BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ban Hoằng pháp Trung ương, GHPGVN
Phật Học Cơ Bản, Tập Bốn


 

Phần III - Bài 4

QUAN NIỆM VỀ ÐỨC PHẬT TRONG
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thích Tâm Hải


Trong bối cảnh rối ren về tư tưởng và xã hội ở thế kỷ thứ VII trước Tl, tại một tiểu vương quốc của Ấn Ðộ xưa (nay thuộc Nepal), đã xuất hiện một vị thái tử thuộc vương tộc Thích Ca (Sakya) mà sau đó trở thành Bậc Giác Ngộ (Buddha, Phật), người đã "mở cánh cửa vĩnh cửu ra cho tất cả". Kinh văn ghi về sự kiện trọng đại này rằng: "Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trên thế gian này vì lợi ích của số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì ích lợi cho chư thiên và loài người" (1). Ðạo Phật hình thành từ đấy và sau đó nhanh chóng được truyền bá rộng rãi ra thế giới, là lẽ sống vĩnh hằng trong mọi nền văn hóa, cho những ai đi kiếm tìm đời sống hạnh phúc an lạc chân thật. Là Bậc Giác Ngộ, một Con Người lịch sử, Ðức Phật không hề tuyên bố rằng Ngài là hiện thân của một lực lượng siêu nhiên nào, là người độc quyền nắm giữ chân lý, hay Ðấng sáng tạo, mà là một người thể chứng Sự thật, một Bậc Thầy chỉ đường, con đường xuất phát từ thực tại và để mọi người đi đến giải thoát, giác ngộ như Ngài. Do thế, đạo Phật đến đâu lập tức được tiếp nhận mà không gặp sự chống đối từ các nền văn hóa và con người bản địa, mà hòa đồng và cộng sinh, mang đến một sinh lực mới cho các nền văn hóa. Nhân mùa Phật Ðản PL. 2544, căn cứ theo những tài liệu lịch sử, chúng tôi bước đầu tìm hiểu những quan niệm về Ðức Phật của người Phật tử Việt Nam qua các thời đại phát triển của lịch sử Phật giáo dân tộc.

ÐỨC PHẬT QUYỀN NĂNG PHÁP VÂN

Phật giáo hiện diện trong nền văn hóa Việt Nam đã hai nghìn năm. Ngay từ buỗi mới du nhập, Phật giáo đã nhanh chóng được tỗ tiên chúng ta tiếp nhận, bản địa hóa và trở nên một bức tường thành kiên cố chặn đứng thành công nhiều đợt sóng xâm lăng và đồng hóa về văn hóa của ngoại bang trong nhiều thời đại. Với xu hướng đó, ngoài những giáo lý nền tảng, Phật giáo Việt Nam có những nét đặc thù, được thể hiện rõ nhất là trong quan niệm về Ðức Phật, một Ðức Phật phù hợp với những yếu tố có sẵn của nền văn hóa bản địa và những yêu cầu của lịch sử, mà giai đoạn đầu là Ðức Phật Pháp Vân trong tín ngưỡng Tứ pháp.

Theo những tài liệu lịch sử mới, những người Phật tử Việt Nam xưa nhất hiện biết được tên tuổi là Chử Ðồng tử và vợ là công chúa Tiên Dung, tiếp nhận Phật pháp từ một vị Tăng Ấn Ðộ có tên là Phật Quang, sống vào khoảng thời Hùng Nghị Vương thứ nhất, tức khoảng thế kỷ thứ III-II trước TL (2). Ở đây, chúng ta biết được tư tưởng mà các Phật tử này tiếp thu là tư tưởng Phật giáo quyền năng. Tuy nhiên, điều đó mãi đến thời Mâu Tử, một gương mặt Phật tử anh tài ở thế kỷ II-III sau TL, mới được xác lập qua điều thứ 2 trong 37 điều ông viết trong tác phẩm Lý hoặc luận của mình. Ðể trả lời cho câu hỏi Ðức Phật là như thế nào, ông lập luận rằng Ðức Phật là Bậc Giác Ngộ, có khả năng biến hóa khôn cùng, không bị những quy luật khách quan chi phối, làm được tất cả những gì mà con người không thể làm... (3). Ðấy chính là chi tiết cho biết một cách cụ thể quan niệm về Ðức Phật của người Phật tử Việt Nam, phỗ biến ở những thế kỷ đầu, được Mâu Tử khái quát thành một định nghĩa trong Lý hoặc luận mà chúng ta biết được bằng văn bản cho tới tận hôm nay. Quan niệm này được khẳng định rõ hơn với sự ra đời của tín ngưỡng Tứ pháp, mà điển hình là hình tượng Ðức Phật Pháp Vân, kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa bản địa và Phật giáo đến từ Ấn Ðộ.

