BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU Times font


Tâm Sở Vấn Đáp

Phần III - Tâm sở Tịnh hảo
(Sobhanacetasikā)

Tỳ khưu Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

[02]

3- Tâm sở Tàm (hiricetasika).

22- Hỏi: Thế nào là hiricetasika (tâm sở Tàm)?

Đáp: Bộ Pháp Tụ có giải thích hiri (tàm) như sau:

"Katamaṃ tasmiṃ samaye hiri hoti?

- Thế nào là tàm(hiri) trong khi ấy?

"Yaṃ tasmiṃ samaye hirīyati hiriyitabbena hirīyatipāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā-idaṃ tasmiṃ samaye hiribalaṃ hoti".

"Trong khi ấy, sự làm hổ thẹn với điều đáng hổ thẹn, hổ thẹn với việc phạm vào các ác bất thiện pháp. Đây là tàm trong khi ấy" [1] .

Theo ước định, hiri thường được dịch là "xấu hổ tội lỗi, hổ thẹn tội lỗi".

Xét khía cạnh nào đó thì "xấu hổ, mắc cở, hổ thẹn" chưa mô tả đúng thực trạng của hiri, vì trạng thái "mắc cờ, xấu hổ" cho thấy tâm có trạng thái bất an, bất an là trạng thái của tâm bất thiện. Trong khi tàm là tâm sở tịnh hảo, là thiện.

Ngoài ra có thể có hiểu lầm là "đã phạm tội rồi nên xấu hổ" hoặc "đã có hành động bất xứng nên mắc cở"... như người đi vào nơi hội họp của các bậc đứng đắn, trên người lại dính phẩn, có mùi hôi thối nên cảm thấy hổ thẹn, hoặc đã làm một tội lỗi nào đó nên có trạng thái mắc cở khi nhìn thấy người khác.

Tàm (hiri) là "sự e ngại, e dè, dè dặt đối với tội lỗi". Ví như người e ngại phẩn nên không chạm vào phẩn, và như thế tâm hân hoan, là tâm thiện

Ngài Buddhaghosa có giải thích:

"Kāyaduccaritādihi hiriyantīti hiri: E ngại với thân ác hành gọi là tàm (hiri)" [2]

Ngoài ra:

"Lajjāyetaṃ adhivacanaṃ hiri: Cách lựa chọn e ngại (lajjā) (đối với tội lỗi), gọi là tàm (sđd).

Ngoài ra, tàm có thể mang nhiều nghĩa như "lương tâm", "khiêm tốn". Pāli có giải thích: "Na hiriyati na lajjiyati = ahiriko:

"Không xấu hổ, không có lương tâm, gọi là "không e ngại (tội lỗi) (vô tàm)".

Có nơi dịch hiri là "khiêm tốn" vì có tính cách "dè dặt" trước lời tự khen hay chê trách người. Như Phật ngôn:

"Puna caparaṃ, bhikkhave, sappurisaso yo hoti attano vaṇṇo taṃ puṭṭhopi na pātu karoti, ko pana vādo apuṭṭhassa.

"Lại nữa, này các Tỳkhưu, bậc chân nhân dầu có hỏi vẫn không nói lên lời "tán thán mình (attano vaṇṇa)", còn nói gì nếu không được hỏi.

"Puṭṭho kho pana pañhābhinīto hāpetvā lambitvā aparipūraṃ avitthārena attano vaṇṇaṃ bhāsitā hoti.

Nếu được hỏi và phải trả lời, (vị ấy) dè dặt, ngập ngừng, vị ấy nói lên lời tán thán mình không đầy đủ, không toàn bộ " [3] .

"E ngại tội lỗi" của tâm sở Tàm giống như người né tránh từ xa, có thể minh họa ý nghĩa này như sau: Người thấy phẩn, chẳng những không chạm vào cũng không muốn đến gần vì e ngại mùi hôi thối.

Lại nữa, tâm sở tàm là cách "không thực hành thân hoặc ngữ khiến người khác mất tin tưởng", cho dù hành động hay lời nói ấy không rơi vào tội lỗi.

Đức Phật có dạy:

"Pañcahi bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu ussaṅkitaparisaṅkito hoti pāpabhikkhūti api akuppadhammopi. Katamehi pañcahi?

"Thành tựu năm pháp, này các tỳkhưu, tỳkhưu bị mất tin tưởng (ussaṅkita) và bị nghi ngờ (parisaṅkito) là "ác tỳkhưu" dầu cho vị ấy đạt được bất động (akuppa) [4] . Thế nào là năm?

Idha, bhikkhave, bhikkhu vesiyāgocaro vā hoti, vidhavāgocaro vā hoti, thullakumārikāgocaro vā hoti, paṇḍakagocaro vā hoti, bhikkhunīgocaro vā hoti.

"Ở đây, này các tỳkhưu, tỳkhưu đi đến chỗ dâm nữ (vesiyagocaro), đi đến nhà đàn bà góa (vidhavāgocaro), đi đến nhà có cô gái già (thullakumārīgocaro), đi đến nhà các hoạn quan (paṇḍakagocaro), đi đến tỳkhưu ni" [5] .

Rõ ràng, cho dù là bậc Alahán mà đi đến năm chỗ như trên, dễ bị nghi ngờ, dễ bị mất tin tưởng nơi vị ấy.

23- Hỏi: Thế nào là "hổ thẹn (hiri) với điều đáng hổ thẹn (hirīyati hiriyitabbena)"?.

Đáp: Ngài Buddhaghosa có giải thích "điều đáng hổ thẹn – hiriyitabbena", như sau:

"Hiriyitabbenāti upayogatthe karaṇavacanaṃ. Hiriyitabbayuttakaṃ kāyaduccaritādidhammaṃ hiriyati jigucchatīti attho.

"Điều đáng hổ thẹn" hàm ý "có liên hệ đến lời nói, việc làm". Nó có ý nghĩa "xa lánh (jigucchati), e ngại (hiriyati)" thân ác hạnh cùng những pháp bất thiện khác" [6] .

Điều đáng hổ thẹn có hai là: Điều tội lỗi và điều không phải là tội lỗi.

Tội lỗi là điều đáng hổ thẹn việc này đã rõ ràng.

Tuy không phải là điều tội lỗi nhưng cũng cần phải gìn giữ vì e ngại bị chỉ trích, như vị tỳkhưu không nên đi đến 5 chỗ ở trên là điển hình.

Hoặc trong Tạng Luật, điều học Ưng đối trị (pācittiya) thứ 44-45, do Ngài Upananda ngồi nơi kín đáo với nữ nhân [7] , dù rằng Ngài Upananda chưa phạm lỗi.

Và nhân đó Đức Thế Tôn đã chế định học giới: "Vị tỳkhưu ngồi một một với nữ nhân nơi kín đáo, phạm Ưng đối trị".

Hoặc điều học 53. Nhóm Tỳkhưu Thập thất sư [8] đã đùa nghịch trong nước, và vua Pasenadi không hoan hỷ.

Nhân đó, Đức Thế Tôn đã chế định học giới: "Vị tỳkhưu nào chơi giỡn trong nước phạm Ưng đối trị" (sđd, tr.557). Pācittiya (ưng-đối- trị) nghĩa là "làm hư hoại thiện pháp".

Qua đó, cho chúng ta thấy rằng "mặc dù chưa phải là những tội lỗi nghiêm trọng, nhưng khi thực hành sẽ bị chê trách, làm cho người khác mất niềm tin, đồng thời thiện pháp sẽ không có. Nên một số học giới Ưng đối trị được Đức Thế Tôn chế định cho chư tỳkhưu, nhằm mục đích: "Mang lại niềm tin cho những người chưa có niềm tin, làm tăng trưởng niềm tin cho những ai có niềm tin", đồng thời giúp chư tỳkhưu an trú niệm được vững mạnh".

Đức Thế Tôn có dạy cho một thiên nhân rằng:

"Yuko nāma maggo; abhayā nāmasādisā

Rattho akūjano nāma; dhamma cakkehi saṃyuto

Hirī tassa apālampo; satyassa parivāraṇaṃ...

Đường ấy tên chơn trực; phương ấy danh vô quý [9]

Cổ xe gọi vô thanh [10] ; với pháp luân khéo ráp

Tàm (hirī) là dàn xe dựng [11] ; niệm là trướng màn xe... [12] .

Bản Sớ giải có giải thích " cổ xe và con đường chính là bát chánh đạo", qua đó chúng ta thấy rằng: " Trong bát chánh đạo, ngầm nói đến tàm, vì "tàm và quý" là nhân cần thiết để sinh khởi giới".

Sách Visuddhimagga có ghi nhận:

"... ottappañca hirī ceva, padaṭṭhānanti".

"... chính tàm và quý là nhân gần (của giới)" [13] .

Tàm được Đức Thế Tôn ví như dàn xe, dàn xe là nơi mà các chiến binh đứng vững và không bị rơi xuống, đồng thời ngăn chận được nghịch quân. Cũng vậy, tàm ngăn ngừa các tội lỗi, giúp tâm vững vàng trong "sự trong sạch (soceyya)".

24- Hỏi: Điều kiện (paccaya) nào giúp cho tâm sở tàm vững mạnh.

Đáp: Sách Atthasālinī (Sớ giải bộ Pháp Tụ) có giải thích: Sự e ngại trước tội lỗi được vững mạnh do: Dòng dõi, tuổi tác, địa vị, học tập.

- Do dòng dõi. Là do nghĩ đến dòng dõi (thuộc danh gia vọng tộc) nên có sự e ngại trước tội lỗi, vì nghĩ rằng: "Nếu ta hành động như thế này, dòng dõi danh giá của ta sẽ bị chê trách".

- Do tuổi tác. Khi một người đạt đến tuổi trưởng thành, sẽ không muốn hành động như trẻ thơ, vì e ngại người khác chê cười.

- Do nghị lực. Người có nhiều nghị lực, đứng trước tội lỗi sẽ suy nghĩ: "Ta không nên yếu đuối mà phạm phải lỗi lầm. Khi có lỗi lầm sẽ bị người trí khiển trách là kẻ yếu đuối ...".

Bài kinh "năm hạng chiến sĩ" [14] nói lên ý nghĩa "có nghị lực" này.

Đức Phật mô tả vị tỳ khưu có nghị lực chống lại sự cám dỗ của nữ nhân, đi đến nơi an toàn, tinh cần tu tập diệt trừ được tham, sân, si.

Vị ấy được ví như hạng chiến sĩ thứ năm, là hạng chiến sĩ "chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được các tiếng la hét, không bị thương khi xáp chiến và thắng trận".

* -"Chịu đựng được bụi mù". Là vị tỳkhưu khi nghe nói: "Tại làng kia hay thị trấn kia, có cô gái xinh đẹp", tâm không dao động để trở lui lại đời sống thế tục.

 Có một số tỳkhưu khi nghe người nhà mô tả một cô gái xinh đẹp, và hứa hẹn "nếu vị ấy hoàn tục sẽ cưới cố gái ấy làm vợ của vị ấy", nên đã hoàn tục.

Hạng tỳkhưu này, Đức Thế Tôn ví như hạng chiến sĩ "không chịu đựng được bụi mù", khi thấy bụi mù từ xa đã run sợ bỏ chạy, không dám chiến đấu. Cũng vậy, phiền não dục mới vừa dấy lên, vị tỳkhưu ấy đã hoàn tục.

*- "Chịu đựng được cờ xí dựng lên". Là vị tỳkhưu thấy cô gái xinh đẹp, khả ái , tâm không dao động để trở về đời sống thế tục. Nếu như thấy cô gái xinh đẹp mà hoàn tục, Đức Thế Tôn ví tỳkhưu ấy như hạng chiến sĩ "chịu đựng được bụi mù, nhưng không thể chịu đựng được cờ xí dựng lên".

*- "Chịu đựng được tiếng la hét". Có những nữ nhân đi đến vị tỳkhưu cười chế nhạo (để tỳkhưu hổ thẹn phải hoàn tục), hoặc cười cợt nhả, mơn trớn (để quyến rủ vị tỳkhưu phạm giới). Vị tỳkhưu tâm vẫn không dao động.

Nếu vị tỳkhưu không chịu đựng được, phải hoàn tục, Đức Thế Tôn ví vị tỳ khưu ấy là hạng chiến sĩ "chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dựng lên, nhưng không chịu đựng được tiếng la hét".

*- "Không bị thương khi xáp chiến". Là vị tỳkhưu được nữ nhân nằm bên cạnh vuốt ve mơn trớn, vị ấy gỡ mình thoát ra, đi đến ngôi rừng, gốc cây... Nếu vị ấy không chịu đựng được, rơi vào dâm pháp. Đức Thế Tôn ví vị tỳkhưu ấy là hạng chiến sĩ "chịu đựng được bụi mù, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, nhưng khi xáp chiến thì bị thương nặng mà chết".

* "Thắng trận" . Là vị tỳkhưu thành tựu thánh quả, nhất là quả vị Alahán.

- Do địa vị. Khi thành đạt địa vị cao, người này suy nghĩ đến địa vị của mình, nên không hành động hay nói thô tháo vì e ngại người chê cười.

Như vị giáo sư đứng đắn cảm thấy không nên nói thô tục ...

Ghosaka (Lôi Âm) khi chưa được Đức vua phong cho vị trưởng giả, Ghosaka khi đi vào yết kiến Đức vua, ông nhảy qua vũng nước.

Khi được phong địa vị trưởng giả, Ghosaka trở ra, Ngài lại đi vòng qua vũng nước. Đức vua Bimbisāra (Bìnhsa) hỏi trưởng giảGhosaka:

- Vì sao khi nảy ngươi nhảy qua vũng nước, mà bây giờ ngươi đi vòng qua vũng nước?

- Thưa Đại vương, khi trước tôi chưa được phong địa vị trưởng giả, nên tôi nhảy qua vũng nước. Nay tôi được đại vương phong địa vị trưởng giả, nên tôi phải đi vòng không thể nhảy nhót như trước [15] .

- Do được học tập. Một người nhờ học hỏi, có sự hiểu biết, nên không hành động hoặc nói thô tháo như những người không có học thức...

Hoặc nhờ học hỏi Pháp -Luật của Đức Phật nên phân biệt đâu là tội lỗi, đâu là phước báu; đâu là điều nên làm, đâu là điều không nên làm... nên đối với tội lỗi có sự e dè không dám phạm đến.

"Yo hi koci, bhikkhave, bhikkhu vā bhikkhunī vā sikkhaṃ paccakkhāya hīnāyāvattati, tassa diṭṭhena dhamme pañca sahadhammikā vādānupātā gārayhā ṭhānā āgacchanti. Katame pañca?

"Này các tỳkhưu, tỳkhưu hay tỳkhưu ni nào từ bỏ học pháp, thực hành pháp hạ liệt (hīnāvattati) [16] , trong hiện tại kẻ ấy phải chịu đựng đúng pháp năm pháp chỉ trích, khiển trách đang đi đến. Thế nào là năm?

Saddhāpi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

- Niềm tin của ngươi không có hiệu quả (nāhosi) trong thiện pháp.

Hirīpi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

- E ngại tội lỗi của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp.

Ottappampi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

- Ghê sợ tội lỗi của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp.

