BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Quyền hạnh phúc

Tenzin Gyatso
Thiện Tri Thức dịch


Con người ai cũng ước muốn hạnh phúc và từ chối khổ đau. Và thông thường, các cảm thức này luôn được đặt trên nền tảng của ý niệm về một "cái tôi" (tôi muốn điều này; tôi không muốn điều kia...). Phật giáo quan niệm về quyền hạnh phúc, một ước muốn chính đáng của con người như thế nào?

Thế hệ hiện đại biết đến một sự phát triển lớn lao, đặc biệt trên phương diện vật chất, nhưng đồng thời, xã hội loài người đang lâm vào khủng hoảng và chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.

Có những vấn đề mà nguyên nhân nằm ở ngoài tầm của con người, như thiên tai chẳng hạn: chúng ta không thể tránh chúng. Ngược lại, nhiều vấn đề khác có thể dành cho con người bởi vì chúng ta phải chịu đựng chúng vì do những tính khí khuyết điểm của chúng ta, do sự thiếu sót bi thảm ở nơi mỗi con người: tôi đánh giá chúng là dư thừa. Nguyên nhân của chúng là do động lực của chúng ta, chỉ cần con người sửa đổi lại thái độ của mình thì chúng không còn lý do để tồn tại.

Những xung đột này do cái gì? Thông thường nhất là do những sự dị biệt ý thức hệ, tiếc thay đôi khi được nuôi dưỡng bởi những niềm tin tôn giáo khác biệt. Nghĩa là hoàn toàn quan trọng cần có một thái độ đúng đắn.

Có nhiều triết gia đã ra đời. Về phần Phật giáo Đại thừa xác quyết chính lòng từ bi là nền tảng, chỗ nương dựa tối thượng của nhân loại. Phẩm chất trỗi vượt này có khuynh hướng thương yêu người lân cận, giúp đỡ họ khi họ đau khổ, tự quên mình vì họ, là một thái độ mà chỉ có con người mới có biện pháp đánh thức. Khi con người vận dụng nó thì lòng tốt, cách cư xử nồng nàn và những phẩm chất của tâm biểu lộ. Anh ta là người được hạnh phúc trước tiên. Những người chung quanh, cảm thấy bầu không khí an vui và thiện cảm mà anh ta làm ngự trị quanh mình, cũng được lợi lạc biết bao. Nhưng loại kinh nghiệm này có thể không dừng lại ở đó mà trải rộng khỏi vòng tròn này. Như thế, người ta có thể tương thông từ cá nhân đến cá nhân, giữa những người công dân, từ xứ sở này qua xứ sở khác, từ lục địa này sang lục địa khác.

Phương pháp cho phép khuếch trương cách thế tương thông dễ chịu này cần đến sự tư duy phân tích lẫn thiền định. Nó đặt nền tảng trên một nguyên lý căn bản: lòng bi mẫn, sự chăm sóc đối với người khác.

Nhưng người khác không phải là không có "cái tôi", và theo quan điểm quy ước, cái tôi này không thể chối bỏ được. Chúng ta đều có một cảm giác đích thực, neo sâu vào chỗ sâu thẳm nhất của chúng ta, nó diễn dịch thành: "Tôi muốn điều này", "Tôi không muốn điều kia". Cảm thức là mình biểu lộ một cách tự nhiên nơi chúng ta và cũng rất tự nhiên đi kèm một ước muốn hạnh phúc và một từ chối khổ đau; điều không chỉ là tự nhiên mà còn đúng đắn. Chúng ta mong muốn được hạnh phúc mà không muốn khổ đau: điều ấy hoàn toàn chính đáng, khỏi phải cần biện hộ.

Với tư cách đó, chúng ta có quyền được hạnh phúc và không bị đau khổ.

"Vậy tình cảm tự nhiên này, quyền hạnh phúc này thuộc về tôi hay là cho tất cả?". Có một sự khác biệt: khi bạn nói "tôi", điều đó chỉ liên quan đến một người, còn khi là "tất cả", thì có nghĩa là đang nói đến vô số người.

