BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hạnh Xả Ly

Nguyên tác: "Renunciation" by T. Prince
Việt dịch: TNDT - Hiệu đính: NK & BA


Hạnh xuất gia xưa nay vẫn được công nhận là một lý tưởng quan trọng nhưng ý nghĩ xuất gia chưa bao giờ thực sự hấp dẫn được mấy ai. Với thế giới Tây phương ngày nay, chuyện "cắt ái ly gia" lại càng khó chấp nhận, càng xa lạ, và càng khó hiểu hơn. Thật ra, từ thời Trung cổ, người Tây phương với truyền thống Ki-tô giáo đã quen thuộc với những quan niệm xuất thế như: thế gian là cõi đầy cám dỗ cho linh hồn, và kiếp nhân sinh quả thấp kém nhỏ nhoi so với đời sống vĩnh hằng về sau. Trải qua một tiến trình lịch sử với nhiều thay đổi phức tạp, những tư tưởng trên dần mất đi tầm ảnh hưởng của nó, và ngày nay, điều quan trọng và khẩn thiết nhất đối với con người là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và kỹ thuật từ thế kỷ thứ mười chín.

Khoa học ảnh hưởng đến tư tưởng con người qua ba khía cạnh. Thứ nhứt, sự thành công của khoa học dường như xác định thêm niềm tin vào lý trí con người, một niềm tin khởi xướng bởi những triết gia Hy lạp thời xưa. Họ cho rằng lý trí có khả năng thấu suốt mọi bí ẩn vũ trụ. Thứ hai, những thành quả đáng kể của khoa học khiến mọi người nghĩ rằng thế giới vật chất vốn là lãnh vực nằm trong sự tra cứu của khoa học từ bấy lâu nay là thế giới duy nhất đáng được tìm hiểu, mới thật sự hiện hữu mà thôi. Thứ ba, với khoa học tân tiến, chúng ta được hưởng thụ những tiện nghi, luôn để tâm đến những thỏa mãn giác quan như hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm và sự xúc chạm. Càng ngày con người càng hững hờ với những gì ngoài vùng cảm nhận giác quan. Khi ta cho rằng chỉ có thế giới vật chất mới thực sự hiện hữu, chỉ có lý trí và giác quan mới có thể đưa ta đến trí tuệ, hạnh Xuất gia quả không có mục tiêu, và tâm nguyện vượt thoát thế tục quả là vô vọng.

Lúc Ðức Phật còn tại thế đã có nhiều người có tư tưởng tương tự như trên. Nhưng chưa bao giờ đời sống con người thiên về vật chất một cách mạnh mẽ và toàn diện như ngày nay, nhất là tại những quốc gia Âu Mỹ hoặc những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương. Ngay những truyền thống tôn giáo cũng không tránh khỏi các ảnh hưởng nầy. Có những nhà thần học Ki-tô giáo đã lược bỏ, không chú trọng vào hạnh Xuất gia từng được dạy trong Thánh kinh của Chúa Giêsu. Họ chú trọng vào sự 'nhập thế' theo kiểu mẫu trong Do thái giáo. Ngày nay, chiều hướng 'nhập thế' phát triển trên khắp thế giới chẳng hạn như những Tân giáo bên Nhật và những triết gia với những tư tưởng đổi mới như Radhakrisnam và Sri Aurobindo ở Ấn Ðộ.

Giữa những chiều hướng tư tưởng này, Phật giáo trông có vẻ 'không hợp thời trang' cho lắm. Phật giáo vẫn bị chỉ trích là một tôn giáo bi quan, hư vô, và trốn tránh đời sống thế gian. Phật giáo nào có phải bi quan! Thật ra, Phật giáo là một tôn giáo lạc quan nhứt trong mọi tôn giáo khi dạy rằng con người có thể trở nên hoàn hảo ngay trong kiếp sống này, có thể vượt thoát mọi khổ đau bằng sự tinh cần cố gắng của chính mình. Phật giáo cũng không phải là hư vô. Như đã bao lần vạch rõ, Ðức Phật chỉ dạy về phương cách diệt Khổ và Vô minh. Nếu ta thấy Ðạo Phật như 'trốn tránh đời sống' chẳng qua vì Phật Giáo đối đầu với cái chết, bởi vì sống và chết không thể tách lìa nhau. Nhưng dầu sao, những người lên tiếng chỉ trích trên vẫn thấy được một chân lý quan trọng trong Giáo Pháp Ðức Phật, đó là hạnh Xả ly.

Một mặt, khác hơn mọi tôn giáo khác, Ðạo Phật ở ngay trong lòng thế gian và cuộc sống này. Ðiểm khởi đầu của Phật Giáo không bắt nguồn từ Thượng Ðế hoặc một sự Sáng tạo huyền hoặc xa vời nào, mà ngay chính trong kinh nghiệm của một phàm nhân. Mặt khác, Phật giáo siêu thế gian hơn những tôn giáo khác vì Ðức Phật dạy thế giới có ba đặc tính: Vô thường; ai xuyên thấu được bản chất này, người đó sẽ thấy thế gian này là Bất toại nguyện, và sẽ không còn chạy theo cái hư giả bên ngoài; cuối cùng người này sẽ thấy không có gì có thể gọi là 'ta' hoặc 'của ta', tất cả đều vô thường, biến thay liên tục, không có gì có thực chất bất biến, hay Vô ngã. Ba đặc tính này -- vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã -- là căn bản của Giáo Pháp Ðức Phật, và đặc tính thứ hai -- bất toại nguyện (hoặc Khổ) -- là phần chánh yếu trong Tứ Diệu Ðế (Bốn chân lý cao thượng) được Ðức Phật tuyên dạy trong bài pháp đầu tiên của Ngài, bài kinh Chuyển Pháp Luân.