Viriyampi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

- Tinh tấn của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp.

Paññāpi nāma te nāhosi kusalesu dhammesu.

-Trí tuệ của ngươi không có hiệu quả trong thiện pháp [17] .

Và như vậy, tàm được đặt trên "nền tảng hổ thẹn" đối với tội lỗi.

*

4- Tâm sở Quý (ottappacetasika).

25- Hỏi: Thế nào là tâm sở quý [18] (ottappa cetasika)?

Đáp: Ottappa = ava + căn tappa; tiếp đầu ngữ ava nghĩa là "xuống, dưới", căn tappa là ray rứt, dày vò, khó chịu.

Theo nghĩa nguyên ngữ thì ottappa là "sự khó chịu ở dưới" hay "sự khó chịu lui xuống".

Nếu hiri đặt trên nền tảng e ngại trước tội lỗi, thì ottappa đặt trên nền tảng "thấy nguy hại của tội lỗi".

Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgini) có giải thích:

"Katamaṃ tasmiṃ samaye ottappa hoti?

Thế nào là quý (ottappa) trong khi ấy?

Yaṃ tasmiṃ samaye ottappati ottappitabbena ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ smāpattiyā. Idaṃ tasmiṃ samaye ottappa hoti.

Trong khi ấy, sự mà sợ hãi với điều đáng sợ hãi, sợ hãi với việc phạm vào các ác bất thiện pháp. Đây là quý trong khi ấy" [19] .

Sách Thanh Tịnh đạo có giải thích:

Kāyaduccaritādīhi ottappatīti ottappaṃ:

"Thấy nguy hại với thân ác hành, gọi là quý (ottapa)" [20] . Hay :

"Pāpato ubbegassetaṃ adhivacanaṃ = otappa:

"Sự chọn lựa cách khiếp đảm đối với ác hành, gọi là quý". (sđd).

Thông thường ottappa được dịch là "ghê sợ tội lỗi".

Ghê sợ ở đây không mang ý nghĩa "kinh hoàng hay khiếp đảm", vì loại ghê sợ này là trạng thái tâm sân.

Như người run sợ trước cảnh âm u ghê rợn, hoặc khiếp đảm trước kẻ cướp, trước nghịch quân...

Ghê sợ ở đây mang ý nghĩa "nếu chạm vào sẽ có tai hại".

Như người nhìn thấy thanh sắt nóng đỏ không muốn đưa tay chạm vào vì biết rằng "sẽ có tai hại".

Tức là "ottappa" có nghĩa là "do suy nghĩ "nếu chạm vào tội lỗi sẽ có hậu quả tai hại" nên cảm thấy kinh sợ hậu quả ấy".

Nói cách khác: "Hậu quả của hành động, lời nói ác-bất thiện là duyên trợ sinh cho sinh ottappa".

Kinh văn có mô tả như sau:

 "Idha bhikkhave, bhikkhu sīlavā hoti, pātimokkhasaṃvarasaṃvuto viharati ācāragocarasampanno aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī, samādāya sikkhati sikkhāpadesu.

Evaṃ kho, bhikkhave, bhikkhu vaṇṇasampanno hoti.

Ở đây, này các tỳkhưu, vị tỳkhưu gìn giữ giới luật, sống hộ trì với sự hộ trì của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

Như vậy, này các tỳkhưu, là tỳkhưu đầy đủ sắc đẹp" [21] .

"Thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt". Nên hiểu là "vị tỳkhưu thấy nguy hại trong những lỗi nhỏ nhặt, nếu khinh thường chúng", ví như khinh thường đóm lửa nhỏ, nó có thể thiêu hủy cả cánh rừng.

Như vậy "thấy sợ hãi" ở đây là "sợ hãi ác quả trong tương lai".

Đức Phật có dạy vua Pasenadi (Batưnặc), có bốn điều không nên khinh thường là:

"Khattiyo kho, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

"Này Đại vương, vị Sátđếlỵ trẻ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là trẻ tuổi".

"Urago kho, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

"Này Đại vương, con rắn nhỏ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là nhỏ".

"Aggi kho, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

"Này Đại vương, ngọn lửa nhỏ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là nhỏ".

"Bhikkhu, mahārāja daharāti na uññatabbā, daharāti na paribhotabbā.

"Này Đại vương, vị tỳkhưu trẻ không nên xem thường, không nên miệt thị (uññatabba) là trẻ tuổi" [22] .

Lại nữa, ottappa nên hiểu là "thấy nguy hại của tội lỗi trong hiện tại lẫn tương lai", như Phật ngôn:

"Tasmātiha, bhikkhave, evaṃ sikkhitabbaṃ "diṭṭhadammikassa vajjassa bhāyissāma, samparāyikassa vajjassa bhāyissāma"...

"Do vậy, này các Tỳkhưu, cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ sợ hãi đối với tội có kết quả trong hiện tại; chúng ta sẽ sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau" [23] ...

 Chính vì thấy nguy hại của tội lỗi nên có "sự ghê sợ tội lỗi" và sự ghê sợ này không mang tính bất thiện, trái lại mang tính thiện.

Như người thấy " sợ cái khổ của bịnh" người này phòng ngừa bịnh, thân cảm thấy an lạc.

26- Hỏi: Thế nào là thấy "nguy hại (ottappa) trong điều đáng nguy hại (ottappati ottappitabbena) "?.

Đáp: Ngài Buddhaghosa có giải thích ottappitabhena (điều đáng nguy hại) như sau [24] :

"Ottappitabhenāti hetvatthe karaṇavacanaṃ:

"Điều đáng nguy hại là "điều do hành động lời nói là nhân(hetu)".

Nghĩa là: "Điều đáng nguy hại ở đây là "chỉ cho thân - ngữ là nguyên nhân" gây ra hậu quả tai hại."

Điều nguy hại ở đây có hai: Điều tội lỗi và điều không phải là tội lỗi nhưng dẫn đến tai hại.

Điều tội lỗi của thân ác hay ngữ ác, dẫn đến tai hại là rơi vào bốn khổ cảnh (duggati), điều này dễ hiểu.

Điều không phải là tội lỗi nhưng dẫn đến tai hại. Là những điều không phải là tội lỗi, nhưng có tai hại là "rơi vào khổ luân hồi", hoặc tuy không phải là tội lỗi, nhưng có tai hại là "làm sinh khởi chướng ngại cho sự chứng đắc các pháp thượng nhân".

Đức Phật có giảng cho Đức Ānanda, đại ý là : Khi còn là Bồtát, tuy Ngài có suy nghĩ "lành thay sự xuất ly, lành thay sống viễn ly (pavineka)", nhưng Ngài không có hân hoan dù Ngài thấy "đây là an tịnh". Rồi Ngài:

"Mayhaṃ, Ānanda, etadahosi: "kāmesu kho me ādīnavo adiṭṭho, so ca me abahulīkato, nekkhamma ca ānisaṃso anadhigato, so ca me anāsevito

"Này Ānanda, Ta suy nghĩ như sau: "Vì ta không thấy nguy hiểm trong các dục (kāma), không làm sung mãn (sự thấy) nguy hiểm ấy, lợi ích xuất ly chưa chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy". [25]

Bản thân các dục (kāma), chúng không nguy hiễm, chúng có thể là kết quả an lạc sinh khởi từ nhân phước như bố thí, trì giới... "điều nguy hiễm ở đây là thọ dụng với tâm đắm nhiễm" nên trở thành "một chướng ngại (nīvāraṇa)".

Thọ dụng ngũ dục không phải là điều tội lỗi, nhưng nó trở thành là một chướng ngại (tham dục cái) cho sự tu tập, đó là "nguy hại". Đoạn kinh văn trên cho thấy ý nghĩa này.

Tương tự như thế. Hành giả thấy nguy hại trong phóng dật (uddhacca) sẽ lánh xa phóng dật, an trú tâm trong niệm sẽ mang lại lợi ích lớn ...

27- Hỏi: Duyên (paccaya) hổ trợ cho tâm sở quý là gì?

Đáp: Có bốn duyên hổ trợ cho tâm sở quý vững mạnh là:

1- Quý vững mạnh do sự sợ tự khiển trách (attānuvāda bhayaṃ).

Là hạng người tự suy xét: Nếu ta làm ác, nói ác, có ý ác. Ta có thể tự trách mình về phương diện giới hạnh.

Ác hành ấy sẽ ám ảnh tâm ta, khiến tâm ray rứt do ân hận khi đã tạo ác nghiệp từ thân - ngữ hay ý (như tự trách mình "sao lại đánh người vô tội", "sao lại vu khống người tốt" hay " sao ta lại nghi ngờ người lương thiện"...).

2- Quý vững mạnh do sợ người trách (parānuvāda bhayaṃ).

Là hạng người suy xét: Nếu ta làm ác, nói ác, nghĩ ác thời người khác có thể khiển trách ta về phương diện giới hạnh.

Hoặc suy nghĩ như vầy: "Đức Thế Tôn có dạy: Có những chúng sinh vô hình như chư thiên.., tuy ta vi phạm tội lỗi nơi kín đáo, nhân loại có thể không thấy, không biết; nhưng chư thiên thì thấy và biết, các vị ấy sẽ không hoan hỷ hoặc sẽ khiển trách, hoặc sẽ hành phạt ta...".

Hoặc suy nghĩ như sau: "Tuy chưa phạm tội từ thân hay ngữ, nhưng nếu ta có ý nghĩ xấu, những Samôn, Bàlamôn có Tha tâm thông sẽ biết được, khi ấy ta như kẻ trộm bị bắt quả tang".

Trong Sớ giải kinh Pháp cú cũng nêu ra sự kiện này:

Có bà tín nữ là Mātikamātā đắc quả Anahàm, có tha tâm thông.

Mỗi đêm bà xem tâm các vị tỳkhưu đang mong cầu loại vật thực nào, sáng ra bà cúng dường theo sở thích các Ngài.

Một vị tỳkhưu nghe bà có khả năng ấy nên đi đến làng của bà Mātikamātā để ẩn cư tu tập, bà tín nữ mỗi đêm dùng tâm mình để tìm hiểu tâm của vị tỳkhưu ấy và cúng dường vật thực theo sở thích.

Vị tỳkhưu suy nghĩ: "Bà tín nữ này có năng lực đặc biệt như vầy, nếu ta khởi lên ý bất thiện bà sẽ biết được, chẳng khác nào người bắt quả tang tên trộm". Vị tỳkhưu ấy phòng hộ ý và tinh cần tu tập chứng quả Alahán [26] .

3. Quý vững mạnh do sợ hình phạt (daṇḍa bhayaṃ).

Là hạng người thấy người khác hành ác như: sát sanh, trộm cắp,... bị vua, quan trừng phạt, người ấy suy nghĩ: "Do nhân ác nghiệp như vậy, kẻ này bị hành hạ đau khổ".

Do đó thấy nguy hại trong tội lỗi nên có sự ghê sợ đối với tội lỗi.

4. Quý vững mạnh do sợ khổ cảnh (duggati bhayaṃ).

Là hạng người suy nghĩ: "Với ai làm ác, nói ác, nghĩ ác sẽ có quả khổ trong tương lai, sau khi mệnh chung người này sẽ rơi vào khổ cảnh".

Do đó, phát sinh sự ghê sợ đối với tội lỗi [27] .

28- Hỏi: Vì sao các Ngài xếp tàm quý chung vào nhau?

Đáp: Vì tàm và quý có tác dụng hổ trợ nhau, ví như hai mắt của một người, mắt trái thấy phía trái, mắt phải thấy phía phải của cảnh, hai mắt giúp người ấy thấy cảnh trọn vẹn.

Lại nữa, cả hai đều "chỉ có đối tượng (ārammaṇa) là tội lỗi", đồng thời chúng đều có tính "lánh xa".

Tàm xem tội lỗi như phẩn nên lánh xa; quý xem tội lỗi như "lửa đỏ" nên lánh xa.

Mặt khác, khi so sánh bốn đặc tính của hai tâm sở này, tuy tướng trạng (lakkhaṇa) của chúng có sai khác chút ít, nhưng phận sự và thành tựu của chúng giống nhau.

Nhân gần của chúng cũng xuất phát từ sự tôn trọng (gārava) chỉ khác về khía cạnh.

Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) có nêu lên bốn đặc tính của tâm sở tàm như sau:

1- Trạng thái (lakkhaṇa): Không ưa thích tội lỗi (pāpatojigucchanalakkhanā).

2- Phận sự (rasā): Không làm tội lỗi (pāpānaṃ akaraṇarasā).

3- Thành tựu (paccupaṭṭhāna): Né tránh tội lỗi (pāpato saṅkocana paccupaṭṭhānā).

4- Nhân cận (padaṭṭhāṇa): Biết tự trọng (attagāravapadaṭṭhānā).

Bốn đặc tính của tâm sở quý là:

1- Trạng thái (lakkhaṇa): (thấy) nguy hại của tội lỗi (pāpa uttāsanalakkhaṇā).

2- Phận sự (rasā): Không tạo ra (akaraṇa) nguy hại (uttāsākaraṇarasā).

3- Thành tựu (paccupaṭṭhāṇa): Né tránh tội lỗi (pāpato saṅkocanapaccupaṭṭhānā.

4- Nhân cận (padaṭṭhāṇa): Tôn trọng người (paragāravapadaṭṭhānaṃ).

Nhân gần của chúng tuy có gốc là "tôn trọng", nhưng có sự phân biệt "ta" và "người", tức là "bên trong (atta)" hoặc bên ngoài (para).

Nên các Ngài dạy: Tàm khởi lên từ bên trong và Quý sinh khởi từ bên ngoài, tức là do ngoại cảnh làm duyên.

Và cả hai hợp tác với nhau để đẩy lùi tội lỗi, cho dù tội lỗi ấy xuất hiện từ bên trong hay bên ngoài.

Nói rõ hơn "tội lỗi của thân - ngữ thì do Quý đẩy lui, còn tội lỗi của ý thì do Tàm đẩy lui".

 29- Hỏi: Lợi ích của tàm – quý ra sao?

Đáp: Lợi ích của tàm – quý rất nhiều xin đơn cử vài điểm như sau:

a- Tàm và quý là hai pháp trắng gìn giữ ngũ uẩn được trong sạch, không bị thế gian khiển trách.

Đức Phật có dạy: "Hiri ca ottappañ ca, ime kho bhikkhave, dve dhamma sukkā’ti:

"Tàm và quý, các pháp này, này các Tỳkhưu, là hai pháp trắng [28] .

Chính vì có hai pháp này, nên con người thoát ra những sở hành như súc sinh.

Hai pháp này được Đức Thế Tôn gọi là "pháp hộ trì thế gian (lokapāladhammā)".

Nhờ có hai pháp này nên con người nhận biết: Đây là mẹ, đây là em gái, đây là chị của mẹ hay đây là vợ của thầy, đây là vợ của các vị tôn trưởng... nên không phạm tà hạnh vào các đối tượng ấy, hoặc có sự tôn trọng, e ngại tội lỗi khi đối diện với những đối tượng ấy...(sđd). Đức Phật có dạy:

 "Micchāpaṭipatti saggānaṃ paripantho.

