BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Quan điểm về Nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy

Thích Hạnh Bình


 

 MỤC LỤC

[01] TINH THẦN VÀ MỤC ÐÍCH GIÁO DỤC CỦA ÐỨC PHẬT

[02] QUAN ÐIỂM NGHIỆP TRONG A HÀM HAY TRONG NIKÀYA

A. Nội dung và ý nghĩa "Kinh Tiểu nghiệp phân biệt"
B. Nội dung và ý nghĩa "Kinh Đại nghiệp phân biệt"

[03] SỰ DỊ BIỆT GIỮA QUAN ÐIỂM NGHIỆP CỦA KỲ NA GIÁO VÀ PHẬT GIÁO 

[04] NGHIỆP VÀ VÔ NGÃ  

[05] GIÁ TRỊ HỌC THUYẾT NGHIỆP ÐỐI VỚI CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI 

-ooOoo-

Nghiệp (Karma) là một đề tài nghiên cứu lớn của các nhà triết học và tôn giáo, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Nó luôn luôn là đề tài thảo luận sôi nổi của con người, con người từ đâu sinh ra và sẽõ đi về đâu sau cuộc sống này, là câu hỏi muôn thuở và sẽ mãi mãi về sau. Ðể lý giải vấn đề này, các nhà triết học, các nhà tôn giáo đã nổ lực không ngừng để đi tìm câu trả lời, nhưng kết quả lời giải không cùng chung một đáp số, nguyên nhân là mỗi tôn giáo, mỗi triết học đứng từ nhiều góc độ khác nhau trong xã hội, điều đó đã dẫn đến những quan điểm không giống nhau trong cùng một đề tài thảo luận. Thế thì, câu hỏi: Trong những cách lý giải ấy, lời giải đáp nào đúng, lời giải đáp nào sai được đặt ra, và ai là người đủ tư cách thẩm định vấn đề này? Chắc chắn sẽ không có lời giải đáp, nhưng mỗi người trong chúng ta có đầy đủ tư cách để xem xét và lựa chọn chúng, trên nguyên tắc biết tôn trọng sự thật, có nghĩa là cái gì thật sự mang lại bình an và lợi ích cho chính bản thân mình và xã hội, thì cái ấy được gọi là cái đúng, và nó phải được tôn trọng và xiển dương, cho dù cái ấy núp dưới hình thức hay danh hiệu nào.  

Ðạo Phật xuất hiện ở Ấn Ðộ là một đất nước vây phủ bởi truyền thống văn hóa Bà la môn, mang nặng màu sắc tín ngưỡng và thần thoại, thế nhưng tư tưởng và nhân cách của đức Phật lại đi ngược lại truyền thông văn hóa ấy, phủ nhận những tập tục tế tự vô ích, những tín ngưỡng phi lý, đề cao vai trò trí tuệ và trách nhiệm cá nhân, đức Phật tự xác định mình sinh ra và lớn lên là một con người, và cũng chỉ có con người mới có thể thành Phật. Cho đến nay, đạo Phật gần như đã có mặt khắp trên thế giới. Giáo lý mà đức Phật nói ra được những đệ tử của Ngài không ngừng truyền bá và phát triển. Sự truyền bá giáo lý đức Phật là một nhu cầu cần thiết cho sự lớn mạnh của Phật giáo, tuy nhiên mặt trái của vấn đề, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng, qua chặng  đường phát triển của nó, đạo Phật không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng các hệ tư tưởng ngoại lai, ngay cả những tập tục tín ngưỡng mê tín của dân gian cũng được tồn tại trong Phật giáo, đây là điểm người học Phật cần lưu ý. Một điểm khác nữa, sau khi đức Phật nhập diệt vào khoảng 100 năm, thời gian và không gian đổi thay, do vậy, cách lý giải lời Phật dạy cũng tùy theo đó có sự đổi khác, cuối cùng tự thân Phật giáo hình thành 18 bộ phái. Cũng  thế, nghiệp mà đã được trình bày trước đây, trong kinh A hàm các bộ phái lý giải cũng không đồng nhất, nhưng cho dù lý giải như thế nào đi nữa, điểm chung nhất của các phái đề cập đến nghiệp là sự giải thích mối quan hệ giữa nhân và quả, đề cao trách nhiệm cá nhân và tinh thần bình đẳng và độc lập, là điều kiện cơ bản để xây dựng đời sống có đạo đức. Do vậy, người ý thức về nghiệp lực là người có tinh thần trách nhiệm đối với cá nhân và tập thể, là yếu tố cơ bản để ngăn chận những hành vi phi pháp. Như vậy học thuyết nghiệp của Phật giáo có yếu tố tích cực để xây dựng một nếp sống có đạo đức, giúp con người có cuộc sống bình an, xây dựng một gia đình hạnh phúc và một xã hội trật tự.  

Bài phát biểu này, người viết chỉ giới hạn thảo luận trong phạm vi: Nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy. Trước khi tìm hiểu học thuyết nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta cần xác định tinh thần và mục đích giáo dục của đức Phật, nó sẽ là định hướng cho sự hình thành toàn bộ giáo lý của Ngài, nghiệp cũng được xây dựng trên tinh thần đó. Kế đến,chúng ta y cứ hai bài kinh "Tiểu nghiệp phân biệt kinh" và "Ðại nghiệp phân biệt kinh" trong "Trung bộ kinh" thuộc kinh tạng Pàli, hoặc "Kinh Oanh vũ" và "Kinh Ðại nghiệp phân biệt" trong "Trung A hàm" để tìm hiểu ý nghĩa về Nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy. Sau đó chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ "phi ngã" và "vô ngã" mà người Hoa sử dụng, trong hai khái niệm này, từ nào mang ý nghĩa phù hợp với tư tưởng của đức Phật trong lúc Ngài phản bác tư tưởng Àtman. Ðồng thời chúng ta cũng cần phân định sự dị biệt về quan điểm nghiệp giữa Kỳ-na giáo và Phật giáo; và cuối cùng là giá trị của học thuyết nghiệp đối với cuộc sống của con người. Trong bài viết này, tài liệu được sử dụng là kinh A hàm (Àgama) thuộc Hán tạng của Bắc truyền và kinh điển Nikàya thuộc Nam truyền.

Thích Hạnh Bình

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Source: Quảng Đức, https://www.quangduc.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 19-09-2002