Những điểm trên chẳng có gì mâu thuẫn nhau. Ðức Phật vẫn biết cõi nhân gian này có nhiều thú vui hạnh phúc. Nhưng Ngài khẳng định rằng những hạnh phúc thế gian kia chỉ là tạm bợ, do đó có tính tương đối và giới hạn. Và hạnh phúc chân thật chỉ có được khi ta khước từ những gì thuộc thế tục, tạm bợ, tương đối, và giới hạn để tìm đến cái vượt thoát, bất chuyển, tuyệt đối, và vô biên. Niết-bàn chính là trạng thái tuyệt đối này (nếu ta có thể dùng những danh từ như 'trạng thái' hoặc 'tuyệt đối' để nói đến Niết-bàn.) Thật sự, Niết-bàn chỉ có thể được định nghĩa với những danh từ 'phủ định', vì cái gì vượt thoát thế gian không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ con người. Chắc chắn Niết-bàn không phải là một vị Trời Tạo hóa điều hành thế gian, cũng không là một Ðấng Khởi thủy mọi vật. Dầu Niết-bàn có thể được chứng đắc bởi những phàm nhân nhưng Niết-bàn không có bất cứ liên hệ gì với trần thế. Do đó, ngôn ngữ con người không thể diễn tả được bản chất của Niết-bàn. Dầu lời kinh câu kệ có cao siêu đến đâu cũng chỉ có thể gợi tả vài phẩm chất của Niết-bàn mà thôi. Ví dụ như qua đoạn kinh sau:

"Này chư tỳ kheo, có một cõi
không là đất, không là nước, không là gió, không là lửa,
không là cõi này, cũng chẳng phải cõi sau,
không phải mặt trăng cũng không phải mặt trời.
Nơi đó, này chư tỳ kheo,
Như Lai nói không sanh, trụ, diệt,
một nơi bất tử vô sanh.
Không nền tảng, không tiếp nối, không hỗ tương:
đó là sự diệt tận của Khổ." -- (Kinh Udana - Phật Tự Thuyết)

Vậy, Ðạo Phật là một Giáo pháp về xả bỏ, xuất ly. Xả bỏ cái gì? Và vì sao xả bỏ? Ðức Phật dạy: "Như Lai dạy về Khổ và sự Diệt Khổ." Cái mà ta phải xả bỏ chính là Khổ, sự bất toại nguyện. Nhưng 'bất toại nguyện' là gì? "Sanh là khổ, già, bệnh là khổ, chết là khổ; bi ai, than khóc, đớn đau, sầu muộn, tuyệt vọng là khổ; không thành đạt điều mong ước là khổ. Tóm lại, chính năm tập hợp làm đối tượng của tham ái hay ngũ uẩn thủ là khổ". Năm tập hợp là thân, cảm thọ, tri giác, những sinh hoạt tâm, và tâm thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Năm tập hợp căn bản này tạo nên một hợp thể được gọi là một 'chúng sanh' và được xem là cái 'ta' hay ‘bản ngã’. Chính bản ngã là nguồn gốc của khổ đau. Ðó là cái mà một người phải từ bỏ để vượt thoát đau khổ.

Hầu hết mọi tôn giáo đều công nhận hạnh Xả ly như một chân lý, nhưng chỉ có Phật giáo mới thật sự xuyên thấu được chân lý này. Cái cảm thức về 'ta', cái khái niệm ăn sâu bám rể về cái 'ta' phát xuất từ sự khao khát được hiện hữu của một chúng sanh. Từ khao khát này, tâm tham ái chấp giữ sanh khởi, bám chặt vào chính cái 'ta' cũng như những gì hỗ trợ, vun bồi, và che chở nó -- từ những hạnh phúc dục lạc cho đến tiền của, thân bằng, quyến thuộc, vv. Cũng từ khao khát này, sân hận ghét bỏ sanh khởi đối với bất cứ gì chống đối, không nuông chìu theo cái 'ta'. Bất cứ đối với những gì mà cái 'ta' cho là phương hại đến sự sinh tồn của chính nó, sân hận sẽ nổi dậy để tấn công hoặc tìm cách kềm chế. Do đó, cái 'ta' không bao giờ thật sự hạnh phúc vì nó luôn bị khuấy động bởi tham ái và sân hận. Tham ái và sân hận là hai sợi dây trói buộc cái 'ta' vào thế gian, là cội nguồn của mọi khổ đau. Chính do căn bệnh khổ đau này mà Ðức Phật đem liều thuốc cứu lành đến chúng sanh.

Qua sự phân tích ngắn gọn ở trên, ta thấy rõ ràng mối liên hệ hỗ tương giữa cái 'ta' với thế gian. Những cảm xúc của chúng ta đối với thế giới làm tăng bồi ý niệm về bản ngã và chính ý niệm này tạo ra ảo giác về một thế giới thường còn và có thực với những cái đáng ưa và đáng ghét của nó. Do đó xả ly và sự từ bỏ cái 'ta' chẳng qua là hai khía cạnh của một sự thể. Trong sự phân tích sâu sắc hơn, cái mà ta cho là thế gian có thể hiện hữu ngay trong chính chúng ta. Vì vậy, Ðức Phật dạy: "Chính trong tấm thân sáu bộ này, với những cảm xúc, ý nghĩ và tư tưởng của nó... là thế gian, là nguồn gốc thế gian, là sự diệt tận thế gian, và là con đường đưa đến sự diệt tận thế gian". (Tăng chi bộ kinh - Anguttara Nikaya.)

Trong thực hành, hạnh xả ly gồm ba giai đoạn. Trước hết là sự xả ly hình thức, khi một người từ bỏ đời sống cư sĩ xuất gia để trở thành Tăng hay Ni. Sự xả ly này, tuy không có một giá trị đích thực nội tại nào và trên lý thuyết có thể không cần đến nhưng lại tạo rất nhiều điều kiện ích lợi cho sự xả ly thật sự. Xả ly thật sự là sự khước từ trong tâm, là sự từ bỏ trong trí. Xả ly là xa lìa tham ái, buông bỏ sân hận trong nội tâm, chớ không là sự rũ bỏ chỉ những đối tượng bên ngoài. Cuối cùng, xả ly tuyệt đối là sự xả bỏ chính cái 'ta' một cách trọn vẹn hoàn toàn, và kết quả rốt ráo là sự diệt tận mọi khổ đau.

