BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Lời Vàng Bậc Thánh
Sớ giải Trưởng Lão Tăng Kệ -
Tập 1

Bhikkhu Kusalapuñño
(Tỳ khưu Thiện Phúc)


  

[03]

21- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SABHIYA
SABHIYATHERAGĀTHĀ

Được biết trưởng lão Sabhiya nói lên bài kệ rằng:

"Người khác không hiểu biết
Với sự tranh luận này
Chúng ta sẽ tan rã
Bậc trí khi hiểu biết
Ta đến gần Tử thần
Thì mọi sự tranh luận
Sẽ đi đến tịnh chỉ
Những ai không hiểu pháp
Tranh luận không thể dứt
Với những ai hiểu pháp
Giữa những người nhiệt não
Họ sẽ không nhiệt não
Tranh luận cũng không có
Ai sở hành phóng đãng
Giới luật bị uế nhiễm
Phạm hạnh đáng nghi ngờ
Sẽ không được quả lớn
Người nào không tôn kính
Các vị đồng phạm hạnh
Người ấy xa diệu pháp
Như trời xa mặt đất".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kakusandha, trưởng lão Sabhiya tái sanh trong một gia đình bàlamôn. Một hôm, Ngài đang đi trên đường nhìn thấy Đức Thế Tôn Kakusandha bước từ tốn hướng đến cánh rừng phía trước, Ngài phát tâm trong sạch, cởi đôi dép dâng Đức Thế Tôn.

Do thiện nghiệp ấy, sau khi mạng chung vị bàlamôn này được tái sanh lên thiên giới, luân chuyển giữa cõi trời và cõi người. Đến gần cuối thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, Ngài tái sanh vào một gia đình giàu có, khi trưởng thành kinh cảm trước sự nhiễu loạn của xã hội và nhìn thấy hiểm hoạ diệt vong của loài người, Ngài từ bỏ đời sống thế tục, xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa, rồi cùng với sáu vị đồng phạm hạnh, làm một chiếc thang leo lên một triền núi, quyết định nỗ lực tu tập tại đó cho đến khi mạng chung, bảy vị sau khi tìm được nơi thích hợp, cùng nhau xô thang xuống. Như trình bày trong câu chuyện của trưởng lão Dabba.

Trưởng lão Sabhiya là một trong năm vị tỳ khưu không chứng Thánh quả, nhưng nhờ sự nỗ lực tu tập và phạm hạnh trong sạch, sau khi mạng chung được sanh lên thiên giới. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn hiện tại, vị trưởng lão này tái sanh vào thai bào của một nữ du sĩ.

Tương truyền rằng: nữ du sĩ này là một quận chúa của hoàng tộc xứ Majjhantika, sau khi nàng trưởng thành, cha mẹ giao nàng cho một vị du sĩ để nàng học hỏi giáo lý và nếp sống của bậc xuất gia. Nhưng vị du sĩ này phạm tà hạnh với nàng, nàng mang thai với vị du sĩ, thấy nàng có mang, y liền rời bỏ nàng, nàng đơn độc một mình lánh sang xứ khác sanh con tại một hội quán bên vệ đường, do nhân đó đứa bé mới được đặt tên là Sabhiya.

Sabhiya sau khi lớn lên cũng xuất gia làm du sĩ, học hỏi nhiều kệ ngôn, trở thành một nhà lý luận sắc bén, không ai sánh nổi, Ngài dựng lên một am thất gần cổng thành, dạy học cho các con cháu, hoàng tộc. Vị du sĩ này thọ trì 20 câu hỏi, từ nơi vị phạm thiên, tiền thân là mẹ của Ngài, do bà chán ghét tấm thân nữ giới nên tinh cần tu tập đạt được thiền chứng, sanh lên cõi phạm thiên, vị phạm thiên này sáng tác những câu pháp ấy và xuống truyền dạy cho con mình. Vị du sĩ, đem các câu hỏi ấy cật vấn các samôn bàlamôn, không một ai giải đáp được những câu hỏi của Sabhiya (trong chú giải kinh Sabhiya – Atthakathasabhiyasutta – nói rằng các câu hỏi này do vị phạm thiên cõi tịnh cư đặt ra).

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển, Ngài tuần tự du hành đến thành Rājagaha, ngự tại Veḷuvanavihāra (Trúc lâm tịnh xá). Du sĩ Sabhiya hay tin Đức Thế Tôn du hành đến thành Rājagaha và đang ngự tại Veḷuvana liền đi đến tịnh xá, vào yết kiến Đức Thế tôn và nêu lên các câu hỏi ấy. Đức Thế Tôn tuần tự giải đáp như vậy, khiến cho niềm tin trong sạch và lòng hoan hỷ của chàng du sĩ Sabhiya này càng tăng lên và khi Đức Thế Tôn giải đáp vừa dứt 20 câu hỏi ấy, chàng du sĩ liền đến phủ phục dưới chân Thế Tôn xin xuất gia.

Sau khi xuất gia thọ cụ túc giới xong, tôn giả Sabhiya chứng đạt quả Alahán, Ngài nói lên bài kệ trong Apadāna rằng:

"Khi đang đi trên đường
Ta nhìn thấy Thế Tôn
Tên Kakusandha
Ta trong sạch hoan hỷ
Cởi đôi dép của mình
Dâng đến Đức Thế Tôn
Bậc có đại trí tuệ
Phạm hạnh đã viên mãn
Chính do thiện nghiệp đó
Ta không biết khổ cảnh
Và kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi tôn giả trở thành vị Alahán, lúc bấy giờ Devadatta (Đề bà đạt đa) với ác tâm muốn thống lãnh tăng chúng, cố gắng tìm cách chia rẽ tăng chúng, tôn giả Sabhiya khi ban lời giáo giới đến các tỳ khưu theo phe Devadatta (Đề bà đạt đa) bằng bài kệ rằng:

"Người khác không hiểu biết
Với sự tranh luận này
Chúng ta sẽ tan rã
Bậc trí khi hiểu biết
Ta đến gần Tử thần
Thì mọi sự tranh luận
Sẽ đi đến tịnh chỉ
Những ai không hiểu pháp
Tranh luận không thể dứt
Với những ai hiểu pháp
Giữa những người nhiệt não
Họ sẽ không nhiệt não
Tranh luận cũng không có
Ai sở hành phóng đãng
Giới luật bị uế nhiễm
Phạm hạnh đáng nghi ngờ
Sẽ không được quả lớn
Người nào không tôn kính
Các vị đồng phạm hạnh
Người ấy xa diệu pháp
Như trời xa mặt đất".

