BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Giảng giải sơ lược về sáu pháp hoà kính

Tỳ khưu Giác Hạnh


Lời nói đầu

Thuở đức Thế Tôn còn tại thế, khi Ngài đang sống trong tịnh xá Ghosita, tại thành phố Kosambi. Ở đây, những vị đệ tử của Ngài trong khi cùng sống chung với nhau trong một tịnh xá, thế nhưng, do vì thiếu sự tu tập và hành trì, cho nên họ sống không hoà thuận với nhau, như nước với sữa, ngày nào họ cũng tranh cãi nhau, lời qua tiếng lại, họ đấu tranh nhau bằng vũ khí khẩu, ai cũng không chịu thua ai và cuối cùng đi đến sự đả thương, gây gổ lẫn nhau. Sau khi cảm thấy bất ổn trong tăng chúng lũng củng nhau, vì muốn có một cuộc sống tương thân tương ái trong cộng đồng tăng, có một vài tỷ kheo trình bày chuyện này lên đức Thế Tôn hầu mong đức Phật khuyên giải. Nhân cơ hội ấy Ngày triệu tập toàn bộ tăng chúng để giải quyết vấn đề mà chư tăng đã ầm ỷ xung đột nhau bằng vũ miệng với một thời gian kha dài, và nhân cơ hội này đức Phật dạy chư tăng sáu pháp hoà kính để chư tăng có một cuộc sống hoàn thiện, tốt đẹp, tương thân tương ái hơn trong khi cùng nhau chung sống. Đức Thế Tôn dạy rằng sáu pháp này cần phải ghi nhớ để tạo thành sự tương ái, tương kính, đưa đến sự hòa đồng, vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Sáu phép hoà kính này được liệt kê như sau: "Thân hoà đồng trú; khẩu hoà vô tranh; ý hoà đồng duyệt; lợi hoà đồng quân; giới hoà đồng tu và kiến hoà đồng giải" (Kinh Kosambiya 48, Trung bộ).

Đây là sáu pháp vô cùng căn bản để xây dựng cuộc sống hoà bình, an lạc, yên vui, không bạo động trong cộng đồng Tăng nói riêng và những tổ chức trong xã hội nói chung. Chúng tôi hy vọng rằng với những lời giảng dạy quý báu và vàng son này của đức Từ Phụ Như Lai sẽ góp phần xây dựng hoà bình không nhỏ đối với thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai nếu nhân loại thực hành theo lời dạy của Ngài.

Do phước báu của sự thành tâm tha thiết này, chúng con xin hồi hướng phần phước báu thanh cao này đến cho Thầy tổ, phụ mẫu, anh chị em, thân hữu, bạn bè gần xa trong và ngoài nước, cùng tất cả chúng sanh trong cõi ta bà này.

Colombo, Sri Lanka,
ngày 20 tháng 05 năm 2005
Tỳ Khưu Giác Hạnh
(Hồ Quang Khánh)

-ooOoo-

 MỤC LỤC

Lời nói đầu

Phần (I): Mở đề.

Mục (1): Mối nguy hại của sự sống bất hòa
Mục (2): Tầm quan trọng của sự nhu hòa

Phần (II): Thân bài.

Mục (1): Định nghĩa hai chữ "Lục hoà"
Mục (2): Lục hòa bao gồm những gì?
Thân hoà đồng trú
Khẫu hòa vô tranh
Ý hòa đồng duyệt
Giới hòa đồng tu
Kiến hòa đồng giải
Lợi hòa đồng quân

Phần (III): Kết Luận

Tài Liệu Trích Dẫn.

-ooOoo-

I. Mở Ðề

1. Mối nguy hại của sự sống bất hòa:

Trong sự sống hằng ngày chung đụng với nhau, không có gì tai hại, bực mình, đau khổ nào bằng sự bất hòa. Sự bất hòa làm ung độc, thối nát, mục rữa, phân chia, rời rạc cuộc sống chung và cuối cùng bắt buộc người ta phải xa nhau, nếu không muốn ở gần nhau để làm khổ cho nhau và chịu cảnh bất hạnh ấy.

Trong gia đình, anh em không hòa, thì tình cốt nhục sẽ ly tan và chia ly. Vợ chồng không hòa, thì gia nghiệp chẳng thành và dẫn đến sự ly thân hay là ly hôn nếu không giải quyết rõ rang và thông cảm cho nhau, con cái phải bị đau khổ, vì được sống gần người cha thân yêu thì phải lìa xa người mẹ hiền đôn hậu, và ngược lại gần người mẹ hiền đôn hậu thì phải lìa xa người cha kính yêu. Ôi! bất hạnh và đáng thương thay cho những người con xấu số ấy. Xóm làng không hòa thì hay sinh ra rầy rà, cãi vã, chưởi bới, kiện cáo om sòm hoặc lắm khi chém giết lẫn nhau. Công ty không hoà thì sớm giải tán và tan rã. Quốc gia không hòa thì sanh ra giặt giã loạn lạc, chiến tranh đẫm máu và cuối cùng dắt dẫn mọi người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, nhà tan cửa nát, khổ sở trăm bề, thậm chí nhiều lúc phải mất mạng bởi vì bom đạn va nhầm. Nhân loại bất hòa, thì chiến tranh tiếp diễn liên tục giữa quốc gia này cho đến dân tộc khác, nhân sinh điêu đứng tan thương trong sự ngậm ngùi đắng cay, cuối cùng dẫn đến sự suy tàn và diệt vong.

2. Tầm quan trọng của sự nhu hòa:

Ðã thấy hậu quả thảm khốc của sự bất hòa bao nhiêu, tất nhiên cũng phải thấy sự lợi ích và thịnh vượng của đức tánh hòa thuận cần thiết bấy nhiêu cho đời sống chung đụng lẫn nhau hay nói cách khác là đời sống tập thể trong cùng một cộng đồng, dân tộc, quốc gia, thế giới, v.v...