Ðoạn kinh sau đây nói về tiến trình xả ly trong Ðạo Phật được tìm thấy trong những bài kinh khác nhau tuy có thay đổi chút ít. Ðoạn này nêu lên cuộc sống lý tưởng của một tỳ kheo, khởi đầu khi vị này nghe được Giáo Pháp và kết thúc khi vị này thành đạt Niết-bàn.

"...Nay ở đời, xuất hiện Ðấng Toàn Giác, bậc A La Hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ðức Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ, với trí tuệ siêu phàm xuyên thấu mọi cõi trời, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cõi thế gian này với các Sa Môn, Bà La Môn, chư thiên và phàm nhân, Ngài tuyên thuyết điều chứng ngộ. Ngài truyền dạy Giáo Pháp, toàn thiện ở đoạn đầu, toàn thiện ở đoạn giữa, và toàn thiện ở đoạn cuối. Ngài truyền dạy đời sống phẫm hạnh vẹn toàn và thanh tịnh.

"Người gia trưởng hay con vị gia trưởng, hay một người từ một gia đình tốt được nghe Pháp ấy. Sau khi nghe Pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng đức Như Lai. Với tâm thành tín ấy, vị này suy nghĩ: 'Cuộc sống tại gia đầy hệ lụy, là con đường ngột ngạt bụi trần gian. Ðời sống xuất gia phóng khoáng thanh thoát. Thật khó cho một người sống tại gia có thể sống đời phạm hạnh vẹn toàn và thanh tịnh, trắng sạch như võ xà cừ. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình'. Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản lớn nhỏ, bỏ thân bằng quyến thuộc gần xa, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình."

Ðoạn trên nói về sự xuất gia hay xả ly hình thức. Bây giờ vị tỳ kheo phải hướng sự tu tập vào nội tâm mình. Bước đầu tiên phải làm là giải thoát tâm trí ra khỏi sự áp chế của những tình cảm đam mê qua sự trì giới chặt chẽ. "...Và người xuất gia sống cẩn thận thu thúc với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa), có được tư cách đứng đắn, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, tin nhận và tu hành trong Giới luật."

Sau đó kinh nêu lên bốn mươi điều mà vị tỳ kheo phải tránh xa. Bảy điều đầu tiên nhấn mạnh về những phẩm hạnh vị tỳ kheo cần vun bồi và phát triển trong giai đoạn đầu của tiến trình tu tập. Chúng cần được chú ý đến vì tầm quan trọng căn bản và tính cách tích cực của chúng. Những phẩm hạnh này sẽ giúp vị tỳ kheo kiên nhẫn hành trì những giới luật thu thúc mà không cảm thấy bực bội khó khăn. Phải xả bỏ thế tục mới thành đạt Niết-Bàn, cũng vậy, bất thiện pháp cần được xả bỏ để thiện pháp có điều kiện sanh khởi và phát triển trong tâm. Ðây là mục tiêu duy nhất của sự từ bỏ điều bất thiện. Bảy Giới luật sau đây cho ta thấy rõ điều này.

"Ở đây, vị tỳ kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, gươm đao, gậy gộc. Người biết xấu hỗ trước bất thiện, người hưóng tâm từ bi đến mọi chúng sanh...

"Vị này từ bỏ lấy của không cho, chỉ nhận lấy những gì đã cho, sống trong thanh tịnh, không trộm cắp...

"Vị này từ bỏ hành dâm, sống độc thân, không sống như những đám dân làng...

"Vị này từ bỏ không nói dối, tránh xa lời nói láo. Người chỉ nói lời chân thật do đó được người người tin cậy...

"Vị này từ bỏ lời nói đâm thọc, tránh xa lời nói hai lưỡi. Nghe điều gì chỗ này, người không đến chỗ kia nói để chia rẽ những người này; nghe điều gì chỗ kia, người không đến chỗ này nói để chia rẽ những người kia. Do vậy người hòa giải được những ai đang chia rẽ, khuyến khích những ai đang thân thiện. Hoan hỉ trong hòa hợp, hạnh phúc trong hòa hợp, người luôn nói lời tạo hòa khí an vui...

"Vị này từ bỏ lời cộc cằn, chỉ nói lời tao nhã, êm tai, thân thiện, thẳng thắn, lễ độ, làm người nghe thoải mái an vui...

"Vị này từ bỏ lời nói vô ích, chỉ nói đúng thời, nói sự thật, lời có ý nghĩa, về Giáo pháp, về Giới luật và Tăng đoàn. Lời người đáng trọng nễ, hợp thời, được cân nhắc, có suy xét, rõ ràng, và mang nhiều lợi lạc...

Ngoài bảy giới luật căn bản trên, vị xuất gia giữ gìn những điều khác như: không làm hại cỏ cây, tránh ăn sái giờ, không ăn diện chưng bày, không đờn ca múa hát, không dự tiệc vui, không bán buôn đổi chác, v.v.

"Sau khi vị tỳ kheo vẹn tròn trong Giới luật, đứng vững trên đất Giới, tự biết Giới đức không vết tỳ, tâm người vô ngại, vắng bóng lo sợ bất cứ gì. Chẳng khác một vì vua, đường đường chính chính xứng ngôi minh vương, giặc đã dẹp, biên thùy đã củng cố, cũng vậy, vị tỳ kheo tự biết giới đức đã giữ trọn, hạnh thu thúc đã vững vàng, tâm không vương vấn lo âu. Vị này sống với tâm an lạc thanh tịnh...."

