Kho Tang Phap Hoc - Ty kheo Giac Gioi
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

KHO TÀNG PHÁP HỌC

Tỳ Khưu Giác Giới
biên soạn

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG PHÁP TÁM CHI

[399] Tám pháp đa tác dụng (Bahukārā dhammā):

Đây là tám nhân dẫn đến trí tuệ phạm hạnh căn bản (Hetū ādibrahmacariyakāya paññāya saṃ-vattanti):

1. An lập lòng tàm quý nhạy bén (Tibbaṃ hiri- ottappaṃ paccuṭṭhitaṃ hoti).

2. Tùy thời hỏi pháp (Kālena dhammaṃ paripucchati).

3. Sống viễn ly thân tâm (Kāyacittavūpakāsena sampādeti).

4. Có giới hạnh (Sīlavā hoti).

5. Có đa văn (Bahussuto hoti).

6. Trú chuyên cần (Āraddhaviriyo viharati).

7. Có chánh niệm (Satimā hoti)

8. Sống quán sanh diệt đối với ngũ thủ uẩn (Pañcasu upādānakkhandesu udayavyayānupassī vi-harati).

D.III.284

[400] Tám pháp cần tu tập (Bhāvetabbā dhammā):

Đó là bát chi thánh đạo (Ariyo atthaṅgiko maggo):

1. Chánh kiến (Sammādiṭṭhi), tức là trí tuệ thấy rõ tứ đế, hoặc thấy tam tướng đối với ngũ uẩn, hoặc hiểu được điều thiện bất thiện là chi phần ngăn trừ tà kiến.

2. Chánh tư duy (Sammāsaṅkappo), tức là sự suy nghĩ chân chánh, như suy nghĩ ly dục, vô sân, bất hại. Là chi phần ngăn trừ tà tư duy.

3. Chánh ngữ (Sammāvācā), là nói chân chánh, tức là nói chân thật, nói hòa hợp, nói dịu ngọt, nói lợi ích. Là chi phần ngăn trừ tà ngữ.

4. Chánh nghiệp (Sammākammanto), là hành động chân chánh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Là chi phần ngăn trừ tà nghiệp.

5. Chánh mạng (Sammā-ājīvo), là sống nuôi mạng chân chánh, không dùng sở hành tà vạy để tạo sinh kế. Là chi phần ngăn trừ tà mạng.

6. Chánh tinh tấn (Sammāvāyāmo), là siêng năng chân chánh, tức là gắng sức dẹp bỏ ác pháp và trau dồi thiện pháp. Là chi phần ngăn trừ tà tinh tấn.

7. Chánh niệm (Sammāsati), là ức niệm chân chánh, chú ý ghi nhận biến động của danh sắc. Là chi phần ngăn trừ tà niệm.

8. Chánh định (Sammāsamādhi), là trụ tâm chân chánh, tức tập trung vào đề mục thiền. Là chi phần ngăn trừ tà định.

Bát chi thánh đạo này còn gọi là bát chi đạo (Atthaṅgikamagga). Đây là con đường trung đạo (Majjhimā paṭipadā) tránh xa hai cực đoan là khổ hạnh và lợi dưỡng, con đường đưa đến giải thoát.

Bát chi thánh đạo này xếp theo tam học thì chánh kiến, chánh tư duy thuộc phần Tuệ học, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc phần Giới học, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc phần Định học.

D.III.312,D.III.286; M.I.61,III.251,Vbh.235

[401] Tám pháp cần biến tri (Pariññeyā dhammā):

Đây là tám thế gian pháp (Lokadhamma), tám pháp đời, tám thói đời:

1. Được lợi (Lābha)
2. Mất lợi (Alābha)

3. Được danh (Yasa)
4. Mất danh (Ayasa)

5. Chê bai (Nindā)
6. Khen ngợi (Pasaṃsā)

7. Hạnh phúc (Sukha)
8. Đau khổ (Dukkha).

Tám pháp đời (được, mất, vinh, nhục, khen, chê, vui, khổ) này luôn xoay chuyển tâm chúng sanh. Có hai mặt thuận cảnh và nghịch cảnh.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa vị thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu khi đối mặt với tám ngọn gió đời này.

Kẻ vô văn phàm phu khi được lợi lộc, được danh, được khen, được hạnh phúc thì người ấy không nhận thức tính chất vô thường - khổ, nên có sự tham đắm hoan hỷ với lợi lộc ấy, và khi bị mất lợi, mất danh, bị chê, bị khổ thì người ấy khởi lên sầu muộn. Do tâm bị chi phối với thuận cảnh và nghịch cảnh như vậy, nó không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết.

Trái lại, một vị thánh đệ tử hiểu pháp, khi gặp thuận cảnh (lợi lộc, danh tiếng, được khen, được hạnh phúc), hoặc nghịch cảnh (mất lợi, mất danh, bị chê, bị khổ), vị ấy khéo tác ý, nhận thức tính chất vô thường - khổ của sự kiện nên không tham đắm cũng không buồn phiền. Nhờ vậy vị ấy đoạn tận tham, sân, si và được thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết,

A.IV.157.

