðại Ðức. Bạch Ðức Thế Tôn, vậy xin Ngài từ-bi dạy bảo cách nào cho đệ-tử được an vui, hạnh-phúc.

"Khi ấy, Ðức Thế Tôn dạy tôi như vầy: "Này người tại-gia cư-sĩ, quả thật vậy, vì niên cao kỷ trưởng nên xác thân của ngươi phải già và thường hay đau ốm. Mà kẻ nào phải mang lấy xác thân giả tạm này rồi thì không sao làm cho nó được luôn-luôn khỏe mạnh, dầu là trong giây lát. Chỉ có kẻ dại-dột, điên-rồ mới mong-mỏi như thế đó thôi. Này người tại-gia cư-sĩ, vậy ngươi nên tự dạy mình như vầy: "Tuy xác thân ta đau, nhưng tâm-trí ta nào có bệnh-hoạn chi".

"Bạch-hóa Ðại-Ðức Sãriputta, chính Ðức Thế Tôn đã thuyết cho tôi nghe như vậy, nên sắc mặt tôi trở nên tươi-tắn và dáng-điệu bình-tĩnh như thế này".

Tới đây, Ðại-Ðức Sãriputta liền hỏi ông Nakulapita: "Vậy chớ trong trường-hợp nào người ta mới có thể cho một kẻ kia đau cả xác thân và tâm-trí?"

Rồi Ngài thuyết tiếp cho ông Nakulapita nghe như vầy: "Trong điều này, chúng ta nên nghĩ đến một người kia ngu-dốt, chẳng biết phân-biệt ai là người cao-quí, không thấu rõ đường đạo-đức và chẳng năng trau-giồi các pháp của bậc thiện-trí-thức. Người ấy hằng chấp rằng: "Xác thân (sắc) là ta và chính cái ta ở trong xác thân này". Rồi lần-lượt, người lại hiểu lầm nữa, rằng 4 uẩn khác: Thọ, Tưởng, Hành, Thức, đều là ta và chính cái ta ở trong các uẩn ấy".

"Khi bị ý-nghĩ sai-lầm ám-ảnh rồi, thì người ấy hằng chú-tâm đến xác thân của mình và mỗi khi thân bị thay đổi, kém suy, thì cái tâm cũng bị lung-lạc, bứt-rứt. Vì đó mà người ấy phải đau khổ, thất-vọng, hối tiếc. Này ông Nakulapita, trong trường-hợp này, người ta có thể cho kẻ ấy đau cả xác thân và tâm-trí".

"Này ông Nakulapita, còn với trường-hợp nào người ta có thể cho một kẻ kia đau xác thân, mà tâm-trí không đau?"

"Trong điều này, chúng ta nên nghĩ đến một người kia có trí-tuệ, biết phân-biệt ai là người cao-quí, lại còn thấu rõ đường đạo-đức, cố công trau-giồi những pháp của bậc thiện-trí-thức. Người ấy không cho rằng: Xác thân là ta và chính cái ta ở trong xác thân này. Nhờ suy xét đúng theo chân-lý, người ấy không còn chú-tâm đến thân mình và mỗi khi xác thân bị thay đổi kém suy, thì tâm-trí của người cũng chẳng bị lung-lạc, bứt-rứt. Nhờ vậy mà người khỏi phải đau khổ, thất-vọng, hối tiếc. Này ông Nakulapita, trong trường-hợp đó, người ta có thể cho rằng kẻ ấy đau xác thân mà tâm-trí vẫn không đau".

-- SAMYUTTA NIKÃYA

Đức Phật giải về thuyết "đoạn kiến"[5]

Ðức Thế Tôn có thuyết cho những người tại-gia cư-sĩ ở xứ Sãla nghe như vầy: "Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Nhiều hạng đạo-sĩ hoặc Bà La Môn chủ-trương lý-thuyết "đoạn kiến", tuyên-bố rằng chẳng có tội phước, quả báo, luân-hồi chi cả, chẳng có bậc đạo-sĩ hoặc Bà La Môn nào tu hành chân-chánh đã được giác-ngộ và đắc đạo cả. Còn có nhiều hạng đạo-sĩ hoặc Bà La Môn khác lại cho rằng có tội, có phước, có quả-báo, luân-hồi, có nhiều bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn tu-hành chân-chánh đã được giác-ngộ và đắc đạo-quả thánh-nhân".

