BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Thái độ sống của một Tỳ-kheo
trong kinh Ví Dụ Cái Cưa

Nhựt Chiếu


 

Giữa con người có một mối quan hệ rất phức tạp. Bởi con người là một phức thể bao gồm nhiều yếu tố tâm lý, sinh lý và vật lý được nhào nặn trong môi trường sống có sự cộng hưởng của giáo dục, truyền thống, luân lý... Với mục đích giúp mối quan hệ ấy được tốt đẹp người ta đề ra những nguyên tắc xử thế, những cách sống gương mẫu cho mỗi hạng người tùy theo quan điểm của mình. Trong lãnh vực đạo Phật, một vị Tỳ kheo có lối sống đối với tha nhân rất đặc biệt. Lối sống ấy phải được hướng dẫn bằng từ bi, trí tuệ và sự công bằng.

Trong kinh Ví Dụ Cái Cưa [1] cho biết tôn giả Moligaphagguna sống quan hệ với các Tỳ kheo Ni một cách quá độ. Trước hiện tượng kỳ đặc này, một vị Tỳ kheo đến bạch với đức Phật: "Bạch Thế Tôn, Tôn giả Moligaphagguna sống liên hệ với các Tỳ kheo Ni một cách quá độ. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Moligaphagguna sống quan hệ với các Tỳ kheo như sau:

Nếu có Tỳ kheo nào trước mặt Tôn giả Moligaphagguna nói xấu các Tỳ kheo Ni ấy, Tôn giả Moligaphagguna liền phẫn nộ, bất mãn và vấn tội ngay. Nếu có Tỳ kheo nào, Trước mặt các Tỳ kheo Ni ấy nói xấu Tôn gia Moligaphagguna , các Tỳ kheo ấy bèn phẫn nộ, bất mãn và vấn tội ngay."

Khi nghe câu chuyện trên, đức Phật sai một vị tỳ kheo khác đi gọi Tôn giả Moligaphagguna đến. Ngài ôn tồn hỏi tôn giả về mối quan hệ ấy có đúng như vậy không. Tôn giả Moligaphagguna xác nhận là đúng. Ðức Phật hỏi tiếp: "... Có phải ngươi là thiện nam tử, vì lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?". Phagguna thừa nhận, Phật quở: "Này Phagguna, thật không xứng đáng cho ngươi, một thiện nam tử, vì lòng tin đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, mà sống liên hệ với các Tỳ kheo Ni một cách quá độ như vậy".

Trước Tôn giả Phagguna và đại chúng, đức Phật đã chỉnh huấn hiện tượng có tính chất "bịnh hoạn" này trong Giáo đoàn của Ngài. Phật dạy các vị Tỳ kheo không nên có thái độ "gần gũi" các Tỳ kheo Ni như thế, phải bình đẳng với mọi người, không phân biệt kẻ thân người sơ, phải sống với lòng từ bao phủ mọi người muôn vật. Trước mặt mình, nếu có kẻ lấy tay đánh, lấy đất ném, lấy gậy đập, lấy kiếm đánh bất cứ một người nào, cũng không nên khởi lòng sân hận hay có tư duy liên hệ đến thế tục, mà phải tâm niệm rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không còn ôm lòng sân hận.

Trước cảnh trái ý nghịch lòng, với tâm phàm phu khó mà giữ được sự điềm tĩnh nhu hòa. Một người sống trong hoàn cảnh thuận lợi, với đời sống bình thản, đầy đủ, được kẻ khác cung phụng tán dương thì dễ biểu lộ những thái cử từ hòa tế nhị, nhưng khi có điều phật ý hay bị xúc phạm thì họ cũng hung dữ và thô bạo như ai. Ðể minh chứng điều này, đức Phật đã kể câu chuyện:

"Thuở xưa có một nữ gia chủ tên là Vedehika, có tiếng đồn thật tốt đẹp là nữ gia chủ hiền thục, nữ gia chủ nhu thuận nữ gia chủ ôn hòa. Kali là một nữ tỳ chưa tin hẳn về những đức tính của cô chủ, nên nghĩ ra một cách để kiểm chứng: Một hôm nàng ngũ dạy trễ hơn ngày thường thì nữ gia chủ phẫn nộ, bất mãn, trừng mắt mà bảo rằng: "Ác nữ tỳ kia, hôm nay ngươi dậy trễ". Hôm sau Kali lại dậy trễ hơn nữa, thì nữ gia chủ lại bất bình hơn. Ðể tiếp tục tìm hiểu, sáng hôm sau Kali dậy trễ hơn hôm qua. Bây giờ nữ gia chủ không dằn được cơn giận, cầm cái then cài cửa đánh vào đầu Kali máu chảy lênh láng... Sau đó tiếng đồn xấu về nữ gia chủ Vedehika được truyền đi: "Nữ chủ Vedehika là độc ác, nữ chu Vedehika là không nhu thuận, nữ chủ Vedehika là không ôn hòa".