[402] Tám pháp cần đoạn trừ (Pahātabbā dhammā):

Đây là tám tà tánh, hay bát tà đạo (Micchattā):

1. Tà kiến (Micchādiṭṭhi), tri kiến sai lầm, sự hiểu không đúng chân lý, như thường kiến, đoạn kiến v.v...

2. Tà tư duy (Micchāsaṅkappo), sự suy nghĩ bất thiện, như ý tưởng tham dục, ý tưởng sân hận ý tưởng não hại.

3. Tà ngữ (Micchāvācā), lời nói bất chính, như nói dối, nói ly gián, nói độc ác, nói vô ích.

4. Tà nghiệp (Micchākammanto), hành động bất chính, như sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

5. Tà mạng (Micchā-ājīvo), nuôi mạng bất chính, như làm nghề sát sanh, nghề trộm cướp, nghề lừa đảo...

6. Tà tinh tấn (Micchāvāyāmo), sự siêng năng bất chính, như siêng năng làm cho bất thiện pháp phát sanh.

7. Tà niệm (Micchāsati), sự vọng niệm, nhớ đến những điều mà làm cho ác bất thiện pháp sanh khởi.

8. Tà định (Micchāsamādhi), sự phóng dật, sự trụ tâm không kiên cố, làm cho bất thiện sanh khởi.

D.III.286-287.

[403] Tám pháp thuộc phần hạ liệt (Hāna-bhāgiyā dhammā):

Đây là tám giải đãi sự (Kusītavatthūni), tám sự kiện làm cho lười biếng:

1. Có việc sắp phải làm, nghĩ rằng: "Ta có việc sẽ phải làm, lúc ta làm việc, thân sẽ mỏi mệt, vậy ta hãy nằm nghỉ". (Kammaṃ kho me kattabbaṃ bhavis-sati kammaṃ kho pana me karontassa kāyo kilamis-sati handā' haṃ nippajjāmī' ti).

2. Vừa làm việc xong, nghĩ rằng: "Ta vừa làm xong việc, thân ta đang mỏi mệt vì làm việc, vậy ta hãy nằm nghỉ" (Ahaṃ kho kammaṃ akāsiṃ kam-maṃ kho me karontassa kāyo kilanto handā' haṃ nippajjāmī'ti).

3. Sắp phải đi đường xa, nghĩ rằng: "Ta sẽ phải đi đường xa, lúc đi đường thân ta sẽ mệt mỏi, vậy ta hãy nằm nghỉ". (Maggo kho me gantabbo bha-vissati maggaṃ kho pana me gacchantassa kāyo kila-missati handā' haṃ nippajjāmī' ti).

4. Vừa mới đi đường xa, nghĩ rằng: "Ta vừa mới đi đường xa, thân ta đang mệt mỏi vì đi đường, vậy ta hãy nằm nghỉ ". (Ahaṃ kho maggaṃ agamāsiṃ maggaṃ kho pana me gacchantassa kāyo kilanto handā' haṃ nippajjāmī' ti).

5. Khi thiếu ăn, nghĩ rằng: "Ta khất thực không có đủ thức ăn, thân ta đang mệt mỏi bạc nhược, vậy ta hãy nằm nghỉ". (Ahaṃ kho piṇḍāya caranto n' ālatthaṃ bhojanassa pāripūriṃ tassa me kāyo kilanto akammañño handā' haṃ nippajjāmī' ti).

6. Khi đủ ăn, nghĩ rằng: "Ta khất thực được đầy đủ thức ăn, thân ta nặng nề không linh hoạt, cảm giác như bao thóc, vậy ta hãy nằm nghỉ". (Ahaṃ kho piṇḍāya caranto alatthaṃ bhojanassa pāripūriṃ tassa me kāyo garuko akammañño māsacitaṃ maññe handā' haṃ nippajjāmī' ti).

7. Nhuốm bệnh, nghĩ rằng: "Ta nhuốm bệnh rồi, cần thiết phải nghỉ ngơi, vậy ta hãy nằm nghỉ" (Uppanno kho me appamattako ābādho atthi kappo nippajjituṃ handā' haṃ nippajjāmī' ti).

8. Vừa khỏi bệnh, nghĩ rằng: "Ta vừa mới khỏi bệnh, thân ta còn yếu đuối chưa thoải mái, vậy ta hãy nằm nghỉ". (Ahaṃ kho gilānā vuṭṭhito acira-vuṭṭhito gelaññā tassa me kāyo dubbalo akammañño handā' haṃ nippajjāmī' ti).

D.III.255, 287;A.IV.339

[404] Tám pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāgiyā dhammā):

Đây là tám sự kiện tinh tấn, bát đoan cần (Ārabbhavatthu):

1. Có việc sắp phải làm, nghĩ rằng: "Khi ta làm việc, không dễ gì suy nghĩ đến lời dạy của Đức Phật, vậy ta hãy tinh tấn (Kammaṃ kho me pana kattabbaṃ bhavissati kammaṃ kho pana me karon-tena na sukaraṃ buddhānaṃ sāsanaṃ mana-sikātuṃ handāhaṃ viriyaṃ ārabhāmi).

2. Vừa làm xong việc, nghĩ rằng: "Lúc ta làm việc, ta không thể suy nghĩ đến lời dạy của Đức Phật, vậy ta hãy tinh tấn (Ahaṃ kho kammaṃ akasiṃ kammaṃ kho pan' ahaṃ karonto nāsakkhiṃ bud-dhānaṃ sāsanaṃ manasikātuṃ handā' haṃ viriyaṃ ārabhāmi).

