Guong bac xuat gia - 2.1

Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

GƯƠNG BẬC XUẤT GIA
(Anagāriyūdāharana)

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ khưu Hộ Pháp)


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

Phần 2

TĂNG BẢO

1- Thời Ðiểm Bắt Ðầu Của Tỳ Khưu

Ðức Bồ Tát Siddhattha chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác vào ngày rằm tháng tư, đồng thời Phật bảoPháp bảo bắt dầu xuất hiện trên thế gian; đến ngày rằm tháng sáu, Ðức Phật thuyết pháp chuyển pháp luân đầu tiên tại khu rừng phóng sinh nai, gọi là "Isipatana", để tế độ nhóm 5 đạo sĩ, có Ngài Koṇṇañña trưởng nhóm.

Sau khi Ðức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattanasutta) xong, trong nhóm 5 đạo sĩ, chỉ có Ðại Ðức Koṇṇañña là vị đầu tiên chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama. Sau khi Ðại Ðức Koṇṇañña đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, Ngài kính xin Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu.

Ðức Phật quán xét biết rõ phước thiện ba la mật đầy đủ của Ðại Ðức Koṇṇañña, nên Ngài cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách "Ehi Bhikkhu", đây là thời điểm bắt đầu Tăng bảo xuất hiện trên thế gian.

Ðại Ðức Koṇṇañña là vị Tỳ khưu đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama, đồng thời ngôi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo xuất hiện đầy đủ trên thế gian bắt đầu kể từ ngày ấy.

Và tiếp theo ngày 16 tháng sáu, Ðại Ðức Vappa chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu cũng bằng cách "Ehi Bhikkhu".

- Ngày 17 tháng sáu, cũng như vậy, Ðại Ðức Bhaddiya trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu bằng cách "Ehi Bhikkhu".

- Ngày 18 tháng sáu, Ðại Ðức Mahānāma trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu bằng cách "Ehi Bhikkhu".

- Ngày 19 tháng sáu, Ðại Ðức Assaji trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu bằng cách "Ehi Bhikkhu".

Từ đó về sau, việc thọ Tỳ khưu được lưu truyền cho đến ngày nay, đã trải qua 2.591 năm, và hy vọng việc thọ Tỳ khưu sẽ tiếp tục duy trì trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama cho đến khi gần mãn tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm.

2- Thời Ðiểm Bắt Ðầu Của Tỳ Khưu Ni

(Vinaya, Bộ Cūlavagga, phần Bhikkhunīkhuddaka)

Lúc Ðức Phật ngự tại chùa Nigrodhārama, gần kinh thành Kapilavatthu, khi ấy bà Mahāpajāpatigotamī vào hầu Ðức Phật xong, ngồi một bên hợp lẽ, bèn bạch với Ðức Phật rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Thế Tôn ngăn cản rằng:

- Này Mahāpajāpatigotamī, không nên xin như vậy, không nên khẩn khoản van xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Như Lai.

Bà Mahāpajāpatigotamī kính xin lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ðức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn ngăn cản lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

- Này Mahāpajāpatigotamī, không nên xin như vậy, không nên khẩn khoản van xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Như Lai.

Lúc ấy bà Mahāpajāpatigotamī thất vọng nghĩ rằng: "Ðức Thế Tôn không cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài", nên bà khổ tâm, tủi phận khóc, cung kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn ra về.

Ðó là lần đầu tiên bà Mahāpajāpatigotamī xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài, nhưng Ðức Phật khuyên bà không nên xin như vậy.

Vào hạ thứ năm của Ðức Phật, Ngài an cư nhập hạ tại tịnh xá trong khu rừng lớn thuộc xứ Vesalī, cũng trong thời gian ấy, Ðức vua Suddhodana, phụ vương của Ðức Phật, còn tại vị trên ngai vàng, tiến hành thiền tuệ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán xong, tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy.