Ông cha của chúng ta thường dạy cho hậu thế: "Dỉ hòa vi quý" (lấy hòa thuận làm quý báu). Câu châm ngôn tuy chỉ có bốn chữ vô cùng giản dị thôi, thế nhưng nó có một công năng khiến những người thực hành nó sẽ có ích lợi vô vàn, có thể nói là không giấy tờ nào viết cho xong, không bút mực nào lột tả cho hết, chỉ có những người thực hành và thực chứng nó thực sự mới thấy được tầm vóc quan trọng và lợi ích hữu hiệu của nó. Nếu ai lấy nó làm phương châm cho cuộc sống thực tải, thì từ việc nhỏ đến việc lớn việc tất cả đều thành tựu một cách tốt đẹp và rất là dễ dàng. Ngược lại, đối với những người xem nhẹ và khinh thường nó, thì công việc tập thể hay công việc chung hoặc công việc riêng không bao giờ có kết quả mỹ mãn, đây là điều tất nhiên và chắc chắn, bởi vì cha ông chúng ta đã dày công kinh nghiệm vềsự thật của nó, có thể nói rằng ông cha của chúng ta đã từng nằm gai nếm mật với nó suốt bao nhiêu thế hệ qua.

Trong Nho giáo cũng có dạy: "Thời thế thuận, không bằng địa thế lợi; địa thế lợi, không bằng nhân tâm hòa" (thiên thời không bằng địa lợi; địa lợi không bằng nhân hòa). Qua ngạn ngữ trên thì chúng ta đủ hiểu và nhận thức rằng yếu tố "Hòa" là rất quan trọng hơn nhiều so với những điều kiện thuận tiện khác, trong mọi hoàn cảnh trong mọi trường hợp, mọi công việc, mọi tổ chức, v.v... Ví dụ: trong một gia đình nào đó sống hoà thuận thì gia đình ấy có sự hạnh phúc chân thật; công ty hoà thuận thì công ty ấy sẽ thịnh hành và gặt hái nhiều lợi lộc; quốc gia hòa thuận thì quốc gia đó được phú cường, phồn vinh và dân chúng được no cơm ấm áo; nhơn loại hòa thuận thì thế giới bình yên, chan hoà và an lạc. Như vậy, thì loài người không cần tìm kiếm thế giới cực lạc ở đâu cả. Đến đây, tôi lại nhớ đến câu thơ tuyệt hảo của một hoà thượng ẩn danh:

"Sanh về cực lạc làm chi vậy,
Niệm đã yên rồi đâu cũng đây."

Với sự chứng ngiệm của bản thân qua nhiều kiếp trong vòng sanh tử luân hồi trong suốt thời gian đang còn hành Bồ tát hạnh, bên cạnh đó vối thiên nhãn thông, đức Phật nhìn sâu, thấy rõ tầm quan trọng của đức tánh nhu hòa trong đời sống tập thể giữa thế giới loài người, nhất là đời sống của Sangha (Tăng già) lúc bấy giờ, cho nên đức Thế Tôn đã chế ra pháp "Lục hòa" cho những người đệ tử xuất gia cũng như tại gia cư sĩ với mục đích mang lại sự êm ấm và hoà thuận trong cuộc sống hằng ngày của họ.

II. Thân bài

1. Định nghĩa hai chữ "Lục hoà":

Lục hoà là gì?

"Lục hoà" là Hán ngữ, người Trung Quốc phát âm "Lìu hé". "Lìu" nghĩa là sáu, và "Hé" có nghĩa là hoà ( ví dụ: hoà hợp, hoà thuận,v.v...) Nói tóm lại, lục hòa là sáu phương pháp tuyệt diệu để cư xử với nhau trong khi cùng chung sống trong một già lam, gia đình, tổ chức, công ty, quốc gia hoặc các quốc gia trên cùng một thế giới cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Hòa ở đây là hòa với mục đích tiến tới sự cao đẹp, hoàn thiện, mỹ mãn trên con đường giải thoát và giác ngộ, chứ không phải hòa một cách nhu nhược, yếu đuối, bị động, ai nói sai hay không đúng sự thật cũng đồng ý, ai nói phải cũng gật đầu, bằng lòng. Hòa ở đây cũng không phải là phương tiện quyền xảo trong một giai đoạn nào đó với mục đích chinh phục lòng người để đoạt sự thắng lợi về mình, rồi lại mở cuộc chiến sau đó. Nhưng hòa ở đây nhằm mục đích làm lợi lạc cho tất cả, tạo hạnh phúc chính mình và cho mọi người, trong ấy có hình bóng và sắc hương của từ bi (metta, loving-kindness, karuna, compassion) đối với "tự và tha", không có so đo, tính toán hay phân biệt "ta và người."Có như thế mới gọi là hoà thật sự, còn ngược lại đối với những tư tưởng trên là hoà dổm, giã dối và không thật.

2. Lục hòa bao gồm những gì?

Lục hòa gồm có sáu điều hoà thuận (thân hoà đồng trú; khẩu hoà vô tranh; ý hoà đồng duyệt; giới hoà đồng tu; kiến hoà đồng giải và lợi hoà đồng quân) sẽ được liệt kê và giải thích chi tiết hơn theo thứ tự sau đây:

A.Thân hòa đồng trú:

Nghĩa là cùng nhau sống chung trong một căn phòng như thời niên thiếu chúng ta học cùng lớp và ở cùng chung trong một ký túc xá (hostel) dưới một mái trường thân yêu nào đó, hay chúng ta là những người con cùng cha cùng mẹ và cùng chung sống trong một ngôi nhà, hoặc là tu sĩ thì chúng ta cùng sống chung trong một mái ấm già làm, hoặc giã trong một phạm vi hay một tổ chức nào đó, sớm tối có nhau, cùng ăn cùng ngủ nghỉ, cùng nhau học, cùng nhau tu và chung nhau làm những công việc của đại chúng hay là tập thể,v.v... Như thế gọi là thân hoà đồng trú hay là cùng nhau chung sống.