"Hỡi các người tại gia cư sĩ! Những ý nghĩ tương-phản ấy đem lại kết-quả như thế nào?"

"Trong trường-hợp thứ nhất: Những nhóm chủ-trương lý-thuyết "đoạn kiến", vì tin-tưởng rằng không có tội phước, quả-báo, luân-hồi và đạo-quả chi, nên họ hằng gây ra nhiều tội-lỗi do thân, khẩu, ý. Mà tại sao họ làm như vậy? Vì họ chẳng biết rõ những nỗi tai-hại, thống-khổ, trong bốn đường ác đạo[6] do nghiệp dữ gây nên, và không thấy những hạnh-phúc của nghiệp lành. Tuy có kiếp sau, nhưng họ vẫn đinh-ninh rằng không có. Tuy các bậc thánh-nhân công-nhận có nhiều cảnh-giới khác nhau, nhưng họ cứ cho rằng không có. Rồi họ lại đem lý-thuyết sai-lầm ấy ra tuyên-bố cho phần đông đều biết".

"Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Vì ý nghĩ sai-lầm của các bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn ấy, mà biết bao nhiêu sự xấu-xa, tội-lỗi được phát-sinh".

"Tuy-nhiên, một kẻ thức-thời, có trí xét đoán nên nghĩ như vầy: "Nếu quả thật kiếp sau không có, thì đó là một điều may-mắn cho kẻ dữ kia sau khi chết. Còn nếu có kiếp sau, thì tất-nhiên kẻ ấy phải bị tái-sinh vào cảnh bần-cùng, thống-khổ, bị hành phạt đau đớn. Ðã vậy, hiện nay kẻ ấy hằng bị các bậc thiện-trí-thức chê-bai vì những nết hư tật xấu của nó. Rốt cuộc, nó phải chịu thiệt-thòi trong cả hai trường-hợp: có kiếp sau hay không có".

"Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Trái lại, những bậc đạo- sĩ hay Bà La Môn nào có ý-nghĩ chân-chánh, cho rằng có tội, có phước, có quả báo, luân-hồi, và có nhiều bậc chân tu đắc được đạo-quả thánh-nhân, thì các bậc ấy hằng tinh-tấn làm những việc lành do thân, khẩu, ý, cố gắng diệt trừ những nết xấu-xa, tội-lỗi khi xưa và làm cho các pháp lành được thêm tấn-triển".

"Hỡi các người tại-gia cư-sĩ! Trong điều này, một kẻ thức-thời có trí xét đoán nên nghĩ như vầy: "Nếu kiếp vị-lai có thật, thì người lành kia, sau khi chết sẽ được tái-sinh lên làm người sang cả, hoặc về cõi thiên-đàng. Ðã vậy, hiện nay người ấy hằng được các bậc thiện-trí-thức ngợi-khen, mến phục do những hành-vi chánh đáng của người. Rốt cuộc, người lành ấy được lợi trong cả hai trường-hợp: có kiếp sau hay không có".

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA

Kiến-thức sai-lầm của các bậc xuất-gia

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Có ba hạng đạo-sĩ hay Bà La Môn thường suy-nghĩ một cách sai-lầm như sau:

1. Hạng thứ nhất cho rằng những sự vui, khổ, hoặc không vui, không khổ, của con người hiện nay, đều do các tiền nghiệp mà ra. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Nếu những hạng đạo-sĩ hay Bà La Môn ấy tìm đến Như Lai, thì Như Lai sẽ hỏi họ lại rằng: Nếu vậy, thì những nết hư-hỏng hiện nay của các bậc xuất-gia không chân-chánh như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, tự cao, tà kiến, đều do các tiền-nghiệp mà ra chăng?

Hỡi các thầy tỳ-khưu! Những kẻ nào mong tìm đạo giải-thoát, nhưng thường dựa vào các tiền-nghiệp để bào-chữa lỗi mình, đều là những kẻ đê-hèn, thiếu nghị-lực, hay quên mình, có tâm-trí dơ-bẩn, và chẳng tinh-tấn trau-giồi đạo-đức. Những kẻ ấy không đáng mang lấy danh-hiệu sa-môn chút nào cả.

2. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Hạng thứ nhì cho rằng: những sự vui, khổ, hoặc không vui, không khổ, của con người hiện nay đều do sự thưởng phạt của một đấng thiêng-liêng mà ra.

Hỡi các thầy tỳ-khưu! Nếu những hạng đạo-sĩ hay Bà La Môn ấy tìm đến Như Lai, thì Như Lai sẽ hỏi lại họ rằng: Nếu vậy, thì những nết hư-hỏng hiện nay của các bậc xuất-gia không chân-chánh như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống ruợu, tự cao, tà kiến, đều do sự thưởng phạt của đấng thiêng-liêng mà ra chăng?

Hỡi các thầy tỳ-khưu! Những kẻ nào mong tìm được đạo giải-thoát, nhưng thường dựa vào sự thưởng phạt của một đấng thiêng-liêng để bào-chữa tội-lỗi của mình đều là những kẻ đê-hèn, thiếu nghị-lực, hay quên mình, có tâm-trí dơ-bẩn và chẳng tinh-tấn trau-giồi đạo-đức. Những kẻ ấy không đáng mang danh-hiệu sa-môn chút nào cả.

3. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Hạng thứ ba cho rằng những sự: vui, khổ, hoặc không vui không khổ, của con người hiện nay đều do luật tự-nhiên mà ra.

Hỡi các thầy tỳ-khưu! Nếu những đạo-sĩ hay Bà La Môn ấy tìm đến Như Lai, thì Như Lai sẽ hỏi họ lại rằng: Nếu vậy thì những nết hư-hỏng hiện nay của các bậc xuất-gia không chân-chánh như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, tự cao, tà kiến, đều do luật tự-nhiên mà ra chăng?

Hỡi các thầy tỳ-khưu! Những kẻ nào mong tìm đạo giải-thoát, nhưng thường dựa vào luật tự-nhiên để bào-chữa lỗi mình, đều là những kẻ đê-hèn, thiếu nghị-lực, hay quên mình, có tâm-trí dơ-bẩn và chẳng tinh-tấn trau-giồi đạo-đức. Những kẻ ấy không đáng mang lấy danh-hiệu sa-môn chút nào cả".

-- ANGUTTARA NIKÃYA

Sự thường-tồn và vô-thường của thế-gian và bản-ngã  [7]

Hỡi các thầy tỳ-khưu! Có nhiều nhóm đạo-sĩ hay Bà La Môn thường dựa theo bốn lý-lẽ sau đây, để cho rằng thế-gian và bản-ngã là thường-tồn hoặc vô-thường:

1. Lý lẽ thứ nhất: Nói về vị trời Tạo-Hoá (Brahma)

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðến lúc nọ có một vị trời, vì hết tuổi thọ hoặc hết phước ở cõi trời vô sắc, nên phải thọ-sinh vào từng trời thấp kế đó gọi là trời sắc giới. Ngài được sanh vào cảnh này trước hơn ai hết, và chỉ sống bằng tinh-thần do sự phỉ lạc tự-nhiên[8] như vậy hằng mấy ngàn triệu năm. Nhưng đến một thời-gian sau, vì thấy mình sống cô-độc như vậy lâu quá, nên vị Phạm Thiên ấy cũng có hơi buồn và ước-nguyện như vầy: Ta mong sao có nhiều vị trời khác cũng đến đây ở với ta cho vui. Rồi đó, một việc tình-cờ khiến nhiều vị trời khác, vì hết tuổi thọ hoặc hết phước nơi cõi trời vô sắc và cũng được sanh vào cõi sắc giới sau vị Phạm Thiên kia. Những vị sau này cũng sống bằng tinh-thần do sự phỉ-lạc tự-nhiên như vậy hằng mấy ngàn triệu năm. Lúc ấy, bỗng-nhiên một ý-nghĩ sai-lầm phát khởi trong trí vị Phạm Thiên đầu tiên như vầy: "Quả thật vậy, chính ta là một vị Ðại Phạm Thiên được sanh vào chốn này trước nhất. Hiện bây giờ cho đến buổi tương-lai, ta chính là bậc Chúa Tạo-Hoá, điều-khiển vạn-vật. Vì nhờ sự ước-nguyện của ta mà các vị trời kia mới được sanh vào đây sau ta". Còn những vị trời đến sau lại cũng có ý-nghĩ sai-lầm như vầy: "Quả thật vậy, chính vị trời mà chúng ta gặp, khi mới thọ-sinh vào chỗ này là một vị Ðại Phạm Thiên. Hiện bây giờ cho đến buổi tương-lai, chính ngài là vị chúa tạo-hoá điều-khiển vạn-vật. Vì ngài ở đây trước chúng ta và chúng ta được sanh vào đây sau ngài".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Nhưng đến một ngày kia, có một vị trời trong nhóm ấy, vì hết tuổi thọ hoặc hết phước nơi cõi trời sắc-giới nên phải thọ-sinh xuống trần làm người và được xuất-gia hành đạo. Nhờ cố công tu tập, người ấy đắc được thiền-định và phép mầu 'Túc Mạng Minh', có thể nhớ lại tiền-kiếp của mình. Người ấy liền công-bố cho nhân-loại biết rằng: Vị trời đầu tiên ấy là một bậc Ðại Phạm Thiên, bậc Chúa Tạo-Hoá, điều-khiển vạn-vật. Ngài là bậc vô sanh bất diệt. Còn chúng ta thảy-thảy đều bị luật vô-thường chi-phối, bị sanh tử luân-hồi và có tuổi thọ rất ít".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðó là lý lẽ sai-lầm thứ nhứt mà có một số đạo-sĩ hay Bà La Môn thường dựa theo để cho rằng: thế-gian và bản-ngã là thường-tồn hoặc vô-thường".

2. Lý lẽ thứ nhì:

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Có nhiều hạng chư-thiên bị hư-hỏng vì những cuộc vui nơi cõi trời[9].  Họ sống trong cảnh cười-cợt, nhảy múa như vật hằng mấy triệu năm[10]. Vì say mê trong những cuộc vui liên-tiếp ấy, mà tâm-trí họ phải bị lu-lờ, hư-hỏng. Ðến một ngày kia, có một vị trong nhóm ấy, vì hết tuổi thọ hoặc hết phước nơi cõi trời, nên phải thọ-sinh xuống trần làm người và được xuất-gia hành đạo. Nhờ cố công tu tập, người ấy đắc được thiền-định và phép mầu 'Túc Mạng Minh', có thể nhớ lại kiếp mình được sanh làm chư-thiên vừa qua. Rồi đó, người ấy liền công-bố cho hàng nhân-loại biết rằng: "Có nhiều vị trời khác, vì chẳng say mê theo những cuộc vui cười, nhảy múa, như chúng ta, nên tâm-trí các ngài vẫn được bình-tĩnh và trong sạch. Các ngài là những bậc vô sanh bất diệt, khỏi bị sa đọa. Còn chúng ta vì ham vui một cách khờ dại, nên phải bị luật vô-thường chi-phối, phải bị sanh tử luân-hồi và có tuổi thọ rất ít".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðó là lý lẽ sai-lầm thứ nhì mà có một số đạo-sĩ hay Bà La Môn thường dựa theo để cho rằng thế-gian và bản-ngã là thường-tồn hoặc vô-thường".