Sau khi Ðức vua là bậc Thánh A-ra-hán tich diệt Niết Bàn, một lần nữa, bà Mahāpajāpatigotamī cùng nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya đều cạo tóc, mặc y cà sa màu lõi mít, chân không, đi bộ từ kinh thành Kapilavatthu dẫn nhau đến xứ Vesalī, làm cho đôi chân của Bà Mahāpajāpatigotamī sưng phồng lên, thân mình dính đầy bụi đường, khổ thân, khổ tâm, buồn tủi đứng khóc bên ngoài cổng tịnh xá, nơi Ðức Phật đang an cư nhập hạ.

Ðại Ðức Ānanda nhìn thấy cảnh thật đáng thương như vậy, bèn hỏi rằng:

- Thưa bá mẫu Mahāpajāpatigotamī, tại sao đôi chân bá mẫu sưng phồng lên, thân mình dính đầy bụi đường, khổ thân, khổ tâm, gương mặt ướt đẫm nước mắt, buồn tủi đứng khóc bên ngoài cổng tịnh xá như thế này?

Bà Mahāpajāpatigotamī thưa rằng:

- Thưa Ðại Ðức Ānanda, bởi vì Ðức Thế Tôn không cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðại Ðức Ānanda thưa rằng:

- Thưa bá mẫu Mahàpajàpatigotamì, nếu như vậy, xin bá mẫu chờ ở đây một lát, đợi bần đạo vào xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Khi ấy Ðại Ðức Ānanda vào đảnh lễ Ðức Thế Tôn, ngồi một nơi hợp lẽ, rồi bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, bá mẫu Mahāpajāpati-gotamī đôi bàn chân sưng phồng, thân mình dính đầy bụi đường, khổ thân, khổ tâm, gương mặt ướt đẫm nước mắt, đứng khóc bên ngoài cổng tịnh xá, do thất vọng rằng: "Ðức Thế Tôn không cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài".

Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

- Này Ānanda, con chớ nên xin như vậy! Con chớ nên chiều ý mà xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Như Lai.

Ðại Ðức Ānanda kính xin lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Phật dạy lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

- Này Ānanda, con chớ nên xin như vậy! Con chớ nên chiều ý mà xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Như Lai.

Ðại Ðức Ānanda nghe Ðức Thế Tôn không hài lòng cho người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài. Vì vậy, Ðại Ðức nghĩ cách gián tiếp xin Ðức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài, có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả được hay không? Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

- Này Ānanda, người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Như Lai, có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả được.

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, nếu người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài, thì có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả được. Kính bạch Ðức Thế Tôn, bá mẫu Mahāpajāpatigotamī là dì mẫu của Ngài, đã từng chăm nom săn sóc, ban cho bầu sữa ngon lành của bá mẫu để nuôi dưỡng Ngài kể từ khi Phật mẫu quy thiên.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, vậy xin Ðức Thế Tôn cho phép bá mẫu Mahāpajāpatigotamī được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Thế Tôn dạy rằng:

- Này Ānanda, Nếu dì mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp này, thì đó là sự thọ Tỳ khưu ni của dì mẫu.

TÁM TRỌNG PHÁP (Garudhamma)

Tám trọng pháp là:

1- Dầu Tỳ khưu ni có 100 hạ, cũng phải đứng dậy đón tiếp, chấp tay cung kính đảnh lễ Tỳ khưu vừa mới thọ Tỳ khưu trong ngày hôm ấy. Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

2- Tỳ khưu ni không nên an cư nhập hạ nơi chùa chiền không có Tỳ khưu. Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

3- Tỳ khưu ni luôn luôn quan tâm 2 điều:

- Hỏi ngày Uposatha: ngày lễ tụng giới bổn.
- Nghe lời giáo huấn của Tỳ khưu hằng nửa tháng 1 lần.

