BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Trở lại Ðạo trong lòng Ðạo

L. H.


(...)
-- Nếu có người lạc đường nào gần chết khát trong sa mạc mà lại đổ lon nước cuối cùng đi vì tưởng lầm là có chứa thuốc độc ...

-- Nếu có người đam mê tiền bạc nào mà lại đốt bỏ tấm vé số trúng lô độc đắc vì tưởng lầm là vé số trật ...

-- Nếu có người đàn bà mê kim cương nào mà lại liệng hẳn một gói hột xoàn xuống biển vì tưởng là gói đá cuội ...

... thì sự mất mát đối với họ sẽ đáng tiếc là bao nhiêu!
(...)

Tôi cũng đã suýt rơi vào một trong những hoàn cảnh ấy. May thay, nghiệp duyên của tôi chắc cũng nhẹ, nên tôi đã nắm kịp một bàn tay nhỏ, thấp thôi, của đức Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, và may mắn được Ngài cứu ra khỏi mê lộ, để hôm nay còn có dịp hầu chuyện quý vị.

Tôi xin kính gởi lời tri ân sâu xa đến quý vị soạn giả, dịch giả, các nhà bình giải đã dầy công nghiên cứu, ấn loát một số sách trong kho tàng kinh Phật, rừng Thiền, để gửi đến người đọc như là những ngón tay giúp chỉ đường dẫn lối cho chúng sinh đến bờ giác. Nhờ vậy mà tôi đã góp nhặt được từ nơi đây một chút, nơi kia vài ý, đan lại thành chiếc nón che đầu, chịu đựng với cái nắng chói chang, khô cằn của thời đại máy móc. Tấm nón đan bằng Ý Thiền trong sự hiểu biết nông cạn của tôi đã giúp tôi rủ bỏ được bao nỗi băn khoăn, thao thức, bao cơn phiền xuất phát từ "cái tôi" to lớn, luôn luôn là tấm màn vô minh, gây nghiệp chướng cho kiếp người. Và cũng từ cái cơ duyên gặp được đạo ấy, từ tấm lòng chân thành yêu thương quý mọi người, từ cái cảm thông sâu xa với nổi khổ của cuộc đời, tôi xin được tâm tình với quí vị độc giả về chính kinh nghiệm sống của tôi trên con đường "Trở lại Ðạo ngay khi đang sống trong lòng Ðạo".

-oOo-

Gia đình tôi theo đạo Phật vì truyền thống. Bà nội tôi rất mộ đạo. Kỹ niệm về bà tôi trong lòng tôi là hình ảnh một cụ già đội nón thúng lớn, cổ quàng chuỗi hạt Bồ Ðề, tay xách giỏ đựng áo tràng, thong thả lên chùa. Hoặc hình ảnh bà tôi ngồi xếp bằng lần từng tràng hạt trước bàn thờ Phật. Di sản mà bà tôi truyền cho tôi là bài Kinh Cứu Khổ, tôi thuộc lòng từ thuở bé, vì bà tôi dạy:

-- Con đọc càng nhiều thì càng được nhiều phúc. "Tụng đọc nhất thiên biến, nhất thân ly khổ nạn, tụng đọc nhất vạn biến, toàn gia ly khổ nạn". Con cố đọc để cứu cả nhà trong thời loạn này.

Tôi đã đọc như máy suốt thời thơ ấu, mỗi khi có dịp. Dầu vậy, anh trai tôi vẫn chết ngoài mặt trận. Em trai tôi chết trong một tai nạn xe cộ. Và chính bà tôi, chết cô đơn, buồn tủi trong tay họ hàng chòm xóm, không có mặt thân nhân ruột thịt, không được hai người con trai chống gậy tiễn đưa (một điều mà bà tôi sợ nhất, lúc sinh thời). Hai cây gậy treo lủng lẳng dưới cây đòn đám tang theo bà tôi ra đồng giữa tiếng súng thời loạn!