"Tà hạnh là chướng ngại của thiên giới". Và:

"Sammāpaṭipatti saggānaṃ āhāro.

"Chánh hạnh là vật thực cho thiên giới" [29] .

 Có chánh hạnh là do có tàm có quý, nên tàm quý còn được gọi là thiên pháp (devadhamma).

b- Giúp cho giới hạnh được trong sạch và vững chắc. Như Phật ngôn:

"Hirottappe bhikkhave, asati hiriotapāvipannassa hatūpaniso hoti indriyasaṃvaro.

Indriyasaṃvare asati indriyasaṃvaravipannassa hatūpanissaṃ hoti sīlaṃ ..."

"Khi tàm - quý không có, này các Tỳkhưu, với người thiếu tàm- quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt (hatupaniso).

Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt..." [30] .

c- Tàm - quý là hai pháp gìn giữ thân tâm chống lại những tội lỗi.

Đức Phật ví tàm - quý như những giao thông hào vừa sâu vừa rộng, các chiến binh ẩn trú nơi giao thông hào ấy được an toàn, chống lại nghịch quân và giữ thành trì được an toàn.

Cũng vậy, tàm quý giúp cho danh sắc (thành trì) được an lành trước tội lỗi (ví như nghịch quân) [31] .

d- Tàm và quý là một trong những pháp tác thành bậc Samôn [32] .

e- Tàm - quý là pháp nương nhờ đầy đủ (nissayasampanno) cho chính mình.

Như Phật ngôn:

"Hiriṃ ce bhikkhu, bhikkhu nissāya akusalaṃ pajahati kusalaṃ bhāveti, pahīnamevassataṃ akusalaṃ

" Nếu vị Tỳkhưu nương nhờ vào tàm (hiri), đoạn tận bất thiện, tu tập thiện, như vậy với vị ấy bất thiện được đoạn tận.

Ottappaṃ ce bhikkhu, bhikkhu nissāya akusalaṃ pajahati kusalaṃ bhāveti, pahīnamevassataṃ akusalaṃ

" Nếu vị Tỳkhưu nương nhờ vào quý (ottappa), đoạn tận bất thiện, tu tập thiện, như vậy vị ấy bất thiện được đoạn tận" [33] .

Một thiên nhân có trình bạch với Đức Thế Tôn:

"Satthugāravatā, dhammagāravatā, saṅghagāravatā, sikkhāgāravatā, samādhigāravatā, hirigāravatā, ottappagāravatā.

Ime kho bhante, satta dhammā bhikkhuno aparihanāya saṃvattantī’ti.

Tôn kính bậc Đạo Sư, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng, tôn kính học pháp, tôn kính thiền định, tôn kính xấu hổ (hiri), tôn kính ghê sợ (ottappa).

Bảy pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa tỳkhưu đến thối đọa. [34]

Như vậy, tàm và quý khi được xem trọng, sẽ không đưa đến thối đọa.

30- Hỏi: Tàm – quý có trong tâm quả hữu nhân như thế nào?

Đáp: Tâm quả hiệp thế hữu nhân gồm có: Tâm quả Dục giới hữu nhân, tâm quả thiền Sắc giới, tâm quả thiền Vô sắc giới và tâm quả Siêu thế.

 Trong tâm quả Siêu thế vì nhận cảnh Nípbàn, là cảnh hoàn toàn trong sạch, mọi ô nhiễm không xuất hiện, nên tàm và quý tuy có nhưng bất động.

Sở dĩ tàm- quý phải có là vì "đó là tâm sở tịnh hảo biến hành" ví như Đức vua đi du ngoạn trong hoàng cung, tuy không có nguy hiễm gì xảy ra nhưng các tùy tùng phải theo hộ giá để đề phòng bất trắc.

Còn trong tâm quả hữu nhân hiệp thế (gồm có 17 tâm là: 8 tâm Đại quả, 9 tâm quả Đáo đại), khi chúng làm việc tục sinh, hữu phần (bhavaṅgakicca) thì chúng bắt cảnh riêng, là một trong ba cảnh: Cảnh nghiệp (kammārammaṇa), cảnh nghiệp tướng (kammanimittārammaṇa), cảnh giới tái sinh (gatinimittārammaṇa), loại cảnh này không là cảnh quyến rủ của ô nhiễm, nên tàm- quý tuy hiện diện nhưng cũng bất động, ví như sư tử đang ngủ yên. Vì thế, Đức Thế Tôn có dạy:

"Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ. Tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhan’ti".

"Tâm này, này các tỳkhưu, là sáng chói, nhưng bị cấu uế từ ngoài vào. [35]

"Cấu uế từ ngoài" là những cấu uế khởi lên do cảnh từ bên ngoài xâm nhập vào như cảnh sắc, cảnh thinh ... hoặc cảnh pháp (ngoài ba cảnh đã nêu trên) khởi lên từ bên trong, cũng được gọi là "từ bên ngoài vào".

Chính cảnh lực bên ngoài này đã làm thay đổi cấu trúc tâm hữu phần, từ đó cấu uế mới sinh khởi.

Khi các tâm quả Dục giới hữu nhân làm việc "hưởng cảnh dư tàn (tadālambana)" [36] , cảnh này không đủ sức mạnh "dấy động" để các phiền não (kilesa) sinh khởi từ pháp ngủ ngầm (anusaya dhammā), nên tàm – quý tuy có cũng "ngủ yên".

31- Hỏi: Vị Thánh Alahán đã diệt tận mọi ô nhiễm, vì sao có tàm quý trong tâm duy tác (kriyacitta) của các Ngài?

Đáp: Trước tiên, tàm – quý là hai tâm sở tịnh hảo biến hành như đã giải ở trên.

Thứ đến, tàm – quý có tính chất "lánh xa tội lỗi" và tính chất này có nơi vị Alahán, do đó tàm-quý hiện diện trong tâm duy tác của các Ngài.

Đức Sāriputta (Xálợiphất) có giảng cho chư tỳkhưu như sau:

Idh’āvuso Satthu pavittassa viharato sāvakā vivekaṃ nānusikkhanti, yesañ-ca dhammānaṃ Satthā pahānaṃ-āha te ca dhamme na-ppajahanti, bahulikā ca honti sāthalikā, okkamane pubbaṅgamā paviveke nikkhittadhurā.

"Này chư hiền, ở đây vị Đạo sư sống viễn ly (viveka) các đệ tử không tùy học sống viễn ly. Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy chúng không từ bỏ, và chúng sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc (okkamana) [37] , bỏ rơi (nikkhittadhura) gánh nặng sống viễn ly (paviveka)" [38] .

Bản sớ giải có giải thích: Có ba loại viễn ly là thân viễn ly, tâm viễn ly và hữu viễn ly.

- Thân viễn ly là cư trú nơi thanh vắng như rừng, núi....

- Tâm viễn ly là "ít ham muốn, biết đủ với bốn món vật dụng"; ngoài ra tâm viễn ly là "áp chế" được 5 triền cái, an trú tâm trong Sơ thiền...

- Hữu viễn ly là "dứt tuyệt tham ái", không còn sinh tử luân hồi. Hay hữu viễn ly là Nípbàn.

Đức Đạo sư là Alahán Chánh đẳng giác, các vị Thánh Alahán thinh văn cũng đạt được ba viễn ly này.

Các vị Thánh Alahán luôn có "khuynh hướng xa lánh" nhất là "tâm viễn ly, hữu viễn ly", nên tàm và quý có trong tâm duy tác của các Ngài.

Một điểm nữa, cho dù phải nhận cảnh trong đời thường như sắc, thinh... thì tâm vị Thánh Alahán vẫn an nhiên tự tại, ví như người trú ẩn trong thành trì kiên cố, những kẻ nghịch không thể nào xâm nhập vào nhờ có những chiến binh luôn tuần tra trong giao thông hào.

Hoặc ví như chất kháng sinh có trong cơ thể, nó có tính miễn nhiễm mọi chứng bịnh từ bên ngoài xâm nhập vào, cho dù bịnh chưa xâm nhập nhưng chất kháng sinh ấy luôn có.

Tàm lực và quý lực ví như chất kháng sinh ấy, tuy không bị chứng bịnh (là ô nhiễm) ở ngoài xâm nhập vào nhưng chất kháng sinh luôn hiện hữu, hay ví như: "Tuy không có kẻ nghịch nhưng các chiến binh vẫn tuần tra ở các giao thông hào".

Nên ghi nhận: Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng 5 tài sản bậc Thánh là:

"Pañcimāni, bhikkhave, dhanāni. Katamāni pañca? Saddhādhanaṃ, sīladhanaṃ, sutadhanaṃ, cāgadhanaṃ, paññādhanaṃ".

"Này các Tỳkhưu, có 5 tài sản này (dhanāni). Thế nào là năm? Tín tài, giới tài, văn tài, thí tài và tuệ tài [39] ".

Là nói đến vị Thánh hữu học, vì các Ngài vẫn còn ô nhiễm, các pháp ngũ ngầm chưa hoàn toàn tuyệt dứt.

Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng 7 loại tài sản bậc Thánh [40] , có thêm tàm tài sản và quý tài sản, là Đức Thế Tôn nói đến tài sản của bậc Thánh Vô học, vì vị Thánh Alahán không còn ô nhiễm.

32- Hỏi: Tàm và quý trong tâm thiện thì như thế nào?

Đáp: Có bốn loại tâm thiện: Tâm thiện Dục giới, tâm thiện Sắc giới, tâm thiện Vô sắc giới và tâm Đạo siêu thế.

Các tâm thông thiện (kusalābhiññāṇacittaṃ) được kể vào tâm thiện ngũ thiền (thiền năm bậc).

Trong tâm thiện Dục giới, tàm – quý làm sinh khởi giới (sīlaṃ), đồng thởi "tạm thời thoát ra ác-bất thiện pháp thô thiển do thân - ngữ tạo ra".

Trong tâm thiện Sắc giới và Vô sắc giới, tàm – quý làm sinh khởi giới, đồng thời "áp chế các ác-bất thiện pháp trung bình phát sinh từ ý".

Trong tâm thiện Siêu thế, tàm – quý làm sinh khởi giới, đồng thời sát trừ các ác- bất thiện thô sinh từ thân, ngữ, ý.

Như vị Thánh Dự lưu không hề vi phạm vào 5 giới, ngay cả "ý muốn giết chúng sinh khác", "ý muốn lấy vật không cho"... cũng không hề có.

*

5- Tâm sở Vô tham (alobhacetasika).

33- Hỏi: Thế nào là vô tham (alobha)?

Đáp: Alobha khi phân tích thì được na + căn lubh.

Căn Lubh là dính mắc, bám níu.

Alobh là không dính mắc, không thích thú.

*- "Không dính mắc". Ngài Buddhaghosa (Giác Âm) cho ví dụ như nước lăn trên lá sen.

*- "Không thích thú". Ngài Buddhaghosa cho ví dụ như người rơi vào hố rác, người này không thích thú nơi hôi thối ấy.

Vô tham là pháp đối nghịch với tham, là căn bản của thiện pháp.

"Tīṇimāni, bhikkhave, kusalamūkāni. Katamāni tīṇi?

Có ba căn bản thiện, này các Tỳkhưu. Thế nào là ba?

Alobho kusalamūlaṃ, adoso kusalamūlaṃ, amoho kusalamūlaṃ.

- Không tham là căn bản của thiện, không sân là căn bản của thiện, không si là căn bản của thiện" [41] .

Bộ Pháp Tụ có giải thích như sau:

Katamo tasmiṃ samaye alobho hoti?

Thế nào là vô tham trong khi ấy?

Yo tasmiṃ samaye alobho alubbhanā alubbhitattaṃ asārāgo asārajjanā asārajjitattaṃ anabhijjhā alobho kusalāmūla.

Ayaṃ tasmiṃ samaye alobho hoti.

Trong khi ấy, sự mà không tham muốn, không nhiễm đắm, không tham đắm, không tham luyến, không quyến luyến, không tham ác, vô tham là căn thiện.

Đây là vô tham trong khi ấy [42] .

Ngài Buddhaghosa giải thích [43] :

*- Na lubbhanti = alobho: Không dính mắc, gọi là vô tham.

Hay: Alubbhanamatta = alobho: Không tham muốn, không thích thú, gọi là vô tham.

*- Alubbhanāti alubbhanākāro. Lobhasamaṅgī puggalo lubbhito nāma:

"Không nhiễm đắm" là làm cho không có tham. Người có khuynh hướng tham [44] , gọi là nhiễm đắm.

*- Alubbhitassa bhāvo alubbhitattaṃ: Thực trạng không bám níu, là không tham đắm ...

34-Hỏi: Hãy giải thích bốn đặc tính của tâm sở vô tham?

Đáp: Bốn đặc tính của tâm sở vô tham là:

1- Trạng thái: Tâm không đắm nhiễm trong cảnh (ārammaṇe cittassa agedha lakkhaṇo).

Hoặc là: "Không bám víu thực trạng (adaggabhāva lakkhaṇo)".

2- Phận sự: Không nắm giữ (apariggaharaso).

3- Thành tựu: Không bám lấy (anallīyana paccupaṭṭhāno).

4- Nhân cận: Tác ý khéo (yoniso manasikāra).

Giải:

1- a."Tâm không đắm nhiễm trong cảnh". Cảnh có ba loại là:

- Cảnh bên ngoài (bahiddhārammaṇa - cảnh ngoại phần) đó là sắc, thinh, hương, vị, xúc.

- Cảnh bên trong (ajjhattārammaṇa - cảnh nội phần) như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hoặc các ý tưởng khởi lên mà tâm nhận biết, hoặc các cảnh do tưởng nhớ lại...

- Cảnh bên trong (lẫn) bên ngoài (ajjhattabahiddhārammaṇa - cảnh nội ngoại phần). Là sự tiếp chạm giữa bên ngoài lẫn bên trong phát sinh lên một pháp hay một nhóm pháp, chính pháp ấy hay nhóm pháp ấy bị tâm (khác) biết.

Như khi mắt (bên trong) tiếp xúc với sắc trần(bên ngoài) khởi lên nhãn thức, từ đó dẫn đến tâm lộ (cittavithī), nhãn thức hay tâm lộ là pháp nội ngoại phần (ajjhattabahiddhā dhammā – pháp nội ngoại phần).

Hành giả nhận biết cảnh sắc là biết cảnh bên ngoài thân, nhận biết con mắt (của mình) là biết cảnh bên trong thân, nhận biết tâm thiện hay tâm bất thiện sinh lên do duyên con mắt + sắc trần, là biết cảnh bên ngoài lẫn bên trong thân.

Hay biết thọ lạc (hoặc thọ ưu) sinh lên do duyên con mắt + cảnh sắc, đó là biết cảnh bên trong lẫn bên ngoài.

Đối với năm cảnh trần khả ái, như sắc đẹp, tiếng du dương, mùi hương... Người thích thú, dính mắc với những cảnh này, gọi là tham đối với cảnh bên ngoài.

Những chi phần tốt đẹp của thân như mắt tinh, tai thính, tay, chân... Người thích thú, dính mắc với chúng, gọi là tham đối với cảnh bên trong.

