BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hạnh phúc gia đình

Hòa thượng Narada

Phạm Kim Khánh dịch Việt
Sài gòn, 1967


Trong Phật Giáo có bốn hạng phước điền là:

- Ðức Phật,
- Chư vị A-la-hán,
- Mẹ, và
- Cha

Ðức Phật, chư vị A-la-hán, Mẹ và Cha là bốn thửa ruộng đệ nhứt phì nhiêu trong thiên hạ để gieo trồng phước báu.

Chư Phật là những đóa hoa vô cùng quí giá của nhơn loại, nhưng cũng là một thứ hoa vô cùng hy hữu. Chư vị A-la-hán là những đóa hoa quí báu khác, chỉ trổ sanh tươi tốt trong thời kỳ có một vị Phật ra đời. Nhưng một bà mẹ hiền hay một ông cha lành thì hằng có trong mỗi gia đình.

Nếu con cháu hiểu được bổn phận mình, biết được công ơn cha mẹ và khéo khai thác hai thửa ruộng phì nhiêu sẵn có trong nhà, ắt sẽ được phong phú không sai. Nếu thận trọng gieo trồng trên hai sở thượng điền này những hạt giống tốt thì sớm chầy sẽ gặt đuợc vô số quả tốt lành. Hữu hạnh thay cho trẻ con nào được sanh trưởng trong một gia đình mà cha phải đạo cha, mẹ tròn phận mẹ. Bao nhiêu tình thương, bao nhiêu lòng hiếu thảo của con trẻ sẽ lai láng tuôn đến cha mẹ.

Theo Phật Giáo, cái trọng ơn đối với cha mẹ mà con phải mang trong lòng thật không lường được. Ví dầu con phải cõng cha trên vai mặt, mẹ trên vai trái, đi khắp thế gian cả một thế kỷ và, trong thời gian ấy, cung phụng đầu đủ cho cha mẹ. Ví dầu phải đặt cha mẹ trên một mâm vàng đầy ngọc nhà châu báu, rồi thành kính quì lạy như lạy một hoàng đế thống trị nhân loại, lạy ngày lạy đêm đi nữa, vị tất con đã đền đáp đủ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Theo Ấn-Ðộ Giáo, một ông thầy dạy đạo quí bằng một trăm ông thầy dạy chữ, một người cha bằng một trăm ông thầy dạy đạo, nhưng một bà mẹ hiền quí bằng một ngàn người cha.

Tại sao từ ngàn xưa ai ai cũng cho rằng ơn cha mẹ là cao quí, thiêng liêng hơn tất cả?

Không cần tìm hiểu xa vời. Một người cha lành bao giờ cũng dành để cho con những gì quí báu nhất của mình, hy sinh tất cả cho con và tìm hạnh phúc an vui trong sự hạnh phúc của con. Dầu giàu dầu nghèo, cha luôn luôn vẫn nghĩ đến vấn đề giáo dục cho con, nếu phải tiêu xài bao nhiêu tiền của cũng không tiếc. Niềm vui sướng nhứt đời của cha là thấy con được nên người và sống đầy đủ trong sự yên lành vui vẻ.

Về phần mẹ, từ lúc chưa thấy mặt con, mẹ đã đặt trong lòng một tình thương vô hạn. Nuôi con bằng sữa, mà sữa là gì nếu không phải là máu? Vậy, mẹ nuôi con bằng máu của mình. Lắm khi thức suốt đêm trường, không nhắm mắt, không nghỉ ngơi, để canh chừng ru hát cho con ngủ thẳng giấc. Công ơn cha mẹ không sao tả được. Con là núm ruột, là hòn máu, là một phần của mẹ, là kho vàng quí báu, là nguồn hạnh phúc vô bờ bến của mẹ. Con đau là mẹ xót, con mạnh thì mẹ vui. Thiếu con mẹ sẽ thấy lẻ loi hiu quạnh, buồn tẻ và vô phước.

Vậy, muốn đền ơn cha đáp nghĩa mẹ, đạo làm con phải hết lòng khuyên nhủ khi thấy cha mẹ sa chân lỡ buớc vào đường tội lỗi, phải lựa lời khôn khéo mà thức tỉnh và dìu dắt cha mẹ trở lại nếp sống chơn chánh, vun bồi cuộc đời đạo đức cao thượng. Ðạo làm con chẳng những phải phụng dưỡng bằng những thức ăn vật lạ, cất nhà cao cửa rộng cho cha mẹ, mà còn phải kính cẩn dâng lên cha mẹ những món ăn tinh thần, tạo những cảnh nhàn lạc thích thú, để cho cha mẹ vui sống một nếp sống thanh cao đạo đức.

Hỡi các con! Cha mẹ là cội phúc duy nhứt trên đời của các con. Các con hãy tôn trọng ý muốn của cha mẹ. Trong lời nói, trong việc làm, trong cách đi lối đứng, trong tác phong hàng ngày, các con hãy làm thế nào để giữ tròn tiếng tốt cho gia đình, nhứt là khi cha mẹ vắng mặt. Dầu cha mẹ đã khuất bóng, các con hãy luôn luôn tôn trọng thanh danh của gia tộc như vật thiêng liêng cao cả. Bổn phận làm con chẳng những phải bảo tồn danh giá cha mẹ mà lại còn phải tránh điều gì có thể làm nhục nhã tông môn.

Người cha thân ái

Rất khó cho trẻ con thấu đáo được đức hy sinh của cha và mối tình thấm của mẹ, vì lòng thương lai láng của cha mẹ tựa hồ như nước mưa từ không trung rơi xuống, đem lại hạnh phúc bao nhiêu cho nhơn loại rồi êm đềm lặng lẽ trôi đi không màng đến sự biết ơn của ai. Hình như đây là định luật thiên nhiên trong trời đất! Lòng thương của cha mẹ từ trên nhỏ xuống thì vô bờ bến mà từ dưới chảy lên thì rất hiếm hoi. Thật vậy, người làm cha mẹ không bao giờ trông đợi sự đền ơn trả thảo của trẻ con khờ dại, chưa đủ kinh nghiệm, chưa biết lo nghĩ đến bổn phận làm con, cũng như chưa nhận thức được thế nào gọi là tình thương.

Chưa đến lúc đóng vai trò làm cha mẹ, trẻ con không thể thấu triệt được tình thương của cha mẹ như thế nào.

Truyện tích sau đây về tình thương của cha mẹ đối với con rất đáng làm một bài học quí giá cho đàn hậu tiến:

Hoàng tử A-xà-thế (Ajatasattu) bị Ðề-bà Ðạt-ta (Devadatta) xúi dục, định giết cha là Bình-sa Vương (Bimbisara) để chiếm ngôi. Rủi thay, âm mưu của hoàng tử bị bại lộ, vua cha bắt được quả tang. Quần thần xin hành phạt xứng đáng. Nhưng vua cha quá thương con, không đành xử phạt, lại còn nhường ngôi vàng cho hoàng tử, vì thấy con thèm muốn làm vua.

Ðã không biết ơn, A-xà-thế lại còn hạ ngục vua cha và ra lịnh bỏ đói cho chết lần chết mòn. Chỉ một mình hoàng thái hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi bà dấu đồ ăn trong túi áo, đem cho chồng. A-xà-thế hay được quở trách mẹ. Sau lại, bà dấu đồ ăn trong đầu tóc. A-xà-thế cũng biết được. Cuối cùng, bà tắm rửa sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong, đường và sữa. Vua gợt lấy món ăn này trên tay để ăn đở đói. Nhưng A-xà-thế cũng bắt được và cấm hẳn mẹ không cho vào thăm cha nữa.