*

22- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO LAKUṆDAKA
LAKUṆDAKATHERAGĀTHĀ

Được biết trưởng lão Lakuṇḍaka nói lên bài kệ rằng:

"Tỳ khưu Bhaddiya
Trú tại Ambāṭaka
Một nơi thật hữu tình
Bên cạnh một khu rừng
Đã nhổ tận gốc ái
Sống an trú thiền định
Một số người cư sĩ
Ưa thích tiếng trống lớn
Tiếng sáo và trống nhỏ
Còn ta thích gốc cây
Hoan hỷ lời Phật dạy
Nếu Phật ban ân huệ
Ta được ân huệ ấy
Ta trì thân hành niệm
Là pháp nên tu tập
Ai chấp vào thân ta
Và chấp vào tiếng ta
Bị rơi vào tham dục
Chúng không biết được ta
Người ngu vì phiền não
Không biết được phần trong
Và không thấy phần ngoài
Bị tiếng đời lôi cuốn
Dù thấy được phần ngoài
Nhưng không biết bên trong
Cũng trôi theo tiếng đời
Với người không phiền não
Biết rõ cả bên trong
Và thấy rõ bên ngoài
Người ấy sẽ không bị
Tiếng đời lôi cuốn được".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế tôn Padumuttara, trưởng lão tái sanh vào một gia đình bàlamôn trưởng giả, tại thành Haṃsavatī. Một hôm, lúc đến chùa nghe pháp, nhìn thấy Đức Thế Tôn tán dương một vị tỳ khưu có giọng nói êm dịu đệ nhất trong hành tăng chúng, vị bàlamôn này thích được như thế, nên cung thỉnh chư tăng có Đức Phật làm toạ chủ về nhà tạo phước duyên cúng dường rồi quý dưới chân Đức Phật chú nguyện rằng:

- Kính bạch Thế Tôn, do phước báu mà con đã trong sạch cúng dường, xin cho con trở thành vị tỳ khưu đệ nhất về giọng nói êm dịu trong thời giáo pháp của Đức Phật vị lai như vị tỳ khưu kia vậy.

Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán xét, thấy nguyện vọng của bàlamôn này sẽ được thành tựu nên Ngài phúc chúc đến vị ấy rồi cùng chư tăng trở về tịnh xá.

Vị bàlamôn từ đó tích cực làm các thiện sự, khi mạng chung được tái sanh về thiên giới, luân chuyển giữa cõi người và cõi trời. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Phussa, Ngài tái sanh làm chim tu hú, có bộ lông cánh tuyệt đẹp. Một hôm, chim tu hú bay vào vườn thượng uyển, nhằm mùa xoài nó tìm được một trái xoài chín ngậm tha đi, trong khi đang bay nhìn thấy Đức Thế Tôn, nó phát tâm hoan hỷ có ý dâng trái xoài đến Ngài. Đức Phật biết được tâm ý của chim tu hú, Ngài tìm một nơi phải lẽ ngồi xuống ôm bình bát, chim tu hú đặt trái xoài chín vào bát của Đức Phật, Đức Phật dùng trái xoài chín, chim tu hú nhìn thấy Đức Phật thọ dụng trái xoài được dâng cúng, tâm nó tràn ngập niềm hoan hỷ suốt một tuần lễ, nó sống trong trạng thái phỉ lạc thoả thích và do thiện nghiệp ấy nên nó có tiếng hót rất êm tai. Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, chim tu hú tái sanh làm vị tướng quân, khi Đức Thế Tôn níp bàn mọi người hợp lại bàn tính với nhau về kích thước của bảo tháp tôn thờ Xá Lợi, có người đề nghị xây dựng bảo tháp cao bảy do tuần, vị tướng quân này cho rằng bảy do tuần lớn quá, có người đề nghị sáu do tuần, vị tướng quân này cũng lên tiếng rằng: "Như vậy lớn quá". Khi có người nghị năm do tuần, bốn do tuần, ba do tuần, hai do tuần, cuối cùng chiều cao bảo tháp chỉ còn một do tuần. Do nghiệp đó nên vị tướng quân trong mỗi kiếp tái sanh đều có tầm vóc thấp hơn những người khác.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, vị tướng quân sanh vào một gia đình đại trưởng giả tại thành Sāvatthī có tên là Bhaddiya, nhưng vì có vóc dáng thấp nên có tên là Lakuṇḍakabhaddiya. Do duyên lành quá khứ chín muồi, nên Lakuṇḍakabhaddiya đi đến tịnh xá nghe pháp, sau khi thính pháp từ nơi Thế Tôn, Bhaddiya khởi dậy niềm tin, xin xuất gia. Thời gian sau, tỳ khưu Bhaddiya trở thành bậc đa văn, là vị pháp sư thuyết pháp với âm giọng rất êm dịu. Một hôm, nhân ngày lễ hội có một nữ nhân cùng đi trên xe với vị bàlamôn, nhìn thấy trưởng lão Bhaddiya với hình tướng thấp, nàng bật cười đến hở răng. Trưởng lão lấy hàm răng của nàng làm đề mục, tu tiến cho thiền chứng phát sanh, rồi lấy thiền chứng làm nền tảng phát triển thiền quán, chứng quả Bất Lai. Từ đó trưởng lão vẫn luôn an trú với đề mục thân hành niệm. Một hôm, trong dịp ngồi nghe vị Tướng quân chánh pháp ban lời giáo huấn, trưởng lão Bhaddiya đã chứng đạt quả Alahán. Như trưởng lão nói bài kệ trong Apadāna rằng:

"Kể từ hiền kiếp này
Đến một trăm nghìn kiếp
Đức Thế Tôn hồng danh
Padumuttara
Bậc giác ngộ các pháp
Bậc dẫn dắt cho đời
Sanh lên trong thế gian
Lúc ấy ta tái sanh
Làm con vị trưởng giả
Với tài sản to lớn
Trong thành Haṃsavatī
Một hôm, ta đi đến
Trú xứ của chư tăng
Bậc thắp sáng thế gian
Trong lúc Ngài thuyết pháp
Tán dương một tỳ khưu
Đệ nhất tiếng êm dịu
Sau khi nghe như thế
Ta cảm thấy hoan hỷ
Muốn được vị trí đó
Nên ta đã cung thỉnh
Đức Phật cùng chư tăng
Về làm phước cúng dường
Sau khi cúng dường xong
Ta tiến đến Thế Tôn
Đảnh lễ dưới chân Ngài
Chú nguyện vị trí ấy
Bấy giờ, Đức Thế tôn
Bậc dẫn dắt cao thượng
Phán giữa chư tăng rằng
Đến kiếp 100.000
Có bậc Chánh Đẳng Giác
Hồng danh Gotama
Sanh lên trong thế gian
Khi ấy trưởng giả này
Sẽ là người thừa tự
Giáo pháp của Thế Tôn
Sẽ là vị đệ tử
Có tên Bhaddiya
Rồi sau khi mạng chung
Ta sanh lên Đạo Lợi
Trong kiếp thứ 92
Kể từ hiền kiếp này
Đức Thế Tôn Phussa
Bậc đạo sư tam giới
Cao thượng hơn mọi loài
Sanh lên trong thế gian
Bậc tìm cầu lợi ích
Ban hạnh phúc cho đời
Bấy giờ ta tái sanh
Làm loài chim tu hú
Ta trú nơi cây xoài
Gần hương thất của Ngài
Một hôm, ta nhìn thấy
Bậc chiến thắng ma vương
Bậc Ứng Cúng cao thượng
Đang ngự đi khất thực
Khiến tâm ta hoan hỷ
Hót lên tiếng dịu êm
Rồi bay đến khu vườn
Ngậm trái xoài chín mọng
Màu vỏ như vàng ròng
Mang đến dâng Đức Phật
Lúc ấy, bậc chiến thắng
Đầy đủ lòng bi mẫn
Biết tâm ý của ta
Ngài nhận lại bình bát
Từ tay vị thị giả
Ta vô cùng thoả thích
Dâng trái xoài đến Ngài
Ta đặt vào trong bát
Rồi bay lên cành cây
Cất tiếng hót du dương
Êm tai và khả hỷ
Để cúng dường Đức Phật
Rồi bay trở về tổ
Bấy giờ, con diều hâu
Ác tâm chộp lấy ta
Trong lúc ta thoả thích
Với hình ảnh Đức Phật
Sau khi ta mạng chung
Sanh lên cõi Đâu xuất
Đến thời kỳ giáo pháp
Thế Tôn Kassapa
Thuộc dòng dõi phạm thiên
Bậc có đại uy danh
Sanh lên trong thế gian
Đem ánh sáng chánh pháp
Phủ trùm các ngoại đạo
Dẫn dắt loài hữu tình
Đạt đến bờ giác ngộ
Sau khi Ngài níp bàn
Những cư sĩ tín thành
Cũng nhau vân tập lại
Dự tính xây bảo tháp
Tôn thờ Xá lợi Phật
Họ bàn tính nhau rằng
Sẽ cùng nhau kiến tạo
Bảo tháp bậc Đại sĩ
Cao khoảng bảy do tuần
Trang hoàng bằng bảy báu
Bấy giờ ta được làm
Tướng quân vua Kāsī
Có tên là Kīkī
Đã nói lời hạ giảm
Kích thước của bảo tháp
Mọi người đã ưng thuận
Làm theo ý của ta
Xây dựng ngôi Bảo tháp
Cao được một do tuần
Trang hoàng các báu vật
Chính do thiện nghiệp đó
Cùng với sự tác ý
Sau khi ta mạng chung
Được sanh lên Đạo lợi
Cho đến kiếp cuối cùng
Ta sanh trong gia đình
Trưởng giả, tài sản lớn
Tại thành Sāvatthī
Ta nhìn thấy Thế Tôn
Đang ngự đi vào thành
Và ta đã nghe pháp
Từ nơi Bậc Đạo sư
Ta tịnh tín xuất gia
Không lâu, được chứng quả
Alahán, vô lậu
Do nghiệp làm hạ giảm
Kích thước của bảo tháp
Nên vóc dáng của ta
Thấp bé, bị khinh thường
Ta đã cúng dường Phật
Tiếng hót nghe êm dịu
Nên ta được trở thành
Đệ nhất tiếng êm dịu
Do việc cúng dường xoài
Và niệm ân đức Phật
Nên ta được tái sanh
Đầy đủ sa môn quả
Ta không còn lậu hoặc
Phiền não được thiêu đốt...
Lời Phật dạy làm xong.

Về sau, khi xác chứng Alahán quả của mình, trưởng lão nói lên ba bài kệ rằng:

"Tỳ khưu Bhaddiya
Trú tại Ambāṭaka
Một nơi thật hữu tình
Bên cạnh một khu rừng.
Đã nhổ tận gốc ái
Sống an trú thiền định

Một số người cư sĩ
Ưa thích tiếng trống lớn
Tiếng sáo và trống nhỏ
Còn ta thích gốc cây
Hoan hỷ lời Phật dạy

Nếu Phật ban ân huệ
Ta được ân huệ ấy
Ta trì thân hành niệm
Là pháp nên tu tập"

*

23- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SUBHUTA|
SUBHUTATHERAGĀTHĀ

Được biết trưởng lão Subhūta nói lên bài kệ rằng:

"Khi muốn làm công việc
Với công việc không hợp
Nhưng vẫn cứ cố làm
Sẽ không có quả tốt
Bởi việc không hợp ấy
Không có chơn tướng thiện".