Cha tôi sau này, khi về hưu cũng rất mộ đạo Phật. Ngoài những ngày rằm, mồng một âm lịch, và những buổi sáng chủ nhật tới chùa, cha tôi thiết lập bàn thờ Phật tại gia, ngày ngày tụng kinh và ăn chay. Cha tôi rất thuộc kinh Phật. Khi tụng kinh, cha tôi không cần nhìn vào mặt chữ. Nhưng tôi không tin rằng cha tôi hiểu ý nghĩa của những lời kinh chữ Phạn ấy. Có lần cha tôi giảng Cấp Cô Ðộc Viên là vườn của ông họ Cấp sống cô độc! Cha tôi say sưa đọc kinh, chú vào số lượng, nên tôi e rằng cha tôi không có thì giờ để nghiên cứu nội dung kinh. Chuyện ấy xảy ra cũng là bình thường, không lạ. Ngay đến Thiền Sư Pháp Ðạt xưa kia, mà nếu không gặp được Chân Sư khai mở cho, thì cũng chỉ là một cuốn magnetic tape, đọc kinh như cái máy mà thôi, chứ cũng đâu có tìm Chân Lý!

Cha tôi đinh ninh rằng cứ tinh tiến tu hành thì khi qua đời, vong hồn sẽ phiêu diêu miền Tịnh Ðộ, hoặc Niết Bàn, nghĩa là miền cực lạc, mọi người đều sung sướng, là cõi mà tất cả đồ vật, nhà cửa đều làm bằng vàng bạc, châu báu, chả ai còn tham lam của ai. Trên con đường tích cực đi tìm đạo ấy, cha tôi gặp được người mà cha tôi gọi là "Minh Sư". Ông Minh Sư này hướng dẫn cha tôi tu hành theo con đường của ông, mà ông gọi là đường tắt, cũng như học nhẩy, đốt được nhiều giai đoạn, sớm đạt đến bậc thần thông, có thần nhãn, thần nhĩ, có thể nhìn thấy khắp tam thiên đại thiên thế giới, thấy cả từ kiếp trước đến kiếp sau, soi được cả hồn(!?). Cha tôi khởi sự ngồi thiền mỗi nửa đêm, từ 12 giờ đến 1 giờ sáng. Sau mấy năm ngồi thiền, cha tôi nói có đêm cha tôi đã xuất hồn đi gặp được Phật Bà. Tôi tin cha tôi hoàn toàn. Người không nói dối. Nhưng có thể là chỉ do nguyện vọng tha thiết của cha tôi mà thành ảo giác vậy chăng ?

Cha tôi rủ mẹ tôi ngồi thiền để có thể xuất hồn, mẹ tôi trả lời:

-- Tôi không cần thấy kiếp trước kiếp sau làm gì. Tôi cũng không muốn thấy tam thiên đại thiên thế giới...

-oOo-

Không hiểu cha tôi có bao giờ thấy tam thiên, đại thiên thế giới không? Có điều chắc là cha tôi vướng vào bệnh lao phổi sau một thời gian chuyên chú tham thiền.

Một em gái tôi cũng là đệ tử của "Minh Sư". Em tôi thành thật tin tưởng ở một tương lai có thần nhãn, thần nhĩ, có thể nhìn thấy những nơi xa cả nghìn dặm. Sống với Cộng Sản, em tôi vẫn truyền bá tư tưởng ấy mặc dầu em tôi tốt nghiệp đại học và dạy đệ nhị cấp trung học. Nhà trường theo dõi em tôi, làm báo cáo là em tôi hơi điên, không nên để dạy học. Chuyện ấy dù đem ra hội đồng nhà trường thì cũng không ai bênh em tôi được vì ngay chính chúng ta đây, không theo duy vật chủ nghĩa, đã mấy ai tin những chuyện lạ lùng đó. Em tôi còn kẹt ở quê nhà, trong bàn tay Cộng Sản, thất nghiệp, rất gầy ốm và cũng vướng vào bệnh suy nhược cơ thể.

