Dan loi ve nguon - Tra Giang Tu - 01

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


DẪN LỐI VỀ NGUỒN

Trà Giang Tử
(Tỳ khưu Định Lực Samadhibàlo)

Tăng Quang Tự, Huế
(tái bản 2003)


[01]

BÀI HỌC ĐẦU

TAM BẢO NGHĨA LÀ GÌ?

Phạn ngữ VÀRA dịch là quý báu. Có nghĩa là, những tài sản, vật dụng gì trên thế gian này, hằng đem lại sự lợi ích, sự vui thích, lòng ham muốn, sự hân hoan cho chúng sanh, gọi là vật quý báu. Đơn cử ví dụ như Vàng, Bạc, Ngọc, Ngà, Trân châu, Mã não, San hô, Hổ phách v.v... chẳng hạn. Thế Nhơn điều cho là vật quý báu, đáng tìm kiếm cất giữ, thu nhặt, nâng niu quý trọng.

Trái lại, trong Phật Giáo không cho đó là quý báu đâu.

Vì rằng, dù cho tất cả các báu vật trong thế gian có nhiều thứ, nhiều loại, cũng không giúp đỡ cho chúng sanh thoát khỏi cảnh Sanh, Già, Đau, Chết, nhất là vượt ra khỏi Tam giới, Tam đồ, Lục đạo...cho được.

Còn Tam bảo có nghĩa là ba ngôi quý báu hẳn thật đáng là nơi vững nương trông cậy. Có nghĩa là chúng sanh nào tin theo, rồi cố gắng hành theo, có thể đi từ Phàm đến Thánh, bỏ Tối về Sáng. Lìa Mê về Ngộ, thoát Khổ về Vui được.

TAM BẢO CÓ MẤY? XIN KỂ RA?

Tam bảo có ba là:

Phật bảo
Pháp bảo
Tăng bảo

TẠI SAO GỌI LÀ PHẬT BẢO?

Gọi Phật bảo, vì Ngài là người tìm ra nguồn Đạo giải thoát, đã vượt ra khỏi vòng Sanh tử Luân hồi dứt Khổ trọn Vui, cũng là Thầy cả Chư Thiên và Nhơn Loại.

TẠI SAO GỌI LÀ PHÁP BẢO?

Gọi Pháp bảo, vì đó là những phương Lương diệu dược nhiệm màu, có năng lực chữa trị Tâm bệnh Phiền não của chúng sanh trong Tam giới.

TẠI SAO GỌI LÀ TĂNG BẢO?

Gọi Tăng bảo, vì các Ngài là người thay mặt ba đời chư Phật, có nhiệm vụ hướng dẫn, dắt dìu quần sanh thoát khỏi nẻo Tối, đường Mê, tu hành cho đến nới dứt Khổ.

-ooOoo-

PHẬT

PHẬT LÀ GÌ?

Phạn ngữ BUDDHÀ, Hán âm Phật Đà, là bậc đã hoàn toàn Giác ngộ, sáng suốt, tự mình tìm ra chơn lý, không thầy chỉ dạy, rồi đem chơn lý ra giáo hoá chúng sanh.

Phật gồm có ba là:

Phật Toàn giác.
Phật Độc giác.
Phật Thinh văn

THẾ NÀO GỌI LÀ PHẬT TOÀN GIÁC?

Phật TOÀN GIÁC, là đấng tự mình tìm ra chơn lý đắc Đạo quả, không thầy chỉ dạy, rồi đem chơn lý ấy ra hoá độ quần sanh.

THẾ NÀO GỌI LÀ ĐỘC GIÁC PHẬT?

Phật ĐỘC GIÁC, tự mình tìm ra chơn lý, đắc Đạo Quả, nhưng không đem chơn lý ấy ra giáo hoá chúng sanh được.

THẾ NÀO LÀ THINH VĂN GIÁC?

THINH VĂN PHẬT là các vị Phật tu hành là do nhờ một vị Phật TOÀN GIÁC hoá độ cho, mới giác ngộ được chơn lý, đắc Đạo Quả và đem chơn lý ấy ra giáo hoá chúng sanh khác.

MUỐN ĐẮC THÀNH QUẢ PHẬT PHẢI TU BAO LÂU?

Muốn đắc thành Quả vị của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác phải tu hành rất lâu, nhiều Đời nhiều Kiếp không thể tính toán đo lường. Có ba HẠNH để tu thành TOÀN GIÁC PHẬT. Ba HẠNH ấy là

Hạnh Trí tuệ
Hạnh Đức tin
Hạnh Tinh tấn.

THẾ NÀO GỌI LÀ HẠNH TRÍ TUỆ?

Tu theo HẠNH TRÍ TUỆ, vị Bồ tát lấy Trí tuệ làm căn bản. Phải tu trong thời gian 20 A TĂNG KỲ, và 100.000 Đại kiếp chia ra như sau.

Nguyện trong tâm 7 A TĂNG KỲ
Phát ra lời nói 9 A TĂNG KỲ

Có một vị Phật thọ ký cho, rồi tu 4 A TĂNG KỲ và 100.000 Đại kiếp.

THẾ NÀO GỌI LÀ HẠNH ĐỨC TIN?

Tu theo HẠNH ĐỨC TIN, vị Bồ tát lấy đức Tin nơi sự Lễ bái, Cúng dường, Thờ phụng làm căn bản. Hạnh nầy phải tu trong thời gian là 40 A TĂNG KỲ và 100000 Đại kiếp chia ra như sau.

Nguyện trong Tâm 14 A TĂNG KỲ
Phát ra lời nói 18 A TĂNG KỲ

Có một vị Phật thọ ký cho, và tu thêm 8 A TĂNG KỲ và 100000 Đại kiếp.

THẾ NÀO GỌI LÀ HẠNH TINH TẤN?

Hạnh TINH TẤN, vị Bồ tát lấy vun công bồi đức làm căn bản. Hạnh nầy phải tu trong thời gian là 80 A TĂNG KỲ và 100000 Đại kiếp chia ra như sau:

Nguyện trong Tâm 28 A TĂNG KỲ
Phát ra lời nói 36 A TĂNG KỲ

Có một vị Phật thọ ký cho, tu thêm 16 A TĂNG KỲ và 100000 Đại kiếp.

MỘT A TĂNG KỲ LÀ BAO LÂU?

Lâu lắm, không thể tính toán đo lường được. Phật dạy:

- Một tảng đá vuông vức một Do tuần, (16 cây số). Cứ 100 năm, có một vị chư Thiên bay xuống lấy tấm lụa quét qua một lượt. Bao giờ tảng Đá mòn bằng mặt Đất, được gọi là một A TĂNG KỲ.

- Một thùng đựng đầy hạt Cải, vuông vức một Do tuần (16 cây số). Cứ 100 năm, có một vị chư Thiên bay xuống lấy đi một hột. Bao giờ trong thùng không còn một hột cải nào, cũng được gọi là một A TĂNG KỲ.

- Lại nữa, có thể viết một con số Một (1) và sau đó viết tiếp thêm 140 con số Không (0) cũng tạm được gọi là một A TĂNG KỲ.

THẾ NÀO GỌI LÀ ĐẠI KIẾP?

Phạm ngữ KAPPA, dịch là Kiếp có bốn giai đoạn là Thành Trụ Hoại và Không?

THẾ NÀO LÀ GIAI ĐOẠN THÀNH?

Bắt đầu từ khi quả Địa cầu mới cấu tạo nên. Đầu tiên như bọt nước, rồi lần lần đặc lại như Bột và sau cứng như Đất, thật lâu, không thể kể được là bao nhiêu năm, tháng, ngày...nhưng chưa có một Sinh vật nào ở gọi là KIẾP THÀNH.

THẾ NÀO GỌI LÀ KIẾP TRỤ?

Bắt đầu từ khi có Cỏ Cây Sinh vật. Có một người đầu tiên sinh vào quả Địa cầu, cho đến khi người ta sinh ra hằng hà sa số như hiện nay, gọi là KIẾP TRỤ.

THẾ NÀO GỌI LÀ KIẾP HOẠI?

Bắt đầu từ khi quả Địa Cầu không còn ai nữa, cho đến khi nước bể khô khan, vì sức nóng của ánh Thái dương, rồi cháy luôn quả Địa cầu đi, gọi là KIẾP HOẠI.

THẾ NÀO GỌI LÀ KIẾP KHÔNG?

Từ khi quả Địa cầu tiêu hoại, chỉ còn khí u u, minh minh, không không, vô cùng, vô tận, cho đến khi cấu tạo nên quả địa cầu khác, gọi là KIẾP KHÔNG.

Bốn kiếp kể trên đây, gộp lại thành một ĐẠI KIẾP mà chư Bồ tát, phải thực hành mười PHÁP BA LA MẬT cho đến thời kỳ nhất định của những ĐẠI KIẾP ấy.

MUỐN THÀNH PHẬT, PHẢI PHÁT NGUYỆN VÀ TU HÀNH RA SAO?

Muốn đắc thành Quả vị một bậc CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, vị Bồ tát phải phát tâm lành trong sạch, nguyện trong tâm, phát ra lời nói, nhất là khi gặp được một vị Phật ra đời thọ ký cho. Rồi phải thực hành tròn đủ MƯỜI PHÁP BA LA MẬT trong thời gian (tuỳ theo hạnh nguyện như trên).

MƯỜI PHÁP BA LA MẬT ẤY RA SAO?