Mỗi khi đã chung sống hằng ngày như thế, thì chúng ta nên thực hành đức tánh hòa thuận, khi đó mới có thể dễ dàng sống với nhau ngày này qua tháng nọ, chúng ta không nên lấn hiếp, quấy rầy hay đánh đập lẫn nhau, tuyệt đối là không dùng sức mạnh để lấn hiếp những người yếu hèn. Nếu là anh em cùng một gia đình thì phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, em phải biết kính trọng anh và ngược lại anh phải biết nhường nhịn em để mà sống. Ca dao Việt Nam có câu: "Chị ngã em nâng hay lá lành đùm lá rách"., Còn đã là vợ chồng, mỗi khi đã thương yêu nhau và nguyện thề cùng nhau xây dựng hạnh phúc tương lai, cùng nhau thề trăng hẹn nước sống cho đến khi tóc bạc răng long, thì phải sống hoà thuận với nhau thì may ra mọi chuyện sẽ thành công mỹ mãn trong cuộc sống. Cổ nhân có câu: "Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn". Nhưng điều quan trọng ở đây là mỗi một cá nhân hay thành viên trong gia đình thì phải biết trách nhiệm, bổn phận, chức năng và địa vị của mình, có như thế thì cuộc sống chung đụng càng ngày càng khả quan và tươi đẹp hơn. Như vậy, chúng ta cùng nhau sống đẹp và dựng xây cuộc sống của chúng ta ngày càng tố đẹp hơn. Người xưa có câu:

"Một cây làm chẳng lên non,
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao."

Nếu chúng ta là những Phật tử, cùng chung sống với nhau và cùng học tập giáo lý của đức Từ Phụ Như Lai trong một mái chùa, dẩu rằng chúng ta là những người đến từ những dòng tộc, họ hàng, huyết thống khác nhau hay nói cách khác là không phải anh em ruột thịt hoặc cùng chung cha mẹ, thế nhưng chúng ta có một điểm chung, đó là những người con có chung một người cha, đức Thế Tôn. Mặc khác, chúng ta có cùng chung một chí hướng, lý tưởng, mục đích, quan điểm, cho nên chúng ta phải lấy cái hòa khí đặt lên trên hết, không được chia phe lập cánh hay ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ sum vầy hiếp đơn lẻ cô quạnh, mạnh ai nấy được,v.v...

Nếu chúng ta là những thường dân, có cùng chung một dân tộc và cùng chung sống trong một quốc gia, xã hội, thì phải lấy sự đoàn kết làm đầu, không được gây gổ lẫn nhau, tạo ra cảnh nồi da xáo thịt, chia năm xẻ bảy, lập thành phe cánh để rồi gây gổ, sát phạt, tìm cách mưu hại, chém giết nhau. Nhân đây, chúng tôi nhớ lại câu ca dao của xứ Việt, tuy nó rất đơn sơ mà vô cùng ý vị và nồng nàn làm sao:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Câu thơ này tác giả mượn hai thực vật vô tri để làm thành câu ca dao, nhưng bên trong tâm hồn sâu thằm của tác giả, ông ta đề cập đến hai con người tuy màu da có khác nhưng cùng một dân tộc, con rồng cháu tiên, thì chúng ta phải yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Như chúng ta thường thấy, cây bầu (marrow plant) nó hoàn toàn khác hẳn so với cây bí (pumkin plant), thế nhưng chúng có cùng chung một đặt tính, có nghĩa là hai loại cây này loại nào cũng phát triển trên cái giàn. Như vậy chúng hoàn toàn khác giống, màu da và trái, thế nhưng sống chung trên một cái giàn, mà nó còn phải hòa thuận, thương yêu, quấn quít nhau, tuy thân của cây này bò vắt ngang trên của thân cây kia và ngược lại, huống gì chúng ta là những con người có cùng một dân tộc, một giống nòi, nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ, tóc có cùng màu đen chỉ trừ những người có gene tây phương, mà làm sao chúng ta không thương yêu nhau sao được? Như vậy, chúng ta là những con người, có một nghiệp chung đó là tái sinh làm người trong thế giới loài người, cùng chung sống trên quả địa cầu nầy, cho dù chúng ta có những màu da khác nhau, hoặc là da trắng, da đen, da vàng hay da đỏ cũng là "Tứ hải giai huynh đệ", anh em bốn biển vây quanh một nhà. Ðã được tái sinh làm người như nhau mà lại tranh cãi lẫn nhau, tạo chiến trường bắn giết, tàn sát nhau, vô tình làm mồi cho súng đạn là những vật vô tri dưới sự điều khiển của con người, thì thật là vô cùng phi lý và rất oan uổng. Như vậy, xét cho cùng thì chúng ta giết hại chúng ta chứ không ai ngoài ra. Có đúng thế không? Hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy không biết bao nhiêu người vô tội chết bởi vì bom đạn tại nước Iraq, do sự xung đột giữa Mỹ và Iraq, nếu chúng ta xem vô tuyến truyền hình thì chúng ta sẽ nhìn thấy sự tàn sát vô cùng đau đớn tan thương. Nhưng xét cho cùng thì không ai ngoài con người và con người giữa chúng ta.

Nói tóm lại, đã cùng chung sống với nhau trong một quốc gia, một xã hội, một môi trường, tốt hơn bao giờ hết chúng ta phải hòa thuận, thương yêu và đùm bọc lấy nhau.

B. Khẫu hòa vô tranh:

Nghĩa là không có tranh luận, cãi cọ với nhau trong tâm niệm chứa đầy sân hận. Mỗi khi muốn thân không đánh đập nhau, không va chạm nhau trong khi ở với nhau, điều quan trọng nhất là lời nói phải giữ gìn cho được hòa thuận, tao nhã nhẹ nhàng trong mọi trường hợp, hoàn cảnh, tuyệt đối không được nặng lời và cãi cọ nhau. Thật tế, trong cuộc sống có người thân thể xem qua tưởng chừng rất là hòa thuận với tha nhân, với bạn bè hoặc là bạn đồng hành thế nhưng khẩu không hòa, thậm chí muốn hơn thua nhau từng câu nói, lắm lúc tìm cách mỉa mai, châm thọc, nói cạnh nói khoé nhau, đả nhau qua lại từng tiếng một, cuối cùng dẫn đến ẩu đả lẫn nhau, rồi không muốn nhìn nhau, v.v...

