Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Saddhammasaṅgaha
Diệu Pháp Yếu Lược

Tác giả nguyên tác Pāḷi: Dhammakitti Mahāsāmi
Bản dịch tiếng Việt: Bhikkhu Indacanda (Trương đình Dũng)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri

Chương Thứ Nhất

Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất

1. Tôi xin đảnh lễ Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo là cội nguồn của các đức hạnh; sau đó xin trình bày tác phẩm "Diệu Pháp Yếu Lược" một cách khái quát.

2. Do năng lực phước báu đã làm đến ngôi Tam Bảo, xin cho các điều tai hại được tiêu tan không còn dư sót.

3. Sau khi thừa nhận đường lối giải thích của Chú Giải Tam Tạng về mọi lãnh vực, việc ghi chép lại Tam Tạng nhằm mục đích phát triển Giáo Pháp của bậc Chiến Thắng,

4. Tác phẩm tên "Diệu Pháp Yếu Lược" này được thực hiện một cách đầy đủ và rõ ràng bởi bậc trí tuệ nhằm đem lại niềm tin cho nhân loại. Xin các thiện trí thức đang ở nơi đây có lòng mong mỏi để nghe, xin hãy lắng nghe.

Phần giảng giải này nhằm mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa của điều trên. Nghe rằng trước đây bốn a-tăng-kỳ và hơn một trăm ngàn kiếp, đức Thế Tôn của chúng ta thuở còn là Bồ Tát đã nhận được sự thọ ký ở đỉnh đầu trong sự hiện diện của hai mươi bốn vị Phật. Sau khi làm tròn đủ một cách đồng đều ba mươi pháp ba-la-mật (pāramī), Ngài đã đạt đến trí tuệ toàn hảo tối thượng. Sau khi giác ngộ, Ngài đã sống trong bốn mươi lăm năm và đã thuyết giảng tám mươi bốn ngàn Pháp Môn. Từ khi giúp nhóm chúng sanh đầu tiên vượt qua khỏi khu rừng rậm luân hồi cho đến lúc tế độ du sĩ Subhadda, Ngài đã hoàn thành tất cả các phận sự của vị Phật, rồi đã nằm xuống Vô Dư Niết Bàn trên chiếc giường của sự viên tịch giữa hai cây Long Thọ (Sālā) trong khu rừng Sālā tại Kusinārā.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

5. Trước đây, đấng Đại Hùng đã làm hài lòng hai mươi bốn vị Phật Toàn Giác, đầu tiên là vị Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) và đã được các ngài thọ ký quả giác ngộ.

6. Sau khi đã làm tròn đủ tất cả các ba-la-mật, Ngài đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng. Đức Phật Gotama cao cả đã xóa đi nỗi khổ đau ở chúng sanh.

7. Sau khi hoàn thành mọi phận sự của đức Phật Toàn Giác, vị Lãnh Đạo thế gian đã đạt đến trạng thái an nhiên và viên tịch trên chiếc giường Vô Dư Niết Bàn.

Khi đức Thế Tôn là đấng Chúa Tể của thế gian Vô Dư Niết Bàn, bảy trăm ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội tại nơi ấy. Sau khi đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn được bảy ngày, trong lúc nhớ lại lời nói của kẻ xuất gia lúc tuổi già Subhadda, ngài trưởng lão Mahākassapa (Đại Ca Diếp) là vị trưởng thượng của hội chúng đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

- Này các sư đệ, chúng ta nên đọc tụng lại Pháp và Luật.

Các vị tỳ khưu đã trả lời:

- Bạch ngài, nếu vậy xin trưởng lão hãy tuyển chọn các vị tỳ khưu.

Khi ấy, ngài Mahākassapa đã tuyển chọn năm trăm vị tỳ khưu A-la-hán (rồi nói rằng):

- Này các sư đệ, chúng ta nên đọc tụng lại Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở trong thành Rājagaha (Vương Xá).

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

8. Trong số bảy trăm ngàn vị trưởng thượng tỳ khưu lúc bấy giờ, trưởng lão Mahākassapa là vị thượng thủ của hội chúng.

9. Sau khi đấng Thập Lực bậc Đạo Sư của thế gian Vô Dư Niết Bàn được bảy ngày, vị ấy đã nhớ lại lời nói bôi nhọ của lão già Subhadda.

10. Sau khi tuyển chọn được năm trăm vị tỳ khưu trưởng thượng, xuất sắc, không còn lậu hoặc, ngài đại trưởng lão đã thực hiện cuộc Đại Kết Tập.

11. Vào ngày thứ nhì của tháng thứ hai trong mùa an cư, các vị trưởng lão ấy đã tụ hội lại trong một ngôi giảng đường tráng lệ.

Khi ấy, vào ngày thứ nhì các vị trưởng lão tỳ khưu sau khi hoàn tất việc độ ngọ đã sắp đặt y bát và tụ hội tại pháp đường được xây dựng bởi vua Ajātasattu (A Xà Thế). Sau khi hội chúng tỳ khưu đã an tọa, trưởng lão Mahākassapa đã nói với các vị tỳ khưu rằng:

- Này các sư đệ, chúng ta nên kết tập phần nào trước, Pháp hay Luật?

Các vị tỳ khưu đáp rằng:

- Bạch ngài Mahākassapa, Luật là mạng sống của Giáo Pháp. Khi nào Luật còn tồn tại thì Giáo Pháp còn tồn tại; do đó, chúng ta nên đọc tụng Luật trước tiên.

- Nên giao trách nhiệm cho vị nào rồi mới nên đọc tụng Luật?

- Nên giao trách nhiệm cho đại đức Upāli. Các vị đã trả lời.

Trưởng lão Mahākassapa đã đích thân chỉ định cho chính mình công việc hỏi Luật. Trưởng lão Upāli đã đích thân chỉ định cho chính mình công việc trả lời về Luật. Sau đó, ngài Upāli đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng lão, rồi ngồi lên Pháp tọa cầm lấy chiếc quạt được lắp cán sừng. Sau đó, ngài Mahākassapa đã ngồi xuống trên chỗ ngồi của vị trưởng lão và đã hỏi ngài Upāli rằng:

- Này sư đệ, điều Bất Cộng Trụ (Pārājika) thứ nhất đã được công bố ở nơi nào?

- Bạch ngài, ở Vesālī.

- Có liên quan đến ai?

- Liên quan đến Sudinna, con trai của Kalandaka.

- Về sự việc gì?

- Về việc đôi lứa.

Sau đó, ngài Mahākassapa đã hỏi ngài Upāli về sự việc, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về điều quy định, đã hỏi về điều quy định thêm, đã hỏi về cách thức phạm tội, và đã hỏi về cách thức không phạm tội của điều Bất Cộng Trụ (Pārājika) thứ nhất.

Tương tợ điều thứ nhất, ngài Mahākassapa đã hỏi về sự việc ...(như trên)..., đã hỏi về cách thức không phạm tội của điều thứ hai, của điều thứ ba, của điều thứ tư. Vị trưởng lão Upāli đã lần lượt trả lời mỗi khi được hỏi.

Sau khi đã kết tập xong bốn điều Bất Cộng Trụ (Pārājika) này, các vị đã quy định rằng: "Đây gọi là Chương Bất Cộng Trụ (Pārājikakaṇḍaṃ)." Các vị đã quy định mười ba điều Tăng Tàng (Saṅghādisesa) là "Chương Mười Ba Pháp (Terasakaṇḍaṃ)," hai điều học là "Bất Định (Aniyata)," ba mươi điều học là "Ưng Xả Đối Trị (Nissaggiya Pācittiya)," chín mươi hai điều học là "Ưng Đối Trị (Pācittiya)," bốn điều học là "Ưng Phát Lộ (Pāṭidesanīya)," bảy mươi lăm điều học là "Ưng Học Pháp (Sekhiya)," và bảy pháp là "Các pháp dàn xếp tranh tụng (Adhikaraṇasamatha)."

Phẩm Đại Phân Tích (Mahāvibhaṅga) đã được hoàn tất như thế. Trong Phẩm Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīvibhaṅga), các vị đã quy định tám điều học là: "Đây là Chương Bất Cộng Trụ (Pārājika-kaṇḍaṃ)," mười bảy điều học là "Chương Mười Bảy Pháp (Sattarasakaṇḍaṃ)," ba mươi điều học là "Ưng Xả Đối Trị (Nissaggiya Pācittiya)," một trăm sáu mươi sáu điều học là "Ưng Đối Trị (Pācittiya)," tám điều học là "Ưng Phát Lộ (Pāṭidesanīya)," bảy lăm điều học là "Ưng Học Pháp (Sekhiya)," và bảy pháp là "Các pháp dàn xếp tranh tụng (Adhikaraṇasamatha)." Phẩm Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīvibhaṅga) đã được hoàn tất như thế. Cũng bằng phương thức ấy, các vị đã hoàn tất bộ Hợp Phần (Khandhaka) và bộ Tập Yếu (Parivāra).

Như vậy, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi và trưởng lão Upāli đã trả lời toàn bộ về Tạng Luật (Vinaya-piṭaka) được kết tập theo thứ tự gồm có bộ Phân Tích Luật Lưỡng Phái (Ubhatovibhaṅga), bộ Hợp Phần (Khandhaka), bộ Tập Yếu (Parivāra). Khi chấm dứt phần vấn và đáp, năm trăm vị A-la-hán đã đồng thanh lập lại đúng y theo thứ tự đã được sắp xếp ở phần kết tập. Khi hoàn tất việc kết tập về Tạng Luật, quả đại địa cầu đã rúng động.

Sau đó, ngài Upāli đã để xuống chiếc quạt được lắp cán sừng, rời Pháp tọa, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng thượng, rồi trở về chỗ ngồi của bản thân.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

12. Vị đại trưởng lão đã đích thân chỉ định cho chính mình nhiệm vụ hỏi Luật còn trưởng lão Upāli đã nhận nhiệm vụ trả lời về Luật.

13. Ngồi trên chỗ ngồi của trưởng lão, vị ấy đã hỏi vị kia về Luật; còn vị kia sau khi ngồi trên Pháp tọa đã trả lời vị kia về Luật.

14. Vị thông suốt Luật hạng nhất đã trả lời theo thứ tự các câu hỏi, và tất cả các vị hiểu biết phương thức trong Luật đã đồng thanh lập lại.

Sau khi đã kết tập xong Luật, ngài Mahākassapa có ý muốn kết tập Pháp nên đã hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Trong số các vị chuyên đọc tụng Pháp, nên giao trách nhiệm cho cá nhân nào rồi mới nên đọc tụng Pháp?

Các vị tỳ khưu đã trả lời:

- Nên giao trách nhiệm cho trưởng lão Ānanda.

Sau đó, trưởng lão Mahākassapa đã đích thân chỉ định cho chính mình nhiệm vụ hỏi về Pháp và trưởng lão Ānanda đã đích thân chỉ định cho chính mình nhiệm vụ trả lời về Pháp. Rồi ngài Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng lão, rồi ngồi lên Pháp tọa cầm lấy chiếc quạt được lắp cán sừng. Sau đó, trưởng lão Mahākassapa đã ngồi xuống trên chỗ ngồi của vị trưởng lão rồi hỏi trưởng lão Ānanda về Pháp rằng:

- Này sư đệ Ānanda, kinh Phạm Võng (Brahma-jāla) đã được thuyết tại đâu?

- Bạch ngài, ở giữa Rājagaha và Nalandā trong vườn thượng uyển Ambalaṭṭhikā.

- Có liên quan đến ai?

- Liên quan đến du sĩ ngoại đạo Suppiya và thanh niên Brahmadatta.

Sau đó, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi trưởng lão Ānanda về duyên khởi đồng thời về nhân sự của bài kinh Phạm Võng (Brahma-jāla).

Rồi ngài đã lần lượt hỏi tiếp:

- Này đệ Ānanda, kinh Sa Môn Quả (Sāmañña-phala) đã được thuyết tại đâu?

- Thưa ngài, ở Rājagaha trong vườn xoài của Jīvaka.

- Đến người nào?

- Đến vua Ajātasattu (A Xà Thế), con trai của Vedehi.

Khi ấy, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi trưởng lão Ānanda về duyên khởi đồng thời đã hỏi về nhân sự của bài kinh Sa Môn Quả (Sāmañña-phala).

Chính bằng phương thức ấy, các vị đã kết tập Kinh Trường Bộ (Dīghanikāya) gồm có ba mươi bốn bài kinh bắt đầu với kinh Brahmajāla và nói rằng: "Đây gọi là Kinh Trường Bộ (Dīghanikāya)," rồi đã ủy thác cho trưởng lão Ānanda việc truyền tụng:

- Này đệ Ānanda, hãy dạy lại bộ kinh này cho các đệ tử của đệ.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Trung Bộ (Majjhimanikāya) gồm có một trăm năm mươi hai bài kinh bắt đầu với kinh Pháp Môn Căn Bản (Mūlapariyāyasutta), rồi đã ủy thác cho các đệ tử của vị trưởng lão Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputta:

- Các người hãy bảo quản bộ kinh này.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Tương Ưng Bộ (Samyuttanikāya) gồm có bảy ngàn bảy trăm sáu mươi hai bài kinh bắt đầu với kinh Vượt Khỏi Bộc Lưu (Oghataranasutta), rồi đã ủy thác cho vị trưởng lão Mahākassapa:

- Bạch ngài, xin ngài hãy dạy lại bộ kinh này cho các đệ tử của ngài.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttaranikāya) gồm có chín ngàn năm trăm năm mươi bảy bài kinh bắt đầu với kinh Sự Xâm Chiếm và Ngự Trị Tâm (Cittapariyādānasutta), rồi đã ủy thác cho vị trưởng lão Anuruddha:

- Hãy dạy lại bộ kinh này cho các đệ tử của ngài.

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập Kinh Tiểu Bộ (Khuddakanikāya) với mười lăm phần khác biệt gồm có Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapāṭha), Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), Kinh Phật Thuyết Như Vầy (Itivuttaka), Kinh Tập (Suttanipāta), Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu), Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu), Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā), Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā), Chuyện Tiền Thân (Jātaka), Nghĩa Thích (Niddesa), Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā), Thí Dụ (Apadāna), Phật Sử (Buddhavaṃsa), Hạnh Tạng (Cariyāpiṭaka), rồi đã quy định rằng: "Đây gọi là Tạng Kinh (Suttanta-piṭaka)."

Tiếp đến phần khác, các vị đã kết tập bảy phần riêng biệt gồm bảy tác phẩm lớn là Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), Phân Tích (Vibhaṅga), Chất Ngữ (Dhātukathā), Nhân Chế Định (Puggalapaññatti), Ngữ Tông (Kathāvatthu) [*], Song Đối (Yamaka), và Vị Trí (Paṭṭhāna), rồi đã quy định rằng: "Đây gọi là Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka)."

[* Đại hội kết tập này chưa có tác phẩm Kathāvatthu, đến đại hội kết tập lần thứ ba mới có -- ND]

Như thế, trưởng lão Mahākassapa đã hỏi và trưởng lão Ānanda đã trả lời toàn bộ được kết tập lại theo thứ lớp. Khi chấm dứt phần vấn và đáp, năm trăm vị A-la-hán đã đồng thanh lập lại phần kết tập. Khi hoàn tất việc kết tập về Pháp, quả đại địa cầu đã rúng động.

Sau đó, ngài Ānanda đã để xuống chiếc quạt được lắp cán sừng, rời Pháp tọa, đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng thượng, rồi trở về chỗ ngồi của bản thân.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

15. Vị trưởng lão ấy đã đích thân chỉ định cho chính mình rồi đã hỏi về Pháp đến vị hạng nhất trong các vị đa văn và là vị giữ gìn kho báu của bậc Đại Ẩn Sĩ.

16. Tương tợ như thế, trưởng lão Ānanda đã đích thân chỉ định cho chính mình rồi đi đến Pháp tọa và trả lời về Pháp không chút thiếu sót.

Toàn bộ lời dạy của đức Phật nên được biết là có một phần khi nói về bản chất, có hai phần khi nói về Pháp và Luật, có ba phần khi nói về Phần Đầu Phần Giữa và Phần Kết, cũng như vậy khi nói về Tạng (Piṭaka), có năm phần khi nói về Bộ Kinh (Nikāya), có chín phần khi nói về Thể (Aṅga), có tám mươi bốn ngàn nếu nói về Pháp Uẩn.

Thế nào là có một phần khi nói về bản chất? Bởi vì kể từ khi đức Thế Tôn chứng đạt Chánh Đẳng Giác vô thượng cho đến khi Ngài Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót; trong khoảng thời gian bốn mươi lăm năm ấy, tất cả những gì Ngài giảng dạy cho chư thiên, nhân loại, các loài rồng, dạ-xoa, v.v... nhằm mục đích giáo huấn hoặc phê phán chỉ có một bản chất là bản chất giải thoát mà thôi. Như thế khi đề cập đến bản chất thì có một phần.

Thế nào là có hai phần khi nói về Pháp và Luật? Luật tức là Tạng Luật, phần còn lại về lời dạy của đức Phật gọi là Pháp. Như thế khi đề cập đến Pháp và Luật thì có hai phần.

Thế nào là có ba phần khi nói về Phần Đầu, Phần Giữa, và Phần Kết? Trong trường hợp này:

17. Ta lang thang luân hồi đã nhiều kiếp sống, tìm kiếm người thợ xây nhà nhưng không gặp, sự sanh là nỗi khổ cứ tiếp diễn mãi.

18. Giờ ta đã tìm ra người thợ xây nhà rồi, ngươi không còn kiến tạo nhà được nữa. Tất cả cột kèo của ngươi đã bị gãy đổ, mái nhà đã bị phá tan. Ta đã chứng đạt sự đoạn trừ tham ái, tâm ta đã đạt Niết Bàn.

Đây là lời nói đầu tiên của đức Phật. Một số vị đề cập đến lời kệ cảm hứng trong phần Khandhaka "Giờ đây đích thực Pháp đã hiện khởi!" Điều này cần được hiểu rằng vào ngày trăng tròn, khi đang quán xét về lý duyên khởi với tâm trí đang tràn ngập nỗi hân hoan của sự chứng đạt quả vị Toàn Giác, bài kệ cảm hứng ấy chỉ được khởi lên (trong trí Ngài).

Vào thời điểm Vô Dư Niết Bàn, Ngài đã nói rằng: "Này các tỳ khưu, giờ ta dạy bảo các ngươi rằng: Các pháp có tánh hoại diệt là pháp hữu vi, hãy nỗ lực để chứng đạt chớ có dễ duôi," đó là lời nói cuối cùng của đức Phật.

Điều gì đức Phật nói lên vào khoảng giữa của hai thời điểm ấy được gọi là lời dạy của đức Phật thuộc Phần Giữa.

Như thế khi đề cập đến Phần Đầu, Phần Giữa, và Phần Kết thì có ba phần.

Thế nào là có ba phần khi nói về Tạng? Bởi vì toàn bộ gồm có ba phần riêng biệt: Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Vi Diệu Pháp.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

19. Trong đó, tạng Luật được xem là gồm có Chương Pārājika, Pācittiya, thêm vào Phân Tích Giới Tỳ khưu ni, Đại Phẩm, rồi Tiểu Phẩm, và Tập Yếu.

Phần này được gọi là Tạng Luật.

20. Ba mươi bốn bài kinh được kết tập làm ba chương; "Đó là Kinh Trường Bộ," tức là phần thứ nhất theo sự sắp xếp.

21. Kinh Trung Bộ gồm có mười lăm chương, trong đó có một trăm năm mươi hai bài kinh.

22. Bảy ngàn bảy trăm sáu mươi hai bài kinh được kết tập thành Bộ Tương Ưng.

23. Chín ngàn năm trăm năm mươi bảy bài kinh là số lượng bài kinh trong Bộ Tăng Chi.

24. Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapāṭha), Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), Kinh Phật Thuyết Như Vầy (Itivuttaka), Kinh Tập (Suttanipāta), Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu), Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu),

25. Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā), Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā), Chuyện Tiền Thân (Jātaka), Nghĩa Thích (Niddesa), Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā), Thí Dụ (Apadāna), Phật Sử (Buddhavaṃsa), Hạnh Tạng (Cariyāpiṭaka). Mười lăm phần riêng biệt ấy được xem là Kinh Tiểu Bộ.

Phần nầy được gọi là Tạng Kinh.

26. Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), Phân Tích (Vibhaṅga), và cuốn khác nữa là Chất Ngữ (Dhātukathā), thêm vào đó là Nhân Chế Định (Puggalapaññatti), và cuốn Ngữ Tông (Kathāvatthu).

27. Song Đối (Yamaka), và Vị Trí (Paṭṭhāna), bảy cuốn riêng biệt này đã được giảng dạy bởi bậc Chánh Đẳng Giác và được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp.

Phần này được gọi là Tạng Vi Diệu Pháp. Như thế khi đề cập đến Tạng thì có ba phần.

Thế nào là có năm phần khi nói về Bộ Kinh (Nikāya)? Tức là Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, và Kinh Tiểu Bộ.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

28. Ngoại trừ bốn Bộ Kinh bắt đầu với Kinh Trường Bộ, v.v... các lời dạy khác của đức Phật được xem là Kinh Tiểu Bộ.

Như thế khi đề cập đến Bộ Kinh thì có năm phần.

Thế nào là có chín phần khi nói về Thể (Aṅga)? Bởi vì toàn bộ gồm có chín hình thức khác biệt, đó là sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla. Trong trường hợp này, Ubhatovibhaṅga, Niddesa, Khandhaka, Parivāra, các bài kinh Maṅgalasutta, Ratanasutta, Nalakasutta, Tuvaṭakasutta trong Suttanipāta (Kinh Tập), và các lời dạy của đấng Như Lai có tựa đề là Kinh (Sutta) thì được xếp vào thể Kinh (Sutta). Các bài kinh có xen các bài kệ vào được biết là thể Geyya; đặc biệt toàn bộ Thiên Có Kệ (Sagāthāvagga) trong Kinh Tương Ưng Bộ là thể Geyya. Toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp, các bài kinh không có xen các bài kệ, và các lời dạy khác của đức Phật không thuộc tám loại trên được xếp vào thể Veyyākaraṇa. Kinh Pháp Cú, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, các bài có tên là kinh nhưng chỉ là kệ trong Kinh Tập (Suttanipāta) thì được xếp vào thể Gāthā. Tám mươi hai bài kinh liên quan đến các bài kệ do tuệ giác hoan hỷ được xếp vào thể Udāna. Một trăm mười hai bài kinh được giới thiệu bằng: "Vuttaṃ h’ etaṃ Bhagavatā ti" (Đức Thế Tôn thuyết về điều ấy như vầy) thì được xếp vào thể Itivuttaka. Năm trăm năm mươi bài kinh Bổn Sanh bắt đầu bằng Bổn Sanh Apannaka được xếp vào thể Jātaka. Tất cả các bài kinh liên quan đến pháp kỳ diệu phi thường và được giới thiệu như sau: "Này các tỳ khưu, có bốn pháp kỳ diệu phi thường ở Ānanda," được xếp vào thể Abbhūtadhamma. Tất cả các bài kinh được hỏi và được liên tục ghi nhận trong sự hiểu biết và hoan hỷ như các bài kinh Cullavedalla, Mahāvedalla, Sammādiṭṭhi, Sakkapañhā, Saṅkhāra-bhājaniya, Mahāpuṇṇama, v.v...được xếp vào thể Vedalla. Như thế khi đề cập đến Thể thì có chín phần.

Thế nào là có tám mươi bốn ngàn phần khi nói về Pháp Uẩn?

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

29. Tôi đã học tám mươi hai ngàn từ đức Phật, hai ngàn từ vị tỳ khưu (Sāriputta), tổng cộng các pháp này là tám mươi bốn ngàn.

30. Trong Tạng Luật có hai mươi mốt ngàn Pháp Uẩn, trong Tạng Kinh có hai mươi mốt ngàn Pháp Uẩn, và trong Tạng Vi Diệu Pháp có bốn mươi hai ngàn Pháp Uẩn.

Như thế, bằng cách giải nghĩa theo Pháp Uẩn thì có tám mươi bốn ngàn phần riêng biệt.