Tôi đau lòng trình bày chuyện chính gia đình tôi để mong mõi quí vị có trách nhiệm hoằng dương đạo pháp nhìn thấy những vấn đề thực tế hiển nhiên, mà tìm phương cách tích cực hơn để giúp đỡ những Phật tử chỉ vì dốc lòng tin vào đạo giải thoát, đạo thiền mà lạc lối, đi tới tít mù khơi. Cha tôi vẫn đinh ninh là người theo đạo Thiền, người không ngờ rằng tổ thứ sáu của đạo Thiền đã phê bình loại ngồi thiền tương tự như cách của cha tôi là:

Khi sống, ngồi chẳng nằm
Chết rồi, nằm chẳng ngồi
Một bộ xương mục thối
Có gì gọi công phu

Lục Tổ còn phản đối thái độ "tà mê" của những người cứ bắt tư tưởng phải dừng lại, bắt đầu óc phải trống rỗng, ngài coi đó là "hành xác vô ích", là bệnh hoạn. Thiền sư Nam Nhạc còn nói : "Học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền thì thiền không ở việc nằm ngồi. Nếu học ngồi Phật thì Phật không có hình tướng nhất định, ở nơi pháp vô trụ, chẳng giữ, chẳng bỏ. Ông học ngồi Phật tức giết Phật; bằng chấp vào tướng ngồi thì chẳng đạt lý."

Thiền chủ trương phá chấp để giải phóng tư tưởng. Ðệ tử của Minh Sư, cha tôi thì lại chấp, không chỉ có ngồi, mà còn cả giờ giấc, bao nhiêu hơi thở v.v... Chấp đến tuyệt đối!

-oOo-

Mẹ tôi cũng rất mộ đạo Phật, chăm đi lễ chùa và thuộc Kinh Cựu Khổ như tất cả các anh chị em tôi. Dầu vậy, mẹ tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mong mõi được thành Phật, thành Tiên gì cả, dù rằng mẹ tôi rất hiền và tốt bụng, hay bố thí và làm việc thiện. Vì yêu quí mẹ tôi, nên có lần cha tôi thiết tha khuyên mẹ tôi nên theo ông tu hành, để sau này còn gặp lại nhau ở cõi Phước. Mẹ tôi chỉ cười:

-- Thì ông cứ tu đi rồi sau mà lên Niết Bàn. Tôi chắc con cái mình chẳng tu hành gì hết rồi đến xuống địa ngục hết mất. Thôi, để tôi xuống đấy với chúng cho chúng khỏi bơ vơ.

Mẹ tôi hay dẫn chúng ta đến chùa tụng kinh mỗi khi có thân nhân hay bè bạn làm lễ cầu siêu cho người quá cố. Mẹ tôi giảng rằng:

-- Làm chay, cầu siêu như vậy thì vong hồn người chết mới được nương vào cửa Phật, khỏi phải vất vưởng liếm cháo thí ở những mảnh lá đa mà người ta cúng cô hồn ngoài đường...

Tôi thắc mắc trong lòng. Lẽ nào Phật, vốn được mệnh danh là Ðại Từ Bi, lại chỉ cho nhà giàu, có phương tiện cúng kiến, cầu siêu, được nương theo Phật. Còn nhà nghèo không cầu siêu thì vong hồn phải liếm lá đa cháo thí!

Vốn liếng đạo Phật của tôi chỉ vỏn vẹn vài ba từ ngữ như "tham, sân, si", "bát chánh đạo", "bi, trí, dũng", "nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính", "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" v.v... Cũng vì có số vốn nhỏ nhoi, bé mọn ấy mà tôi còn phấn đấu trong rừng cây nhiều nhánh, dễ lạc của Phật Giáo Việt Nam thời cận đại. Tôi không tin rằng Phật Giáo lại hẹp hòi, bất công như vậy. Cho nên tôi máy mó, tìm tòi...

Mâu thuẩn lớn lao nhất trong đầu tôi là sự trái ngược giữa kinh điển và phương pháp truyền giáo. Sự hiểu biết dù rất nông cạn cũng đủ cho tôi hiểu rằng đạo Phật chủ trương tiêu diệt lòng tham lam, sân hận, đưa tới u mê của con người. Thế nhưng, tôi lại được nhà truyền giáo giảng về sự lợi lạc cho thí chủ nếu cúng kiến nhiều, mua hậu, hoặc in kinh. Trong một số kinh, còn in dẫn chứng bằng những kết quả cụ thể. Thí dụ bà kia in 1200 cuốn, đáng lẽ không có con, lại được Phật phù hộ, cho 1 đứa con trai. Ông nọ ấn tống 1000 cuốn, sau con đỗ đạt tới Tiến Sĩ. Cô kia in 500 cuốn phát không. Kết quả là lấy được chồng phúc hậu sau lại có 3 đứa con trai bụ bẫm.