3. Sắp phải đi đường xa, nghĩ rằng: "Ta sẽ phải đi đường xa, khi ta đi không dễ gì suy nghĩ đến lời dạy của Đức Phật được, vậy ta hãy tinh tấn" (Maggo kho me gantabbo bhavissati maggaṃ kho pana me gacchantena na sukaraṃ buddhānaṃ sāsanaṃ manasikātuṃ handā' haṃ viriyaṃ ārabhāmi)

4. Vừa mới đi đường xa, nghĩ rằng: "Ta vừa mới đi đường xa, lúc đi đường ta không thể suy tư đến lời dạy của Đức Phật, vậy ta hãy tinh tấn" (Ahaṃ kho maggaṃ agamāsiṃ maggaṃ kho panā' haṃ gac-chanto n' āsakkhiṃ buddhānaṃ sāsanaṃ mana-sikātuṃ handā' haṃ viriyaṃ ārabhāmi).

5. Khi thiếu ăn, nghĩ rằng: "Ta đi khất thực không nhận được thức ăn đầy đủ; nhờ vậy thân thể ta được nhẹ nhàng thích nghi, vậy ta hãy tinh tấn" (Ahaṃ kho piṇḍāya caranto n' ālatthaṃ bhojanassa pāripūriṃ tassa me kāyo lahuko kammañño handā' haṃ viriyaṃ ārabhāmi).

6. Khi đủ ăn, nghĩ rằng: "Ta đi khất thực đã nhận được thức ăn no đủ; thân thể ta mạnh khỏe thích nghi, vậy ta hãy tinh tấn" (Ahaṃ kho piṇḍāya caranto alatthaṃ bhojanassa pāripūriṃ tassa me kāyo balavā kammañño handā' haṃ viriyaṃ āra-bhāmi).

7. Mới nhuốm bệnh, nghĩ rằng: "Ta mới nhuốm bệnh, điều có thể xảy ra là bệnh của ta sẽ gia tăng, vậy ta hãy tinh tấn" (Uppanno kho me ayaṃ appamattako ābādho ṭhānaṃ kho pan' etaṃ vijjati yaṃ me ābādho vaḍḍheyya handā' haṃ viriyaṃ ārabhāmi).

8. Vừa khỏi bệnh, nghĩ rằng: "Ta vừa khỏi bệnh không bao lâu, điều có thể xảy ra là bệnh của ta sẽ tái phát, vậy ta hãy tinh tấn" (Ahaṃ kho gilānā vuṭṭhito aciravuṭṭhito gelaññā ṭhānaṃ kho pan' etaṃ vijjati yaṃ me ābādho paccudāvatteyya handā' haṃ viriyaṃ ārabhāmi).

D.III.256, 287; A.IV.339.

[405] Tám pháp khó thể nhập (Duppaṭijjhā dhammā):

Đây là tám phi thời phạm hạnh trú (Akkhaṇā asamayā brahmacariyavāsāya):

1. Khi trong thế gian có đức Như Lai bậc Ala hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện, và giáo pháp được thuyết giảng đưa đến an tịnh, tịch diệt, giác ngộ do bậc Thiện Thệ khai thị, hạng người này sanh trong địa ngục. (Tathāgato ca loke uppanno hoti arahaṃ sammāsambuddho, dhammo ca desiyati opasamiko parinibbāniko sambodhagāmī sugatappavedito. Ayañca puggalo nirayaṃ uppanno hoti).

2. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm loài thú. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggalo tiracchānayoniṃ uppanno hoti).

3. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm loài ngạ quỉ. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato pettivisayaṃ uppanno hoti).

4. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh làm chư thiên thọ mạng dài. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato dīghāyukaṃ devanikāyaṃ uppanno hoti).

5. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này sanh vào các xứ biên địa giữa các loài mọi rợ vô trí, những nơi mà không có các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cận sự nam, cận sự nữ lui tới. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato paccantimesu janapadesu paccājāto hoti milakkhūsu aviññātāresu yattha natthi gati bhikkhūnaṃ bhikkhunīnaṃ upasakānaṃ upāsi-kānaṃ).

6. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này tái sanh ở các Trung quốc độ nhưng lại có tà kiến, có quan điểm điên đảo. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti, so ca hoti micchādiṭṭhiko viparītadassano).

7. Khi trong thế gian có đức Như Lai... hạng người này tái sanh ở các Trung quốc độ nhưng thiểu trí, đần độn, câm điếc, không có khả năng hiểu ý nghĩa thiện ngôn, ác ngôn. (Tathāgato ca loke... Ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti, so ca hoti duppañño jalo eḷamūgo na paṭibalo subhāsitadubbhāsitānaṃ atthaṃ aññātuṃ).

8. Khi trong thế gian không có đức Như Lai A-la-hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện, và giáo pháp an tịnh, tịch diệt, dẫn đến giác ngộ mà bậc Thiện Thệ khai thị không được tuyên thuyết, hạng người sanh ra tại các Trung quốc độ, có trí tuệ, khôn ngoan, không câm điếc, có khả năng hiểu ý nghĩa thiện ngôn, ác ngôn . (Tathāgato ca loke anuppanno hoti arahaṃ sammāsambuddho dhammo ca na desiyati opasamiko parinibbāniko sambodhāgāmī sugatappa-vedito, ayañca puggato majjhimesu janapadesu paccājāto hoti so ca hoti paññavā ajaḷo aneḷamūgo paṭiba-lo subhāsitadubbhāsitānaṃ atthaṃ aññātuṃ).