Mười PHÁP BA LA MẬT ấy là:

1. DÀNÀ (Bố thí Ba La Mật)
2. SÌLÀ (Trì giới Ba La Mật)
3. NEKKHAMMA (Xuất gia Ba La Mật)
4. PANNA (Trí tuệ Ba La Mật)
5. VIRIYA (Tinh tấn Ba La Mật)
6. KHANTI (Nhẫn nại Ba La Mật)
7. SACCA (Chơn thật Ba La Mật)
8. ADDITTHÀNÁ (Nguyện vọng Ba La Mật)
9. METTA (Từ ái Ba La Mật)
10. UPEKKHA (Xả Ba La Mật)

MƯỜI PHÁP GỌI LÀ BA LA MẬT TRÒN ĐỦ RA SAO?

Mười pháp BA LA MẬT tròn đủ phải có ba bậc là:

Ba La Mật bờ kia.
Ba La Mật bờ trên
Ba La Mật bờ Cao Thượng.

THẾ NÀO GỌI LÀ BA LA MẬT BỜ KIA?

Ba La Mật bờ Kia, vị Bồ tát hy sinh xả bỏ những tài sản, quý báu như tiền của, bạc vàng, ngọc ngà của mình cho kẻ khác với lòng hoan hỷ.

THẾ NÀO GỌI LÀ BA LA MẬT BỜ TRÊN?

Vị Bồ tát dám hy sinh tay chơn mắt mũi cùng xương máu của mình như cho kẻ khác một cách dễ dàng.

BA LA MẬT BỜ CAO THƯỢNG RA SAO?

Đến giai đoạn này, vị Bồ tát dám hy sinh thân mạng của mình như Tim Gan Đầu Óc cho kẻ khác.

MỘT VỊ PHẬT ĐẮC ĐƯỢC NHỮNG PHÁP GÌ?

- Một vị Phật, đắc ba cái Giác
- Tám cái Giác
- Mười lăm cái Hạnh

Ba cái GIÁC còn gọi là ba ÂN ĐỨC là:

1. Ân đức trong sạch hoàn toàn của Thân Khẩu Ý dù trước mặt hay sau lưng người cũng vậy (TỊNH ĐỨC).
2. Ân đức Bi mẫn, thương xót mọi người, mọi lo
ài không biệt người thân hay kẻ thù (BI ĐỨC).
3. Ân đức trí tuệ (TUỆ ĐỨC)

TÁM CÁI GIÁC LÀ GIÁC CHI?

Tám cái GIÁC hay còn gọi là tám cái MINH

1. MINH SÁT MINH. Tuệ biết rõ mười pháp Minh sát
2. HOÁ TÂM MINH. Biết biến hoá tâm ra nhiều trạng huống
3. THẦN THÔNG MINH. Biết biến hoá các pháp thần thông
4. THIÊN NHĨ MINH. Nghe được tiếng nói xa hoặc gần của Người, Trời hoặc Thú.
5. THI
ÊN NHẢN MINH. Mắt nhìn thấy tất cả chúng sanh trong Tam Giới.
6. THA TÂM MINH. Biết rõ tâm niệm lành, dữ của kẻ khác.
7. SANH TỬ MINH. Biết rõ sự sanh tử luân hồi của chúng sanh do theo cái Nghiệp.
8. LẬU TÂM MINH. Biết rõ các Pháp trầm luân mà diệt tận Pháp ấy.

MƯỜI LĂM CÁI HẠNH LÀ HẠNH CHI?

1. Thu thúc trong giới hạnh.
2. Thu thúc Lục căn thanh tịnh.
3. Tư cách biết tiết độ trong vật thực (Ngọ thời).
4. Luôn luôn thức tỉnh, ít m
ê ngủ.
5. Luôn luôn có sự ghi nhớ và biết mình.
6. Có đức tin chơn chánh theo lý Nhơn Quả
7. Hổ thẹn tội lỗi.
8. Gh
ê sợ tội lỗi.
9. Có sự nghe nhiều học rộng.
10. Sự tinh tấn đứng theo pháp Tứ chánh cần.
11. Trí tuệ thấy r
õ lý Tứ Diệu Đế.
12. R
ành mạch trong sơ Thiền.
13. Rành mạch trong Nhị Thiền.
14. Rành mạch trong Tam Thiền.
15. Rành mạch trong Tứ Thiền.

HỒNG DANH CỦA CHƯ PHẬT CÓ KHÁC NHAU KHÔNG?

Không. Hồng danh của ba đời chư Phật là quá khứ hiện tại và vị lai đều giống nhau như một. Có mười hồng danh sắp theo thứ tự như sau:

1. ARAHAM. Hán dịch là Ứng cúng
2. SAMMÀ SAMBUDDHO. Chánh Biến tri.
3. VIJJÀCARANASAMPANNO. Minh Hạnh Túc.
4. SUGATO. Thiện Thệ
5. LOKAVIDÙ. Thế Gian Giải.
6. ANUTTARO. Vô Thượng Sĩ.
7. PURISSADAMMÀSARATTHI. Điều Ngự Trượng Phu.
8. SATTH
ÀDEVÀMANUSANAM. Thiên Nhơn Sư.
9. BUDDHO. Phật
10. BHAGAVÀ. Thế Tôn.

XIN GIẢI CHO TỪNG HỒNG DANH MỘT?

ARAHAM Hán âm A LA HÁN còn có bốn nghĩa.

Bẻ gãy Căm
Xa quân Th
ù
Ứng cúng.
Vô sanh.

BẺ GÃY CĂM LÀ THẾ NÀO?

Bẻ gãy Căm, phá tan 12 cây Căm tạo nên bánh xe sanh tử luân hồi (Do lý luận Thập Nhị Nhơn duyên).

XA QUÂN THÙ LÀ XA CÁI CHI?

Xa quân thù là xa lìa phiền não.

ỨNG CÚNG CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

Là bậc đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường.

VÔ SANH LÀ THẾ NÀO?

Nghĩa là bậc không còn Sanh tử Luân hồi lại nữa. Tóm lại A LA HÁN là bậc đã hoàn toàn sáng suốt, trong sạch tiền khiên tật, Thân Khẩu và Ý của Ngài đã được trong sạch trọn lành. Ngài đã vượt ra khỏi vòng Tam giới khổ.

HỒNG DANH THỨ HAI CÓ NGHĨA CHI?

SAMMÀ SAMBUDDHO Hán âm TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ hay dịch CHÁNH BIẾN TRI, là vì Ngài đã đắc thành Đạo Quả CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC do Ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy.

HỒNG DANH THỨ BA NGHĨA LÀ THẾ NÀO?

VIJJÀ CARANASAMPANNO, dịch MINH HẠNH TÚC có nghĩa Ngài là bậc có đầy đủ đức hạnh, ba cái Giác, tám cái Giác và mười lăm cái Hạnh như trên.

HỒNG DANH THỨ TƯ NGHĨA LÀ THẾ NÀO?

SUGATO dịch là THIỆN THỆ bởi Ngài đã ngự đến nơi vô sanh, bất diệt là đại Niết bàn, là nơi rốt ráo cao thượng, thông suốt cả Tam giới,Trời, Người.

HỒNG DANH THỨ NĂM RA SAO?

LOKAVIDÙ dịch là THẾ GIAN GIẢI bởi Ngài là bậc đã thông suốt cả Tam giới, Trời, Người.

HỒNG DANH THỨ SÁU CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

ANUTTARO dịch là VÔ THƯỢNG SĨ bởi vì Ngài có đức hạnh cao quý không ai sánh bằng kịp.

HỒNG DANH THỨ BẢY CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

PURISADAMMASÀRATTHI dịch là ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU, bởi vì Ngài là đấng Tế độ những người Hữu duyên nên Tế độ. Những người có duyên với Ngài thì dù ở trong hoàn cảnh giai cấp nào, Ngài cũng không từ nan.

HỒNG DANH THỨ TÁM CÓ NGHĨA CHI?

SATTHADEVÀMANUSSANAM dịch THIÊN NHƠN SƯ vì Ngài là thầy cả chư Thiên và Nhơn loại.

HỒNG DANH THỨ CHÍN CÓ NGHĨA GÌ?

BUDDHO, Hán âm PHẬT ĐÀ, là bậc đã giác ngộ được lý TỨ DIỆU ĐẾ, bẻ gãy bánh xe sanh tử luân hồi, rồi đem sự giác ngộ đó ra giáo hoá chúng sanh.

HỒNG DANH THỨ MƯỜI CÓ NGHĨA CHI?

BHAGÀVA dịch THẾ TÔN là bậc TỐI THƯỢNG. Ngài đã vượt ra khỏi vòngTAM GIỚI, nghĩa là không còn sanh tử luân hồi lại nữa.

BA ĐỜI CHƯ PHẬT CÓ NGHĨA THẾ NÀO?

Phật ba đời có nghĩa gồm chư Phật trong quá khứ, chư Phật trong đời hiện tại này, và chư Phật trong kiếp vị lại.

NHƯ VẬY CÓ BAO NHIÊU VỊ PHẬT RA ĐỜI RỒI?

Theo CHÁNH GIÁC TÔNG có 28 vị. Riêng quả địa cầu chúng ta, cõi Nam Diêm Phù Đề này có bốn vị Phật đã ra đời rồi. Đó là các Ngài.

Đức Phật CÂU LƯU TÔN
Đức Phật CÂU NA H
ÀM MƯU NI
Đức Phật CA DIẾP. Là chư Phật quá khứ.

đức Phật THÍCH CA MƯU NI là đức Phật hiện tại của chúng ta.

XIN CHO BIẾT VỀ ĐỨC PHẬT VỊ LAI?

Ngài hãy còn là một vị Bồ tát. Ngài đang hưởng Phước thanh nhàn với Chư thiên tại Trời ĐÂU SUẤT ĐÀ, đó là đức Bồ tát DI LẶC vậy.

BAO LÂU NỮA, ĐỨC DI LẶC MỚI GIÁNG SANH ĐỘ ĐỜI?