Hoặc hành giả chứng đạt thiền lạc (jhānasukhaṃ) thích thú, dính mắc với thiền lạc ấy, cũng là tham với cảnh bên trong. Đây là loại tham vi tế, tuy nó không cho ác quả khổ cảnh nhưng cho quả khổ sinh tử luân hồi.

Người thọ dụng ngũ dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc) cảm thấy an lạc, rồi thích thú, dính mắc với cảm giác vui sướng ấy, là tham với cảnh bên trong lẫn bên ngoài.

 Đức Phật có dạy:

"Saṃyojaniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassī viharanto rāgaṃ na pajahati, dosaṃ na pajahati, mohaṃ na pajahati.

"Ai sống thấy vị ngọt trong các pháp có thể khởi lên kiết sử, này các tỳkhưu tham không đoạn tận, sân không đoạn tận, si không đoạn tận" [45] .

Vô tham có trạng thái nghịch lại là "không đắm nhiễm, không thèm khát, không mong mỏi hưởng thụ".

Ngài Buddhaghosa có ví dụ như nước lăn trên lá sen để chỉ cho trạng thái của tham, nước lăn trên lá sen không bị dính mắc, không lưu lại dấu vết và nước ấy cũng không hề quay trở lại.

"Ākāse padaṃ natthi; samaṇo natthi bāhire

Papañcābhiratā pajā; nippapañcā tathāgatā".

"Giữa không trung không có dấu vết; bên ngoài không có bậc Thánh.

Nhân loại thỏa thích trong chướng ngại; các đấng Như Lai đã vượt khỏi mọi chướng ngại" [46] .

1-b. "Không bám víu vào thực trạng".

Bhava (hữu) ở đây được hiểu là "cái có".

Vô tham có trạng thái "không bám vào cái ấy". Có ba loại thực trạng: Thực trạng đã có, thực trạng đang có và thực trạng sẽ có.

Ví dụ sau cho thấy rõ ý nghĩa này:

Một phật tử cúng dường bốn món vật dụng đến chư Tăng, đó là vô tham có trong khi ấy", vì không bám víu vào "thực trạng đang có".

Sau khi cúng dường xong, lại ước muốn sinh về cõi trời, hoặc sinh vào dòng vua,... Đó lại là "tham" vì bám víu vào "thực trạng sẽ có" trong tương lai.

Hoặc người nhớ lại "quá khứ đầy hạnh phúc", phát sinh thích thú; đó là trạng thái của tham, vì bám víu "thực trạng đã có".

Khi thấy sắc đẹp, nghe tiếng du dương... tâm nhiễm đắm, là tham với "thực trạng đang có". Nên Đức Phật có dạy:

"Atītaṃ nānvāgameyya

Nappaṭikaṅkhe anāgataṃ

"Quá khứ không truy tầm,

Tương lai không ước vọng..." [47]

Hay là:

"Muñja pure muñca pacchto; majjhe muñca bhavassa pāragū.

Sabbattha vimuttamānaso; na puna jātijaraṃ upehisi.

"Bỏ quá khứ, hiện, vị lai; đến bờ kia cuộc đời,

Ý giải thoát tất cả; chớ vướng lại sanh già" [48]

Có câu hỏi rằng:Thế thì "mong đạt Nípbàn" có phải là tham không?

Không, vì rằng Nípbàn diệt "hữu (bhava)", Nípbàn "chấm dứt pháp hữu vi".

"Bhavanirodho nibbānan'ti: Do hữu diệt là NípBàn" [49] .

Tuy tâm đạo và tâm quả Siêu thế là pháp hữu vi, hai loại tâm này là quả của cảnh Nípbàn, tức là khi cảnh Nípbàn xuất hiện thì một trong hai loại tâm này xuất hiện. Vì một trong bốn nhân sinh tâm là "có cảnh" [50] .

2- "Không nắm giữ". Còn nắm giữ là còn ràng buộc, không nắm giữ là giải thoát, phận sự của vô tham là "thoát ra mọi trói buộc". Ngài Buddhaghosa có ví như "vị Tỳkhưu đã giải thoát".

Sự thoát ra có nhiều cấp độ như tâm sở vô tham trong tâm Sơ thiền thì thoát ra năm triền cái, tâm sở vô tham trong Nhị thiền thoát ra tầm - tứ, tâm sở vô tham trong tâm Sơ đạo thoát ra "sự bám víu vào tự ngã (tà kiến) và nghi hoặc"....

Thoát ra cao tột của tâm sở vô tham là "không dính mắc trong sinh hữu".

3- "Không bám lấy". Trước tiên là "không bám lấy cái đang có" tức là không có ý nghĩa " đó là của ta". Đỉnh cao của tâm sở vô tham là không bám lấy một sinh hữu mới.

Ngài Buddhaghosa có cho ví dụ như người rơi vào đống rác, người này không thích thú, không muốn bám vào chỗ trú ẩn nhơ bẩn như thế.

Hình ảnh chim Thiên nga lìa bỏ ao hồ không hề luyến tiếc đó là thành tựu của tâm sở vô tham.

"Uyyuñjanti satīmanto; na nikete ramantite

Haṃsā’va pallalaṃ hitvā; okaṃ okaṃ jahantite".

"Tự sách tấn, chánh niệm; không thích cư xá nào

Như ngỗng trời rời ao; bỏ sau mọi trú ẩn" [51] .

4- Tác ý khéo (xem Tâm vấn đáp) [52] .

35 - Hỏi: Tín có đặc tính khắn khít với đối tượng đáng trong sạch, trái lại vô tham có đặc tính "từ bỏ". Vì sao chúng lại cùng hiện hữu với nhau?

Đáp: Trước tiên không nên hiểu "tính từ bỏ" của vô tham theo cách cực đoan, tức là "điều nào cũng từ bỏ", tuy Đức Phật có dạy:

"Dhammā pi vo pahātabbā, pag-eva adhammā: Pháp còn phải bỏ đi huống chi là phi pháp" [53] .

Nhưng khi qua sông rồi mới bỏ bè, chưa qua sông mà bỏ bè thì không thể sang sông.

Cũng vậy, khi đắm nhiễm, thèm khát, mong muốn đối với cảnh khả ái đáng hài lòng là do tham điều sử, vô tham "từ bỏ chúng".

Nói cách khác, ban sơ vô tham "từ bỏ những ác-bất thiện pháp, từ bỏ những điều không có lợi ích", sau cùng "từ bỏ cả thiện pháp".

Nhưng sự "từ bỏ thiện pháp" này không có nghĩa là "không thực hiện pháp lành". Với những điều có lợi ích cho mình, cho người, cho cả hai, vô tham vẫn thực hiện.

Như vị Thánh Alahán vẫn phải ăn, vẫn phải mặc, vẫn phải có chỗ trú, nhưng tâm các Ngài không tham đắm, không đắm nhiễm. Các Ngài vẫn hành thiền, vẫn giữ giới, vẫn giảng pháp... Tất cả những việc ấy không rơi vào bất thiện hay thiện, các Ngài chỉ có pháp vô ký (abyākatā dhammā).

Tuy Tín (saddhā) khắn khít với đối tượng đáng trong sạch, nhưng Tín có trạng thái "trong sạch hóa" đối tượng (ārammaṇa - cảnh), tức là loại bỏ những gì không tốt đẹp của đối tượng, làm cho đối tượng trở nên hoàn hảo.

Điều này phù hợp với đặc tính của vô tham trong giai đoạn ban sơ, do đó chúng cùng hiện hữu với nhau, và chính vô tham trợ giúp cho tín thêm tốt đẹp.

Ví như người họa sĩ sau khi phác họa xong bức tranh, thấy có những nét thừa, y dùng cục tẩy xóa bỏ những nét dư để bức tranh hoàn chỉnh (bức tranh chưa được hoàn chỉnh ví như tín đang trong sạch hóa đối tượng, cục tẩy ví như vô tham).

Ở giai đoạn thành tựu cao nhất của vô tham là Thánh quả Alahán thì tín cũng hoàn tất giai đoạn "trong sạch hóa" của mình, ví như bức tranh đã được toàn hảo.

36 - Hỏi: Tham và sân không cùng có mặt, vì chúng có trạng thái đối nghịch nhau.

 Vô tham đối nghịch với tham, vô sân đối nghịch với sân, vì sao chúng lại luôn đi chung với nhau?

Đáp: Tham - sân tuy có trạng thái đối nghịch nhưng nguồn gốc sâu xa chính là "bám vào cái ta" hay " bám vào cái của ta".

Sân là mặt trái của tham, là "bất toại ý của tham".

Thật ra "cái ta (atta)" vốn không có, đó là một quan niệm sai lầm, bám víu vào quan niệm sai lầm là đặc tính của tham; còn sân thì có tính hủy diệt những gì mà tham không hài lòng.

Thọ của tham là thọ hỷ và thọ xả, của sân là thọ ưu, mỗi loại thọ có đặc tính khác nhau, do đó tham – sân không cùng hiện khởi. Ví như tờ giấy có mặt trái, mặt phải; khi có mặt này thì không có mặt kia.

Duyên cho tham là "tướng tốt đẹp (subhanimitta) của cảnh"; duyên cho sân là "tướng không tốt đẹp (asubhanimitta) của cảnh". Duyên trợ sinh khác nhau nên tham- sân không thể cùng có mặt.

Tâm sở vô tham vốn có đặc tính "không dính mắc".

Vị tỳkhưu chứng Sơ thiền, nếu dính mắc tầm - tứ của Sơ thiền sẽ không thể chứng được Nhị thiền, vị chứng Nhị thiền, nếu còn dính mắc đến chi Hỷ sẽ không chứng được Tam thiền...

Đối với cảnh tốt đẹp hay không tốt đẹp, vô tham đều "không dính mắc".

Khi "không dính mắc", dù cho có mất đi cũng không khó chịu, không khó chịu là đặc tính của tâm sở vô sân.

Lại nữa, thọ của hai tâm sở này chỉ là hỷ thọ hoặc xả thọ. Thọ hỷ hay thọ xả của vô tham mang tính "vô vị lợi", như vui thích trước sự thành đạt của người hoặc các pháp thượng nhân..., thọ xả của vô tham là thản nhiên trước những cảnh xấu, cảnh không đáng hài lòng.

Hỷ thọ của vô sân cũng vậy, chính hỷ thọ trước thành đạt của người đã diệt trừ "ganh tỵ (issā)", xả thọ của vô sân là tính cách thản nhiên trước cảnh không đáng hài lòng.

Lại nữa, chính vô tham góp phần vào việc "xua đuổi bỏn xẻn (macchariya), ganh tỵ, nóng nảy". Khi không có những điều trên, tâm lại mát dịu, đó là sự hiện diện của Vô sân.

Với những điểm nêu trên, cho thấy tâm sở vô tham và tâm sở vô sân luôn đi chung với nhau.

37- Hỏi: Tâm sở vô tham có đặc tính "không bám víu vào hữu (bhava)", vì sao tâm sở Vô tham trong tâm quả hiệp thế lại làm việc tục sinh?

Đáp: Sự dẫn đi tục sinh không phải do tâm sở vô tham, đó là do tâm sở tư (cetanācetasika), tuy tâm quả hiệp thế làm việc tục sinh, nhưng chính tâm sở tư là tác nhân chủ yếu. Như Phật ngôn:

"Chúng sinh là thừa tự của nghiệp (kammadāyādā), có nghiệp là thai tạng (kammayonī)..." [54] .

Chữ Paṭisandhiviññāṇa có nghĩa là "thức nối liền", thức này chỉ có cho những chúng sinh còn "ái ngủ ngầm (taṅhānusaya)".

Sự nối liền giữa hai kiếp sống cũ và mới, đồng thời khởi đầu cho kiếp sống mới, gom chung hai ý nghĩa này, gọi là "sự tục sinh".

Tâm sở vô tham chỉ là một thành viên của hành uẩn (saṅkhārakhandho), đứng đầu nhóm này là tâm sở tư.

Tuy tâm sở vô tham có tính "buông bỏ thực trạng (bhava - hữu)", nhưng người chỉ đạo (tâm sở tư) có ý "tạo ra" nên vô tham trong tâm quả hiệp thế đành "bất động".

Ví như vị quan trung thần không muốn dính vào tội ác "giết oan người tốt", nhưng Đức vua đã quyết định "giết", nên vị ấy phải im lặng.

Cũng vậy, tuy tâm sở vô tham có khuynh hướng xa lìa "tội lỗi luân hồi", nhưng tâm sở tư d0 mãnh lực của ái ngủ ngầm, "quyết định tạo tác" nên tâm sở vô tham "bất động".

Tác nhân tạo quả tục sinh của tâm sở tư lại tùy thuộc vào mảnh lực ái ngủ ngầm (taṅhānusaya) mà chúng có trong tâm đổng lực thiện hay bất thiện (ngoại trừ đổng lực thiện siêu thế).

Mặt khác, tâm sở vô tham chỉ có khả năng "đối nghịch với tham theo sức mạnh nó có được".

Trong tâm thiện Dục giới còn ẩn tàng tham dục tùy miên (kāmarāgānusaya), nên tâm sở vô tham trong tâm thiện Dục giới chỉ có đủ sức buông bỏ "ngạ quỷ giới".

Trong những tâm thiện Sắc giới nhờ áp chế được "tham dục tùy miên", nhưng còn "ái sắc tùy miên (rūpataṅhānusaya), nên vô tham chỉ "buông bỏ" được Dục giới".

Trong những tâm thiện Vô sắc giới, nhờ áp chế được ái sắc tùy miên, nhưng còn "vô ái sắc tùy miên - arūpataṅhānusaya)", nên vô tham chỉ "buông bỏ" được sắc giới.

Nên ghi nhận: "Tâm quả là kết quả do tâm sở tư lưu lại, khi hội đủ duyên sẽ sinh lên", ví như vị Quản đốc công trình bảo nhóm thợ "lát nữa hãy làm việc này... việc này...", sau đó nhóm thợ sẽ thực hiện "điều mà Quản đốc nêu ra".

Mặt khác, tâm quả thiện hiệp thế chỉ là thành quả nên sức mạnh của các tâm sở trong tâm quả thiện này cũng giảm.

Ví như công nhân làm việc tích cực thì được khen thưởng, trong lúc được khen (là thành quả), công nhân ấy không cần nổ lực nhiều. Cũng vậy, tâm sở vô tham tuy có trong tâm quả hiệp thế nhưng không thể phát huy sức mạnh để "xa lìa các sinh hữu", nó chỉ có thể xa lìa sinh hữu nào tương ứng với sức mạnh của nó có được.

38- Hỏi: Lợi ích của tâm sở vô tham ra sao?

Đáp: Tâm sở vô tham có rất nhiều lợi ích, Đức Phật khẳng định:

"Này Cundī, trong các pháp hiện khởi (saṅkhatā) hay không không hiện khởi (asaṅkhatā), ly tham là tối thượng" [55] .

Sau đây xin nêu một số lợi ích do vô tham mang đến.

*- Trước tiên, vô tham hạn chế hoặc diệt trừ tính tham ác.

Một người tuy còn "dính mắc" vào năm dục, nhưng nhờ có vô tham nên không rơi vào tham ác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm....