Trong trường hợp này, bài kinh có một chủ đề (anusandhika) thì tính một Pháp Uẩn, bài kinh nào có nhiều chủ đề thì tính nhiều Pháp Uẩn. Như thế, việc tính đếm Pháp Uẩn tức là đề cập đến chủ đề. Trong những phần Kệ (gāthā), mỗi câu hỏi hay chất vấn là một Pháp Uẩn và câu trả lời là một Pháp Uẩn. Trong tạng Vi Diệu Pháp, mỗi một phần chia chẻ gồm có một nhị đề hoặc tam đề và mỗi một phần chia chẻ theo loại tâm được gọi là một Pháp Uẩn. Trong tạng Luật thì có phần câu chuyện (vatthu), có phần tiêu đề (mātikā), có phần phân tích từ ngữ, có phần phạm tội, có phần không phạm tội, có phần phán xét; trong trường hợp này, cứ mỗi một phần được xem là một Pháp Uẩn. Như thế, khi đề cập đến Pháp Uẩn thì có tám mươi bốn ngàn phần.

Cứ như thế, lời dạy của đức Phật gồm nhiều phần khác biệt đã được các vị A-la-hán, có chủ tọa là ngài Mahākassapa, sau khi sắp xếp thành nhóm tương xứng: "Đây là Pháp, đây là Luật," v.v... đã đọc tụng trong bảy tháng.

Khi kết thúc cuộc kết tập, đại địa cầu này với nước biển bao bọc xung quanh đã xảy ra nhiều sự rung động, lay chuyển, lắc lư khác nhau và có vô số điều kỳ diệu y như đang bày tỏ sự tán thưởng do sự hoan hỷ sanh khởi: "Giáo Pháp này của đấng Thập Lực được vận hành tròn đủ trong khoảng thời gian năm ngàn năm nhờ vào trưởng lão Mahākassapa."

Việc này được gọi là lần kết tập thứ nhất.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

31. Trong thế gian này, việc nào do năm trăm (vị) làm, việc ấy được gọi là "thuộc về năm trăm vị;" và việc nào được đích thân các vị trưởng lão thực hiện được gọi là "thuộc về các vị trưởng lão."

32. Như vậy cuộc kếp tập Giáo Pháp đã được hoàn tất trong bảy tháng chính vì lợi ích của tất cả thế gian và nhằm đem lại lợi ích cho toàn thể thế gian.

33. Nhờ trưởng lão Mahākassapa, Giáo Pháp này của đấng Thiện Thệ được vận hành tròn đủ năm ngàn năm.

34. Khi cuộc kết tập được hoàn tất, đại địa cầu với nước bao bọc xung quanh đã dấy lên niềm hoan hỷ tột độ và đã rúng động sáu lần.

35. Vô số hiện tượng kỳ diệu với nhiều hình thức đã xuất hiện ở thế gian. Cuộc kết tập này do chính các vị trưởng lão thực hiện nên đây là truyền thống của Thượng Tọa Bộ.

36. Các vị trưởng lão ấy đã thực hiện cuộc kết tập lần thứ nhất và đã đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh. Khi sống hết tuổi thọ, tất cả đã Niết Bàn.

37. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về Cuộc Đại Kết Tập Lần Thứ Nhất
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Hai

Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhì

Thế rồi ngày đêm lần lượt qua đi đến khi đức Thế Tôn đã Vô Dư Niết Bàn được một trăm năm, các vị tỳ khưu nhóm Vajjiputtaka ở Vesālī đã phổ biến trong thành Vesālī mười sự việc. Mười sự việc ấy là gì? Được phép cất giữ muối trong ống sừng, được phép ăn khi bóng mặt trời đã quá hai ngón tay, được phép đi vào làng lúc phi thời, được phép hành lễ Uposatha riêng rẽ, được phép thực hiện hành sự không đủ tỳ khưu, được phép duy trì sở hành của thầy tổ, được phép uống sữa chưa được khuấy phi thời, được phép uống nước trái cây lên men, được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh, được phép cất trữ vàng bạc [Mười sự việc này được ghi lại theo nghĩa - ND]. Vị vua tên Kālāsoka con trai của Susunāga đã ủng hộ các vị ấy.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

1. Vào cuối năm thứ mười của triều vua Kālāsoka, như thế là được một trăm năm kể từ khi đấng Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn.

2. Lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu vô liêm sỉ nhóm Vajjiputtaka ở thành Vesālī đã phổ biến là: "Được phép làm" về mười sự việc.

Vào lúc bấy giờ, ngài Yasa con trai của Kākaṇḍa đang đi du hành ở trong xứ Vajjī đã nghe rằng: "Nghe nói các vị tỳ khưu Vajjiputtaka ở Vesālī phổ biến mười sự việc" trong lúc suy nghĩ: "Điều ấy không hợp lý! Một khi biết được sự làm hư hoại lời giáo huấn của đấng Thập Lực thì ta không thể làm ngơ được. Ta cần phải ngăn cản các vị nói sai Giáo Pháp và làm cho Giáo Pháp trở nên rạng rỡ" rồi đã đến trú tại Vesālī. Nơi đó, ngài Yasa con trai của Kākaṇḍa đã trú tại Mahāvana (Đại Lâm) nơi giảng đường Kūtāgāra ở trong thành Vesālī.

Lúc bấy giờ, vào ngày Uposatha (Bố Tát) các vị tỳ khưu Vajjiputtaka ở Vesālī đã sử dụng chậu đồng chứa đầy nước đặt ở giữa hội chúng tỳ khưu rồi nói với các cư sĩ ở Vesālī đang đi qua lại như vầy: "Này các đạo hữu, hãy bố thí cho hội chúng một đồng tiền vàng (kahāpaṇa), một nửa đồng, một pāda, một māsaka, hoặc một đồng bạc; hội chúng sẽ sử dụng cho các vật dụng cần thiết."

Tất cả sự việc ấy đã được nêu ra trong cuộc kết tập với sự hiện diện của bảy trăm vị tỳ khưu không hơn không kém. Do đó, sự kiện ấy được gọi là "Cuộc kết tập về Luật của bảy trăm vị."

Mười hai ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội lại trong cuộc hội nghị ấy. Giữa các vị đã tụ hội lại do công của ngài Yasa con trai của Kākaṇḍa, ngài Revata đã hỏi và trưởng lão Sabbakāmī đã trả lời về Luật; mười sự việc ấy đã được xác định và sự tranh tụng được chấm dứt.

Sau đó, các vị trưởng lão đã nói rằng: "Chúng ta sẽ đọc tụng Pháp và Luật;" rồi đã chọn lựa bảy trăm vị tỳ khưu A-la-hán thông suốt Tam Tạng và thành đạt tuệ phân tích đến tụ hội tại tu viện Vāluka trong thành Vesālī. Cũng giống như lần được kết tập bởi trưởng lão Mahākassapa, các vị đã giải quyết thông suốt các điều hoài nghi về lời giáo huấn và đã đọc tụng lại tất cả Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn. Cuộc kết tập ấy đã được hoàn tất trong tám tháng.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

3. Trên đời, việc được thực hiện bởi bảy trăm vị nên gọi là "Cuộc Kết Tập Bảy Trăm Vị." Vì trước đây đã có làm nên được gọi là "Lần Thứ Nhì."

4. Cuộc kết tập nổi tiếng đã được đọc tụng bởi các vị trưởng lão Sabbakāmī, Sāḷha, Revata, Khujjasobhita,

5. Yasa, và Sānasambhūta. Các vị trưởng lão ấy là đệ tử của trưởng lão Ānanda trước đây đã được thấy đức Như Lai.

6. Cả hai vị Sumana và Vāsabhagāmī được biết là đệ tử của ngài Anuruddha trước đây đã được thấy đức Như Lai.

7. Tất cả các vị trưởng lão đọc tụng trong cuộc kết tập lần thứ nhì đều đã dứt bỏ các lậu hoặc, đã đặt gánh nặng xuống, và đã hoàn tất mọi phận sự.

8. Các vị trưởng lão ấy đứng đầu là vị Sabbakāmī đều có đại thần lực đã tự phóng hỏa thành những khối lửa ở trên không và thành tựu Vô Dư Niết Bàn.

9. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt quả vị bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhì
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Ba

Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Ba

Hai trăm hai mươi tám năm kể từ khi bậc Chánh Đẳng Giác Vô Dư Niết Bàn, tất cả các ngoại đạo khác với số lượng sáu mươi ngàn đều bị thiếu thốn về lợi lộc và danh vọng thậm chí không nhận được thức ăn và y phục. Do mong muốn lợi lộc và danh vọng nên họ đã cạo đầu, khoác y ca-sa, đi lại ở các trú xá, và vào dự các hành sự như là lễ Uposatha (Bố Tát). Họ đã gây nên sự ung nhọt, ô nhiễm, lộn xộn trong Giáo Hội; do đó, trên toàn bộ đảo Jambu này, sáu năm qua hội chúng tỳ khưu đã không thực hiện hành sự Uposatha.

Khi ấy, vị minh vương Asoka (A Dục) lên ngôi đã được mười lăm năm. Đức vua có ý định thanh lọc Giáo Hội nên đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu tại tu viện Asoka. Trong buổi triệu tập đó, trưởng lão Moggaliputtatissa là vị trưởng thượng trong hội chúng đã giảng giải về giáo lý cho đức vua. Đức vua đã hỏi tất cả các vị ngoại đạo, và biết được rằng: "Những người này không phải là tỳ khưu, những người này là ngoại đạo," nên đã bố thí cho vải trắng rồi trục xuất. Sau đó, đức vua nói rằng: "Bạch ngài, giờ đây Giáo Hội đã được thanh tịnh, xin thỉnh hội chúng tỳ khưu thực hiện hành sự Uposatha," rồi đã bố trí việc bảo vệ và trở vào thành phố. Hội chúng hợp nhất đã tụ hội lại và thực hiện lễ Uposatha.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

1. Sau khi bậc Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được hai trăm hai mươi tám năm, vua Asoka là chúa tể ở trái đất này.

2. Nơi xứ ấy, vị bảo hộ trái đất đã học tập giáo lý chính thống của bậc Toàn Giác trong khi ngự ở khu vườn thượng uyển tuyệt đẹp trong thời gian bảy ngày.

3. Chính trong bảy ngày ấy, vị chúa tể của trái đất đã phái đi hai dạ-xoa để triệu tập toàn bộ tỳ khưu ở trái đất này.

4. Vào ngày thứ bảy, đức vua đã đi đến tu viện lộng lẫy của cá nhân và cho lệnh triệu tập hội chúng tỳ khưu không thiếu một ai.

5. Sau khi hỏi tất cả các vị tà kiến ngoại đạo ấy, vị chúa tể của trái đất đã nhận ra và trục xuất sáu mươi ngàn người.

6. Rồi vị chúa tể của trái đất đã nói với vị trưởng lão rằng: "Bạch ngài, hội chúng đã được thanh tịnh; vì thế, xin hội chúng hãy tiến hành lễ Uposatha."

7. Sau khi đã bố trí sự bảo vệ cho hội chúng, vị chúa tể đã về lại thành phố xinh đẹp. Khi ấy, hội chúng đã được hợp nhất nên đã tiến hành lễ Uposatha.

Trong lần tụ hội ấy, trưởng lão Moggaliputtatissa trong khi phủ nhận các học thuyết khác đã trình bày tác phẩm Kathāvatthu. Vị ấy đã tuyển chọn được một ngàn vị tỳ khưu thông thạo Tam Tạng và pháp Học, có tuệ phân tích sắc bén, và có Tam Minh trong số sáu trăm ngàn vị tỳ khưu.

Giống như trưởng lão Mahākassapa và trưởng lão Yasa đã kết tập Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn; tương tợ như thế, trong khi trùng tụng lại Pháp và Luật, vị trưởng lão Moggaliputtatissa đã thanh lọc tất cả các điều sai trái trong Giáo Pháp và đã thực hiện cuộc kết tập lần thứ ba.

Khi kết thúc cuộc kết tập, quả đại địa cầu đã rung động bằng nhiều cách. Lần kết tập này đã kết thúc trong chín tháng.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

8. Giống như trưởng lão Mahākassapa và trưởng lão Yasa đã thực hiện cuộc kết tập về Giáo Pháp, trưởng lão Tissa cũng đã làm việc ấy như thế.

9. Trong hội trường của cuộc kết tập ấy, trưởng lão Tissa đã trình bày tác phẩm Kathāvatthu phủ nhận các học thuyết khác.

10. Như vậy cuộc kết tập Giáo Pháp ấy gồm một ngàn vị tỳ khưu đã được hoàn tất trong chín tháng với sự hộ trì của vua Asoka.

11. Sau khi thực hiện cuộc kết tập lần thứ ba đem lại nhiều lợi ích cho thế gian, tất cả các vị trưởng lão ấy đã sống hết tuổi thọ rồi Niết Bàn.

12. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt quả vị bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Ba
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Tư

Giảng Giải về sự Thọ Lãnh Tu Viện Cetiyapabbata

Sau đây là lời dẫn giải liên quan đến sự việc trên: Nghe rằng trưởng lão Moggaliputtatissa sau khi thực hiện cuộc kết tập lần thứ ba này đã suy nghĩ như vầy: "Trong tương lai Giáo Pháp có thể phát triển bền vững ở nơi đâu?" Và vị ấy đã khẳng quyết điều này: "Giáo Pháp sẽ phát triển bền vững ở các quốc độ lân bang."

Vị ấy đã trao nhiệm vụ rồi đã phái các vị tỳ khưu ấy một số đi chỗ này, một số đi chỗ nọ. Vị ấy đã phái trưởng lão Majjhantika đến xứ Kasmīra và Gandhāra: "Ngươi hãy đi đến xứ sở đó và phát triển Giáo Pháp ở nơi đó." Vị ấy cũng đã nói y như thế rồi phái trưởng lão Mahādeva đến Mahisamaṇḍala, trưởng lão Rakkhita đến xứ Vanavāsi, trưởng lão Dhammarakkhita người xứ Yona đến xứ Aparantaka, trưởng lão Mahādhammarakkhita đến Mahāraṭṭha, trưởng lão Mahārakkhita đến quốc độ Yona, trưởng lão Majjhima đến vùng Hi Mã Lạp Sơn, trưởng lão Soṇaka và trưởng lão Uttara đến Suvaṇṇabhūmi, và phái đệ tử của mình là trưởng lão Mahinda cùng với các trưởng lão Iṭṭhiya, Uttiya, Sambala, Bhaddasāla đến đảo Laṅkā (Tích Lan): "Hãy đi đến đảo Laṅkā và phát triển Giáo Pháp ở đó."...

Tất cả các vị ấy khi đi đến xứ này xứ nọ ở các phương đã đi thành nhóm năm người: "Trong các quốc độ lân bang, nhóm năm vị là đủ số lượng cho hành sự tu lên bậc trên."

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

1. Vị trưởng lão Moggaliputta ấy là vị đã làm rạng rỡ lời giáo huấn của bậc Chiến Thắng sau khi đã hoàn thành cuộc kết tập và quán xét về tương lai.

2. Vị ấy đã quán thấy sự pháp triển của Giáo Pháp ở các xứ lân bang nên vào tháng Kattika đã phái đi các vị trưởng lão một số đến nơi này, một số đến nơi khác.

3. Vị trưởng lão Majjhantika đã được phái đến xứ Kasmīra và Gandhāra, còn trưởng lão Mahādeva đã được phái đến xứ Mahisamaṇḍala.

4. Vị trưởng lão tên Rakkhita đã được phái đến xứ Vanavāsi; cũng vậy, trưởng lão tên Dhammarakkhita người xứ Yona đến xứ Aparantaka.

5. Vị trưởng lão tên Mahādhammarakkhita được phái đến xứ Mahāraṭṭha, còn vị trưởng lão Mahārakkhita đến quốc độ Yona.

6. Vị trưởng lão Majjhima được phái đến vùng Hi Mã Lạp Sơn, còn chính hai vị trưởng lão Soṇa và Uttara đến Suvaṇṇabhūmi.

7. Còn vị trưởng lão danh tiếng Mahinda cùng với các đệ tử của bản thân là vị trưởng lão Iṭṭhiya, Uttara, Sambala, và Bhaddasāla,

8. Năm vị trưởng lão đã được phái đi (với lời chỉ dạy rằng): "Các vị hãy phát triển lời giáo huấn tuyệt vời của bậc Chiến Thắng ở xứ Laṅkā tuyệt vời ấy."

Phần trưởng lão Mahinda, được vị bổn sư và hội chúng tỳ khưu yêu cầu rằng: "Ngươi hãy đi đến hòn đảo Laṅka và thiết lập Giáo Pháp ở đó," nên đã suy nghĩ rằng: "Có phải bây giờ là lúc để đi đến đảo Laṅkā không?"

Khi ấy, chúa trời Sakka đã đi đến gặp trưởng lão Mahinda và nói rằng:

- Thưa ngài, đức vua Muṭasīva đã băng hà, giờ vị đại vương Devānampiyatissa đang trị vì quốc độ. Vả lại, bậc Chánh Đẳng Giác đã tiên tri về ngài rằng: "Trong ngày vị lai, vị tỳ khưu tên Mahinda sẽ gieo niềm tin ở đảo Laṅkā này." Thưa ngài, vì thế bây giờ là thời điểm để đi đến hòn đảo quý giá ấy, và ta sẽ là bạn đồng hành với ngài.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

9. Khi ấy, vị trưởng lão tên Mahinda là trưởng lão của hội chúng gồm có các vị tên là Iṭṭhiya, Uttiya, Bhaddasāla, và Sambala.

10. Và sa di Sumana là vị có đại thần lực với sáu loại thần thông; vị thứ bảy trong nhóm là cư sĩ Bhaṇḍuka đã chứng ngộ Chân Đế.

11. Các vị trưởng lão được phái đi đã bay lên không trung từ đảo Jambu rồi đã đáp xuống thành phố tuyệt hảo giống như những con chim thiên nga chúa vậy.

12. Các vị đã cư ngụ ở phía trước của thành phố hạng nhất ấy trên đỉnh của ngọn núi giống như những con chim thiên nga sống ở đám mây trên cao chót vót của bầu trời.

Như vậy, sau khi bậc Chánh Đẳng Giác Vô Dư Niết Bàn được hai trăm ba mươi sáu năm, trưởng lão Mahinda cùng với các vị như là Iṭthiya, v.v... được thông báo rằng: "Ngươi hãy định cư ở hòn đảo này" đã đi đến và cư ngụ ở núi Missaka.

Cũng trong ngày hôm ấy, ở trên hòn đảo Laṅkā là ngày lễ hội Jeṭṭhamūla. Đại vương Devānampiyatissa đã tuyên bố rằng: "Hãy tổ chức lễ hội" và ra lệnh cho triều thần rồi cùng đoàn tùy tùng bốn mươi ngàn người rời thành phố đi đến núi Missaka với ý định tiêu khiển việc săn thú rừng. Lúc bấy giờ, một vị thiên thần ngự ở ngọn núi ấy (nghĩ rằng): "Ta sẽ tạo điều kiện để nhà vua gặp các vị trưởng lão" nên đã biến thành con nai màu đỏ đi lại không xa nhà vua lắm như là đang ăn cỏ.

Khi ấy, nhà vua đã gây nên tiếng động ở dây cung. Con nai chạy thoát thân theo lối đi đến Ambatthala. Nhà vua trong lúc đuổi theo sát phía sau đã lên đến Ambatthala. Rồi con nai đã biến mất không xa các vị trưởng lão lắm.

Khi thấy nhà vua đang đi lại gần, trưởng lão Mahinda đã chú nguyện: "Hãy để nhà vua thấy ta chớ không thấy các vị khác," rồi nói rằng: "Này Tissa! Này Tissa! Hãy đi đến đây." Nghe vậy, nhà vua đã suy nghĩ: "Không ai sanh ra trên hòn đảo này có thể xưng hô với ta bằng tên "Tissa," vậy mà kẻ mặc vải choàng cắt ngang dọc, đầu cạo, khoác y ca-sa lại dám gọi ta bằng tên. Kẻ này là ai, người hay là phi nhân đây?"

Vị trưởng lão đã lên tiếng:

13. Tâu Đại Vương, chúng tôi là sa-môn, đệ tử của đấng Pháp Vương. Vì lòng bi mẫn đến bệ hạ nên đã từ đảo Jambu đi đến đây.

Khi nghe lời nói của vị trưởng lão, nhà vua lập tức bỏ vũ khí xuống rồi đã đến ngồi ở một bên nói lời chào hỏi thân thiện. Chuyện kể như vầy:

14. Sau khi hạ vũ khí xuống, đức vua đã đi đến bên cạnh rồi ngồi xuống trao đổi thân thiện về nhiều vấn đề.

Vào giây phút ấy, bốn mươi ngàn tùy tùng đã đến nơi và đứng quanh nhà vua. Khi ấy, vị trưởng lão đã làm cho nhà vua thấy được sáu vị kia. Nhà vua khi thấy họ đã hỏi rằng:

- Những người này đến khi nào vậy?

- Tâu Đại Vương, họ đã đến cùng với bần tăng.

- Hiện giờ ở đảo Jambu cũng có những vị sa-môn khác như thế này hay sao?

- Tâu Đại Vương, hiện nay đảo Jambu đang rực rỡ với bóng dáng của y ca-sa và được tràn ngập bởi vô số hiền triết.

Nói xong, vị ấy đã thốt lên bài kệ này:

15. Có nhiều đệ tử của đức Phật có thần thông, tam minh, biết được tâm của người khác, không còn lậu hoặc, và là bậc A-la-hán.

- Bạch ngài đã đến đây bằng đường nào?

- Tâu Đại Vương, không phải bằng đường thủy cũng không phải bằng đường bộ.

Nhà vua đã hiểu được rằng: "Các vị đã đến bằng đường không trung."

Vị trưởng lão đã hỏi câu hỏi về ví dụ trái xoài và nhà vua đã trả lời.

Khi ấy, vị trưởng lão (nghĩ rằng): "Đức vua là bậc trí tuệ có thể hiểu được Giáo Pháp" nên đã thuyết Tiểu Tượng Tích Dụ Kinh (Cūḷahatthipadopamasuttaṃ). Khi chấm dứt bài thuyết Pháp, nhà vua và bốn mươi ngàn người đã an trú vào ngôi Tam Bảo.

- Bạch ngài, ngày mai trẫm sẽ phái xe đến. Xin ngài hãy lên xe ấy và đi đến.

Nói xong, nhà vua đã đảnh lễ rồi ra đi.

Sau khi nhà vua ra đi không bao lâu, vị trưởng lão đã bảo với sa di Sumana rằng:

- Này Sumana, hãy đến. Ngươi hãy thông báo giờ giấc để nghe Pháp.

- Bạch ngài, con sẽ thông báo cho nghe được đến tận nơi nào?

- Toàn thể đảo Laṅkā.

- Bạch ngài, lành thay!

Rồi vị sa di đã nhập vào tứ thiền có cơ sở của thần thông, xong đứng dậy, chú nguyện bằng tâm định, rồi thông báo ba lần về giờ giấc để nghe Pháp cho toàn bộ đảo Laṅkā nghe được.

Khi nghe tiếng nói ấy, nhà vua đã phái người đến gặp các vị trưởng lão (hỏi rằng):

- Bạch các ngài, có tai họa gì xảy ra vậy?

- Không có tai họa gì xảy ra cho chúng tôi cả. Vì chúng tôi muốn giảng giải Phật Pháp nên thông báo thời giờ để nghe Pháp.

Khi nghe được lời thông báo ấy của vị sa di, chư thiên địa cầu đã lập lại lời ấy. Và bằng phương thức trên, lời thông báo đã đi lên đến tận cõi trời Phạm Thiên; nhờ lời thông báo ấy mà chư thiên đã hội tụ lại đông đảo. Khi nhìn thấy đông đảo chư thiên đã tụ hội lại, vị trưởng lão đã thuyết bài kinh Tâm Thăng Bằng (Samacittasuttantaṃ) Khi chấm dứt bài thuyết pháp, vô số chư thiên đã lãnh hội được giáo pháp; nhiều loài rồng và kim-sỉ-điểu đã an trú vào sự nương tựa (Tam Bảo).