Để điều ấy không trừu tượng, nên tư duy bằng cách phác họa trong trí bức tranh sau đây. Hãy tưởng tượng ở một bên là cái "tôi" của bạn, cho đến lúc này nó chỉ lo lắng cho những ích lợi riêng của nó. Bên kia là một đám đông sinh linh đầy mút tầm mắt. Ở giữa là bạn, nhân tố thứ ba quan sát hai bên.

Có phải cả hai bên có cùng một nguyện vọng được hạnh phúc? Một sự ghê sợ khổ đau?

Cả hai đều có quyền được mãn nguyện, có phải thế không? Chắc chắn không chối cãi được! Nhưng khi người ta bị điều động bởi tình thương chính mình, thì người ta thấy rằng không có gì quan trọng hơn chính mình cả. Tuy nhiên, dù giá trị mà lòng ích kỷ tự nhận có lớn đến đâu, nó cũng chỉ đại diện cho chỉ một người, và dù giá trị nhận ra ở người khác có ít đến đâu, thì những người khác ấy là vô số.

Người quan sát vô tư không thể nói ngược lại một điều rõ ràng như thế. Nhận biết dễ dàng số đông lớn lao nhất thì vô cùng hơn chỉ một người, anh ta hiểu rõ giá trị của người khác trong tương quan với chính mình.

Rồi đến câu hỏi sau: tôi có nên dùng những người khác để họ phục vụ cho những mục đích của tôi? Tất cả làm lợi cho chỉ một người, điều đó sẽ không công bằng, và cho dù nó có thể thực hiện được, nó không đủ làm cho tôi sung sướng. Điều đúng đắn là đem những khả năng và cái tốt đẹp nhất của mình để phụng sự cho tất cả. Đó là cội nguồn của niềm vui lớn. Nếu các bạn kiên trì trong thái độ này, với tư tưởng hợp lý này, các bạn sẽ thấy rằng lòng bi, tình thương người khác sẽ lớn mạnh. Các bạn còn có thể trải rộng từ bi đến với những kẻ thù của các bạn, điều mà sự chấp thủ bình thường không thể làm. Bởi vì, đối với những người thân cận, cha mẹ, con cái, chắc chắn các bạn có tình thương, nhưng đó chỉ vì họ là mẹ "của bạn", cha "của bạn", con cái "của bạn", và vì bạn yêu quý họ. Khi tình thương liên kết với chấp thủ, người ta không thể thương yêu những ai tỏ ra nghịch lại với quan điểm của chúng ta. Chúng ta còn quá chấp dính vào lợi ích riêng tư của mình.

Thật khác với tình cảm nảy sinh từ sự biết ơn trong sáng về cuộc đời trong mọi hình thức của nó, về cái mà nó chịu ơn. Khởi từ đó, tình thương là khá rộng để không loại trừ một ai, ngay cả kẻ thù.

Trong sự tiến bộ này, cần thiết phải phát triển lòng khoan dung và nhẫn nhục. Và ai khác nếu không phải là kẻ thù có thể ban cho chúng ta dịp may để biểu lộ chúng? Cha mẹ chúng ta ư? Các vị thầy của chúng ta ư? Họ không phải là những gì tốt nhất cho điều đó. Đối thủ của chúng ta, chính họ, mới làm cho chúng ta khắc ghi điều đó được. Chúng ta hãy chấp nhận cho họ vinh dự ấy: về vấn đề này, không có vị thầy nào tốt hơn! Bạn bè, vị thầy đặc biệt nhất cũng không sát cánh bằng, cũng ít sốt sắng bằng.

Chúng ta có thể nhận ra rằng những thời kỳ nặng nề nhất của cuộc đời cũng là những thời kỳ phong phú nhất, về hiểu biết cũng như kinh nghiệm. Khi nào cuộc đời không dẫn chúng ta đi lạc lối, sự tiến bộ dễ dàng, tất cả đều êm dịu, và điều đó rất tuyệt. Nhưng có những ngày xấu, và người ta rơi vào thất vọng và tuyệt vọng. Tuy nhiên, chính là trong sự đối nghịch mà cơ hội đến cho ta để học hỏi. Chính lúc đó, sức mạnh bên trong, sự quyết tâm, lòng can đảm được trui rèn để đối mặt với thử thách. Ai đem lại cho chúng ta dịp may này? Người hại của chúng ta.