Dĩ nhiên, những đặc tính cơ bản của Phật giáo trong hình tượng Ðức Phật Pháp Vân quyền năng vẫn không bị mất đi. Người Việt tổ tiên chúng ta không quan niệm Ngài là đấng độc tôn và duy nhất có những khả năng phi thường mà con người không thể vươn đến; ngược lại, với lý thuyết Phật tính bình đẳng, mọi người đều có tiềm ẩn cái khả năng vô biên ấy, nên trong lý luận, người Phật tử Việt Nam thời bấy giờ quan niệm rằng, ai cũng có thể đạt đến, có thể thành Phật và sở hữu những quyền năng như thế, nếu thực hành đúng một số bước được vạch ra như những gợi ý hiện biết được qua bản dịch Lục Ðộ Tập kinh của ngài Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ III sau TL. Ðây là cơ sở cho hiện tượng Phật hóa người Việt sau này, như trường hợp Phật Mẫu Man Nương (khoảng 175-255), Phật Trúc Lâm (Trúc Lâm Ðiều Ngự, Thích Ca tái thế, 1258-1308), v.v...

Cũng nên lưu ý rằng, trước khi Phật giáo du nhập Việt Nam, tại nước ta đã có một nền văn hóa phát triển phong phú, với nền tảng vững chắc mà tiêu biểu là có hệ thống lịch pháp, ngôn ngữ, âm nhạc, luật pháp độc lập. Trong tín ngưỡng tại đây đã có mặt các vị thần biểu tượng cho những yếu tố tự nhiên có ý nghĩa sống còn đối với một nền văn minh nông nghiệp mà trồng lúa nước là chủ yếu, như thần mây, mưa, sấm, sét v.v... Khi Phật giáo đến, những tín ngưỡng này vẫn được duy trì, nhưng kết hợp với quan niệm Phật của Ấn Ðộ, và kết quả là sự ra đời của tín ngưỡng theo mô hình mới: tín ngưỡng Phật điện, hay còn gọi là tín ngưỡng Tứ pháp, có thể xuất hiện vào thế kỷ thứ II. Các vị thần mây, mưa, sấm, sét được Phật hóa để trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Ðiện, mà Phật Pháp Vân là biểu trưng và là hình tượng trung tâm. Tín ngưỡng này là một trong những nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Ngay từ rất sớm, với sự ra đời của tín ngưỡng Phật Pháp Vân, Phật giáo Ấn Ðộ đã rũ bỏ lớp áo của mình để đâm rễ vào nền văn hóa Việt Nam. Nói khác đi, nền văn hóa của nước ta thời bấy giờ là một nền văn hóa độc lập và đủ sức mạnh để tiếp nhận và bản địa hóa Phật giáo, làm cho Phật giáo không còn là một yếu tố văn hóa ngoại lai, mà trở thành bản địa. Về Phật giáo, là một tôn giáo không giáo điều và không hề phủ nhận các hệ tư tưởng ngoài mình, đã không công kích hay tước bỏ những giá trị nền tảng có sẵn mà khiêm tốn khép mình đi vào đời sống văn hóa Việt Nam, đem đến cho nền văn hóa này một nội dung mới mang tính Phật giáo. Với tín ngưỡng Phật Pháp Vân, chúng ta không thể tìm ra hình ảnh của Ðức Phật Ấn Ðộ, đồng thời nội dung của tín ngưỡng cũ cũng không còn nguyên vẹn mà được bổ sung một nội dung mới. Cả hai yếu tố bản địa và Ấn Ðộ không còn thuần nhất tính chất ban đầu trong tín ngưỡng Tứ pháp. Do thế, Ðức Phật của người Việt cỗ xưa không phải là Ðức Phật theo nguyên mẫu đến từ Ấn Ðộ, mà đã được khúc xạ qua nền văn hóa bản địa, ở đó yếu tố lịch sử không được đề cập, để trở thành một Ðức Phật đầy quyền năng, phò trợ cho nhân dân và cả dân tộc, mà sau này chính vua Lê Thánh Tông (ở ngôi 1460-1479) đã cảm khái thốt lên với một niềm tin sâu sắc: "Tĩnh phò thế nước dường như tại" (Lặng lẽ phò trì cho đất nước như thường trực một bên) (4).