D.III.263, 287

[406] Tám pháp cần được sanh khởi (Uppādetabbā dhammā):

Đây là tám tư tưởng bậc đại nhân, tư duy đại nhân (Mahāpurisavitakka):

1. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người thiểu dục, pháp này không phải của người đa dục" (Appicchassa ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo mahicchassa).

2. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người tri túc, pháp này không phải của người bất tri túc" (Santuṭṭhassa ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo asantuṭṭhassa).

3. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người viễn ly, pháp này không phải của người ưa tụ hội" (Pavivi-tassa ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo saṅganikārāmassa).

4. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người tinh cần, pháp này không phải của người lười biếng" (Āraddhaviriyassa ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo kusītassa).

5. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người trú niệm, pháp này không phải của người thất niệm" (Upaṭṭhitasatissa ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo muṭ-ṭhassatissa).

6. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người định tỉnh, pháp này không phải của người phóng dật" (Samāhitassa ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo asamāhi-tassa).

7. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người có trí tuệ, pháp này không phải của người thiếu trí" (Paññāvato ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo duppaññassa).

8. Suy nghĩ: "Đây là pháp của người không vương hệ lụy, pháp này không phải của người vương hệ lụy" (Nippapañcārāmassa ayaṃ dhammo n' āyaṃ dhammo papañcārāmassa).

D.III.287

[407] Tám pháp cần thắng tri (Abhiññeyyā dhammā):

Đây là tám thắng xứ (Abhibhāyatanāni):

1. Một vị tưởng tri nội sắc, thấy các ngoại sắc tốt xấu hạn lượng sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ rūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati parittāni suvaṇṇadubbaṇṇāni tāni abhibhuyya jānāmi pas-sāmī' ti evaṃ saññī hoti).

2. Một vị tưởng tri nội sắc, thấy các ngoại sắc tốt xấu vô lượng, sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ rūpa-saññī eko bahiddhā rūpāni passati appamāṇāni suvaṇṇadubbaṇṇāni tāni abhibhuyya jānāmi passāmī' ti evaṃ saññī hoti).

3. Một vị tưởng tri nội vô sắc, thấy các ngoại sắc tốt xấu hạn lượng, sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ arūpa-saññī eko bahiddhā rūpāni passati parittāni suvaṇ-ṇadubbaṇṇāni, tāni abhibhuyya jānāmi passāmī' ti evaṃ saññī hoti).

4. Một vị tưởng tri nội vô sắc thấy các ngoại sắc tốt xấu vô lượng, sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati appamāṇāni suvaṇṇadubbaṇṇāni tāni abhibhuyya jānāmi pas-sāmī' ti evaṃ saññī hoti).

5. Một vị tưởng tri nội vô sắc, thấy các ngoại sắc xanh, màu xanh, ánh xanh, sáng xanh, sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati nīlāni nīlavaṇṇāni nīlānidassanāni nīlanibhāsāni tāni abhibhuyya jānāmi passāmī' ti evaṃ saññī hoti).

6. Một vị tưởng tri nội vô sắc, thấy các ngoại sắc vàng, màu vàng, ánh vàng, sáng vàng, sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati pītāni pītavaṇṇāni pītanidassanāni pītāni-bhāsāni, tāni abhibhuyya jānāmi passāmī' ti evaṃ saññī hoti).

7. Một vị tưởng tri nội vô sắc, thấy các ngoại sắc đỏ, màu đỏ, ánh đỏ, sáng đỏ; sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati lohitakani lohitakavaṇṇāni lohitakanidassanāni lohi-takanibhāsāni, tāni abhibhuyya jānāmi passāmī' ti evaṃ saññī hoti).

8. Một vị tưởng tri nội vô sắc, thấy các ngoại sắc trắng, màu trắng, ánh trắng, sáng trắng, sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy nhận thức rằng: "Ta biết, ta thấy". (Ajjhattaṃ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati odātāni odātavaṇṇāni odātanidassanāni odā-tanibhāsāni tāni abhibhuyya jānāmi passāmī' ti evaṃ saññī hoti).

D.III.260, 287.

[408] Tám pháp cần tác chứng (Sacchikā-tabbā dhammā):

Đây là tám sự giải thoát (Vimokkha):

1. Tự mình có sắc, thấy các sắc (Rūpī rūpāni passati). Tức là bốn thiền hữu sắc của bậc tu chứng bằng cách tiến hành đề mục kasiṇa xác định các màu như màu của tóc v.v... từ nơi nội thân.

2. Tưởng tri vô sắc nội thân, thấy các ngoại sắc (Ajjhattaṃ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati). Tức là bốn thiền hữu sắc của bậc tu chứng bằng cách tiến hành đề mục kasiṇa xác định sắc màu bên ngoài.

3. Khuynh hướng "Tịnh sắc" (Subhan' t' eva adhimutto hoti). Tức là bốn thiền hữu sắc của bậc tu chứng bằng cách tiến hành đề mục kasiṇa xác định "Màu tịnh", hoặc tiến hành đề mục phạm trú.