Tôi rất khó chịu về những thành tích cụ thể ấy, với cái cảm giác trái ngược là một bên thì dạy phải diệt lòng tham, diệt "cái tôi" đi thì mới diệt khổ được. Một bên thì lại nói toàn bằng những kết quả lợi lộc vật chất, y như những việc in kinh, cúng dường đều là hoạt động thương mại, bỏ vốn ra sẽ có lợi gấp bội! Nếu như vậy thì nhà giàu và tổ tiên họ sẽ lên Niết Bàn và đời đời kiếp kiếp con cháu sẽ giàu mãi vì có nhiều tiền tung ra làm việc thiện cầu phước. Còn nhà nghèo, lo ăn còn chưa đủ, không có tiền cúng vào chùa, ấn tống kinh sách, thì sẽ càng nghèo thêm, cha mẹ tổ tiên không được cầu siêu thì phải vào địa ngục. Tôi lại được nghe mô tả về địa ngục. Ở đó, có cầu vòng không tay vịn, người chết leo lên mà té xuống thì ở dưới đã có cả bầy chó ngao chầu chực sẵn để cắn xé mà ăn thịt, nào là vạc dầu sôi để ném người có tội vào, bàn chông nhọn để tội nhân ngồi lên, máu tuôn như suối, lại có cối để giả nát tội nhân làm thành giò. Thương thân nhân thì làm lễ cầu siêu, xin Phật giúp phá ngục để giải thoát cho họ!

Chung quanh chuyện Niết Bàn, địa ngục có biết bao lời giễu cợt. Người ta hỏi rằng đã có ai từ địa ngục về chưa mà tường thuật nhiều chi tiết ly kỳ quá vậy. Rồi người ta lại phàn nàn về sự sáng tác quá lố, cho rằng tạo nên được những hình ảnh tàn nhẫn ấy phải do một bộ óc bệnh hoạn như nhà độc tài Hitler chẳng hạn, chứ người lành mạnh nào mà lại nhẫn tâm nghĩ ra những hình phạt rùng rợn ấy.

Thời đại này, thời giờ được tính bằng tiền. Người ta chỉ có thể bỏ ít thì giờ ra mà giễu cợt đùa chơi, chứ ít người muốn mất thì giờ tìm hiểu chuyện họ thắc mắc.

Về phần tôi, tôi tìm tòi và hiểu được rằng Niết Bàn với ngọc ngà châu báu và Ðịa Ngục với hình phạt khủng khiếp chỉ được bày ra để làm một phương tiện đưa chúng sinh vào chính đạo mà thôi. Cách đó gọi là Dụ. Cũng ví như nếu có một người ở trong một căn nhà đang bị cháy từ trên nóc xuống. Họ ở trong, nên không biết. Mình ở ngoài, trông thấy nguy, gọi họ ra, thì họ lại không tin rằng nhà đã cháy rồi. Cho nên mình phải lập cách nói khác, nói là có ngọc ngà châu báu ở ngoài, miễn sao họ ra khỏi nơi nguy hiểm, thì họ sẽ thấy được thực tế, thế là nhiệm vụ cứu họ đã hoàn tất. Nhà truyền giáo dùng chuyện thưởng phạt ở Niết Bàn, Ðịa Ngục cốt để người Phật tử lo làm lành tránh điều ác, tạo nhân lành thì hái quả lành, gây nghiệp thiện thì lãnh kết quả thiện, bỏ tà theo chánh, sẽ được sống trong niềm vui vẻ hoan lạc.

Trong quá trình truyền giáo, đạo Phật đã khởi đi từ xứ Ấn Ðộ huyền bí, qua nước Trung Hoa mênh mông, lan rộng mãi. Từ những ngày dân chúng còn tin ở những điều huyền hoặc, cho đến thế hệ đầu thế kỹ 20, nhà truyền giáo của đạo Phật, dù nhận biết rằng đạo Phật là một chủ thuyết sống thực tiễn, sinh động, vẫn phải phủ lên Phật Giáo một tấm màn thần bí, vì nhu cầu tạo nên niềm tin tưởng nơi quần chúng, dựa theo với trình độ của đối tượng. Mục tiêu tối hậu cũng là đưa chúng sinh vào con đường tạo nghiệp lành, để họ lảnh hậu quả tốt, mà thôi. Phật ngàn mắt ngàn tay cũng trong cái ý nghĩa tùy duyên phương tiện ấy, để có thể cảm ứng với mọi giai tầng khác nhau trong xã hội mà cứu vớt.