Điều đó không có nghĩa là người ta phải cúi rạp mình trước họ. Thật vậy, tùy theo những cách thức mà người ta dùng, người ta có thể được dẫn đến một thử thách sức mạnh. Nhưng, ở trong sâu xa của mình, người ta phải không mất sự bình an cũng không quên lòng bi mẫn. Điều ấy hoàn toàn có thể!

Có lẽ các bạn nghĩ: "Đó chỉ là lý thuyết!". Hoàn toàn không phải thế. Các bạn có thể kinh nghiệm về chuyện đó và tự phán xét nó. Không gì xứng đáng cho những nỗ lực của các bạn bằng sự phát triển năng lực của tình thương. Đó là thông điệp chính của tôn giáo. Trong lĩnh vực này, hơn việc dấn thân vào những tranh luận triết lý, hãy thâm nhập vào lòng bi mẫn này, nó là tinh túy thực sự của chúng. Người ta có thể tự cho mình là Phật tử khi cố gắng làm tăng trưởng sự mở rộng này, khi cố gắng thực hành đức hạnh này, dù người ta không đặt Đức Phật lên đài thờ. Quả thật là vậy. Dù cho tôn giáo bạn là gì, chớ dừng lại vì những vấn nạn triết lý. Tôi nói điều đó theo ích lợi của các bạn, chấp nhận tính ưu thắng đối với cái thực sự là chính yếu trong cuộc sống hàng ngày của các bạn. Về phương diện này, những tôn giáo khác không khác nhau mấy. Tất cả đều có cốt lõi là sự tiến bộ của con người, tình anh em và tình thương. Những chủ đích ấy là chung cho các tôn giáo. Hãy nắm lấy cái chính yếu của chúng và các bạn sẽ nhận ra có rất ít bất đồng giữa chúng.

Về Niết bàn mà đôi khi người ta thường tự hỏi, cảm tưởng của tôi là câu hỏi ấy không phải là khẩn thiết nhất. Nếu các bạn theo dòng những tháng ngày của một đời lương thiện và biểu lộ lòng tốt, tình thương, tử tế, quên mình, thì điều ấy sẽ tự động đưa bạn đến Niết bàn. Trái lại, nếu các bạn kèn cựa về những chủ đề triết lý mà không cẩn trọng trong cái hàng ngày, bạn dám đạt đến một thứ Niết bàn xa lạ lắm. Nếu sự thực hành hàng ngày của các bạn là không có gì, chắc chắn đó là điều không thích hợp.

Áp dụng trong đời sống mỗi ngày, những lời khuyên này tỏ ra tuyệt diệu. Bất kể người ta tin hay không vào Thượng đế, bất kể người ta tin hay không vào Đức Phật, bất kể - ngay cả khi người ta là Phật tử - người ta tin hay không vào sự tái sinh! Điều quan trọng là sống một cuộc đời tốt đẹp. Một đời sống tốt đẹp không chỉ tạo bằng thức ăn ngon, áo mặc đẹp và một mái nhà xinh xắn, mà cũng được sinh động bởi những ý định trong sạch, một lòng từ bi không giáo điều cũng không triết lý bác học. Đó là hiểu rằng những người khác, đàn ông, đàn bà là những người anh và những người chị của chúng ta, đó là kính trọng quyền lợi và phẩm giá của họ. Khả năng giúp đỡ lẫn nhau thuộc về con người một cách tuyệt diệu. Người ta cần phải cứu giúp những người trong cơn tuyệt vọng khốn cùng. Không có sự giúp đỡ vật chất, thì bày tỏ sự quan tâm, cho một nâng đỡ về đạo đức, biểu lộ thiện cảm đã là quý giá. Thái độ sống này phải thống lãnh toàn bộ hoạt động của chúng ta.