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

4- Tỳ khưu ni sau khi an cư nhập hạ xong, phải làm lễ Pavāraṇā: thỉnh mời giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng và Tỳ khưu Tăng. Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

5- Tỳ khưu ni phạm tội nặng (saṃghādisesa), phải bị hành phạt mānatta suốt 15 ngày giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng và Tỳ khưu Tăng. Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

6- Giới tử là Sikkhāmānā [*] đã thực tập 6 giới trong sạch và đầy đủ suốt 2 năm rồi mới được làm lễ thọ Tỳ khưu ni giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng trước và Tỳ khưu Tăng sau. Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

7- Tỳ khưu ni không được chửi rủa mắng nhiếc Tỳ khưu trong bất cứ trường hợp nào. Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

8- Sau khi thọ Tỳ khưu ni rồi cấm dạy Tỳ khưu, chỉ có Tỳ khưu dạy Tỳ khưu ni mà thôi.Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

Này Ānanda, nếu dì mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp này, thì đó là sự thọ Tỳ khưu ni của dì mẫu.

[*] Sikkhāmānā thực tập 6 giới: ngũ giới + giới không ăn phi thời trong sạch suốt 2 năm. Trong thời gian thực tập, nếu phạm một giới nào vị Sikkhāmānā phải bắt đầu kể lại từ đầu.]

Ðại Ðức Ānanda ghi nhớ rõ 8 trọng pháp của Ðức Phật dạy xong, Ngài đi gặp bà Mahāpajāpatigotamī dạy lại 8 trọng pháp của Ðức Phật cho bà.

Bà Mahāpajāpatigotamī bạch rằng:

Kính bạch Ðại Ðức Ānanda, con xin chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp, cung kính thực hành đầy đủ cho đến trọn đời. Ví như cô gái, cậu trai thích ăn mặc đẹp đẽ, khi đã tắm rửa sạch sẽ rồi, trân trọng đón nhận được đóa hoa thơm, vòng hoa lài bằng hai bàn tay đặt lên trên đầu. -- (Trích dịch từ luật Tạng Cūḷavagga).

Sau khi bà Mahāpajāpatigotamī chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp xong, Bà trở thành Tỳ khưu ni đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama.

Như vậy, sự bắt đầu của Tỳ khưu ni là vào thời kỳ hạ thứ 5 của Ðức Phật, khi Ngài đang an cư nhập hạ tại tịnh xá trong khu rừng lớn thuộc xứ Vesalī.

Và nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya, được Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu ni bằng cách tụng ñatticatuttha-kammvācā: 1 lần tụng tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần thành sự ngôn giữa Tỳ khưu Tăng, vì khi ấy chưa có Tỳ khưu ni Tăng.

Kể từ đó về sau, mỗi khi thọ Tỳ khưu ni, mới có đủ chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng và Tỳ khưu Tăng, mỗi phái tụng ñatticatutthakammavācā, gồm đủ 8 lần (aṭṭhavācika).

Tỳ khưu ni Tăng dần dần phát triển, trải qua thời gian khá lâu, mãi cho đến kỳ kết tập tam tạng lần thứ tư tại Tích Lan vào 450 năm, sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, Tỳ khưu ni Tăng vẫn còn thịnh hành trên xứ Srilankā ấy.

3- Thời Ðiểm Cuối Cùng Của Tỳ Khưu Ni

Thời kỳ bắt đầu của Tỳ khưu ni, thời gian được xác định rõ ràng, đó là vào hạ thứ 5 của Ðức Phật tại xứ Vesalī, khi bà Mahāpajāpatigotamī được phép thọ Tỳ khưu ni đầu tiên, trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama. Nhưng thời gian cuối cùng của Tỳ khưu ni không được xác định rõ ràng.

Thời kỳ Ðức Vua Asoka, Tỳ khưu ni Tăng còn rất đông, được gởi sang truyền bá xứ Srilankā. Những người cận sự nữ tại bản xứ thọ Tỳ khưu ni cũng nhiều.