4. Chứng và trú "Không vô biên xứ" (Ākāsānañ-cāyatanaṃ upasampajja viharati). Tức là vượt khỏi hoàn toàn các sắc tưởng, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng dị biệt, suy tư rằng: "Hư không là vô biên".

5. Chứng và trú "Thức vô biên" (Viññānañcāya-tanaṃ upasampajja viharati). Tức là vượt khỏi hoàn toàn không vô biên xứ, suy tu rằng "Thức là vô biên".

6. Chứng và trú "Vô sở hữu xứ" (Ākiñcaññāya-tanaṃ upasampajja viharati). Tức là vượt khỏi hoàn toàn thức vô biên xứ, suy tư rằng: "Không có chi cả".

7. Chứng và trú "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" (Nevasaññānāsaññāyatanaṃ upasampajja viharati). Tức là sau khi vượt khỏi hoàn toàn vô sở hữu xứ, trú với đề mục phi tưởng phi phi tưởng xứ.

8. Chứng và trú "Diệt thọ tưởng định" (Saññā-vedayitanirodhaṃ upasampajja viharati). Tức là sau khi vượt khỏi hoàn toàn phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị ấy nhập định diệt thọ tưởng.

D.III.262, 288; A.IV.306

[409] Tám sự vô minh (Avijjā), sự không hiểu biết điều đáng hiểu biết, sự không liễu tri thực tính pháp:

1. Bất tri khổ (Dukkhe aññāṇaṃ), không thông hiểu về sự khổ ngũ thủ uẩn.

2. Bất tri khổ tập (Dukkhasamudaye aññāṇaṃ), không thông hiểu tập khởi của khổ.

3. Bất tri khổ diệt (Dukkhanirodhe aññāṇaṃ), không thông hiểu sự diệt khổ.

4. Bất tri đạo lộ khổ diệt (Dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya aññāṇaṃ), không thông hiểu con đường đưa đến diệt khổ.

5. Bất tri quá khứ (Pubbante aññāṇaṃ), không biết rằng mình đã từng hiện hữu ở quá khứ, có kiếp sống quá khứ.

6. Bất tri vị lai (Aparante aññāṇaṃ), không biết rằng mình sẽ có mặt trong tương lai, có kiếp sống sau.

7. Bất tri quá khứ vị lai (Pubbantāparante aññā-ṇaṃ), không biết có đời sống quá khứ và vị lai, tức là đời sống vui khổ hiện tại bị chi phối bởi quá khứ, và sở hành hiện tại ảnh hưởng vị lai.

8. Bất tri pháp duyên khởi y tương sinh (Idappaccayatāpaṭiccasamuppannesu dhammesu aññāṇaṃ), không biết duyên khởi các pháp, sanh do nhân quả liên quan, như do vô minh có hành, do hành có thức v.v...

Dhs.190.195; Vbh.362.

[410] Tám nguyên nhân cư sĩ bị úp bát (Pattanikkujjana), tám lỗi lầm của cư sĩ mà Tăng chúng có thể từ chối sự cúng dường:

1. Cố tình làm thiệt hại cho các tỳ-kheo (Bhikkhūnaṃ alābhāya parisakkati).

2. Cố tình làm bất lợi cho các tỳ-kheo (Bhikkhūnaṃ anatthāya parisakkati).

3. Cố tình làm cho các tỳ-kheo không chỗ ở (Bhikkhūnaṃ anāvāsāya parisakkati).

4. Mắng nhiếc chỉ trích các tỳ-kheo (Bhikkhū akkosati parisakkati).

5. Chia rẽ tỳ-kheo với tỳ-kheo (Bhikkhū Bhikkhūhi vibhedeti).

6. Phỉ báng Phật (Buddhassa avaṇṇaṃ bhāsati).

7. Phỉ báng Pháp (Dhamassa avaṇṇaṃ bhāsati).

8. Phỉ báng Tăng (Saṅghassa avaṇṇaṃ bhāsati).

A.IV.344

[411] Bát giới (Aṭṭhasīla), hay gọi là bát quan trai giới (Uposathasīla):

1. Kiêng tránh sát sanh (Pāṇātipātā veramaṇī); không hại mạng sống chúng sanh.

2. Kiêng tránh trộm cướp (Adinnādānā vera-maṇī); không lấy vật không được cho.

3. Kiêng tránh dâm dục (Abrahmacariyā vera-maṇī); không hành phi phạm hạnh.

4. Kiêng tránh nói dối (Musāvādā veramaṇī).

5. Kiêng tránh uống rượu và chất say (Surāme-rayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī).

6. Kiêng tránh ăn phi thời (Vikālabhojanā veramaṇī); không ăn quá giờ ngọ.

7. Kiêng tránh xem múa hát, nhạc, kịch, trang sức vòng hoa, hương liệu, vật thoa và thời trang (Naccagītavāditavisūkadassanamālāgandhavilepana-dhāraṇamaṇḍavibhūsanaṭṭhānā veramaṇī).