Rồi khi trải qua đêm ấy, nhà vua đã cho xe đến rước các vị trưởng lão. Người đánh xe ấy đã dừng xe lại một bên và nói với các vị trưởng lão rằng:

- Bạch các ngài, xe đã được đem lại, xin hãy lên xe rồi chúng ta sẽ đi.

- Chúng tôi không lên xe đâu. Ngươi cứ việc đi, chúng tôi sẽ theo sau.

Nói xong, các vị trưởng lão đã bay lên không trung về phía đông của thành phố Anurādhapura sau đó đáp xuống vùng đất của bảo tháp thứ nhất. Cho nên, (sau này) chính cái bảo tháp được xây dựng tại địa điểm mà các vị trưởng lão đã đáp xuống đầu tiên được gọi là "Bảo Tháp Thứ Nhất."

Người đánh xe ấy đã nhìn thấy các vị trưởng lão đi đến trước liền thắt lại dây buộc lưng và khoác lại áo choàng. Sau khi nhìn thấy vậy, người đánh xe ấy đã sanh tâm tín thành cao độ rồi đi đến tâu với nhà vua rằng:

- Tâu bệ hạ, các vị trưởng lão đã đến.

Nhà vua hỏi:

- Các vị có lên xe không?

- Tâu bệ hạ, không có lên. Hơn nữa, họ khởi hành sau thần nhưng lại đến nơi trước và đang đứng ở cửa phía đông.

Nhà vua cũng đã đi đến đảnh lễ các vị trưởng lão và nhận lãnh bình bát từ tay của trưởng lão Mahinda rồi hướng dẫn các vị trưởng lão vào thành phố với sự tôn vinh và cung kính vô cùng trọng thể, sau đó đã đưa vào hoàng cung.

Vị trưởng lão khi nhìn thấy chỗ ngồi soạn sẵn được làm cố định đã khởi ý rằng: "Lời giáo huấn của bậc Đạo Sư chúng ta sẽ được thiết lập bền vững ở toàn bộ đảo Laṅkā như vật này đã được gắn cố định trên mặt đất vậy," rồi đã ngồi xuống.

Nhà vua đã đích thân làm hài lòng các vị trưởng lão với vật thực thượng hạng loại cứng loại mềm. Sau khi việc thọ thực hoàn tất, vị trưởng lão đã thực hiện cơn mưa Pháp Bảo rơi xuống cho nhà vua và các người tùy tùng khi ngài thuyết giảng về Chuyện Ngạ Quỷ (Peta-vatthu), về Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu), và Tương Ưng Sự Thật (Saccasaṃyutta). Sau khi lắng nghe buổi thuyết giảng Giáo Pháp ấy của vị trưởng lão, năm trăm cung phi đã chứng ngộ quả Nhập Lưu. Khi buổi giảng Pháp chấm dứt vào lúc chiều tối, các quan đại thần đã đưa các vị trưởng lão đến vườn thượng uyển Mahāmegha, và các vị trưởng lão đã ngụ tại vườn thượng uyển Mahāmegha.

Sau khi trải qua đêm ấy, nhà vua đã đi đến nơi các vị trưởng lão hỏi han về sự nghỉ ngơi có được an lạc không rồi đã hỏi như vầy:

- Bạch ngài, tu viện có được phép đối với hội chúng tỳ khưu không?

Vị trưởng lão trả lời:

- Tâu Đại Vương, được phép.

Nhà vua đã hoan hỷ cầm lấy cái bình bằng vàng chế nước trên tay của vị trưởng lão rồi đã cúng dường khu vườn thượng uyển Mahāmegha. Khi các giọt nước rơi xuống, trái đất đã rúng động. Vị trưởng lão đã thuyết giảng Giáo Pháp trong bảy ngày. Có đến chín ngàn năm trăm người đã chứng ngộ Giáo Pháp. Sau đó, vị trưởng lão đã đi đến núi Cetiyagiri và nhà vua cũng đã đi đến nơi đó.

Vào ngày hôm ấy, vị quan triều đình tên là Ariṭṭha và năm mươi lăm anh em đã quỳ lạy nhà vua tâu rằng:

- Tâu bệ hạ, thần muốn được xuất gia nơi các vị trưởng lão.

- Này khanh, tốt lắm! Ngươi hãy xuất gia đi.

Nhà vua đã cho phép và đã thuyết phục vị trưởng lão chấp thuận. Ngay ngày hôm ấy, vị trưởng lão đã làm lễ xuất gia. Và tất cả (các vị xuất gia) đã thành tựu phẩm vị A-la-hán ngay trong lúc cạo đầu.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

16. Ngay trong ngày hôm ấy, nhà vua đã tiến hành công việc xây dựng sáu mươi tám chỗ ngụ ở xung quanh vùng đất của bảo tháp Kaṇṭaka.

17. Rồi nhà vua đã trở lại thành phố, còn các vị trưởng lão đã cư ngụ ở chốn ấy. Đến giờ khất thực, các vị đã đi vào thành phố với lòng bi mẫn.

18. Khi công việc xây dựng các chỗ ngụ đã được hoàn tất, nhà vua đã đi đến làm lễ cúng dường tu viện đến các vị trưởng lão vào ngày trăng tròn của tháng Āsāḷha.

19. Ngay trong ngày hôm ấy, vị trưởng lão là người không còn bị trói buộc đã kết đường ranh giới bao gồm trú xá ấy và ba mươi hai mālaka.

20. Trong khuôn viên Tumbaru đã được kiết giới, vị trưởng lão đã tiến hành việc tu lên bậc trên cho những người đang mong mỏi xuất gia là công việc trước nhất trong các việc.

21. Tất cả sáu mươi hai vị A-la-hán ấy đã an cư mùa mưa ở nơi ấy trên ngọn núi Cetiya và đã đem lại cho nhà vua niềm phấn chấn.

Phần Giảng Giải
về Sự Thọ Lãnh Tu Viện Cetiyapabbata
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Năm

Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Tư

Một thời gian sau, vào ngày an vị xá lợi xương vai bên phải ở tu viện Thūpārāma, tất cả những người đến từ thành phố và thấy được sự kỳ diệu của song thông nên đã xuất gia trở thành ba mươi ngàn vị tỳ khưu. Kế đến vào ngày hạ thổ cây Đại Bồ Đề, hoàng hậu Anulā cùng năm trăm công nương và năm ngàn cung nữ đã xuất gia với trưởng lão ni Saṅghamitta và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán không lâu sau đó. Lại thêm người cháu của vua là Ariṭṭha cùng với năm trăm nam nhân đã xuất gia với vị trưởng lão và cũng đã thành tựu phẩm vị A-la-hán không lâu sau đó.

Lúc bấy giờ, nhà vua đã hỏi trưởng lão Mahinda rằng:

- Bạch ngài, như vậy Giáo Pháp đã được thiết lập ở đảo Laṅkā hay chưa?

- Tâu Đại Vương, Giáo Pháp đã được thiết lập nhưng gốc rễ của Giáo Pháp vẫn chưa được cắm sâu.

- Bạch ngài, khi nào gốc rễ mới được gọi là đã cắm sâu xuống?

- Tâu Đại Vương, khi nào có đứa trẻ được sanh ra trên đảo Laṅkā, có cha mẹ là người đảo Laṅkā, xuất gia ở đảo Laṅkā, học thuộc Luật và đọc tụng trên đảo Laṅkā, thì khi ấy gốc rễ của Giáo Pháp mới được gọi là đã cắm sâu xuống.

- Bạch ngài, vị tỳ khưu như vậy đã có chưa?

- Tâu Đại Vương, có vị tỳ khưu xuất chúng tên là Ariṭṭha có đủ năng lực trong nhiệm vụ đó.

- Bạch ngài, trẫm cần phải làm gì trong vấn đề này?

- Tâu Đại Vương, cho xây dựng một hội trường.

- Bạch ngài, lành thay.

Nhà vua (nghĩ rằng): "Vào thời kỳ đại kết tập, đại vương Ajātasattu đã cho xây dựng một hội trường" nên với quyền lực của vị vua đã cho xây dựng hội trường tại vùng đất có gian nhà của quan cận thần Meghavaṇṇābhaya, rồi cho tất cả các nhạc công biểu diễn tài nghệ của mỗi một cá nhân (và tuyên bố rằng): "Chúng ta sẽ chứng kiến gốc rễ của Giáo Pháp được cắm sâu xuống." Sau đó, đức vua cùng với đoàn tùy tùng hàng ngàn người đã đi đến tu viện Thūpārāma.

Vào lúc bấy giờ, một ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội tại Thūpārāma. Chỗ ngồi của vị trưởng lão Mahinda vĩ đại được quay mặt về hướng nam. Pháp tòa của vị trưởng lão Ariṭṭha xuất chúng được xếp đặt quay mặt về hướng bắc. Khi ấy, vị trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha được trưởng lão Mahinda yêu cầu đã đích thân đến đảnh lễ các vị tỳ khưu trưởng thượng tùy theo thứ bậc rồi đến ngồi trên Pháp tòa. Sáu mươi tám vị đại trưởng lão dẫn đầu là trưởng lão Mahinda đã đến ngồi xuống quanh Pháp tòa. Người em trai của nhà vua là trưởng lão Mantābhaya (nghĩ rằng): "Khi hoàn thành nhiệm vụ, ta sẽ học Luật" cùng với năm trăm vị tỳ khưu cũng đã ngồi xuống quanh Pháp tòa của vị trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha. Các vị tỳ khưu còn lại cùng nhà vua và đoàn tùy tùng mỗi một người cũng đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được xếp đặt sẵn.

Lúc bấy giờ, đại đức trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha đã tụng đọc phần duyên khởi của Luật: "Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Verañjā ở gốc cây Pucimanda của dạ-xoa Naḷeru." Trong khi phần duyên khởi của Luật đang được đại đức trưởng lão xuất chúng Ariṭṭha tụng đọc, một tiếng động kinh hồn đã vang lên ở không trung và những tia chớp sái mùa đã bắn ra tung toé, chư thiên đã ca ngợi, quả đại địa cầu có nước bao bọc cũng đã rúng động.

Trong khi vô số hiện tượng kỳ diệu xảy ra như vậy, đại đức trưởng lão Ariṭṭha ngồi giữa hội chúng có trưởng lão Mahinda dẫn đầu cùng với sáu mươi tám vị đại trưởng lão đã đoạn tận lậu hoặc, có hội chúng riêng biệt, thêm vào sáu mươi ngàn vị tỳ khưu khác nữa trong ngày đại lễ Pavāraṇā của tháng Kattika thứ nhất ở giữa tu viện Thūpārāma đã giảng rõ về Tạng Luật, về lý do khiển trách của đức Thế Tôn để làm sáng tỏ lòng bi mẫn của bậc Đạo Sư, và về sự hướng dẫn để ngăn ngừa nghiệp thân và nghiệp khẩu. Giống như trưởng lão Mahākassapa, trưởng lão Yasa, và trưởng lão Moggaliputtatissa đã kết tập Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn; tương tợ như thế, trưởng lão Mahinda vĩ đại, trong khi kết tập Pháp và Luật, đã làm cho gốc rễ của Giáo Pháp được cắm sâu vào hòn đảo Laṅkā, và đã thực hiện cuộc kết tập lần thứ tư.

Khi hoàn tất việc kết tập, đại địa cầu đã rúng động với nhiều phương cách khác nhau. Lần kết tập này kết thúc sau một thời gian không thể xác định được.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

1. Sau khi bậc Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được hai trăm mười tám năm, Piyatissako đã lên ngôi vua.

2. Giống như trưởng lão Mahākassapa, Yasa, và Tissa đã cho thực hiện cuộc kết tập Giáo Pháp, ngài Mahinda cũng thực hiện việc ấy như thế.

3. Nhưng vị đại trưởng lão Mahinda đã phát triển lời giáo huấn tối thượng của đấng Chiến Thắng gồm có pháp Học, pháp Hành, và pháp Thành ở trên đảo Laṅkā một cách tốt đẹp.

4. Vị ấy là bậc đại hiền triết, là ngọn hải đăng của xứ Laṅkā, được ví như là bậc Đạo Sư của xứ Laṅkā, và đã làm nhiều điều lợi ích cho xứ Laṅkā.

5. Tất cả sáu mươi tám vị đại trưởng lão nhận lãnh trọng trách đã tụ hội lại. Các vị ấy có hội chúng riêng biệt và là đệ tử của đấng Pháp Vương.

6. Các vị ấy có lậu hoặc đã đoạn tận, căn quyền thu thúc, có Tam Minh, rành rẽ về thần thông đã chứng tri về lợi ích tối thượng và đã giảng dạy cho đức vua.

7. Sau khi hoàn thành cuộc kết tập lần thứ tư và đem lại nhiều lợi ích cho thế gian, các vị đại ẩn sĩ đã rực sáng như những khối lửa và Niết Bàn.

8. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về Cuộc Kết Tập Lần Thứ Tư
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Sáu

Giảng Giải về việc Tam Tạng được Ghi Chép thành Sách

Sau khi các vị trưởng lão đã Vô Dư Niết Bàn, các vị khác là đệ tử của các vị trưởng lão ấy như là Tissa, Danta, Kālasumana, Dīghasumana, v.v... và các đệ tử của vị đại trưởng lão Ariṭṭha, rồi đến các đệ tử của các vị đệ tử ấy; như vậy theo phương thức truyền khẩu các bậc thầy tổ trước đây đã truyền lại Tạng Luật này cho đến thời kỳ lúc bấy giờ. Sự việc ấy được trình bày như sau: "Từ sau cuộc kết tập lần thứ ba, (Tạng Luật) đã được ngài Mahinda và các vị khác đem đến hòn đảo Laṅkā này rồi đã được trưởng lão Ariṭṭha và các vị khác sau khi học tập từ ngài Mahinda đã lưu truyền một thời gian. Từ khi ấy cho đến thời kỳ lúc bấy giờ, (Tạng Luật) đã được truyền lại từ sự kế thừa của các vị thầy sau đến sự kế thừa của các đệ tử của chính các vị ấy."

(Tạng Luật) được tồn tại ở đâu? Nên hiểu như vầy: "Giống như dầu ăn được trữ trong thố ngọc sẽ không bị rỉ ra cho dù chỉ một chút ít; cũng tương tợ như thế, (Tạng Luật) được lưu truyền một cách trọn vẹn từ văn tự đến ý nghĩa và được tồn tại ở các vị có sự vững vàng trong thân hành niệm, có sự khiêm nhường, có sự hối lỗi, có lòng cầu học." Vì thế, sau khi đã hiểu rõ điều lợi ích của việc học tập Luật nhằm mục đích duy trì Luật, vị tỳ khưu có tâm cầu học cần phải nghiên cứu về Luật.

Sau đây là lợi ích của việc học tập về Luật. Bởi vì trong Giáo Pháp, người thành thạo việc học tập Luật xứng đáng là cha mẹ của những người con thuộc các gia đình danh giá có đầy đủ đức tin vì những người con ấy cần đến vấn đề xuất gia, sự tu lên bậc trên, việc thực hành các phận sự chính và phụ, và sự tốt đẹp về tánh hạnh. Hơn nữa, do việc học tập về Luật, bản thân của vị ấy có giới uẩn được đầy đủ, khéo được thu thúc, khéo được hộ trì, là nơi nương tựa của các vị tỳ khưu thực tâm hối lỗi; vị ấy phát biểu giữa hội chúng với sự tự tin; vị ấy chận đứng sự công kích của kẻ nghịch đúng theo pháp; đồng thời những thiện pháp nào đã được đức Thế Tôn thuyết giảng có nhân là sự thu thúc, vị thông hiểu Luật là người thừa tự những thiện pháp ấy và là người hành động dựa vào nền tảng của Luật đối với những thiện pháp ấy.

Vấn đề này cũng đã được đức Thế Tôn thuyết giảng rằng:

"Luật đưa đến sự thu thúc, sự thu thúc đưa đến sự không hối hận, sự không hối hận đưa đến sự hân hoan, sự hân hoan đưa đến hỷ, hỷ đưa đến an tịnh, an tịnh đưa đến lạc, lạc đưa đến định, định đưa đến trí tuệ và sự thấy biết đúng theo bản thể, trí tuệ và sự thấy biết đúng theo bản thể đưa đến sự nhờm gớm, sự nhờm gớm đưa đến sự ly dục, sự ly dục đưa đến sự giải thoát, sự giải thoát đưa đến trí tuệ và sự thấy biết về giải thoát, trí tuệ và sự thấy biết về giải thoát đưa đến sự không còn chấp thủ Vô Dư Niết Bàn."

Do đó, sự gắn bó với việc học tập Luật cần được thực hành. Về điều này, có lời nói rằng:

1. Vua Devānampiyatissa chúa tể của xứ Laṅkā là người có đức độ và trí tuệ; ngài đã trị vì vương quốc được bốn mươi năm.

2. Khi đức vua băng hà, người em trai nổi tiếng tên Uttiya là dòng dõi sát-đế-lỵ đã trị vì vương quốc ở trong thành Anurādhapura lộng lẫy.

3. Mahānāga là vị phó vương, Yaṭāla có sức mạnh phi thường, Goṭhābhaya vô cùng đức độ, và Kalavaṇṇa có sự năng động.

4. Bốn người con và cháu trai ấy của đức vua đã kế tục trị vì đất nước theo đúng nguyên tắc ở trong vùng Mahāgāma xinh đẹp.

Sau khi bậc Chánh Đẳng Giác Vô Dư Niết Bàn được ba trăm bảy mươi sáu năm, đại vương Duṭṭha-gāmaṇi-abhaya đã thống nhất được lãnh thổ ở trên đảo Laṅkā. Nhà vua đã cho xây dựng tu viện Maricavaṭṭi và lâu đài Loha có chín tầng, đã cho cẩn ngọc ở Đại Tháp (Mahāthūpa), đã thỉnh mời chín mươi sáu koṭi [*] vị tỳ khưu A-la-hán và đã thực hiện lễ đại thí. Nhà vua đã trị vì vương quốc ở Anurādhapura một cách chính trực và công bình trong hai mươi bốn năm đến khi hết tuổi thọ đã sanh về cõi trời Tusitā như là thức dậy sau giấc ngủ.

[* 1 koi tương đương 10 triệu (10.000.000) -- ND]

Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu cư ngụ tại hòn đảo Laṅkā đã học hiểu Tam Tạng Phật Pháp gồm tất cả các lời Chú Giải và Chánh Tạng được tuần tự truyền lại theo phương thức truyền khẩu nhằm mục đích phát triển Giáo Pháp.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

5. Sau khi đấng Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được ba trăm bảy mươi sáu năm, Duṭṭhagāmaṇi đã lên ngôi vua.

6. Duṭṭhagāmaṇi-abhaya chúa tể của xứ Laṅkā là người có đức độ và trí tuệ; nhà vua đã trị vì vương quốc Laṅkā được hai mươi bốn năm.

7. Vị chúa tể của trái đất sau khi đã thực hiện nhiều phước thiện như thế, đến khi thân xác tiêu hoại nhờ có trí tuệ nên đã tái sanh về cõi Tusitā.

*

Phần nói về sự tái sanh của Đại Vương Vaṭṭagāmaṇi-abhaya

Năm mươi bảy năm đã trôi qua sau ngày xây dựng Đại Tháp (Mahāthūpa), đại vương Vaṭṭagāmaṇi-abhaya đã trị vì vương quốc ở hòn đảo Laṅkā. Vị vua ấy đã cho xây dựng đại tu viện Abhayagiri. Trong tu viện ấy, nhà vua đã cho kiến tạo ngôi bảo tháp vĩ đại tương đương với Mahāthūpa, có an trí xá lợi, rồi đã dâng cúng đến hội chúng tỳ khưu có trưởng lão Mahātissa dẫn đầu.

Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu trú ngụ trên đảo Laṅkā biết được tình trạng suy thoái của Giáo Pháp và của chúng sanh nên tất cả các vị tỳ khưu thông hiểu Pháp, thông hiểu Luật, đa văn, có tuệ phân tích đã tụ hội lại ở Mahāvihāra. Khi ấy, đại vương Vaṭṭagāmaṇi-abhaya đã đi đến Mahāvihāra gặp hội chúng tỳ khưu, sau khi đến đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, hội chúng tỳ khưu đã nói với đức vua rằng:

- Tâu Đại Vương, Tam Tạng Phật Pháp gồm tất cả các lời Chú Giải và Chánh Tạng được kế tục truyền lại theo phương thức truyền khẩu và được tồn tại đến ngày nay nhờ vào phương thức truyền khẩu. Trong ngày vị lai, Giáo Pháp và chúng sanh sẽ bị suy thoái, toàn bộ Tam Tạng Phật Pháp gồm Chú Giải và Chánh Tạng sẽ bị mai một. Vì thế, giờ đây Tam Tạng Phật Pháp gồm toàn bộ Chú Giải và Chánh Tạng từ phương thức truyền khẩu nên được cho viết lại thành sách.

- Bạch các ngài, trẫm cần phải làm gì trong trường hợp này?

- Tâu Đại Vương, ngài khởi sự cho xây dựng hội trường và thu thập toàn bộ lá cho các tập sách.

- Bạch các ngài, lành thay.

Sau đó, với quyền hành của vua chúa, vị đại vương đã cho xây dựng hội trường ở Mahāvihāra (Đại Tự) giống như hội trường đã được thực hiện bởi đại vương Ajātasattu trong thời gian của cuộc đại kết tập lần thứ nhất, rồi đã cho thu thập toàn bộ lá cho các tập sách, và xếp đặt ở giữa hội trường các chỗ ngồi trân trọng, xong cho người thông báo với hội chúng tỳ khưu rằng:

- Bạch các ngài, đức vua đã hoàn thành nhiệm vụ.

Sau đó, trong số hàng trăm ngàn vị tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu đã chọn lựa ra được một ngàn vị tỳ khưu trưởng lão thông hiểu pháp học và Tam Tạng, có tuệ phân tích, có tam minh, v.v... Khi ấy, các vị tỳ khưu trưởng lão đã lần lượt đến ngồi xuống trên chỗ ngồi thích hợp. Giống như trưởng lão Mahākassapa, trưởng lão Yasa, trưởng lão Tissa, và trưởng lão Mahinda trong khi kết tập Pháp và Luật đã kết tập Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn; tương tợ như thế, trong khi cho ghi chép lại Pháp và Luật từ phương thức truyền khẩu xuống các tập sách, hội chúng tỳ khưu đã cho người viết Tam Tạng Phật Pháp luôn cả Chú Giải gọi là Pháp và Luật được phân tích theo Tạng, theo Bộ Kinh, theo Thể, và theo Pháp Uẩn xuống các tập sách. Các vị đã duy trì sự tồn tại của Giáo Pháp lâu dài đến năm ngàn năm và được xem như đã thực hiện cuộc kết tập lần thứ năm vậy.

Khi hoàn tất việc ghi chép lại Giáo Pháp, đại địa cầu đã rung động bằng nhiều cách. Việc ghi chép lại Tam Tạng này đã được hoàn tất sau một năm.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

8. Sau khi đấng Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được bốn trăm ba mươi ba năm, Vaṭṭagāmaṇi lên ngôi vua.

9. Hội chúng tỳ khưu ngụ tại đảo Laṅkā quán xét về ngày vị lai thấy được sự thoái hóa của chúng sanh, lúc ấy các vị tỳ khưu đã tụ hội lại.

10. Tất cả đều thông hiểu Tam Tạng, có tuệ phân tích, đã đoạn tận các lậu hoặc, đạt được sự tự tại, và rất tinh tường về Luật.

11. Các vị trưởng lão tỳ khưu đã tụ hội lại tại ngôi Mahāvihāra (Đại Tự) ấy và đã tuần tự ngồi xuống trên chỗ ngồi được quy định cho bản thân.

12. Trước đây, các vị tỳ khưu có đại trí tuệ đã kế thừa Tam Tạng Pāli và Chú Giải của Tam Tạng bằng phương thức truyền khẩu.

13. Bằng cách tụng đọc lại trong cuộc kết tập, các vị trưởng lão ấy đã cùng nhau kết tập toàn bộ Tam Tạng và Chú Giải của Tam Tạng.