Ðến đây vị xuất gia đã qua được hai tiến trình xả bỏ: xả bỏ đời sống thế tục và xả bỏ điều bất thiện qua Giới luật. Ðã từ bỏ đời sống tại gia, vị tỳ kheo giữ gìn không để Giới đức lấm nhơ, quyết tâm không để những rối ren thế tục kéo ngược về một nếp sống chính mình đã từng quay lưng xa lìa. Với giới đức thanh tịnh, người an trụ với tự tin và hạnh phúc trong tâm. Vị này đã củng cố được vững vàng sự thoát ly những đa đoan thế sự.

Và bây giờ, vị tỳ kheo được tự tại để hướng vào thế giới tâm linh, hướng đến sự tu tập xả bỏ nội tâm, thoát ly một đời sống tâm sống tâm vật lý hay cái 'ta'. Trước hết vị đó nỗ lực tạo khả năng để không dính mắc vào những sinh hoạt của giác quan cũng như của tâm bằng sự thực hành chánh niệm. Người tu niệm bằng cách chánh niệm ghi nhận những gì đến từ sáu cửa giác quan để khỏi phản ứng một cách bất thiện. Giới đức trước kia đã được tu luyện vững vàng, nay trở thành yếu tố kềm giữ tâm. Ðối tượng chạm vào tâm qua sáu giác quan không còn khả năng khuấy động tâm người. Vị này sống 'quán thân trên thân', ghi nhận rõ ràng mọi oai nghi của thân một cách khách quan bình thản, chẳng khác nào đang theo dõi quán sát những sinh hoạt thân của một người khác.

"Và làm thế nào vị tỳ kheo thu thúc lục căn? Khi thấy một hình thể qua mắt, người không chấp giữ tướng chung hoặc tướng riêng."

Ngày nào vị tỳ kheo còn sống buông lung trong cái 'thấy', ngày đó người vẫn là con mồi cho tham ái và khổ đau, cho Ma vương và bất thiện pháp. Do đó, vị tỳ kheo cố gắng tu tập thu thúc, thận trọng với từng cái 'thấy', ghi tâm giữ gìn không buông lung. Cùng thế ấy, vị tỳ kheo thu thúc cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái đụng chạm trên thân, và suy nghĩ trong tâm. Khi sáu giác quan được thu thúc, vị tỳ kheo an trú trong hạnh phúc và thanh tịnh.

"Và làm thế nào vị tỳ kheo có chánh niệm tỉnh giác? Vị ấy luôn ghi biết rõ ràng khi đi tới đi lui, khi nhìn trước nhìn sau, khi co tay duỗi tay, khi mang y cầm bát, khi ăn uống ngủ nghỉ, khi đi đứng nói năng, và khi giữ im lặng: bất cứ đang làm gì, vị tỳ kheo biết mình đang làm vậy. Như thế ấy, vị tỳ kheo có chánh niệm và tỉnh giác."

Tâm tham ái thế tục được rũ bỏ, vị tỳ kheo có được tâm xả bỏ, vô chấp với chính mình. Người hoan hỉ với nếp sống tri túc, với vài vật dụng cần thiết. "Vị tỳ kheo tri túc ấm thân với tấm y, ấm bụng với miếng cơm khất thực; chẳng khác nào con chim chỉ cần đôi cánh để bay đây đó, vị này chỉ cần hai vật kia để đi lại đó đây. Như vậy, vị tỳ kheo sống tri túc."

Sau khi từ bỏ sự chấp giữ tham ái vào thế sự cũng như chính bản thân, vị tỳ kheo dồn hết sức lực và tâm trí tu tập nhắm vào chính tâm mình -- nguồn gốc của mọi khổ đau. Chọn nơi thanh vắng, vị này ra công tu tập thanh lọc tâm, cố gắng nhiếp phục năm 'chướng ngại'.

"Từ bỏ tham ái, người sống với tâm không tham ái.
Từ bỏ sân hận, người sống với tâm không sân hận.
Lòng từ mẫn luôn hướng đến chúng sanh, người vượt thoát sân hận.
Tâm luôn trong sáng, chánh niệm, tỉnh giác, người rũ sạch dã dượi buồn ngủ.
Từ bỏ chao động lo âu, người sống không chao động lo âu.
Tâm thanh tịnh trầm tỉnh, người rũ bỏ chao động lo âu.
Từ bỏ hoài nghi, người vượt thoát hoài nghi.
Không còn hoan mang lưỡng lự trước thiện pháp, người rũ sạch hoài nghi."

Năm chướng ngại được chế ngự, tâm vị này tràn đầy sự thảnh thơi. Ðức Phật ví cảm giác nhẹ nhàng này như nơi một người vừa trả hết nợ nần, qua cơn bệnh nặng, thoát khỏi ngục tù, dứt gồng nô lệ, qua khỏi một vùng hoang vu đầy nguy hiểm một cách an toàn. Năm chướng ngại được chế ngự, hạnh phúc thanh tịnh tràn đầy thân tâm, vị tỳ kheo có được điều kiện hỗ trợ nhập Sơ thiền (jhana). Sơ thiền là trạng thái đầu tiên của những thiền tâm có được do sự thực hành viên mãn sự định tâm trên đề mục. Sự đắc thiền này mang lại cho hành giả trạng thái an lạc thanh tịnh cao vượt hơn mọi hạnh phúc thế gian. Quan trọng hơn, nhứt là đối với những Phật tử, sự đắc thiền là một phương tiện sẽ giúp tâm phát triển được trí tuệ siêu thế, một trí tuệ vượt ngoài mọi giới hạn giác quan.