Lúc ấy vua Bình-sa Vương cam chịu đói, nhưng lòng cũng không oán trách con, cho đó là oan nghiệt tiền khiên, có vay phải có trả, nên thản nhiên cố gắng tham thiền. Thấy cha vẫn vui tươi, A-xà-thế nhứt định giết chết cha cho khuất mắt, nên hạ lịnh cho một người thợ cạo vào khám đường lấy dao bén gọt gót chân, lấy dầu và muối xát vào rồi hơ trên lửa nóng.

Khi người cha bất hạnh thấy thợ cạo đến thì mừng thầm, ngỡ rằng con mình đã ăn năn hối hận, cho người đến cạo râu tóc mình để rước về. Trái với sự mong ước của Ngài, chính anh thợ cạo đến để đem lại cho Ngài cái chết vô cùng thê thảm.

Cùng một ngày ấy vợ của A-xà-thế hạ sanh được một hoàng nam. Tin lành đến cho A-xà-thế cùng một lượt với tin vua Bình-sa Vương chết trong ngục. Ðược biết chánh hậu hạ sanh hoàng nam, nỗi vui mừng của Vua A-xà-thế không sao tả được. Cả người nghe nhẹ nhàng vui sướng. Tình thương của một người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng, mặn nồng, sâu sắc, thấm vô từng khớp xương ống tủy. Ðứa con đầu lòng là một nguồn yêu thương, là một cơ hội để cho cha mẹ thưởng thức một tình thương mới mẻ, đậm đà, vô cùng trong sạch. Cảm giác đầu tiên của người mới được đứa con đầu lòng dường như đưa họ vào một cảnh giới kỳ lạ, khiến họ có cảm tưởng rằng máu huyết của mình đã nhỏ giọt ra để nối tiếp mình.

Vừa lúc ấy A-xà-thế sực nhớ đến cha. Bỗng nhiên ông đứng phắt dậy, kêu lên như điên: "Hãy chạy mau, thả ra lập tức người cha yếu quí của trẩm". Than ôi, người cha yêu quí ấy đã ra người thiên cổ!

Khi hay tin cha chết, Vua hối hận đi tìm mẹ và hỏi:

- Thưa Mẫu hậu, khi con còn nhỏ Phụ Hoàng có thương con không?

- Con ôi! Cho đến giờ này con mới hỏi thì đã muộn rồi. Và tại sao con hỏi lạ vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không tìm đâu ra một người cha lành như cha con. Ðể mẹ thuật lại cho con nghe. Lúc mẹ còn mang con trong lòng, một ngày nọ mẹ nghe thèm một món kỳ quái. Mẹ thèm mút vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con. Mà mẹ đâu dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao, và sau cùng phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy, cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ nút máu. Lúc ấy các nhà chiêm tinh trong triều tiên tri rằng con sẻ là người thù của cha con. Do đó, tên con là A-xà-thế (Ajatasattu, kẻ thù chưa sanh). Mẹ có ý định muốn giết con ngay trong lòng, nhưng cha con không cho. Khi sanh con ra, mẹ nhớ tới lời tiên tri nên một lần nữa muốn giết con. Một lần nữa, cha con ngăn cản mẹ. Một hôm, con có một cái nhọt trên đầu ngón tay, đau nhức vô cùng, khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ con ngủ được. Cha con, đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy cầm lòng hkông đậu, bế con trong lòng và không ngần ngại ngậm ngón tay con trong miệng nhẹ nhẹ nút cho con đỡ đà. Gớm thay! Cái mụt nhọt bể, máu mủ tuông ra trong miệng cha con. Sợ lấy ngón tay ra con sẽ nghe đau nên cha con nuốt luôn vào bụng cả máu lần mủ!"

Vua A-xà-thế xúc động, rơi lụy dầm dề.

Nghe qua chuyện tích này, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được nỗi buồn thảm của vua A-xà-thế.

Thế thường, trong mỗi trường hợp, cha mẹ hiểu thấu lòng con trẻ vì đã trải qua đoạn đường ấy rồi. Cũng vì lẻ ấy, dẩu con có lỗi lầm quan trọng đi nữa, cha mẹ luôn luôn sẵn sàng tha thứ và cũng luôn luôn sẵn sàng hứng lấy, cam chịu những lỗi lầm của con. Ðôi khi cha mẹ không làm vừa theo ý con, nhưng đó là việc bất đắc dĩ. Cha mẹ lúc nào cũng muốn cho con mình hữu phước, nhưng lắm khi con cái hiểu lầm, tưởng cha mẹ cố làm cho mình vô phước nên có những thái độ bất hiếu mà tưởng là chánh đáng. Lắm khi cha mẹ dọn đường cho con đi, con lại đi ngược chiều, cho rằng mình khôn hơn cha mẹ. Vì đó những đứa con ngỗ nghịch phải lầm đường lạc nẻo, khổ thân trọn đời. Dẩu sao cha mẹ vẫn tha thứ con và trong những phút hoạn nạn của con, người làm cha mẹ vẫn sẳn chực bên cạnh để giúp đở, bảo bọc con.

Ðó là thái độ của người cha lành sáng suốt. Nhưng con có thấu triệt được chăng trách nhiệm và tình thương của cha đối với mình? Không, vì chưa đến tuổi làm cha. Khi hiểu được thế nào là tình thương của cha mẹ thì lắm khi đã quá muộn màng, như trường hợp của vua A-xà-thế vừa kể trên. Vậy phận làm con phải vâng lời cha mẹ và để cho cha mẹ an lòng làm tròn sứ mạng

Người mẹ hiền

Ai là người thân nhứt đời ta?
Ai người gần gũi, ai người thân yêu?
Ðức cù lao nặng trìu dạ trẻ,
Nhưng cùng cha, con nể sợ nhiều.
Mẹ là âu yếm nuông chiều,
Mẹ là duy nhứt rạt rào tình thương.
Vậy, làm mẹ, ta cần phải tỏ
Cho trẻ thơ rõ chính me hiền
Cũng là thân thiết bạn lành
Rộng dung, san sẻ, chân tình bao la.
Kinh So-na-đăng-ta (Sonadanta jataka) có chép
Bậc thánh nhơn ca ngợi đức dày:
"Hiền lành và dịu dàng thay!
Mẹ cho con bú trên tay, bên lòng.
Mình nép trẻ, mẹ truyền hơi ấm.
Thân kề me, con ấp ngực lành
Hơi thở con ấm nhẹ nhàng
Thương con mẹ cảm muôn vàn ấm êm.
Mẹ bồng trẻ trọn niềm hữu phúc.
Con nhờ đây duy nhứt an lành.
Mẹ là lối đến thiên đàng.
Thương ai, mẹ hởi, cho bằng thương con!
Sanh, nuôi nấng, chăm nom từng phút.
Hằng tưng tiu nâng giấc canh dài.
Tình thương lai láng ngày ngàỵ
Mẹ là kho báu lâu dài bên con.
Mẹ là lối đem con cõi phúc
Tình thương con, mẹ hởi, chi bằng!
Vì mong có đứa con lành
Mẹ từng lể bái chơn thành mong ơn.
Khi trước điện vái van cầu tự.
Lúc ngoài song bói số tìm maỵ
Trông con những đợi đến ngày
Ðặt con vào dạ lại dày thương lọ
E động trẻ đắn đo nước bước.
Sợ phiền con, cân nhắc lối đi.
Nằm ngồi e ngại xiết chi,
Kiêng ăn cữ uống quản gì khổ laọ
Hơn chín tháng thai bào nặng nhọc
Ngày khai hoa nở nhụy đến nơi.
Thân con phúc đã ra đời
Một thiên sứ mạng, mẹ người đảm đang.
Dường châu ngọc mẹ luôn gìn giữ
Tựa trứng mong, cưng dưỡng chi bằng.
Chọn nên câu nói nhẹ nhàng,
Tiếng ca êm dịu mẹ hằng ru con.
Ðêm thao thức lạnh nồng canh giấc,
Ngày âu lo, lao khổ không màng
Lòng mẹ hữu phúc muôn vàn
Mẹ là lối dẫn thiên đàng cho con.
Ai, mẹ hỡi, thương con bằng mẹ?
Với tiền cha vất vả tháng ngày,
Mẹ cần kiệm, bớt tiêu xài
Những lo gầy dựng sau nầy cho con.
Luôn săn sóc mẹ hằng nhắc nhở,
Luôn dạy răn khuyên nhủ điều hay
Rằng: "Con ơi, phải thế nầy".
Hay là: "Con phải cho tày thế kia".
Ấy, lời mẹ thốt ra chỉ thế.
Mãi đến khi con trẻ lớn khôn
Thương lo, mẹ vẫn một lòng,
Dong chơi mẹ những phập phồng cho con:
"Con yêu quí sao không về sớm,
Lúc trời đang còn sáng con ơi!"
Thương lo mẹ vẫn sớm chiều.
Mẹ là lối dẫn con vào cõi Thiên.
Ai, mẹ hỡi, tình thương như mẹ?
Và ngày kia con sẽ ra sao
Nếu con bất hiếu thế nào?
Thì nơi địa ngục phải vào mới cân
Dầu sự nghiệp châu vàng là trọng
Nhưng báu chi dễ sánh mẹ hiền?
Phận con: thương, mến, báo, đền
Vâng theo ý mẹ mới đành phận con.