Như chúng ta từng thấy trong một gia đình, lắm lúc chỉ vì một lời nói xũng lời nói không có hòa khí, mà nhiều khi anh em xa lìa, chị em phải từ biệt, giận hờn nhau, hoặc chỉ vì một lời nói mà vợ chồng phải chịu cảnh ly tán, lắm lúc vì một lời nói mà cha và con không nhìn mặt nhau, thấy cha đi đằng trước thì người con lẻn ra đường sau, cuối cùng trở thành những kẻ xa lạ như những người chưa từng quen biết. Cũng thế ấy, trong xã hội, nhiều lúc chỉ vì một lời nói không hòa thuận, nhẹ nhàng, tao nhã, không lọt tai hoăc lời nói có một chút gì đó thiếu tế nhị, lịch sự, mà nhiều khi quốc gia phải lâm vào cuộc chiến, cuối cùng không biết bao nhiêu người phải chịu cảnh làng mất nước tan. Than ơi! chỉ vì hơn thua một câu nói. Như quý vị cũng đã từng nghe và nhìn thấy qua vi tuyến truyèn hình, hiện nay Trung Quốc (China) và Nhật Bản (Japan) đang gặp những thảm hoạ không nhỏ, điều này cũng chỉ vì hơn thua một lời nói mà thôi.

Vì thế, chỉ thân thể hòa cũng chưa phải là đủ, chúng ta phải hòa cả khẩu nữa mới tốt. Khẩu hoà ở đây có nghĩa là chúng ta phải nói lời dịu dàng, hòa nhã, thanh tao, lịch sự, lễ phép, biết kính trên nhường dưới, "pūjā ca pūja-nīyānam" (honour those who are worthy of honour, cung kính những người đáng cung kính) tuyệt đối không được cãi cọ, gây gỗ nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu có việc gì cần thắc mắc, phải bàn cãi cho rõ và sáng sự lẽ, thì tuyệt đối không to tiếng nặng lời mà nên dùng lời nói nhẹ nhàng, ôn tồn, hòa thuận, nhã nhặn bàn bạc và thảo luận. như đức Thế Tôn đã dạy chúng ta tứ nhiếp pháp (Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp), trong đó có ái ngữ nhiếp rất là thâm sâu và vô cùng quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

C. Ý hòa đồng duyệt:

Nghĩa là ý hoà cùng vui. Trong Abhidhamma có đề cập đến ý. Ý là thuộc về một trong tam nghiệp trong Phật giáo (thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp), nhưng ý đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nghiệp thân và nghiệp khẩu, trong Dhammapada đức Phật có đề cập đến hai câu pháp cú và hai mẩu chuyện của hai con người liên quan đến ý, cuốí cùng họ đã gặt hái kết quả rất là cân xứng với ý niệm mà họ đã khởi trước đó. Dưới đây là hai vần thơ kèm theo hai ví dụ đó:

"Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe, bò kéo khổ liền theo sau!

Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý tốt hiền
Như hình dọi bong vui liền theo sau."
(Kinh Lời Vàng, câu 1 & 2).

* Hai Mẩu chuyện sau đây liên quan đến hai Pháp cú trên:

(Câu chuyện thứ nhất)

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến Cakkhupāla, vị Đại đức mù.

Một lần nọ, Đại đức Cakkhupāla đến Kỳ Viên tự đảnh lễ Đức Thế Tôn. Đêm hôm ấy, trong khi thiền hành lui tới, Đại đức Cakkhupāla tình cờ giẫm lên những con côn trùng. Sáng hôm sau, có một vài vị Tỳ-Khưu viếng thăm vị Đại đức này đã nhìn thấy xác chết của những con côn trùng. Họ nghĩ không tốt về Đại đức Cakkhupāla và đã trình bày vấn đề này lên Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi các ngươi có thấy Đại đức Cakkhupāla giết những con côn trùng đó không? Bạch Ngài không. Đức Thế Tôn nói: " Các ngươi đã không thấy Đại đức Cakkhupāla giết, cũng thế ấy Đại đức Cakkhupāla đã không nhìn thấy những con côn trùng kia. Mặc khác, Đại đức Cakkhupāla đã chứng đắc quả vị A-la-hán, Đại đức Cakkhupāla đã không có chủ tâm để giết và như vậy Đại đức Cakkhupāla hoàn toàn vô tội." Có một số Tỳ-Khưu hỏi rằng: " Tại sao Đại đức Cakkhupāla là một vị A-la-hán mà vẫn còn bị mù"? Nhân cơ hội này, Đức Thế Tôn kể câu chuyện như sau:

Trước đây, có một kiếp Đại đức Cakkhupāla là một vị lương y. Chính Đại đức Cakkhupāla có chữa bệnh đau mắt cho một thiếu phụ nghèo. Bà hứa đến lúc khỏi bệnh, bà và con gái của bà sẽ về làm đầy tớ trong nhà ông lương y. Thuốc quả thật công hiệu, nhưng bà không giữ lời hứa, viện lẽ rằng mắt bà còn tệ hơn trước. Vị lương y ác độc liền nảy sanh một ý tưởng tội lỗi. Ðể trả thù, ông cho thiếu phụ nghèo một thứ thuốc khác làm mù luôn cả hai mắt. Do nghiệp ác trong quá khứ, tuy Đại đức Cakkhupāla đã đắc quả A-la-hán, vẫn phải mang tật mù.

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, ba mươi nghìn vị Tỳ-Khưu chứng đắc quả vị A-la-hán. (The Dhammapada: Verses & Stories, tr 135 & 136).

(Câu chuyện thứ hai)

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp cú này, liên quan đến Maṭṭhakuṇḍalī, người Bà-la-môn trẻ tuổi.

Maṭṭhakuṇḍalī là một thanh niên trẻ, tên cha của chàng là Adinnapubbaka, ông ta vô cùng keo kiệt và không bao giờ bố thí cho ai một đồng xu nào. Ngay cả vàng của ông không bao giờ mang tới tiệm để thuê thợ làm, chỉ đưa con trai của ông làm để khỏi phải trả tiền công thợ. Khi đứa con trai ông ngã bệnh, đến một thời gian dài cũng không mời bác sĩ khám bệnh cho con. Khi ông biết rằng người con trai của mình sẽ bị chết, ông khiêng đứa con trai của mình ra ngoài hiên nhà, có như thế mọi người tới thăm sẽ không thể nhìn thấy tài sản trong nhà ông.