Theo lịch sử của Srilankā, thời Ðức vua Vaṭṭaga-manī trị vì, Ðức vua có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đứng ra hộ độ chư Tỳ khưu Tăng kết tập Tam tạng lần thứ tư, vào thời gian 450 năm sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn. Trong thời kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư này, Tỳ khưu ni Tăng vẫn còn tồn tại, mãi cho đến khoảng 500 năm sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, do không có người nữ kế tục thọ Tỳ khưu ni nên Tỳ khưu ni mất hẳn.

Ðó là thời kỳ chấm dứt Tỳ khưu ni trên thế gian. (Dựa theo lời nói đầu của bộ Therīgāthā).

4- Tám Cách Thọ Upasampadā

Trong Phật giáo, Ðức Phật đã chế định ban hành 8 cách thọ upasampadā.

- Ðối với Tỳ khưu có 5 cách như sau:

1- Ehi Bhikkhūpasampadā: Thọ Tỳ khưu bằng cách Ðức Phật gọi "Ehi Bhikkhu".

2- Saraṇagamanūpasampadā: Thọ Tỳ khưu bằng cách thọ Tam quy.

3- Ovādapaṭiggahaṇūpasampadā: Thọ Tỳ khưu bằng cách thọ nhận lời giáo huấn của Ðức Phật.

4- Pañhābyākaraṇūpasampadā: Thọ Tỳ khưu bằng cách trả lời đúng câu hỏi của Ðức Phật.

5- Ñatticatutthakammūpasampadā: Thọ Tỳ khưu bằng cách tụng 1 lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn).

- Ðối với Tỳ khưu ni có 3 cách như sau:

6- Garudhammapaṭiggahaṇūpasampadā: Thọ Tỳ khưu ni bằng cách thọ nhận 8 trọng pháp.

7- Dūtenūpasampadā: Thọ Tỳ khưu ni bằng cách nhờ người đại diện.

8- Aṭṭhavācikūpasampadā: Thọ Tỳ khưu ni bằng cách giữa 2 Tăng phái: Tỳ khưu ni Tăng trước, Tỳ khưu Tăng sau, mỗi phái tụng một lần ñatti và 3 lần kammavācā, trở thành 8 lần tụng (aṭṭhavācika).

Giải Thích:

- Thọ Tỳ khưu (Bhikkhu upasampadā)

Ðức Phật chế định ban hành phép thọ Tỳ khưu bằng 5 cách.

1- Ehi Bhikkhūpasampadā như thế nào?

Người cận sự nam (hoặc đạo sĩ, tu sĩ ngoại đạo) sau khi nghe Ðức Phật thuyết pháp, phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng có ý nguyện muốn thọ Tỳ khưu, người cận sự nam ấy đến hầu Ðức Phật, đảnh lễ xin Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu. Ðức Phật dùng Phật nhãn quán xét đến tiền kiếp người cận sự nam ấy thấy rõ rằng: "Người cận sự nam ấy là người có ba la mật đầy đủ, nhất là hạnh bố thí ba la mật, đã từng bố thí 8 món vật dụng của Sa môn (tam y, bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, ống kim chỉ và đồ lọc nước), và đã phát nguyện trở thành Ehi Bhikkhu".

Do đó, khi Ðức Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ truyền dạy rằng:

"Ehi Bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya".
"Con hãy lại đây! Con trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng, hoàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối. Con hãy thực hành phạm hạnh đúng đắn dẫn đến sự chứng đắc tận cùng của khổ đế".

Khi Ðức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì, người cận sự nam ấy (hoặc đạo sĩ, tu sĩ ngoại đạo) trở thành Tỳ khưu, có đầy đủ 8 món vật dụng của Sa môn, được thành tựu là do quả của phước thiện (chư thiên đem đến dâng cúng), vị Tỳ khưu có Tăng tướng trang nghiêm, ngũ căn thanh tịnh, như một vị Tỳ khưu 60 hạ.

Như vậy gọi là thọ Tỳ khưu bằng cách gọi Ehi Bhikkhūpasampadā.