Ðạo làm cha mẹ

Cha mẹ có bổn phận tạo cho con một đời sống an lành và hữu phước. Thật ra, một người mẹ hiền và một người cha quí luôn luôn vui lòng gánh lấy trách nhiệm. Mặc dầu vậy, lắm khi cũng có hạng con ngỗ nghịch, quên công ơn vô gía của cha mẹ và bổn phận thiên liêng của mình, ỷ lại làm con, đòi hỏi cha mẹ đủ điều. Nhưng cha mẹ không chút lòng hờn trách, giận dữ, bỏ con. Trái lại, cha mẹ luôn luôn lấy lượng hải hà giúp đỡ, bảo bọc con.

Ngay từ lúc mẹ thọ thai, cha mẹ bắt đầu thương con, khi sanh con ra, cha mẹ nuôi dưỡng chăm nom từng chút. Khi con biết đi, biết chạy, biết nói, biết cười, cho đến lúc trưởng thành, nguyện vọng của cha mẹ là uốn nắn thế nào cho con trở thành một phần tử ưu tú trong gia đình và một công dân gương mẫu trong xã hội.

Cha mẹ luôn luôn ước ao cho con mình nên người tài đức, luôn luôn lấy làm sung sướng thấy con hơn mình trên mọi phương diện, hay ít ra cũng bằng mình và chắc chắn sẽ thất vọng xiết bao khi nhìn thấy con không đạt được đến địa vị mình mong mỏi.

Ðể dẫn dắt con đi trên đường thiện, cha mẹ phải làm gương, sống cuộc đời hiền lương đạo đức. Tự nhiên con cái hướng theo hành động của cha mẹ, làm những việc của cha mẹ làm mà không cần tìm hiểu lý do.

Rất khó mà gặp được một đứa con cao thượng khi cha mẹ nó hư hèn. Ngoài cái nghiệp lực mà nó thừa hưởng của tiền kiếp, trẻ con dĩ nhiên còn phải thọ một phần truyền thống của cha và của mẹ, tốt cũng như xấụ Nếu cha mẹ xấu xa, con sẽ hư hèn. Cha mẹ đạo đức, con sẽ hiền từ.

Vậy, phận làm cha mẹ phải thận trọng trau dồi thân khẩu cho trong sạch để tránh truyền nhiễm cho con cái những bệnh tật về tinh thần và thể xác.

Theo Kinh Sigalovada cha mẹ có năm bổn phận:

1- Bổn phận thứ nhứt là tránh cho con khỏi sa chơn vào đường ác.

Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ con và cha mẹ là người thầy đầu tiên. Trẻ con học vỡ lòng với cha mẹ bài học ác. Có hạng cha mẹ thiếu sáng suốt, vô tình vỡ lòng cho con bằng những bài học nói dối, gian lận, tham lam, nói đâm thọc, tục tằng thô lỗ, thù hận, sợ sệt v.v... Dầu là cha, dầu là mẹ, phải nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình, không nên vô tình gieo mầm xấu xa ấy vào trí não non nớt của trẻ con.

Cha mẹ phải có tác phong như thế nào để tạo một bầu không khí tự do đầm ấm giữa mình và con cái, nghiêm nghị nhưng khônt mất tình thâm giao cảm. Cha mẹ phải biết xử dụng tâm lý cho đúng chỗ để con trẻ mạnh dạn thổ lộ tất cả tâm tình với mình. Không nên làm cho nó thất vọng, không nên tập cho nó tánh khóc la mỗi khi xin xỏ vật gì. Phải làm cho nó hiểu rằng cha mẹ sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu của nó, khi đòi hòi, nếu nhu cầu ấy là chính đáng. Có nhiều người thường dạy con những bài học "nói dối".

Con hỏi xin món chi, nói trong nhà không có. Ðến lúc con nài nỉ mãi mới cho ra, còn dặn đừng cho anh chị em nó biết. Chính đó là dạy con dối trá gian lận. Nó sẽ nghiền ngẫm bài học ấy và chờ cơ hội sẽ đem ra áp dụng. Nhiều trẻ con bị tiêm nhiễm những nết xấu xa ấy là do nơi cha mẹ vậy.

Trẻ con biết thù hận cũng do những bài học vỡ lòng từ trong nhà, nhứt là với bà mẹ cưng con. Con chạy chơi ngoài sân, vấp phải cục đá, té xuống đất. Con khóc. Mẹ lật đật chạy đến, bồng con lên, dỗ con và tỏ vẻ giận dữ, dậm chơn trên đất hoặc lấy cây đánh cục đá để trả thù cho con. Con nín. Bai học đã dạy: "Bị một đấm, trả lại một đá."

Cha mẹ chẳng nên dạy con tập tánh sợ sệt. Trẻ con có khóc chút ít không có gì hại, không nên làm cho nó sợ để hết khóc.

Không nên lẫn lộn tánh sợ sệt vô căn cứ với đức khiêm tốn và sự dể dạy. Một đứa trẻ biết vâng lời cha mẹ, biết tôn kính người lớn, một đứa trẻ khiêm tốn, không phải là nhút nhát. Theo Phật Giáo, sợ sệt là một trong mười đạo binh của Ma Vương. Người Phật tử chơn chánh không bao giờ sợ ai. Chỉ sợ điều ác, điều quấy mà thôi. Nuôi trẻ con trong sự sợ sệt vô lý sẽ làm cho nó trở nên nhút nhát và lâu ngày sẽ có tự ty mặc cảm. Nó sẽ sợ đêm tối, sợ cái gì mà chính nó không biết, sợ bị lẻ loi, sợ phải đi đâu một mình.

Trong các gia đình Phật Giáo, người ta thường đọc những truyện tính can đảm cho trẻ con nghe, như tích của Hoàng Tử Pancayudha trong Túc Sanh Truyện (Jataka), chuyện của Công Chúa Vihara Mahadevi, hoặc chuyện của Keppitipo la Dissave trong lịch sử Tích Lan v.v...