Ngay trong buổi sáng hôm đó, sau khi thiền toạ xong, với Thiên nhãn thông Đức Thế Tôn nhìn thấy Maṭṭhakuṇḍalī đang nằm ngoài hiên nhà. Vì vậy, sau khi Ngài và chư Tỳ-Khưu đi vào thành Xá-vệ khất thực, Đức Thế Tôn đứng gần cửa ngỏ của người Bà-la-môn Adinnapubbaka. Đức Thế Tôn phóng luồng hào quang để lôi cuốn sự chú tâm của Matthakundalī bởi vì lúc này Matthakundalī đang nằm quay mặt vào phía trong nhà. Khi Matthakundalī  nhìn thấy Đức Thế Tôn thì cơ thể của Matthakundalī rất là yếu chỉ bày tỏ sự cung kính của mình qua đức tin trong sạch tuyệ đối. Như thế cũng đủ. Khi Matthakundalī qua đời với tâm cung kính Đức Thế Tôn, Matthakundalī được tái sinh vào cảnh giới Đâu-xuất-đà.

Từ cảnh giới ấy, Matthakundalī nhìn thấy cha của mình đang than khóc trong nghĩa địa, Matthakundalī giả dạng một lão già và xuất hiện tại nghĩa địa. Matthakundalī nói với người cha kiếp trước của mình về vấn đề tái sinh trong cảnh giới Đâu-xuất-đà và khuyên người cha đến mời Đức Thế Tôn để dâng bữa cơm trưa. Tại nhà người Bà-la-môn Adinnapubbaka, ông ta hỏi Đức Thế Tôn rằng: " Bạch Ngài! Trong thế gian này, nếu một người không bao giờ bố thí và giữ giới chỉ có đức tin trong sạch đối với Đức Thế Tôn sau khi chết có thể tái sinh trong cảnh giới Đâu-xuất-đà không"? Vì vậy, Đức Thế Tôn muốn Matthakundalī xuất hiện với hình dáng như một con người; vài phút sau, Matthakundalī xuất hiện với trang phục của chư thiên và kể với họ về chuyện tái sinh ở cảnh giới Đâu-xuất-đà. Chỉ có như vậy mới chinh phục được đức tin của kháng giả rằng người con trai của người Bà-la-môn Adinnapubbaka chỉ đơn thuần bày tỏ đức tin của mình đối với Đức Thế Tôn nhưng sau khi chết đã đạt được sự huy hoàng lớn lao. (The Dhammapada: Verses & Stories, tr 136 & 137).

Qua hai mẩu chuyện trên chúng ta thấy rõ về ý, nó vô cùng quan trọng và nó là động cơ thúc đẩy chính và cũng từ nó mà miệng và thân thi hành nhiệm vụ như ý muốn của nó. Cho nên, ý chủ đạo trong mọi hành động dù thân hay là khẩu. Cổ nhân có câu: "công vi thủ, tội vi khôi". Cho nên, nói về công thì nó cũng đứng hàng đầu (number one), thế nhưng, nói về tội thì nó cũng là kẻ vị phạm luật lệ và tạo tội trước tiên. Cho nên, mỗi thành viên trong mỗi gia đình, thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố, v.v..., cần phải giữ gìn ý tứ của mình, phải cố gắng làm sao đó để làm chủ được nó và cố gắng kiềm chế đừng để bất thiện tâm (sân) sinh khởi trong tâm của chúng ta, cố gắng tạo những thiện tâm (không sân) nảy sinh trong mỗi một chúng ta. Nếu ý niệm hiền hòa, nhu thuận, vui vẻ và tay bắt mặt mừng với mọi người thì thân và lời nói dễ giữ được hòa thuận, nhu mì. Nhưng trái lại nếu ý tứ bất hòa, hay đối lập nhau với đối phương, ganh ghét nhau, thì thân và khẩu rất khó để mà giữ cho được sự hoà thuận. Cho dù, chúng ta có cố gắng bao nhiêu để thân và khẩu được hòa thuận thì nó chỉ được một thời gian rất ngắn, bởi vì nó không phải sự thật xuất phát từ đáy sâu của tâm hồn, hoặc giả vì sợ một uy hiếp, quyền thế, ép buộc của những người cấp trên, mà phải cố nén để ăn ở hòa thuận với nhau, thì sự hòa thận này sẽ không tồn tại với thời gian năm tháng và nó cũng sẽ bị phai nhoà, cuối cùng thuyền xưa sẽ quay lại bến cũ. Mỗi khi sự âm ỷ, xung đột, ung nhọt bên trong đã đến một mức độ không thể chịu đựng được nữa, tất nhiên nó sẽ nổ tung ra như những người bị bịnh vỡ ruột thừa hay ung thư vậy. Cũng như thế ấy, mỗi khi trong lời nói mà không được ôn hoà thì có ngày cũng sẽ vỡ tung bởi vì không chịu đựng với một thời gian dài được thì nó sẽ đi đến sự ẩu đả qua thân thể. Thế gian có câu: "Tức nước lỡ bờ", cuối cùng rạn nứt và vỡ toang.

Với thiên nhãn thông và tha tâm thông đức Phật đã hiểu sâu sắc về tâm trạng của chúng sanh, cùng với tấm lòng từ bi vô hạng, Ngài khuyên chúng ta phải có tâm ý hoà thuận, vui vẻ, đầm ấm trong khi chung sống với nhau trong một môi trường hay hoàn cảnh nào đó. Mỗi khi chúng ta muốn được tâm ý hòa hiệp, vui vẻ để cùng nhau chung sống trong một cuộc sống ấm êm thì chúng ta nên thực hành hạnh Hỷ xả. Hỷ xả ở đây có nghĩa là loại trừ và phế thải tất cả những nỗi ưu buồn, phiền muộn, giận hờn, oan ức trong lòng của chúng ta, chúng ta không nên chấp thủ, ghì chặt trong lòng những lỗi lầm của những kẻ khác. Tới đây, chúng tôi lại nhớ đến một ngạn ngữ Anh: "Err is human being." Trong hán văn người ta thường nói rằng "nhân bất thập toàn." Có nghĩa là đời người chẳng mấy ai mà không có lỗi lầm. Ngạn ngữ này nhắc nhở chúng ta hãy luôn luôn tha thứ và thông cảm cho tha nhân, bởi vì có phải ai ai cũng là thánh đâu. Cho nên, chúng ta phải thực hành hạnh hỷ xả, mặc khác không nên nhìn những lỗi lầm của người, tốt hơn là nhìn vào những hành vi tốt đẹp và cao thượng của họ, chứ không nên phanh long tìm vết của tha nhân. Có như thế, tâm hồn của chúng ta mới thư thái, nhẹ nhàng, hoan hỷ. Như vậy, chúng ta tâm khảm của chúng ta mới có thể trở nên thanh tịnh. Vả lại, chúng ta là những người mang danh con của Phật hay là Phật tử thì chúng ta hãy cố gắng thực hành công hạnh hỷ xả (mudita, upekkha, gladness, equanimity or indifference) càng sớm càng tốt, và đây là những phần tử tạo nên hoà bình mà chúng ta sẽ đóng góp cho xã hội và thế giới hôm nay cũng như ngày mai.