Sau khi đạt sơ thiền, vị tỳ kheo tiếp tục công phu thiền tập và đạt những tầng thiền cao hơn: nhị thiền, tam thiền, và tứ thiền. Vị này lần lần rũ bỏ những ý nghĩ, khái niệm, những trạng thái hoan hỉ an lạc và cuối cùng mọi cảm giác hạnh phúc hay khổ đau, an vui hay bực bội. Bây giờ trong trạng thái chánh niệm thuần tịnh và xả ly, tâm này trở nên "trầm tỉnh, trong sáng, thanh thoát, không vết lấm, không còn ô nhiểm, nhu nhuyến, dễ thích ứng, vững trụ, và tịch tỉnh". Tại thời điểm này, nếu muốn, vị đó có thể phát triển thần thông như túc mạng minh, hay nhớ lại những tiền kiếp xa xưa của mình; thiên nhãn minh hay thấy được chúng sanh tái sinh do nghiệp lực đã tạo ra trong quá khứ. Ngoài ra, vị đó cũng có đủ khả năng để phát triển trí tuệ trực tiếp và xuyên thấu vào bản chất đích thực của thực tại để giải thoát. Tuy nhiên, ngay giai đoạn này, vị tỳ kheo đã bỏ thế tục một khoảng cách khá xa. Do đó, vị này phải quay tâm trở về với ‘thế gian’ nếu vị ấy muốn viên mãn tiến trình tu tập xả bỏ. Sự giải thoát rốt ráo chỉ có được khi vị này xuyên thấu được ‘thế gian’ và bản ngã chớ không phải quay lưng lại với chúng. Cho nên vị này tự quán lấy thân tâm và ghi nhận: "Ðây là thân, do tứ đại hợp thành, từ cha mẹ mà có, nhờ vật thực lớn mạnh, một thể chất vô thường, mong manh, dễ hoại diệt. Và đây là tâm, bị trói buộc và tùy thuộc vào thân."

Sự giải thoát cuối cùng hay là sự xả bỏ tuyệt đối chỉ đạt được khi tất cả mọi phiền não trong tâm bị đoạn tận. Phạn ngữ Pàli "asava" (hoặc "asravas" theo Sanskrit) là một danh từ không thể phiên dịch một cách rốt ráo đầy đủ. 'Asava' dịch sát nghĩa là 'sự tuôn chảy vào' hoặc 'sự tuôn chảy ra' hay là 'lậu hoặc'. Những ô nhiễm này chính là động lực kéo dài sự hiện hữu của chúng sanh. Chỉ có một trí tuệ viên mãn toàn hảo, một trí tuệ với khả năng xuyên thấu được bản chất 'do điều kiện tạo thành' và 'bất toại nguyện' của mọi hiện hữu, mới đoạn trừ được chúng như đã được dạy trong Tứ Diệu Ðế.

Trong Tứ Diệu Ðế Ðức Phật đã dạy: "Chẳng khác nào một người đứng bên hồ nước trong. Nước thủy tinh, hồ gương lắng đọng. Người này thấy được những cua sò, đá sạn dưới đáy, và những đàn cá đang bơi lơ lững hay ngừng lại." Cũng vậy, vị tỳ kheo "với tâm trầm tỉnh, trong sáng, thanh thoát, không vết lấm, thanh lọc, nhu nhuyến, dễ thích ứng, vững trụ, và tịch tỉnh, hướng đến sự diệt tận ô nhiễm. Vị này biết như thật: "Ðây là Khổ, đây là Nguyên nhân của Khổ, đây là sự Diệt Khổ, và đây là Con đường đưa đến sự Diệt Khổ... Ðây là những ô nhiễm, đây là nguyên nhân của chúng, đây là sự diệt tận chúng, và đây là con đường đưa đến sự diệt tận chúng." Biết vậy và thấy vậy, tâm vị này không còn ô nhiễm của tham ái, không còn bợn nhơ của khát khao hiện hữu, không còn vết lấm của vô minh. Giải thoát, vị này biết mình đã giải thoát và hiểu rằng: "Tái sanh đã đoạn tận, đời sống phạm hạnh đã chu toàn, những gì cần làm đã làm, sau kiếp hiện tại không còn đời sống khác." Trí tuệ viên mãn, sự xả bỏ thế gian và cái 'ta' được thành tựu viên mãn, và vị tỳ kheo, nay là một thánh nhân, bậc A La Hán cao thượng, chứng đạt trạng thái bất tử -- Niết-bàn.

Trên đây nói về hạnh Xả ly qua hai phương diện lý thuyết và thực hành được ghi lại theo kinh điển Pàli. Sau đây là phần phân tách những thành kiến sai lầm khi luận bàn về hạnh Xả ly nói chung và tâm nguyện xuất gia nói riêng trong Ðạo Phật.

Trước hết những đoạn kinh trên nêu lên tiến trình tu tập của một vị tỳ kheo. Phần lớn những bài Pháp trong Tam Tạng Kinh hướng đến các vị thọ giới tu hành, do đó nhiều người cho rằng con đường xả ly chỉ dành cho tăng ni mà thôi. Nghĩ vậy là hiểu lầm vì trong biết bao bài kinh khác, Ðức Phật ban lời chỉ dạy trên nhiều phương diện thế gian như chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo đến giới cư sĩ. Trong tiến trình lịch sử Ðạo Phật, biết bao thiện nam tín nữ đã hành trì y lời dạy của Ðức Phật và chứng đắc trí tuệ. Và dầu những bài pháp được thuyết giảng trước hội chúng tăng ni, nhưng lời dạy của Ngài không chỉ dành riêng cho hàng tu sĩ. Bản Chú giải của kinh Ðại Niệm Xứ (Trường Bộ Kinh) có ghi: "Vị tỳ kheo được nêu lên ở đây như một thí dụ cho bất cứ ai quyết tâm rốt ráo hành theo lời Ðức Phật. Ai hành trì y vậy, người đó được gọi là 'tỳ kheo'."