Thời gian chưa biết được. Theo CHÁNH GIÁC TÔNG. Sau khi hết thời kỳ Giáo Pháp của đức THÍCH CA MƯU NI. Một thời gian dài không còn Giáo Pháp, đức DI LẶC mới ra đời, hoá độ chúng sanh.

HAI DANH TỪ PHẬT VÀ BỒ TÁT KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Phật là đấng TOÀN TRI DIỆU GIÁC. Là bậc sáng suốt. Hoàn toàn trong sạch. Đã diệt tận vô minh và phiền não. Ngài đã vượt ra khỏi vòng Tam giới, nghĩa là không còn bị trói cột, dính mắc trong vòng sanh tử luân hồi.

Bồ tát, Phạn ngữ BODDHI SATTA, nghĩa là chúng sanh có nhiều trí tuệ. Có nhiều trí tuệ chứ chưa phải là TOÀN GIÁC. Còn Bồ tát là còn sanh tử luân hồi, còn bị vô minh buộc ràng và dục vọng lôi kéo. Vị Bồ tát còn phải xuống lên trong TAM GIỚI, khi làm Trời, khi làm người, khi làm thú, tuỳ theo NGHIỆP LỰC tạo tác.

XIN CHO VÍ DỤ ĐỂ DỄ HIỂU?

Tạm ví như một quả dừa già, mọc mầm lên cây dừa, cây dừa lớn lên sẽ ra trái dừa. Quả dừa non rồi sẽ già đem giâm sẽ mọc ra cây dừa rồi ra quả dừa, loanh quanh mãi như thế nào, thì Bồ tát cũng ví như thế ấy, do sự sanh tử luân hồi v.v...

Quả dừa kia đem phơi khô, nấu thành dầu, trong thơm quý báu, để lâu không hư, không thối, nhưng không còn mọc ra cây dừa được nữa như thế nào, thì Phật cũng như thế ấy.

Một ví dụ khác, một lu nước đục, để lâu, sẽ hư, sẽ thối không dùng được như thế nào cũng như Bồ tát là một chúng sanh phát đại nguyện to lớn, nhưng chưa thành tựu được nguyện vọng, có thể bị hư hỏng.

Đem lu nước ấy, nấu hay chưng cất, lọc lấy nước trong gạn bỏ chất dơ, để vào bình, vào chai, dù có lâu cũng không hư không thối như thế nào, thì Phật và Bồ tát cũng khác nhau như thế ấy.

Đây là những ví dụ đem ra để tạm so sánh cho dễ hiểu vậy thôi, chứ ý nghĩa hai danh từ khác nhau lắm.

VẬY, BỒ TÁT VÀ CHÚNG SANH CÓ KHÁC NHAU KHÔNG?

Như trên đã giải, thì Bồ tát là một chúng sanh. Song vị chúng sanh này có nhiều trí tuệ, có nguyện lực thanh cao hơn, luôn luôn đời nào, kiếp nào cũng mong mỏi thành một bậc CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC để độ mình và hoá độ chúng sanh.

CHƯ BỒ TÁT CÓ NHIỀU KHÔNG?

Nhiều thì cũng không nhiều, nhưng cũng không phải là ít. Ví như một cây hồng, một lần ra hoa, không biết cơ man nào là nụ, là hoa. Nhưng đến khi kết quả, thì không có bao nhiêu? Chúng sanh cũng như thế ấy, sự ao ước, sự mong mỏi, sự mong muốn thì nhiều, song đến khi kết quả, đến mục đích, thì không còn bao nhiêu.

Vả lại, vị Bồ tát muốn đắc thành CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, lại còn có hai bậc. Hai bậc ấy là:

1. ANIYATA BODDHI - SATTA. (Bất Định Bồ tát).

Chư Bồ tát chưa thành tựu được nguyện vọng. Là chư Bồ tát nào, đã có nguyện trong tâm, phát ra lời nói nhưng chưa có một vị Phật thọ ký cho, thì chưa chắc đã thành CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC được.

2. NIYATA BODDHI SATTA (Xác định Bồ tát)

Chư Bồ tát đã thành tựu được nguyện vọng. Là Bồ tát đã được một, hoặc nhiều vị Phật thọ ký cho, chắc chắn sẽ thành CHÁNG ĐẲNG, CHÁNH GIÁC trong ngày vị lai.

CHƯ BỒ TÁT CÓ ĐIỀU GÌ KHÁC CHÚNG SANH?

Chư Bồ tát tròn đủ, có TÁM PHÁP khác thường hơn tất cả chúng sanh.

1) Phải là người, chứ không là Trời hay là Thú.

2) Phải là nam nhơn, chứ không phải phụ nữ, hay bán nam bán nữ.

3) Có đủ duyên lành và có thể đắc A LA HÁN trong kiếp ấy (như THIỆN HUỆ Đạo nhơn là Bồ tát tiền thân của Phật tổ GOTAMA vậy).

4) Gặp được đức Phật ra đời, và làm được một việc lành nào đến đức Phật ấy.

5) Phải là người xuất gia.

6) Phải có đầy đủ Pháp của bậc cao nhơn là Ngũ Thông và Bát Thiền.

7) Đã làm được Phước báu cao thượng nào là bố thí mạng sống của mình và vợ con mình do tâm nguyện thành tựu quả vị CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC..

8) Phải có ý nguyện đầy đủ quyết cho thành được vị CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC dù cho khó khăn khổ sở cũng không nao núng và thoái chuyển. Chư Bồ tát nào đã có đầy đủ TÁM PHÁP trên đây thì mới được chư Phật thọ ký cho, từ ấy mới được gọi là NIYATA BODDHI lực thanh cao hơn, luôn luôn đời nào, kiếp nào cũng mong mỏi thành bậc CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC để độ mình và hoá độ chúng sanh.

CÓ PHÁP NÀO CHỨNG TỎ BỒ TÁT ĐÃ ĐƯỢC THỌ KÝ?

Có BỐN PHÁP để căn cứ, của chư Bồ tát đã được thọ ký.

1. Rất siêng năng, dũng mãnh trong việc làm điều lành.

2. Có trí tuệ phân biệt thiện ác, để xa lánh điều dữ, hành theo điều lành.

3. Có chí cả quyết và cứng rắn. Là khi đã làm một điều thiện nào không hề thoái chuyển và ráng làm cho đến khi thành tựu.

4. Khi làm một việc nào, toàn là việc hữu ích cho mình và cho kẻ khác.

NHỮNG NẾT HẠNH NÀO CỦA CHƯ BỒ TÁT ĐÃ ĐƯỢC THỌ KÝ?

Chư Bồ tát được thọ ký rồi có sáu nết hạnh.

1. Có nết hạnh không THAM, và luôn luôn có ý muốn dứt bỏ của cải, tài sản của mình để làm việc hữu ích cho kẻ khác.

2. Có nết hạnh không SÂN, và luôn luôn có Tâm Từ bi đối với tất cả chúng sanh.

3. Có nết hạnh không SI và có Trí Tuệ suy xét rõ rồi mới Tin.

4. Có nết hạnh muốn Xuất gia, là có ý muốn dứt bỏ các sự thương mến ràng buộc.

5. Có nết hạnh ưa thích nơi thanh vắng Vườn Rừng, xa lánh bạn bè và nơi tụ họp đông đúc.

6.Có nết hạnh muốn giải thoát khỏi Ái dục, Phiền não và Khổ não Thế gian.

CHƯ BỒ TÁT ĐƯỢC THỌ KÝ, CÓ ĐIỂU NÀO KHÁC CHÚNG SANH?

Có bảy PHÁP XUẤT CHÚNG của chư Bồ tát được thọ ký.

1. Có tâm gớm ghê điều xấu xa tội lỗi, là tâm của Bồ tát đã được thọ ký rồi, thì hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, ví như bị phỏng lữa, khi thấy lửa thì ghê sợ.

2. Có tâm vui thích theo điều thiện. Là tâm của Bồ tát lúc nào cũng tươi vui, thoả thích theo điều lành việc phải. Một khi đã làm được một điều thiện nào, thì sốt sắng vui vẻ làm cho đến khi thành tựu

3. Tâm nguyện cho tuổi Thọ đã nhất định. Là khi Bồ tát sanh về cõi Trời sống quá lâu, do phước báu, nên Ngài nguyện cho tuổi thọ giảm bớt, để sanh xuống trần gian, hành PHÁP BA LA MẬT, mà độ đời.

4. Khác thường hơn các chúng sanh là Bồ tát khi giáng sanh vào lòng mẹ, thì rất sạch sẽ, mặt day ra phía trước. Ngồi xếp bằng như một vị Pháp sư.

5. Có sự ghi nhớ và biết rõ ba thời kỳ. Khi kiếp chót sẽ thành Đạo. Khi giáng sanh vào lòng Phật mẫu cũng biết. Khi ở trong lòng cũng biết. Và khi sanh ra cũng biết.

6. Khi sanh, thì Phật mẫu đứng, Bồ tát xuôi tay bước ra, như thể Pháp Sư bước xuống pháp tọa.

7. Sanh ra trong loài người chứ không phải chư thiên hay súc sanh. Hơn nữa, lúc nhập NIẾT BÀN có để hài cốt, ngọc Xá Lợi lại cho chư thiên và nhơn loại lễ bái cúng dường.

Tóm lại, chư Bồ tát phải thực hành tròn đủ MƯỜI PHÁP BA LA MẬT đúng theo khuôn khổ, thời gian nhất định và có được một vị Phật thọ ký cho biết trước (sẽ thành một vị Phật tổ) chừng ấy mới gọi là Bồ tát thật, và thế nào cũng chứng quả CHÁNH BIẾN TRI A NẬU TA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ (SAMMÀ SAMBUDDHO).