14. Năm ngàn năm ý nghĩa của sự tồn tại lâu dài và là mục tiêu đã được thực hiện cho sự vận hành và sự thịnh vượng của Giáo Pháp.

15. Chính nhờ phương thức tụng đọc, các vị trưởng lão thông hiểu về Luật đã cho viết toàn bộ Tạng Luật xuống thành sách.

16. Chính nhờ phương thức tụng đọc, các vị trưởng lão thông hiểu về Kinh đã cho viết toàn bộ Tạng Kinh xuống thành sách.

17. Chính nhờ phương thức tụng đọc, các vị trưởng lão thông hiểu về Vi Diệu Pháp đã cho viết toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp xuống thành sách.

18. Toàn bộ lời dạy của các vị trưởng lão và toàn bộ Chú Giải được kế thừa bằng phương thức truyền khẩu đã được cho viết xuống thành sách.

19. Khi hoàn tất công việc ghi chép, đại địa cầu này đã rúng động và vô số điều kỳ diệu đã xảy ra ở thế gian bằng nhiều cách khác nhau.

20. Sau khi đã ghi chép lại Tam Tạng và đã làm nhiều lợi ích cho thế gian, tất cả các vị trưởng lão ấy đã sống đến hết tuổi thọ rồi Niết Bàn.

21. Như thế, vua Vaṭṭagāmaṇi-abhaya đã trị vì vương quốc Laṅkā được mười hai năm, tính luôn từ đầu là năm tháng.

22. Như vậy, vị chúa tể của trái đất có trí tuệ đã làm vô số phước thiện, đến khi thân thể rã tan đã tái sanh về thiên giới.

23. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải
Về Việc Tam Tạng được Ghi Chép Thành Sách
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Bảy

Giảng Giải về việc Phiên Dịch Chú Giải Tam Tạng

Đã năm trăm mười sáu năm trôi qua kể từ khi Tam Tạng được ghi chép lại, đức vua tên Mahānāma đã trị vì vương quốc ở trên hòn đảo Laṅkā. Vào thời gian đó, nghe rằng có một thanh niên bà-la-môn xuất thân dòng dõi bà-la-môn ở lân cận Bảo Tọa Bồ Đề thuộc vùng trung tâm của Jambudīpa (Ấn Độ). Được thông thạo tất cả các môn học và giỏi về ba tập Vệ-đà, anh ta thường đi khắp các xóm làng, thành phố, xứ sở, và kinh thành trong xứ Jambudīpa; hễ nơi nào có các bậc trí thức, sa-môn, bà-la-môn cư ngụ thì anh ta tìm đến nơi ấy để thảo luận. Khi anh ta hỏi câu hỏi thì những người khác không thể trả lời được, nhưng khi người khác hỏi lại câu hỏi thì anh ta trả lời. Cứ thế, anh ta đã đi khắp xứ Jambudīpa và đã đến được một tu viện nọ. Trong tu viện ấy có hàng trăm vị tỳ khưu đang cư ngụ. Trưởng lão của hội chúng các tỳ khưu ấy là ngài đại trưởng lão tên Revata đã đoạn tận các lậu hoặc, thành tựu tuệ phân tích, và có khả năng bẻ gãy lý lẽ của kẻ khác.

Lúc bấy giờ, thanh niên bà-la-môn ấy sáng tối luôn tụng đọc các bài chú thuật từ đầu đến cuối có sự hoàn hảo trong từng câu. Khi nghe được tiếng cầu kinh của thanh niên bà-la-môn ấy, vị trưởng lão đã suy nghĩ như vầy: "Người bà-la-môn này có trí tuệ quảng bác, cần phải thu phục người này" nên đã cho mời đến và nói như sau:

- Này Bà-la-môn, người nào đang làm ồn với tiếng lừa hí vậy?

Thanh niên bà-la-môn trả lời rằng:

- Ồ vị xuất gia, ngài có biết ý nghĩa của những tiếng lừa hí đó không?

- Đương nhiên ta biết. Vị trưởng lão đáp lại.

Khi ấy, thanh niên bà-la-môn đã hỏi vị trưởng lão những vấn đề khó khăn thuộc về ba tập Vệ Đà và tập thứ năm là Itihāsa mà anh ta không biết câu trả lời, thậm chí thầy của anh ta cũng không biết. Vị trưởng lão trước đây đã thông thạo ba tập Vệ Đà nay lại chứng đạt được tuệ phân tích cho nên vị này không gặp khó khăn trong việc trả lời những câu hỏi ấy.

Khi đã trả lời các câu hỏi ấy xong, vị trưởng lão mới nói với thanh niên bà-la-môn rằng:

- Này Bà-la-môn, ngươi hỏi ta đã nhiều rồi, giờ ta hỏi ngươi một câu hỏi. Có phải ngươi sẽ trả lời câu hỏi của ta không?

- Ồ vị xuất gia, xin vâng. Ngài hỏi đi, tôi sẽ trả lời.

Vị trưởng lão đã hỏi câu hỏi này về phần Tâm trong Tạng Song Đối (Yamaka):

- Phải chăng tâm của người nào sanh lên mà không diệt thì tâm của người ấy sẽ diệt rồi sẽ không sanh? Hoặc là phải chăng tâm của người nào sẽ diệt rồi sẽ không sanh thì tâm của người ấy sanh lên mà không diệt?

Thanh niên bà-la-môn không thể hiểu được phần đầu hoặc phần sau nên đã nói rằng:

- Này vị xuất gia, điều ấy gọi là gì vậy?

- Này Bà-la-môn, điều này gọi là chú thuật của đức Phật.

- Ngài có thể dạy cho tôi điều ấy không?

- Này Bà-la-môn, chúng tôi chỉ có thể dạy cho người đã xuất gia thôi.

Sau đó, thanh niên bà-la-môn đã xin xuất gia vì muốn học chú thuật. Vị trưởng lão đã cho thanh niên bà-la-môn xuất gia và tu lên bậc trên. Rồi vị trưởng lão cũng đã chỉ dạy lời giáo huấn của đức Phật tức là toàn bộ Tam Tạng.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

1. Chàng thanh niên bà-la-môn sanh ở vùng lân cận Bảo Tọa Bồ Đề là người hiểu biết rành rẽ về các môn học lẫn ngành nghề và thông hiểu ba tập Vệ Đà.

2. Là người có kiến thức vững chắc, thiện xảo về các lối tranh luận, và là người thích tranh luận nên thường đi khắp xứ Jambudīpa đến nơi nào có cuộc tranh luận.

3. Chàng trai đã đi đến một tu viện nọ và có thói quen sáng tối chắp tay lên đọc toàn bộ bài kinh văn một cách hoàn hảo.

4. Ở đó, có một vị đại trưởng lão tên Revata đã chú ý đến chàng ta (nghĩ rằng): "Nhân vật này có kiến thức quảng bác, cần phải thu phục."

5. Vị ấy đã hỏi rằng: "Người nào đang làm ồn với tiếng lừa hí vậy?" và đã được nói lại rằng: "Ngài có hiểu ý nghĩa tiếng hí của những con lừa không vậy?"

6. Vị ấy đã đáp rằng: "Đương nhiên, ta hiểu" và đã bộc lộ vốn hiểu biết của mình. Mỗi khi được hỏi, vị ấy không những đã trả lời mà còn chỉ cho thấy các điểm nghịch lý nữa.

7. Và đã yêu cầu rằng: "Vậy thì ngươi hãy bày tỏ vốn hiểu biết của mình," rồi đã hỏi về Chánh Tạng của Vi Diệu Pháp. Chàng trai đã không biết được ý nghĩa.

8. Chàng trai đã hỏi rằng: "Đó là chú thuật của ai vậy?" Vị trưởng lão đã trả lời: "Chú thuật của đức Phật." Khi được yêu cầu rằng: "Hãy dạy tôi điều ấy," vị ấy đáp: "Để được điều ấy, ngươi hãy xuất gia đi."

9. Bị thúc đẩy bởi các lý do nêu trên, chàng trai đã xuất gia vì mục đích chú thuật. Vị trưởng lão sau khi chỉ dạy về các đề mục thiền đã làm lễ xuất gia đúng theo nguyên tắc.

10. Sau khi đã tu lên bậc trên, chàng trai đã học Tam Tạng và trở nên vô cùng nổi tiếng ví như mặt trăng và mặt trời vậy.

11. Do bản thân có khả năng hùng biện (ghosa) sâu sắc như đức Phật (Buddha) nên được gọi là "Buddha-ghosa" và nổi tiếng khắp địa cầu như đức Phật vậy.

Từ đó về sau, vị tỳ khưu ấy được nổi tiếng ở thế gian với danh hiệu là "Trưởng lão Buddhaghosa." Lúc bấy giờ, ở tại tu viện đó sau khi thực hiện tác phẩm tên Ñāṇodaya và phần Chú Giải của bộ Pháp Tụ tên là Atthasālinī, vị ấy đã khởi công thực hiện bộ Chú Giải chi tiết. Khi ấy, ngài trưởng lão Revata nhận thấy điều ấy nên đã nói như vầy:

- Này Buddhaghosa, ở Jambudīpa này chỉ có vỏn vẹn Chánh Tạng tức là Tam Tạng, còn phần Chú Giải của Tam Tạng và lời giải thích của các vị thầy giáo thọ thì không được biết đến. Về phần Chú Giải tiếng Sīhala (ngôn ngữ cổ xứ Tích Lan) có nguồn gốc từ ba cuộc kết tập đã được ngài Mahinda cho thực hiện bằng tiếng Sīhala và phổ biến ở đảo Tích Lan sau khi đã xem xét lại phương thức giảng giải được thực hiện bởi ngài Sāriputta và các vị khác nữa. Vậy ngươi hãy đi đến nơi ấy nghiên cứu toàn bộ rồi chuyển sang ngôn ngữ của xứ Magadha, bộ Chú Giải ấy sẽ đem lại lợi ích cho tất cả thế gian.

Được nói như vậy, ngài Buddhaghosa đã khởi tâm hoan hỉ rồi đã đảnh lễ từ giã thầy tế độ và hội chúng tỳ khưu, sau đó theo lộ trình đã đến được bến cảng Nāga. Lúc bấy giờ, thiên vương Sakka đã dâng đến ngài trái cây tên harītakī và cây viết rồi đã trở về lại chỗ ngụ của mình.

Từ nơi ấy, ngài đã lên thuyền sau đó ở giữa biển khơi đã gặp và trao đổi chuyện trò với ngài trưởng lão Buddhadatta có hướng đi ngược lại. Kế đó, ngài đã đi về hướng khác và đã đến được hải cảng của xứ Laṅkā. Ngài đã gặp được hội chúng tỳ khưu thuộc Mahāvihāra (Đại Tự) ở trong thành Anurādhapura lúc ấy đang vào thời kỳ trị vì của đức vua Mahānāma. Ngài đã đến gặp trưởng lão Saṅghapāla ở giảng đường Mahāpadhāna, sau khi lắng nghe Chú Giải bằng tiếng Sīhala và toàn bộ lời dạy của các vị trưởng lão đã xác định rằng: "Đây đúng là tư tưởng của đức Phật, đấng Pháp Chủ," rồi đã thỉnh hội chúng trong tu viện ấy tụ hội lại thưa rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy cho phép tôi được sử dụng các cuốn sách để thực hiện bộ Chú Giải Tam Tạng.

Khi ấy, hội chúng tỳ khưu đã trao cho hai câu kệ ngôn để xem xét khả năng thực sự của ngài:

- Khi biết được khả năng thực sự của người rồi chúng tôi sẽ trao cho tất cả các cuốn sách.

Sau đó, trưởng lão Buddhaghosa đã xem qua Tam Tạng Pāli và Chú Giải của Tam Tạng rồi tổng hợp lại thành tác phẩm tên là Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo). Khi ấy, chư thiên muốn làm cho trí tuệ của ngài được nhiều người biết đến nên đã làm cuốn sách biến mất. Ngài liền thực hiện cuốn khác. Chư thiên cũng đã làm cho cuốn ấy biến mất. Cũng chính ngài đã thực hiện đến lần thứ ba. Vào thời điểm ấy, chư thiên đã cho lại ngài hai cuốn sách trước. Như vậy là có ba cuốn sách.

Sau đó, trưởng lão Buddhaghosa đã đem ba cuốn sách trình lên hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, hội chúng tỳ khưu đã cho đọc ba cuốn sách cùng một lúc. Trong ba cuốn sách ấy, không có gì gọi là sai khác từ đoạn văn, từ âm, từ câu, từ vần, hay từ ý nghĩa, hay thứ tự trước sau, hay về lời dạy của các vị trưởng lão, hay về Chánh Tạng.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

12. Tại đó (Jambudīpa), sau khi hoàn tất tác phẩm Ñāṇodaya vị ấy đã thực hiện Atthasālinī là bản giải thích của Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī).

13. Bậc trí tuệ đã khởi công thực hiện bộ Chú Giải chi tiết. Nhìn thấy điều ấy, ngài trưởng lão Revata đã nói lời này:

14. "Ở đây, chỉ có Chánh Tạng được truyền lại còn Chú Giải không có. Cũng thế, lời dạy của các vị thầy và các tài liệu phân tích không tìm thấy.

15. Còn phần Chú Giải tiếng Sīhala thì hoàn toàn chính thống nhờ vào bậc trí tuệ Mahinda. Đó là lời giảng dạy của đấng Chánh Đẳng Giác được truyền lại qua ba lần kết tập.

16. Sau khi xem xét lại phương thức giảng giải được thực hiện bởi các vị như Sāriputta, v.v..., bản Chú Giải đã được thực hiện bằng ngôn ngữ Sīhala và được phổ biến ở đảo Tích Lan.

17. Vậy ngươi hãy đi đến nơi ấy nghiên cứu rồi chuyển sang ngôn ngữ của xứ Magadha, bộ Chú Giải ấy sẽ đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh."

18. Được nói như thế, vị đại trí tuệ ấy đã hoan hỷ rời xứ sở ra đi đến hòn đảo (Laṅkā) này lúc bấy giờ đang ở vào thời kỳ trị vì của đức vua (Mahānāma) ấy.

19. Khi đến tu viện Mahāvihāra ấy được hoàn hảo về mọi mặt, vị ấy đã đi đến giảng đường Mahāpadhāna có sự hiện diện của ngài Saṅghapāla.

20. Sau khi được nghe Chú Giải bằng tiếng Sīhala và toàn bộ lời dạy của các vị trưởng lão, ngài đã xác định rằng: "Đây đúng là tư tưởng của đấng Pháp Chủ."

21. Rồi đã thỉnh hội chúng tụ hội lại nơi ấy lại thưa rằng: "Xin hãy trao cho tôi tất cả các cuốn sách để thực hiện bộ Chú Giải." Và đã được kiểm tra khả năng.

22. Hội chúng đã cho ngài hai câu kệ ngôn: "Ngươi hãy chứng tỏ khả năng của mình trong việc này; khi nhận biết điều ấy, chúng tôi sẽ trao cho tất cả các cuốn sách."

23. Chính ở nơi đó, từ Tam Tạng Pāli cùng với Chú Giải, ngài đã tổng hợp và đúc kết lại thành tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo).

24. Sau đó, khi đã tụ họp hội chúng đến bên cây Bồ Đề vĩ đại, vị ấy là người thông hiểu lời dạy của đấng Toàn Giác đã bắt đầu giới thiệu về tác phẩm ấy.

25. Chư thiên muốn làm cho nhiều người chú ý đến trí tuệ của ngài nên đã che giấu cuốn sách. Ngài đã thực hiện lại cuốn sách ấy lần thứ nhì rồi lần thứ ba.

26. Khi cuốn sách đã được hoàn chỉnh để đọc vào lần thứ ba, chư thiên cũng đã làm hiện ra ở nơi ấy hai cuốn sách trước.

27. Rồi các vị tỳ khưu đã đọc ba cuốn sách ấy cùng một lúc. Từ đoạn văn, hay từ ý nghĩa, hay thứ tự trước sau,

28. về lời dạy của các vị trưởng lão, về Chánh Tạng, về các câu, và về các vần trong cả ba cuốn sách ấy cũng không có chút gì khác biệt.

Khi ngài Buddhaghosa hoàn tất ba cuốn sách ấy, không trung đã phát ra tiếng vang lớn, những tia chớp không đúng mùa tiết đã lóe lên, và chư thiên đã tán thán ca ngợi. Vào lúc bấy giờ, ở trong Mahāvihāra (Đại Tự) hàng ngàn vị tỳ khưu tụ hội lại chứng kiến hiện tượng kỳ diệu ấy được hài lòng hoan hỷ nên đã tán thán ca ngợi và bàn tán xôn xao rằng: "Đây chính là Bồ Tát Metteyya hiện thân."

Khi nghe được lời đồn ấy, đức vua Mahānāma đã cùng với hội chúng đông đảo của hoàng gia rời khỏi thành phố đi đến Mahāvihāra. Sau khi đảnh lễ hội chúng tỳ khưu, nhà vua đã đảnh lễ ngài trưởng lão Buddhaghosa và mời thỉnh rằng:

- Bạch ngài, khi nào ngài chấm dứt bài pháp xin hãy đến nhận lãnh đồ khất thực tại hoàng cung của trẫm.

Vị ấy đã nhận lời bằng trạng thái im lặng.

Sau đó, hội chúng tỳ khưu đã trao các sách Tam Tạng Pāli cùng với các sách Chú Giải tiếng Sīhala. Khi ấy, ngài Buddhaghosa đã nhận lãnh tất cả các sách ấy. Sau khi dịch toàn bộ Chú Giải tiếng Sīhala, ngài đã thực hiện Chú Giải của Tam Tạng bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản trong khi cư trú tại tòa nhà tên Padhānaghara ở khu vực phía nam của Mahāvihāra (Đại Tự).

Trong Samantapāsādikā, ba Chú Giải tiếng Sīhala đã được đề cập đến. Ba Chú Giải nào? Mahā-aṭṭhakathā, Mahāpaccari-aṭṭhakathā, và Mahā-kurundī-aṭṭhakathā. Ba Chú Giải này gọi là Chú Giải tiếng Sīhala. Mahā-aṭṭhakathā được có tên như vậy vì được thực hiện bởi các vị trưởng lão có ngài Mahākassapa dẫn đầu, được truyền lại từ cuộc kết tập lần thứ nhất rồi đã được ngài Mahinda vĩ đại đem đến (hòn đảo Laṅkā) và thực hiện bằng ngôn ngữ Sīhala. Trong ngôn ngữ Sīhala, paccarī nghĩa là chiếc bè gỗ; nghe rằng trong khi ngồi trên chiếc bè gỗ ấy mà bộ Chú Giải đã được thực hiện nên được gọi tên là Paccarī. Kurundī-aṭṭhakathā có tên như vậy là vì có tu viện tên là Kurundaveḷu và bộ Chú Giải đã được thực hiện trong khi ngồi ở nơi ấy nên có tên là Kurundī.

Sau đó, khi đã dịch bộ Chú Giải Kurundī-aṭṭhakathā tiếng Sīhala ngài Buddhaghosa ấy đã thực hiện bộ Chú Giải của Tạng Luật có tên là Samantapāsādikā bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

29. Bộ Chú Giải về Luật ấy đã được biên soạn bằng tiếng nói của xứ Magadha nhằm đem lại sự thông hiểu về Luật và sự hưng thịnh của Giáo Pháp.

30. Bộ ấy tên là Samantapāsādikā và được hoàn tất với số lượng âm từ là hai mươi bảy ngàn cả thảy.

Kế đó về phần Tạng Kinh, sau khi dịch bộ Mahā-aṭṭhakathā tiếng Sīhala, ngài đã thực hiện Chú Giải của Kinh Trường Bộ tên là Sumaṅgalavilāsinī. Cũng như thế, ngài đã thực hiện Chú Giải của Kinh Trung Bộ tên là Papañcasūdanī; rồi thực hiện Chú Giải của Kinh Tương Ưng Bộ Sāratthapakāsinī; và thực hiện Chú Giải của Kinh Tăng Chi BộManoratthapūraṇī. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

31. Bộ Chú Giải về Kinh ấy được thực hiện bằng tiếng nói của xứ Magadha nhằm đem lại sự thông hiểu về Kinh và sự hưng thịnh của Giáo Pháp.

32. Bốn bộ Chú Giải ấy được hoàn tất với số lượng âm từ là tám mươi ngàn cả thảy.

33. Còn bộ Chú Giải về Kinh Tiểu Bộ được hoàn tất với số lượng âm từ đếm được là ba mươi bảy ngàn cả thảy.

Kế đó về phần Tạng Vi Diệu Pháp, sau khi dịch bộ Mahā-paccari-aṭṭhakathā tiếng Sīhala ngài Buddhaghosa đã thực hiện Chú Giải của Dhammasaṅganī tên là Atthasālinī bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản. Cũng như thế, ngài đã thực hiện Chú Giải của tác phẩm Vibhaṅga tên là Sammohavinodanī. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

34. Bộ Chú Giải về Tạng Vi Diệu Pháp ấy được thực hiện bằng tiếng nói của xứ Magadha nhằm đem lại sự thông hiểu về Vi Diệu Pháp và sự hưng thịnh của Giáo Pháp.

35. Các bộ Chú Giải có tên là Atthasālinī, v.v... đã được hoàn tất với số lượng âm từ đếm được là ba mươi ngàn cả thảy.

Trước đây, các vị giáo thọ trưởng lão đã gìn giữ và thực hành theo truyền thống Chánh Tạng được mang tên là Theravāda, giờ ngài Buddhaghosa đã thực hiện phần Chú Giải của tất cả các lời dạy đó bằng tiếng nói của xứ Magadha. Bộ Chú Giải Tam Tạng ấy đã đem lại lợi ích đến cho các cư dân sống ở tất cả các quốc độ.

Khi bộ Chú Giải Tam Tạng được hoàn tất, đại địa cầu đã rúng động bằng nhiều cách. Bộ Chú Giải Tam Tạng này được thực hiện và hoàn tất chỉ trong một năm.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ cần phải làm đó, ngài Buddhaghosa có ý muốn đảnh lễ cội Đại Bồ Đề nên đã đảnh lễ từ giã hội chúng tỳ khưu rồi đã trở về lại Jambudīpa (Ấn Độ).

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

36. Sau khi đấng Toàn Giác vô dư Niết Bàn được chín trăm năm mươi sáu năm, đức vua Mahānāma đã trị vì vương quốc Laṅkā theo đúng thập vương pháp.

37. Tiếng đồn về "Buddhaghosa" như là một vị Phật đã vang khắp trái đất. Bởi vì sau khi đi đến hòn đảo Laṅkā, ngài là nguồn đem lại lợi ích cho hòn đảo Laṅkā.

38. Hội chúng đã trao hai câu kệ ngôn và Chú Giải tiếng Sīhala; thuận theo ý của hội chúng, ngài đã thực hiện tác phẩm tên là Visuddhimagga.

39. Khi ấy, hội chúng vô cùng hoan hỷ, hài lòng, đã lập đi lập lại rằng: "Chắc chắn đây là Metteyya rồi!"

40. Khi nhận được những cuốn sách Tam Tạng luôn cả Chú Giải, ngài đã trú ở Ganthākara là một chỗ xa xôi trong tu viện.

41. Rồi vị ấy đã dịch toàn bộ Chú Giải tiếng Sīhala sang tiếng nói của xứ Magadha là ngôn ngữ căn bản của tất cả (các ngôn ngữ).

42. Việc ấy đã đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh thuộc tất cả các ngôn ngữ. Tất cả các giáo thọ sư trưởng lão đã đánh giá Chú Giải ấy tương đương với Chánh Tạng.

43. Đến khi phận sự cần phải làm đã được hoàn tất, ngài đã trở lại xứ Jambudīpa (Ấn Độ) để đảnh lễ cội Đại Bồ Đề.

44. Đức vua Mahānāma đã ra đi theo nghiệp quả sau khi làm vua ở đại địa cầu này được hai mươi hai năm và đã làm vô số phước thiện.

45. Còn vị trưởng lão ấy, sau khi hoàn thành Chú Giải Tam Tạng và đem lại nhiều lợi ích cho thế gian, đến khi hết tuổi thọ cũng đã sanh về cõi Tusitā.