Pancayudha là một hoàng tử can đảm lạ thường. Lúc mười sáu tuổi, một hôm hoàng tử có việc phải đi qua một cụm rừng có tiếng là nhiều yêu quái. Có người khuyên không nên đi. Hoàng tử trả lời: "Trong đời người chỉ chết một lần" và cam đảm vượt qua đám rừng không chút sợ hãi.

Và đây là gương can đảm của một chàng trẻ tuổi ở Tích-Lan. Dưới thời Anh thuộc, Keppitipola Dissave là một Phật tử giàu lòng ái quốc. Vì vậy, đối với người Anh, Keppitipola là một tên phản loạn. Keppitipola bị bắt đem xử tử. Lời nguyện cuối cùng của anh là được quì lạy trước Răng Xá-Lợi của Ðức Phật. Anh tắm rửa sạch sẽ và giặt sạch một cái áo choàng để cúng dường Ðức Phật. Ðến trước Xá-Lợi Ðức Phật, khi anh quì xuống đảnh lễ, mắt anh điểm hai giọt lệ. Madugal le Dissave, một bạn thân đứng gần đấy, thấy vậy khuyên anh: "Không nên sợ, hỡi người bạn thân mến. Hãy cho chúng nó thấy thế nào là lòng can đảm của người Tích-Lan "

"Không, không" Keppitipola vội trả lời: "Tôi không hề sợ chết. Trong đời chỉ chết có một lần. Nhưng chúng ta thường đến đây để dâng lên Ðức Phật những vật quí báu. Hôm nay, trong giờ phút nầy, tôi không có gì hơn lá cái áo hèn mọn nầy để cúng dường Xá-Lợi Ðức Phật. Chính vì thế mà tôi khóc".

Keppitipola bèn ôn lại trong trí những điều lành anh đã làm và đọc vài câu kinh Pháp Cú. Ðọc xong anh gạch trên trán một đường, yêu cầu người giám sát chém cho đúng ngay lằn gạch, và đứng yên như đá, chờ giờ hành quyết. Ngay lúc anh đọc câu Itipiso Bhagava thì lưỡi dao người giám sát hạ đúnh lằn gạch. Sọ anh lìa ra làm hai miếng, y như sở nguyện. Người Anh lấy cái sọ ấy đem về trưng bày tại Viện Bảo Tàng ở Tô-Cách-Lan gọi là kỷ niệm của người anh hùng Tích-Lan. Hiện nay cái sọ ấy đã được trao hoàn lại cho Tích-Lan.

Khi con phạm lỗi lầm thì cha mẹ có bổn phận phải sửa trị nó tức thì. Nhưng không nên rầy la con trước mặt đông người. Làm như vậy đứa trẻ có thể nên lỳ lợm, khó dạỵ Tất cả trẻ con đều tốt. Cha mẹ phải quan sát con cho tận tường, và tùy tánh từng đứa, tìm một phương pháp thích hợp để sửa dạy nó. Ðôi khi, chỉ một lời nói nhỏ nhẹ cũng đổi hẳn được một đứa trẻ từ xấu ra tốt hay từ tốt ra xấu.

Túc Sanh Truyện (Jataka) có thuật chuyện ông vua kia có một hoàng tử rất là ngỗ nghịch. Lúc ấy có một đạo sĩ đang tu trong ngự uyển. Vua đem việc con ra phân trần với đạo sĩ. Vị đạo sĩ tâu xin vua cho đem hoàng tử đến, và cùng hoàng từ đi dạo một vòng trong khu vườn. Ði đến trước một bụi cây nhỏ hoàng tử hỏi vị đạo sĩ tên cây ấy là gì. Vị đạo sĩ bảo hoàng tử hái một lá nhỏ trên cây, bỏ vào miệng nhai sẽ biết. Hoàng tử làm theo. Lá cây thật đắng. Bị đắng quá hoàng tử nổi giận, hạ lịnh tức tốc phải nhổ bụi cây và nói rằng: "Cây nhỏ chừng ấy mà lá đắng như vậy, đến khi cây lớn lá sẽ đắng thế nào nữa!".

Ðến đây đạo sĩ ôn tồn nói: "Hoàng Tử hãy thong thả suy nghĩ. Dư luận trong nước đối với Hoàng Tử cũng dường như thế ấy. Dân chúng nói rằng nhỏ như Hoàng Tử mà ngỗ nghịch như vậy, đến khi khôn lớn, trở nên một đức vua, Ngài sẽ hung tợn thế nào!".

Hoàng tử hiểu ý. Chỉ nhờ lời khuyên ấy hoàng tử hoàn toàn đổi hẳn tánh tình và trở nên hiền lành dể dạy.

2- Bổn phận thứ nhì của cha mẹ là dẫn dắt con đi trên đường thiện.

Ở nhà, cha mẹ là thầy. Ở trường, thầy là cha mẹ. Vậy, thầy và cha mẹ chia nhau gánh lấy trách nhiệm về tương lai của con trẻ. Nó sẽ trở nên thế nào tùy theo cha mẹ và thầy nó uốn nắn. Nó tốt hay xấu do nơi thầy và cha mẹ nó tốt hay xấu. Trong lúc thiếu thời, sống dưới chân thầy và cha mẹ, luôn luôn coi thầy và cha mẹ là cái gương lành trong sạch nhất, nó sẽ bước theo dấu chân của cha mẹ và thầy. Tư tưởng, lời nói và hành động của người lớn sẽ gieo cho con trẻ một ảnh hưởng sâu rộng không thể lường được. Vậy, bổn phận của cha mẹ là phải thận trọng đặt để con vào một không khí an lành và trong sạch, ở nhà cũng như ở trường, nhứt là khi con phải đi xa nhà.

Không nên giao phó tất cả sự trông nôm trẻ con cho các bà vú, tuy hiền lành nhưng không đủ khả năng để cho nó một nền tảng giáo dục tốt đẹp. Lắm khi có những đứa trẻ, vì mãi sống với những bà vú, trìu mến và noi theo gương các bà nầy hơn là cha mẹ. Vậy người làm cha mẹ, vì trách nhiệm về tương lai của con, cũng nên thận trọng xem xét lại vấn đề.

Cha mẹ có bổn phận dạy con ăn ở giản dị, nhưng không mất phẩm cách, biết phục thiện mà không biết lệ thuộc. Cũng nên tạo cho con cái trong nhà sự hợp tác chặt chẽ giữa anh chị em và cha mẹ để cùng nhắm mục đích chung là gầy dựng một không khí an lành vui vẻ. Con trong gia đình phải nhứt trí, phải can đảm. Lòng hy sinh là một đức độ quan trọng khác. Người con hiếu luôn luôn sẵn sàng hy sinh những thích thú riêng của mình để tạo hạnh phúc chung cho gia đình. Cha mẹ phải dạy con ăn ở ngay thật, phải chứng tỏ cho nó thấy rằng mình là nơi nương tựa mà nó có thể trao hết tâm tình. Tánh cương trực cũng là một điểm trọng đại mà cha mẹ phải dạy con. Phải tập cho con sẵn sàng phục vụ, luôn luôn tự tin, tự lập, hiền lành, cần kiệm, tri túc, lịch duyệt và đạo đức. Tóm tắt, đó là những đức hạnh cần thiết mà cha mẹ có bổn phận phải gieo lần hồi trên thửa đất phì nhiêu là con trẻ, đang sẵn sàng hứng lấy, để một ngày kia trên thửa đất ấy sẽ trổ sanh cây lá sum sê, hoa quả tốt đẹp.