Tín ngưỡng Phật Pháp Vân nói riêng và tín ngưỡng Tứ pháp nói chung là một trong những chỗ dựa về tâm linh của người Việt qua nhiều thời đại, và tồn tại cho đến ngày nay. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và dân tộc, những ghi chép về các lễ hội rước Phật cầu mưa thuận gió hòa do nhà nước và nhân dân tổ chức diễn ra trong nhiều triều đại, như vua Lê Nhân Tông (1443-1459) ở những năm mới lên ngôi đã tỗ chức rước Phật Pháp Vân về kinh đô Thăng Long để cầu mưa, đặc biệt là lễ hội rầm rộ rước Phật đời Lê Thánh Tông được Thiền sư Pháp Tính (1470-1550) mô tả lại một cách sinh động trong tác phẩm chữ Nôm Cỗ châu Pháp Vân Phật bản hạnh lục. Tín ngưỡng này vẫn được tồn tại cho đến hôm nay, đặc biệt thể hiện đậm nét ở miền Bắc nước ta (5), chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam.

PHẬT TẠI TÂM

Về mặt tư tưởng, sau khoảng 500 năm du nhập và bước đầu hòa quyện với nền văn hóa bản địa, mà một trong những biểu hiện quan trọng là sự ra đời của hình tượng Ðức Phật Pháp Vân như đã nói trên, với sự trỗi dậy của ý thức độc lập dân tộc, từ thế kỷ thứ V, Phật giáo Việt Nam đã diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt đưa đến khủng hoảng trầm trọng hiện biết được qua sự kiện "sáu lá thư" trao đỗi giữa Phật tử Giao Châu Lý Miễu với hai vị thầy của ông là các Pháp sư Ðạo Cao và Pháp Minh (6). Cuộc khủng hoảng này được kết thúc bằng một cuộc cách mạng về tư tưởng với sự ra đời của dòng thiền do ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi và đệ tử là ngài Pháp Hiền khởi xướng vào cuối thế kỷ thứ VI. Hệ quả là một quan niệm hoàn toàn mới mẻ về Ðức Phật hình thành. Phật không phải là Bậc Giác Ngộ với những khả năng phi thường tồn tại bên ngoài, mà hiện hữu ngay trong bản thân mỗi con người. Quan niệm này được ngài Vô Ngôn Thông bổ sung hoàn chỉnh hơn 200 năm sau đó. Ðặc biệt, đến thời đại của ngài Trần Nhân Tông (ở ngôi 1279-1293), nó được phát triển đỉnh cao với chủ trương "Cư trần lạc đạo", và ở đấy, Ðức Phật trở nên rất gần gũi với con người, Phật thể hiện hữu trong tâm qua hình tượng Bụt mà ngài khái quát trong bài phú chữ Nôm Cư trần lạc đạo:

Bụt ở cuông nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt
Ðến cốc hay chỉn Bụt là ta (7)

Hay trước đó, ngài Trần Thái Tông (ở ngôi 1225-1258) cũng đã từng nói: "Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng" (8). Ðây là quan niệm hết sức mới mẻ và mang tính cách mạng về tư tưởng. Chính những quan niệm mới này đã mở ra một thời đại phát triển mới của Phật giáo Việt Nam, thời đại gắn liền với những chặng đường phát triển của một tinh thần dân tộc đang lên. Sự hình thành nó mang tính cách mạng, tuy nhiên nó không phủ nhận và vứt bỏ quan niệm hình thành trước đó về một Ðức Phật quyền năng, mà hỗ tương, tạo thành một nền Phật giáo hoàn chỉnh với hai tầng tư tưởng.