"Người nào chưa bứng được
Gốc rễ của đau khổ
Lại từ bỏ một pháp
Người ấy như kẻ hèn
Nếu từ bỏ các pháp
Người ấy như kẻ mù
Vì không thấy được pháp
An tịnh, không an tịnh".

"Khi làm như thế nào
Hãy nói như thế ấy
Điều không làm, không nói
Bậc hiền trí hiểu biết
Người chỉ nói, không làm".

"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại không hương
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm, không kết quả
Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc và có hương
Cũng vậy lời khéo nói
Kết quả đến người làm".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, vị trưởng lão này tái sanh trong một gia đình tộc trưởng danh tiếng tại thành Bārāṇasī.

Một hôm, do lòng hiếu kỳ, chàng tháp tùng cùng các cư sĩ Phật tử đến chùa nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, dứt thời pháp, chàng phát tâm tịnh tín, quy y tam bảo và trở thành người Phật tử nhiệt thành nơi tam bảo.

Khi hương thất của Đức Thế Tôn Kassapa được xây dựng, chàng tộc trưởng cho thoa phết hương thất của Ngài với bốn loại bột thơm như bột chiên đàn đỏ, bột trầm hương... Và cứ thoa phết như thế mỗi tháng tám lần.

Do thiện nghiệp đó, trong mỗi kiếp sanh ra thân thể chàng luôn toả mùi thơm, đến thời giáo pháp Đức Thế Tôn của chúng ta, chàng sanh vào một gia đình tộc trưởng tại xứ Magadha có tên là Subhūta.

Khi trưởng thành, thanh niên Subhūta không thích sự ràng buộc gia đình, thích đời sống phóng khoáng tự tại nên xuất gia làm du sĩ, sau một thời gian sống đời sống du sĩ, chàng không tìm thấy được sự huyền diệu nào cả. Chàng được biết rằng có nhiều samôn, bàlamôn như Upatissa (Xá Lợi Phất), Kolita (Mục Kiền Liên), Sela... sau khi xuất gia trong giáo pháp của samôn Gotama, những người này đạt được sự tịnh lạc trong giáo pháp ấy.

Chàng du sĩ khởi lòng tin xin xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, xuất gia xong tôn giả Subhūta thực hành đầy đủ các bổn phận của mình đối với thầy giáo thọ và thầy tế độ. Sau khi đã làm cho các vị ấy hoan hỷ, tôn giả học một đề tài thiền quán, rồi tìm một trú xứ thanh vắng sống viễn ly, nhiệt tâm tinh cần tu tập, không bao lâu tôn giả Subhūta chứng quả Alahán, tôn giả nói lên bài kệ trong Apadāna rằng:

"Bấy giờ, Đức Thế Tôn
Hồng danh Kassapa
Thuộc dòng dõi Phạm thiên
Bậc có đại uy đức
Cao thượng hơn muôn loài
Sanh lên trong thế gian
Đầy đủ với tướng phụ
Cùng các đại nhân tướng
Có hào quang bao phủ
Khiến muôn loài hoan hỷ
Ví như mặt trăng rằm
Chiếu sáng như mặt trời
Làm mát mẻ như mưa
Là nguồn sanh phước đức
Ví như là biển cả
Có giới như mặt đất
Định như Hy mã sơn
Có tuệ như hư không
Không vướng mắc như gió
Bấy giờ, ta tái sanh
Trong một dòng tộc lớn
Có tài sản sung túc
Nơi tích trữ báu vật
Tại thành Bārāṇasī
Ta đến yết kiến Phật
Bậc dẫn dắt thế gian
Đang ngồi giữa đại chúng
Ta nghe pháp bất tử
Khiến nội tâm hân hoan
Bậc Chánh Đẳng Giác ấy
Có tâm đầy bi mẫn
Ân đức như đại dương
Ngài là chỗ nương tựa
Của các loài hữu tình
Ví như quả địa cầu
Là ẩn sĩ tối thượng
Thế gian không thấm nhiễm
Như sen không thấm nước
Ngài như vị lương y
Tẩy trừ độc phiền não
Trang điểm bằng giới đức
Như núi Gandhamādana
Ngài chiến thắng ác ma
Và đội quân của chúng
Như chiến sĩ vĩ đại
Với chiến thắng đặc thù
Ngài thắp sáng thế gian
Được nhân thiên tôn kính
Như mặt trời chiếu sáng
Cho tất cả muôn loài
Ngài thuyết pháp đoạn đầu
Đến các hội chúng rằng
Người sẽ được tài sản
Do cần lao làm việc
Sẽ đi đến nhàn cảnh
Do gìn giữ giới hạnh
Sẽ dập tắt phiền não
Do nhiệt tâm tu tập
Hội chúng nghe pháp ấy
Phát sanh sự hân hoan
Toàn hảo ở đoạn đầu
Đoạn giữa và đoạn cuối
Chỉ một vị duy nhất
Đó là vị bất tử
Sau khi ta nghe pháp
Toàn hảo và khéo thuyết
Ta phát tâm tịnh tín
Trong giáo pháp của Ngài
Xin quy ngưỡng tam bảo
Cho đến trọn cuộc đời
Sau đó ta đã lấy
Cả bốn loại vật thơm
Thoa phết lên hương thất
Của bậc đại ẩn sĩ
Với mỗi tháng tám lần
Và chú nguyện cho thân
Luôn luôn có mùi thơm
Lúc ấy Đức Thế Tôn
Nhìn thấu cả vị lai
Ngài tuyên bố lời rằng
Người nào lấy vật thơm
Thoa phết lên hương thất
Do quả của nghiệp ấy
Trong mỗi kiếp tái sanh
Thân luôn có mùi thơm
Người ấy sẽ tăng trưởng
Với hương của đức hạnh
Đạt vô lậu níp bàn
Và do thiện nghiệp ấy
Ta sau khi mạng chung
Được sanh về Đạo Lợi
Đến kiếp cuối cùng này
Ta sanh trong gia đình
Có tài sản sung túc
Khi ta còn trong thai
Mẹ luôn có mùi thơm
Khi ta rời thai bào
Cả thành Sāvatthī
Ngào ngạt với hương thơm
Ví như xông mùi thơm
Lúc ấy có mưa hoa
Từ cõi trời rơi xuống
Với mùi thơm đặc biệt
Lan toả khắp mọi nơi
Ta sanh tại nhà nào
Tại nhà ấy, chư thiên
Rải hương hoa vật thơm
Với mùi thơm thù diệu
Khi duyên lành chín muồi
Bậc Điều ngự trượng phu
Đến thành Savatthī
Cùng đại chúng tỳ khưu
Ta thấy uy đức Ngài
Ta hoan hỷ xuất gia
Ta tu tập bốn pháp
Giới, Định, Tuệ, giải thoát
Các lậu hoặc đoạn tận
Trong lúc ta xuất gia
Trong lúc được chứng quả
Và lúc sắp níp bàn
Có mưa thơm rơi xuống
Hương thơm từ thân ta
Lấp áp hương chiên đàn
Hoàng lan cùng hoa sen
Khi ta đến chỗ nào
Các hương ấy thua kém
Nay là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán nhớ lại sự đau khổ lúc tu khổ hạnh và sự an lạc từ thiền định trong giáo pháp của bậc Đạo sư và để xác chứng quả vị Alahán của mình, trưởng lão nói lên bốn bài kệ rằng:

"Khi muốn làm công việc
Với công việc không hợp
Nhưng vẫn cứ cố làm
Sẽ không có quả tốt
Bởi việc không hợp ấy
Không có chơn tướng thiện".

"Người nào chưa bứng được
Gốc rễ của đau khổ
Lại từ bỏ một pháp
Người ấy như kẻ hèn
Nếu từ bỏ các pháp
Người ấy như kẻ mù
Vì không thấy được pháp
An tịnh, không an tịnh".

"Khi làm như thế nào
Hãy nói như thế ấy
Điều không làm, không nói
Bậc hiền trí hiểu biết
Người chỉ nói, không làm".

"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại không hương
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm, không kết quả

Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc và có hương
Cũng vậy lời khéo nói
Kết quả đến người làm".

*

24- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO GIRIMĀNANDA
GIRIMĀNANDATHERAGĀTHĀ

Được biết trưởng lão Girimānanda nói lên bài kệ rằng:

"Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kín chặt
Ta an tịnh trong thất
Nếu muốn, hãy mưa đi
Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kín chặt
Tâm an tịnh trong thất
Nếu muốn, hãy mưa đi
... ly tham trú trong thất...
... ly sân trú trong thất...
... ly si trú trong thất...
Nếu muốn, hãy mưa đi

Trong thời giáo pháp của Đức Thế tôn Sumedha, trưởng lão sanh vào một gia đình nghèo, phải làm lụng vất vả mới đủ sống. Khi trưởng thành, cha mẹ cưới cho chàng một thôn nữ và sanh cho chàng một đứa con trai, không bao lậu vơ con bị bệnh qua đời. Chàng vô cùng đau khổ, tinh thần khủng hoảng như điên như dại, đi lang thang vào rừng. Đức Thế tôn Sumedha thấy được duyên lành của chàng, Ngài ngự đến chỗ ấy, thuyết pháp nhổ lên mũi tên sầu muộn để tế độ chàng. Chàng như tỉnh cơn mê, khởi lòng tin trong sạch, quỳ đảnh lễ dưới chân Đức Thế tôn, cúng dường hương hoa và tán thán ân đức của Ngài.

Do thiện nghiệp đó, chàng luân chuyển trong cõi trời và cõi người suốt một thời gian dài đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, chàng sanh vào gia đình vị đại thần của vua Bimbisāra (Bình Sa Vương), tại thành Rājagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Girimānanda. Khi Đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Girimānanda nhìn thấy uy nghi của Ngài, khởi niềm tin xin xuất gia. Sau khi xuất gia, tôn giả Girimānanda đi đến một ngôi làng xa kinh thành để hành pháp. Thời gian sau tôn giả trở về kinh thành Rājagaha để yết kiến Đức Thế tôn.

Đức vua Bimbisāra hay tin tôn giả trở về bèn ngự đến vấn an và có lời thỉnh rằng:

- Kính bạch tôn giả! Xin tôn giả hãy ở lại đây an cư mùa hạ, trẫm sẽ hộ độ tứ vật dụng đến tôn giả và dâng Ngài một am thất.

Trưởng lão im lặng nhận lời, Đức vua sau khi biết tôn giả nhận lời, đảnh lễ Ngài rồi cáo từ trở về triều. Khi về triều, Đức vua vì bận rộn nhiều công việc nên quên xây dựng am thất cho tôn giả Girimānanda, tôn giả phải ngụ ngoài trời.

Bấy giờ, đã đến mùa mưa, các vị chư thiên vì thấy tôn giả ở ngoài trời như thế, ngăn không cho mưa, khiến trời khô hạn, dân tình than oán, tới tai vua. Đức vua xem xét duyên cớ, sau khi hiểu được, bèn cho xây dựng am thất dâng tôn giả. Do được trú xứ thích hợp, tôn giả Girimānanda tinh cần phát triển thiền quán và chứng quả Alahán, như trong Apādana tôn giả nói lên bài kệ rằng:

Vợ của ta đã chết
Con ta ngoài mộ địa
Mẹ cha và anh ta
Cùng thiêu chung giàn hoả
Với sự sầu muộn đó
Luôn đốt cháy tâm ta
Thân thể ta tiều tuỵ
Tâm trở thành cuồng động
Ta lang thang vào rừng
Ăn quả rừng đỡ dạ
Thế tôn Sumedha
Bậc đoạn tận đau khổ
Ngài muốn tiếp độ ta
Đã ngự đến chỗ ấy
Nghe tiếng chân Thế Tôn
Bậc tìm cầu cao thượng
Ta ngoái đầu nhìn lại
Bậc đại hùng ngự đến
Ta phát sanh phỉ lạc
Bấy giờ, ta thấy Ngài
Bậc Đạo sư thế gian
Tâm ta hết cuồng động
Ta ức niệm trở lại
Dâng một nắm lá cây
Thế Tôn bèn ngự toạ
Trên những lá cây ấy
Giảng pháp đến ta rằng
Những người đã mất ấy
Không mời họ tự đến
Không cho họ tự đi
Họ tự đến, tự đi
Ngươi sầu bi làm gì
Với sự chết của họ
Như những loài có chân
Khi cơn mưa đổ xuống
Tự tìm nơi trú ẩn
Khi hạt mưa đã dứt
Cũng đi theo ý mình
Cha mẹ ngươi cũng thế
Ngươi sầu bi làm gì
Với sự chết của họ
Ví như người lữ khách
Đến một lúc rồi đi
Cha mẹ người cũng thế
Người sầu bi làm gì
Với sự chết của họ
Như rắn bỏ da cũ
Để được một thân mới
Cha mẹ ngươi cũng thế
Ngươi sầu bi làm gì
Với sự chết của họ
Sau khi nghe Phật thuyết
Mọi sầu muộn của ta
Được bứng lên tất cả
Khiến hân hoan phát sanh
Ta đảnh lễ Thế Tôn
Bậc tối thượng muôn loài
Ta đã cúng dường Ngài
Bậc Mahānāga
Hồng danh Sumedha
Bậc đạo sư thế gian
Sau khi cúng dường xong
Ta chấp tay lên trán
Niệm tưởng ân đức Phật
Rồi tán thán như vầy
Kính bạch Đại ẩn sĩ
Ngài là bậc Toàn Giác
Bậc đạo sư thế gian
Sau khi được giải thoát
Ngài dẫn dắt chúng sanh
Bằng trí tuệ của mình
Kính bạch đại Ẩn sĩ
Ngài đã tự chặt đứt
Tất cả mọi nghi hoặc
Tự làm cho Thánh đạo
Phát sanh bằng trí tuệ
Đã thành tựu ứng cúng
Đã đạt được lục thông
Các thinh văn đoanh vây
Các thinh văn của Ngài
Nổ như những đoá sen
Khi mặt trời vừa mọc
Như đại dương vô lượng
Không có chi sánh bằng
Khó có thể vượt qua
Cũng vậy Đức Thế Tôn
Đầy đủ với trí tuệ
Vô lượng, dường thế ấy
Ta đảnh lễ Thế tôn
Bậc chiến thắng thế gian
Với khắp cả bốn hướng
Rồi ta trở về nhà
Trong các kiếp chuyển sanh
Dù lúc vào thai mẹ
Lúc rời khỏi bụng mẹ
Lúc từ bỏ xuất gia
Ta chánh niệm, biết mình
Là người có tinh cần
Có tuệ, có viễn ly
Ta trú trong tinh cần
Khiến đạo sư hoan hỷ
Ta thoát khỏi phiền não
Như trăng thoát khỏi mây
Ta tìm cầu viễn ly
Tịch tịnh, không sanh y
Các lậu hoặc không còn
Trong kiếp 30.000
Kể từ hiền kiếp này
Với sự cúng dường nào
Chính do thiện sự ấy
Ta không biết khổ cảnh
Nay là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Quả vị Alahán phát sanh cùng lúc với cơn mưa bắt đầu đổ hạt, hoan hỷ với quả chứng của mình và tiếng mưa rơi, trưởng lão nói lên năm bài kệ rằng:

"Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kín chặt
Ta an tịnh trong thất
Nếu muốn, hãy mưa đi
Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kín chặt
Tâm an tịnh trong thất
Nếu muốn, hãy mưa đi
... ly tham trú trong thất...
... ly sân trú trong thất...
... ly si trú trong thất...
Nếu muốn, hãy mưa đi

*

25- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO VAKKALI
VAKKALITHERAGĀTHĀ

Đức Thế Tôn phán hỏi trưởng lão rằng:

"Bị bệnh gió bức bách
Lại sống trong rừng sâu
Dược phẩm tìm khó khăn
Thân thể bị ốm gầy
Tỳ khưu sẽ làm gì?
Trưởng lão Vakkali thưa rằng
"Thân con được tràn ngập
Với hỷ lạc toả rộng
Dầu có bị ốm gầy
Con sẽ sống trong rừng".
"Tu tập bốn niệm xứ
Năm quyền và năm lực
Tu tập bảy giác chi
Con sẽ sống trong rừng"
"Vì thấy bạn đồng tu
Sống hoà hợp, dũng mãnh
Luôn kiên trì tinh tấn
Con sẽ sống trong rừng"
"Tuỳ niệm ân đức Phật
Bậc tối thượng điều ngự
Ngày đêm không biếng nhác
Con sẽ sống trong rừng".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Padumuttara, trưởng lão tái sanh vào một gia đình bàlamôn tại thành Haṃsavatī.

Một hôm, chàng thanh niên bàlamôn này cùng với các cận sự nam đi đến tịnh xá thính pháp từ Đức Thế Tôn, chàng trông thấy Đức Thế Tôn xiển dương một vị tỳ khưu đệ nhất về hạnh Đức tin, chàng thoả thích với hình ảnh đó, nên cung thỉnh Đức Phật cùng đại chúng tỳ khưu về nhà trai tăng cúng dường suốt bảy ngày, rồi quỳ dưới chân Thế Tôn chú nguyện rằng: Kính bạch Đức Thế Tôn! Do phước báu mà con đã trong sạch cúng dường thực phẩm suốt bảy ngày, xin cho con được vị trí tối thắng về hạnh Đức tin trong giáo pháp Đức Chánh Đẳng Giác vị lai. Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán chiếu vị lai, Ngài thấy nguyện vọng của bàlamôn này sẽ thành tựu, nên Ngài tiên đoán và phúc chúc an lành đến chàng.