Ðạo làm cha mẹ là phải dẫn dắt con đi trên đường đạo đức. Ít lắm cũng phải dạy con giữ gìn năm giới trong sạch.

-- Giới đầu tiên là không sát sanh. Giữ tròn giới nầy tức là biết thương tất cả chúng sanh. Dạy con không sát sanh là tránh cho nó khỏi hành động hung dữ, là tập cho nó hiền lành.Nó sẽ bắt đầu nhận thức rằng đời sống của muôn loài là thiêng liêng và đáng tôn kính.

Không nên để cho con trẻ thấy sát sanh. Nó sẽ không biết quí trọng đời sống và sẽ thiếu lòng từ thiện. Về sau nó sẽ coi thường sự sát sanh và sẽ giết thú vật mà không chút gì thương xót.

-- Giới thứ nhì - không trộm cắp - sẽ tạo cho con trẻ sự trong sạch và tánh liêm khiết. Cờ bạc không phải là trộm cắp. Tuy nhiên, khi ngồi vào sòng bài, mỗi người có ý tham muốn vật sở hữu của kẻ khác. Vậy cũng không nên cho trẻ con đánh bài. Ði trường đua ngựa là một lỗi lầm khác mà người Phật tử nên tránh.

Ðể bảo vệ trẻ con trong thời thanh thiếu, cha mẹ nên phân định cho chúng nó những ranh giới man nữ cho có trật tự. Cha mẹ cũng nên chăm nom, không để cho nó đi xem những tuồng hát trái đạo đức. Chớp bóng là một phương tiện giáo dục. Dẫn con đi xem những phim có tính cách xây dựng là một điều nên làm. Nhưng cũng nên cấm chế, đừng để nó đi xem những phim không thích hợp với luân lý, đạo đức.

-- Giới thứ ba thuộc về luân lý. Cha mẹ có bổn phận dạy con giữ thân và tâm trong sạch, tránh cho con khỏi thân cận với bạn bè xấu và không nên để cho con đi chơi ban đêm. Về phương diện nầy cha mẹ phải làm gương cho con. Cha mẹ đã hư hèn không thể ước mong con được trong sạch. Cha mẹ có một đời sống thanh cao đạo đức là một nguồn phước báu cho mình và cho con cái trong nhà. Trái lại, cha mẹ hư hèn là một tội khổ cho tất cả gia đình.

-- Không nói dối là giới thứ tư. Khi con phạm một lội nào, cha mẹ có bổn phận vạch chỉ rõ ràng cho nó thấy để nhận lỗi, hơn là vô tình làm cho nó phạm thêm một lỗi nữa là nói dối. Phải dạy con như thế nào để mình tin chắc rằng "con nhà mình không bao giờ nói dối" và để tránh những lúc phải nói với con như thế này "Con phải nói thật, đừng nói dối".

Nói xấu người khác, nói đâm thọc, là một tật xấu mà cha mẹ phải cố gắng trừ ngay khi nó vừa phát sanh. Phải dạy con như thế nào mà lúc bị răn phạt nó không nói rằng anh chị hoặc em nó cũng làm điều đáng phạt ấy. Cũng nên dạy con không cộc cằn thô lỗ và nói lời nhảm nhí vô ích. Một đứa trẻ tao nhã luôn luôn có lời nói dịu ngọt. Cẩn ngôn là một phương pháp giáo dục có hiệu quả. Phải dạy con có lời nói chơn thật và có lợi ích từ lúc nhỏ.

Một lời nói bất cẩn lắm khi có sức tàn phá vô cùng. Trái lại, lời nói cẩn trọng, đúng thời, đúng lúc, sẽ giúp ích cho hàng triệu người đi trên con đường thiện, hành thiện.

-- Cha mẹ cũng có bổn phận vạch cho con thấy cái hại của rượu và thuốc hút. Ta không nên khắt khe đến nổi nói rằng một hớp rượu đỏ hay một cốc bia dưới ánh trăng trong là một tai hại. Tuy nhiên nhắm một ít rượu là bước khiêm tốn đầu tiên để đưa lần đến chỗ uống có độ lượng và lần hồi đến thói say sưa quá độ. Trong những dạ hội, tiệc tùng, lắm khi trẻ con cũng muốn nếm thử chất cay đắng, ngọt bùi của rượu. Cha mẹ nên cẩn mật để ý trông chừng.

3- Bổn phận thứ ba của cha mẹ là cho con một nền giáo dục xứng đáng.

Trong đời không có của báu nào quí giá bằng một nền giáo dục xứng đáng. Giáo dục là di sản quan trọng nhứt, là phước lành vô cùng quí giá mà cha mẹ có thể cho con, gái cũng như trai.

Phải uốn nắn con tử thuở bé thơ trong tinh thần quốc gia và tôn giáo. Hột giống tốt, phải gieo lúc đất đương phì nhiêu sung mãn. Sớm hay muộn, đúng duyên kỳ, cây trái sẽ sum sê hạnh mậu. Một nền giáo dục thích ứng trong lúc thiếu thời sẽ có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng trọn cả đời người.

Vậy khi giao con cho một ông thầy, cha mẹ cần chú trọng đến khả năng, đức độ và tinh thần trách nhiệm của ông. Bổn phận của thầy cũng là tỉm hiểu tâm tánh học trò để diù dắt nó. Sứ mạng của thầy chẳng những là dạy trò về phần trí dục mà phải còn dạy cho nó có đức hạnh. Thầy có trách nhiệm về tương lai vật chất và tinh thần của trò. Cha mẹ cũng nên tìm cơ hội đưa con vào dưới chơn một vị sư để nghe những bài giảng về tôn giáo, hấp thu một tinh thần đạo đức.

Khi con phải xa nhà, cha mẹ càng nên chú trọng đến đời sống của nó và nên đặt nó vào một khung cảnh thuận lợi cho nếp sống thuần túy đạo đức.

Luân lý và đạo đức phải là nồng cốt để xây dựng nền giáo dục cho trẻ con. Học vấn không nên tách rời, phân biệt với đạo lý, vì cả hai, tiến bộ tinh thần và tiến bộ vật chất, đều quan trọng. Nhưng quan trọng hơn hết là tận dụng hiệu năng của đức đục, trí dục và thể dục vào công trình phục vụ cho chính mình và xã hội. Chẳng nên lợi dụng tài trí của mình vào làm những việc gian xảo, bất chính, dối gạt kẻ khác để xây dựng hạnh phúc cho riêng cá nhơn mình.

Ðể tỏ lòng biết ơn cha mẹ và thầy tổ, phận làm con phải chăm chỉ học hành, chẳng những để được công thành danh toại, mà còn phải đem học lực và tài đức ra phụng sự cho đời.

Kinh Pháp Cú có dạy: "Học đạo lý cho nhiều mà không đem ra thực hành thì chẳng khác nào là kẻ chăn bò, mỗi sáng, mỗi chiều chỉ lo đếm số bò, mà bò ấy lại không phải là của mình."

Sức khoẻ của trẻ con cũng là một vấn đề trọng đại liên quan đến sự giáo dục. Một đứa trẻ ương yếu, dầu có học giỏi, cũng không làm được lợi ích cho quốc gia và cho chính nó.

4- Bổn phận thứ tư của cha mẹ là tìm nơi xứng đáng để dựng vợ gả chồng cho con.