Ðại Ðức Aññasi Koṇṇañña là vị đầu tiên thọ Tỳ khưu bằng cách gọi "Ehi Bhikkhu", cũng là vị Tỳ khưu đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama, và tiếp theo tuần tự các Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma, và Ngài Assaji cũng đều thọ Tỳ khưu bằng cách gọi "Ehi Bhikkhu". Chỉ có Ðức Phật mới có khả năng cho phép giới tử thọ Tỳ khưu bằng cách gọi "Ehi Bhikkhu" mà thôi. Ngoài ra, chư bậc Thánh Thanh văn không có oai lực cho thọ Tỳ khưu theo cách ấy. Ðức Phật Gotama cho phép giới tử thọ Tỳ khưu bằng cách gọi Ehi Bhikkhu tất cả gồm có 28.647 vị Tỳ khưu.

- Trong Luật tạng có 1.344 Vị như sau:

Nhóm Pañcavaggī có 5 vị.
Ðại Ðức Yasa và bạn hữu có 56 vị.
Nhóm Bhaddavaggī anh em và bạn hữu có 1.030 vị.
Nhị vị Aggasāvaka và nhóm đệ tử có 252 vị.
Ðại Ðức Aṅgulimāla 1 vị.

- Trong Kinh Tạng có 27.303 Vị như sau:

Bà la môn Sela và nhóm đệ tử có 301 vị.
Ðức vua Mahākappina và cận thần có 1.001 vị.
Dân thành Kapilavatthu có 10.000 vị.
Bà la môn Pārāyanika và nhóm đệ tử có 16.001 vị.
Gồm có tất cả 28.647 Vị Tỳ khưu Ehi Bhikkhu.

2- Saraṇagamanūpasampadā như thế nào?

Về sau, chư bậc Thánh Tăng đi khắp nơi thuyết pháp để tế độ chúng sinh, nếu có người cận sự nam nào có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, có ý nguyện muốn thọ Tỳ khưu, Ðức Phật cho phép chư bậc Thánh Tăng rằng:

"Anujānāmi bhikkhave, imehi tīhi saraṇa-gamanehi pabbajjaṃ upasampadaṃ".
"Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép thọ Sa di, Tỳ khưu bằng cách cho thọ Tam quy".

--[Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Pabbajjūpasampadākathā.]

Giới tử thọ Sa di, Tỳ khưu trước tiên phải cạo tóc râu, mặc y cà sa màu lõi mít, để chừa vai bên phải, ngồi chồm hổm, chấp 2 tay để trên trán xin thọ Tam quy: "Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng", bằng tiếng Pāḷi, đọc theo vị Thầy Tế Ðộ như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Khi người giới tử nào thọ Tam quy xong, người giới tử ấy trở thành Tỳ khưu. Ðó gọi là thọ Tỳ khưu bằng cách thọ Tam quy.

3- Ovādapaṭiggahaṇūpasampadā như thế nào?

Ðức Phật giáo huấn Ðại Ðức Mahākassapa 3 điều rằng:

1- "Trong Phật giáo này, này Kassapa, con nên thực hành rằng: trước tiên con nên có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi đối vối bậc cao hạ, bậc bằng hạ, bậc nhỏ hạ.
2- Trong Phật giáo này, này Kassapa, con nên thực hành rằng: con nên lắng nghe chánh pháp, nên cung kính mọi chánh pháp ấy, ghi nhớ đầy đủ mọi chánh pháp ấy.
3- Trong Phật giáo này, này Kassapa, con nên thực hành rằng: con nên tiến hành đề mục niệm thân".

Khi Ðại Ðức Mahākassapa thọ nhận 3 điều giáo huấn của Ðức Phật, chính là sự thành tựu thọ Tỳ khưu của Ngài. Ðó gọi là trường hợp thọ Tỳ khưu bằng cách thọ nhận lời giáo huấn của Ðức Phật. Ðây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho Ðại Ðức Mahākassapa mà thôi.

4- Pañhābyākaraṇūpasampadā như thế nào?