KHI MỘT VỊ PHẬT TỔ RA ĐỜI CÓ NHỮNG DỮ KIỆN GÌ?

Một vị Phật tổ đến kiếp chót thành Phật, các Ngài phán xét, hội đủ năm điều kiện thuận lợi, mới giáng sanh. Năm điều kiện ấy là.

1. Ngài xem coi xứ nào để giáng sanh (Không ngoài trung tâm địa cầu) Trung Ấn Độ.

2. Ngài coi châu nào để giáng sanh (Không ngoài Nam Thiệm Bộ Châu) vì các châu kia như Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngu Hoá Châu, Bắc Cu Lô Châu, tuổi thọ chúng sanh quá nhiều (hơn 1000 tuổi) nên không thấy nỗi khổ sanh già đau chết, mà khó hoá độ.

3. Ngài coi Dòng nào sẽ Giáng sanh (không ngoài dòng vua chúa hay Bà La Môn).

4. Ngài xem coi tuổi thọ của chúng sanh là không quá một muôn tuổi hay không quá dưới 100 tuổi. Vì chúng sanh sống quá lâu, thì không thấy rõ được sự khổ, ít tuổi thì nhiều ái dục và phiền não cũng khó hóa độ.

5. Xem coi tuổi thọ của Phật mẫu, khi sanh ra Ngài rồi, sau bảy ngày phải băng hà về hưởng phước báu trên cõi Trời. Vì Phật mẫu khi sanh Bồ tát rồi, thì không ai được làm hoen ố vì tình dục mẫu nữa.

ĐỨC PHẬT TỔ GOTAMA THUỘC VỀ BỒ TÁT HẠNH NÀO?

Đức Bổn sư của chúng ta, thuộc về Bồ tát tu theo HẠNH TRÍ TUỆ, nghĩa mà hồi còn làm Bồ tát, Ngài gặp đức Phật NHIÊN NĂNG là vị Phật thọ ký cho Ngài đầu tiên.

TRƯỚC KIA NGÀI ĐÃ PHÁT NGUYỆN RA SAO?

Theo CHÁNH GIÁC TÔNG (trang 8, mục 28, "Đức Phật quá khứ"). Vô lượng kiếp quá khứ, trải qua một A TĂNG KỲ kiếp, không có một vị Phật nào ra đời tế độ quần sanh. Khi ấy, có một người lái buôn thuyền tên là MATUDÀRA MÀNAVA (Tàu âm TU ĐẠI NA) đi buôn bị đắm thuyền giữa vời. Ráng sức cõng mẹ trên vai, lội bể trong bảy ngày. Người mặc dù mệt nhọc vô cùng, vẫn can đảm hy sinh vì mẹ. Làm cảm động đến vị Đại Phạm Thiên Ngài bèn xui khiến cho người lái thuyền phát tâm trong sạch, nguyện thành một bậc CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC để cứu độ chúng sanh, thoát khỏi sông mê biển khổ.

Từ đó, vị lái thuyền, trở thành một vị Bồ tát để lập nguyện trong Tâm 7 A TĂNG KỲ. Rồi phát ra lời nói, tu tập thêm 9 A TĂNG KỲ. Cho đến khi gặp đức Phật NHIÊN ĐĂNG (DIPÂNGHÀRA) thọ ký cho biết, còn 4 A TĂNG KỲ VÀ 100 ngàn đại kiếp địa cầu nữa sẽ thành một vị Phật CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC có tên GOTAMA vậy.

VÌ NGUYÊN NHÂN NÀO, ÍT CÓ NGƯỜI TU THÀNH PHẬT ?

Cách đây 20 A TĂNG KỲ, có một người em gái của đức Phật PURÀNA DIPANGHÀRA có lòng trong sạch, đem dầu cúng Phật, rồi nguyện thành một bậc CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, xin Phật thọ ký cho.

Đức Phật dạy:

Vì là Phụ nữ, nên không thể nguyện thành Phật được. Chờ 14 A TĂNG KỲ nữa, em sẻ trở thành Nam nhơn, và rồi chừng ấy, sẽ có Phật thọ ký cho. (Chính nàng là tiền thân của Bồ tát SĨ ĐẠT TA)

NHƯ VẬY, MUỐN TU THÀNH PHẬT, KHÓ QUÁ?

Có bốn điều khó là:

Khó sanh được làm Người.
Phụ nữ khó sanh làm Nam nhơn.
Làm Nam nhơn khó được Xuất gia.
Khó gặp Phật ra đời.

TẠI SAO KHÓ SANH ĐƯỢC LÀM NGƯỜI?

Muốn sanh được làm người, phải tạo nhiều phước báu cao thượng. Mà chúng sanh ưa làm tội hơn làm phước bởi tội dễ làm hơn Phước. Sách nho có câu" VẠN KIẾP NAN SANH ĐẮC CÁ NHƠN" có nghĩa là ngàn năm muôn ức kiếp, khó sanh được làm người.

TẠI SAO PHỤ NỮ KHÓ SANH LÀM NAM NHƠN?

Phụ nữ bản tính ái tình dục lạc nhiều, phải có nhiều phước báu duyên lành mới có thể làm nam nhơn được. Phụ nữ không thể nào nguyện thành một bậc CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, ĐỘC GIÁC hoặc THINH VĂN GIÁC hay BỒ TÁT được. Muốn chuyển Nam nhơn, người phụ nữ phải ráng tu hành tinh tấn, thọ trì Ngũ giới , Bát Quan Trai giới, cố gắng dụi tắt dục tình, đè nén phiền não hoặc xuất gia, giữ vẹn tiết trinh trau giồi thân tâm cho trong sạch đến trọn đời.

TẠI SAO LÀM NAM NHƠN KHÓ XUẤT GIA?

Khi được phước lành cấu tạo, sanh được thân nam nhơn rồi, lại quên căn lành, say đắm theo ngũ trần dục lạc, quyến luyến theo vợ, con gia đình, nên khó bề cắt ái ly gia để xuất gia tu hành cho được.

KHÓ GẶP PHẬT RA ĐỜI LÀ THẾ NÀO?

Vì muốn nguyện thành một đức Phật, phải có sự can đảm Đại hùng Đại lực. Ví như, có những lưỡi kiếm bén nhọn dựng cắm đầy trên mặt địa cầu, hoặc những mảnh sắt thật bén cắm chặt cả quả địa cầu. Hoặc có những khúc sắt cháy đỏ để đầy cả trên mặt địa cầu.

Người có đủ cản đảm, dấn mình chạy vào cho đến trung tâm địa cầu. Hoặc dám lóc thịt mình bố thí cho Dạ xoa để đầy cả trên mặt địa cầu. Hoặc cắt đầu mình bố thí nhiều hơn những cục đá trong quả núi. Hoặc khoét mắt mình bố thí nhiều hơn Sao trên Trời. Và phải hành theo cho tròn đủ PHÁP THẬP ĐỘ đúng theo thời gian nhất định, thì mới mong thành một vị Phật tổ được.

TẤT CẢ BA ĐỜI CHƯ PHẬT CÓ GIỐNG NHAU KHÔNG?

Tuỳ theo hạnh nguyện là Trí tuệ, Đức tin và tinh tấn để chỉ định thời gian lâu hoặc mau khác nhau. Còn lại, tất cả ba đời chư Phật đều có MƯỜI HUỆ LỰC in nhau, 32 tướng lạ giống nhau, các PHÁP LẠ trong lúc ĐẢN SANH trùng nhau, cũng như ba ÂN ĐỨC, tám cái GIÁC và mười lăm cái HẠNH đều y nhau.

MƯỜI HUỆ LỰC LÀ THẾ NÀO?

Theo TAM TẠNG quyển 16 trang 117:

- Huệ biết rõ cái nhân để đưa chúng sanh đi thọ quả vui hay quả khổ đúng theo sự thực.
- Huệ biết r
õ cái NHÂN của chúng sanh trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều do nghiệp dữ mà lãnh quả.
- Huệ biết rõ tất cả hành vi thế nào để đưa chúng sanh đến chổ vui hoặc cảnh khổ trong TAM GIỚI.
- Huệ biết r
õ tất cả các nguyên chất khác nhau là đất nước lửa gió hư không và chất thức.
- Huệ biết rõ tất cả chúng sanh có căn cơ thấp hèn hay cao thượng.
- Huệ biết rõ tất cả chúng sanh đều có tư cách và trình độ khác nhau.
- Huệ biết r
õ tất cả sự trong sạch hay bợn nhơ trong các sắc Thiền và sự giải thoát.
- Huệ biết rõ tất cả những tiền kiếp của mình và tất cả chúng sanh khác.
- Huệ biết rõ tất cả các sự sinh tử luân hồi của chúng sanh đều do nghiệp lành và nghiệp dữ mà cấu tạo.
- Huệ biết rõ tất cả các Pháp Trầm luân mà diệt tận các Pháp ấy không cho pháp sanh lên nữa.

BA MƯƠI HAI TƯỚNG LẠ LÀ THẾ NÀO?

TAM TẠNG quyển 25, trang 16,17,18 và 34 có ghi.