Ðây là một vấn đề rất tế nhị và hết sức quan trọng. Người Tích-Lan có thành ngữ "ige yanava" có nghiã là "bước chơn vào con đường xa xôi", để chỉ việc hôn nhân. Thật vậy, cưới hỏi là một việc tối trọng có liên quan đến cả một đời sống, xa hơn nữa, đến cả bao nhiêu kiếp sống, bao nhiêu thế hệ, do sự sanh đẻ con cháu sau nầy. Bởi thế, sự hôn phối không thể bị phá hủy một cách dể dàng được và trước khi quyết định một việc quan trọng dường ấy người làm cha mẹ phải hết sức đắn đo suy nghĩ.

Quan niệm bất đồng giữa cha mẹ và con cái chắc chắn sẽ tạo ra những xáo trộn trong gia đình. Cha mẹ tự cho là có bổn phận định đôi gả lứa cho con. Con đòi quyền lập gia thất cho mình. Người phương Ðông thường xem bổn phận trọng hơn quyền. Ta không nên quên rằng mỗi người đều quí trọng tự do và cũng nên dung hòa hai lẽ: bổn phận và quyền tự do. Cha mẹ và con phải hiểu biết lẫn nhau một cách khôn khéo để giải quyết ổn thỏa mọi quan điểm bất đồng. Nếu không vậy, gia đình không còn hòa thuận vui vẻ và lâu ngày, sẽ rước lấy bao nhiêu phiền não xung khắc, gây ra những ảnh hưởng tai hại lớn lao về con cháu về sau.

Truyện Maha Jataka có nêu ra những đặc điểm của người vợ hiền như sau:

"Tuổi không cách xa tuổi chồng nhiều. Vợ là người bạn thân, người bạn tốt nhứt của chồng. Tận tụy cung phụng chồng. Hoàn toàn trong sạch. Ðối với chồng luôn luôn dịu dàng, tao nhã và hết lòng chăm nom giáo dục con cái".

Một người vợ có những đặc tánh trên là một nguồn hạnh phúc cho chồng.

Vật quí giá nhứt mà người đàn ông có thể đạt được trên thế gian nầy là người vợ hiền. Trái lại, người vợ trắc nết là một tội khổ đáng sợ nhứt trong đời người.

Ðối với hàng phụ nữ, nhứt là người phương Ðông, quyền chọn bạn trăm năm có phần bị hạn định. Tuy nhiên, cũng nên để ý tránh những hạng trai hư hèn, ham mê sắc đẹp, say sưa, rượu chè, cờ bạc, và hạng người ăn tiêu phung phí quá độ (Vasala Sutta).

Sức khỏe cũng là một điều cần thiết cho việc hôn nhân. Vợ chồng thiếu sức khỏe về mặt thể chất tinh thần là nguồn tội khổ cho con cháu.

5- Bổn phận cuối cùng của cha mẹ là phân chia sự nghiệp đúng lúc cho con.

Ðạo làm cha mẹ chẳng những thương yêu và trông nom gìn giữ con cái lúc còn nhỏ dại mà còn phải lo cho tương lai của nó, dọn đường và giúp cho nó tự tạo một đời sống an toàn, hữu phước. Lắm khi cha mẹ phải hạn chế các nhu cầu của mình để có thể, một ngày kia, trao lại cho con phần gia sản dành dụm cho nó.

Của hồi môn quí gia nhứt mà cha mẹ có thể cho con gái mình để tiễn chơn con về nhà chồng là những huấn từ để làm tiêu chuẩn cho nếp sống trên đường đời.

Sau đây là những lời phụ huấn mà Bà Visakha đã thọ lãnh trong ngày vu qui, và nhờ khôn khéo áp dụng bà được bên chồng quí trọng yêu mến:

1 - Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ,
2 - Không đem lửa ngoài đường vào nhà.
3 - Chỉ cho những người biết cho,
4 - Không nên cho những người không biết cho,
5 - Nên cho những người biết cho và những người không biết cho,
6 - Ngồi được yên vui,
7 - Ăn uống được yên vui,
8 - Ngũ được yên vui,
9 - Phải thận trọng đối với lửa,
10 - Tôn kính những vị thần trong nhà.

- Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ: Lửa đây là những lời nói đâm thọc làm cho người nầy oán hờn kẻ khác hoặc đem chuyện bên nầy thuật lại bên kia. Một người vợ hiền không khi nào đem những chuyện xích mích hoặc những điều phiền phức trong nhà nói lại cho người ngoài. Không hề nói xấu chồng và thân nhơn của chồng.

- Không đem lửa ngoài đường vào nhà: Một người đàn bà khôn ngoan không bao giờ để vào tai những lời hàng xóm nói xấu chồng hoặc bên nhà chồng mình và không nghe chuyện xấu của gia đình khác.

- Chỉ cho những người biết cho: Trước khi muốn cho ai mượn đồ dùng hoặc tiền bạc, phải coi người ấy có thể trả lại không. Nếu được nên cho mượn.

- Không cho những người không biết cho: Nếu coi người muốn mượn không thể trả lại được thì không nên cho mượn.

- Cho những người biết cho và những người không biết cho: Ðối với hạng người nghèo đói và đối với bạn bè, nếu có thể được, nên cho luôn. Dầu người nhận có thể trả lại được hay không cũng vậy.

- Ngồi được yên vui: Trước khi ngồi phải luôn luôn thận trọng lựa chỗ. Khi thấy cha hay mẹ chồng đi ngang qua nên đứng dậỵ Lời khuyên nầy ngụ ý dặn con gái nên khiêm tốn và luôn luôn tôn kính cha mẹ chồng.

- Ăn uống được yên vui: Trước khi dùng bữa, người đàn bà nên ngó trước trông sau xem cha mẹ chồng có cần dùng điều chi không và cũng nên để ý săn sóc đến những người giúp việc trong nhà.

- Ngủ được yên vui: Không nên ngủ nhiều và bỏ phí công việc trong nhà. Trước khi đi ngủ phải trông coi cửa đóng then gài cẩn thận, bàn ghế sạch sẽ, coi người làm trong nhà có làm xong công việc chưa và chỉ đi ngủ khi thấy cha mẹ chồng và chồng đã đi ngủ. Trừ khi đau ốm, người vợ tốt luôn luôn dậy sớm và không ngủ ngày.

- Phải thận trọng đối với lửa: Phải coi cha mẹ chồng và chồng như lửa và phải hết sức thận trọng khi đến gần.

- Tôn kính những vị chư thiên trong nhà: Phải coi cha mẹ chồng và chồng như những người trên trước, những vị trời bảo hộ.

Người đàn bà phương Ðông thường tôn kính chồng như một vị chủ ông. Ðức Phật nói: "Bhariyapana parama sakha". Vợ chắc chắn là người bạn tốt nhứt của chồng. Bổn phận của chồng cũng phải đối đãi với vợ như một người bạn tốt, làm những điều lợi ích cho vợ và coi vợ như mình. Một người vợ xứng đáng và hiểu biết bổn phận phải luôn luôn kính trọng chồng như vị thần hộ mạng ở bên cạnh mình.

Một người vợ hiền còn phải lo giữ tròn bổn phận về mặt tôn giáo, phải biết tôn kính và tiếp đãi xứng đáng các bậc xuất gia hoặc các tu sĩ đến nhà mình.

Ðạo làm con

Cái trọng ơn đối với cha mẹ mà con phải mang trong lòng không thể nào tả ra được. Dầu cho con có phải vì cha mẹ, hy sinh đến tánh mạng đi nữa cũng chỉ có thể đáp lại phần nào trong muôn một công ơn sanh thành dưỡng dục ấỵ

Theo Phật Giáo có ba hạng con:

1 - Hạng con thua sút cha mẹ về mọi mặt (Avajata),
2 - Hạng con bằng cha mẹ (Anujata), và
3 - Hạng con hơn cha mẹ (Abhijata).