Tuy Ðức Phật không hề lơ là với giới Phật tử cư sĩ, nhưng Ngài để ý đến tăng ni hơn. Ðức Phật tự ví mình như một nông phu với ba mẫu ruộng, mẫu thứ nhứt phì nhiêu, mẫu thứ hai tốt vừa, và mẫu thứ ba khô khan cằn cỗi. Ðức Phật ví mảnh đất phì nhiêu như hội chúng tăng ni, mảnh tốt trung bình như các Phật tử cư sĩ, và mảnh đất khô cằn như những "ẩn sĩ, bà la môn, và khất sĩ thuộc những môn phái tôn giáo khác". Như người nông phu gieo mạ lên cả ba thửa ruộng, Ðức Phật ban dạy Giáo Pháp đến mọi người không phân biệt kỳ thị ai, chí đến nhóm thứ ba vì nếu "chỉ hiểu được một câu, họ sẽ hưởng được phước báu và hạnh phúc lâu dài." (Tương Ưng Bộ Kinh).

Mạ gieo trên mảnh ruộng phì nhiêu, tất nhiên người nông phu đặt lòng tin tưởng cành lúa sẽ nặng hột. Dìu dắt chỉ dạy chư tăng ni, Ðức Phật nghĩ những vị này sẽ đạt được thành quả lớn lao. Sở dĩ như vậy là vì Giáo Pháp Ðức Phật hướng đến sự xả ly nội tâm và đời phạm hạnh xuất gia tạo những điều kiện thuận lợi nhứt cho sự tu tập. Hoàn mãn con đường Giới-Ðịnh-Tuệ là cả một công trình. Và đời sống xuất gia sẽ giúp vị tỳ kheo vượt qua những trỡ ngại vì không phải bận tâm với việc làm kiếm sống, tiền của, gia đình, và những đa đoan phiền toái thế sự.

Ðối với những cư sĩ chưa có khả năng, chưa đủ nhân duyên, hoặc không hề nghĩ đến chuyện xuất gia thì sao? Ta không nên vội vã hiểu lầm là người Phật tử phải quyết định ngay trong giây phút này giữa Niết bàn hay biển khổ luân hồi để dứt bõ thế gian tương tự như một tín đồ Ki-tô giáo quay lưng với quỷ dữ Sa-tăng. Vô lượng kiếp sanh tử đang trải dài trước mắt, người Phật tử có nhiều thì giờ để chuẩn bị cho sự xả ly thế tục của chính mình... với điều kiện người này sống thiện lành, giữ gìn giới đức, không phạm điều ác để phải đọa vào cảnh khổ về sau.

Trong Ðạo Phật, không có sự phân biệt rõ ràng giữa người được cứu rỗi và kẻ bị đọa đày. Sự phát triển tâm linh có nhiều trình độ khác nhau, và Ðức Phật, như một vị thầy điêu luyện, giảng dạy Giáo pháp của Ngài một cách uyển chuyển, tùy theo nhu cầu và căn cơ người nghe. Cho những ai đã cảm nhận được sự trống không của thế gian, Ngài chỉ rõ con đường giải thoát tuyệt đối. Cho những ai vẫn còn yêu đời ham sống, Ngài chỉ cách sống đời thiện lành, một lối sống với nhiều lợi lạc hạnh phúc, ít nguy hại khổ đau cho chính mình và mọi người. Ðức Phật không bao giờ đòi hỏi điều gì vượt quá khả năng con người. Ngài dạy: "Chẳng khác lòng biển xuôi nhẹ từ bờ cạn đến đáy sâu, không đột nhiên hụt hẫng, cũng vậy, trong Giáo pháp và Giới luật của Ðức Phật sự tu tập là một diễn trình tiệm tiến, một công phu hành trì tuần tự, và một sự tiến triển tâm linh lần hồi. Một chứng đắc bất ngờ về trí tuệ siêu thế không thể đột nhiên xảy ra được." (Kinh Udana, Phật Tự Thuyết).

Do đó ta không phải lao xuống biển sâu khi chưa học bơi nơi nước cạn. Làm như vậy có phần tai hại là khác như được cảnh giác trong Kinh Lời Vàng (Pháp Cú).

Như cành lau bén cắt bàn tay về vụng,
Sống đời tu sĩ không chân chánh sẽ đọa vào ác đạo. -- Kinh Lời Vàng, câu 311

Trở thành đệ tử của Ðức Phật, một người có thể tạo cho chính mình một đời sống thiện lành ngay từ lúc bắt đầu. Với tâm thành tín, người cố gắng giữ gìn giới đức, vun bồi tâm từ, nói lời nhẹ nhàng, hướng tâm thân thiện đến mọi người, tìm học và suy gẫm thường xuyên về Giáo pháp, cố gắng tự soi tự biết, phát triển tâm chánh niệm với thiền tập. Một đời sống như vậy sẽ đem nhiều lợi lạc lớn lao. Cuộc sống trên không đòi hỏi ta phải là một vị thánh hoặc tu sĩ xuất gia. Với tinh tấn, kiên trì, và nhẫn nhục người cư sĩ chắc chắn sẽ đạt được tiến bộ:

Ðừng xem thường việc thiện, cho rằng phước kia sẽ chẳng đến với ta.
Như giọt nước đầy bình, thiện pháp từng giọt một, chuyển người thành tốt lành.
- Kinh Lời Vàng, câu 122

Từng chút một, hiền nhân thanh lọc tâm,
Như người thợ kim hoàng, từng chút một, lọc chất dơ ra khỏi bạc.
- Kinh Lời Vàng, câu 239

Một thành kiến sai lầm khác cho rằng xuất gia là một chuyện đầy u sầu chán nản. Một người viết tiểu sử về Thánh John, một huyền sĩ Ki-tô giáo, đã viết như vậy về sự xuất gia trong tác phẩm của ông: Rất ít người, dầu đời sống tâm linh có sâu sắc đến đâu, không thấy được sự chán ngán của đời xả ly. Sự xả ly toát ra những cơn giá lạnh giết người không những đối với ai còn chìm đắm trong cơn nóng dục lạc, mà ngay cả đến những người đang êm ấm hưởng hạnh phúc tràn đầy trong niềm tin thuần khiết vào Thượng đế. Sự xả ly kêu gọi họ hãy rời vùng ánh sáng do Thượng Ðế ban ra để bước vào một thế giới "vô định tối tăm". Cũng vậy, nhiều người đã có những phản ứng tương tự khi mới đọc những giòng kinh nói về hạnh xuất gia trong Ðạo Phật. Lý do thiên hạ vội vã cho rằng Ðạo Phật bi quan và hư vô không ngoài sự "vô định tối tăm" vừa nêu ra.