Bà Thánh nữ Dự lưu Visākhā tuy còn tham dục nhưng tham ác không còn; hàng phật tử phàm nhân tuy vẫn còn tham dục nhưng nhờ có vô tham nên không rơi vào tham ác, như người thích ăn ngon nhưng không vì thế mà rơi vào sát sinh, người tuy thích mặc đẹp nhưng không vì thế mà rơi vào trộm cắp ...

*- Kẻ tham lam thường che dấu tội lỗi và tìm kiếm lỗi người. Như Phật ngôn:

"Sadassaṃ vajjaṃ aññesaṃ; attano pana duddassaṃ

Passaṃ hiso vajjāni; opuṇāti yathā bhusaṃ

Attano pana chādeti; kalim’va kitavā saṭho"

"Dể thay thấy lỗi người; lỗi mình thấy mới khó,

Lỗi người, ta phanh tìm; như sàng trấu trong gạo.

Còn lỗi mình, che đậy; như kẻ gian giấu bài" [56] .

Hay:

"Paravajjānupassissa; niccaṃ ujjhānasaññino

Āsavā tassa vaḍḍhanti; ārā so āsavakkhayā.

"Ai thấy lỗi của người; thường sinh lòng chỉ trích.

Người ấy lậu hoặc tăng; rất xa lậu hoặc diệt". (sđd; Dhp câu 253)

Trái lại, vô tham không tìm lỗi người, ngược lại chấp nhận tội lỗi là tội lỗi, vô tội là vô tội.

Khi làm tội lỗi, được người trí chỉ lỗi lầm, người có vô tham chấp nhận đó là tội lỗi không bào chữa hay biện minh.

Trái lại kẻ có tham thường hay bào chữa, biện minh dù biết "đó là sái quấy".

"Nidhīmuh’va pavattāraṃ; yaṃ passe vajjadasinam.

Niggayhavādiṃ medhāviṃ; tādisaṃ paṇḍitaṃ bhaje.

Tādisaṃ bhajamānasa; seyyo hoti na pāpiyo.

"Nếu gặp người thiện trí chỉ cho ta những lỗi lầm và những điểm cần phải sửa sai, giống như người phát giác cho ta kho tàng bảo vật, hãy kết hợp với người như thế. Ai kết hợp với người như thế sẽ trở nên tốt, không xấu hơn [57] .

Ở khía cạnh khác, người có vô tham sẽ chỉ ra tội lỗi với thái độ vô tư không chút ác cảm đồng thời có tâm tế độ, giúp cho người phạm lỗi biết được tội lỗi để khắc phục.

Như trường hợp Ngài Sāriputta đã khiển trách Ngài Anuruddha:

"Yaṃ kho te, āvuso Anuruddha, evaṃ hoti: "Ahaṃ dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena sahassaṃ lokaṃ volokemī’ti". Idaṃ te mānasmiṃ

"Này hiền giả Anuruddha, nếu hiền giả suy nghĩ như sau: "Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, tôi có thể thấy ngàn thế giới". Đây là kiêu mạn của hiền giả.

"Yaṃ kho te, āvuso Anuruddha, evaṃ hoti: "Āraddhaṃ kho pana me vīriyaṃ asallīnaṃ upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, passaddho kāyo asāraddho, samāhitaṃ cittaṃ ekaggan’ti. Idaṃ te uddhaccasmiṃ.

"Này hiền giả Anuruddha, nếu hiền giả suy nghĩ như sau: "Phấn chấn là tinh tấn của tôi, không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm, tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tỉnh nhất tâm". Đây là trạo cữ [58] của hiền giả.

"Yaṃ kho te, āvuso Anuruddha, evaṃ hoti: "Atha ca pana me nānupādāya āsavehi cittaṃ vimuccatī’ti. Idaṃ te kukkuccasmiṃ.

"Này hiền giả Anuruddha, nếu hiền giả suy nghĩ như sau: "Tuy vậy tâm tôi chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ". Đây là hối quá của hiền giả [59] .

Và Ngài Anuruddha đã phục thiện, sau đó Ngài trở thành bậc Alahán.

*- Người có vô tham sẽ lắng dịu được sự khổ do mất mát tài vật, mất mát thân tộc. Trái lại kẻ bị tham chi phối thường nước mắt đầm đìa khi mất thân tộc, thường đau khổ khi mất tài vật, vì sân nương sinh từ tham ái.

"Kāmato jāyati soko; kāmato jāyati bhayaṃ

Kāmato vippamuttassa; natthī soko kuto bhayaṃ

Dục ái sanh sầu ưu; dục ái sinh sợ hãi.

Ai thoát khỏi tham ái ; không sầu, đâu sợ hãi" [60] .

Bản Sớ giải có giải thích: Gọi là sầu muộn (soka) vì bị mất mát, bị tổn thất. Như người buôn bán bị thua lỗ ...

Gọi là "lo sợ (bhayaṃ)" là " tuy chưa bị tổn thất nhưng lo sợ sẽ bị tổn thất".

*-Vô tham thoát ra pháp thiên vị vì mong cầu (chandāgati) (hay thiên vị vì thương).

*- Vô tham giúp thoát ra 2 cái khổ "muốn không được" và "ái biệt ly".

*- Khi có Vô tham, người này có khuynh hướng xa lìa dục lạc, từ đó dẫn đến chứng đắc từ Sơ định đến Tứ định.

Trái lại, người có tham thường chạy theo khuynh hướng hưởng thụ dục lạc, nên không thể đắc định, chỉ khi nào lìa bỏ được "khuynh hướng hưởng thụ dục lạc" này mới có thể chứng Sơ định.

*- Tham thường dẫn tái sinh về ngạ quỷ giới (petabhūmi); vô tham thoát ra cảnh giới này.

*- Vô tham có khuynh hướng thoát ra bỏn xẻn, từ đó tạo việc thiện là bố thí (dāna).

*- Vô tham dẫn đến pháp biết đủ (santuṭṭha).

*- Vô tham dẫn đến thoát khỏi tái sinh, vì tái sinh bắt nguồn từ tham ái.

*- Vô tham là nhân có được sức khỏe tốt, vì rằng: Người tham sẽ "tích cực" thụ hưởng dục lạc, từ đó dẫn đến sức khỏe suy kiệt.

"Susukhaṃ vata jīvāma; āturesu anāturā

Āturesu manussesu; viharāma anāturā.

"Hạnh phúc thay, ta sống ; không bệnh giữa ốm đau!

Giữa những người bệnh hoạn; Ta sống, không ốm đau" [61] .

*- Nhờ vô tham có được cuộc sống bình an vì không tích trữ tài vật, nên tai họa hay sự chết bất ngờ không xảy đến do kẻ xấu gây ra.

Trái lại, người tham lam thường đắm say trong tài vật, tích trử tài vật và tai họa hay sự chết bất ngờ thường theo đuổi người ấy.

"Taṃ putta pasusammattaṃ; byāsattamanasaṃ naraṃ

Suttaṃ gāmaṃ mahogho’va; maccu ādāya gacchati.

Người tâm ý đắm say; con cái và súc vật

Tử thần bắt người ấy, như lụt trôi làng ngủ" [62] . Hay:

Hananti bhogā dummedhaṃ; no ve pāragavesino

Dhogataṅhāya dummedho; hanti aññe iva attanaṃ

"Tài sản hại người ngu; không người tìm bờ kia

Kẻ ngu vì tham giàu; hại mình và hại người" [63] .

*- Vô tham là pháp vượt qua những trói buộc.

Có lần một số tỳkhưu đi ngang qua khám đường, thấy tội những tội nhân bị xiềng xích. Các Ngài về trình bạch với Đức Thế Tôn và bạch hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Có thứ gì trói buộc chắc hơn xiềng xích không?

Đức Phật dạy: "Này các tỳkhưu, trói buộc do xiềng xích không lấy gì chắc lắm, nó chỉ trói buộc khoảng thời gian nào thôi.

Có sự trói buộc vững bền hơn, đó là lòng tham luyến tài sản, vợ con. Tuy nhiên, bậc trí vẫn thoát ra sự trói buộc này".

Tiếp theo, Đức Thế Tôn thuật lại bổn sự, tóm lược như sau:

Thuở xưa, Bồtát là con người nghèo khó ở xứ Bāraṇasī (Balanại). Khi Bồtát trưởng thành thì cha chết, Ngài đi làm thuê để nuôi mẹ. Mẹ Ngài cưới cho Ngài một cô gái để làm vợ Ngài mặc cho Ngài phản đối.

Thời gian sau mẹ Bồtát qua đời, Ngài muốn đi xuất gia, người vợ nói:

- Hiện giờ em đang mang thai, anh hãy đợi em sinh nở rồi hãy xuất gia.

Khi vợ sinh nở xong, Bồtát có ý đi xuất gia, người vợ lại nói:

- Xin anh hãy đợi con dứt sữa rồi hãy đi.

Đứa bé chưa dứt sữa, người vợ lại mang thai. Và khi Ngài tỏ bày ý định xuất gia, người vợ lại nài nỉ như trước, Bồtát suy nghĩ "như thế này mãi thì ta chẳng bao giờ xuất gia được".

Rồi Ngài quyết định ra đi, đến vùng núi Hy Mã Lạp Sơn làm ẩn sĩ. Nhờ tinh cần tu tập, Bồtát chứng đắc tám thiền chứng và năm thần thông.

Tiếp theo, Đức Phật thuyết kệ ngôn:

"Na taṃ daḷhaṃ bandhanam āhu dhīrā; yadāyasaṃ dārujaṃ babbajañ ca

Sārattarattā maṇikuṇḍalesu; puttesu dāresū ca yā apekkhā.

"Sắt, cây, gai trói buộc; người trí xem chưa bền.

Tham châu báu, trang sức; tham vọng vợ và con.

Người trí nói rằng:

" Etaṃ daḷhaṃ bandhanam āhu dhīrā; ohārinaṃ sithilaṃ duppamuñcaṃ.

Etam pi chetvāna vajanti dhīrā; anapekkhino kāmasukhaṃ pahāya.

"Trói buộc này thật bền; trì kéo xuống, lún xuống,

Và thật sự khó thoát; người trí cắt trừ nó,

Bỏ dục lạc không màng". [64]

*- Vô tham giúp cho hàng cư sĩ sống hòa thuận với nhau vì không có tranh chấp. Sự tranh chấp khởi lên bắt nguồn từ cội nguồn của dục tham.

Bàlamôn Ārāmadaṇḍa có hỏi Ngài Mahākaccāna (Đại Cachiêndiên) rằng:

"Ko nu kho, bho Kaccāna, hetu ko paccayo yena khattiyāpi khattiyehi vivadanti, brāhmaṇāpi brāhmaṇehi vivadanti, gahapatikāpi gahapatikehi vivadantī’ti?

 "Do nhân gì, thưa Tôn giả Kaccāna, do duyên gì, các người Sátđếlỵ tranh chấp với các người Sátđếlỵ, các người Bàlamôn tranh chấp với người Bàlamôn, các người gia chủ tranh chấp với các người gia chủ"

"Kāmarāgābhinivesavinibandha, paligedhapariyuṭṭhānajjhosānahetu kho, brāhmaṇa, khattiyāpi khattiyehi vivadanti, brāhmaṇāpi brāhmaṇehi vivadanti, gahapatikāpi gahapatikehi vivadantī’ti.

"Do nhân thiên chấp (abhinivesa) [65] , bị trói buộc (vinibandha), bị đắm say (paligedha), bị xâm chiếm (pariyuṭṭhāna), bị nhiễm trước (ajjhosāna) bởi các dục tham (kāmarāga), này Bàlamôn nên các người Sátđếlỵ tranh chấp với người Sátđếlỵ, Bàlamôn tranh chấp với người Bàlamôn, gia chủ tranh chấp với người gia chủ." [66]

*- Với vị Tỳkhưu, vô tham làm tăng quả an lành của người cúng dường đến vị ấy.

"Tiṇadosāni khettāni; rāgadosā ayaṃ pajā

Tasmā hi vītarāgesu; dinnaṃ hoti mahapphalaṃ".

"Cỏ làm hại ruộng vườn; tham làm hại người đời

Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn" [67] .

*- Nhờ Vô tham, người trí thấy và hiểu được tính vô thường nhờ đó dẫn đến chứng đạt đạo quả Nípbàn, vì người có tham không hề xem những gì vô thường là vô thường, trái lại cho là bền vững.

Đức Phật có dạy "có ba loại kiêu mạn (madā)" [68] :

"Tayome, bhikkhave, madā. Katame tayo? Yobhanamado, ārigyamado, jīvitamado.

- Có ba kiêu mạn này, này các Tỳkhưu. Thế nào là ba? Kiêu mạn của tuổi trẻ (yobhanamada), kiêu mạn của không bịnh (ārogyamada), kiêu mạn của sự sống [69] (jātimada)" [70] .

Kiêu mạn ở đâu, ở đó có tham. Chính tưởng vô thường (aniccāsaññā) khiến vô tham hiện khởi và vững mạnh.

*

6- Tâm sở Vô sân (adosacetasika).

39- Hỏi: Thế nào là Vô sân (adosa)?

Đáp: Adosa được phân tích thành: Na + căn dus; căn DUS là "không hài lòng, không vui, bất mãn, bất toại nguyện" [71] .

Adosa thường được dịch là vô sân, nghĩa là "không phiền muộn, không khó chịu, thân thiện, ôn hòa...".

Tuy nhiên, "không phiền muộn", "không khó chịu"... chưa hẳn đó là vô sân.

Một người đang thọ hưởng dục lạc với tâm đắm nhiễm, khi ấy không cảm thấy khó chịu, hay bực phiền. Vậy khi ấy có Vô sân chăng?.

Trước những cảnh tốt đẹp, cảnh đáng hài lòng, tham sinh khởi lên, sân vắng mặt. Và sân vắng mặt chưa hẳn là có vô sân, vì sao? Vì vô sân là thiện còn tham là bất thiện; thiện và bất thiện không thể cùng hiện hữu.

Trong Trung bộ I, kinh Ví dụ cái cưa [72] , Đức Phật thuật lại câu chuyện nữ gia chủ Vedehikā, nữ chủ này được nhiều người khen ngợi là hiền thục (soratā), là nhu thuận (nivātā), là ôn hòa (upasantā).

Sở dĩ, nữ chủ Vedehikā được như vậy vì cô nữ tỳ Kālī đã làm chu toàn mọi sự.

Để thử nội tâm nữ chủ Vedehikā có hay không có sân, một hôm cô nữ tỳ dậy trễ, nữ chủ Vedihikā hỏi "vì sao dậy trễ"? Nữ tỳ Kālī đáp "không có chi cả, chỉ vì muốn dậy trể thôi".

Và nữ chủ Vedehikā đã phẩn nộ (kupitā), bất mãn (anattamanā), trừng mắt (bhūkutiṃ), đến lần thứ ba thì nữ chủ Vedihikā khôgn kềm được phẫn nộ, đã đánh nữ tỳ Kālī lỗ đầu.

"Không khó chịu, không bất mãn" khi đứng trước cảnh nghịch của tâm, khi ấy mới thật sự là adosa (vô sân). Vì làm duyên cho sân sinh lên là "tướng không tốt đẹp (asubhanimitta) và không như lý tác ý" [73] .