Kiểu dụ này thì cũng có thể so sánh với thí dụ như có cậu bé răng bị sâu, người lớn bảo cậu nhổ răng đi nếu không cả hàm sẽ bị lây. Cậu không tin. Nên người lớn phải dụ cậu rằng nếu để răng sâu thì đêm ông Ngáo ộp sẽ vào bắt. Còn nếu nhổ thì được tặng nhiều đồ chơi. Cậu bé sợ Ngáo ộp và ham đồ chơi bèn nhổ răng. Thế là mục tiêu giúp cậu khỏi đau răng đã đạt được. Lối dụ, hoặc tùy duyên phương tiện là một hình thức linh động, phương tiện phải phù hợp với đối tượng. Khi cậu bé còn nhỏ, dọa Ngáo ộp, cậu ta sợ. Nhưng nếu hai chục năm sau mà cậu ta vẫn còn sợ Ngáo ộp thì cũng không phải là điều đáng mừng cho cậu bé. Thế hệ các cụ trước tin tưởng ma quỷ địa ngục là chuyện bình thường, nhưng nếu thế hệ thanh thiếu niên ngày nay mà quá tin tưởng chuyện ma quỷ thì có lẽ cũng chưa chắc đã là điều coi là bình thường! Khi tôi còn nhỏ, có lần cha tôi mang cái máy hát (tức là máy quay dĩa) về một làng quê, mở ra, cả làng đến xem, trầm trồ, có người còn tưởng là có phép lạ nên máy nói được. Ngày nay kể lại chuyện ấy, chắc còn có vị tưởng tôi bịa chuyện nữa, chứ sao lại có người khờ khạo vậy.

Tư tưởng con người bị hoàn cảnh xã hội tác động rất nhanh; Cho nên phương tiện truyền giáo cũng cần phải được linh động, đáp ứng kịp thời với sự thay đổi của hoàn cảnh, để tránh trì trệ, ngược dòng. Có những phương tiện thích ứng với thế hệ cũ, nhưng ngày nay rất cần thay đổi để phù hợp với sự chuyển biến của tư tưởng mới. Cũng như ngón tay chỉ mặt trăng, cũng có lúc ngón tay chỉ về phía trái là mặt trăng, cũng có khi vì quả đất quay, ngón tay phải ngã sang tay mặt. Nếu cứ đứng cứng ngắc một chỗ, giơ tay lên như khúc gỗ, thì cũng có khi không còn chỉ trúng mặt trăng nữa.

Phương tiện truyền giáo hiện nay ở hải ngoại cũng nói lên tính chất tiêu cực ấy phần nào. Phật tử đến chùa, phần lớn là quí vị trung niên trở lên. Ðề tài thảo luận về đạo giải thoát thì hiếm, mà phần lớn câu chuyện thường loanh quanh trong mấy vấn đề khoe con cái học giỏi, thi đậu cao, lương bổng hậu, làm đám cưới lớn, nhà mới mua nhiều tiện nghi, đi du lịch xài sang, sống quí phái, ăn đồ ngon v.v... Khi nói đến những chuyện đó, ít ai nghĩ rằng ở góc kia, có người Phật tử nghèo đang tủi thân, phía nọ có bà mẹ con học dốt, đương cảm thấy như kim châm vào ngực. Phật dùng cả cuộc đời tìm đạo giải thoát, kêu gọi con người dẹp "cái tôi" đi, thì cửa Phật là nơi "cái tôi" không thể quá lớn đến làm đau lòng người khác!