Tại chùa Pubbārāma, Ðức Phật đang ngự đi kinh hành, khi ấy Sa di tên là "Sopāka" đến hầu Ðức Phật. Ðức Phật bèn hỏi Sa di Sopāka câu hỏi liên quan đến đề mục asubha: bất tịnh rằng:

- Uddhamātakasaññā’ti vā Sopāka, rūpasaññā’ti vā ime dhammā nānatthā nānā byañjanā, udahu ekatthā byañjanameva nānā....

"Này Sa di Sopāka, niệm tưởng tử thi 2-3 ngày sình lên hoặc niệm tưởng sắc pháp, hai pháp này nghĩa khác nhau, danh từ gọi khác nhau? Hay nghĩa giống nhau, danh từ gọi khác nhau?".

Sa di Sopāka mới lên 7 tuổi bạch với Ðức Phật rằng:

- "Uddhamātakasaññā’ti vā Bhagavā rūpasaññā’ti vā ime dhammā ekatthā byañjanameva nānā"....

"Kính bạch Ðức Thế Tôn, niệm tưởng tử thi 2-3 ngày sình lên hoặc niệm tưởng sắc pháp, nghĩa giống nhau, chỉ có danh từ gọi khác nhau. Bạch Ngài".

Ðức Phật hài lòng câu trả lời của Sa di Sopāka, nên Ngài cho phép Sa di Sopāka trở thành Tỳ khưu. Ðó gọi là thọ Tỳ khưu bằng cách trả lời đúng câu hỏi của Ðức Phật. Ðây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho vị Sa di Sopāka mà thôi.

5- Ñatticatuṭṭhakammūpasampadā như thế nào?

Giáo pháp của Ðức Phật ngày càng phát triển, Tỳ khưu càng ngày càng đông. Cho nên Ðức Phật bỏ cách thọ Tỳ khưu bằng cách thọ Tam quy rằng:

"Yā sā bhikkhave, mayā tīhi saraṇagamanehi upasampadā anuññatā, taṃ ajjatagge paṭikkhipāmi.
Anujānāmi bhikkhave, ñatticatutthena kammena upasampādetuṃ".

"Này chư Tỳ khưu, Như Lai đã cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách thọ Tam quy; kể từ nay về sau, Như Lai bỏ cách thọ Tỳ khưu ấy.

Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép thọ Tỳ Khưu bằng cách tụng một lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn), gọi là ñatticatutthakammavācā". --[Vinayapiṭaka, Bộ Mahāvagga, phần Paṇāmitakathā. ]

Cách thọ Tỳ khưu này bắt đầu từ Ðại Ðức Rādha và được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Hiện nay, trong các nước Phật giáo theo truyền thống hệ phái Theravāda (Nam Tông), từ phía nam Ấn Ðộ, truyền qua các nước Tích Lan (Srilankā), Miến Ðiện (Myanmar), Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào cho đến nước Việt Nam; mặc dầu mỗi nước có ngôn ngữ tiếng nói khác nhau, song tất cả đều căn cứ theo Luật tạng Pāḷi làm căn bản, cho nên vẫn cố gắng giữ gìn, duy trì y nguyên theo truyền thống thọ Sa di theo cách thọ Tam quy bằng ngôn ngữ Pāḷi, vị Thầy Tế Ðộ truyền Tam quy, giới tử thọ Tam quy, cả hai bên đều phải phát âm từng chữ, từng câu, đúng theo văn phạm Pāḷi gọi là "Ubhato suddhi".

Và nghi thức thọ Tỳ khưu, chư Tỳ khưu Tăng từ 5 vị trở lên hội họp tại nơi sīmā. Có 2 hoặc 3 vị Tỳ khưu luật sư hành Tăng sự tụng ñatticatutthakammavācā: tụng một lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn), phải phát âm từng chữ, từng câu đúng theo văn phạm Pāḷi.

Ðó gọi là thọ Tỳ khưu bằng cách tụng ñatticatuttha-kammavācā.