Bổn phận con là phải cố gắng tiến trổi hơn cha mẹ trên mọi phương diện: trí dục, đức dục, địa vị xã hội, tinh thần phục vụ v.v... Nếu không được, ít ra con cũng bằng cha mẹ, không nên thua sút.

Theo kinh Sigalovada Sutta, kẻ làm con có năm bổn phận đối với cha mẹ:

1. Bổn phận đầu tiên là phải phụng dưỡng cha mẹ.

Với bổn phận thiêng liêng nầy tưởng khỏi cần giải thích. Theo phong tục người Tích-Lan, trẻ con hàng ngày, sau khi lể bái Tam Bảo, thọ Tam Qui Ngũ Giới thì đến quì dưới chơn cha mẹ, đọc những câu như sau:

"Thưa mẹ,

Mẹ là người không thể dùng ngôn ngữ người để tả ra. Cũng như không thể lấy tiếng người để nói lên được bao nhiêu đau đớn khổ nhọc, bao nhiêu phiền muộn ưu lo mà mẹ phải chịu từ ngày mẹ mang con vào lòng.

Thưa mẹ, con chấp hai tay lên trán, quì dưới chơn mẹ, để tỏ lòng tôn kính và để cầu xin mẹ tha thứ những lỗi lầm của con.

Nhớ lại khi con khóc, tức thì mẹ bồng con lên, dỗ con và ru con ngũ với tình thương lai láng.

Cho đến những vật dơ dáy của con, mẹ cũng không nhờm gớm và không ngần ngại lấy tay bốc lên quan sát, khi con ươn yếu.

Thưa mẹ,

Ðáp lại công ơn như trời cao và lòng thương như biển cả của mẹ, con hết lòng cầu nguyện cho mẹ sớm trở thành Phật, để mẹ ban rộng tình thương vô tận của mẹ bao trùm toàn thể các chúng sanh đang đau khổ." (Bosat)

Lễ mẹ xong rồi lễ cha, (cũng đọc những câu như trên, chữ cha thay vào chữ mẹ).

Ðức vua Aggabodhi đã lưu lại hậu thế một gương trong sáng cho tất cả những người làm con. Lòng tôn kính đáo để và tình thương lai láng của nhà vua đối với mẹ được viết lại như sau:

"Ðức vua cảm thấy sung sướng được đích thân ngày đêm cung phụng mẹ. Sáng sớm, khi mẹ còn ngon giấc, vua đã ngồi đợi sẵn dưới chơn giường. Khi bà dậy, chính tay vua lấy dầu hảo hạng thoa cho mẹ, lấy nước ấm lau mình mẹ, rửa sạch móng chơn và lấy nước hoa ướp cho mẹ. Chính đức vua đi lựa cho mẹ một bộ đồ mới, sạch sẽ, mềm dịu và thay đổi cho mẹ. Cũng chính đức vua đi giặt quần áo dơ của mẹ. Khi săn sóc mẹ xong, vua mặc quần áo chỉnh tề, tay cầm bó hoa đến dâng quì và dâng mẹ, như lạy một bảo tháp...

Chính vua dâng cơm mỗi bữa cho mẹ, xem sóc từ món ăn ngon và khi mẹ ăn rồi, vua ăn đồ ăn thừa của mẹ. Cho đến các người hầu mẹ trong cung, vua cũng cấp dưỡng đầy đủ và cho ăn uống xứng đáng.

Chính tay đức vua sắp sửa bàn ghế có thứ tự và rải nước thơm trong phòng mẹ. Mỗi ngày cũng chính vua thân hành quét dọn giường gối và mỗi tối rửa chơn mẹ, rồi ngồi lại lấy dầu bóp tay chơn mẹ cho đến khi bà ngon giấc. Khi ấy vua mới nhè nhẹ đi ba vòng quanh giường mẹ, dừng chơn đảnh lễ, rồi từ từ bước lui ra cửa, mắt vẫn nhìn về phía mẹ. Trước khi ra đi. Ngài còn dặn dò những cung phi trông chừng mẹ và đứng xa lạy mẹ ba lạy một lần nữạ Làm xong bổn phận, đức vua mới hồi cung yên giấc, lòng luôn luôn tưởng nhớ đến mẹ. "

Vua Aggabodhi hầu mẹ như thế ấy mỗi ngày cho đến khi băng hà.

Kinh Sama Jataka cũng có chép chuyện tích như sau:

Một chàng trai trẻ kia tên Sama, hôm nọ vào rừng bị một người thợ săn bắn lầm. Biết thế không sống nổi, Sama cố sức hướng về nhà, cúi đầu đảnh lễ cha mẹ lần cuối cùng rồi mới tắt hơi.

Một thầy Bà-la-môn ngày nọ đến xin Bồ Tát hai người con là Hoàng Tử Jali và Công Chúa Jina để đem về sai làm việc nhà. Vì sợ một ông già hung tợn đang lùng bắt, hai anh em trầm mình ẩn núp dưới một đầm sen. Nhưng khi nghe tiếng cha kêu, cả hai vội vàng lên tiếng và lật đật chạy lại. Mặc dầu sợ người lạ mặt, nhưng hai trẻ vẫn nghe lời cha, chịu cho ông già dẫn đi.

Còn một gương hiếu để khác của vị hoàng tử tên Rama đáng cho người đời kính phục. Vua nghe lời một bà thứ hậu ra lịnh đày Hoàng Tử Rama vào rừng mười bốn năm. Nhưng sau đó ít lâu vua thăng hà. Quần thần đi tìn, thỉnh hoàng tử về nối ngôi. Hoàng Tử Rama không dám về vì sợ mang tội thất hiếu với vua cha nên cam chịu cảnh tù đày đủ mười bốn năm trong rừng mới chịu hồi trào tức vị nối ngôi cha.

Vậy, đức tánh đầu tiên của người con hiếu thảo là kính cẩn vâng lời cha mẹ.

Bất luận trong hoàn cảnh nào, con không bao giờ được phép hất hủi cha mẹ. Cũng không nên để cho một người vợ sợ tánh làm phiền lòng cha mẹ già. Trái lại, phải làm thế nào cho vợ mình biết tôn kính và săm sóc đầy đủ cha mẹ, nhứt là trong lúc ốm đau già yếu. Phải hiểu rằng phụng dưỡng cha mẹ là một phước báu vô lượng vô biên.

2 - Làm con phải gánh vác công việc của cha mẹ.

Phải tìm hiểu những công việc gì cha mẹ phải làm và thay thế cha mẹ để thành tựu mỹ mãn những công việc ấy. Bổn phận làm con phải tạo cho cha mẹ già đời sống an nhàn vui vẻ, phải biết hy sinh những thích thú riêng của mình để làm vui lòng cha mẹ. Truyện Túc Sanh (Jakata) có chép sự tích của một vị Bồ Tát tự hy sinh mạng sống để cứu cha mẹ. Gương hy sinh ấy là một diễm phúc hiếm có trong đời.

Không phải chỉ lo cho cha mẹ được tiện nghi vật chất là đủ, mà còn phải cố gắng tạo cho cha mẹ một đời sớng an vui hạnh phúc. Phải ráng sức tiếp độ cho cha mẹ luôn luôn có một tấm lòng quảng đại, một đời sống đạo hạnh và sáng suốt, biết thương người v.v... Và nếu có đủ phương tiện, cũng nên thỉnh cha mẹ đến những nơi tu hành đạo đức để gieo duyên lành, gây nhân tốt, xây đắp một tương lai tốt đẹp và bền bỉ.

3 - Những tác phong đạo đức để giữ tròn danh giá cho gia tộc.