- Lòng bàn chơn bằng phẳng. Đa số thế nhơn lòng chân hủng vô, người ít hủng, là người ít phiền não.
- Hai lòng bàn chân có bánh xe có 1.000 cây căm.
- Gót chân d
ài bằng ba lần của người bậc trung.
- Ngón tay, ngón chân thật dài và nhọn như dùi trống.
- Bàn tay, bàn chân thật mềm mại.
- Hai bàn tay, hai bàn chân có chỉ như lưới giăng.
- Cổ chân nổi l
ên rõ rệt trên lưng bàn chân.
- Ống quyển dài và tròn như ống chân con nai.
- Hai cánh tay thật dài, đứng không cúi mà thông tới đầu gối.
- Ngọc h
ành ẩn vào bọc da như dương vật con bò
- Màu da sáng như vàng ròng.
- Da thật mịn, bụi không dính được.
- Mỗi lỗ chân lông, chỉ mọc một sợi đều nhau
- Tất các sợi lông đều dựng đầu trở l
ên, toàn màu xanh như bông biếc.
- Thân mình ngay thẳng như thân trời Phạm Thiên.
- Bảy chổ thịt đều bằng phẳng là cần cổ, hai bàn tay, hai bàn chân và hai bả vai đều bằng.
- Có thân h
ình phía trước giống hình sư tử.
- Thịt quãng giữa hai bả vai đều bằng.
- Thân h
ình giống như cây đa (Sải tay bao nhiêu thân hình cũng cao như vậy)
- Cần cổ đều tròn.
- Có 700 trăm sợi gân thật nhỏ, châu đầu tại cuống họng, lưỡi để lãnh lấy vị Trần đem phổ biến khắp châu thân.
- Cằm tr
òn như cằm sư tử hoặc như trăng bữa 12.
- Có 40 cái răng (tr
ên 20 dưới 20)
- Những răng đều khít nhau.
- Cái lưỡi d
ài, thật mềm và lớn, có thể lè ra che đậy cả mặt, cuốn xỏ vào lỗ tai, hoặc lỗ mũi cũng được.
- Bốn cái răng nhọn trắng v
à sạch lắm.
- Tiếng nói trong trẻo và êm ái như tiếng Đại Phạm Thiên hay tiếng chim KAKAVERA.
- Những lông nheo giống như lông mi con bò.
- Lông mày trắng và mềm mại như bông gòn. Con mắt thật đen huyền.
- Trán v
à đầu tròn trịa
- Tóc đều xoắn lại một bên mặt và bao phủ như thể đội mũ.

NHỮNG PHÁP LẠ KHI BỒ TÁT ĐẢN SANH NHƯ THẾ NÀO?

Theo TAM TẠNG quyển 16, trang 32.

Tất cả chư Bồ tát trong ba đời. Trong kiếp chót thành Phật đều có những sự lạ giống nhau.

Khi Bồ tát từ cung Trời Đâu Suất Đà "TUSITA" giáng sanh vào lòng Phật mẫu, thì cả quả địa cầu rung rinh và hào quang sáng ngời rực rỡ, chiếu rọi cà ngàn thế giới Ta bà, làm cho tất cả chúng sanh đều thấy nhau rõ ràng.

Chư Bồ tát khi vào lòng mẹ day mặt ra phía trước và ngồi Kiết già như vị Pháp sư trên pháp toạ. Luôn luôn có bốn vị chư thiên hộ trì.

Khi Bồ tát giáng sanh vào lòng Phật mẫu thì bà đâm ra chán nãn tình dục và tự nhiên nguyện giữ ngũ giới và thân thể hằng được an vui tươi tỉnh.

Khi bồ tát còn ở trong lòng Mẹ Phật mẫu thấy rõ ràng như ở ngoài.

Bồ tát ở trong lòng mẹ đúng mười tháng mới đản sanh. Khi đản sanh, y như vị Pháp sư bước xuống Pháp tọa, ngay hai chân rồi đi xuống.

Khi Bồ tát vừa lọt lòng chưa tới đất, đã có bốn vị Trời Phạm thiên ở cung SUDDHÀ VASA bay xuống đỡ lấy Bồ tát, đem lại trước mặt Phật mẫu mà tâu rằng.

Thưa Lệnh Bà. Đây là con qúy báu của Bà đã sanh, xong rồi mới để xuống.

Bồ tát đứng vững xong. Đi bảy bước có bảy toà sen mọc lên đỡ chân Ngài.

Day mặt hướng Bắc, nhìn khắp nơi. Tay mặt chỉ Trời, tay trái chỉ Đất và nói lên.

AGGOHAMASMI
JETTHOHAMASMI
SETTHOHAMASMI
LOKASSA AYAMANTIMA
ME JÀTI NATTHI DÀNI PUNABHAVOTI

Hán Dịch:

Thiên thượng, Thiên Hạ
Duy ngã, độc tôn.
Thứ sanh c
ùng thế
Vô hữu vị lai

Có nghĩa là. Trên trời, dưới đất, chỉ có mình ta là lớn, cao thượng và quý báu. Kiếp này là kiếp chót của Ta.

Khi Bồ tát sanh, thì Phật mẫu đứng hái hoa như thường. Khi sanh ra có hai dòng nước nóng và lạnh từ trên hư không chảy xuống tắm rửa cho Phật mẫu và Bồ tát.

Bồ tát sanh ra, thân hình sạch sẽ như cục ngọc MANI, mà thợ đã trau giồi rồi, đem để trên tấm lụa đỏ.

Khi ra khỏi lòng mẹ, thì toàn cả địa cầu rung rinh chuyển động và hào quang chiếu sáng khắp nơi vô lượng vô biên, thấu cả TAM GIỚI.

Phật mẫu sanh ra được bảy ngày, thì Bà băng hà đặng sanh về cõi Trời ĐÂU XUẤT để hưởng phước thanh nhàn.

Tóm lại những PHÁP LẠ phi thường trên đây là do quả báo của MƯỜI PHÁP BA LA MẬT mà chư BỒ TÁT đã hành trì từ vô lượng, vô biên kiếp phát sanh lên đó vậy

-ooOoo-

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ CỦA ĐỨC PHẬT TỔ GOTAMA

NGUYÊN NHÂN NÀO ĐỨC PHẬT GIÁNG SANH?

Khi Bồ tát thực hành tròn đủ MƯỜI PHÁP BA LA MẬT. Kiếp chót, Ngài ngự tại cung Trời TUSITA "Đâu Suất Đà" cùng chư thiên hưởng phước thanh nhàn.

Khi ấy có chư thiên trong mười ngàn thế giới Ta bà đến thỉnh cầu Bồ tát giáng trần để cứu độ quần sanh.

BỒ TÁT CÓ CHẤP THUẬN KHÔNG?

Sau khi Ngài quan sát hội đủ năm điều kiện.

- Xứ thọ sanh (Trung Ấn Độ)
- Châu sẽ thọ sanh (Nam Thiệm Bộ Châu)
- D
òng dõi vua chúa (dòng SAKYA)
- Đức Phật mẫu (MÀYA Hoàng hậu)
- Tuổi thọ của chúng sanh (trên dưới 100 tuổi)

Bồ tát quyết định giáng sanh vào lòng Phật mẫu MAGIA và bữa thứ năm, ngày Rằm tháng Sáu năm Dậu.

BỒ TÁT ĐẢN SANH VÀO NGÀY NÀO?

Đúng mười tháng tròn đủ, vào ngày trăng tròn tháng VESAK (tức bữa thứ sáu ngày Rằm tháng Tư năm Tuất). Bồ tát đản sanh 544 năm trước Tây lịch.

THÂN SINH CỦA BỒ TÁT LÀ AI?

Vua SUDDHODÀNA Hán dịch TỊNH PHẠN VƯƠNG và Phật mẫu MÀYA (MA GIA) Hoàng hậu.

QUỐC ĐỘ CỦA TỊNH PHẠN VƯƠNG Ở ĐÂU?

Đông Bắc Ấn Độ, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn kinh đô tại KATIPAVASTU "Ca Tỳ La Vệ" trên bờ sông ROBINI, cách thành BÉNARÈS 150 cây số về hướng Bắc.

ĐIỀM LÀNH NÀO ĐÃ XẢY RA?

Quả địa cầu rung rinh chuyển động, nơi vườn Lâm Tỳ Ni, hoa VÔ ƯU đua nhau nở, mặc dù trái mùa. Nhạc Trời của chư thiên vang rền lời tán dương ca tụng, làm chấn động đến đạo sĩ A TƯ ĐÀ đương NHẬP THIỀN cũng phải XUẤT ĐỊNH.

TỊNH PHẠN VƯƠNG CÓ VUI MỪNG KHÔNG?

Được tin lành cấp báo, nhà vua truyền cho dân chúng mở hội ăn mừng. Đạo sĩ A TƯ ĐÀ cũng từ trên núi cao, chống gậy trúc về hoàng cung để xin yết kiến.

LÚC GẶP THÁI TỬ, ĐẠO SĨ TIÊN ĐOÁN NHỮNG GÌ?

Vốn là Sư phụ, bậc cố vấn tinh thần của đức vua TỊNH PHẠN, nên đạo sĩ được nhà vua ân cần tiếp đón.

Vua truyền đem Thái tử ra để đạo sĩ xem tướng.

Vừa trông thấy Thái tử, đạo sĩ sụp lạy dưới chân Ngài. Sau khi lạy xong, đạo sĩ cười vang ba tiếng. Xong lại khóc ròng, đôi vai gầy rung rinh trên gậy trúc.

VÌ SAO VẬY? CÓ ĐIỀU DỮ NÀO XẢY RA?

Vua TỊNH PHẠN cùng triều thần rất chi lo sợ. Vua ban lời phán hỏi.

Đạo sĩ gạt nước mắt mà thưa:

- Muôn tâu lệnh Đại Vương, già quá ư mừng vui sướng, khi tận mắt thấy được một đấng Siêu nhân cứu thế, giáng trần để phổ độ chúng sanh. Nhưng già khóc, không phải vì tai hại gì cho Hoàng cung, cùng Đại vương. Mà bần đạo khóc, vì tủi mình đã quá già rồi, không còn được sống bao lâu, để được nghe những lời vàng, tiếng ngọc của đấng siêu nhân giảng giáo.

ĐẠO SĨ TIÊN ĐOÁN RA SAO?