Ngoài cách thọ Tỳ khưu này ra, còn lại tất cả mọi cách hành Tăng sự (Saṃghakamma) khác, chư Tỳ khưu Tăng hội họp tại sīmā cũng tụng ñattikammavācā bằng ngôn ngữ Pāḷi, hầu như giống hệt nhau, kể cả tụng những bài kinh Parittapāḷi nữa.

Ðây là tính đặc thù của các nước Phật giáo theo truyền thống Hệ Phái THERAVĀDA, bởi vì các nước này đều căn cứ y theo Tam tng Pāḷi làm nn tng căn bn chính.

- Thọ Tỳ khưu ni (Bhikkhunī upasampadā)

Ðức Phật chế định ban hành phép thọ Tỳ khưu ni bằng 3 cách.

6- Garudhammapaṭiggahanūpasampadā như thế nào?

Thời kỳ Ðức Phật ngự tại tịnh xá trong khu rừng lớn thuộc xứ Vesalī, bà Mahāpajāpatigotamī cùng nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya đứng trước cổng tịnh xá buồn tủi khóc than, vì Ðức Phật không cho phép phái nữ thọ Tỳ khưu ni.

Ðại Ðức Ānanda nhìn thấy tình cảnh thật đáng thương như vậy, nên vào xin với Ðức Phật cho phép phái nữ được thọ Tỳ khưu ni. Ðức Phật truyền dạy: Nếu dì mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp thuận thọ nhận 8 trọng pháp (garudhamma), thì đó là sự thọ Tỳ khưu ni của dì mẫu.

Bà Mahāpajāpatigotamī cung kính chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp mà Ðức Phật đã chế định ban hành.

Ðó gọi là thọ Tỳ khưu ni bằng cách thọ nhận 8 trọng pháp.

Ðây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho Mahāpajāpatigotamī mà thôi. Ðại Ðức Tỳ khưu ni Mahāpajāpatigotamī là vị Tỳ khưu ni đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama.

7- Dūtenūpasampadā như thế nào?

Trường hợp cô Aṇṇhakāsī, trước khi thọ Tỳ khưu ni, cô là một kỹ nữ nổi tiếng. Nay cô Aṇṇhakāsī đã thọ Tỳ khưu ni giữa Tỳ khưu ni Tăng rồi, cô Aṇṇhakāsī chuẩn bị lên đường đi đến kinh thành Sāvatthi để hầu Ðức Phật và xin phép thọ Tỳ khưu ni giữa Tỳ khưu Tăng. Cô hay tin có một nhóm trai trẻ ăn chơi sẽ đón đường bắt cô, do đó cô không dám đi đến hầu Ðức Phật, cô nhờ một người đại diện đến bạch với Ðức Phật về sự khó khăn cản trở của cô trong việc đến xin phép thọ Tỳ khưu ni giữa Tỳ khưu Tăng. Ðức Phật biết như vậy, nên đặc biệt cho phép cô rằng:

"Anujānāmi bhikkhave, dūtena pi upasampadetuṃ".
"Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép cô Aṇṇhakāsī thọ Tỳ khưu ni bằng cách nhờ người đại diện".

Ðó gọi là thọ Tỳ khưu ni bằng cách nhờ người đại diện.

Ðây là trường hợp đặc biệt chỉ riêng cho cô Aṇṇhakāsī mà thôi.

8- Aṭṭhavācīkūpasampadā như thế nào?

Trước khi thọ Tỳ khưu ni, giới tử là Sikkhāmānā được tu tập giữ gìn 6 giới hoàn toàn trong sạch và đầy đủ suốt 2 năm (nếu phạm giới nào, phải bắt đầu trở lại). Khi giới tử Sikkhāmānā đủ 2 năm rồi, được phép thọ giới Tỳ khưu ni, gồm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất: chư Tỳ khưu ni Tăng hội họp tại nơi sīmā (ranh giới sīmā), vị Tỳ khưu ni luật sư hành Tăng sự tụng một lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kamma-vācā (thành sự ngôn), gọi là ñatticatutthakammavācā.