Cảnh nghịch của tâm chưa hẳn là cảnh xấu, có thể là cảnh tốt nhưng tâm lại không thích cảnh ấy.

Như ngoại giáo không thích nhìn kim thân Phật, một số phật tử không thích người khác thảo luận về Vi diệu pháp (abhidhamma) hay pháp hành thiền...

Sân có nhiều mức độ khác nhau, sách Mahāniddesa có giải thích:

Dosa = dubbala kodha: Khó chịu yếu ớt gọi là sân (dosa).

Paṭigha = balavakodha: Khó chịu mạnh mẽ gọi là phẩn nộ.

Khi phẩn nộ cường thịnh sẽ trở thành "làm hại (hiṃsa)".

Cũng vậy, adosa (vô sân) có nhiều cấp độ như:

- Kiên nhẫn trước sự nóng bức hay lạnh buốt của thời tiết.

- Bình thản trước sự chưỡi mắng của kẻ ác.

Như vua trời Sakka im lặng trước lời chưỡi mắng của chúa Atula Vepacitti [74] . Sự im lặng này không phải do sợ hay do ngu si.

- Có tâm từ với những sinh chúng.

- Không có ác cảm ....

Vô sân là một trong ba cội nguồn (mūla) của thiện pháp.

Bộ Pháp Tụ có giải thích:

Katamo tasmiṃ samaye adoso hoti?

Thế nào là vô sân trong khi ấy?

Yo tasmiṃ samaye adoso adussanā adussitattaṃ, abyāpādo abyāpajjo adoso kusalamūlaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye adoso hoti.

Trong khi ấy, sự mà không phiền muộn, không hờn giận, thái độ không hờn giận, không sân độc, không sân ác; vô sân là căn thiện. Đây là vô sân trong khi ấy. [75] 40- Hỏi: Hãy trình bày bốn đặc tính của tâm sở vô sân.

Đáp: Ngài Buddhaghosa có trình bày bốn đặc tính của vô sân như sau:

- Trạng thái: Không tàn hại (acaṇḍikkalakkhaṇo).

Hay "không đối kháng" (avirodhalakkhaṇo).

- Phận sự: Xua đuổi [76] sự tàn hại (ājhātavinayaraso).

Hay "xua đuổi sự nóng nảy" (pariḷāhavinayaraso).

- Thành tựu: Hiện khởi sự êm dịu (sommabhāva paccupaṭṭhāno).

- Nhân gần: Tác ý khéo (yoni so manasikāra).

Giải:

1- a. "Không tàn hại (acaṇḍikka)". Khi có sự tàn hại chúng sinh hay hủy diệt đối tượng (ārammaṇa - cảnh) là do sân đang hiển lộ sức mạnh.

Sách Atthasālinī có giải thích "sân là sự vắng bóng hận thù, chấm dứt sự thô bạo". Vô sân được biểu lộ như người bạn thân (anukūlamitto viya), đối tượng ở đây ám chỉ chúng sinh hữu tình, như trong cơn giận người ta có thể đánh đập mèo, chó... hoặc chính cả con người như chủ đánh tôi tớ, cha mẹ đánh con, thầy đánh trò...

Có câu hỏi: "Một người hủy diệt đống rác hôi thối, hoặc phá hủy nơi gây ra tật bịnh, có phải là sân không?"

Đáp rằng: Đó là do cảm thọ của người ấy, nếu người ấy có cảm thọ khó chịu đó là tâm sân.

Nếu người ấy nghĩ "vì lợi ích cho nhiều người", thực hiện với trạng thái thản nhiên hoặc với tâm hoan hỷ là đó tâm thiện.

Mặt khác, sự hủy diệt này cũng có thể do tâm tham làm duyên, như người phá bỏ căn nhà mục nát để xây dựng một dinh thự khang trang...

1-b. "Không đối kháng (avirodha)" cũng là trạng thái của vô sân, là không có sự chống lại đối tượng. Đối kháng có nhiều cấp độ:

- Khi quá mạnh sẽ dẫn đến hủy diệt đối tượng.

- Ở mức độ trung bình đó là trạng thái khó chịu đối với cảnh.

- Ở mức độ yếu ớt đó là "sự nhàm chán, không thích thú". Như vị tỳkhưu không còn thích thú với đời sống Phạm hạnh..., Đức Phật có dạy:

"Dveme, bhikkhave, dhammā. Katame dve?

Có hai pháp này, các Tỳkhưu. Thế nào là hai?

Yā ca saṃyojaniyesu dhammesu assādānupassitā, yā ca saṃyojaniyesu dhammesu nibbidānupassitā.

Thấy vị ngọt trong các pháp có thể khởi lên kiết sử [77] . Và thấy nhàm chán trong các pháp có thể khởi lên kiết sử [78] ".

Nên ghi nhận "nhàm chán" có ba loại:

- Nhàm chán những thiện pháp.Là loại nhàm chán khiến bất thiện pháp chưa sinh được sinh lên, bất thiện pháp đang sinh được tăng trưởng; các thiện pháp chưa sinh không sinh lên, thiện pháp đang có bị tiêu diệt. Vị tỳkhưu nhàm chán đới sống phạm hạnh được hiểu theo nghĩa này.

Loại nhàm chán này mang đến tai hại.

- Nhàm chán bất thiện pháp. Loại nhàm chán này sẽ làm thiện pháp chưa sinh được sinh lên, thiện pháp đang có được tăng trưởng; các bất thiện pháp không thể sinh khởi hay đang có bị tiêu hoại.

Đây là sự nhàm chán có ích lợi, tuy nhiên chính thiện pháp ấy cũng là giây trói buộc chúng sinh trong luân hồi.

Do đó Đức Phật dạy: "Thấy nhàm chán có thể khởi lên kiết sử".

-Nhàm chán tất cả pháp hữu vi. Loại nhàm chán này có thể thoát ra luân hồi, đoạn tận mọi ô nhiễm.

Nên Đức Phật dạy:

"Saṃyojaniyesu, bhikkhave, dhammesu nibbidānupassī viharanto rāgaṃ pajahati, dosaṃ pajahati. mohaṃ pajahati. Rāgaṃ pahāya, dosaṃ pahāya, mohaṃ pahāya.

"Ai sống thấy nhàm chán trong các pháp có thể khởi lên kiết sử, này các Tỳkhưu tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận.

Parimuccati jātiyā jarāya maraṇena sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi. Parimuccatindukkhasmāti vadāmi.

 Do tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận, nên được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy giải thoát khỏi khổ đau". (sđd- A.i, 47).

Hoặc như Phật ngôn: "Dhammā pi vo pahātabbā, pag-eva adhammā: Pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp" [79] .

Pháp (dhamma) ở đây chỉ cho thiện pháp, còn phi pháp (adhamma) chỉ cho ác- bất thiện pháp.

 "Sự nhàm chán" trong đoạn kinh văn trên chỉ cho "3 sự nhàm chán".

"Có thể khởi lên kiết sử". Là chỉ cho "nhàm chán thiện pháp " và "nhàm chán bất thiện pháp".

"Tham được đoạn tận.." là chỉ cho "nhàm chán các pháp hữu vi".

Có câu hỏi rằng:"Đối kháng" với những cảnh dục lạc vì sao là sân?

Đáp rằng: "Đối kháng" với những cảnh dục lạc phát sinh do ba cách:

- Thọ dụng nhiều nên nhàm chán, muốn tìm những dục lạc thù diệu hơn.

Như Vua Chuyển Luân Mandhātu thọ dụng dục lạc cõi người với thời gian dài, cảm thấy không hài lòng, đi đến cõi Tứ Đại Vương thọ hưởng dục lạc trong thời gian dài, vẫn không cảm thấy hài lòng, vua Mandhātu tìm đến cõi Đạo Lợi để thọ hưởng dục lạc [80] . Và sự nhàm chán này chính là sân do duyên tham ái phát sinh.

- Tuy thấy nguy hại của dục lạc nên có sự đối kháng, nhưng do mảnh lực tham ái mạnh vì thường thụ hưởng chúng, nên người này chưa thoát ra tham dục nên không hài lòng với cảnh dục lạc, hoặc không hài lòng với chính mình.

Như trường hợp Ngài Mahānāma.

Ngài Mahānāma vẫn hiểu biết tham là cấu uế của tâm, nhưng tham vẫn chiếm cứ và an trú tâm của Ngài. Ngài bạch hỏi Đức Thế Tôn về vấn đề này, Đức Thế Tôn đáp:

"Appassādā kāmā bahudukkhā bahupāyāsā, ādīnavo, ettha bhiyyo’ti-iti cepi, Mahānāma, ariyasāvakassa yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhaṃ hoti, so ca aññatrave kāmehi aññatra akusalehi dhammehi pītisukhaṃ nādhigacchati, aññaṃ vā tato santataraṃ; atha kho so neva tāva anāvaṭṭī kāmesu hoti.

"Các dục vọng vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn. Này Mahānāma, nếu một vị Thánh đệ tử Tỳkhưu thấy như vậy với như thật chánh quán, nhưng nếu vị này chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sinh, hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy vị ấy chưa khỏi bị các dục vọng chi phối" [81] .

Sự đối kháng trong trường hợp này là lấy "bất thiện diệt bất thiện", tức là dùng sân bất thiện để làm giảm sức mạnh của tham bất thiện.

- "Đối kháng để thoát ra", không là sân mà là thiện.

2- "Xua đuổi sự tàn hại" hay "xua đuổi sự nóng nảy".

Ngài Buddhaghosa có cho ví dụ "như gỗ trầm hương xua đuổi nóng bức (candanaṃ viya)". Những ngôi nhà làm bằng gỗ trầm hương thường mát mẻ cho dù khí trời bên ngoài oi bức.

Khi một người đang giận dữ, toan sát hại hay đánh đập chúng sinh khác hoặc đập phá những vật chung quanh, đó là việc làm của tâm sở sân, khi tâm sở vô sân sinh lên nó có phận sự xua đuổi sự tàn hại ấy.

Một nữ thần cây (dukkhadevī) đang giậndữ vì vị Tỳkhưu vô ý chặt đứt cánh tay của con nàng, nàng vươn tay định vặn chết vị ấy. Nhưng nàng chợt dừng lại và nghĩ "Tỳkhưu này là bậc hiền thiện, nếu ta sát hại vị ấy, ta sẽ rơi xuống khổ cảnh và các thần cây khác cũng theo gương ta mà sát hại những tỳkhưu khi các vị ấy đốn cây của họ".

Và nàng đi đến trình bạch Đức Thế Tôn về sự việc này. Đức Thế Tôn khen rằng:

- Lành thay, lành thay! Này Thiên nữ, nàng đã xử sự đúng pháp, kìm hãm cơn giận như thắng dừng lại chiếc xe đang lao nhanh. Kế đến Ngài thuyết kệ ngôn:

"Yo ve uppatitaṃ kodhaṃ; rathaṃ bhantaṃ’va dhāraye

Tam ahaṃ sārathiṃ brūmi; rasmiggāho itaro jano".

"Ai chận được phẩn nộ; như dừng xe đang lăn

Ta gọi người đánh xe; kẻ khác, cầm cương hờ" [82] .

Ngoài "xua đuổi được sự tàn hại", ở khía cạnh khác, phận sự của tâm sở vô sân là "xua đuổi nóng nảy". Câu chuyện sau đây là minh họa cho ý nghĩa này:

Có lần Đức Moggallāna đi lên cõi Thiên cung Đạo Lợi, Ngài hỏi về hạnh lành mà họ đã làm, giúp họ tái sinh về thiên giới.

Một Thiên nhân thưa rằng: Thưa Tôn giả, tôi không có bố thí hay chi cả. Trong thời Đức Phật Kassapa (CaDiếp), tôi là một nô lệ cho một ông chủ rất hà khắc, ông thường đánh đập tôi. Mỗi khi bực tức khởi lên, tôi tự an ủi rằng: "Ông ấy là chủ, có thể giam cầm, hay cắt mũi, xẻo tai mình... Ta không nên phẫn nộ".

Tôi làm lắng dịu sân hận như thế, và chỉ có thế thôi, tôi được sinh về cõi trời.

Đức Mụckiềnliên (Moggallāna) trở về nhân giới bạch hỏi Đức Phật về điều trên, Đức Phật dạy:

"Saccaṃ bhaṇe na kujjheyya, dajjā’pasmim pi yācito

Ete hi tīhi ṭhānehi, gacche devanā santike.

- Hãy nói lời chân thật, không nên sân hận; cho đến người dầu chỉ chút ít.

Theo ba việc tốt này; con sẽ đến gần thiên giới"[83] .

3-"Hiện khởi sự êm dịu". Ngài Buddhaghosa có ví sự mát dịu như ánh trăng rằm (puṇṇa cando viya) để diễn đạt "sự thành tựu của vô sân".

Sức nóng mặt trời và ánh sáng mát dịu của mặt trăng là hai thái cực, sức nóng mặt trời ví như sân; trái lại vô sân thì mát dịu.

39- Hỏi: Tác ý như thế nào để tâm sở vô sân sinh khởi?

Đáp: Trước tiên tác ý đến "không phải tôi, không phải của tôi".

Chính vì nghĩ đến "tôi và của tôi" nên sân có cơ hội sinh khởi và tăng thịnh.

"Akkocchi maṃ avadhi maṃ; ajini maṃ ahāsi me.

Ye taṃ upanayhanti; veraṃ tesaṃ na sammati.

"Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, chiến thắng tôi, cướp giựt của tôi", lòng sân hận không nguôi trong tâm của người còn ôm ấp những ý tưởng tương tợ.

"Akocci maṃ avadhi maṃ; ajini maṃ ahāsi me.

Ye taṃ na upanayhanti; veraṃ tesūpa sammati.

"Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, chiến thắng tôi, cướp giựt của tôi", lòng sân sẽ nguôi ngoai trong tâm của người không ôm ấp những ý tưởng tương tự" [84] .

*- Tác ý đến điều tốt đẹp của đối tượng xấu (asubhārammaṇa).

Trong bất kỳ cảnh hữu vi nào đều có tướng tốt đẹp (subhanimitta) lẫn tướng không tốt đẹp (asubhanimitta).

Sự khó chịu (sân) sinh khởi bởi tác ý đến tướng không tốt đẹp; khi tác ý đến tướng tốt đẹp (tức điều lợi ích) thì vô sân sinh lên.

Như vị tỳkhưu quán thể trược, quán tử thi,... Hay chén thuốc tuy đắng có công dụng trị bịnh nên người bịnh uống thuốc không thấy khó chịu khi uống thuốc...

Đối với kẻ nghịch thì nghĩ đến những điểm tốt của họ để hiềm hận khó có thể hay không thể sinh lên.

*- Tác ý đến "tình thương". Hoặc thương mình hoặc thương người.

Khi thương mình thì nghĩ đến khổ cảnh địa ngục mà sân thì dẫn đến, hoặc mình không muốn đau khổ như thế nào thì chúng sinh khác cũng như thế. Do đó không có tàn hại, hung bạo với chúng sinh khác.

"Attānaṃ ce piyaṃ jaññā; rakkheyya naṃ surakkhitaṃ

Tiṇṇaṃ aññataraṃ yāmaṃ; paṭijaggeyya paṇḍito.

Thương mình hãy khéo bảo vệ lấy mình.