46. Phần các vị tỳ khưu cư ngụ ở Laṅkā, có phận sự đã hoàn thành và không còn lậu hoặc, đến khi hết tuổi thọ tất cả các vị trưởng lão ấy đã Niết Bàn.

47. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải Về
Việc Phiên Dịch Chú Giải Tam Tạng
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Tám

Phần Giảng Giải về Sớ Giải của Tam Tạng

Đã trải qua hơn sáu trăm tám mươi ba năm kể từ lúc phiên dịch Chú Giải Tam Tạng; vào lúc bấy giờ, vị đại vương tên là Parakkamabāhu thuộc dòng dõi Suriya đã kế vị theo thứ tự kể từ vua Mahāsammata. Sau khi vua cha của ngài băng hà, ngài đã đánh bại các vị vua đối nghịch trong ba vương quốc nên đã được tấn phong vương quyền trên toàn cõi xứ Laṅkā. Ngài là đấng quân vương hạng nhất trong số các vị vua và rạng rỡ với danh tiếng được lan rộng khắp lãnh thổ và các vùng lân cận; ngài trị vì vương quốc một cách công minh ở trong một thành phố lớn tên là Pulatthī.

Tính từ thời của đại vương Vaṭṭagāmaṇi-ābhaya thì đã trải qua hơn một ngàn một trăm năm mươi bốn năm, khi ấy Giáo Pháp đang ở trong thời kỳ suy tàn và phân chia thành tông phái. Đức vua khi thấy các thiện nam tử phải chịu đựng cảnh suy thoái và phân tán của Giáo Pháp đã khởi sanh lòng trắc ẩn ở trong tâm và luôn suy tư rằng: "Làm sao ta có thể phục hưng được Giáo Pháp?"

Sau khi giao trách nhiệm lãnh đạo cho vị trưởng lão Mahākassapa cư ngụ ở núi Udumbara, đức vua đã hành phạt hàng trăm vị tỳ khưu hư hỏng, phát cho y trắng, rồi trục xuất; ngài đã làm cho Giáo Hội không còn bị ô nhiễm. Đức vua cũng đã cho xây dựng các tu viện đồ sộ có các bảo tháp như Jetavana, Pubbārāma, Dakkhiṇārāma, Uttarārāma, Veluvana, Kapilavatthu, Isipatana, Kusinārāma, và Laṅkātilaka. Ngài còn cho xây dựng nhà để hành lễ Uposatha là đại sảnh đường có kiểu kiến trúc là ngọn tháp gồm có mười một tầng và một ngàn gian phòng, lại còn có tranh vẽ và giàn dây leo các loại nữa. Đức vua đã cho xây dựng tu viện lớn tên là Jetavana được bao quanh bởi các hồ nước mát lạnh phủ đầy các loại sen xanh sen đỏ thu hút lũ chim như loài chim cu say mê mùi hương dịu dàng của vô số bông hoa các loại, lại còn được làm đẹp thêm bởi những dãy cây Bồ Đề, bảo tháp, phòng ốc, cốc liêu, và các nhà lộ thiên nữa.

Ở đó, ngài trưởng lão Mahākassapa là trưởng lão của hội chúng gồm hàng ngàn vị tỳ khưu đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại. Khi ấy, ngài trưởng lão Mahākassapa đã nói với các vị tỳ khưu rằng:

- Này các sư đệ, toàn bộ Sớ Giải được thực hiện bởi cổ nhân nhằm mục đích giảng giải các ý nghĩa tiềm ẩn trong Chú Giải của Tam Tạng không thành tựu lợi ích cho các vị tỳ khưu cư ngụ ở các quốc độ. Một số được viết ở dạng điển tích theo văn phạm của ngôn ngữ Sīhala, một số khác được viết bằng ngôn ngữ căn bản của xứ Magadha nhưng đã bị làm rối loạn do sự khác biệt giữa các ngôn ngữ. Chúng ta nên xóa bỏ sự khác biệt giữa các ngôn ngữ và thực hiện bộ Sớ Giải hoàn chỉnh không có lẫn lộn.

Các vị tỳ khưu đã nói rằng:

- Bạch ngài, như vậy trưởng lão hãy yêu cầu đức vua ra vương lệnh.

Khi ấy, đức vua và đám tùy tùng đã rời thành phố đi đến tu viện. Đức vua đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu đứng đầu là trưởng lão Mahākassapa rồi ngồi xuống ở một bên.

Vị trưởng lão đã nói với đức vua rằng:

- Tâu đại vương, bản Sớ Giải cho Chú Giải của Tam Tạng cần được thực hiện, đại vương nghĩ thế nào?

- Bạch ngài, tốt lắm. Trẫm sẽ ủng hộ hết mình. Hội chúng tỳ khưu hãy yên tâm tiến hành.

Sau đó, đức vua đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu rồi đi vào thành phố.

Lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu trưởng lão sau khi hoàn tất việc thọ thực đã tụ hội tại ở giảng đường được xây cất bởi vua Parakkamabāhu để tiến hành việc giảng giải ý nghĩa của bộ Samantapāsādikā là Chú Giải của Tạng Luật, và đã thực hiện bộ Sớ Giải tên là Sāratthadīpanī bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

1. Bản Sớ Giải ấy của bộ Chú Giải Tạng Luật được tiến hành nhằm đem lại sự thông hiểu về Luật và sự hưng thịnh của Phật Pháp.

2. Toàn bộ đã được hoàn tất với số lượng là ba mươi ngàn âm từ và có tên là Sāratthadīpanī.

Kế đến về Tạng Kinh, các vị đã tiến hành việc giảng giải ý nghĩa của bộ Sumaṅgalavilāsinī là Chú Giải của Kinh Trường Bộ bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản và đã hoàn thành bộ Sớ Giải tên là Sāratthamañjusā tập thứ nhất. Tương tợ như thế, các vị đã tiến hành việc giảng giải ý nghĩa của bộ Papañjasūdanī là Chú Giải của Kinh Trung Bộ bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản và đã hoàn thành bộ Sớ Giải tên là Sāratthamañjusā tập thứ hai. Cũng vậy, các vị đã tiến hành việc giảng giải ý nghĩa của bộ Sāratthappakāsinī là Chú Giải của Kinh Tương Ưng Bộ bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản và đã hoàn thành Sớ Giải tên là Sāratthamañjusā tập thứ ba. Cũng vậy, các vị đã tiến hành việc giảng giải ý nghĩa của bộ Manorathapūraṇī là Chú Giải của Kinh Tăng Chi Bộ bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản và đã hoàn thành Sớ Giải tên là Sāratthamañjusā tập thứ tư. Bởi vì việc ấy có được đề cập:

3. Bản Sớ Giải ấy của bộ Chú Giải Tạng Kinh được tiến hành nhằm đem lại sự thông hiểu về Kinh và sự hưng thịnh của Phật Pháp.

4. Toàn bộ đã được hoàn tất với số lượng là chín mươi sáu ngàn âm từ và có tên là Sāratthamañjusā.

Tiếp đó, các vị đã tiến hành việc giảng giải ý nghĩa của bộ Atthasālinī là Chú Giải của bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅganī) thuộc Tạng Vi Diệu Pháp bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản và đã hoàn thành Sớ Giải căn bản và hậu Sớ Giải tên là Paramatthapakāsinī tập thứ nhất.

Tương tợ như thế, các vị đã tiến hành việc giảng giải ý nghĩa của bộ Sammohavinodanī là Chú Giải của bộ Phân Tích (Vibhaṅga) bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản và đã hoàn thành Sớ Giải căn bản và hậu Sớ Giải tên là Paramatthapakāsinī tập thứ hai.

Cũng vậy, các vị đã tiến hành giảng giải ý nghĩa của bộ Paramatthadīpanī là Chú Giải của năm Tạng Vi Diệu Pháp còn lại bằng tiếng nói của xứ Magadha là loại ngôn ngữ căn bản và đã hoàn thành Sớ Giải căn bản và hậu Sớ Giải tên là Paramatthapakāsinī tập thứ ba.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

5. Bản Sớ Giải ấy của bộ Chú Giải Tạng Vi Diệu Pháp được tiến hành nhằm đem lại sự thông hiểu về Vi Diệu Pháp và sự hưng thịnh của Phật Pháp.

6. Toàn bộ đã được hoàn tất với số lượng là hai mươi bảy ngàn âm từ và có tên là Paramatthapakāsinī.

Như vậy, khi được yêu cầu bởi đức vua Parakkamabāhu, trưởng lão Mahākassapa đã cùng với hàng ngàn vị trưởng lão khác nỗ lực tụ hội lại và hoàn tất phần giải thích ý nghĩa của bộ Chú Giải Tam Tạng tương tợ như một cuộc kết tập về Pháp và Luật vậy.

Khi phần giải thích ý nghĩa được hoàn tất, nhiều hiện tượng kỳ diệu đã xảy ra như việc đại địa cầu đã rúng động bằng nhiều cách khác nhau, v.v... và chư thiên đã tán thán ca ngợi. Phần giải thích ý nghĩa này của bộ Chú Giải Tam Tạng đã được hoàn thành đúng một năm.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

7. Sau khi đấng Toàn Giác Vô Dư Niết Bàn được hơn một ngàn năm trăm tám mươi bảy năm, Parakkama lên ngôi vua.

8. Với sự đăng quang vương quyền được thành tựu và với sự tồn tại rạng ngời của Giáo Pháp, đức vua đã tiêu diệt kẻ thù do năng lực lớn lao của phước báu.

9. Vua Parakkamabāhu chúa tể xứ Laṅkā đã có công thực hiện sự hòa hợp các bộ phái và thanh lọc Giáo Hội.

10. Nhắm đến lợi ích của sự tăng trưởng Phật Pháp trên hòn đảo Tambapaṇṇi (Tích Lan), đại trưởng lão Kassapa ấy là vị đứng đầu hội chúng

11. đã được thỉnh cầu bởi đức vua Parakkamabāhu là nguời đã nỗ lực cho Giáo Pháp vì mong muốn Chánh Pháp được tồn tại.

12. "Sự giảng giải về ý nghĩa tiềm ẩn trong Chú Giải của các Tạng đã không đem lại lợi ích toàn diện cho các vị tỳ khưu ở khắp các nơi.

13. (Bởi vì) một số được viết dưới dạng điển tích theo văn phạm của tiếng Sīhala có bản chất khó hiểu.

14. Một số đã được tiến hành bằng ngôn ngữ của xứ Magadha nhưng được viết dưới dạng pha trộn nào đó giữa các ngôn ngữ.

15. Trong đó còn thấy có nhiều trường hợp nội dung của các đoạn văn không có chủ đề, lời giải thích bị lộn xộn, ý nghĩa lại khó hiểu.

16. Do đó, toàn bộ ở đây chưa được đầy đủ như thế này, làm sao những người xứ khác có thể hiểu được ý nghĩa?

17. Vì thế, sau khi tách phần lộn xộn giữa các thứ tiếng và nắm được toàn bộ ý nghĩa, ta sẽ làm rõ ràng, đầy đủ, không có lầm lẫn."

18. Phần giải thích Tam Tạng là phần giảng giải các ý nghĩa tiềm ẩn có tên là Sāratthadīpanī, Sāratthamañjusā,

19. Paramatthappakāsinī đã được giảng dạy bởi các vị đại trưởng lão. Phần giải thích ấy đã đem lại lợi ích cho chúng sanh thuộc tất cả các loại ngôn ngữ.

20. Parakkamabhuja, vua xứ Laṅkā là người có đức độ và trí tuệ. Ngài trị vì vương quốc Laṅkā một cách công minh theo đúng mười điều.

21. Là người có niềm tin vào Tam Bảo, đức vua đã thực hiện được nhiều phước thiện. Đến khi hết tuổi thọ, ngài đã ra đi theo nghiệp quả.

22. Ngay cả các vị trưởng lão ấy như là ngài Kassapa và các vị khác, sau khi hoàn tất Sớ Giải của Tam Tạng, đã sống đến hết tuổi thọ rồi cũng ra đi theo nghiệp quả.

23. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về Sớ Giải của Tam Tạng
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Chín

Giảng Giải về các Tác Phẩm do các vị Trưởng Lão Thực Hiện

1. Tam Tạng Pāli được thuyết giảng bởi đấng Chánh Đẳng Giác gồm có một ngàn một trăm tám mươi ba (1.183) tụng phẩm (bhāṇavāra).

2. Tam Tạng Pāli có số lượng từ là hai trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm năm mươi (295.750).

3. Tam Tạng Pāli có số lượng mẫu tự là chín triệu bốn trăm sáu mươi bốn ngàn (9.464.000).

4. Tất cả Chú Giải Tam Tạng do ngài Buddhaghosa giảng giải có số lượng tụng phẩm là một ngàn một trăm sáu mươi ba (1.163).

5. Tất cả Chú Giải Tam Tạng có số lượng từ là hai trăm chín chục ngàn bảy trăm năm mươi (290.750).

6. Tất cả Chú Giải Tam Tạng có số lượng mẫu tự là chín triệu ba trăm lẻ bốn ngàn (9.304.000).

7. Và Sớ Giải của Tam Tạng được giảng giải bởi các vị thầy giáo thọ về Sớ Giải có số lượng tụng phẩm là sáu trăm ba hai (632).

8. Sớ giải của Tam Tạng có số lượng từ là một trăm năm mươi tám ngàn (158.000).

9. Sớ giải của Tam Tạng có số lượng mẫu tự là năm triệu không trăm năm mươi sáu ngàn (5.056.000).

10. Tác phẩm nổi tiếng tên Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) được thực hiện bởi vị trưởng lão trí tuệ Buddhaghosa là bản giải thích ý nghĩa của Tam Tạng.

11. Tác phẩm tuyệt vời Kaṅkhāvitaraṇī là Chú Giải của Pātimokkha được thực hiện bởi vị trưởng lão trí tuệ Buddhaghosa.

12. Tài liệu giảng giải tên Khuddasikkhā dành cho các vị tân thọ tỳ khưu khéo được thực hiện bởi trưởng lão Dhammasiri là vị nghiêm túc về giới.

13. Tác phẩm tuyệt vời nổi tiếng với tên được thừa nhận là Abhidhammāvatāro được thực hiện bởi vị trưởng lão Buddhadatta.

14. Tác phẩm Paramatthavinicchaya được thực hiện bởi trưởng lão Anuruddha ở trong thành phố tráng lệ Kañcipura.

15. Tài liệu Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammasaṅgaha) được thực hiện bởi trưởng lão Anuruddha nhằm để giải thích về Chân Đế.

16. Tài liệu Saccasaṅkhepa được thực hiện bởi đệ tử của trưởng lão Ānanda là phần phân tích các ý nghĩa vi tế bằng nhiều phương pháp khác nhau.

17. Tác phẩm tên Khema giải thích về Chân Đế được thực hiện bởi vị trưởng lão trí tuệ tên Khema.

18. Bản tuyên thuyết Saṅghanandi do vị Kaccāyana chuyên chú thực hiện; nhờ Brahmadanta gợi ý và Vimalabodhi phụ giúp.

19. Rūpasiddhibhidhānakā đã được vị trưởng lão trí tuệ Buddhappiya thực hiện với lòng mong mỏi Chánh Pháp được tồn tại.

20. Abhidhānappadīpikā đã được vị trưởng lão trí tuệ Moggallāna thực hiện với lòng mong mỏi Chánh Pháp được tồn tại.

21. Tác phẩm Jinālaṅkārasattha ca ngợi đức hạnh của bậc Đạo Sư đã được thực hiện bởi vị trưởng lão tên Buddharakkhita.

22. Tác phẩm tuyệt vời Jinacaritaṃ đã được trưởng lão có tâm ý cương quyết Medhaṅkara thực hiện.

23. Sớ giải của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) tên là Paramatthamañjusā đã được vị trưởng lão trí tuệ Dhammapāla thực hiện.

24. Phần giảng giải về ý nghĩa của Luật tên là Vinayasaṅgaha đã được trưởng lão tên Sāgaramati thực hiện.

25. Tập Sớ Giải tuyệt vời của tác phẩm Saccasaṅkhepa mang tên Nissayatthakathā đã được trưởng lão tên là Mahābodhi thực hiện.

26. Tập Sớ Giải tuyệt vời của tác phẩm Paramatthavinicchaya là Mukhamattakā đã được trưởng lão tên là Mahābodhi thực hiện.

27. Tập Sớ Giải tuyệt vời của Vimāna-Petavatthu là Paramatthadīpanī đã được thực hiện bởi trưởng lão Dhammapāla.

28. Sau khi đã thực hiện một cách không có lẫn lộn Subodhālaṅkāra, Vuttodaya, Sớ Giải của tác phẩm Khuddasikkhāya; và tác phẩm Sambuddhavaṇṇanā

29. đã được thực hiện bởi vị trưởng lão tên Saṅgharakkhita là người có lòng mong mỏi Chánh Pháp được tồn tại và Phật Pháp được hưng thịnh.

30. Tác phẩm Vinayavinicchayo đã được chính trưởng lão Buddhasīha thực hiện một cách tốt đẹp vì sự hưng thịnh của Giáo Pháp.

31. Tập Sớ Giải tuyệt vời Kaṅkhāvitaraṇī đã khéo được thực hiện bởi trưởng lão tên Buddhanāga là vị có tâm ý cương quyết.

32. Paramatthadīpanī là bản Chú Giải xuất sắc của Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā) đã được trưởng lão Dhammapāla thực hiện.

33. Tập Sớ Giải tuyệt vời của Abhidhammasaṅgaha đã được thực hiện bởi một vị trưởng lão là đệ tử của trưởng lão Sāriputta.

34. Bản Chú Giải của Kinh Pháp Cú (Dhammapāda) có lời dẫn giải khéo léo đã được vị trưởng lão trí tuệ Buddhaghosa thực hiện.

35. Tác phẩm xuất sắc tên Nettippakaraṇa đã được trưởng lão Kaccāyana thực hiện do sự gợi ý của bậc Toàn Giác.

36. Tập giảng giải tuyệt vời của Saccasaṅkhepa có tên là Sāratthasālinī đã được một vị trưởng lão là đệ tử của ngài Sāriputta thực hiện.

37. Nhiều tiểu luận xuất sắc đã được thực hiện bởi chính người đệ tử của vị trưởng lão ấy vì sự tồn tại rạng ngời của Giáo Pháp.

38. Tất cả những tác phẩm phân tích Tam Tạng đã được thực hiện bởi các vị trưởng lão vì sự hưng thịnh của Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.

39. Tất cả các vị đại trưởng lão hàng đầu đã thực hiện nhiều lợi ích cho chúng sanh. Các vị đã sống đến hết tuổi thọ rồi ra đi theo nghiệp báo.

40. Khi biết được bản chất của vô thường là khổ đau và thân này khó đạt, bậc trí tuệ hãy cấp thời nỗ lực để chứng đạt trạng thái bất tử vĩnh viễn.

Phần Giảng Giải về các Tác Phẩm
do các vị Trưởng Lão Thực Hiện
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Thứ Mười

Giảng Giải về Lợi Ích của việc Sao Chép Tam Tạng

Tiếp đến, việc giảng giải về lợi ích của vấn đề sao chép Tam Tạng cần được đề cập. Hơn nữa, khi nằm xuống trên chiếc giường Vô Dư Niết Bàn, đức Thế Tôn đã dặn dò trưởng lão Ānanda rằng:

- Này Ānanda, Pháp và Luật nào đã được ta giảng giải và quy định cho các ngươi, Pháp và Luật ấy sẽ là thầy của các ngươi khi ta không còn nữa. Kể từ khi đắc chứng quả vị giác ngộ tối thượng cho đến lúc Vô Dư Niết Bàn là bốn mươi lăm năm, tồn tại có tám mươi bốn ngàn Pháp Uẩn đã được giảng dạy, ta sẽ đơn độc Vô Dư Niết Bàn. Hơn nữa, trong lúc này đây ta còn đơn độc giáo huấn và giảng dạy, nhưng khi ta Vô Dư Niết Bàn rồi, tám mươi bốn ngàn Pháp Uẩn này là tám mươi bốn ngàn vị Phật sẽ giáo huấn và giảng dạy các ngươi.

Ngài đã thực hiện và xác định tám mươi bốn ngàn Pháp Uẩn cao quý là vị thầy của chính bản thân, tương đương với Pháp Thân của Ngài, tức là tám mươi bốn ngàn vị Phật cao quý được sanh ra từ Ngài.

Bởi vì, việc này đã được đức Thế Tôn giảng rằng:

1. Mỗi một mẫu tự được xem là tương đương với sắc thân của đức Phật. Chính vì thế, người trí hãy nên sao chép Tam Tạng.

2. Khi Tam Tạng tồn tại thì số lượng tám mươi bốn ngàn bậc Toàn Giác cũng sẽ được tồn tại.

3. Mỗi một mẫu tự trong Pháp Học của bậc Đạo Sư được xem là một quả báu tương đương với một sắc thân của đức Phật.

4. Chính vì thế, người trí mong mỏi sự thành tựu về cả ba phương diện thì vị ấy nên sao chép, hoặc khuyến khích người khác sao chép vào sách tức là tháp thờ Pháp Bảo.

5. Người viết lại Pháp Bảo tức là Tam Tạng được tròn đủ về nền tảng của mười thiện hạnh và sở hành tốt đẹp về ba phương diện.

6. Vị ấy tròn đủ Chánh Pháp một cách tốt đẹp về cả ba phương diện trong Phật Pháp là Pháp Học, Pháp Hành, và Pháp Thành.

7. Mỗi một mẫu tự trong lời giáo huấn của đấng Cứu Độ chúng sanh được xem như là một quả báu tương đương với một sắc thân của đức Phật.

8. Chính vì thế, người trí mong mỏi sự thành tựu về cả ba phương diện thì vị ấy nên sao chép, hoặc khuyến khích người khác sao chép mẫu tự trong Tam Tạng.

9. Toàn bộ Tam Tạng có số lượng mẫu tự hơn bốn ngàn triệu và bảy mươi hai mẫu tự.

10. Những ai sao chép Tam Tạng giống như đang thực hiện bốn ngàn triệu và bảy mươi hai tượng (Phật).

Khi nói về lợi ích của việc sao chép Tam Tạng thì cũng nên nhắc lại ở đây là lợi ích của hình tượng đã được đức Thế Tôn giảng giải chi tiết khi Ngài khen ngợi hình tượng ở xứ Kosala:

11. Những người ghi lại một mẫu tự của Tam Tạng tương tợ như đang làm tượng của bậc Đạo Sư sẽ có được hào quang như mặt trời và thân hình xinh đẹp ở tất cả các cõi.

12. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ không bị sanh lên trong trạng thái của người nữ, hoặc người vô căn, hoặc người lưỡng căn; họ sẽ sanh lên với một thân thể vẹn toàn, lành lặn.

13. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại là những người sống theo hạnh từ bi, sẽ không bị chết vì tai nạn, vì thuốc độc, vì vũ khí, vì bùa chú, vì các vị vua thù nghịch v.v...

14. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ sanh lên trong một thân hình đẹp tuyệt vời, trong gia tộc bà-la-môn cao quý, trong gia tộc sát-đế-lỵ hạng nhất, và không bị sanh trong gia đình hạ tiện hoặc gia tộc thấp kém.

15. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ không sanh vào trạng thái ngạ quỷ ở tận cùng của thế gian, sẽ không sanh làm kẻ ngu khờ, què quặt, mù lòa, hoặc điếc; họ là những người được thoát khỏi bốn cõi khổ.

16. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại sẽ không phải chịu khổ sở ở trong bào thai, sẽ không phải chịu khổ sở lúc chào đời, và người mẹ sanh ra họ cũng không bị khổ sở.

17. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại luôn luôn được tăng trưởng về hạnh phúc, tài sản, giàu sang, danh vọng, v.v... Tất cả đều được tăng trưởng cho họ.

18. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại khi tái sanh vào trong bào thai không bị lem lấm bởi đồ dơ, nước giải, v.v... và luôn được sạch sẽ như là ngọc quý nằm trên tấm vải sạch vậy.

19. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại phát triển bình yên trong bào thai. Khi được sanh ra từ trong bụng mẹ, họ như người bước xuống từ Pháp tọa vậy.

20. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại được vị trời ngàn mắt (Sakka) dâng nước thánh; giống như vị Vua Chuyển Luân được các vị vua hùng mạnh tôn vinh vậy.

21. Những nam nhân tạo điều kiện cho mẫu tự của Giáo Pháp được ghi lại đến khi từ bỏ thân phận làm người, nếu được sanh làm trời thì những người ấy sẽ đạt đến những cõi trời cao quý và xinh đẹp.

22. Những người sao chép mẫu tự của Tam Tạng liên tục hưởng sự cao sang, có các nữ nhân quý phái với nhạc khí tuyệt vời vây quanh; họ được hưởng sự an lạc tột cùng một cách lâu dài.

23. Những người tạo điều kiện cho mẫu tự của Tam Tạng được ghi lại mong mỏi thân phận cao quý, đến khi chấm dứt cuộc sống và từ trần ở thế gian, sẽ sanh về cõi trời cao quý.

24. Khi đã thành tựu trạng thái vĩ đại là phẩm vị Toàn Giác, Độc Giác, và bản thể Thinh Văn là ba mục tiêu chính yếu ở thế gian, các vị đã thành tựu điều cao quý tột cùng là an lạc Niết Bàn.

25. Những người cúng dường sách vở, sự đóng sách, phòng ốc, bình lọ, viết, ghế ngồi, kéo cắt, hoặc là mực viết đều trở nên trí tuệ vô cùng.

26. Những người đích thân sao chép, hoặc bảo những người khác sao chép, hoặc chỉ tùy hỷ theo sẽ trở thành các đệ tử trí tuệ của bậc Chiến Thắng Mettyya (Phật Di Lặc) trong ngày vị lai.

27. Những người sao chép hoặc thuê kẻ khác làm, những người ấy sẽ đạt được toàn bộ điều họ mong ước, khát khao, hay thích thú một cách rất dễ dàng trong ngày vị lai.

Phần Giảng Giải về
Lợi Ích của việc Sao Chép Tam Tạng
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt.

-ooOoo-

Chương Mười Một

Giảng Giải về Lợi Ích của việc Lắng Nghe Chánh Pháp

Tiếp đến, việc giảng giải về lợi ích của vấn đề lắng nghe Chánh Pháp cần được đề cập. Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

1. "Này Vakkali, người nào thấy Chánh Pháp của ta, người ấy thấy ta. Người không thấy Chánh Pháp, dầu có thấy ta cũng như không thấy."

Đức Thế Tôn đã xác định vị thế tương đương của Giáo Pháp nói về Pháp Học khi so sánh với bản thân Ngài. Hơn nữa, Chánh Pháp này được tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cung kỉnh, tôn vinh, sùng kính, cúng dường. Cho nên, người nào cung kỉnh, tôn vinh, sùng kính, cúng dường Chánh Pháp, người ấy được gọi là tôn vinh, cung kỉnh, sùng kính, cúng dường đấng Như Lai. Và việc này đã được đức Thế Tôn giảng rằng:

2. Chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai, và chư Phật thời hiện tại là những vị đã diệt tan sầu khổ cho nhiều người.

3. Theo thông lệ của chư Phật thì chư Phật hiện hữu trong ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai đều là những vị cung kỉnh Chánh Pháp.

4. Cho nên, người nào mong mỏi sự lợi ích và ước ao điều cao cả thì nên cung kỉnh Chánh Pháp và ghi nhớ lời giáo huấn của chư Phật.

5. Chư Phật Toàn Giác có hai thân là Nhục Thân với nét huy hoàng và Pháp Thân tức là Giáo Pháp đã được các vị ấy giảng dạy.

6. Khi biết rõ rằng Chân Lý đã hiển hiện và thấu triệt được danh xưng, ý nghĩa, luôn cả các mẫu tự, và từ ngữ, người ấy đã đạt đến hạt giống giác ngộ.

7. Bậc trí tuệ tầm cầu lợi ích trong Chánh Pháp thanh tịnh và nhiều đức hạnh hãy an trú niềm tin vào Giáo Pháp và bày tỏ sự tôn vinh cung kỉnh.

8. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

Nghe rằng vào thuở ấy, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), kế cận thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, ở trong giảng đường đại đức Nanda đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi đến các vị tỳ khưu bằng bài thuyết Pháp với lời nói tao nhã, dễ hiểu, rõ ràng, đem lại lợi ích. Các vị tỳ khưu ấy thấy được sự lợi ích, nên tập trung toàn bộ tâm ý, chăm chú, và lắng tai để nghe bài Pháp.

Lúc bấy giờ, bậc Đạo Sư sau khi chấm dứt bài giảng pháp cho đám đông người sau thời thọ thực, đã nghỉ ngơi cơ thể trong chốc lát rồi tắm rửa kỹ lưỡng với nước đã được các vị thị giả chuẩn bị sẵn, rồi Ngài đã mặc y tươm tất và khoác y tề chỉnh đi đến cửa giảng đường nhằm mục đích lắng nghe bài giảng Pháp của đại đức Nanda. Ngài đã nắm lấy sợi giây buộc ở cửa và đứng nghe bài thuyết Pháp trọn cả ba canh của đêm. Khi bài thuyết giảng chấm dứt, Ngài đã ban lời khen ngợi rằng:

- Này Nanda, bài giảng Pháp được thuyết hay lắm!

Ngay khi bậc Đạo Sư vừa ban lời khen ngợi, các loài rồng, kim-xỉ-điểu, dạ-xoa, và chư thiên ở trái đất đã ban lời tán thán, đến tận cõi Phạm Thiên cũng có vang lên lời khen ngợi.

Vị trưởng lão nghe được lời khen ấy, biết rằng: "Âm thanh ấy là lời khen ngợi của bậc Đạo Sư," ngay lập tức đã vội vàng leo xuống Pháp tọa đi đến quỳ xuống đê đầu ở chân đấng Thập Lực đảnh lễ đức Thế Tôn:

- Bạch đức Thế Tôn, ngài đã đến đây từ lúc nào vậy?

- Này Nanda, ta đến đây từ lúc ngươi mới bắt đầu giảng bài kinh.

Vị trưởng lão đã trở nên sửng sốt, nói rằng:

- Bạch đức Phật, ngài đã quá gắng sức, ngài lại không được khỏe. Nếu con biết là đấng Như Lai đến thì con đã không thuyết nhiều như thế.

- Này Nanda, khi ta bồi đắp hạnh nguyện ba-la-mật trong thời gian hơn bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp chỉ nhằm một mục đích là thấu hiểu cho được Chánh Pháp này; tương tợ như thế, trong những kiếp tái sanh làm Vidhura, Mahāgovinda, Khuddālaka, Araka, Jotipāla, du sĩ Bodhi, và bậc trí Mahosadha, v.v... không thể ước lượng được những lần bản thân ta đã thuyết giảng Giáo Pháp này cho những người khác để thực hành cho tròn đủ trí tuệ ba-la-mật. Bởi vì vào lúc ấy, ta đã không thấy chán ngán trong khi thuyết giảng Giáo Pháp đến người khác hay lắng nghe Giáo Pháp được người khác thuyết giảng.

Trong khi giải thích điều ấy, bậc Đạo Sư đã nói rằng:

9. Bởi vì trong khi ta luân hồi vô số kiếp ở các cõi tái sanh khác nhau, ta không thấy chán ngán khi thuyết giảng và lắng nghe Giáo Pháp.

10. Trong thời hiện tại, ta là bậc Toàn Giác, Toàn Tri, là hiện thân của từ bi, tại sao ta lại chán ngán khi thuyết giảng Giáo Pháp cho thế gian?

11. Vì đã phát nguyện rằng: "Thành Phật, ta sẽ giúp kẻ khác giác ngộ;" do đó, giờ đây ta đã là bậc Toàn Giác nên ta sẽ giúp cho chúng sanh giác ngộ.

12. Vì đã phát nguyện rằng: "Đạt đến bờ kia, ta sẽ giúp kẻ khác vượt đến bờ kia;" do đó, giờ ta đã vượt khỏi khổ đau, nên ta sẽ giúp cho chúng sanh vượt đến bờ kia.

13. Vì đã phát nguyện rằng: "Được giải thoát, ta sẽ giúp kẻ khác được giải thoát." Do đó, giờ ta đã được giải thoát khỏi khổ đau nên ta sẽ giúp cho chúng sanh giải thoát.

14. Giáo Pháp này đã được các vị Toàn Giác vĩ đại khai thị, cần phải có niềm tin nơi Giáo Pháp và nên lắng nghe Chánh Pháp cao quý này.

Bởi vì Giáo Pháp này khó mà gặp được. Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này Nanda, trong thế giới chúng sanh này, nếu ngươi có thể thuyết giảng một kiếp thì ta cũng có thể đứng và lắng nghe trong suốt một kiếp.

Nghe vậy, đại đức Nanda thưa rằng:

- Bạch ngài, thật kỳ diệu thay! Bạch ngài, thật phi thường thay! Đấng Như Lai đã hiểu biết tất cả các pháp cần được chứng ngộ, đã khai sáng đạo lộ chưa được khai sáng, đã biết được đạo lộ chưa được biết đến, đã thuyết về đạo lộ chưa được đề cập đến, là người biết và rành rẽ về đạo lộ ấy; như thế mà vẫn không chán ngán hoặc mệt mỏi khi đích thân thuyết giảng về Chánh Pháp này hoặc lắng nghe sự thuyết giảng của những người khác.

Sau khi đã biết như thế thì nên lắng nghe Chánh Pháp này một cách nghiêm trang.

Bài thuyết giảng của Nanda là phần thứ nhất.

*

Vô số người từ khắp các nơi đi đến đây để lắng nghe Chánh Pháp, đã tụ họp lại, ngồi xuống trong giảng đường của Pháp hội; những người ấy và tất cả những ai có sự tôn kính hãy nên lắng nghe Chánh Pháp này một cách nghiêm trang. Ở đây, có vị Pháp sư (nghĩ rằng): "Người ta sẽ biết rằng: Ta là vị Pháp sư;" vị ấy thuyết giảng vì sự thôi thúc của lòng tham muốn và bị nung nấu bởi lợi lộc và cung kính. Việc ấy không có quả báu lớn lao. Có vị thuyết giảng Giáo Pháp cho người khác, mong muốn rằng bản thân hiểu rõ hơn về Giáo Pháp. Việc ấy có quả báu lớn lao. Vị ấy đạt được mục đích của sự thuyết giảng và nền tảng của việc hành thiện. Tương tợ như thế, có người khi nghe Pháp (nghĩ rằng): "Người ta sẽ biết: Ta là kẻ có đức tin;" người ấy nghe vì sự thôi thúc của lòng tham muốn và bị nung nấu bởi lợi lộc và cung kính. Việc ấy không có quả báu lớn lao. Lại có người khác (nghĩ rằng): "Việc nghe Pháp này sẽ đem lại cho ta quả báu lớn lao;" là người mong mỏi điều lợi ích, có đức tin khi nghe Pháp, người ấy lắng nghe Giáo Pháp với tâm tư vô cùng nhạy bén. Việc ấy có quả báu lớn lao. Người này đạt được mục đích của sự nghe Pháp và nền tảng của việc hành thiện trong sự nghe (Pháp). Ở đây, trong việc nghe Pháp có câu chuyện này để chỉ rõ lợi ích của việc nghe Pháp nghiêm trang và sự bày tỏ hành động tán thán trong việc nghe Pháp:

Nghe rằng ở thành Sāvatthi, người chồng của một cô con gái thuộc gia đình giàu có sau khi nghe bài giảng Pháp của bậc Đạo Sư (nghĩ rằng): "Ta không thể thực hành trọn vẹn Giáo Pháp này trong cương vị tại gia, vậy ta sẽ xuất gia," rồi đã đi đến tu viện và xuất gia với vị trưởng lão chuyên hành hạnh khất thực. Khi ấy, vua Pasenadi của xứ Kosala biết rằng: "Đây là người thiếu phụ không chồng," nên đã cho đem về hậu cung.

Một ngày nọ, có một người đàn ông vì công việc cần thiết nào đó đã mang theo một bó hoa sen xanh đi vào hậu cung và đã dâng vật ấy lên đức vua. Khi ấy, đức vua sau khi nhận bó hoa sen xanh đã cho mỗi một người trong đám nữ nhân ấy một đóa hoa sen xanh. Trong khi các đóa hoa được phân phát, người đàn bà ấy đã vươn hai tay ra lộ vẻ mừng rỡ, nhưng khi ngửi được mùi hương đã òa lên khóc. Đức vua đã nhận thấy cả hai trạng thái của cô ta nên cho truyền lệnh đến hỏi. Khi giải thích về nguyên nhân của trạng thái vui vẻ và nguyên nhân về hành động khóc lóc của bản thân, cô ta nói rằng:

15. Tâu chúa thượng, có mùi hương được tỏa ra từ miệng của vị trưởng lão chồng của thiếp, chính đóa hoa sen làm thiếp nhớ đến nên òa khóc.

16. Tâu bệ hạ, hơi thở ra thở vào của vị ấy được tỏa ra có mùi thơm. Giờ vị ấy đã bỏ đi rồi, do nhớ đến chồng nên thiếp khóc.

Mặc dầu được giải thích đến lần thứ ba, nhà vua cũng vẫn không tin. Cho đến ngày hôm sau, nhà vua đã ra lệnh đem ra khỏi hoàng cung tất cả các thứ có mùi hương như các tràng hoa, son phấn, v.v..., rồi ra lệnh chuẩn bị chỗ ngồi cho hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu, rồi đã thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật dẫn đầu. Sau khi đã an vị chỗ ngồi cho các vị và dâng cúng cuộc đại thí, đến khi bữa ăn được chấm dứt, nhà vua đã nói với người đàn bà ấy như vầy:

- Vị trưởng lão ấy là vị nào?

- Tâu bệ hạ, vị trưởng lão kia.

Sau đó, đức vua đã đảnh lễ bậc Đạo Sư và nói rằng:

- Bạch ngài, xin thỉnh ngài và hội chúng tỳ khưu về trước và giao cho vị tỳ khưu tên này của ngài tùy hỷ phước báu.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã để vị tỳ khưu ấy lại và đi về tu viện. Sau đó, khi vị trưởng lão vừa mới bắt đầu việc tùy hỷ phước báu, khắp cả hoàng cung dường như được tràn ngập bởi hương thơm của long não, trầm hương, và dầu mè. Nhà vua đã tin rằng: "Nàng ta đã nói sự thật," và ngày hôm sau đã hỏi bậc Đạo Sư nguyên nhân của sự việc. Khi ấy, đức Thế Tôn đã phân tích rằng:

- Tâu đại vương, vào thời quá khứ người này trong khi lắng nghe bài thuyết Pháp, có cơ thể đã sanh khởi năm hiện tướng của pháp hỷ, lông dựng đứng lên, và cơ thể được tràn ngập bởi pháp hỷ ấy. Vị ấy đã chính miệng nói lên rằng: "Lành thay, lành thay!" và trong khi bày tỏ hành động cổ vũ, vị ấy vẫn lắng nghe Giáo Pháp. Tâu đại vương, do nguyên nhân ấy mà vị ấy đã đạt được điều lợi ích trên.

Về việc này, có lời nói rằng:

17. Trong thời gian của buổi thuyết giảng Chánh Pháp, nhờ câu nói: "Lành thay, lành thay!" nên có hương thơm tỏa ra từ miệng như là hương của hoa sen ở trong hồ nước vậy.

18. Lời giảng của đấng Toàn Giác là lời nói ngọt ngào. Người nhiệt tình khen ngợi Giáo Pháp cao quý này là người có được trí tuệ, có lời nói ngọt ngào, miệng có mùi thơm, và giọng nói thanh tao.

Đây là lợi ích của việc nghe Pháp một cách nghiêm trang và sự bày tỏ hành động tán thán. Với người đã biết được điều ấy thì nên lắng nghe Chánh Pháp này một cách nghiêm trang.

Sự bày tỏ hành động tán thán là phần thứ hai.

*

19. Những người đã đi đến đây và cùng nhau ngồi xuống để nghe Chánh Pháp, xin hãy lắng tâm thanh tịnh và lắng nghe Giáo Pháp này.

Vào một thuở nọ, bậc Đạo Sư ngự tại Jetavana (Kỳ Viên) ở gần thành Sāvatthi.

20. Trong lúc đấng Như Lai cùng với hội chúng cao quý đang được các vị trời ở cõi Phạm Thiên cúng dường, khi ấy đức Phật bậc Chiến Thắng đã khởi tâm thương xót chúng sanh và thuyết lên bài kinh này:

- Này các tỳ khưu, đây là hai loại bố thí. Hai loại ấy là gì? Bố thí tài vật và bố thí Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, đây là hai loại bố thí. Này các tỳ khưu, loại cao thượng trong hai loại bố thí này chính là bố thí Giáo Pháp.

Giáo Pháp này chính là Niệm Xứ, Chánh Tinh Tấn, Như Ý Túc, Căn, Lực, Giác Chi, Tám Chi Đạo, Minh Sát Chân Lý Cao Thượng, Quả Vị cao quý, hải đảo Niết Bàn, điều ấy được gọi là Giáo Pháp.

Hơn nữa, nơi đây người nào mong mỏi phước thiện lắng nghe Giáo Pháp với tâm ý tập trung và bản tánh tán dương, hoặc người nào thuyết giảng Giáo Pháp dầu là thể Kinh (Sutta), ..., hay thể Vedalla sau khi đã bày tỏ sự kính trọng đến bất cứ phần nào trong chín thể loại của Chánh Pháp như là Sutta, Geyya, v.v...mà không nghĩ đến tài vật; sự bố thí Giáo Pháp này được gọi là sự bố thí tối thượng.

Nếu có người bố thí các bộ y mịn màng loại vô cùng giá trị (rất mảnh mai) tương tợ như thân cây kadali đến chư Phật Toàn Giác và Độc Giác đã đoạn tận các điều ô nhiễm ngồi kiết già chật hết bầu trời của thế giới này, sự tùy hỷ phước báu được thực hiện bằng lời kệ ngôn chỉ có hai câu (gồm bốn phân đoạn) để khen ngợi sự bố thí ở nơi hội chúng ấy lại thù thắng hơn. Điều ấy có nguyên do thế nào? Bởi vì sự bố thí ấy không giá trị bằng một phần mười sáu của câu kệ ngôn ấy.

Đức Phật nói như vầy: Có sự lợi ích lớn cho vị thuyết giảng Giáo Pháp, hoặc là cũng có sự lợi ích lớn cho người lắng nghe. Với người khiến cho người khác lắng nghe Giáo Pháp, lợi ích cho chính người ấy cũng lớn lao. Hơn nữa, so sánh với sự bố thí được thực hiện bằng cách đặt đầy bình bát đồ khất thực thượng hạng gồm có cơm gạo mới sāli và thịt với nhiều loại canh và xúp đến hội chúng có hình thức như thế này; hay so với sự bố thí thuốc chữa bệnh được thực hiện bằng cách để đầy bình bát với các vật giá trị như sữa chua, sữa đông, dầu, mật ong, đường mía, v.v...; hay so sánh với việc bố thí chỗ ngụ được thực hiện sau khi đã xây dựng hàng trăm ngàn tu viện như là Mahāvihāra (Đại Tự) và đại sảnh như là Lohapasāda; sự bố thí Giáo Pháp vẫn thù thắng hơn.

Thậm chí so sánh với sự xả tài được thực hiện với năm mươi bốn koṭi như sau: Bởi vì mục đích xây dựng tu viện Jetavana (Kỳ Viên), gia chủ Anāthapiṇḍika đã mua sau khi trải ra trên mặt đất mười tám ngàn koṭi, cho xây dựng tòa nhà hết mười tám ngàn koṭi, thực hiện lễ khánh thành tu viện hết mười tám ngàn koṭi; hay so sánh với sự xả tài hết hai mươi bảy koṭi như sau: Sảnh đường được vị đại tín nữ Visākhā xây dựng ở Pubbārāma cũng tương tự, mua đất hết chín koṭi, xây dựng sảnh đường hết chín koṭi, thực hiện lễ khánh thành hết chín koṭi; thậm chí sự bố thí Giáo Pháp được thực hiện ở nơi đây dầu chỉ là sự tùy hỷ phước báu bằng lời kệ ngôn chỉ có hai câu (gồm bốn phân đoạn) ở nơi hội chúng ấy lại thù thắng hơn.

Lý do như thế nào? Bởi vì, những người giàu có như sát-đế-lỵ, bà-la-môn, và gia chủ thực hiện những phước thiện như thế ấy sau khi đã lắng nghe Giáo Pháp, họ sẽ không thực hiệu nếu không có lắng nghe Giáo Pháp. Nếu những chúng sanh này không lắng nghe Giáo Pháp thì họ sẽ không bố thí thức ăn cho dù một vá cháo hoặc một muỗng cơm. Chính vì lý do này, việc bố thí Giáo Pháp là thù thắng hơn tất cả các loại bố thí.

Hơn nữa, ngoại trừ Phật Toàn Giác và Phật Độc Giác, còn các vị khác như ngài Sāriputta, v.v...dầu có đạt được trí tuệ đầy đủ để đếm các giọt nước mưa trong khi trời mưa cả kiếp, cũng không thể chứng đạt các quả vị như là Nhập Lưu, v.v... nhờ vào bản thể của chính bản thân họ; các vị ấy chứng được quả vị Nhập Lưu nhờ nghe Giáo Pháp được thuyết giảng bởi các vị như là trưởng lão Assaji, v.v... rồi nhờ sự giảng giải Giáo Pháp của bậc Đạo Sư mới chứng ngộ được Trí Tuệ ba-la-mật của vị Thinh Văn.

Ngay cả trưởng lão Sāriputta, sau khi nghe sự giảng giải Giáo Pháp của đức Thế Tôn đã giác ngộ được A-la-hán đạo cùng với mười sáu tuệ giác: tuệ thành tựu, tuệ quả tăng trưởng, tuệ tròn đủ, tuệ lớn lao, tuệ rộng lớn, tuệ bao quát, tuệ sâu sắc, tuệ chuyên chú, tuệ đầy đủ, tuệ phong phú, tuệ nhạy bén, tuệ thư thái, tuệ hoan hỷ, tuệ cảnh giác, tuệ sắc sảo, tuệ minh mẫn, sau đó sự thành tựu Trí Tuệ ba-la-mật của vị Thinh Văn đã được sanh khởi.

Chính vì lý do này, việc bố thí Giáo Pháp được tuyên bố là thù thắng, tối thượng, cao quý, đứng đầu tất cả các loại bố thí.

Điều này có liên hệ đến sự bố thí Giáo Pháp: Chúa trời Sakka dẫn đầu chư thiên trong mười ngàn thế giới đã đi đến gặp bậc Đạo Sư, đảnh lễ đức Thế Tôn, và hỏi rằng:

- Bạch ngài, sự bố thí nào là hạng nhất trong các sự bố thí, mùi vị nào là hạng nhất trong các mùi vị, lạc thú nào là hạng nhất trong các lạc thú, sự đoạn tận ái dục đứng đầu trong trường hợp nào?

Khi ấy, bậc Đạo Sư đã nói lên câu kệ này để trả lời bốn câu hỏi của vị trời ấy:

21. Sự bố thí Giáo Pháp thắng tất cả các sự bố thí.
Mùi vị của Giáo Pháp thắng tất cả các mùi vị.
Lạc thú trong Giáo Pháp thắng tất cả các lạc thú.
Sự đoạn tận ái dục thắng tất cả các khổ đau
.

Chính trong lúc bậc Đạo Sư thuyết giảng về ý nghĩa của bốn câu hỏi bằng lời kệ ngôn này như thế, tám mươi bốn ngàn vị trời đã thể nhập Giáo Pháp. Sau khi lắng nghe bài thuyết Pháp của bậc Đạo Sư, vị trời Sakka đã đảnh lễ bậc Đạo Sư và nói rằng:

- Bạch ngài, trong sự bố thí Giáo Pháp được gọi là hạng nhất như vậy, sao ngài lại không bảo mọi người san sẻ sự thành tựu (phước báu) cho chúng tôi? Bạch ngài, thật là tốt đẹp nếu từ nay sau khi thuyết giảng đến hội chúng tỳ khưu, ngài bảo mọi người san sẻ sự thành tựu (phước báu) cho chúng tôi.