8. Kiêng tránh dùng sàng tọa cao rộng sang trọng (Uccāsayanamahāsayanā veramaṇī).

Tám giới này là giới của cư sĩ thọ trì trong những ngày bố tát (Uposatha). Ngày bố tát trong tháng được qui định là mồng 8, 15, 23, 30 âl; theo chú giải có đến tám ngày là mồng 5, mồng 8, ngày 14, ngày rằm, ngày 20, ngày 23, ngày 29 và ngày 30 âl.

A.IV.248

[412] Tám giới huợt mạng đệ bát giới (Ājīvaṭṭhamakasīla) tám giới mà có giới chánh mạng là thứ tám:

1-3. Ba thân nghiệp thiện (Kāyakamma).
4-7. Bốn khẩu nghiệp thiện (Vacīkamma).
8. Chánh mạng (Sammā-ājīva), nuôi mạng chân chánh.

Tám giới này thuộc sơ phạm hạnh (Ādibrahmacariyā).

Nói theo pháp cốt lõi (Sāra), nhóm tám giới này là ba chi trong chánh đạo, tức là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Vism. 11.

[413] Tám nguồn công đức sanh nhân thiên (Puññābhisandā):

1. Qui y Phật (Buddhaṃ saraṇaṃ gato hoti)
2. Qui y Pháp (Dhammaṃ saraṇaṃ gato hoti)
3. Qui y Tăng (Saṅghaṃ saraṇaṃ gato hoti)
4. Từ bỏ sát sanh (Pāṇātipātā paṭivirato hoti)
5. Từ bỏ trộm cướp (Adinnādānā paṭivirato hoti)
6. Từ bỏ tà hạnh các dục (Kamesu micchācārā paṭivirato hoti)
7. Từ bỏ nói dối (Musāvādā paṭivirato hoti)
8. Từ bỏ nghiện ngập rượu chè (Surāmerayamaj-japamādaṭṭhānā paṭivirato hoti).

Tám điều này là tam qui và ngũ giới, nguồn công đức, nguồn thiện đem lại lợi ích an lạc trong cõi người và cõi trời.

A.IV.245

[414] Tám minh (Vijjā):

1. Tuệ quán (Vipassanañāṇa), trí minh sát danh sắc theo tam tướng.

2. Ý hóa thông (Manomayiddhi), thần thông phân thân, một thân biến ra nhiều thân.

3. Biến hóa thông (Iddhividhi, iddhividhā), khả năng thăng thiên độn thổ.

4. Thiên nhĩ thông (Dibbasota), năng lực nghe được âm thanh của chư thiên, hoặc tiếng nói ở xa.

5. Tha tâm thông (Cetopariyañāṇa), khả năng với tâm mình biết tâm của người khác.

6. Túc mạng thông (Pubbenivāsānussati), khả năng biết được tiền kiếp của mình.

7. Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu), khả năng thấy được hình sắc chư thiên; cũng có thể thấy biết sự sanh tử của chúng sanh tùy duyên nghiệp.

8. Lậu tận thông (Āsavakkhayañāṇa), trí đoạn tận các lậu hoặc.

D.I.76-84; M.11.17.

[415] Tám cách bố thí của bậc chân nhân (Sappurisadāna):

1. Cho vật trong sạch (Suciṃ deti)
2. Cho vật thượng hạng (Paṇītaṃ deti)
3. Cho đúng thời (Kālena deti)
4. Cho vật phù hợp (Kappiyaṃ deti)
5. Cho có suy tư (Viceyya deti)
6. Cho thường xuyên (Abhiṇhaṃ deti)
7. Tâm tịnh tín bố thí (Dadaṃ cittaṃ pasādeti)
8. Sau khi bố thí có hoan hỷ (Datvā attamano hoti).

A.IV.243.

[416] Tám nguyên nhân để bố thí (Dānavatthūni):

1. Do thương mà bố thí (Chandā dānaṃ deti)

2. Do ghét mà bố thí (Dosā dānaṃ deti)

3. Do dốt nát mà bố thí (Mohā dānaṃ deti)

4. Do sợ mà bố thí (Bhayā dānaṃ deti)

5. Nghĩ rằng: "Ta không nên làm mất truyền thống gia đình đã lâu đời", vì vậy bố thí (N' ārahāsiṃ porāṇaṃ kulavaṃsaṃ hāpetun' ti dānaṃ deti)

6. Nghĩ rằng: "Khi ta bố thí, thân hoại mạng chung sẽ sanh thiện thú cõi trời", vì vậy bố thí (Im' āhaṃ dānaṃ datvā kāyassa bhedā parammaraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjissāmī'ti dānaṃ deti).

7. Nghĩ rằng: "Khi ta bố thí, tâm được trong sạch, do hân hoan nên hỷ phát sanh" vì vậy bố thí (Imaṃ me dānaṃ dadato cittaṃ pasīdati attamanatā somanassaṃ upajāyatī' ti dānaṃ deti)

8. Để trang sức cho tâm, trang bị cho tâm, nên bố thí (Cittālaṅkāracittaparikkhāratthaṃ dānaṃ deti).

A.IV.236.

[417] Tám bậc thiền (Jhāna)

1. Sơ thiền (Paṭhamajhāna)
2. Nhị thiền (Dutiyajhāna)
3. Tam thiền (Tatiyajhāna)
4. Tứ thiền (Catutthajhāna)
5. Thiền không vô biên xứ (Ākāsāmañcāyatanajhāna)
6. Thiền thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatanajhāna)
7. Thiền vô sở hữu xứ vô biên xứ (Ākiñcaññāyatanajhāna)
8. Thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññānāsaññāyatanajhāna).

D.III.224, M.I.40, S.IV.227

Xem bốn thiền sắc [177], và bốn thiền vô sắc [178].

[418] Tám đặc tính để biết pháp luật thật (Dhammavinayajānanalakkhana):

1. Ly tham (Virāga), pháp luật của Đức Phật có đặc tính vô nhiễm, khiến cho người thực hành không tham đắm cảnh trần.

2. Ly hệ phược (Visaṃyoga), pháp của Đức Phật có đặc tính lìa sự ràng buộc, khiến người thực hành không bị trói buộc bởi phiền não.

3. Bất tích tập (Apacaya), pháp của Đức Phật có đặc tính không chất chứa mầm sanh tử, khiến người thực hành sẽ chấm dứt luân hồi.

4. Thiểu dục (Appicchatā), pháp của Đức Phật có đặc tính bỏ ham muốn, khiến người thực hành không tham cầu danh lợi.

5. Tri túc (Santuṭṭhī), pháp của Đức Phật có đặc tính làm cho người sống biết đủ.

6. Viễn ly (Paviveka), pháp của Đức Phật có đặc tính làm cho người sống viễn ly, thích độc cư tĩnh lặng.

7. Tinh cần (Viriyārambha), pháp của Phật có đặc tính làm cho người sống tinh tấn nỗ lực, không thụ động biếng nhác.

8. Dị dưỡng (Subhāratā), pháp của Đức Phật có đặc tính làm cho người sống dễ nuôi, không câu nệ kén chọn vật nuôi sống.

Pháp nào có tám đặc điểm như vậy thì đúng là pháp luật của bậc Đạo Sư, ngược lại thì không phải.

Tám pháp này Đức Phật đã thuyết cho Trưởng lão ni Mahāpajapatigotamī.

A.IV.280, Vin.II.259.

[419] Tám pháp của bậc chân nhân, pháp của bậc chánh nhân quân tử (Sappurisadhamma):

1. Hội đủ bảy diệu pháp (Saddhammasamannāgato), tức là có tín, có tàm, có quý, đa văn, tinh tấn, chánh niệm và có trí tuệ.

2. Thân cận người chân chánh (Sappurisabhattī), tức là giao du với hạng có đức tánh hiền thiện.

3. Có tư tưởng của bậc chân nhân (Sappurisacintī), tức là có sự suy nghĩ thiện hướng thượng, suy nghĩ điều không hại mình không hại người.

4. Có hội thảo bậc chân nhân (Sappurisamantī), tức là có cuộc thảo luận nào thì thảo luận theo cách bậc trí, không áp đảo người khác, chỉ trình bày theo lẽ thật, cởi mở.

5. Có ngôn ngữ bậc chân nhân (Sappurisavāco), tức là nói những cam ngôn mỹ từ, nói lời chân thật, hòa hợp, dịu ngọt và bổ ích.

6. Có hành vi bậc chân nhân (Sappurisakammanto), tức là có sở hành tốt đẹp về thân, không sát sanh, không gian tham, không tà hạnh, không say sưa.

7. Có tri kiến bậc chân nhân (Sappurisadiṭṭhi), tức là có chánh kiến, thấy đúng chân lý, hợp nhân quả.

8. Bố thí theo cách cho của bậc chân nhân (Sappurisadānaṃ deti), tức là cho tặng theo tám cách bố thí, xem [441].

M.III.23.

[420] Tám chướng ngại đắc níp-bàn (Nibbānasacchikatanīvaraṇiya):

1. Dính mắc sáu nội xứ (Channetaṃ ajjhattikānaṃ āyatanānaṃ adhivacanaṃ)

2. Dính mắc sáu ngoại xứ (Channetaṃ bāhīrānaṃ āyatanānaṃ adhivacanaṃ)

3. Sống hỷ tham (Nindirāgassetaṃ adhivacanaṃ).

4. Sống ngã mạn (Asmimānassetaṃ adhivacanaṃ).

5. Sống quan hệ với cư sĩ (Gihīhi saṃsaṭṭho viharati).

6. Hành phạm hạnh với nguyện vọng làm thân chư thiên (Aññataraṃ devanikāyaṃ paṇidhāya brahmacariyaṃ carati).

7. Bị ngũ trần lôi cuốn (Pañcannetaṃ kāmaguṇānaṃ adhivacanaṃ).

8. Có ác giới ác pháp (Dussīlo hoti pāpadhammo).

Tám chướng ngại này được thuyết ví dụ như khúc gỗ bị tám chướng ngại sẽ không trôi xuôi ra biển cả được, như bị tắp qua bờ này, tắp qua bờ kia, chìm giữa dòng, mắc cạn trên gò, bị người nhặt lấy, bị phi nhơn nhặt lấy, bị cuốn vào dòng xoáy, bị mục rã bên trong.

S.IV.179

[421] Tám sự kỳ diệu của pháp luật (Dhammavinayacchariyā):

1. Trong pháp luật này có học thuyết thứ lớp, thực hành thứ lớp, đạo lộ thứ lớp, không có đốn ngộ (Imasmiṃ dhammavinaye anupubbasikkhā anupubbakiriyā anupubbapaṭipadā nāyatakeneva aññāpaṭivedho).