D. Giới hòa đồng tu:

Có nghĩa là cùng nhau giữ giới luật theo từng lảnh vực trong cuộc sống mà mình đã tự nguyện tu hành hay là phục tùng theo trong lảnh vực ấy. Giả sử, nếu mình tham gia đi vào quân đội thì phải thực hành những quy luật, nội quy trong quân sự đã đđề ra, hoặc giả mình là một công nhân của một công xưởng thì mình cũng phải tuân thủ những điều luật do dám đốc của công xưởng ban hành, và nếu mình là một Phật tử thuần thành thì phải giữ ngũ giới hoặc bát quan trai giới, nếu là sa di (samanera, samanerī) thì phải giữ mười giới, nếu là tỷ kheo (bhikkhu) thì phải giữ 227 giới (Nam truyền), nếu là tỷ kheo ni (bhikkhunī) bên Nam truyền thì phải giữ 311, nhưng bên Bắc truyền thì lại khác hẳn, nếu là tỷ kheo thì phải giữ 250 giới coà tỷ kheo ni thì phải giữ 348 giới, v.v... Nói tóm lại, trong một tổ chức hay một đoàn thể nào muốn có nề nếp và trật tự, đều tất yếu là phải có kỹ cương luật lệ, trong phật giáo quý ngài thường gọi thiền môn quy củ.

Như đã đề cập ở phần trên, đặc biệt là trong trong Phật giáo của chúng ta mỗi Phật tử tùy theo địa vị, phạm vi và cấp bậc tu hành của từng cá nhân, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật sai biệt. Nếu mình là Phật tử tại gia (upasaka, upasika) thì chỉ giữ giới luật trong phạm vi và lảnh vực của tại gia cư sĩ, nếu mình là sa di, sa di ni, thức xoa, tỷ kheo hoặc tỷ kheo ni thì phải giữ những giới luật mà mình đã phát nguyện thọ trì trong lảnh vực của mình.

Mỗi khi Phật tử có tổ chức tu bát quan trai giới, hay trong khi cùng chung sống trong một môi trường, già lam, tu viện hoặc phật học viện nào đó để học tập tu hành, thì mỗi ngày chúng ta tùy theo cấp bậc của mình mà hành trì giới luật. Khi đã có cùng một cấp bậc với nhau, nguyện giữ giới luật như nhau thì ắt phải bằng nhau trên mặt hình thức như giới luật mà mình đã thọ nhận,. Như thế, chúng ta phải cùng nhau hành trì giới luật như nhau, chứ không được giữ giới nầy không tuân theo giới kia hay giữ giới kia nhưng không tuân theo giới này, nếu mỗi người trong chúng ta không tuân thủ hoặc hành trì không đồng nhau thì đoàn thể ấy hay tổ chức ấy tất nhiên sẽ chạm trán với sự bất bình và cuối cùng sẽ dẫn đến sự lộn xộn, ẩu đả và tan rã. Chính vì điều đó, cho nên đức Từ Phụ Như Lai dạy rằng mỗi khi Phật tử đã phát nguyện chung sống tu họcvới nhau, thì phải cùng nhau hành trì giới luật như nhau, và tuyệt đối giữ đúng những giới luật của cấp bậc hay vị trí mà mình đã phát nguyện thọ trì.

Nói tóm lại, trong một gia đình, công ty, trường học, gia đình Phật tử, một khuôn hội,v.v..., luôn luôn lấy kỷ luật làm đầu. Tại sao phải như vậy? Bởi vì, nếu trong một khu trường, học sinh không giữ kỷ luật của trường đã đề ra, ai muốn ra ngoài giờ nào thì cứ ra, ai muốn vào trong lúc nào thì cứ vào, ai muốn học cứ học, ai muốn đùa cứ đùa, ai muốn nghỉ cứ nghỉ và ngược lại ai muốn học thì cứ học, như thế ngôi trường ấy ắt phải sụp đổ sớm. Trong gia đình Phật tử, nếu mỗi một đoàn sinh cứ làm theo ý muốn của riêng mình, không tuân theo nội quy của gia đình Phật tử, không thi hành theo huấn lệnh của huynh trưởng, thì gia đình Phật tử ấy sẽ đi đến sự tan rã không sớm thì cũng muộn. Cũng như thế ấy, nếu trong một công ty nếu mỗi một thành viên không tôn trọng điều lệ, nội quy của công ty, ai muốn đi làm việc lúc nào thì cứ đi cho dù sớm hay muộn, thì công ty ấy sẽ trở thành mất trật tự và cuối cùng sẽ dẫn đến con đường thất bại. Trong một tu viện nếu mỗi tăng, ni sinh không tuân thủ giới luật thì tu viện ấy sớm đi đến sự bất bình và ẩu đả.

Nói chung lại, trong một tổ chức cho dù đạo hay đời, nếu chúng ta không cùng nhau giữ gìn giới cấm, nội quy, kỷ luật, quy tắc của tổ chức ấy đề ra thì chúng ta sẽ không bao giờ sống chung và làm việc với nhau được. Vì vậy, nếu chúng ta muốn cùng nhau chung sống hòa hợp để làm việc hay tu tập, thì mỗi người trong chúng ta cần phải tuân thủ giới luật một cách nghiêm khắc và đồng nhau. Có như thế thì tổ chức ấy hay tu viện kia mới được thịnh hành lâu dài.