Nói xong, vị trời ấy đảnh lễ đấng Như Lai, nhiễu quanh ba vòng rồi cùng với hội chúng trở về lại thiên giới. Sau đó, khi đêm đã tàn bậc Đạo Sư đã bảo hội chúng tỳ khưu tụ hội lại rồi đã nói như vầy:

- Này các tỳ khưu, kể từ nay khi thực hiện cuộc thính Pháp lớn lao, hoặc cuộc thính Pháp bình thường, hoặc ngồi bàn luận, hoặc ngay cả sự tùy hỷ phước báu, sau khi thuyết giảng các ngươi hãy bảo mọi người san sẽ sự thành tựu (phước báu) đến tất cả chúng sanh.

Hội chúng tỳ khưu đồng ghi nhận:

- Bạch ngài, xin vâng.

Kể từ khi ấy cho đến tận ngày hôm nay, các vị đều san sẻ sự thành tựu (phước báu) đến cho tất cả chúng sanh. Như vậy, sau khi hiểu được đức hạnh của Phật và đã an trú tâm tín thành vào đức Phật Thế Tôn, mọi người nên nghiêm trang thuyết giảng và lắng nghe Chánh Pháp này.

Bố thí Giáo Pháp là phần thứ ba.

*

22. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, các vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

23. Những người có trí tuệ lắng nghe các phụ nữ ca hát hoặc nói về sự già nua, bệnh tật, và chết chóc vẫn thành tựu được quả báu tối thượng.

Thế nào? Trong thời quá khứ, vào thời điểm giữa hai vị Phật, nghe rằng có người đàn ông nọ đi vào rừng cùng với bảy người con trai. Sau khi đã trải qua cả ngày hôm ấy cho công việc cần phải làm, đến chiều tối từ rừng đi trở về, họ đã đứng nghe người đàn bà nọ, ở trước cửa nhà của cô ta, đổ đầy thóc vào cối rồi dùng chày giã, và trong lúc đang dùng cái trẹt để sàng sẩy đã ngâm nga bài hát này:

24. Hạt thóc này bị vỡ đôi vì cái chày, hết trấu rồi thì còn gạo ở đây. Chính cái thân xác này bị tàn tạ bởi tuổi già, hãy nhìn xem chỉ còn có bộ xương thôi.

25. Thân này được bao phủ bởi lớp da nhăn nheo và bị dày xéo bởi tuổi già. Thân này bị tiêu diệt bởi sự chết và là mồi ngon của Ma Vương.

26. Thân này là chỗ trú ngụ của các loài giun sán và được chứa đầy vô số trùng bọ. Thân này là hũ chứa các sự bất tịnh và yếu đuối giống như thân cây kadali.

27. Hạt thóc này bị vỡ đôi vì cái chày, thân thể này bị tan nát bởi sự chết. Hãy nhìn xem kỹ thân xác này tiêu hoại; thân này bị tiêu hoại bởi sanh, lão, và tử.

Sau khi nghe được bài ca ấy, trong lúc đang suy xét và liên tưởng đến ba hiện tướng "vô thường, khổ não, vô ngã," người ấy cùng với những người con trai đã chứng đạt phẩm vị Độc Giác Phật ngay tại chỗ ấy.

Sau đó đến giờ ăn tối, mọi người đã mời họ dùng cơm:

- Các người hãy ăn món này.

- Chúng tôi không ăn vào lúc sái giờ, chúng tôi được gọi là Độc Giác Phật.

- Trời ơi, các người không có giống các vị Độc Giác Phật.

- Vậy thì họ giống thế nào?

- Họ cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, không bận bịu với gia đình hoặc hội chúng giống như đám mây được phân chia bởi làn gió, giống như ánh trăng tròn đã qua khỏi giờ nguyệt thực, và sống trong hang động ở chân núi Nanda của Hy Mã Lạp Sơn; các ngài như thế ấy mới là Độc Giác Phật.

Vào giây phút ấy, tất cả bọn họ đều đã giơ tay lên sờ đầu. Tức thời, hình tướng tại gia biến mất và hình tướng sa-môn đã hiện ra; tất cả bọn họ đều có mang tám món vật dụng và giây buộc thân. Họ đã đứng trên hư không ban lời giáo huấn đến đám đông dân chúng rồi theo đường không trung bay về hang động ở chân núi Nanda thuộc phía bắc của Hy Mã Lạp Sơn.

Như thế, những bậc trí tuệ sau khi nghe được Giáo Pháp là vô thường, khổ não, vô ngã ở trong bài ca rồi nương vào điều ấy cũng đạt đến sự an lạc và giải thoát cho bản thân.

Vì thế, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

28. Các bậc trí tuệ, bất luận xuất thân, dòng dõi, gia tộc, diện mạo sau khi làm cho Giáo Pháp được vững bền rồi lắng nghe Giáo Pháp tối thượng.

29. Không cần quan tâm màu sắc của con bò cái, người trí nên xem xét (phẩm chất) sữa bởi vì sữa được sản xuất từ bò cái và có hương vị hạng nhất trong các hương vị.

30. Tương tợ như thế, đây chính là Chánh Pháp cho dù được thuyết giảng bởi bất cứ ai. Vì thế, hãy chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được thuyết giảng bởi đấng Toàn Giác.

31. Sau khi được nghe Giáo Pháp từ đức Phật Toàn Giác, hãy thuyết giảng lại cho những người khác và cho họ biết rằng tất cả điều ấy đã được đức Phật thuyết giảng.

Sau khi đã hiểu rõ ý nghĩa trên, nên lắng nghe Chánh Pháp này với sự chăm chú.

Lúa được giã là phần thứ tư.

*

32. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, các vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

33. Những người vận dụng trí tuệ để lắng nghe bài ca về sự già nua, bệnh tật, và chết chóc do các phụ nữ ca hát vẫn thành đạt quả báu tối thượng.

Thế nào? Câu chuyện này có mục đích khẳng định về sự lợi ích ấy:

Nghe rằng ở trên đảo Tích Lan có một ngôi làng là chỗ cư ngụ của nhiều người đã được xây dựng. Không xa lắm từ ngôi làng ấy có một cái hồ lớn mọc đầy sen và súng. Nương tựa vào nơi ấy, dân chúng làm ruộng rẫy. Lúc bấy giờ, có một cô tớ gái thường đi tới lui nơi ấy để canh giữ. Khi trông thấy bông sen ở trong hồ ấy được nở rộ, nàng đã lội xuống vò nát đóa hoa sen và hát lên bài ca như thế này:

34. Hãy nhìn đóa hoa sen xinh đẹp này có các cánh sen và tua nhụy bao phủ bảo vệ; khi nào nó chưa héo tàn và chưa bị dày xéo thì chừng ấy còn xinh xắn và tỏa ngát hương thơm.

Khi nghe tiếng hát của nàng, một cô gái hái lá gia vị ở nơi một sườn núi cũng đã hát theo bài ca trong khi đang hái hoa ở cành cây Kalambaka:

35. Ở nơi đây, hãy nhìn xem cái thân xinh đẹp với dáng vóc trẻ trung này; cho đến khi nào tuổi già còn chưa phá hại thì chừng ấy nó còn xinh xắn và còn đùa giỡn.

Nghe được điều ấy, cô gái ở hồ sen đã suy nghĩ: "Cô ta nói có lý, khi ta đã nói về bản thể thật của những đóa sen này thì ta cũng phải nói đến bản thể thật của cái thân này nữa," rồi nói rằng:

36. Thân thể khi được trang điểm bởi vải vóc mịn màng thì yêu kiều, đáng được nâng niu, và rực rỡ; cho đến khi nào sự tàn tạ chưa phá hại thì chừng ấy thân này còn xinh xắn và phảng phất hương thơm.

Cô gái hái lá đã đáp lại rằng:

37. Nàng say sưa mê mẫn với sự tự hào về sắc đẹp và không để tâm đến các điều tốt đẹp ở thế gian; cho đến khi nào tuổi già chưa phá hại thì chừng ấy thân này còn xinh xắn và còn đùa giỡn.

Cô gái ở hồ sen nói:

38. Khi hoa còn tươi mát, xinh xắn, có phấn hoa, nở rộ, và đem lại niềm khoái lạc thì còn được loài ong đậu lại; cho đến khi nào sự tàn tạ chưa phá hại thì chừng ấy nó còn xinh xắn và tỏa ngát hương thơm.

Đáp lại lời của cô gái ở hồ sen, cô gái hái lá đã nói như vầy:

39. Đóa sen hồng phát triển và nở rộ dưới tác động của ánh sáng mặt trời; cũng thế chúng sanh được sanh ra với hình tướng nhân loại bị quay cuồng dưới sự thống trị của già nua.

Lúc bấy giờ, có sáu mươi vị tỳ khưu hòa hợp đã cư trú mùa mưa tại một khu vực thuận tiện kế cận chính ngôi làng ấy. Tất cả các vị ấy đều chuyên chú ngày đêm nỗ lực thiền quán một cách liên tục và im lặng, với tâm niệm rằng: "Ngay chính ngày hôm nay, chúng ta sẽ đạt đến và chứng ngộ phẩm vị A-la-hán;" họ sống luôn có tác ý đến đề mục trong tất cả các oai nghi: ngay cả khi đang đi, ngay cả khi đứng, ngay cả khi ngồi.

Sau đó, vào buổi sáng một ngày nọ các vị tỳ khưu ấy đã mặc y, cầm y bát (nghĩ rằng): "Chúng ta sẽ vào làng để khất thực," và khi đang đi trên đường đã nghe tiếng hát của hai cô gái ấy. Khi ấy, vị trưởng lão đã gọi tất cả các vị tỳ khưu và bảo rằng:

- Này các sư đệ, điều các cô ấy nói là chân lý. Bởi vì thân xác của tất cả chúng sanh giống như đóa sen nở rộ chỉ đáng yêu trong một chốc lát.

Trong khi cảnh tỉnh các vị kia, vị trưởng lão đã đứng ngay tại nơi ấy nói rằng:

40. Đóa sen kia mọc từ bùn vào buổi sáng với cánh sen và nhụy nở đều đặn, khi ấy vẫn còn rực rỡ và tỏa ngát hương thơm.

41. Giống như đóa hoa đã bị già cỗi rồi thì trở nên héo úa, cánh hoa tơi tả, Điều hiển nhiên là sắc đẹp trong bản chất của thân này chỉ có tính cách tạm thời.

42. Cũng như thế ấy, cái thân thể tốt đẹp như vầy cũng chỉ rực rỡ lúc ban đầu, đến khi trở thành già nua thì cũng giống như đóa sen bị héo tàn vậy.

Nói xong, vị ấy đã nói thêm như vầy:

- Này các sư đệ, tất cả pháp hữu vi đều có bản chất hoại diệt, không trường tồn; khổ nhọc với tất cả các pháp hữu vi cũng đủ rồi, chán ghét chúng là điều đúng đắn, và giải thoát khỏi chúng là điều cần thiết.

Các vị ấy sau khi phục hồi lại sự nhạy bén liền an trú vào đề mục đã được tu tập, phát triển thiền minh sát, và đã chứng đạt A-la-hán cùng với các tuệ phân tích ngay tại chỗ ấy.

Khi biết được bản thân và các vị tỳ khưu đã chứng đạt A-la-hán, vị trưởng lão đã nói như vầy:

43. Thân tập hợp này là pháp hữu vi, là vô thường, và vô ngã, có nhiều sự đau khổ là bản chất, và là nơi chứa chấp sanh lão bệnh tử; chúng ta hãy từ bỏ nó đi và thành đạt hạnh phúc.

Nói xong, vị trưởng lão và các vị ấy đã ra đi.

Như thế, Chánh Pháp của đấng Như Lai dù được thuyết bởi bất cứ người nào, thậm chí chỉ được kết hợp trong bài ca của cô tớ gái vẫn đưa đến giải thoát và an lạc cho các thiện trí thức đang lắng nghe Giáo Pháp ấy. Vì thế, Giáo Pháp này nên được lắng nghe với sự chăm chú.

Bài hát của cô gái hái lá cây là phần thứ năm.

*

44. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân để đi đến đây nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

Sao chỉ có những lời giải thích về nhân loại là hạng chúng sanh biết phân biệt điều lợi và hại, thiện và bất thiện, đúng pháp và phi pháp? Thậm chí các chúng sanh là loài thú như nhái, cú mèo, dơi, nai, cá, trăn, chuột, rắn, v.v... dầu là loài súc sanh không hiểu biết được gì, nhưng chỉ cần chăm chú lắng nghe âm thanh trong việc thính Pháp khi Giáo Pháp được đọc tụng bởi những người khác và hoan hỷ với âm thanh ấy, với sự ghi nhớ đặc điểm ở giọng nói ấy khi chết đi cũng được thành tựu sự an lạc tối thắng cho bản thân trong kiếp kế tiếp.

Về vấn đề này, trước tiên nên nói về câu chuyện của con nhái. Sau đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con nhái: Vào một thuở nọ, nghe rằng đức Thế Tôn ngự tại thành phố Campā, ở bờ hồ Gaggarā. Lúc bấy giờ vào buổi tối, đức Thế Tôn đang thuyết giảng Giáo Pháp cho cư dân của thành phố Campā. Khi ấy, có một con nhái đã đến nơi ấy và chú ý vào đặc điểm ở giọng nói của đức Thế Tôn. Lúc bấy giờ, có người chăn bò trong khi đứng tỳ người vào cây gậy đã đè (cây gậy) lên trên đầu của con nhái. Con nhái ngay sau khi chết đi liền sanh lên nơi cung điện bằng vàng rộng mười hai do tuần ở cõi trời Tāvatiṃsa và được hội chúng tiên nữ hầu cận như là vừa thúc dậy sau giấc ngủ. Khi nhận ra tình trạng ấy của bản thân, vị ấy đã ngạc nhiên: "Ngay cả ta cũng được sanh lên nơi này, ta đã tạo nghiệp gì vậy?" nhưng vẫn không tìm ra được điều gì khác ngoại trừ việc chú ý vào đặc điểm ở giọng nói của đức Thế Tôn.

Ngay sau đó, vị ấy đã cùng với cung điện đi đến đảnh lễ ở chân của đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dầu biết nhưng vẫn hỏi và ngay vào thời điểm ấy đã nói lên bài kệ này:

45. Ai đang chiếu sáng khắp các phương với dung nhan thù thắng, rực rỡ với thần thông và sự vinh quang, lại đảnh lễ hai bàn chân của ta vậy?

Vị thiên tử đã đáp lại đức Thế Tôn bằng bài kệ:

46. Con trước đây là con nhái, là loài vật ở dưới nước, là loài di chuyển ở trong nước, đã bị người chăn bò giết chết trong lúc đang lắng nghe Giáo Pháp của Ngài.

Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Giáo Pháp cho vị ấy. Khi chấm dứt bài thuyết giảng, tám mươi bốn ngàn chúng sanh đã thấu hiểu được Giáo Pháp. Và vị thiên tử ấy sau khi đã an trú vào quả vị Nhập Lưu đã nhiễu quanh đức Thế Tôn rồi trở về lại thiên giới. Khi đã biết được ý nghĩa này, bậc trí tuệ tầm cầu lợi ích nên chăm chú lắng nghe Chánh Pháp.

Câu chuyện con nhái là phần thứ sáu.

*

47. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của các con dơi: Vào thuở ấy, nghe rằng đức Thế Tôn đang thuyết giảng về Vi Diệu Pháp ở cõi trời. Mỗi khi Ngài trở về cõi nhân loại, Ngài đã dùng thần thông tạo ra hình tượng Phật giống như bậc Chánh Đẳng Giác để thuyết giảng Giáo Pháp cho hội chúng chư thiên, rồi từ cõi trời Ngài đã đi đến và trú vào thiền tịnh ở hồ Anotatta.

Vào thời bấy giờ, ngài Sāriputta trong lúc phục vụ đức Thế Tôn cũng đã được Ngài dạy lại cho những Pháp Uẩn đã được Ngài thuyết giảng ở cõi trời. Chính vị Sāriputta ấy, sau khi học toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp được giảng dạy từ chính miệng của đức Phật, đã đọc tụng để ôn lại ở trong một hang động. Có bầy dơi số lượng năm trăm con đang sống ở trong hang đó ghi nhận âm điệu của giọng đọc và đã lấy làm đối tượng cho tâm thức. Tuy không hiểu được ý nghĩa của Pháp (đang được tụng đọc) nhưng chúng lại suy nghĩ như vầy: "Âm thanh này không làm chúng ta khó chịu, nhưng chúng ta cũng không hiểu được ý nghĩa. Cho nên, những âm thanh nào có dục vọng là bản chất, hãm hại mạng sống, lại còn có sự chia rẽ, tất cả những âm thanh ấy thô thiển, vô cùng tội lỗi, không có gì thích thú; còn đây là đức Phật, có sự thu hút, cần phải lắng nghe, cần được quý trọng." Nghĩ thế, chúng đã an trú vào đối tượng âm thanh ấy và không đi kiếm thức ăn nên đã chết tại chỗ đó.

Chính nhờ vào năng lực của sự lắng nghe Giáo Pháp, những con dơi ấy đã được tái sanh trong một cung điện bằng vàng ở cõi trời rộng mười hai do tuần và có tùy tùng là năm trăm ngàn người cho mỗi một vị, lại còn được náo nhiệt bởi vô số các thứ ca vũ nhạc của các nàng tiên nữ. Vào thời điểm của sự tái sanh, Chúa Trời cùng với hội chúng chư thiên đã chào đón bằng nhang, hương thơm, tràng hoa của cõi trời nhằm bày tỏ lòng tôn kính và đã nói như vầy:

48. Thật hạnh phúc thay khi chúng tôi có được bạn đồng hành như thế này ở cõi trời! Hơn nữa, quý vị đã sanh lên và tồn tại cũng đã lâu ở cõi người.

49. Quý vị sẽ là đệ tử của đức Phật thanh tịnh, sau khi lắng nghe Giáo Pháp từ ngài Sāriputta sẽ đạt đến sự tịch tịnh.

Nói xong lại cúi chào lần nữa. Tất cả các thiên tử (từ dơi tái sanh) đã thọ hưởng lạc thú ở cõi trời một thời gian dài, sau khi từ trần tại đó đã tái sanh trong các gia tộc bà-la-môn và gia chủ. Họ đều là bạn bè với nhau, đến khi lớn lên đã lắng nghe Giáo Pháp, đã xuất gia, đã học Tạng Vi Diệu Pháp cùng với Chú Giải với giọng đọc lớn. Không bao lâu sau, tất cả các vị ấy sau khi khai triển thiền quán đã đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc và được giải thoát khỏi các khổ đau của sự luân hồi. Ngoại trừ ngài Sāriputta, các vị nào là đệ tử của đức Phật đã học Tạng Vi Diệu Pháp trước tiên cùng với Chú Giải bằng giọng đọc lớn, tất cả các vị ấy đều là bạn đồng hành với nhau tương tợ như lúc làm các vị thiên tử (từ dơi tái sanh) và đã trở nên danh tiếng trong thế gian này.

Như vậy, chỉ lắng nghe âm điệu của lời thuyết giảng với sự tràn đầy niềm tin vào Giáo Pháp, các vị ấy đã hưởng được an lạc trong cõi trời cho đến khi chứng đạt Niết Bàn.

Vì thế, có lời nói rằng:

50. Lời giảng nào mà vị ấy sau khi học toàn bộ ý nghĩa rồi đã đọc tụng lại, còn tên và sở hành của vị ấy khi đề cập đến lại được kính trọng với niềm tịnh tín?

51. Chính nhờ vào nghiệp đã làm ấy mà thành tựu trí tuệ trong ngày vị lai ở kiếp tái sanh kế; ở đây, việc vị ấy đã làm chỉ là đọc lớn tiếng một đoạn kinh.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

52. Người biết được ý nghĩa của các mẫu tự và các câu văn thì an trú ở đó, biết được danh xưng và ý nghĩa thì đạt được hạt giống giác ngộ.

53. Ngay cả các con dơi khi được hài lòng và hoan hỷ trong giọng đọc tụng của các vị tỳ khưu đang tụng đọc Vi Diệu Pháp đã sanh về cõi trời.

54. Những người thuyết giảng, cung kính, và đảnh lễ Pháp Vi Diệu đạt được sự may mắn và an lạc ở thế gian, sau đó sẽ tầm cầu Niết Bàn.

55. Và những ai đã nương tựa vào lời Giáo Huấn của vị chúa tể của dòng Thích Ca (Sākya) sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị hiền triết vĩ đại cũng đạt được kết quả như thế ấy.

56. Người có đức tin, có tâm hoan hỷ, không hoài nghi lấy Giáo Pháp làm đối tượng của tâm thức sẽ hưởng được lợi ích của việc lắng nghe Giáo Pháp.

Khi đã biết được ý nghĩa này, bậc trí tuệ tầm cầu lợi ích nên chăm chú lắng nghe Chánh Pháp.

Câu chuyện về các con dơi là phần thứ bảy.

*

Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện con nai tơ: Nghe rằng ở trên đảo Tích Lan có một tu viện xinh đẹp tên là Tu Viện Uddalolaka. Lúc bấy giờ, trong khu rừng lân cận tu viện có nhiều nai và heo rừng sinh sống. Con trai của người thợ săn ở trong một ngôi làng nọ đã nhìn thấy nhiều nai và heo rừng ở nơi ấy. Một ngày nọ, sau khi thực hiện một chỗ nấp ở ven rừng và buộc lá bao quanh khu rừng ấy, người thợ săn đã cầm lấy cung tên đứng trong chỗ nấp theo dõi sự đi lại của bầy nai. Khi ấy, có một con nai sau khi đã gặm cỏ đó đây đã đi đến bến cạn trong khu vực của tu viện để uống nước và đã nghe tiếng giảng dạy về lợi ích của việc nghe Pháp. Nó đã đứng lại, vươn cổ ra, dỏng tai lên, mở mắt to, co một chân lên, và an trú vào âm điệu ở giọng nói của vị Pháp sư. Vào thời điểm ấy, người thợ săn đã bắn ra một mũi tên và đoạt lấy mạng sống (con nai).

Sau khi chết đi, con nai liền tái sanh vào trong bụng người em gái của vị đại trưởng lão Abhaya cư ngụ ngay tại tu viện ấy và sau mười tháng đã được sanh ra khỏi bụng mẹ. Thời gian trôi qua, nó đã lớn được bảy tuổi. Khi ấy, cha mẹ đã đưa nó đến gặp vị trưởng lão Abhaya. Không bao lâu sau, vị trưởng lão đã cho nó xuất gia. Đứa trẻ ấy nhờ vào năng lực của việc lắng nghe Giáo Pháp trước đây lúc bản thân còn là con nai đã thành tựu phẩm vị A-la-hán ngay trong lúc cạo đầu. Vị trưởng lão cậu của đứa bé chỉ thành đạt được ngũ thông chứ chưa vào được A-la-hán Đạo.

Rồi vào một ngày nọ, vị sa di ấy đã đi đến bên cạnh vị thầy tế độ. Lúc bấy giờ, vị thầy tế độ đang đứng gương tay lên và dùng ngón tay để chà xát vào mặt trăng. Vị sa di thấy thế liền nói với vị thầy rằng:

- Bạch ngài, cái này cần phải bảo vệ.

Vị trưởng lão trong khi không biết rằng bản thể đã được thành tựu của vị sa di trong phẩm chất A-la-hán là quả vị cao quý nhất nên đã không suy xét chính chắn lời nói của mình.

Khi ấy, vị sa di đã dùng thần thông đem lại một ngàn mặt trăng cho vị trưởng lão thấy và nói rằng:

- Bạch ngài, việc đem lại một trăm, một ngàn, hoặc một trăm ngàn mặt trăng không có khó nhọc; vị nào từ bỏ được ái dục thì vị ấy mới là tối thượng, đó mới là điều khó khọc.

Rồi vị ấy đã nói thêm như vầy:

57. Sau khi đi đến và đứng ở trên bờ nhìn đại dương, người nào không có trí tuệ mới nói rằng: "Ta đã thấy được biển này."