Trong suốt thời gian ba canh, người thiện trí phải giác tỉnh phòng bị" [85] .

Và:

Sabbe tasanti daṇḍassa; sabbe bhāyanti maccuno.

Attānaṃ upanaṃ katvā; na haneyya na ghātaye.

- Mọi người sợ hình phạt; mọi người sợ tử vong.

Lấy mình làm ví dụ; không giết, không bảo giết [86] .

*- Tác ý đến quả của ác nghiệp. Quả của ác nghiệp có hai loại: Đang trả quả và sẽ cho quả.

Người đang bị những bức bách, bị kẻ khác bôi nhọ hay làm hại, để ngăn chận sân sinh khởi, người này nên tác ý đến nghiệp xấu đã tạo, rằng: "Đức Thế Tôn có dạy "chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp", trong quá khứ có lẽ ta đã tạo nghiệp xấu nên giờ đây ác quả sinh lên. Ta không nên sân hận để tạo thêm ác nghiệp nữa, ta hãy kham nhẫn với những ác quả này, rồi chúng cũng phải hết thôi vì bản chất của chúng vốn vô thường".

Đây là tác ý đến quả của nghiệp đang có.

Người đang khó chịu hoặc phiền muộn hoặc bất bình, nên suy nghĩ rằng: "Sân là một ác - bất thiện pháp, nó sẽ cho quả không an lạc như rơi vào khổ cảnh địa ngục, dung sắc xấu, sức khỏe thối giảm... Ta không nên để tâm rơi vào quyền lực của sân hận".

Đây là tác ý đến quả của nghiệp sẽ có.

40- Hỏi: Lợi ích của vô sân ra sao?

Đáp: Những lợi ích của vô sân như sau:

*- Sân thường dẫn tái sinh về địa ngục, vô sân thoát khỏi cảnh giới địa ngục.

*- Vô sân hạn chế được sân ác, như câu truyện nữ thọ thần nêu trên.

*-Vô sân thoát ra hai pháp thiên vị: Thiên vị vì ghét (dosāgati), thiên vị vì sợ (bhayāgati).

*- Vô sân giúp tìm thấy điều tốt đẹp ở người khác, vì sân che lấp sự tốt của tha nhân.

*- Vô sân giúp cho giới được tốt đẹp.

*- Vô sân giúp tâm an tịnh khi gặp phải "khổ bịnh", hay khi đối diện với "khổ già".

*- Vô sân giúp cho tâm được an tịnh, thoát khỏi cái khổ "ghét phải gặp". Trái lại người có tâm hận thù sẽ phẫn nộ khi gặp kẻ thù.

*- Vô sân diệt trừ được oan trái. Như câu chuyện hai người vợ trong quá khứ oan trái nhau, theo đuổi nhau trả hận dến ba đời.

Trong kiếp may duyên gặp được Đức Phật, cả hai giải trừ oan trái và chứng đắc Dự Lưu sau khi nghe kệ ngôn của Đức Phật dạy:

"Na hi verena verāni; sammantī’dha kudācanaṃ

Averena ca sammanti; esa dhammo sanantano".

"Với hận diệt hận thù; đời này không có được.

Tình thương [87] diệt hận thù; là định luật ngàn xưa". [88]

Hay như nàng Uttarā không sân hận với nàng Sirimā khi Sirimā tạt dầu nóng sôi sục vào nàng, nhờ đó nàng Uttarā đã cảm hóa được Sirimā.

Sau đó, nàng Uttarā lại giúp nàng Sirimā cúng dường vật thực đến Đức Phật và chư Tăng, nhờ duyên lành này nàng Sirimā chứng quả Dự Lưu. Nhân đó Đức Phật thuyết lên kệ ngôn:

" Akkodhena jine kodhaṃ; asādhuṃ sādhunā jine.

Jine kadariyaṃ dānena; saccena alikavā dinaṃ.

" Hãy lấy tình thương chế ngự tâm sân; lấy cái tốt chinh phục điều xấu.

Lấy bố thí thắng người xan tham; lấy chân thật thắng kẻ giả dối" [89] .

*- Vô sân khi phát triển thành tâm Từ (mettāceto), là một trong bốn tâm vô lượng. Người tu tập tâm từ, có tâm Từ vững chắc thì phi nhân không thể não hại.

"Evameva kho, bhikkhave, yassa bhikkhuno mettācetovimutti bhāvitā bahulīkatā so duppadhaṃsiyo hoti amanussehi".

"Này các tỳkhưu, tỳkhưu nào tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, thời vị ấy rất khó bị phi nhân não hại." [90] .

*- Vô sân giúp hành giả xa lánh khuynh hướng khổ hạnh.

*- Vô sân giúp tướng khổ dễ hiển lộ, vì vô sân thường quán xét cái khổ của mình để sinh khởi "sự thương mình" khi tu tập từ tâm giải thoát, đồng thời quán xét "cái mình không muốn có". Như Phật ngôn:

"Sabbe tasanti daṇḍassa; sabbe bhāyanti maccuno

Attānaṃ upamaṃ katvā; na haneyya na ghātaye".

"Mọi người sợ hình phạt; mọi người sợ tử vong.

Lấy mình làm ví dụ; không giết, không bảo giết" [91]

*- Vô sân giúp chúng sinh sống hòa thuận với nhau, vì không có ác cảm, không oán thù.

 41- Hỏi: Khi hiềm hận (āghāta) sinh khởi dùng cách chi để trừ diệt?

Đáp: Hiềm hận (āghāta) là sự sân hận quá mạnh, có ý muốn hại người.

Đức Thế Tôn có dạy 5 cách để trừ khử hiềm hận khi chúng khởi lên là:

- Khi hiềm hận sinh lên, Từ cần phải tu tập sung mãn (mettā bhāvetabbā).

- Khi hiềm hận khởi lên, Bi cần phải tu tập sung mãn (karuṇā bhāvetabbā).

- Khi hiềm hận khởi lên, Xả cần phải tu tập sung mãn (upakkhā bhāvetabbā).

-Khi hiềm hận sinh khởi, không ghi nhớ - không tác ý đến chúng (asati – amanasikāro).

- Khi hiềm hận sinh khởi, cần phải tác ý đến nghiệp. [92]

Đức Xálợiphất (Sāriputta) có dạy năm cách trừ khử hiềm hận khác tóm lược như sau:

a- Với người có thân không an tịnh (aparisuddhakāya), ngữ an tịnh (parisuddhavacī).

Khi hiềm hận sinh khởi, người này nên tác ý đến ngữ hành, không nên tác ý đến thân hành.

(Tức là với người có lời nói ôn hòa, nhã nhặn, nhưng thân thô tháo, náo động. Khi hiềm hận khởi lên không nên nghĩ đến dùng thân, nên nghĩ đến dùng lời nói, mà lời nói thường êm dịu, do thường cận duyên này, lời hung ác khó có cơ hội sinh lên).

Ví như người tìm được tấm vải từ nơi đống rác, loại bỏ phần vải không dùng được, chỉ mang đi đoạn vải nào có thể dùng được.

b- Với người có thân an tịnh (parisuddhakaaya), ngữ không an tịnh (aparisuddhavacī).

Khi hiềm hận sinh khởi, người này nên tác ý đến thân hành không nên tác ý đến ngữ hành.

Ví như người khát nước, đi đến hồ nước phủ đầy lá cây và bùn, người này gạt lá và bùn sang một bên, dùng tay bụm lấy nước để uống rồi sau đó ra đi.

c- Với người thân không an tịnh, ngữ không an tịnh; thỉnh thoảng tâm trong sạch (pasādaṃ) được mở rộng (vivaraṃ).

Khi hiềm hận sinh khởi, không tác ý đến thân hành, không tác ý đến ngữ hành, nên tác ý đến tâm rộng mở, tâm trong sạch.

Ví như người khát nước thấy được chút ít nước trong dâu chân con bò, người này suy nghĩ "nếu ta dùng tay bụm nước, nước sẽ bị bùn khuấy động trở nên dơ bẩn", người này nằm dài trên đất, dùng miệng uống chút ít nước ấy rồi ra đi.

d- Với người thân không an tịnh, ngữ không an tịnh, tâm trong sạch không được mở rộng mở. Khi hiềm hận sinh lên cần phải khởi lên lòng từ (mettā).

e- Với người thân an tịnh, ngữ an tịnh, thỉnh thoảng tâm trong sạch được mở rộng. Khi hiềm hận sinh khởi, nên tác ý đến thân hành, tác ý đến ngữ hành, tác ý đến tâm trong sạch được mở rộng [93] .

42- Hỏi: Vì sao vô tham và vô sân không trở thành pháp quyền (indriyadhammā) hay pháp lực (baladhammā)?

Đáp: Nói đến quyền là nói đến tính "áp đặt" pháp khác làm theo phương hướng nào đó.

Như tín quyền điều khiển các pháp "cùng hướng tâm tin", tấn quyền điều khiển các pháp đồng sinh cùng "nổ lực", niệm quyền là đôn đốc các pháp cùng làm phận sự ghi nhớ ...

Nói đến lực là nói đến sự "vững mạnh", "không bị lay chuyển" và giúp các pháp đồng sinh cũng vững mạnh, không bị lay chuyển như chính nó.

Như tín lực là "không rúng động trước vô tín" đồng thời giúp các pháp đồng sinh cũng "không rúng động trước vô tín"; tấn lực là "không rúng động trước sự uể oải, lười nhát" đồng thời giúp các pháp đồng sinh cũng như thế....

Đặc tính của vô tham là "buông bỏ"; đặc tính của vô sân là "làm mát dịu", chúng thực hiện theo cách độc lập ví như người thợ mộc đục bỏ những mảnh gỗ thừa của khúc gỗ mà y đang làm, người khác không thể cùng làm với y trên khúc gỗ ấy (ví như vô tham, khúc gỗ ví như cảnh) hay ví như ánh sáng mặt trăng mát dịu theo cách riêng mà các vì sao không thể làm được (ví như vô sân).

Mặt khác, đã "buông bỏ" thì làm sao áp đặt được, thế thì cũng chẳng có lực (đặc tính của vô tham).

Đã "không đối kháng" thì làm sao "điều khiển", không "điều khiển được" xem như "bất lực" (đặc tính của vô sân).

Do đó, vô tham và vô sân không trở thành pháp quyền hay pháp lực.

 43- Hỏi: Vô sân có phải là tâm từ (mettāceto) không?.

Đáp: Tuy tâm Từ (mettā) có nguồn gốc từ vô sân, nhưng tâm Từ không phải là vô sân.

Vô sân chỉ là trạng thái không khó chịu, không ưu phiền, còn tâm từ là có "có tình thương".

Bình thường khi gặp người xa lạ chúng ta không thấy khó chịu hay ưu phiền, nhưng không thể có "tình thương", đó là vô sân.

Vô sân ví như đứa trẻ sơ sinh, còn tâm từ ví như đứa trẻ khôn lớn.

Ngài Buddhaghosa có giải thích như sau:

"Mejjatīti mettā, siniyhatīti attho: Tẩy sạch (mejjhati) gọi là Từ, nghĩa là "làm tan biến". Tức là làm tan biến ác cảm, hay tẩy sạch ác cảm.

- Mitte vā bhavā, mittassa vā esā pavattītipi mettā.

"Hay phát sinh như người bạn hoặc đối xử như với người bạn, gọi là từ" [94] .

So sánh bốn đặc tính của tâm Từ với bốn đặc tính của vô sân, chúng ta thấy rõ sự khác biệt của hai pháp này.

Bốn đặc tính của tâm Từ như sau :

- Trạng thái: Mang lại những điều lợi ích (hitākarappavattilakkhaṇā).

- Phận sự: Gom góp những điều lợi ích (hitūpasaṃhāsarasā).

-Thành tựu: Làm tan biến hiềm hận (āghātavinayapaccupaṭṭhāṇā).

-Nhân gần: Nhận ra ưu điểm nổi bật của chúng sinh (sattānaṃ mahāpabhāvadassanapadaṭṭhāṇā) (sđd).

44- Hỏi: Tu tập tâm Từ có được bao nhiêu lợi ích?

Đáp: Đức Phật có dạy: Tâm từ được tu tập, được khéo khởi sự (susamāraddhāya), thì có 11 lợi ích được chờ đợi là [95] :

1- Ngủ an vui (sukhaṃ supati).

2- Thức an lạc (sukhaṃ paṭibujjhati).

3- Không có ác mộng (na pāpakaṃ supinaṃ passati).

4- Được người thương mến (manussānaṃ piyo hoti).

5- Được phi nhân thương mến (amanussānaṃ piyo hoti).

6- Chư thiên gìn giữ (devatā rakkhanti).

7- Không bị lửa (aggi), thuốc độc (visaṃ), khí giới (sathaṃ) làm hại (nāssa aggi vā visaṃ vā sathaṃ kamati).

8- Tâm an trú trong định mau chóng (tuvataṃ cittaṃ samādhiyati).

9- Màu da, gương mặt trong sáng (mukhavaṇṇo vippasīdati).

10- Sắp lâm chung không mê loạn (asammuḷho kālaṃ karoti)

11- Nếu chưa chứng đạt Đạo quả, mệnh chung sinh về Phạm Thiên giới (uttariṃ appativijjhanto brahmalokokūpago hoti).

Sách Thanh Tịnh đạo [96] có giải thích 11 lợi ích như sau:

- Ngủ an vui. Là ngủ thoải mái, không trằn trọc.

- Thức an vui. Là khi thức giấc không uể oải, mệt mỏi. Trái lại khỏe khoắn, an lạc như đóa sen hé nở.

- Không có ác mộng. Nếu có nằm mộng thì chỉ thấy những giấc mộng lành.

- Được người thương mến. Vị ấy được người yêu mến như người yêu thích vòng hoa trang điểm trên đầu.

- Được phi nhân yêu mến. Như Trưởng lão Visākha người làng Patna trong thành Pātaliputta, Ngài xuất gia tại xứ Tích Lan nơi tu viện Anurādhapura.

Ngài đi đến tu viện Cittapabbata trú ẩn trong bốn tháng, rồi Ngài khởi ý "rời khỏi nơi này". Vị thần cây Manila đã khóc hiện ra ở cuối đường kinh hành của Ngài, ngồi khóc, Ngài hỏi vì sao khóc, vị thọ thần bạch rằng:

- Bạch Ngài, khi Ngài trú nơi đây, các phi nhân đối xử với nhau rất ôn hòa. Nếu Ngài bỏ đi, chúng sẽ gây hấn lẫn nhau.

Và Trưởng lão Visākha ở lại đó cho đến khi Ngài Nípbàn.

- Chư thiên hộ trì. Như cha mẹ gìn giữ con mình.

- Lửa, thuốc độc, khí giới không thể xâm phạm. Như nàng Uttarā không bị tai hại khi bị nàng Sirimā tạt dầu sôi vào người, hay như Ngài Saṅkicca bị chúa đảng cướp chém vào cổ, Ngài vẫn vô sự.

Có câu hỏi rằng: Tu tập tâm từ thì lửa không làm hại được. Vì sao bà Samāvatī được Đức Thế Tôn ban cho địa vị tối thắng về hạnh tâm từ trong hàng nữ cư sĩ, bà cùng năm trăm cung nữ tùy tùng bị bà Magandiyā đốt cháy cung điện và tất cả đều mệnh chung?