Cha mẹ đã cực khổ gian lao mới dựng nên được một sự nghiệp tinh thần và vật chất. Phận làm con phải biết giữ gìn di sản ấy cho được nguyên vẹn. Nếu con không tưởng nhớ công ơn cha, không lo bảo tồn và khuyếch trương gia sản lại còn chơi bời phóng túng, phung phí quá độ, xu hướng theo khoái lạc vật chất, thì ắt sự nghiệp sẽ tiêu tan, đời sống sẽ nghèo nàn và khốn khổ.

Con phải cố gắng noi gương cha mẹ, nối tiếp thực hành những việc lành điều phải của cha mẹ. Khi cha mẹ già yếu, con phải thay thế lo tròn công đức: bố thí, để bát, cúng dường chư Tăng, tham gia những công tác từ thiện và đạo đức, giúp đở những người nghèo ốm đau v.v... Khi cha mẹ qua đời con càng phải cố gắng thêm.

4 - Con phải tỏ ra xứng đáng để hưởng phần di sản của mẹ.

Người con hiếu thảo không khi nào có một hành động khả dĩ làm hoen ố thanh danh của cha mẹ, dầu ở giữa công chúng hay đơn độc một mình. Chỉ làm những điều mà mình có thể mạnh dạn thuật lại cho cha mẹ nghe.

5 - Con phải để bát cúng dường và hồi hướng phước báu đến cha mẹ quá vãng.

Ðó là một lối tưởng nhớ đến cha mẹ theo tinh thần Phật Giáo. Con làm điều thiện, hồi hướng quả lành ấy đến các bậc ân nhân quá cố. Cha mẹ quá vãng, đôi khi tái sanh vào một cảnh quá khổ và hàng ngày mong chờ những phần phước báu hồi hướng của thân nhơn quyến thuộc để có thể siêu thoát về nơi nhàn cảnh. dầu sao, hành động tốt đẹp ấy vẫn đem lại hạnh phúc cho người con hiếu thảo. Bởi thế con nên chú nguyện, thành tâm hồi hướng đến cha mẹ quá vãng những công đức mà mình đã cố gắng tạo nên, trong mọi cơ hội. Cha mẹ ắt sẽ được hạnh phúc an vui.

Hành động trên là một lối tỏ lòng tri ơn cha mẹ mà cũng là cơ hội để nêu gương hiếu đạo cho con cháu noi theo.

Con cũng nên góp phần công tác vào những việc đạo đức, từ thiện và có lợi ích cho nền giáo dục như in kinh sách, vấp học bổng v.v... để hồi hướng phước báu đến cha mẹ.

"Mẹ cha và Thầy Tổ phải được cung phụng xứng đáng
Tâm Từ phải được rãi đến tất cả chúng sanh.
Chơn lý phải được truyền bá.
Ðức hạnh phải được nâng đở.
Trò phải biết kính trọng thầy.
Bạn bè phải lấy nghĩa mà đối xử nhau.
Ðó là lối sống thiên nhiên từ ngàn xưa.
Ðó là những luân lý giúp cho đời sống được an vui lâu dài. "

Hòa thượng Narada


Phụ Lục:

Nho giáo và hiếu để

Trần Trọng Kim, "Nho Giáo"

Ðã nói rằng Khổng Giáo chủ lấy sự dạy người ta cho tới đạo nhân, tức là khiến cho người ta bao giờ cũng có đầy những tình cảm rất hậu và thành thực. Cứ lẽ thường, thì cha mẹ và anh em chị em là người thân thiết của ta, tất là ta phải kính yêu, rồi đối với người ngoài mới có lòng từ ái, trung thứ được. Nếu ở với cha mẹ mà không hiếu thảo, ở với anh em không kính thuận, tức là tình cảm ta rất bạc, làm thế nào mà thành được người nhân?

Cái gốc đạo nhân là "ái" và "kính" làm cái nền hiếu đễ thì sự giáo hóa có công hiệu rất hay. Khổng Tử nói:

"Dựng lòng ái khởi đầu từ cha mẹ, là dạy dân hòa mục vậy. Dựng lòng kính khởi đầu từ người huynh trưởng, là dạy dân kính thuận vậy. Lấy từ mục mà dạy dân, thì dân biết quí có cha mẹ, lấy kính người huynh trưởng mà dạy dân, thì dân biết quí sự theo mênh lệnh người trên. Hiếu là để thờ cha mẹ, thuận là để vâng mệnh người trên, đem những điều ấy mà thi thố ra thiên hạ, thì không có điều gì là không làm được." ( Lễ ký: Tế nghiã XXIV )

Vậy nên trong sự giáo hóa, Khổng Giáo lấy Hiếu đễ làm nết trọng.

Người có hiếu truớc phải nuôi cha mẹ. Nuôi thì phải kính, chứ không kính thì không phải là hiếu. Một hôm Tử Du hỏi hiếụ Khổng Tử nói:

"Hiếu ngày nay là bảo có thể nuôi được cha mẹ, đến như giống chó giống ngựa đều có người nuôi, nuôi mà không kính thì lấy gì mà phân biệt?" ( Luận Ngữ: Vi Chính II ).

Vậy nuôi cha mẹ thì cốt ở sự thành kính, dẫu phải ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho cha mẹ được hết cái vui, ấy gọi là hiếu.

Lấy lễ mà thờ cha mẹ, không phải là cha mẹ làm gì trái đạo cũng theo. Khổng Tử nói:

"Thờ cha mẹ thì khi cha mẹ có làm điều gì lầm lỗi, con phải tìm cách êm đềm dịu dàng mà can ngăn, thấy cha mẹ không nghe thì lại kính mà không trái lễ, dẫu có phải điều đau đớn khó nhọc cũng không oán giận." ( Luận Ngữ: Lý Nhân, IV)

Nghĩa là khi cha mẹ có làm điều gì trái đạo thì con phải dùng cách ôn hoà mà can ngăn. Nếu cha mẹ không nghe thì lại tỏ lòng cung kính và hiếu thảo rồi dần dần lựa cách nói cho cha mẹ biết lẽ phải mà sửa đổi lại. Dẫu có khi cha mẹ giận mà đánh đập hay bắt phải chịu khổ sở, cũng không oán. Việc giữ cái danh tiết của cha mẹ được trong sạch là cái bổn phận người con hiếu đạo phải vậy.

"Phàm người có hiếu là nối được cái chí của cha mẹ, khéo noi được việc làm của cha mẹ" (Trung Dung)

Câu này cốt ở chữ "khéo", là biết phân biệt cái chí của cha mẹ, và công việc của cha mẹ làm, để xem cái gì hay thì theo, cái gì dở thì bõ, chứ hkông phải gặp thế nào cũng nhắm mắt mà theo.

Khổng Tử có dạy phải "vô cải", như Ngài nói:

"Cha còn thì phải xem cái chí của cha, cha mất rồi phải xem việc làm của cha, ba năm không đổi cái đạo của cha, khả gọi là hiếu vậy." (Trung Dung)

Khổng Tử cho sự thờ cha mẹ rất hiếu là:

"Kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc chết rồi cũng như lúc hãy còn, ấy là hiếu đến rất mực vậy." (Trung Dung)

"Nghe thấy ở chỗ không có tiếng, trông thấy ở chỗ không có hình. "(Lễ Ký, Thúc Lễ, thượng, 1)

Nghĩa là phải chuyên tâm trí ý mà thờ cha mẹ, lúc nào cũng tưởng tượng như trông thấy cha mẹ ngồi trước mặt, và nghe thấy lời cha mẹ bảo vậy.


Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính (Bình Anson, tháng 3-2000).


[Trở về trang Thư Mục]