E. Kiến hòa đồng giải:

Có nghĩa là mỗi khi một trong những thành viên của hội mình đang là nếu thấy biết hay phát minh được điều gì mới lạ thì nên giải bày cho nhau cùng hiểu biết về điều đó tuỳ theo trong nlảnh vực và phạm trù mà mình đang sống. Chúng ta phải giải bày cho nhau nghe trong tình thân yêu, ấm cúng và đùm bọc. Có như vậy thì trình độ hiểu biết giữa chúng ta mới không chênh lệch, sự tu học mới tiến triển đều về tinh thần hay tâm linh, khi đó mới dễ giữ vững và duy trì giữa những người cùng ở trong một đoàn thể.

Mỗi khi một thành viên trong chúng ta phát minh ra được một điều gì mới lạ, hay một ý kiến tốt đẹp thì phải giải bày cho huynh đệ hay những người đang sống xung quanh mình hay để họ cùng nhau được hiểu biết về điều đó. Ngược lại, nếu chúng ta không nói cho người khác hay về điều đó thì vô tình chúng ta đã tạo ra một tâm niệm ích kỷ và làm tắt nghẽn sự thông cảm giữa mình đối với những người khác. Lòng ích kỷ và sự tắc nghẽn ấy là đầu dây múi dợ của sự chia rẽ, bất hòa và xung đột. Cho nên chúng ta phải cùng nhau chia sẻ cho nhau những gì mình đã hiểu biết và phát minh được.

Nhất là trong giáo lý của đức Phật, vì nó mênh mông, bao la, bất tận, và lại nó rất cao siêu, muôn màu muôn vẻ, có thể nói trong mỗi một Phật tử của chúng ta có thể hiểu và khám phá ra một khía cạnh khác nhau trên một đối tượng, hay tìm ra một nghĩa lý đúng và hợp trên một chủ đề, mà nhiều lúc cũng có thể đúng với tư duy, suy luận của mình, nhưng lại sai lầm đối với những tư tưởng và quan niệm của người khác. Trong những trường hợp này, nếu chúng ta không khôn khéo, tế nhị và gấp rút giải bày quan điểm, ý kiến của mình cho mọi người trong đoàn thể hiểu biết, thì khó mà có thể làm sáng tỏ vấn đề chúng ta đang còn ray rứt. Như vậy, mỗi khi trong chúng ta nếu ai có phát minh, khám phá ra điều gì mới lạ hoặc có những uẩn khúc mà mình chưa giải đáp được thì nên trình bày ra để huynh đệ, bạn bè hay những người đồng hành của mình cùng nhau phân giải, có như thế thì chúng ta sẽ tiến triển nhanh về tâm linh và cũng không mang tiếng là ích kỷ (selfishness). Mỗi khi chúng ta có tâm ích kỷ thì nó là một chướng ngại rất lớn trong con đường tu tập của chúng ta. Cho nên, chúng ta phải cẩn trọng làm sao đó để tránh xa nó càng sớm càng tốt.

F. Lợi hòa đồng quân:

Có nghĩa là khi khi nhận được bỗng lộc thì phải phân chia cho đồng đều. Nếu cùng nhau sống và tu trong một ngôi chùa khi được thí chủ cúng dường vật thực hay tứ vật dụng thì cùng nhau hưởng chung phẩm vật đó, hay là phải chia nhau cho cân bằng, chứ không nên chia người ít kẻ nhiều, và tuyệt đối không được chiếm đoạt rồi làm của riêng cho chính bản thân mình, hay thậm chí giành phần nhiều về mình trong lúc làm chủ trong phận sự chia cũng không được. Điều tốt nhất, nếu là mình người được mọi người tín nhiệm trong công việc phân chia phẩm vật thì không nên chia phần cho mình nhiều hơn, chỉ chia phần của mình bằng mọi người, thậm chí kém sút hơn tha nhân một chút thì tiện và tốt hơn.

Xin nói thêm một chút về vấn đề trên trong khi sống chung, nếu có nhận được vật thực thì phải chia một cách công bằng đến tất cả mọi thành viên trong tổ chức, công ty, tu viện,v.v..., và thật đều nhau, không vì tình cảm riêng tư đối với người này, kẻ kia mà chia kẻ nhiều người ít, kẻ tốt người xấu, mà phải lấy sự công bằng và trung trực làm trọng tâm. Nếu giữ được như thế, thì dù ở chung cả nghìn người trong một tổ chức hay một công ty hoặc là một tu viện cũng vẫn êm đềm, đầm ấm, chan hòa và vui vẻ. Ngược lại, nếu trong những hội đoàn trên nếu những người có trách nhiệm phân chi mà có tính tư riêng, tham tài ham lợi cho chính mình thì dù chỉ có vài ba người chung sống với nhau, cũng không thể nào tạo nên không khí hòa thuận, ấm cúng, vui vẻ và tồn tại được.