Xem tướng Thái tử xong, đạo sĩ quả quyết:

- Nếu ở đời, Thái tử sẽ là một bậc CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG, oai danh bao trùm cả bốn châu thiên hạ. Nhưng Thái tử sẽ xuất gia tìm Đạo và đắc thành quả vị CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC không sai.

VUA ĐẶT TÊN CHO THÁI TỬ LÀ GÌ?

Vua đặt tên cho Thái tử là SIDDHARTA, Hán âm SĨ ĐẠT ĐA, có nghĩa là Vạn Sự Như Y.

TẠI SAO THÁI TỬ CÓ TÊN VẠN SỰ NHƯ Ý?

Trước nay, TỊNH PHẠN VƯƠNG chưa có con để nối ngôi. Đêm ngày mong mỏi cầu nguyện cho được một vị hoàng tử để nối dòng. Nay sanh được Thái tử, ước muốn của vua cha được toại nguyện, nên vua đặt là SIDDHARTA nghĩa là được VẠN SỰ NHƯ Ý.

NHƯ VẬY HỌ CỦA THÁI TỬ LÀ GÌ?

Họ của Thái tử GOTAMA (CỒ ĐÀM). Sau này, Ngài đi xuất gia tìm Đạo, người ta cũng còn gọi Ngài là Đại Sa môn CỒ ĐÀM.

VẬY DANH TỪ THÍCH CA MƯU NI LÀ THẾ NÀO?

Phạn ngữ SAKYA MUNI Hán âm THÍCH CA MƯU NI có nghĩa là dòng dõi can đảm và chiến thắng mọi gian nguy. Đức Bổn Sư của chúng ta, sanh vào dòng dõi SAKYA MUNI, nên sau này thành Phật rồi, người ta còn gọi Ngài là PHẬT THÍCH CA MƯU NI.

(Muốn biết rõ hơn, xin tìm xem nơi quyển BA NGÀY LUẬN ĐẠO của Pháp sư THÔNG KHAM đã xuất bản).

NHỮNG NHÂN VẬT ĐỒNG SANH VỚI THÁI TỬ LÀ AI?

Là:

Thái tử NAN ĐÀ
Công chúa YASODHARA.
CHANDA (Nghĩa bộc XÁ NẶC)
Công tử UDÀYI

CUỘC SỐNG CỦA THÁI TỬ HÀNG NGÀY RA SAO?

Thái tử sanh ra được bảy ngày, Hoàng hậu MA GIA băng hà. Thái tử được Dì mẫu là bà GOTAMI săn sóc. Lớn lên, vua cha cho làm ba tòa cung điện nguy nga to lớn, vô cùng tráng lệ đẹp xinh, phù hợp với các thời tiết cho Thái tử vui chơi, an nghĩ. Hằng ngày có 500 cung phi mỹ nữ hầu hạ, có đủ các yến tiệc, món ngon vật lạ cao sang hơn Đời.

VÌ NGUYÊN NHÂN GÌ VUA CHA LÀM THẾ?

Vua cha sợ Thái tử gặp trở ngại, nỗi khổ ở đời, và cũng là để cho Thải từ đắm say trong thú vui vật chất mà lãng quên ý nguyện xuất gia.

LỚN LÊN THÁI TỬ CÓ ĐƯỢC HỌC HÀNH GÌ KHÔNG?

Các Thầy dạy cho Thái tử đều là những các bậc danh sư tăm tiếng, tài giỏi nhất thời bấy giờ. Nhưng trước sự hiểu biết, trí thông minh đỉnh ngộ của Thái tử, làm cho các vị danh sư đều phải cúi đầu bái phục. Vì có những điều Thái tử đã biết, mà họ chưa hề biết đến. Nhưng không phải vì thế, mà Thái tử tỏ ra kiêu căng. Trái lại, Ngài rất ôn hòa, nhã nhặn với tất cả mọi người.

SỰ RÀNG BUỘC TRÊN CÓ CẦM CHÂN ĐƯỢC THÁI TỬ KHÔNG?

Một ngày kia theo vua cha dự lễ HẠ ĐIỀN. Tận mắt, Thái tử nhìn thấy sự làm ăn cực nhọc của thế gian. Này, là một cặp bò vàng cong lưng kéo lưỡi cày nặng.

-Nọ là những con chim Ất là khập khễnh chạy theo mỗ những con giun đang quằn quại trên luống cày.

Kia, trong bụi rậm, con chồn đang ngồi thu mình chực chụp bắt con chim.

Trong góc rừng, người thợ săn giương ná chờ bắn con chồn, trong lúc sau lưng, chú cọp vằn, ngồi chờ chực ăn thịt người thợ săn.

Một dây chuyền tàn sát và rình rập giết hại lẫn nhau không ngoài nhu cầu miếng ăn và sự sống. tâm hồn Thái tử đâm ra chán nản, lo âu.

THÁI TỬ CÓ Ý NIỆM GÌ SAU ĐÓ?

Một nỗi buồn man mác khắc khoải lo âu luôn luôn xâm chiếm tâm hồn của bậc Đại Trí Tuệ, tuy mặc dù sống trong sự nuông chìu, giàu sang tuyệt đỉnh của phụ hoàng.

TRƯỚC HIỆN TƯỢNG TRÊN, VUA CHA LÀM SAO?

Sau khi ban hỏi ý kiến của triều thần:

Chỉ có sợi tóc mây của đàn bà là có đủ năng lực cột chân kẻ anh hùng mã thượng.

Vua cha quyết định lấy sợi dây ràng buộc chân Thái tử. TỊNH PHẠN VƯƠNG quyết định cưới vợ cho con.

CUỘC CHỌN VỢ CHO THÁI TỬ NHƯ THẾ NÀO?

Lệnh truyền "THI SẮC ĐẸP" cho con gái tất cả các hàng con Quan, Vua, Chúa được ban ra. Ai có con gái đẹp hãy đưa gấp vào hoàng cung để chọn lấy HOA KHÔI, đặng làm hoàng hậu cho Thái tử.

Tin đồn truyền loan như làn sóng mạnh. Cả hàng ngàn người đẹp ở các nơi đổ xô về kinh thành CA TỲ LA VỆ. Nhưng rồi, không có một người nào được vừa lòng Thái tử, họ đành lủi thủi ra về, sau khi nhận được món quà ban thưởng.

Cuối cùng, cũng là người sau chót. Công chúa con vua lân bang của một nước. Người đẹp nhất trong số các người đẹp, được lọt vào đôi mắt xanh của Thái tử. Và chính tay Ngài trao tặng xâu chuổi ngọc quý giá nhất của Ngài đang đeo.

NÀNG CÔNG CHÚA ẤY TÊN GÌ? CON CỦA AI?

Công chúa YASODHARA, Hán âm GIA DU ĐÀ LA, con gái vua THIỆN GIÁC, chị gái của hoàng thân ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA.

VUA THIỆN GIÁC CÓ THUẬN GẢ CON GÁI KHÔNG?

Theo luật lệ của vua THIỆN GIÁC, ai muốn cưới công chúa GIA DU ĐÀ LA phải qua một cuộc thi tài võ nghệ với các hoàng thân khác.

THÁI TỬ CÓ THẮNG CUỘC KHÔNG?

Trước tài bắn cung vô địch của ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA, trước tài múa kiếm thần sầu của A NAN ĐA, và với tài cỡi ngựa phi thường của A NẬU LẦU ĐÀ. Nhưng tất cả đều phải chịu khuất phục trước tài đức siêu phàm của Thái tử SĨ ĐẠT ĐA. Hoàng tử được cưới công chúa GIA DU ĐÀ LA năm Ngài 16 tuổi.

SAU ĐÓ VUA CHA CÒN LÀM GÌ NỮA?

Bữa thứ bảy, ngày rằm tháng sáu năm Sửu, vua TỊNH PHẠN VƯƠNG truyền ngôi cho Thái tử.

NHỮNG ĐIỀU ẤY CÓ CẦM CHÂN ĐƯỢC THÁI TỬ KHÔNG?

Sau khi xin phép vua cha ba lần ra khỏi hoàng cung để tìm hiểu đời sống của nhân dân nơi thôn dã. Tận mắt, Thái tử, thấy được cảnh già đau chết, làm cho tâm tư bậc Đại Trí Tuệ đêm ngày khắc khoải lo âu.

Ôi. Cuộc đời là một hý trường bao cảnh khổ? Cuối cùng, Thái tử được gặp một vị Tu sĩ tướng mạo trang nghiêm, cõi lòng thanh tịnh, làm cho Ngài tìm ra lối thoát. Quyết định xuất gia tìm đạo cứu đời, Thái tử khải trình ý định lên phụ hoàng.

VUA TỊNH PHẠN CHẤP THUẬN KHÔNG?

Không. Vua cha hết lời ngăn cản. Và Ngài ra lệnh đóng chặt cửa thành, canh phòng nghiêm ngặt, hầu cầm chân Thái tử. Trước sự canh giữ của quan quân, không làm sao thực hành được ý định.

May thay. Công chúa GIA DU ĐÀ LA vừa hạ sanh được một hoàng tử. Tin mừng tràn lan loan nhanh chóng.TỊNH PHẠN VƯƠNG rất đỗi vui mừng. Ngài truyền cho nhân dân mở hội ăn mừng, vì đức vua đã có người kế vị. Thái tử SĨ ĐẠT ĐA cũng được tin trên. Ngài đã thốt lên hai tiếng "RAHULÀ. RAHULÀ." có nghĩa là"SỢI DÂY TRÓI CỘT"

TỊNH PHẠN VƯƠNG ĐẶT TÊN CHO HOÀNG TÔN LÀ GÌ?

Vui mừng tràn dâng. TỊNH PHẠN VƯƠNG đặt tên cho cháu đích tôn của Ngài là RAHULÀ. Hán âm LA HẦU LA, có nghĩa là sợi dây trói cột của tình phụ tử với hy vọng sẽ cầm chân Thái tử ở lại ngai vàng.