Đáp: Vì do ác quả của nghiệp quá khứ.

Trong quá khứ tiền thân bà Samāvatī cùng 500 cung nữ tùy tùng đã có ý đốt Đức Phật Độc Giác trong khi Ngài đang nhập Diệt thọ tưởng định.

Nay do ác quả trổ nên tâm của bà Samāvatī không thể an trú trong đề mục Từ. Do vậy bà cùng 500 cung nữ bị lửa đốt chết.

- Tâm nhập định mau chóng. Vì không có uể oải hay nóng bức.

- Màu da và gương mặt trong sáng.

- Sắp lâm chung tâm không tán loạn. Vì tâm từ là thiện, làm bạn với thiện thường xuyên nên phóng dật không thể sinh khởi.

- Sinh về Phạm thiên giới. Là chứng đắc định do đề mục tâm từ.

Ngoài ra, người tu tập tâm từ khéo phát triển tuệ quán có thể chứng đạt Nípbàn.

45- Hỏi: Nhược điểm của tâm Từ là gì?

Đáp: Các Giáo thọ sư có giải thích: Kẻ thù trực tiếp của tâm từ là "ác ý – kodha)", kẻ thù gián tiếp của tâm từ là lòng "ái luyến (pema)" [97] .

Ngài Buddhaghosa trong sách Atthasālinī có giải thích:

"Byāpādūpasamo etissā sampatti, sinehasambhavo vipatti: Thành tựu của tâm Từ là làm an tịnh ác ý, thất bại sẽ tạo ra ái luyến".

Kẻ thù trực tiếp của tâm Từ là sân hận, điều này dễ hiểu; còn kẻ thù gián tiếp là "ái luyến" thì ra sao?.

Vì "ái luyến" và Từ có chung đặc điểm là "thấy cái tốt", nếu không thận trọng khi tu tập tâm Từ thì sinh khởi "ái luyến".

Ái luyến như một kẻ thù khéo ngụy trang để đến gần, rồi tìm cách xâm nhập vào nhà để sát hại gia chủ. Đó là kẻ thù "giấu mặt" của tâm từ.

Vì sao tu tập tâm Từ lại phát sinh "ái luyến"? Vì rải tâm từ đến người khác phái.

Sách Thanh tịnh đạo có minh họa câu truyện tóm lược như sau:

Một cận sự nam bạch hỏi vị Trưởng lão: Bạch Ngài, nên rải tâm từ đến ai?

- Đến người mình thương mến.

Người cư sĩ ấy rải tâm từ đến người vợ và trong đêm ấy vị ấy đấm vào vách tường suốt đêm [98] .

Vì thế các Ngài dạy: "Khi tu tập tâm từ, không nên rải tâm thương mến đến người khác phái, dù đó là người thân".

*


[1] Đại trưởng lão Tịnh Sự (d) - Bộ Pháp tụ (dhammasaṅgini) (1990), Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 33.

[2]- Vsm II, Chương XIV: Khandhaniddeso (mô tả Uẩn). 466 .

[3]- A.ii,77. Pháp 4 chi. HT. Thích Minh Châu (d), chương VIII, phẩm không hý luận (apaṇṇakavago) kinh Chân nhân (sappurisasuttaṃ) (1987), trường Cao cấp Phật Học Việt Nam Cơ sở II, tr.446.

[4]- Akuppa:Bất động; theo bản Sớ giải ám chỉ bậc Alahán.

[5]- A. iii, 128; pháp năm chi. HT. TMC (d), Kinh đáng nghi ngờ (ussaṅkitasuttaṃ) (1988), Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, cơ sở II, tr.134.

[6]- Atts. Giải thích mô tả xoay quanh thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā).

[7]- ĐĐ. Nguyệt Thiên (d); Phân Tích giới Tỳkhưu II (2005), Nxb Tôn Giáo, tr. 515.

[8]- Đây là tên gọi cho nhóm Tỳkhưu, nhóm này khi xuất gia có 17 vị, về sau hội chúng tăng lên.

[9] quý (abhaya) là “không có sợ hãi”, khác với tâm sở anottappa (vô quý) -Ns.

[10]- Vô thanh: Theo bản Sớ giải vì trục xe được gắn khít khao với bánh xe nên không kêu.

[11] Bản Sớ giải giải thích: Để các chiến binh không rơi ra ngoài.

[12]- S.i, 33. HT. Thích Minh Châu (d) (1982). Viện Đại học Vạn Hạnh, tr. 38.

[13]- Vsm. ii, Sīlaniddeso (Mô tả giới).

[14]- A.iii, 89.

[15]- DhpA, kệ ngôn số 21.

[16]- Ám chỉ hành dâm –Ns.

[17]- A.iii, 4. Pháp 5 chi, chương I, phẩm sức mạnh hữu học (sekhavaggo), kinh Học giới (sikkhāsuttaṃ)

[18]- Nên lưu ý: Quý chứ không phải úy – Ns.

[19] Đại trưởng lão Tịnh Sự (d) - Bộ Pháp tụ (dhammasaṅgini) (1990), Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 31.

[20]- Vsm II, Chương XIV: Khandhaniddeso (mô tả Uẩn). 466.

[21]- A.i, 244; Pháp ba chi. HT. Thích Minh Châu (d), Phẩm hạt muối, kinh Con ngựa thuần thục, tr. 280.

[22]- S.i, 68. HT. Thích Minh Châu (d), chương III, Tương Ưng Kosala, kinh tuổi trẻ (daharasuttaṃ) (1982), Đại Học Vạn hạnh, tr.84.

[23]- A.i,47, pháp 2 chi. HT. Thích Minh Châu (d), chương I, phẩm hình phạt, kinh Hai loại tội (vajjasuttaṃ) (1987), Trường Cao cáp Phật Học Việt nam Cơ sở II, tr.61.

[24]- Atts. Giải thích mô tả xoay quanh thiện Dục giới (kāmāvacarakusalaṃ niddesavārakathā).

[25]- A.iv, 438, pháp 9 chi. HT. Thích Minh Châu (d), Chương IV: Đại Phẩm (Mahāvagga) – kinh Tapussa (Tapussasuttaṃ), (1988), Trường Cao cấp Phật Học Việt Nam Cơ sở II, tr. 274.

[26]- DhpA, kệ ngôn số 35.

[27]- Xem A.ii, 121, Pháp bốn chi; Chương XIII- Phẩm Sợ hãi (bhayavaggo).

[28]- A.i, 47, pháp 2 chi. HT. Thích Minh Châu (d), kinh Pháp trắng (sukkasuttaṃ) (1987), trường Cao cấp Phật Học Việt Nam Cơ sở II, tr.64.

[29]- A.v, 135. Pháp 10 chi. Kinh Pháp khả lạc (Iṭṭhadhammasuttaṃ).

[30]- A.iv, 99. Pháp 7 chi. HT. Thích Minh Châu (d), kinh Tàm và quý (hiri-ottappasuttaṃ) (1988), Trường Cao cấp Phật học Việt Nam Cơ sở II, tr.521.

[31]- Xem A. iv, 106; Pháp bảy chi, Chương 7 - Đại Phẩm (mahāvaggo). Kinh Thành trì.

[32] Xem M.i, kinh số 39 ; kinh Đại Xóm ngựa (Mahāssapurasuttaṃ).

[33]- A.iv, 353. tr. 188.

[34]-A.iv, 28, pháp 7 chi. HT. Thích Minh Châu (d), chương IV: Phẩm chư thiên (devatāvaggo), kinh Xấu hổ (Hirīgāravasuttaṃ) (1988), trường Cao cấp Phật Học Việt Nam Cơ sở II, tr.463.

[35]- A.i, 8. Pháp một chi.

[36]- Tâm quả hữu nhân Dục giới làm 4 việc: Tục sinh, hữu phần, tử và Nacảnh. Tâm quả thiền Sắc giới và tâm quả thiền Vô s8ác giới làm ba việc: Tục sinh, hữu phần và tử. Tâm quả Siêu thế chỉ làm một việc là "đổng lực"- Ns.

[37]- Okkamana. Bản sớ giải giải thích là 5 triền cái – MA.i,101.

[38]- M.i, kinh số 3. HT. Thích Minh Châu (d), kinh Pháp tự (dhammadāyādasutta) (1973), Đại Học Vạn Hạnh, tr.14.

[39]- Xem A.iii, 53.

[40]- Xem A.iv, 4-5.

[41]- A.i, 201, Pháp ba chi. HT. Thích Minh Châu (d); chương VII, phẩm lớn (Mahāvagga), kinh Các căn bản bất thiện (akusalamūlasuttaṃ) (1987). Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở II, tr. 231.

[42]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (d); Bộ Pháp tụ (dhammasaṅgini) (1990), Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 31.

[43]- Vsm. II, Chương XIV: Mô tả các uẩn (khandhaniddesa), 467 

[44]- Samṅgī nghĩa đen là "ban cho, phú cho".

[45]- A.i, 47. Pháp 2 chi. HT. Thích Minh Châu (d), kinh Kiết sử (saṃyojanasuttaṃ).

[46]- DhpA. kệ ngôn số 254.

[47]- M.iii, kinh số 131. Nhất dạ hiền giả ( Bhaddekarattasuttaṃ),

[48]- Dhp. Câu 348 . HT. Thích Minh Châu (d).

[49]- S.ii, 115. Kinh Kosambi.

[50]- Xem Tâm Vấn Đáp – TK. Chánh Minh biên soạn.

[51]- Dhp, kệ ngôn số 91. HT. Thích minh Châu (d); kinh Pháp cú (1982). Đại học Vạn hạnh, tr. 307.

[52]- Chánh Minh , Tâm vấn đáp.

[53]- M.i, kinh Ví dụ con rắn (Alaggadūpamasuttaṃ).

[54]- M.iii, kinh số ; Tiểu nghiệp phân biệt kinh (Cūlakammavibhaṅgasuttaṃ).

[55]- Xem A.iii, 35.

[56]- Dhp, kệ ngôn số 251. HT. Thích Minh Châu (d).

[57]- Dhp, câu 76. Đức Nārada soạn; ông Phạm Kim Khánh dịch.

[58] - Là phóng dật – Ns.

[59] -A.i, 281; pháp 3 chi. HT. Thích Minh Châu (d), chương XIII, phẩm Kusināra, kinh Anuruddha II (1987), Trường cao cấp Phật Học Việt nam, Cơ sở II, tr.325.

[60]- Dhp, kệ ngôn số 215. HT. Thích Minh Châu (d).

[61]- Dhp, kệ ngôn số 198. Ông Phạm Kinh Khánh (dịch).

[62]- Dhp, kệ ngôn số 287. HT. Thích Minh Châu (d).

[63]- Dhp, kệ ngôn số 355. HT. Thích Minh Châu (d).

[64]- Dhp, kệ ngôn số 345 – 346. HT. Thích Minh Châu (d).

[65]- Thiên chấp là “nắm giữ một bên”, “nghiêng về một bên” – Ns.

[66]- A.i, 61, pháp 2 chi. HT. Thích Minh Châu (d), chương IV, phẩm Tâm thăng bằng (samacittavaggo), kinh đất (bhūmisuttaṃ) (1987), Trường cao cấp Phật Học Việt nam, Cơ sở II, tr.80.

[67]- Dhp, kệ ngôn số 356. HT. Thích Minh Châu (d).

[68]- Mada còn có ý nghĩa l à “say mê, đắm nhiễm”. –Ns.

[69] - Jātimada cũng được hiểu là: kiêu mạn do dòng dõi (Ns).

[70]-A.i, 146. pháp 3 chi. HT. Thích Minh Châu (d), chương IV, phẩm sứ giả của trời (Devadūtavaggo), kinh kiêu mạn (madasutaṃ), ( (1987), Trường cao cấp Phật Học Việt nam, Cơ sở II, tr.163.

[71]- Đức Nārada (soạn); ông Phạm Kim Khánh dịch; Vi Diệu Pháp Toát Yếu (kn), tr. 26.

[72]- M.i, số 21; kakacūpamasutta (kinh ví dụ cái cưa).

[73]- A. i, 86. Pháp 2 chi, chương XI, phẩm các hy vọng (asa). HT. Thích Minh Châu (d), Trường cao cấp Phật Học Việt nam, Cơ sở II, tr. 101.

[74]-S.i, 200.

[75]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (d), Bộ pháp tụ, chương Tâm sanh – 48 (1990), Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 31.

[76] - Chữ vinaya ngoài ý nghĩa là “luật, quy tắc”, còn có nghĩa là “dời đi”.

[77] - Saṃyojana : Giây trói buột.

[78]- A.i, 47. Pháp hai chi, chương II, phẩm Hình phạt (kammakaraṇavaggo), kinh Giây trói buột (saṃyojanasuttaṃ), tr. 63.

[79]- M.i, kinh số 22; kinh Ví dụ con rắn (Alaggadūpamasuttaṃ).

[80]- JA. truyện số 258.

[81]- M.i, Kinh Tiểu khổ uẩn, tr. 92

[82]- Dhp, kệ ngôn số 222.

[83]- Dhp, kệ ngôn số 224.

[84]- Dhp, kệ ngôn số 3- 4 . Ô. Phạm Kim Khánh dịch.

[85]- Dhp, kệ ngôn số 157 - Phạm Kim Khánh dịch.

[86]- Dhp, kệ ngôn số 129 – HT. Thích Minh Châu dịch.

[87]- Avera là “không thù nghịch”, “không phẫn nộ”.

[88]- Dhp, câu số 5. HT. Thích Minh Châu (d).

[89]- Dhp, câu 223. Ông Phạm Kim Khánh (d).

[90]- S.ii, 263, chương XI, Tương ưng thí dụ (Opammasaṃyuttaṃ), kinh Gia đình (kulasuttaṃ). HT. Thích Minh Châu (d), (1982), Đại Học Vạn Hạnh, tr. 304.

[91]- Dhp, kệ ngôn số 129.

[92]- A.iii, 185. Pháp 5 chi, Phẩm hiềm hận (āghātavaggo), kinh Trừ khử hiềm hận thứ 1 ( Pathama- āghātapaṭivinayasuttaṃ)

[93]- A.iii, 186. Pháp 5 chi. Phẩm hiềm hận (āghātavaggo); kinh Trừ khử hiềm hận số 2 (Dutiya-āghātapaṭivinayasuttaṃ)

[94]- Atthasālinī (Chú giải bộ Pháp Tụ), Luận đề Phạm trú (Brahmavihārakathā).

[95]- A. v, 342 - Pháp 11 chi. Phẩm Tùy niệm (Anussativaggo); kinh Tâm Từ (mettāsuttaṃ).

[96]- Xem; Thích Nữ Trí Hải (d), Thanh Tịnh Đạo II, chương IX (2001), nxb Tôn Giáo.

[97]- Đức Nārada. Ông Phạm Kim Khánh (d), Vi diệu pháp toát yếu, tr.138.

[98]- Vsm; chương IX: Mô tả Phạm trú (brahmavihāra – niddesa).

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | Phần I | Phần II | Thư mục Vi Diệu Pháp


Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006