Trong xã hội chúng ta đang sống sở dĩ có sự xung đột, ẩu đả kịch liệt hàng ngày cũng vì phân chia không rõ ràng trong khi kiếm được bổng lộc. Như chúng tôi là những người đang nghiên cứu sinh ở Tích Lan (Sri Lanka) hàng ngày chúng tôi thường thấy trên truyền hình, nghe tin từ những nhà thảo luận thời sự và đọc những tờ báo nói về những thông tin cập nhật thì hầu như họ cứ xoay quanh trong vấn đề phẩm vật cứu tế của những nhà hảo tâm của quốc tế tài trợ thì rất nhiều nhưng đến tay của người dân thì ít. Thậm chí một vài người thỉnh thoảng được phỏng vấn trên đài truyền hình cho đến bây giờ Sunami đã trôi qua gần sáu tháng mà họ vẫn chưa nhận được vật gì cả, từ chỗ đó họ quằn quại thương đau, thế nhưng phải ngậm đắng nuốt cay, kiên nhẫn và âm thầm chịu đựng. Vấn đề này bắt nguồn từ đâu? Nó được bắt nguồn từ tâm tham lam, ích kỷ và chỉ biết mình chứ không biết đến tha nhân, và đây cũng là nguyên nhân chính yếu của sự phân chia không đồng đều giữa chúng. Mặc khác trong thế gian vì do nghiệp quả mà mọi người phải hưởng chịu những phước họa khác nhau. Ngạn ngữ anh có câu: "You are the result of what you were, and you will be the result of what you are" or "You reap what you sow." Như chúng ta thường thấy trong cuộc đời này, người giàu thì giàu nứt túi vở đạy, kẻ nghèo thì nghèo xơ nghèo xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo rơi cả vạc áo (nghèo đến nỗi tấm áo che thân đang mặc đi trên đường mà rơi từng mảnh vải lúc nào cũng không hay), kẻ thì uy quyền chức tước, dinh thự nguy nga, tiền cất đầy nhà băng, ngược lại có cũng không ít người áo không đủ ấm thân trong cơn rét tê cóng của mùa đông, cơm không đủ no lòng trong một đêm dài không ngủ được, thậm chí có một vài người không có chòi tranh để trú thân, tối đến phải nằm lăn lóc dưới gầm cầu hay bên vỉa hè của quần chúng. Cho nên, nói đến chuyện hòa bình thì cũng rất khó mà đạt được trong một sớm một chiều. Người vô sản thì lăm le cướp giật tài vật của những người hữu sản, hay xung đột và thậm chí tìm cách thủ tiêu mạng sống để cướp. Cũng như thế ấy, những nước nghèo đói thì hay gây chiến với những nước phong phú giàu sang. Trong lúc ấy, nếu loài người trên thế giới thâm hiểu được hai chữ "vô thường" (anicca, impermanence) của Phật giáo thì thế giới này sẽ giảm thiểu đi rất nhiều sự xung đột, ẩu đả và xâu xé biết bao nhiêu mà kể. Mỗi khi, họ thấu hiểu được vô thường của vạn pháp thì họ sẽ xem giàu sang phú quý như hạt sương mai trên chiếc lá, công danh, chức tước, uy quyền và vinh hiển trên đời này như bọt nước trôi dạt trên mặt biển, và như thế thì thế giới này có thể nhẹ bớt những quằn quại đau thương.

Vì tinh thần bình đẳng lợi tha vô biên cương, không bờ mé của đức Phật đối với tha nhân, Ngài khuyên chúng ta nên thi hành đức tính công bằng hay bình đẳng trong khi cùng nhau chung sống bất cứ trong một hoàn cảnh và môi trường nào, có như thế thì chúng ta mới có thể duy trì sự tốt đẹp trong khi sống chung với tha nhân. Đức Phật là người nhìn sâu và thấy rộng, cho nên chúng ta nên hành trì những gì Ngài đã khuyên bảo...

III. Kết Luận

Đức Thế Tôn là người giác ngộ giải thoát, Ngài thấu hiểu tất cả hiện tượng giới, Ngài thấy những gì có lợi ích cho nhân loại trong khi thực hành, với tấm lòng từ bi vô biên cương, không bờ bến, Ngài dạy chúng ta sáu phép hoà kính trên, nếu chúng ta tha thiết, quyết tâm thực hiện một cách triệt trong lảnh vực gia đình, thì gia đình đó sẽ được hòa thuận yên vui, còn nếu chúng ta áp dụng nó trong công sở thì công sở ấy sẽ được tiến triển tốt đẹp, nếu những người có chức quyền đem sáu pháp hoà kính này ứng dụng trong quốc gia thì quốc gia kia sẽ được hùng cường thịnh trị, hòa bình và an lạc. Còn nếu chúng ta là những người tu sĩ sống trong tăng đoàn, nếu chúng ta áp dụng nó một cách thường trực trong tu viện thì sự tu học của chúng ta chóng được tiến triển, đức hạnh thanh cao, con đường giải thoát giác ngộ sẽ đến gần chúng ta hơn. Có như thế, chúng ta sẽ nhanh chóng đạt được cảnh giới cực lạc ngay trong kiếp sống này chứ không cần tìm cầu và ước vọng ở đâu cho xa xuôi hay là trong kiếp sống tới. Thật sự kiếp sống tới rất là mong mênh bất tận. Đức Phật đã dạy rằng được tái sinh làm kiếp người là rất khó, chẳng khác gì con rùa mù lặn sâu dưới đáy biển một nghìn năm, sau đó ngơi đầu lên mặt biển để thở thì gặp được khúc gỗ mục có lổ hổng đang trôi dạt trên mặt biển và tựa đầu vào đó để thở cho đỡ ngộp. Than ôi! Thật khó thay! Vậy, chúng ta nên gấp rút thực hiện những lời quý giá vàng son mà Ngài đã dạy.

Và nhân đây, chúng tôi thành thật thiết tha kêu gọi tất cả những ai mỗi khi đã hiểu được lục hòa thì nên cố gắng thực hành chúng một cách thật sự cho chính mình, và cũng đừng lãng quên chia sẻ, khuyên và sách tấn mọi người thực hành theo với mục đích cùng nhau chung hưởng hạnh phúc chung từ những lời giảng dạy vàng son mà Người cha lành đã để lại từ bao đời nay...

Với tấm long thân thật này, chúng tôi xin cầu nguyện cho chúng sanh trong thế giới này chóng ly khổ đắc lạc và sớm giác ngộ giải thoát.

-ooOoo-

* Tài liệu trích dẫn:

- The Dhammapada: Verses & Stories, translated by Daw Mya Tin, edited by the Editorial Committee; Myanmar Pitaka Association, Yangon, Myanmar: 1990.

- Daily Buddhist Devotions, by Venerable K. Sri Dhammananda, edited in Malaysia: 1991

-The Dhammapada: Pāli text & translation with stories in brief & notes, by the Most Venerable Narada, Colombo-Sri Lanka:1933.

- Phật Học Phổ Thông, của Ngài Hòa thượng Thích Thiện Hoa.

- Đĩa CD Phật Học BuddhaSasana, của Dr. Bình Anson và một vài tài liệu tham khảo khác.

- Kinh Lời Vàng: Thi hoá Dhammapada Sutta, Tỳ kheo Giới Đức; Huyền Không, Huế: 1995.

- Kinh Kosambi số 48, Trung bộ kinh, Hoà Thượng Minh Châu dịch từ bản Pāli của Phật Giáo Nam Truyền.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 28-05-2005