Ðối với đa số chúng sanh, khoái lạc giác quan bao gồm niềm vui trong tâm là hạnh phúc duy nhứt của kiếp người, là cội nguồn của mọi an vui. Tất nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ những hạnh phúc này để đổi lấy một mục tiêu xa vời mờ ảo. Chẳng qua họ không thấy được mục tiêu của hạnh xuất gia vì còn chìm đắm giữa vô minh. Bóng tối thăm thẳm kia là đối phần của sự đui mù chủ quan. Những ai đã từng kinh nghiệm "bóng tối" hay sự "vô định tối tăm" này đều quả quyết rằng không hạnh phúc nào sánh bằng hạnh phúc xả ly.

Ðiều này không khó để hiểu một khi ta thấy được khoái lạc giác quan đến từ nguyên nhân nào. Khoái lạc này đến từ sự thỏa mãn tham ái. Khi tham ái sanh khởi và gây ra sự căng thẳng trong tâm, tâm trở nên bất an, làm người bực bội khó chịu. Ðể hết khó chịu, ta phải tìm cách thỏa mãn tham ái kia. Tham ái được thỏa mãn, tâm trở nên dễ chịu, và hạnh phúc hay khoái lạc cảm giác xem như đã đạt được. Nhưng Ðức Phật dạy, ngày nào tham ái còn, ngày đó con người vẫn còn tiếp tục hiện hữu. Bao lâu sự hiện hữu còn tiếp tục, bấy lâu tham ái sẽ sanh khởi không ngừng nghỉ và luôn làm tâm bứt rứt. Ðiều này có nghĩa là sự thỏa mãn tham ái hay hạnh phúc chỉ là tạm thời và không bao giờ trọn vẹn.

Có một hạnh phúc khác, không đến từ sự thỏa mãn ái dục mà do sự chế ngự ái dục qua hạnh xả ly đem lại. Sự chế ngự này không làm ta khổ sở, trái lại, mở rộng cho ta một con đường hạnh phúc đích thực và lâu bền. Khi mục tiêu của hạnh xả ly được thành đạt, sự hiện hữu chấm dứt, tham ái không còn phiền nhiễu, khuấy động tâm. Kết quả mỹ mãn là một trạng thái hạnh phúc hoàn toàn tịch tỉnh, một trạng thái không thể thấu hiểu được bởi thường nhân còn vướng mắc trong vòng dục lạc. Dầu chỉ trong một thời gian tạm thời, khi tâm an trú trong thiền định, hành giả cũng kinh nghiệm được một hạnh phúc thanh tịnh tuyệt vời, thoát lên mọi kinh nghiệm thế gian, và tiên nghiệm được hương vị vô song vô tả của hạnh phúc Niết-bàn. Hãy luôn nhớ điểm này để ta không còn lầm lẫn cho rằng Ðạo Phật là bi quan, hoặc tin rằng người Phật tử phải quay lưng từ bỏ thế gian vì chán ghét. Không có gì phi Phật giáo bằng tâm sân hận ghét bỏ -- ghét bỏ thế gian hay bất cứ gì. Nếu một người xuất gia vì tâm chán ghét thế tục, công phu kia sẽ trở thành vô ích và tạo nhiều tai hại. Kinh Lời Vàng nói đến sự xuất gia với tâm ý chân chánh như sau:

Ðể được hạnh phúc bao la, phải từ bỏ những thú vui nhỏ nhặt,
Hiền nhân bỏ lại hạnh phúc nhỏ nhoi, tâm hướng về hạnh phúc lớn lao.
- Kinh Lời Vàng, câu 290

Một thành kiến sai lầm khác cho rằng người xuất gia từ bỏ thế gian này vì cõi đời xấu xa, thối nát, đầy ô trược. Nhưng người Phật tử thông hiểu Giáo pháp không hề có cái nhìn như vậy về cuộc đời. Họ không hề cho rằng thế gian này không có hạnh phúc hoặc không thanh đẹp. Họ không hề nghĩ thế gian này đầy dẫy tội lỗi và vô giá trị. Ðạo Phật chỉ đơn giản cho ta thấy hạnh phúc và vẽ đẹp trong thế gian là khiếm khuyết vì bản chất tạm bợ và phải chịu thay đỗi khiến trở nên đau khổ và ô trược. Lý tưởng của Ðạo Phật là chẳng tham đắm vào hạnh phúc sắc đẹp, cũng không chán ghét khổ đau ô trược. Lý tưởng này chỉ nhằm quán sát sự vật như chúng đang là với sự xả ly và giải thoát hoàn toàn của tâm.

Một ngộ nhận khác là cho rằng hạnh xả ly là một chuyện khó khăn vô lường, hiếm ai làm được ngoại trừ những người với ý chí phi thường và sức mạnh tinh thần vô biên đè nén được những đòi hỏi thể xác tự nhiên nơi con người. Dỉ nhiên, cắt lìa sợi dây trói buộc giữa ta và thế gian không phải là điều dễ làm hay thích thú. Ðể thành đạt mục tiêu, một kỷ cương chặt chẽ và một tâm kiên trì không ngừng nghỉ là những điều kiện tối cần thiết. Tuy nhiên, hạnh Xả ly không thể bị áp đặt. Tự ép buộc mình vào đời sống xuất gia chứng tỏ người này chưa sẵn sàng với nếp sống tu hành. Người này cần phải trau giồi hạnh kiên nhẫn, nếu không, thay vì xả ly sẽ càng tham đắm hơn vào thế gian. Một đứa bé ngày càng lớn sẽ bỏ không chơi những đồ chơi thời còn nhỏ, chẳng qua vì nó trưởng thành ra khỏi tuổi ấu thơ, chớ không vì bị bắt buộc từ bỏ những đồ chơi đó.