Ấy là chưa kể đến những chuyện thực tế xảy ra. Thí dụ như ở Mỹ nhà cửa rất đắt. Nhà truyền giáo muốn có nơi thờ Phật và tụ họp tín đồ để giảng đạo thì phải mua nhà. Ðây là mối phiền não lớn nhất, không còn thế nào là Bồ Ðề được nữa. Hằng tháng phải trả đủ loại bills, từ tiền nhà, nước, điện, gas, điện thoại, bảo hiểm v.v... Tất cả đều trông vào tiền cúng dường của Phật tử. Phật tử nào cúng nhiều tiền là giúp cho nhà chùa cái bè lớn sang bờ yên tâm của tháng đó. Phật tử tới chùa là nguồn lợi tức. Dĩ nhiên nhà chùa cũng cảm động đối với người bỏ ra nhiều tiền để giúp nhà chùa qua được khó khăn, thanh toán bills. Và dĩ nhiên là có biệt nhãn với họ, nếu không nói thẳng là quá vồn vã với họ, xử khác hẳn cách xử với người nghèo đóng góp ít. Chuyện ấy là chuyện thường tình thế gian. Nhưng nếu nhà truyền đạo giải thoát mà lại xử sự kiểu thường tình thế gian như vậy thì còn gì là tính chất của một bật thầy, người hướng dẫn chúng sinh trên con đường giải thoát nữa.

Ðến đây, một vấn đề mới nảy ra. Ðó là tình trạng chia rẽ âm thầm giữa các tầng lớp Phật tử. Một bên, phần nhiều gồm các cụ già, đến chùa để trước là niệm Phật tụng kinh, cầu Phật phù hộ cho mình và cho con cháu, mơ ước một cảnh Niết Bàn cực lạc vĩnh viễn khi qua đời, đồng thời cũng để gặp lại bạn bè, ôn chuyện xưa tích cũ, tâm tình chuyện mới, sưởi ấm lòng nhau lúc tha hương. Bên cạnh đó, có một số Phật tử tích cực hơn, nhìn thấy nền đạo đức xứ người coi bộ không đáng tin cậy, lo sợ ảnh hưởng xấu vào cộng đồng, bèn níu lấy chùa như người sắp chết đuối níu cái phao, hy vọng Phật Giáo sẽ là cây cột chống căn nhà rung rinh giữa cơn bão táp. Kẹt một nỗi, thiện chí ấy cũng lại phối hợp vào cái phương tiện truyền giáo cũ kỹ, thiếu sinh khí, quanh quẩn lại vẫn chuyện xây chùa sao cho to, đẹp hơn chùa khác, in kinh cho nhiều miễn cổ động bà con ấn tống nhiều là phước đẳng hà sa, còn chuyện kinh kệ có là con đường giải thoát hay không, độc giả hiểu như thế nào thì không cần để ý tới. Có vị, khi được hỏi về ý nghĩa của kinh, thì bèn suýt xoa sợ hãi:

-- Kinh này khó lắm, không thể hiểu được. Nói bậy phải tội chết đấy!

Nếu kinh khó quá đến không ai hiểu được, mà lại còn có khả năng mang tai vạ "phải tội chết" thì đọc phỏng có ích lợi gì ngoài chuyện tin rằng "đọc một nghìn lần thì mình thoát tai nạn, đọc 10 ngàn lần thì cả nhà thoát tai nạn!"

Trong khi đó, có một lớp Phật tử khác, ảnh hưởng nền văn minh cơ khí, cảm thấy bế tắc trong xã hội kỹ thuật, muốn tìm về tôn giáo như là chỗ dựa tinh thần. Lớp người này vì không thoả mãn với lời giải đáp nơi một số chùa chiền, trở thành người lữ hành cô độc trong rừng Thiền, rồi đến một ngày nào đó, trong khi căng thẳng, mệt mỏi, thì "Minh Sư" hiện ra với những lời đường mật về một tương lai rực rở, tu ít mà lại thành Tiên, có phép thần thông! Trong lúc cô đơn, họ dựa vào "Minh Sư" như là người vượt biển leo lên được tàu vớt, đâu có ngờ tàu vớt là tàu... Liên Sô!

Lại có một lớp Phật tử khác, cao ngạo tự coi mình như đại diện cho trí thức, tự tôn mình thuộc hàng Thiền Sư, theo cách hiểu như đó là hàng ngũ của những bậc phi thường, bất khả tư nghì. Họ trình bày Thiền bằng cái dạng thật là khó hiểu tối mò. Người đọc chỉ còn cách tấm tắc khen để khỏi mang tiếng dốt. Những bậc "Thiền giả" thường diễn đạt tư tưởng trong những bài thơ Thiền. Tôi đã được hân hạnh đọc vài bài. Ôi chao! Hình ảnh thật là thô tục hết chỗ nói. Chắc có thể có vị chê rằng tôi không đủ khả năng triết học để hiểu các vị thiền sư ấy!