Sau một thời gian dài luân chuyển giữa cõi trời cùng cõi người, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, Ngài tái sanh vào một gia đình bàlamôn tại thành Sāvatthī và được đặt tên là Vakkali. Khi trưởng thành, công tử Vakkali học nằm lòng tam phệ đà và thành tựu các học nghệ của bàlamôn.

Một hôm, Vakkali nhìn thấy Đức Thế Tôn, chàng say mê đắm đuối thân hình tuyệt vời của Thế Tôn và đi theo nhìn Ngài không biết chán. Khi trở về nhà, Vakkali suy nghĩ rằng: "nếu ta còn tại gia, ta không thể ngắm nhìn Ngài thoả thích được, vậy ta sẽ xuất gia".

Rồi Vakkali đi đến xuất gia nơi Thế Tôn, ngoại trừ lúc ăn uống và tắm rửa, tôn giả Vakkali dành hết thời gian để chiêm ngưỡng Đức Phật.

Đức Thế Tôn chờ đợi duyên lành của tôn giả đến khi chín muồi, trải qua một thời gian dài mặc cho tôn giả Vakkali ngắm nhìn thoả thích, Ngài không lên tiếng. Đến một ngày nọ, Đức Thế Tôn phán rằng:

- Này Vakkali! Lợi ích gì cho ngươi với việc ngắm nhìn tấm thân bất tịnh này? Này Vakkali, người nào thấy pháp người ấy thấy Như Lai, người nào thấy Như Lai người ấy thấy pháp. Vì rằng thấy pháp tức thấy Như Lai và thấy Như Lai tức thấy pháp.

Mặc dầu Đức Thế Tôn nói như thế, nhưng tôn giả Vakkali cũng không thể từ bỏ việc chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn và rời khỏi chỗ đó được. Đức Thế Tôn nghĩ rằng: "Vị tỳ khưu này nếu không làm xúc động mạnh, sẽ không thức tỉnh".

Vào ngày an cư mùa mưa, Đức Thế Tôn bảo Vakkali rằng:

- Này Vakkali! Hãy đi đi.

Tôn giả Vakkali bị Thế Tôn đuổi không thể tiếp tục ở kề cận Đức Thế Tôn, suy nghĩ rằng: "Đời ta có ý nghĩa gì nếu không được gặp Thế Tôn". Tôn giả leo lên núi Gijjhakūṭa (Linh Hưu), định gieo mình xuống vực, Đức Thế Tôn biết được ý định của tôn giả Vakkali, Ngài nghĩ rằng:

- Tỳ khưu Vakkali khi không được nhìn thấy Như Lai sẽ tự phá hoại duyên lành đạo quả của mình, Như Lai sẽ tế độ cho vị ấy.

Ngài phóng hào quang hiện thân ra trước mặt tôn giả Vakkali và nói lên bài kệ rằng:

"Tỳ khưu nhiều hân hoan
Tịnh tín giáo pháp Phật
Chứng đạt pháp tịch tịnh
Tịnh chỉ hành, an lạc".

Ngài đưa cánh tay ra nói rằng:

- Hãy đến này Vakkali!

Tôn giả Vakkali nghĩ rằng:

- Ta đã thấy bậc đạo sư rồi và Ngài gọi ta đến.

Tôn giả phát sanh hỷ lạc, bất kể việc đi đến ra sao, cứ từ trên hư không hướng về Đức Thế Tôn đi xuống, do hỷ lạc phát sanh sung mãn từ tâm tịnh tín nên thân Ngài nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, khi bước chân vừa chạm lên mặt đất, cùng lúc đó tôn giả ngẫm lại bài kệ của Thế Tôn, tự mình ngăn phỉ lạc, phát triển tuệ quán chứng quả Alahán cùng với tuệ phân tích. Như đã trình bày trong chú giải Tăng chi bộ và chú giải Pháp cú kinh.

Trong đoạn này, một số vị giáo thọ sư nói rằng: "Bậc Đạo sư đã nói với tôn giả Vakkali rằng: "Này Vakkali! Ngươi sẽ được lợi ích gì với hành động như thế?". Rồi tôn giả Vakkali ở trên núi bắt đầu phát triển thiền quán, nhưng vì tôn giả nặng về đức tin nên tuệ quán không tiến triển xuyên suốt được. Đức Thế Tôn biết sự vướng mắc của tôn giả, Ngài giúp gội rửa cho thanh tịnh, nhưng tôn giả cũng không thể làm cho tuệ quán đạt đến đỉnh cao. Về sau, tôn giả bị bệnh do ảnh hưởng vật thực, Đức Thế Tôn biết tôn giả bị bệnh gió hoành hành, Ngài ngự đến chỗ ấy, phán hỏi rằng:

"Bị bệnh gió bức bách
Lại sống trong rừng sâu
Dược phẩm tìm khó khăn
Thân thể bị ốm gầy
Tỳ khưu sẽ làm gì?

Tôn giả sau khi nghe những lời ấy mới nói lên bốn bài kệ rằng:

"Thân con được tràn ngập
Với hỷ lạc toả rộng
Dầu có bị ốm gầy
Con sẽ sống trong rừng".
"Tu tập bốn niệm xứ
Năm quyền và năm lực
Tu tập bảy giác chi
Con sẽ sống trong rừng"
"Vì thấy bạn đồng tu
Sống hoà hợp, dũng mãnh
Luôn kiên trì tinh tấn
Con sẽ sống trong rừng"
"Tuỳ niệm ân đức Phật
Bậc tối thượng điều ngự
Ngày đêm không biếng nhác
Con sẽ sống trong rừng".