Trong những thập niên trở lại đây, cụ thể là từ phong trào Chấn hưng Phật giáo từ những năm 20 đầu thế kỷ, sự giao lưu quốc tế được đẩy mạnh qua các phương tiện giao thông và thông tin hiện đại, người Phật tử Việt Nam đã được tiếp cận các khuynh hướng nghiên cứu Phật học từ nhiều nước và nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, chúng ta biết thêm về Ðức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, nhưng cơ bản, vẫn chịu ảnh hưởng bởi hai quan niệm truyền thống như đã đề cập. Trong tâm thức của người Phật tử Việt Nam luôn hiện hữu hai Ðức Phật: một Ðức Phật quyền năng vô biên luôn phò trợ cho nhân dân và dân tộc, là đối tượng thờ phượng và cầu đảo thiêng liêng; và một Ðức Phật (Bụt) gần gũi, là biểu tượng cho trí tuệ, sự tỉnh giác, sự thanh khiết thuần tịnh của đời sống tâm linh, và ai cũng có một vị Phật như vậy trong lòng, nhưng quan trọng là có nhiệt tâm làm hiển lộ hay không mà thôi. Hai hình tượng Ðức Phật này không hề có những mâu thuẫn mà tạo nên hai tầng tư tưởng cơ bản của Phật giáo Việt Nam, và là một trong những yếu tố cơ bản để xác định bản sắc của Phật giáo dân tộc, đồng thời chứng minh cho bản chất của Phật giáo là không giáo điều và phủ nhận các hệ tư tưởng khác ngoài mình một cách cực đoan. Nói khác đi, từ Ðức Phật Ấn Ðộ đến Ðức Phật Pháp Vân, rồi hình tượng Bụt trong nền Phật giáo được thiết định bởi ngài Trần Nhân Tông, xây dựng trên cơ sở của quan niệm Phật tại tâm do ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi và ngài Pháp Hiền khởi xướng từ cuối thế kỷ thứ VI, là một quá trình hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam để trở thành một nền Phật giáo bản địa, vì lợi ích thiết thực của dân tộc, đáp ứng những yêu cầu cụ thể của lịch sử và đời sống tâm linh của người Việt.

Những quan niệm về Ðức Phật, Ðức Phật quyền năng với hình tượng tiêu biểu là Ðức Phật Pháp Vân trong tín ngưỡng Tứ pháp, và Ðức Phật tại tâm hình thành sau cuộc cách mạng tư tưởng với sự ra đời của dòng thiền Pháp Vân do các ngài Tỳ Ni Ða Lưu Chi và Pháp Hiền đề xướng, được phát triển đến đỉnh cao với tư tưởng Phật giáo của ngài Trần Nhân Tông, là những tầng cơ bản của nền Phật giáo nước ta. Ðức Phật trong tâm thức của người Việt không giống với Ðức Phật Ấn Ðộ, hay Trung Quốc, Nhật Bản... Và, đấy là những yếu tố cơ bản cấu thành nền Phật giáo Việt Nam. Những yếu tố này được hình thành trong lịch sử và là một sự hình thành có ý thức. Mọi sự phát triển đều xây dựng trên nền tảng của nền Phật giáo này, trên kinh nghiệm của quá trình hòa nhập của Phật giáo vào nền văn hóa dân tộc, trở thành một cơ thể thống nhất, bất khả phân ly.

-ooOoo-

Ghi chú:

(1) Kinh Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikàya)

(2) Xem Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb Thuận hóa, 1999

(3) Phật nghĩa là Bậc Giác Ngộ, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ lớn đều được, vuông được tròn được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi [trên] dao không đau, ở [trong] dơ không bị bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì tỏa sáng...

(4) Hồng Ðức quốc âm thi tập

(5) Ðức Phật Pháp Vân hiện được thờ tại chùa Pháp Vân, còn gọi là chùa Diên Ứng hay chùa Dâu, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

(6) Xem Thích Tâm Hải, Tổng quan về lịch sử Phật giáo Việt Nam, NSGN số 48, tháng 3-2000, tr.84-88

(7) Thuộc hội thứ năm, Cư trần lạc đạo phú. Trong đó có một số từ tiếng Việt cổ, diễn lại là:

"Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Vì quên mất gốc nên ta tìm Bụt
Nào có hay Bụt chính là ta"

(8) Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng. Xem Niệm Phật luận, Khóa hư lục, Thơ văn Lý-Trần, tập II, thượng, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, tr.83.

-ooOoo-

Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 |
3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 3.7 | 3.8 |
[^]

Tập Một  | Tập Hai | Tập Ba | Toàn bộ

Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2001


[Trở về trang Thư Mục]

Revised: 24-11-2001