Trong thế giới hiện đại, theo một số người, tôn giáo chỉ có lý do tồn tại đối với những người ở những chốn xa xôi tận cùng, trong khi trong thế giới của công việc và của chính trị, người ta không biết nó để làm gì.

Tôi không đồng ý. Tôi đã nói với các bạn, niềm tin của tôi thì đơn giản: động cơ chủ yếu là tình thương. Mọi hành động hợp lý và thung dung - đặc biệt những sự việc nhỏ nhặt - đều từ một động cơ. Trong lĩnh vực chính trị, nếu các bạn có những ý định trong sạch và với chúng, các bạn cải thiện xã hội, lúc ấy bạn là một chính trị gia tốt và lương thiện. Chính trị không có gì xấu trong chính nó. Đôi khi, người ta đổ lỗi cho nó, người ta nói nó "dơ bẩn": không đúng đâu! Đó là một sự cần thiết, một dụng cụ được tạo ra để giải quyết những vấn đề con người, những khó khăn xã hội. Nó không phải là một sự xấu, nó đáp ứng cho một nhu cầu. Trái lại, khi những cá nhân mập mờ, thiếu cẩn trọng và động cơ chân chính chiếm lấy quyền hành, lúc đó chính trị có thể trở nên "dơ bẩn".

Chúng ta có thể làm một xét nghiệm như vậy trong lĩnh vực tôn giáo: nếu một ai giảng đạo với một động cơ xấu, bài thuyết pháp đó trở nên xấu và có hại. Nhưng đó không phải là một lý do để đổ lỗi cho tôn giáo, cũng không phải để xem nó là xấu xa.

Vậy thì động cơ là chính yếu. Thế nên tôi đơn giản đặt niềm tin của tôi nơi tình thương, sự tôn trọng người khác và sự ngay thực. Tôi không dành riêng những giá trị này cho lĩnh vực tôn giáo. Chúng rất phù hợp với chính trị, kinh tế, thương mại, với khoa học, pháp luật, y khoa, với những kỹ thuật tâm linh có nhiệm vụ trợ giúp con người và chúng có những phương tiện đạt đến để ít ra là lòng tử tế làm sinh động những lĩnh vực đó. Nếu không, thay vì đem lại một sự khả quan hơn, chúng lại trở thành một đe dọa cho thế giới, một mối lo sợ cho tất cả. Nhân loại có một nhu cầu mang tính sinh tử về lòng bi. Nhìn gần hơn, thế giới này ít hạnh phúc hơn nó có vẻ thế. Khi tôi đến một xứ sở mới, thoạt tiên tất cả có vẻ rạng rỡ. Những người tôi gặp bắt đầu nói với tôi rằng tất cả mọi thứ đều tốt đẹp, họ không có chút gì để than van. Rồi theo dòng ngày tháng, tôi lắng nghe. Tôi nghe họ nói về những vấn đề của họ, chúng rất nhiều, rõ ràng là rất phổ biến. Xã hội đang lâm vào một sự khó chịu sâu xa. Người ta than phiền nhiều về sự cô đơn và sự kiệt sức. Thất vọng, lo âu và khốn cùng về đạo đưỏc là những trình trạng càng ngày càng phổ biến. Công lý và ngay thẳng không tương hợp với mưu mô và ma mãnh. Tự cho là hành động vì lợi ích của những người khác bằng một hậu ý ích kỷ, nói đến hòa bình, tình thương mà chẳng để ý gì đến chúng khi những sự việc hư hỏng, có thể tiến đến những cực đoan như áp bức hay chiến tranh: đó là những dấu hiệu không che giấu được. Chúng nói lên một sự thiếu sót.