Qua câu chuyện trên cho ta thấy không thể xét người bằng cách căn cứ vào hình thức bên ngoài mà chưa có sự kiểm nghiệm bằng những thử thách. Nữ chủ Vedehika vẫn có nội sân, nhưng trước đó do nữ tỳ Kali phục vụ một cách đắc lực chu toàn tốt đẹp mọi công việc, nên Vedehika mới tỏ ra ôn hòa hiền thục, và do đó lửa giận của nữ chủ chưa có cơ hội bộc phát. Một vị Tỳ kheo cũng vậy, bình thường hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa, hết sức hiền lành, nhưng khi bị xúc phạm, bị bức bách hay những nhu cầu về tử sự không được như ý thì tỏ ra không còn ôn hòa nữa. Vì vậy, Phật dạy: "Tỳ kheo nào tôn trọng pháp, cung kính pháp mới thành tựu được tánh dễ nói, ta mới gọi là người có tánh nhu hòa, không sân hận."

Thông thường có năm loại ngôn ngữ mà con người dùng để nói với nhau: Lời nói đúng thời hay phi thời, lời nói chơn thật hay giả dối, lời nói ôn hòa hay thô bạo, lời nói có ích hay vô ích. Nhưng đối với một Tỳ kheo phải luôn luôn nói lời đúng thời, chơn thật, ôn hòa và có ích. Muốn được như vậy vị Tỳ kheo phải giữ tâm không biên nhiểm, không thốt ra lời nói ác ngữ khi gặp nghịch cảnh, biết hòa giải nội sân không cho bộc phát, sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi quảng đại vô biên. Người đạt đến trạng thái này thì tâm vững chải như đại địa, rỗng rang như hư không, mải mê như dòng sông. Dù ai có đào xới, tiểu tiện trên đại địa, muốn biến đại địa này không thành đại địa, thì cõi đất này vẫn là đất; dù ai có muốn bôi lọ vào hư không, muốn vẽ lên hư không những hình sắc này hay hình thể nọ, thì hư không vẫn im lìm trong vắt, dù ai có muốn hâm nóng hay đun sôi nước sông cho đến kiệt lực, thì dòng sông vẫn điềm nhiên trôi chảy mát mẻ bốn mùa.

Cuối cùng đức Phật dạy các vị Tỳ kheo rằng nếu có những kẻ đạo tặc hạ liệt dùng cưa hai lưỡi cưa tay, cưa chân, thì người thực hành giáo pháp của Ngài cũng không khởi ý nhiểm loạn, không thốt ra lời nói độc ác, không sân hận, mà phải sống bao phủ người này với tâm từ. Hơn thế nữa, phải sống biên mãn cùng khắp thế giới với lòng từ vô biên, không sân, không hận. Nếu người nào luôn luôn suy tư về lời dạy cái cưa này, thì không có lời nói thô bạo nào mà không kham nhẫn được.

Qua lời dạy của đức Phật, chúng ta thấy một vị Tỳ kheo trong khi giao tiếp với mọi người không phân biệt kẻ thân người thù, màu da, chủng tộc, trước mọi cảnh thuận nghịch điềm nhiên bất động, bất biến, bất nhiểm, chỉ sống với tâm từ bao trùm tất cả.

Theo thường tình người ta cho rằng sống công bằng thì phải ăn miếng trả miếng, hay bánh đúc trao đi bánh chi tao lại. Nhưng giáp lý của đạo Phật thì hoàn toàn khác hẳn. Nói một cách cụ thể, một vị Tỳ kheo phải sống hoàn toàn vô ngã, có cho ra mà không mong đáp trả lại, hay có đáp lại cho người - dù bất cứ trường hợp nào - cũng chỉ dùng tâm từ làm quà tặng, với mục đích đem lại sự an lạc hạnh phúc mà thôi.

Thật khó mà quan niệm một mẫu người như vậy. Song đó là lời dạy thiết yếu của đức Phật rải rác khắp trong kinh điển. Sự thật, mối quan hệ giữa con người chỉ thực sự tốt đẹp khi họ biết mong cầu hạnh phúc cho nhau một cách chơn thật, sáng suốt. Và người thành tựu được hạnh phúc viên mãn chỉ khi nào thật sự bình đẳng trước mọi người và biết tiếp nhận mọi nghịch cảnh một cách an nhiên tự tại.

Nhựt Chiếu

[1] Kinh Ví Dụ Cái Cưa (Kakacupama Sutta), Kinh số 21, Trung Bộ Kinh. Bản dịch của HT. Thích Minh Châu.


Source: LotusNet Production, https://www.lotuspro.net


[Trở về trang Thư Mục]