THÁI TỬ VƯỢT HOÀNG THÀNH, NGÀY THÁNG NĂM NÀO?

Vào bữa thứ năm, ngày trăng tròn tháng sáu năm Mão, khi sao Mai vừa mọc ở chân trời, hoàng thành còn đắm chìm trong sự tĩnh mịch của đêm thâu, Thái tử SĨ ĐẠT ĐA trên lưng ngựa KIỀN TRẮC, vượt Hoàng thành để ra đi tìm Đạo giải thoát. Năm vừa tròn 29 tuổi.

THÁI TỬ ĐI CÙNG AI? VỀ HƯỚNG NÀO?

Sau Ngài, trên lưng ngựa KIỀN TRẮC là người nghĩa bộc thân yêu XA NẶC. Thái tử phi ngựa về hướng Đông Nam, vượt thẳng qua bên kia dòng sông ANOMA đương rào rào gợn sóng.

ĐẾN NƠI XONG, NGÀI LÀM GÌ?

Cắt mái tóc xanh dài bằng thanh Bảo kiếm. tháo gỡ cân đai châu ngọc, trao gởi lại cho XA NẶC, nhờ người mang về tâu lại vua cha và công chúa GIA DU ĐÀ LA hãy yên tâm để cho Ngài đi tìm Đạo giải thoát.

Từ đây, ta gọi Ngài là Sa môn CỒ ĐÀM hay Bồ tát SĨ ĐẠT ĐA, vì Ngài chưa thành Phật.

SAU ĐÓ BỒ TÁT LÀM GÌ?

Vận một bộ thường phục mà Bồ tát đã đổi cho một người nông dân. Ở lại bên dòng sông ANOMA bảy ngày, tĩnh toạ giữa rừng cây u tịch. Sau đó, Ngài đi đến thành VƯƠNG XÁ, Kinh đô xứ MA KIỆT GIÀ.

BỒ TÁT ĐẾN VƯƠNG XÁ ĐỂ LÀM GÌ?

Nghe danh tiếng của hai thầy BÀ LA MÔN là ALARA và UDDAKA nổi danh trí tuệ siêu phàm nên Ngài đến cầu xin THỌ GIÁO.

HAI THẦY ẤY DẠY CHI? BỒ TÁT CÓ ĐẮC ĐẠO KHÔNG?

Họ dạy cúng tế THẦN LỬA. Chuyên cần đọc KINH, tụng kệ để cầu xin Thượng Đế cứu vớt tiếp độ cho.

Không thỏa mãn được lòng mong ước của mình. Bồ tát SĨ ĐẠT ĐA rời bỏ hai vị tu sĩ trên đường để đi tìm Đạo nơi khác.

KHÔNG TOẠI NGUYỆN BỒ TÁT ĐI VỀ ĐÂU?

Rời nơi ấy, Bồ tát đến thọ giáo với các đạo sĩ KHỔ HẠNH trong vùng kế cận thành VƯƠNG XÁ. Học xong, Bồ tát vào rừng URUVELA, gần thị trấn SENÀNI. Nơi đây, Ngài HÀNH theo KHỔ HẠNH cực kỳ khổ sở, bằng cách nhịn ăn bớt thở, phơi nắng, tắm lạnh v.v.

CÓ AI THEO NGÀI HỌC ĐẠO KHÔNG?

Tiếng tăm tu hành tinh tấn của Bồ tát đồn ra nhanh chóng. Có nhóm năm thầy KIỀU TRẦN NHƯ nghe danh đến xin THỌ GIÁO. Năm thầy ấy là.

1. KONDANNA, Hán âm KIỀU TRẦN NHƯ
2. BHADHITA - BẠT ĐỀ hay TIỂU HIỀN
3. VAPPA - THỰC LỰC hay KHỞI TRÍ
4. MAHANAM - MA NAM hay ĐẠI HẠNH
5. ASSAJI - ÁT BỆ hay A X
À CHỈ

BỒ TÁT TU KHỔ HẠNH BAO LÂU?

Gần sáu năm trời cần công khổ hạnh, ép xác, hãm mình, nhịn đói, chịu lạnh, đến khi mỗi ngày chỉ còn ăn một hột cơm. Cuối cùng, xác thân Ngài tiều tụy quá, chỉ còn da bọc lấy xương. Có lúc phải ngã quỵ vì đuối sức.

VÌ NGUYÊN NHÂN GÌ, BỒ TÁT TÌM RA TRUNG ĐẠO?

Một buổi sáng đẹp trời. Gió đồng nội vọng về mang theo lời hát trong thanh, tuy mộc mạc quê mùa của đoàn vũ nữ ở thôn quê, làm cho Bồ tát trực ngộ được CHƠN LÝ.

HỌ HÁT NHỮNG LỜI GÌ? MÀ HAY QUÁ THẾ?

- Hãy lên cho chúng tôi một dây đàn đừng quá cao mà cũng đừng quá thấp. Lên quá thì âm thanh chát chúa khó nghe rồi phụt đứt. Thấp quá thì nhạc không đến, âm điệu chẳng ra lời. Chỉ trung bình thì tiết tấu mới hay ho. Hãy lên cho chúng tôi một dây đàn đừng quá cao cũng đừng quá thấp...

BỒ TÁT NGHĨ GÌ? VÀ LÀM SAO SAU ĐÓ?

Phải rồi. Tu theo lối khổ hạnh, đày đọa xác thân không làm sao tìm ra lý Đạo. Kết quả rồi sẽ đuối sức mòn hơi. Ngài bèn từ bỏ lối tu khổ hạnh trên, và quyết thực hành theo Trung đạo, mỗi ngày ăn một bữa, sau khi xuống sông NI LIÊN tắm mát cả châu thân.

CÁC THẦY KIỀU TRẦN NHƯ CÓ LÀM THEO NGÀI KHÔNG?

Thấy Bồ tát từ bỏ lối tu khổ hạnh mà họ cho là cao thượng, năm Thầy KIỀU TRẦN NHƯ bảo nhau "Ông sa môn CỒ ĐÀM đã thoái chuyển"

Thế là họ cùng nhau bỏ Ngài, rủ nhau về vườn LỘC GIẢ để tu với nhau.

BỮA CƠM ĐẦU TIÊN CỦA NGÀI DO AI DÂNG CÚNG?

Tín nữ SUJATTA, con gái một triệu phú có lời ước nguyện đến trả lễ Thọ Thần. Vì rằng nàng đã gặp được chồng hiền và nhất là mới hạ sanh được một con trai khôi ngô tuấn tú theo ý muốn.

Tận mắt người tớ gái PUNNA, trông thấy Bồ tát đang ngồi tĩnh toạ dưới gốc cây Duối, cành lá sum suê. Tưởng Thọ Thần hiện ra, để thu nhận lễ vật. Cô chạy về báo tin cho chủ hay. Hai người vội vã mang cơm ĐỀ HỒ đựng trong bình bạc, đặt trên mâm vàng đến dâng cúng Bồ tát với cõi lòng hoan hỹ mừng vui.

THỌ THỰC XONG, BỒ TÁT LÀM GÌ?

Độ xong 49 vắt cơm đầy chất dinh dưỡng sức khoẻ và sắc đẹp của Bổ tát phục hồi lại như xưa. Rời chốn ấy, Ngài đi đến dưới cội cây Bồ đề, cành lá sum suê, quyết ngồi dưới gốc cây này để tìm ra Chơn lý. Và cũng chính dưới gốc cây này, Bồ tát SĨ ĐẠT ĐA đã chiến thắng Ma vương và bè lũ ma binh để trở thành một bậc CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.

MA VƯƠNG VÀ MA BINH KHUẤY PHÁ BỒ TÁT NHƯ THẾ NÀO?

Thật ra, thất tình lục dục là bẩm thọ thiên nhiên hằng dắt dẫn con người sa đọa trong vòng sanh tử luân hồi, người ta gọi nó là MA VƯƠNG đầy quyền lực.

Bồ tát trong khoảng thời gian tìm Đạo, đè nén, thu thúc thân tâm thanh tịnh. Những thói hư, tật xấu cơ hồ như bị diệt tận. Thế mà giai đoạn chủ yếu này, nó vùng lên để gây trở ngại, hầu che lấp Đạo quả, nếu Bồ tát không quyết liệt chiến đấu với "DỤC LẬU PHIỀN NÃO" này. Tiếp theo, một loạt ảo giác, bộc lộ về sự ưa thích những lạc thú ở đời như danh vọng, tiền tài, cao sang, quyền uy trong đời sống con người, cội rễ nhân sanh ra bản thân này gọi là "TÁI SANH LẬU PHIỀN NÃO".

Và cuối cùng, "VÔ MINH LẬU PHIỀN NÃO" là sự si mê đắm đuối trong ái tình, dục lạc, hạnh phúc gia đình làm cho Tâm không thấy được sự thật giả tạm của vạn pháp.

NHƯ VẬY, KHÔNG CÓ MA VƯƠNG THIỆT SAO?

Người xưa, hay dùng ví dụ, ngụ ngôn cùng nghĩa bóng, cốt ý để điểm tô thêm vẻ huyền bí những đoạn lịch sử của vị giáo chủ mình. Ba loại quỷ ái dục phiền não trên, được đặt tên là MA VƯƠNG cũng có nhiều nghĩa.

MA VƯƠNG tượng trưng cho thú tánh, bản năng, thói hư, tật xấu khuynh hướng theo đời, mọi sự ham muốn, ươn hèn, nhút nhát, lười biếng, tối mê, ganh tỵ, bủn xỉn, keo kiệt, sợ sệt v.v...nó khiến cho con người lo âu, sầu muộn v.v...