Tôi lại nhớ đến một câu chuyện về Phật đã có lần trong lúc đi qua rừng, Ngài cắm một nắm lá cây hỏi Phật tử nghĩ gì? Có người nói rằng mớ lá cây ấy so với lá cây trong rừng thì quá ít. Phật mới nói:

-- Mặc dầu điều ta tìm hiểu được nhiều như lá cây rừng, các thầy tỳ khưu chỉ nên tìm hiểu ít như đám lá này so với cây rừng mà thôi. Rằng:

-- Bởi vì những điều kia không giúp gì cho sự giải thoát con người cả. Các thầy tỳ khưu đừng nên tìm hiểu những chuyện như : thế giới là hữu hạn, thế giới là vô cùng. Ðiều đó chưa quan trọng. Ðiều quan trọng là ta dạy các thầy về Sự Khổ, Nguồn Gốc Sự Khổ, Ðạo Diệt Khổ và Con Ðường Ði Ðến Diệt Khổ. Những điều đó có ích vì chắc chắn sẽ đưa các ngươi đến Giác Ngộ và Giải Thoát vậy.

Phật thì muốn đơn giản hoá cuộc đời để cất cái gánh nặng trần gian cho chúng sinh. Giá như quí vị Phật tử trí thức, noi gương từ ái của Ngài, thương chúng sinh đang điên đảo trong vòng nghiệp chướng, dùng ưu điểm bác học của mình mà phát quang lối Thiền giúp chúng sinh dễ dàng trên đường Giải Thoát thì hay biết mấy. Nhược bằng quí vị muốn tu theo đường lối rốt ráo dứt nghiệp, mất một sợi lông chân để cứu một người cũng không làm, như một vị thiền sư đã nói, thì xin quí vị ấy cất những loại văn thơ đầy hình ảnh tục tỉu đi, kẻo mà lại hóa ra tạo nghiệp ác đấy.

Từ những vị trí khác biệt, Phật tử nhìn nhau xa lạ. Ðôi khi còn nảy tư tưởng ngã mạn trong đầu, rất hại cho nghiệp quả. Lớp trẻ mới lớn đi chùa thì mang mặc cảm đầu óc còn mê tín dị đoan, có khi phải giấu giếm, hoặc nói tránh:

-- Tại mẹ mình cứ đòi mình phải đi. Thôi thì chìu cụ cho cụ vui!

Tại sao lại thế? Ðạo Phật là một chủ thuyết sinh động, tích cực, phá chấp để khai phóng tâm linh, giữ cho con người sống độc lập, công bằng, không để lụy cho người khác. Thiền Sư Bách Trượng cương quyết : "Một ngày không làm, là một ngày không ăn". Ðạo Phật rất bình đẳng. Phật không hề tạo ra bất cứ sự mê tín nào, Ngài còn phá bỏ sự sùng bái vô lý giữa người này với người kia. Có câu chuyện kể rằng: Một hôm Phật gặp một người gánh phân. Phật muốn hỏi chuyện thì anh ta cố chạy trốn. Mãi Phật mới bắt kịp. Anh ta bèn sụp lạy Phật mà thưa:

-- Bạch Phật, Ngài thì cao cả, con thì gánh phân hôi thối, nên con không dám đứng lại sợ dấy ra Ngài.

Phật bèn vỗ bụng, cả cười:

-- Ối dà! Chứ bộ tưởng ta không có phân sao? Ðầy một bụng đây này!

Ðiều đó nói lên tinh thần bình đẳng và thái độ thương yêu chân thành của Ngài đối với chúng sinh, coi như là ruột thịt.