Tương tự như vậy, người xuất gia từ bỏ đời sống cư sĩ đa đoan. Lúc đầu, có thể người này vẫn còn nhớ đến những niềm vui trước đây, nhưng rồi vị này sẽ trưởng thành và không còn mong tìm chúng nữa. Ðối với vị này, hành trì hạnh xuất gia, dầu vẫn là một công phu khó khăn, nhưng không còn là một việc ngoài tầm sức hoặc đáng chán. Ngược lại, cuộc sống tu hành thanh tịnh là phương cách thích hợp nhất đưa đến hạnh phúc thật sự và lâu bền. Xuất gia không là một hành động "xua đuổi" những bản năng con người, nhưng chỉ là sự xả bỏ, không chấp giữ vào chúng nữa mà thôi.

Cuối cùng, một định kiến sai lầm nữa cho rằng xuất gia là một hành động xa lánh cuộc đời, một chủ trương trốn tránh ích kỷ. Xuất gia không là con đường dễ dàng để thoát thân. Ngược lại, sống đời xuất gia đòi hỏi một nỗ lực tự chế đáng kể. Mục đích của xuất gia là để vượt thoát phiền não thế gian, để thấu hiểu và diệt tận gốc rể của đau khổ, chớ không để quay lưng trốn chạy. Ðối với những lời chỉ trích cho rằng xuất gia là một hành động ích kỷ, không nghĩ đến lợi lạc tha nhân, câu trả lời có thể bằng nhiều cách. Trước hết hãy dựa vào lời dạy của Ðức Phật. Ngài dạy rằng: "Một người đang chìm trong vũng bùn không thể cứu một người khác đang cùng hoàn cảnh như mình. Chỉ ai đã thoát ra khỏi vũng bùn mới có thể cứu một người khác lên bờ ráo cạn."--(Trung Bộ Kinh, bài số 8). Nói một cách khác, khi chưa giúp được chính mình, ta không thể giúp người khác một cách có hiệu quả. Khi chưa giải quyết các vấn đề cho chính mình, ta không thể thật sự giải quyết cho người khác. Do đó, "tự giác" là điều kiện tiên quyết phải có trước khi "giác tha". Thứ hai, đối với một Phật tử chân chánh, tâm ích kỷ hẹp hòi là một điều không thể có, vì mục tiêu tối thượng của người này là sự diệt tận cái 'ta', và tâm từ bi đối với mọi chúng sanh là một phẩm hạnh tối cần trong tiến trình tu tập của người xuất gia. Sau khi viên thành mục tiêu tối thượng, sau khi thành đạt giải thoát vẹn toàn, vị này chỉ sống cho người khác, để giúp họ ra khỏi đầm lầy. Cuộc đời Ðức Phật là tấm gương trong sáng hoàn mỹ. Sau khi sáu mươi vị đệ tử đầu tiên của Ngài đạt được sự giác ngộ, Ðức Phật gởi các vị đó đi truyền bá Giáo Pháp với những lời khích tấn như sau: "Hãy ra đi, này chư tỳ kheo, vì lợi ích của mọi người. Hãy vì hạnh phúc của nhiều người, do lòng bi mẫn đối với thế gian, vì an vui, lợi lạc, hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại." (Luật tạng, Ðại phẩm - Mahavagga).

Cuối cùng, ta nên nhớ rằng lòng bi mẫn đối với thế gian và tâm xả ly thế gian không phải là hai điều không tương hợp. Ngược lại, chúng không hề lìa nhau. Lòng bi mẫn chỉ thật sự trong sạch nhất khi nó không bị dính mắc. Ví dụ, nếu ta giúp một người với ẩn ý như là kỳ vọng sự đền đáp, lòng bi mẫn này nếu thật sự có mặt trong ta, cũng bị lem vết tì vị kỷ. Vi tế hơn nữa, khi ta giúp kẻ khác với tâm lo nghĩ đến hành động giúp đỡ của mình và kết quả, tác ý của ta cũng bị ô nhiễm bởi ích kỷ vì cái 'ta' vẫn hiện diện trong việc làm cũng như trong liên hệ giữa ta và người. Sư hiện diện của cái 'ta' chứng tỏ si mê trong tâm chưa được bật gốc và chính vì vậy mà sự giúp đỡ thiện nguyện vị tha của ta sẽ kém hiệu quả hơn là sự giúp đỡ của những ai đã hoàn toàn xả ly.

Do đó một kết luận nghịch lý là lòng bi mẫn hoàn toàn, sự giúp đở toàn hảo, chỉ có được với tâm buông xả rốt ráo. Những ai có được sự buông xả trọn vẹn sẽ hưởng được nhiều lợi lạc nhứt. Chính cuộc đời của Ðức Phật cho ta thấy rõ điểm này hơn hết. Ngài từ bỏ thế gian để rồi Ngài vượt thoát thế gian. Sau khi Giác ngộ, không còn gì có thể đem thêm lợi lạc cho riêng Ngài, Ngài dành trọn quãng đời còn lại đi đó đây trên khắp nẻo đường vùng Bắc Ấn để chỉ dạy cho các chúng sanh mà Ngài biết rất rõ cuộc hiện sinh của họ không có thực chất.

Không còn nghi ngờ gì nữa về lòng bi mẫn thuần khiết của Ðức Phật. Ngoại trừ sự xả ly trọn vẹn, chẳng còn lý do nào khác để sống như Ngài đã sống. Và đối với sự cứu độ chúng sanh mà Ngài đã cống hiến, khoảng thời gian hai mươi lăm thế kỷ qua của lịch sử Phật Giáo là bằng chứng hùng hồn cho những gì Ðức Phật đã đem đến thế gian vì tâm Ðại Từ Ðại Bi của Ngài.

Sadhu! Sadhu! Sadhu!


[Trở về trang Thư Mục]