Cái khí hậu lo âu này từ nay là tấm màn phông cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Kinh khủng thật, nhưng đó là sự thật. Có thể người ta sẽ nghĩ giải pháp khác, giải pháp chuyển hóa bên trong mà tôi đã đề cập ở trước, là lý tưởng và không thích hợp với hoàn cảnh chúng ta ở đây và trong thế giới hiện giờ. Tuy nhiên, tôi kiên trì nghĩ rằng nếu người ta tiếp tục đồ lại trên một kiểu mẫu xã hội hoàn toàn bị điều kiện hóa bởi tiền tài và quyền lực, ít chú ý đến những giá trị thực của tình thương - kiểu mẫu trong đó nhân loại mất mọi cảm thức về công lý, về lòng tốt và lương thiện - thì những thế hệ tới có thể sẽ làm mồi cho những khó khăn tệ hơn, và những đau khổ còn kinh khủng hơn.

Như thế, mặc dù một thay đổi nội tâm có vẻ khó khăn, trò chơi đáng được mở màn. Tôi có tin tưởng chắc chắn: phải thực nghiệm điều không thể.

Người ta thành công hay không là một vấn đề khác: cho dù nếu chúng ta không đạt đến mục đích mà chúng ta đã chỉ định cho mình trong đời này, thì chẳng quan trọng gì. Ít ra chúng ta đã thử xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đặt nền tảng trên tình thương đích thực và không phải trên lợi ích cá nhân.

Những nhà điều hành bận rộn hàng ngày sắp xếp những vấn đề rõ ràng chỉ nhắm vào những thứ cấp bách nhất. Nhưng điều đó không ngăn được họ đồng thời biết đến những nguy hiểm về lâu về dài mà xã hội và loài người phải chuốc lấy.

Lấy một ví dụ: chúng ta cần một thân thể lành mạnh và khỏe để tránh những bệnh nhỏ nhặt thông thường. Nếu lỡ mắc phải, cơ cấu thân tâm tốt cho phép chúng ta chữa lành nhanh chóng. Cũng thế đối với xã hội. Đầu tư toàn triệt một cách "hiện thực" vào những giải pháp ngắn hạn, vì những lợi ích nhất thời thì giống như uống một viên thuốc vào ngày bệnh. Trong khi cùng lúc lo chăm sóc cho tương lai nhân loại tương tự với việc trau giồi một thân thể lành mạnh. Người ta không thể miễn trừ những biện pháp dự phòng, phải thấy những vấn đề tức thời và những vấn đề dài hạn.

Đã nhiều năm nay, tôi quan sát thế giới, tôi suy nghĩ những vấn đề của nó. Tôi gặp những người có thiên chức khác nhau từ mọi chân trời. Từ nền tảng, tất cả đều giống nhau, bất kể là người đến từ phương Đông, hay phương Tây. Thoạt nhìn thì khác biệt nhau. Và khi càng nhấn mạnh những khác biệt thì khoảng cách càng lớn dần giữa chúng ta. Nhưng nếu tôi nhìn các bạn như những người cùng giống loại với tôi, những con người, những đồng loại, với một cái mũi, hai con mắt, khoảng cách tự nhiên sẽ biến mất. Chúng ta được tạo ra từ cùng máu thịt. Tôi muốn hạnh phúc, các bạn cũng thế. Khởi từ sự hiểu biết, nhận ra lẫn nhau này, một sự kính trọng, một sự tin cậy thật tình có thể sinh ra giữa chúng ta. Sự giúp đỡ nhau và hài hòa sẽ tự chúng hiển lộ ra. Đó là cái có thể chấm dứt những khó khăn không cùng.

Trong thế giới ngày nay, tất cả liên hệ chặt chẽ với nhau. Không có một xứ nào, một lục địa nào tự là chủ của vận mệnh mình. Số phận của mỗi cái không thể tách lìa với số phận của tất cả. Vậy thì cái chính yếu là thiết lập giữa chúng ta một sự cảm thông đích thực, với những ý định trong sáng. Như thế chúng ta cùng thành công giải quyết tốt những vấn đề.

Đó là một niềm vui sướng khi tương thông bằng trí tuệ và trái tim từ người này sang người khác, và điều ấy cần thiết biết bao! Một động cơ trong sạch là mấu chốt.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-05-2003