Từ một con đường thênh thang như vậy mà chỉ vì thiếu người tiếp tục dọn cỏ, biến đạo Phật trở thành một đạo đầy tính chất bí hiểm, khiến cho có những người trẻ không muốn tự cho mình vào hàng ngũ mê tín dị đoan, phải chối bỏ, đáng tiếc ngần nào. Dĩ nhiên là cũng có một số thanh niên Phật tử trẻ, hiểu rỏ vấn đề, đang lảnh vai trò hướng dẫn Gia Ðình Phật Tử ở một số chùa. Nhưng nếu quí vị lảnh đạo không tìm ra một đường lối mới để mở rộng cửa vào nhà Phật, để mọi người thấy muốn đến chùa để được an ủi phần tinh thần, được khai mở tâm linh, tư tưởng, thì những Gia Ðình Phật Tử ít ỏi hiện nay cũng như vài con chim én làm sao tạo nên mùa Xuân. Nếu tình trạng chùa chiền cứ kéo dài theo chiều hướng hiện nay với những sinh hoạt thiếu sinh động, và thanh niên gồm phần lớn là các cụ già, thiếu hẳn tính chất lôi cuốn tuổi trẻ, là tuổi ham tìm hiểu, thì một ngày không xa, vài chục năm nữa thôi, khi các cụ về Niết Bàn, thế hệ tiếp theo liệu có thể thấy gần gũi với chùa, có thấy cần nơi nương tựa tinh thần là cửa Phật, hay họ đã hoàn toàn xa lạ với đạo Phật rồi.

Có thể có một số nhà truyền giáo không cần để ý đến chuyện này, vì các ngài tự nhủ rằng khi đó các ngài cũng đã về Niết Bàn. Nhưng lương tâm quí ngài có thấy băn khoăn trước sự hy sinh gian khổ to lớn của một vị Thái Tử quen sống trong nhung lụa, vứt bỏ lầu son gác tía, lao vào sự khổ sở để tìm đường giải thoát cho đời. Ðức Phật đã vận dụng bao nhiêu tâm cơ mới tìm ra đường, có lý nào hậu duệ của Ngài nhất là quí thầy, lại có thể lơ là để mặc cho đường thiền mọc đầy gai góc. Chưa nói đến lại còn có vị đem gai trồng lên rừng thiền, làm Phật tử phải sợ cả đến chùa, hỏi rằng tội ác ấy lấy gì mà cân?

Tôi phải trở lại đạo ngay trong lòng đạo. Nhưng có bao nhiêu người may mắn như tôi, kịp nhìn thấy hoa thơm cỏ lạ trong rừng Thiền? Chỉ nói về một gia đình Phật tử mộ đạo điển hình là gia đình bà tôi, mà bước đi của mỗi người lệch lạc, ngã nghiêng như vậy!

Tôi phải đem chuyện nhà ra tâm tình nơi đây, với tấm lòng thiết tha mong được các bậc thiền sư cảm thấu, mong quí ngài tìm ra giải pháp mới, phương tiện mới, phù hợp với bước đi của lịch sử, để truyền bá đạo Giác Ngộ.

Trong lời nhắn nhủ cuối cùng trước khi qua đời, đức Phật tha thiết: "...Các con hãy vì lòng từ bi rộng lớn đi gieo rắc khắp cho đời. Ðừng đi trùng nhau trên một ngã đường. Các con hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả, trong sạch, hoàn toàn và gương mẫu." (Kinh Di Giáo)

Ðức Phật tin tưởng, gởi gấm, trao nhiệm vụ thiêng liêng cao cả cho quý vị. Ðức Phật tiếc nuối cả đến thời gian mà quí vị đi trùng với nhau thì phí phạm cho đời.

Tôi lại cũng xin tất cả chư vị Phật tử, nếu có lòng thương mình, thương đời, xin đừng coi công cuộc truyền giáo là việc riêng của quý thầy. Lục Tổ Huệ Năng được truyền y bát khi chưa từng là vị sư. Nhiệm vụ làm vơi nỗi đau khổ cho loài người là nhiệm vụ chung của mọi người. Nếu chúng ta tin rằng đạo Phật là đạo diệt khổ, hãy đứng lên, tự chúng ta tìm cách làm vơi nỗi khổ của từng người quanh chúng ta, đó là nhiệm vụ thiêng liêng, vinh dự mà đức Ðại Giác Ngộ đã trao cho chúng ta.

L. H.


Source: Hoa-Sen home page, https://www.jps.net/hoasen/
(kỹ thuật vi tính: Trí Ðạt)


[Trở về trang Thư Mục]