3. Lý lẽ thứ ba:

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Có nhiều hạng chư-thiên bị hư-hỏng bởi có tâm tham-dục, thù-oán, ganh tị[11]. Vì chỉ sống trong sự ganh ghét, gièm-pha, thù-oán lẫn nhau, nên tâm-trí của họ phải bị hư-hỏng, lu-lờ. Ðến một ngày kia, có một vị trong nhóm ấy, vì hết tuổi thọ hoặc hết phước nơi cõi trời, nên phải thọ-sinh xuống trần làm người và được xuất-gia hành đạo. Nhờ cố công tu tập, người ấy đắc được thiền-định và phép mầu 'Túc Mạng Minh', có thể nhớ lại kiếp mình được sanh làm chư-thiên vừa qua. Rồi đó, người ấy liền công-bố cho hàng nhân-loại biết rằng: Có nhiều vị trời khác, vì không có tâm tham-dục, thù-oán, ganh tị lẫn nhau, nên tâm-trí các ngài vẫn được bình-tĩnh và trong sạch. Các ngài là những bậc vô sanh bất diệt, khỏi bị sa đọa. Còn chúng ta, vì có tâm tham-dục, ganh ghét, thù-oán lẫn nhau, nên phải bị luật vô-thường chi-phối, phải bị sanh tử luân-hồi và có tuổi thọ rất ít".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðó là lý lẽ thứ ba mà có một số đạo-sĩ hay Bà La Môn thường dựa theo để cho rằng thế-gian và bản-ngã là thường-tồn hoặc vô-thường".

4. Lý lẽ thứ tư:

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Còn nhiều hạng đạo-sĩ hay Bà La Môn để tâm tìm-tòi và bày vẽ ra rằng: "Những giác-quan như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đều là vô-thường. Còn tâm-trí, tư-tưởng và sự hiểu-biết đều là thường-tồn, bền bỉ".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðó là lý lẽ thứ tư mà có một số đạo-sĩ hay Bà La Môn thường dựa theo để cho thế-gian và bản-ngã là thường-tồn hoặc vô-thường".

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Những ý-nghĩ viễn-vông, những kiến-thức sai-lầm như vậy, chỉ đưa chúng-sinh đến chỗ tà kiến lầm-lạc đó thôi. Ðấng Như Lai không hề để tâm đến những điều vô-ích ấy, mà chỉ chú-trọng về những phương-pháp diệt khổ, về mục-đích giải-thoát, về sự an vui của Niết-Bàn".

-- DĨGHA NIKÃYA (Trường A Hàm)

Lời của soạn-giả:

Ðại-ý bài này dạy các hàng Phật-tử chớ nên tìm tòi về những lý-thuyết viễn-vông, vô-ích, mà phải ráng chú-trọng về những pháp hành cao-thượng có thể đưa chúng-sinh đến nơi dứt khổ, giải-thoát.

 

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Không nên lợi-dụng đức tin của người mà đòi hỏi thái-quá. Cũng như con bò cái bị người ta vắt sữa nhiều lần thì thế nào cũng hết sữa.

[2] Tứ  Diệu  Ðế.

[3] Nhóm Bà La Môn sắp họ trên ba hạng kia.

[4] Ðức Xá Lợi Phất.

[5] Lúc Ðức Phật còn tại thế, có một phái ngoại-đạo chủ-trương về vật-chất do vị giáo-chủ Ajita-Kesakambali cầm đầu. Ông này cho rằng trong thân người, chẳng có vật chi là bền-vững. Kẻ trí hay người ngu, sau khi chết, thì mất hẳn, không còn luân-hồi nữa. Vì vậy, nên các tín-đồ trong phái ấy cứ mài-miệt theo ngũ-trần, chớ chẳng chịu tu tập chi cả.

[6] Súc-sinh, A Tu La, Ngạ-quỉ, Ðịa-ngục.

[7] Thế-gian có ý-nghĩa là chúng-sinh và cảnh-vật trong khắp Tam-Giới: Dục-Giới, Sắc-Giới, Vô-Sắc-Giới, chớ không phải ám-chỉ riêng quả đất mà chúng ta đang sống hiện nay. Trời Phạm Thiên cũng còn là chúng-sinh.

[8] Không dùng vật thực như nhân-loại.

[9] Những vị trời trong lý lẽ thứ nhì và thứ ba đều thuộc về cõi Dục-Giới, nên cũng còn nhiều nết xấu như con người.

[10] Khi ở thế, nhờ có bố-thí vật-chất, nhưng chẳng biết đạo-đức, gặp phước cũng làm mà gặp tội cũng làm, nên vẫn còn si-mê.

[11] Cũng như có nhiều bậc xuất-gia ráng thu-thúc bên ngoài, nhưng trong tâm hãy còn tham muốn, thù vơ, oán chạ.