2. Học giới được chế định rồi, các đệ tử không vì nhân mạng sống mà vi phạm (Sikkhāpadaṃ paññattaṃ taṃ jīvitahetupi n'ātikkamanti).

3. Người nào ác giới ác pháp sở hành bất tịnh, chúng tăng không cộng trú với người ấy (Yo so puggalo dussīlo pāpadhammo asucisaṅkassarasamācāro na tena saṅgho saṃvasati).

4. Bốn giai cấp xã hội sau khi xuất gia đều chỉ gọi là sa môn thích tử (Cattāro' me vaṇṇā anāgāri-yaṃ pabbajitvā samaṇo sakyaputtiyo tv'eva saṅkhayaṃ gacchanti).

5. Dù có nhiều vị tỳ-kheo nhập diệt vô dư y níp-bàn, cũng không vì thế mà níp-bàn giới được thấy vơi hoặc đầy (Bahū cepi bhikkhū anupādisesāya nibbānadhātuyā parinibbāyanti na tena nibbānadhātuyā unnattaṃ vā pūrattaṃ vā paññāyati).

6. Pháp luật này chỉ có một vị là vị giải thoát (Ayaṃ dhammavinayo ekaraso vimuttiraso).

7. Pháp luật này có nhiều châu báu, nhiều bảo vật, như là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. (Ayaṃ dhammavinayo bahuratano anekaratano tatr' imāni ratanāni seyyathīdaṃ cattāro satipaṭṭhāna cattāro sammappadhānā cattāro iddhipādā pañcin-driyāni pañca balāni satta bojjhaṅgā ariyo aṭṭhaṅgiko maggo).

8. Pháp luật này là trú xứ của các chúng sanh lớn, như là bậc Dự Lưu, bậc đang hành trình để tác chứng quả Dự Lưu; bậc Nhất Lai, bậc đang hành trình để tác chứng quả Nhất Lai, bậc Bất Lai, bậc đang hành trình để tác chứng quả Bất Lai; bậc A-la-hán, bậc đang hành trình để tác chứng quả A-la-hánn (Ayaṃ dhammavinayo mahataṃ bhūtānaṃ ākāso tatrīme bhutā sotāpanno sotāpattiphalasacchi-kiriyāya paṭipanno sakadāgāmī sakadāgāmiphalasacchikiriyāya paṭipanno anāgāmī anāgāmiphalasac-chikiriyāya paṭipanno arahā arahattāya paṭipanno).

Pháp luật này có tám sự kỳ diệu, như biển cả cũng có tám sự kỳ diệu. Biển cả có tám sự kỳ diệu nên khiến cho các Atula thích thú nơi ấy, cũng như pháp luật này có tám sự kỳ diệu nên khiến các vị tỳ-kheo chân chánh được hoan hỷ thích thú.

A.IV.197

[422] Tám sức mạnh (Bala):

1. Trẻ con có sức mạnh là khóc (Roṇṇabalā dārakā).
2. Đàn bà có sức mạnh là giận hờn (Kodhabalā mātugāmā)
3. Kẻ cướp có sức mạnh là vũ khí (Āvudhabalā corā).
4. Vua chúa có sức mạnh là quyền hành (Issariyabalā rājāno).
5. Kẻ ngu có sức mạnh là ngang ngược (Ujjhatti bālā).
6. Bậc trí có sức mạnh là thuyết phục (Nijjhattibalā paṇḍitā).
7. Bậc đa văn có sức mạnh là thẩm xét (Paṭisaṅkhānabalā bahussutā).
8. Sa môn, Bà la môn có sức mạnh là nhẫn nại (Khantibalā samaṇabrahmaṇā).

A.IV.223

[423] Tám lợi ích tu tâm từ (Mettānisaṃsa):

1. Ngủ được an lạc (Sukhaṃ supati).

2. Thức giấc được an lạc (Sukhaṃ paṭibujjhati).

3. Không thấy ác mộng (Na pāpakaṃ supinaṃ passati).

4. Là chỗ thương mến của mọi người (Manussānaṃ piyo hoti).

5. Là chỗ thương mến của các phi nhân (Amanussānaṃ piyo hoti).

6. Chư thiên hộ trì (Devatā rakkhanti).

7. Lửa hoặc chất độc hoặc khí giới không xâm phạm người ấy được (N'assa aggi vā visaṃ satthaṃ vā kamati).

8. Chưa đắc quả vị cao thượng cũng sanh phạm thiên giới (Uttariṃ appaṭi vijjhanto brahmalokūpago hoti).

A.IV.150

Ở một đoạn khác (A.V.342), lợi ích lòng từ được nói đến có 11 điều, tám điều giống như ở đây, chỉ thêm ba điều nữa là: Định tâm được mau lẹ, diện mạo trong sáng, mệnh chung không hôn mê.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục |
Một Pháp: 1-10 | Hai Pháp: 11-71 | Ba Pháp: 72-163 | Bốn Pháp: 164-259 | Năm Pháp: 260-337 |
Sáu Pháp: 338-369 | Bảy Pháp: 370-398 | Tám Pháp: 399-423 | Chín Pháp: 424-442 | Mười Pháp: 443-476 |
Trên Mười Pháp: 477-497

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Giác Giới và Tỳ khưu Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2002, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005