Còn nói theo bản "KINH TÁM KỆ NGÔN TÁN DƯƠNG ÂN ĐỨC PHẬT" thì MA VƯƠNG biến ngàn cánh tay, cỡi voi dữ cao lớn như núi, có cả vạn Binh Ma, hình thù quái dị đến tranh tài với Bồ tát. Nhưng nhờ có Đạo quân hùng dũng là TAM THẬP ĐỘ, nhất là đức BỒ THÍ, lòng TỪ BI thương xót mọi người, mọi Loài một cách rốt ráo cao thượng mà MA VƯƠNG cùng bè lũ MA BINH hè nhau chạy trốn.

ĐỨC PHẬT CẢM THẮNG MA VƯƠNG VÀO LÚC NÀO?

Lúc hoàng hôn, trước giờ THÀNH ĐẠO, Bồ tát SĨ ĐẠT ĐA chiến thắng anh dũng để dẹp yên trận giặc lòng bên trong cũng như bên ngoài.

BỒ TÁT BỊ BA NÀNG MA NỮ TRÊU GHẸO LÚC NÀO?

Sau khi MA VƯƠNG thất bại trước sự đột kích Ông Đại Sa Môn CỒ ĐÀM, MA VƯƠNG cho ba người con gái đến cám dỗ Bồ tát. Ba người con gái ấy là:

TANHÀ dịch là ÁI DỤC
ARÀTI dịch là TÌNH YÊU
RÀGA dịch là THAM ÁI

Vâng lệnh vua cha, ba Ma nữ này trổ tài trêu ghẹo, quyến rũ, khêu gợi dục tình của Bồ tát, nhưng không làm sao lay chuyển được tâm của bậc đại TRÍ TUỆ.

NGÀY GIỜ NÀO BỒ TÁT THÀNH ĐẠO?

Trận chiến cuối cùng vừa dứt, mọi vi tế phiền não bên trong vừa dẹp yên, thì trăng rằm tháng VESAK cũng vừa ló mọc. Bồ tát SĨ ĐẠT ĐA đã chứng đắc quả vị CHÁNH ĐẲNG, CHÁNH GIÁC nhằm năm Dậu, sau khi Ngài Tham Thiền Nhập Định đắc TÚC MẠNG MINH, THIÊN NHẢN MINH và LẬU TẬN MINH lúc vừng đông cũng vừa hé rạng ở chân trời.

Năm ấy, ngài tròn 35 tuổi.

THÀNH ĐẠO RỒI, NGÀI CÒN Ở TRONG RỪNG BAO LÂU?

Từ đây, không gọi Ngài là Bồ tát nữa mà là Phật. Sau khi đạt được chơn lý tối thượng rồi, đức Phật nhập ĐẠI ĐỊNH 49 ngày dưới cội cây BỒ ĐỀ để thọ hưởng hương vị HỮU DƯ NIẾT BÀN.

Qua tuần thứ tám, Ngài đến tĩnh toạ dưới gốc cây AJÀPALA "cây DỪNG" để suy nghĩ về đạo quả mà Ngài đã chứng ngộ. Lúc ấy, có vị Trời Phạm Thiên XÁ HAM BÁT TÍ đến cầu xin đức THẾ TÔN mở đạo dạy đời, Cứu độ quần sanh.

AI LÀ NGƯỜI THIỆN NAM ĐẦU TIÊN?

Một đoàn xe 500 chiếc chở đầy hàng hoá do DA LỆ PHÙ BA và BẮC LỆ CA làm hướng dẫn, từ UDAKA lên miền Bắc xứ VESALI ngang qua đó, 500 cỗ xe không sao di chuyển được nữa. Khi ấy có vị Trời Phạm Thiên hào quang rực rỡ, hiện ra mách bảo hai người này, là "Có một vị Đại THÁNH NHƠN đã THÀNH ĐẠO "cao thượng" hãy đến nơi đó để cúng dường Ngài"

ĐỨC PHẬT THỌ LẢNH VẬT THỰC BẰNG CÁCH NÀO?

Ba đời chư Phật không hề đưa tay thọ lảnh vật thực của thí chủ dâng cúng một cách trưc tiếp.

Lúc ấy, Trời TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG hiện ra, mỗi người dâng lên một bát đá. Đức Phật thọ lãnh và chú nguyện cho bốn cái thành một, nhưng có nổi lên bốn đường gân phân biệt. Hai người chủ lái buôn đặt vật thực vào trong bát, dâng cúng lên đức THẾ TÔN dùng. Hai người xin thọ trì quy giới làm thiện nam hộ trì Đạo Pháp.

ĐỨC PHẬT CÓ CHO PHÉP KHÔNG?

Đức THẾ TÔN chấp thuận cho hai người thọ Pháp quy Y NHỊ BẢO là Phật bảo và Pháp bảo, giữ gìn ngũ Giới. Xong Họ đồng xin đức Phật vật kỷ niệm để tôn thờ. Sau khi ban lời khích lệ, nâng đỡ tinh thần, hai người, bằng lời kệ ngôn vi diệu, đức PHẬT ban cho họ tám sợi tóc và rẻo móng tay để làm kỷ niệm.

HAI VỊ THƯƠNG GIA LÀM GÌ VỚI NHỮNG VẬT ẤY?

Hai người, vốn là chủ thương đội. Họ đi từ Bắc xuống Nam, nhiều khi dùng thuyền ra hải ngoại. Đi đâu, họ cũng đem những vật kỷ niệm ấy ra tuyên truyền cổ động và giới thiệu GIÁO PHÁP CAO SIÊU mà họ đã được vị GIÁO CHỦ phi thường truyền dạy.

Về sau, họ đến lập nghiệp tại MIẾN ĐIỆN, xây bảo tháp bằng vàng khối để thờ MÓNG TAY và TÓC của đức THẾ TÔN tại thành RANGOON" NGƯỠNG QUANG" bây giờ.

Hoàng đế nước MIẾN ĐIỆN cũng như nhân dân nghe được tin ấy, cũng hướng về Đức PHẬT và theo lời giáo huấn của Ngài, mà tạo dựng nên một nước, lấy PHẬT GIÁO làm QUỐC GIÁO, lấy đạo đức làm căn bản mà trở nên hùng cường thịnh trị, an vui.

Bảo tháp RANGOON hiện nay thuộc loại"ĐỆ NHẤT KỲ QUAN" của Thế Giới.

Siddhatta....

SABBE DHAMMA ANATTATA
ESA MAGGO VISUDDHIYA
VISUDDHI - SUTTA.

Đêm đã khuya, tiệc vừa tan rã
Ngoài sân lầu, rỉ rả sương reo
Trong đền ngọn nến hắt heo
Đờn im, sáo tắt, buồn hiu lạnh l
ùng
Hoa héo tắt, cành hồng rơi rụng
Rượu phai màu nằm đọng đáy ly
Mấy n
àng mỹ nữ cung phi
Nằm lăn trên chiếu, mê ly giấc nồng
Môi tái mét còn nồng men rượu

Nước miếng trào, bọt nhễu trên tay
Nằm trơ trơ ngũ một bầy
Trông như những xác dạn dày tanh hôi.
Trong cung điện mọi người say ngũ
SĨ ĐẠT ĐA ho
àng tử bâng khuâng
Cơn buồn ảo mộng mênh mông
Đờn ca, yến tiệc không quên nỗi sầu.
Cảnh đau khổ, bồn chồn tấc dạ
Sanh l
àm chi, Buồn bả nhơn gian.
Mang theo bệnh tật, ưu phiền
Cảnh già, cảnh chết ảo huyền hư không.
Cõi trần vũ mênh mông thăm thẳm
Kiếp sinh linh ch
ìm đắm sông Mê
Cùng ta, ta nguyện lời thề
Thoát ly nghiệp báo, nặng nề trầm luân
Hoàng tử đứng, bâng khuâng suy nghĩ
Tiệc, đ
àn, ca vui chỉ chút thôi
Chưa vui, vui đã hết rồi
Còn trơ xác thịt, chôn vùi say sưa.
Đêm đã khuya, tiệc vừa tan rã
Ngoài sân Lầu, rỉ rả sương reo
Trong đền ngọn nến, hắt heo
Đờn im sáo tắt đ
ìu hiu lạnh lùng.
Hoàng tử trở vào phòng công chúa
Đứng nhìn nàng đang ngũ mê say
Rồi nhìn con trẻ thơ ngây

Nằm đeo vú mẹ, bàn tay nõn nà.
Mặt hoàng tử muốn sa ngấn lệ
Động lòng thương phận kẻ Thê - Nhi
Nhưng lòng đã quyết ra đi
Giũ tan mối hận, sầu bi kiếp người
Để t
ìm Đạo, tuyệt vời giải thoát
Cứu sinh linh l
ìa khỏi Các Ma"KAMMA"
Tìm phương Tự Giác, Giác tha
Muôn loài, muôn kiếp thoát ra luân hồi
Vị hoàng tử bồi hồi cảm động
Giữa đ
êm khuya lồng lộng bao la
Nhẹ nhàng chân ngọc bước ra
Gió hiu hắt lạnh, sương sa mịt mù
Vườn thượng uyển âm u bóng tối
Thành Ca Tỳ cây cối đìu hiu
Trong vườn vắng tiếng Chim kêu
Sương rơi lác đác, cành tiêu tơi bời.
Ngài lặng lẽ cùng người nghĩa bộc
Cỡi ngựa kiền, lông trắng tuyết pha
Ra đi...lòng chẳng thiết tha
Ra đi...muôn dặm rừng xa...lạnh lùng...

Thơ NGUYỄN VỸ
(Tạp chí Phổ thông)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp Tông và Tỳ kheo Tuệ Tâm đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-09-2003