Tôn giả sau khi nói như thế liền phát triển thiền quán, chứng quả Alahán. Như trong Apadāna, tôn giả nói lên bài kệ rằng:

"Kể từ hiền kiếp này
Đến 100.000 kiếp
Có vị Chánh Đẳng Giác
Padumuttara
Sanh lên trong thế gian
Hồng danh Ngài như vậy
Vì gương mặt của Ngài
Đẹp như đoá hoa sen
Có làn da mịn màng
Vô cấu như hoa sen
Vô nhiễm với thế gian
Như sen không dính nước
Là bậc đại trí tuệ
Có quyền (căn) như lá sen
Khả ái như đoá sen
Và bờ môi thơm tho
Như hương của cánh sen
Do vậy Ngài có tên
Padumuttara
Ngài là bậc cao cả
Hơn thế gian muôn loài
Với uy nghi an tịnh
Là chỗ giữ đức hạnh
Chỗ tiếp nhận trí tuệ
Dù bất cứ lúc nào
Bậc đại ẩn sĩ ấy
Là người mà chư thiên
Phạm thiên, Atula
Lễ bái và cúng dường
Là bậc thắng cao thượng
Giữa các hàng chiến thắng
Trải khắp cả nhân thiên
Với chất giọng ngọt ngào
Với pháp âm vi diệu
Ngài khiến cho hội chúng
Hoan hỷ hưởng niềm tin
Rồi Ngài đã biểu dương
Vị Thinh văn ấy rằng
Với các vị tỳ khưu khác
Giải thoát khỏi phiền não
Bằng niềm tin trí tuệ
Tìm cách chiêm ngưỡng ta
Như Vakkali này
Sẽ không thể có được
Bấy giờ, ta tái sanh
Con trai bàlamôn
Tại thành Haṃsasvatī
Sau khi nghe Phật ngôn
Thoả thích vị trí ấy
Nên ta thỉnh Đức Phật
Bậc viễn ly bụi trần
Cùng đại chúng tỳ khưu
Cúng dường suốt bảy ngày
Cùng với y càsa
Rồi ta khấu đầu xuống
Trong đại dương ân đức
Của bậc Thiện tuệ ấy
Lòng tràn đầy phỉ lạc
Ta phát nguyện như vầy
Kính bạch đại ẩn sĩ
Do phước báu mà con
Đã trong sạch cúng dường
Trong suốt bảy ngày qua
Xin cho con được như
Vị có tín giải thoát
Mà Ngài đã tán dương
Tối thắng hạnh đức tin
Trong giáo pháp của Nài
Khi ta phát nguyện xong
Bấy giờ, đại ẩn sĩ
Bậc tinh cần dũng mãnh
Có tri kiến vô ngại
Giữa hội chúng phán rằng
Hãy nhìn thanh niên này
Mặt vải vàng trơn láng
Thân do phước kết thành
Giống như khối vàng ròng
Thu hút mắt và tâm
Của phần đông pháp hội
Nối tiếp trong vị lai
Thanh niên này sẽ thành
Thinh văn của Thế tôn
Hồng danh Gotama
Thù thắng hơn chư tăng
Về hạnh tín giải thoát
Dù làm người hay trời
Cũng ly sự khổ não
Luân chuyển trong an lạc
Trong 100.000 kiếp
Kể từ hiền kiếp này
Có vị Chánh Đẳng Giác
Hồng danh Gotama
Sanh lên trong thế gian
Chàng thanh niên này sẽ
Là người thừa tự pháp
Của Đức Thế Tôn ấy
Tên là Vakkali
Chính do thiện nghiệp đó
Sau khi ta mạng chung
Được sanh cõi Đạo lợi
Rồi cuối cùng ta sanh
Gia đình bàlamôn
Tại thành Sāvatthī
Mẹ ta vì lo sợ
Từ ma quỷ uy hiếp
Nên tinh thần hốt hoảng
Bấy giờ, ta yếu ớt
Giống như cục bơ đặc
Mềm mại như lá non
Bà đem ta đặt xuống
Dưới chân Đức Thế Tôn
Nói với Thế Tôn rằng
Kính bạch đấng Thế Y
Xin Ngài hãy từ bi
Tiếp nhận đứa bé này
Con dâng nó đến Ngài
Kính bạch đấng Thế Y
Xin Ngài hãy trở thành
Chỗ nương tựa của nó
Lúc ấy, bậc ẩn sĩ
Bậc nương nhờ muôn loài
Ngài đã tiếp nhận ta
Với bàn tay mềm mại
Ta được Phật che chở
Thoát khỏi mọi bệnh tật
Luôn sống trong an lạc
Lớn lên ta xuất gia
Ta không biết no đủ
Với sự chiêm ngưỡng Phật
Lúc ấy, Thế Tôn biết
Ta thoả thích thân Ngài
Ngài phán dạy ta rằng
Chớ nên! Vakkali
Lợi ích gì cho ngươi
Với thân khả ố này
Người nào thấy diệu pháp
Người ấy thấy Như Lai
Người không thấy diệu pháp
Sẽ không thấy Như lai
Thân này rất nguy hiểm
Ví như cây có độc
Là chỗ trú của bệnh
Chỗ hội tụ của khổ
Vậy ngươi hãy nhàm chán
Trong xác thân ô trược
Quán chiếu sự sanh diệt
Của cả thảy các uẩn
Mới có thể đoạn tận
Tất cả các phiền não
Sau khi nghe giáo huấn
Bậc dẫn dắt thế gian
Ta lên núi Linh thứu
Ngắm nhìn một khe núi
Đức Thế Tôn ngự đến
Đứng một bên triền núi
Với ý khích lệ ta
Ngài đã phán gọi rằng
Hỡi này Vakkali
Ta nghe tiếng Thế Tôn
Tâm hân hoan thoả thích
Ta phóng xuống triền núi
Cao nhiều trăm thân người
Do nhờ oai lực Phật
Ta bình an vô sự
Rồi Ngài đã thuyết pháp
Ta thâm nhập pháp ấy
Chứng đạt Alahán
Sau đó Đức Thế Tôn
Bậc có đại trí tuệ
Giữa đại chúng Thinh văn
Ngài biểu dương ta rằng
Tỳ khưu Vakkali
Thù thắng hơn chư tăng
Về hạnh tín giải thoát
Trong 100.000 kiếp
Kể từ hiền kiếp này
Với sự cúng dường nào
Chính do thiện nghiệp ấy
Ta không biết khổ cảnh
Nay là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | Mục lục


Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2005).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 04-03-2005