BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Gần Phật, xa Phật

Hòa thượng Thích Thiện Châu


Giới Thiệu

Bài kinh này rút từ Itivuttaka số 92 (Tik. V.3), trang 90-92 (Pâli Text Society). Hòa Thượng Thích Minh Châu đã dịch trong tập kinh "Phật thuyết như vậy", Tu thư Phật học Vạn Hạnh ấn hành 1982.

Nội dung thật là rõ ràng: Sống bên cạnh Phật mà không thấy Pháp, nghĩa là không thấy đạo lý, không tu dưỡng, không tiến bộ trên đường đạo thì vẫn xa Phật. Trái lại, dù ở xa Phật ngàn dặm mà thấy Pháp, đạt đạo thì cũng rất gần Phật.

Lời dạy nổi bật của Kinh là:

"Thấy Pháp tức là thấy Phật" nghĩa là ngộ đạo, tu đạo và chứng đạo. Ðạo là chánh pháp, giáo lý chứa đựng các nguyên lý khổ, vô thường vô ngã và Nirvâna. Qua lời dạy này chúng ta thấy Phật quả là vị đạo sư sáng suốt, giải thoát mọi tham muốn uy quyền dù là uy quyền của ông thầy đối với học trò. Và gần Phật nghĩa là hòa hợp giữa hai hay nhiều người cùng có trình độ giác ngộ, giải thoát giống nhau. Ðiều này làm sáng rõ nguyên lý bình đẳng trong đạo Phật: tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, và khi đã giác ngộ giải thoát hoàn toàn thì tất cả hòa hợp với nhau trong chân lý: "Phật Phật đạo đồng."

Như thế, vấn đề quan trọng không phải là lễ bái, cúng dường, phụng sự Phật (những điều này là cần và tốt song chưa đủ để gần Phật, thấy Phật) mà chính là sự ngộ tu chứng đạo thì mới thấy Pháp và gần Phật thật sự.

 

Chánh kinh (1)

Này các tỳ kheo, nếu có Tỳ kheo cầm viền đại y (2) (Sanghârtikanne) của Ta đi sau lưng Ta, bước theo chân Ta, song vị ấy tham cầu dục lạc, với tham dục nặng nề (tibbasârâga), tâm giận dữ, tư duy tà ác, thất niệm (3), không chánh giác, không định tĩnh, tâm mê loạn, căn tánh hoang dại (4), thì vị ấy xa hẳn Ta và Ta cũng xa vị ấy. Tại sao? này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo ấy không thấy Pháp (5); do không thấy pháp nên không thấy Ta. Này các Tỳ kheo, dù có Tỳ kheo ở xa Ta đến 100 do-tuần (6) mà vị ấy không tham cầu dục lạc, không tham dục nặng nề, tâm không giận dữ, tư duy không tà ác, chánh niệm, chánh giác, định tĩnh, nhất tâm, căn tánh được chế ngự, thì vị ấy rất gần Ta và Ta cũng rất gần vị ấy. Tại sao? Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy thấy Pháp, do thấy Pháp nên thấy Ta.

"Dù cho có theo chân
Song đa dục não hại
Thì người tham, người không
Người mát dịu người không
Vẫn xa cách hẳn nhau.
Bậc hiền triết biết rõ,
Và hoàn toàn hiểu pháp
Như hồ không gió thổi
Không giao động yên lặng
Những người không tham dục
Những người đã mát dịu
Những người hết tham dục
Quả thật rất gần nhau "

Chú Thích

(1) -Tựa kinh do dịch giả đặt ra.

(2) - Ðại y (Sanghâti): mỗi Tỳ kheo có ba y. Phật cũng chỉ có ba y. Ðại y thường được mặc trong khi đi khất thực hay đi ra ngoài.

(3) - Thất niệm: không tỉnh táo, không chú ý, tán loạn.

(4) - căn tánh hoang dại: tâm tư chưa được chế ngự và chưa hướng về đạo lý.

(5) - Pháp: chánh pháp thực tế cuộc đời và lý tưởng giác ngộ, giải thoát; Pháp cũng chỉ cho 4 chân lý cao cả, hoặc 3 hay 4 dấu ấn: khổ, vô thường, vô ngã và Nirvâna.

(6) - Do tuần (Yoja): 1 yoja dài độ 7 dặm Anh.


Source: Người Cư Sĩ, France, https://www.multimania.com/cusi/


[Trở về trang Thư Mục]