58. Tương tợ như vậy, nơi đây vị tỳ khưu chỉ diệt trừ được một vài phiền não nào đó trong nội tâm và đạt được năng lực của thần thông một cách tạm thời.

59. Sau khi diệt được một ít phiền não lại nghĩ rằng: "Ta đã đạt được mục đích," chính vị ấy là nô lệ của ái dục, chưa được giải thoát, và phải chịu luân hồi.

60. Vị tỳ khưu nào từ bỏ lòng ái dục, sự suy vong, xui xẻo, nỗi sợ hãi, sự không may mắn, không lợi ích, vị ấy được giải thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.

Nghe vậy, vị trưởng lão đã quán xét và đạt được phẩm vị A-la-hán trong ngày hôm ấy.

Vào ngày kế đó, cô em gái của vị trưởng lão đã thỉnh mời vị trưởng lão cùng với vị sa di. Vị trưởng lão đã nói với cô em gái như vầy:

- Này nữ cư sĩ, hôm nay cô đã thấy nhiều vị tỳ khưu, tâm nên hoan hỷ, hãy chuẩn bị phần cho hai người.

Vào buổi sáng, sau khi cho người báo tin, vị trưởng lão đã mặc y cầm y bát đi đến cùng với ba mươi ngàn vị tỳ khưu. Cô em gái khi nhìn thấy vị ấy đã chuẩn bị chỗ ngồi cho hai cậu cháu. Do thần thông của hai vị, hai chỗ ngồi đã biến thành số lượng ba mươi ngàn. Cũng do thần thông của chính họ, ngôi nhà của cô ta cũng đã lớn lên, và các vị tỳ khưu đã ngồi xuống chỗ ngồi theo thứ tự. Xúp và các thức ăn được cô ta chuẩn bị chỉ cho hai người đã trở thành đầy đủ cho yêu cầu của tất cả số lượng ba mươi ngàn vị tỳ khưu.

Khi bữa ăn hoàn tất, người nữ cư sĩ đã nhận lấy bát của vị sa di để được lợi ích của sự tùy hỷ phước báu về bữa ăn. Vị sa di ấy, trong khi làm tăng trưởng phước lành ở giữa hội chúng, đã thuyết giảng Giáo Pháp với âm thanh được phát ra êm dịu. Lúc chấm dứt bài Pháp, người cha, người mẹ, v.v... và năm trăm gia đình đã an trú vào quả vị Nhập Lưu; bài thuyết giảng ấy đã có được sự lợi ích cho nhiều người.

61. Trong khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng như thế, những con nai sanh ra ở rừng chỉ trú vào đặc điểm của âm thanh còn đạt được sự hưng thịnh trong kiếp người và sự giải thoát. Lẽ đương nhiên, người có trí tuệ đặt trọn niềm tin vào đức Phật sau khi lắng nghe Giáo Pháp một cách tốt đẹp được hưởng lạc ở cõi trời trong cung điện đã được bậc hiền triết giảng giải.

Câu chuyện con nai tơ là phần thứ tám.

*

62. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con cá: Vào lúc bấy giờ, nhiều người thương buôn muốn đi đến hòn đảo Laṅkā nên đã chọn lựa một chiếc thuyền đi biển, chất lên nhiều loại hàng hóa, và trữ đầy tàu các vật khác như là mè, gạo, v.v... là vật dự phòng cho cuộc hành trình rồi đã khởi hành lúc thời tiết tốt đẹp.

Khi ấy, có một vị tỳ khưu muốn đi cùng với họ đến bờ bên kia nên đã yêu cầu các người thương buôn dành một chỗ cho bản thân. Vị ấy đã được họ xếp cho một chỗ nên đã đi vào và ngồi xuống. Lúc bấy giờ, con thuyền ấy di chuyển tốt đẹp nhờ gió êm ả. Vào thời gian ngồi một mình, vị tỳ khưu ấy trong lúc đọc tụng thuộc lòng đã đề cập đến phần nói về sự sanh khởi của tâm: "Các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký, các pháp tương ưng với thọ lạc, các pháp tương ưng với thọ khổ, các pháp tương ưng với thọ không khổ không lạc." Có một con cá to trong lúc bơi bên cạnh chiếc thuyền dầu chỉ lắng nghe âm thanh giọng nói của vị tỳ khưu đang đọc tụng ấy đã sanh tâm hoan hỷ với âm thanh ấy và không có ý định bơi đi nơi khác. Khi đã chú tâm vào điều ấy, con cá không còn cử động hai lỗ tai nữa và chỉ có mỗi một ý định là bơi ở phía sau chiếc thuyền không chịu bỏ đi. Nó đã theo sau chiếc thuyền cho đến lúc cập bến, tâm thức đã cuốn hút vào sự lắng nghe tiếng đọc tụng ấy.

Sau đó, con cá ấy đã bị những người đứng trên bờ nơi bến tàu đâm trúng và chết ngay tại chỗ ấy.

Ở trên đảo Sīhala (Tích Lan) có một khu vực tên là Rohaṇa. Con cá ấy đã được tái sanh trong một gia đình giàu sang ở khu vực ấy và đã lớn lên cùng với đám hầu cận đông đảo có quyền thế. Kể từ lúc cậu bé ấy được sanh ra, các thân quyến luôn được hoan hỷ vừa lòng nên đã đặt tên là Sumanatissa.

Trong ngôi nhà ấy, các vị tỳ khưu được hộ độ bởi cha mẹ cậu bé nên thường xuyên đến thọ thực. Với cảnh tượng được lập lại như thế nên cậu bé đã sanh tâm hoan hỷ với sở hành và lối sinh hoạt của các vị tỳ khưu. Đến tuổi trưởng thành, vị ấy đã từ bỏ của cải như thế ấy và có ý muốn xuất gia. Mặc dầu cha mẹ đã năn nỉ bằng nhiều cách khác nhau, cậu vẫn không để tâm đến lời nói của họ cho dù họ khóc lóc than vãn. Giống như công tử Raṭṭhapāla, v.v... cậu đã khiến cho họ phải chấp thuận sự xuất gia của cậu.

Kể từ lúc được xuất gia ở cương vị sa di, cậu đã thuộc lòng toàn bộ Tạng Kinh và toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp. Đến lúc tu lên bậc trên, vị ấy đã học thông Tạng Luật và trở thành vị thông thạo Tam Tạng. Do bản thân xuất gia vì niềm tin nên vị ấy có tên là trưởng lão Saddhāsumana. Giống như mặt trăng tròn ngự trên khoảng không của bầu trời, vị ấy trở nên nổi tiếng khắp nơi và có được hội chúng đông đảo.

Vị ấy đã đi đến hòn đảo Nāga với mục đích đảnh lễ bảo tháp Mahācetiya; và ở nơi ấy trong vùng núi Mūlagiri có khu vườn của vua Duṭṭhagāmaṇi. Khu vườn ấy xinh đẹp, là chỗ cư ngụ của các vị tỳ khưu yêu thích sự độc cư, gắn bó với thiền định, và sống không dễ duôi.

Vị trưởng lão thấy vậy đã sanh tâm hoan hỷ. Sau khi rửa sạch sẽ tay chân, vị trưởng lão đi đến gần một cây cổ thụ, ngồi xuống xếp kiết già, và hướng đến đối tượng là đức Phật. Tương tợ như việc chỉ có đối tượng duy nhất là âm thanh, vị trưởng lão ngay khi tâm được an trú đã thành tựu phẩm vị A-la-hán là quả báu tột cùng và trở thành bậc đáng được cúng dường hạng nhất trên thế gian.

Nhờ vào điều gì mà phẩm vị A-la-hán này đã được ban cho?

Chính nhờ vào sự chăm chú lắng nghe.

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

63. Ngay cả những con cá đang bơi lội trong nước lắng nghe sự đọc tụng Giáo Pháp và hoan hỷ với giọng đọc ấy, khi chết đi chúng đạt đến sự giải thoát.

Do đó, nên chăm chú lắng nghe Chánh Pháp này.

Câu chuyện trưởng lão Saddhāsumana là phần thứ chín.

*

64. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con trăn: Vào thời của đấng Chánh Đẳng Giác Kassapa, nghe nói rằng có một con trăn đã bò đến gần các vị tỳ khưu chuyên về Vi Diệu Pháp rồi nằm đó. Trong khi các vị ấy đọc tụng phần nói về xứ (āyatana), con trăn đã an trú vào đặc điểm của giọng đọc, đến khi chết được sanh về cõi trời và đã thọ hưởng sự sung sướng ở cõi trời cho đến khi bậc Đạo Sư của chúng ta Vô Dư Niết Bàn. Khi bậc Đạo Sư đã Vô Dư Niết Bàn, vị trời ấy hạ sanh vào trong một gia đình bà-la-môn; đến khi lớn lên đã xuất gia làm đạo sĩ lõa thể và trở thành viên tế tự thân tín của chánh cung hoàng hậu của vua Bindusāra.

Lúc bấy giờ, vị hoàng hậu ấy trong khi mang thai đã có bốn điều khao khát. Bốn điều ấy là gì? Khao khát được ăn các ngôi tinh tú sau khi đã bước đi ở trên mặt trăng và mặt trời, khao khát được ăn các đám mây, khao khát được ăn các con giun ở trong đất, khao khát được ăn một loại cây uống bằng chân và thở bằng lá. Vì thế, vị đạo sĩ lõa thể ấy đã chỉ bảo cho đức vua phương pháp để làm giảm bớt sự khao khát của hoàng hậu. Tại nơi ấy, có sáng kiến đã khởi lên cho nhà vua rằng:

- Này đạo sư, vì sao các sự khao khát lại xảy ra cho hoàng hậu?

Và được trả lời rằng:

- Tâu đại vương, hoàng hậu này sẽ hạ sanh một vương tử quý báu hoàn hảo về mọi phương diện.

Vì muốn giải thích một cách rõ ràng kết quả sự khao khát của hoàng hậu, viên tế tự đã đi đến gặp hoàng hậu và đã ngồi xuống ở chỗ ngồi xứng đáng do hoàng hậu sắp xếp. Hoàng hậu đã hỏi rằng:

- Có chuyện gì vậy?

- Thần có chuyện cần tâu. Thần không thể nói điều ấy giữa triều đình có kẻ nghịch với hoàng hậu, bây giờ thần đi đến để tâu với hoàng hậu điều ấy. Vị ấy trả lời.

Hoàng hậu đã đáp rằng:

- Đạo sư hãy nói ra điều ấy, chúng tôi sẽ lắng nghe.

Vị ấy nói rằng:

- Tâu hoàng hậu, thần chỉ nói về việc hoàng hậu có một người con trai, không nói chuyện khác; giờ xin hoàng hậu lắng nghe việc ấy. Tâu hoàng hậu, con trai của hoàng hậu sẽ là một vị vua. Bởi vì sự khao khát được bước đi trên mặt trăng và mặt trời của hoàng hậu là điềm báo trước việc vị ấy sẽ có được một trăm vị vua trong toàn bộ Jambudīpa (Ấn Độ) quy phục dưới chân; sự khao khát được ăn các hình thể tinh tú của hoàng hậu là điềm báo trước nguyên nhân vị ấy sẽ giết hại người anh là người thừa kế thù nghịch; sự khao khát được ăn các đám mây của hoàng hậu là điềm báo trước vị ấy sẽ tranh luận và trục xuất chín mươi sáu giáo phái rồi phục hưng lại Giáo Pháp vô cùng quý báu của đấng Toàn Giác; sự khao khát được ăn các con giun ở trong đất là điềm báo trước uy quyền của vị ấy có hiệu lực xuống sâu trong đại địa cầu một do tuần; sự khao khát được ăn một loại cây uống bằng chân và thở bằng lá là điềm báo trước uy quyền của vị ấy có hiệu lực lên đến không trung một do tuần.

Sau khi nói về các điềm báo và kết quả của tất cả các điều khao khát, vị ấy nói tiếp:

- Hoàng hậu hãy ghi nhớ như vậy: "Sự khao khát của hoàng hậu được sanh lên có liên quan đến chính người con trai của hoàng hậu."

Hoàng hậu vô cùng phấn khởi nói rằng:

- Khi nào tất cả ý nghĩa này được thành tựu, ta sẽ cho lệnh rước người bằng kiệu vàng từ chỗ cư ngụ của người.

Nói xong, hoàng hậu đã bày tỏ sự tôn kính đến vị ấy. Trong khi tiễn đưa, hoàng hậu đã hỏi tên của vị ấy, đã bảo khắc lên tấm bảng vàng, rồi đã tiễn vị ấy đi. Sau đó, hoàng hậu với bào thai đã được chăm sóc kỹ lưỡng, đến khi bào thai đủ tuổi đã hạ sanh và có được đứa bé trai ấy.

Cho đến một hôm, đức vua đã cho đặt đứa bé trai ấy ngồi một bên, và trong lúc chơi đùa đức vua đã ngồi xuống (với nó). Các người khác đã đem lại và dâng tận tay đức vua vỏ ốc có vòng xoắn theo hướng phải. Đứa bé đã tiểu tiện và đức vua đã dùng vỏ ốc ấy hứng lấy rồi rắc lên đầu của đứa bé.

Hoàng hậu thấy thế đã nổi giận và đã bế lấy đứa bé từ tay nhà vua rồi kể lại sự kiện ấy cho vị đạo sĩ tư tế của mình. Vị ấy nói rằng:

- Bẩm hoàng hậu, chắc chắn rằng người con trai này của hoàng hậu sẽ là vị vua tối cao của toàn bộ Jambudīpa.

Sau khi đã được hoàng hậu bày tỏ sự tôn kính, vị ấy đã đi xa một trăm do tuần và cư ngụ tại khu vực nọ.

Một thời gian sau, khi vua cha đã băng hà, Dhammāsoka đã khuất phục được các kẻ thù và đoạt lấy ngôi vua. Đến một ngày kia, đức vua đã hỏi mẫu hậu rằng:

- Thưa mẹ, trước đây, sự thành công này của mẹ con ta có được báo trước hay không được báo trước?

Bà ta trả lời rằng:

- Này con, có đạo sĩ tư tế của chúng ta đã báo trước như thế.

- Thưa mẹ, ông ấy hiện đang ở đâu? Vị vua hỏi

- Cách đây một trăm do tuần. Bà mẹ trả lời.

Vua Dhammāsoka (nghĩ rằng): "Ta sẽ tỏ lòng tôn kính đến vị đạo sư ấy" rồi đã phái nhiều người cùng với kiệu vàng đi đến rước vị ấy.

Đạo sĩ lõa thể ấy, trong khi được các người ấy rước đi, trên đường đã nhìn thấy chỗ trú ngụ tên Vattaniya của trưởng lão Assagutta (suy nghĩ rằng): "Đây là khuôn viên chỗ ở của các vị xuất gia" nên đã bước xuống kiệu và đi bộ đến chỗ ấy. Các loài thú rừng như sư tử, cọp, chó rừng, nai, heo rừng, v.v... trước đây sống đối nghịch lẫn nhau, bây giờ nhờ năng lực tâm từ của vị trưởng lão, chúng cảm nhận được tâm từ ấy nên đã tụ họp thành bầy đoàn sống hòa hợp. Đạo sĩ ấy đã chứng kiến cảnh vị trưởng lão ban phát nước uống cho chúng nên đã hỏi vị trưởng lão rằng:

- Chúng tên là gì vậy?

Vị trưởng lão trong lúc xem xét sự thành tựu nhân duyên thời quá khứ đã nhìn thấy được người này trước đây có lần lắng nghe lời giảng giải về xứ (āyatana) nên đã suy nghĩ: "Hãy để cho ông ta nương tựa vào chính điều ấy," rồi nói rằng:

- Này ông bạn, chúng tên là Xứ (Āyatana).

Đạo sĩ ấy lại hỏi rằng:

- Nhiệm vụ của chúng là gì vậy?

- Ở đây, Xứ (Āyatana) chính là nhiệm vụ của chúng. Vị trưởng lão trả lời.

Ngay khi nghe được từ "Āyatana," đạo sĩ lõa thể ấy đã sanh khởi sự hổ thẹn và sợ hãi tội lỗi nên đã ngồi hụp xuống trên hai gót chân. Vị trưởng lão đã cho đạo sĩ ấy tấm vải choàng tắm. Sau đó, đạo sĩ ấy đã cầu xin sự xuất gia và đã được xuất gia với vị trưởng lão. Sau khi nắm được đề mục thiền, vị ấy đã phát triển thiền minh sát, đã dứt bỏ được mọi khổ đau của sự luân hồi, và đã đạt được phẩm vị A-la-hán là quả báu tột cùng.

Ai đã ban cho phẩm vị A-la-hán này? Chẳng phải đã được ban cho do sự chăm chú lắng nghe Giáo Pháp hay sao?

Về điều này, các tài liệu cổ (porāṇā) đã nói rằng:

65. Ngay cả con trăn, sau khi lắng nghe sự đọc tụng Giáo Pháp, đã hoan hỷ với giọng đọc ấy. Đến khi chết đi, nó đạt đến sự giải thoát.

Do đó, Chánh Pháp này nên được lắng nghe với sự chăm chú.

Câu chuyện của con trăn là phần thứ mười.

*

66. Khi đã hoãn lại công việc của bản thân đi đến đây để nghe Pháp, vị ấy nên chăm chú lắng nghe Giáo Pháp đã được giảng dạy bởi bậc Toàn Giác.

Đây là bài pháp thoại liên quan đến câu chuyện của con rắn mối: Vào thời đại vương Kākavaṇṇatissa trị vì quốc độ ở xứ Mahāgāma thuộc khu vực Rohaṇa trên đảo Laṅkā, có vị đại trưởng lão tên là Dhammadinna trú ở núi Talaṅgaratissa và sống trong hang động Devarakkhita.

Lúc bấy giờ, kề cận hang động có một tổ kiến mối lớn. Ở đó, có một con rắn mối (có tập quán) cư trú tại khu vực săn mồi và nó đã sống ngay tại tổ kiến mối ấy. Thế rồi thời gian trôi qua, vào một ngày nọ trong khi bắt mồi, hai con mắt của nó đã bị đâm thủng. Nó chịu đựng đau đớn nằm yên ở bên ngoài tổ kiến mối và không thể đi kiếm thức ăn được.

Sau đó, khi nhìn thấy con rắn mối bị khổ sở nằm như thế, vị trưởng lão khởi tâm thương xót đã đứng lại ở trong tầm thính giác của nó và thuyết giảng Giáo Pháp với bài kinh Đại Niệm Xứ. Con rắn mối trong khi lắng nghe bài Pháp ấy đã an trú vào đặc điểm của giọng nói và đã sanh khởi niềm tin. Vào chính thời điểm ấy, có một con kỳ nhông đã giết chết nó và ăn thịt.

Với kết quả của việc ấy, nó đã chết ngay tại chỗ và tái sanh trong gia tộc vị quan cận thần của vua Duṭṭhagāmaṇi ở thành Anurādhapura. Đến khi lớn lên, được gọi tên là Tissāmacco và được thừa hưởng nhiều loại của cải như là tiền bạc, vàng, trâu, bò, tôi trai, tớ gái, v.v...

Do việc an trú vào đặc điểm của giọng nói mà Giáo Pháp đã đem lại một sự thành tựu to lớn như thế. Ôi năng lực của Chánh Pháp! Và trong trường hợp này còn có:

67. Ôi! Năng lực của Giáo Pháp thuộc về đấng Thiện Thệ là vị đại ẩn sĩ đã khiến cho sự việc bị sanh trở thành vô sanh. Vị ấy đã được thế gian tôn vinh.

68. Giáo Pháp luôn luôn làm cho kẻ nghèo khổ thành giàu có, dòng dõi bần tiện trở thành cao sang, và kẻ ngu si có được trí tuệ.

69. Trên con đường dẫn đến khổ đau, Giáo Pháp là hàng rào đầy gai nhọn, và Giáo Pháp khéo được nắm giữ là đại lộ đưa đến cõi trời.

70. Trong việc từ bỏ sự già và bệnh tật, Chánh Pháp này đưa đến sự bất tử; do vậy Giáo Pháp này nên được thực hành với sự cung kỉnh bởi số đông người.

71. Người lắng nghe điều tương tợ Giáo Pháp này vẫn đạt được sự thịnh vượng thuộc về nhân loại, ai là người mong mỏi điều tốt đẹp mà lại không thực hành Giáo Pháp ích lợi này?

Sau đó, Tissāmacco đã làm vô số phước thiện rồi khi chết đi được tái sanh vào cung điện bằng vàng trong thành phố cao quý ở cõi Tusitā giống như vừa thức dậy sau giấc ngủ.

72. Hãy giữ tâm an tịnh lắng nghe (Giáo Pháp) bất tử ấy đã được bậc Chiến Thắng thuyết ra; hãy thực hành, hãy tôn vinh, hãy cung kính trong khi đi, khi đứng, khi nằm và khi ngồi; hãy luôn suy niệm về Giáo Pháp vì đó là nơi nương tựa.

Câu chuyện con rắn mối là phần thứ mười một.

*

Phần Giải Thích về Lợi Ích
của việc Lắng Nghe Giáo Pháp
trong cuốn "Diệu Pháp Yếu Lược" được thực hiện
nhằm đáp ứng niềm tin của các thiện trí thức
được chấm dứt

-ooOoo-

Giới Thiệu Tác Giả

1. Như mặt trăng ở trên bầu trời Phật Pháp, vị ấy rực rỡ ở xứ Sīhala với hào quang của trí tuệ trong khi đang giác ngộ những đóa sen là cư dân của xứ Laṅkā.

2. Vị ấy có tên là Dhammakitti đầy đủ giới đức và tánh hạnh, nổi tiếng trên đảo Sīhala giống như mặt trăng ở trên bầu trời.

3. Vị ấy đã thành tựu toàn diện về Tam Tạng và về mọi mặt như là từ ngữ, học thuật, v.v..., là vị đại trí tuệ và là người đem lại niềm hoan hỷ cho đảo Laṅkā.

4. Đệ tử nổi tiếng của người là Dhammakitti Mahāsāmi đã nỗ lực để đi đến xứ Laṅkā và đã đến được xứ Laṅkā xinh đẹp.

5. Ở đó, vị đệ tử đã làm nhiều phước thiện, đã tu lên bậc trên theo phái trưởng lão, rồi quay trở lại quê hương của mình và đã đến thành phố Yodaya.

6. Với sở hành thanh tịnh, vị ấy cư ngụ tại một tu viện lớn tên Laṅkārāma do vị đại vương tên Paramarājā ra lệnh xây dựng.

7. Tập sách tên Saddhammasaṅgaha này đã được bậc trí tuệ Dhammakitti Mahāsāmi thực hiện và đã hoàn tất mỹ mãn.

*

Lời Phát Nguyện

1. Do phước thiện này, (từ nay) cho đến lúc đạt được quả vị Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, các vị Phật, Phật Độc Giác, các vị Thinh Văn, và các vị đệ tử của bậc Chiến Thắng

2. là (các vị) tôi có thể gặp gỡ hàng ngày, có thể phục vụ, có thể kề cận các vị ấy. Và tôi được thành tựu về giới, về tuệ, về sự thông minh, và không bị chê trách.

3. Từ cõi này đến cõi khác, tôi mong được là cây như ý của chúng sanh, là ngọc tâm linh của các sanh mạng, là người mẹ của các loài hữu tình.

4. Do việc phước thiện này, nguyện rằng tất cả những ai tín thành trong Phật Pháp hãy thuyết giảng lời giáo huấn của đấng chúa tể thế gian đến người có đức tin.

5. Các đấng quân vương hãy hộ trì toàn thể dân chúng đúng theo vương pháp, xin chư thiên làm mưa rơi đúng thời, và trái đất này hãy được hưng thịnh.

6 . Tôi thành tâm ban phát sự thành tựu phước báu vô lượng vô biên đã được thực hiện này đến vô số chúng sanh đang sống ở những nơi tận cùng của thế giới này.

Diệu Pháp Yếu Lược được chấm dứt.

-ooOoo-

Ðầu trang | Bản Việt | Bản Pali | Mục lục

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indachanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2003, 05-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-06-2005