- Giai đoạn thứ hai: Giới tử Tỳ khưu ni ấy đến trình chư Tỳ khưu Tăng hội họp tại nơi sīmā, vị Tỳ khưu luật sư hành Tăng sự tụng 1 lần ñatti và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā, gọi là ñatticatutthakammavācā.

Như vậy, sự thọ Tỳ khưu ni phải hành Tăng sự giữa chư Tăng 2 phái, mỗi phái đều hành Tăng sự tụng ñatticatuṭṭha-kammavācā, gồm đủ 8 lần, gọi là Aṭṭhavācīkūpasampadā.

Cách thọ Tỳ khưu ni này áp dụng chung cho tất cả Tỳ khưu ni.

Trong thời kỳ Ðức Phật còn tại thế, bà Mahā-pajāpatigotamī cùng nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya đến xin Ðức Phật thọ Tỳ khưu ni. Ðặc biệt bà Mahā-pajāpatigotamī cung kính chấp thuận thọ nhận 8 trọng pháp của Ðức Phật đã ban hành, đó là sự thọ Tỳ khưu ni của bà Mahāpajāpatigotamī. Còn nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu ni chỉ có Tỳ khưu Tăng hành Tăng sự tụng 1 lần ñatti và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā, gọi là ñatticatutthakammavācā, vì khi ấy chưa có Tỳ khưu ni Tăng. Tất cả nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya trở thành Tỳ khưu ni.

Kể từ đó về sau, nghi thức thọ Tỳ khưu ni giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng và Tỳ khưu Tăng, mỗi phái hành Tăng sự tụng ñatticatutthakammavācā, gồm đủ 8 lần. Do đó, gọi là Aṭṭhavācīkūpasampadā.

5- Ý Nghĩa Bhikkhu: Tỳ Khưu

Bhikkhu có nhiều ý nghĩa.

5.1- Nghĩa Bhikkhu theo văn phạm Pāḷi

- Bhikkhati sīlenā’ti Bhikkhu: Bậc có thói quen thường đi khất thực để nuôi mạng gọi là Bhikkhu: Tỳ khưu.

- Saṃsāre bhayaṃ ikkhatī’ti Bhikkhu: Bậc thấy rõ sự tai họa trong vòng tử sanh luân hồi gọi là Bhikkhu: Tỳ khưu.

5.2- Nghĩa Bhikkhu theo Kinh tạng

Trong Chú giải kinh Ðại Tứ niệm xứ dạy:

- Yo ca imaṃ paṭipattiṃ paṭipajjati, so Bhikkhu nāma hotī’ti paṭipattiyā Bhikkhubhāvadassanato pi "Bhikkhu".

"Hành giả nào thực tập, tiến hành Tứ niệm xứ này, người ấy gọi là Tỳ khưu. Tỳ khưu chứng tỏ là hành giả tiến hành Tứ niệm xứ".

- "Paṭipannako hi devo vā hotu manusso vā Bhikkhū’ti saṅkhyaṃ gacchatiyeva".

"Hành giả tiến hành Tứ niệm xứ, dầu là chư thiên hoặc nhân loại đều xem là Tỳ khưu cả thảy". (Chú giải bộ Mahāvagga, kinh Mahāsatipaṭṭhānasuttavaṇṇanā )

Như vậy, Tỳ khưu theo ý nghĩa kinh tạng chính là hành giả tiến hành Tứ niệm xứ, hay tiến hành thiền tuệ.

5.3- Nghĩa Bhikkhu theo Luật tạng

Bhikkhu: Tỳ khưu được thành tựu do chư Tỳ khưu Tăng hội họp nâng đỡ lên bậc cao bằng cách hành Tăng sự, do vị Ðại Ðức luật sư tụng ñatticatutthakammavācā: tụng 1 lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn). Khi hành Tăng sự tụng xong ñatticatutthakammavācā, giới tử Sa di trở thành Tỳ khưu theo luật.

Thọ Tỳ khưu có 2 hạng người:

1- Người cận sự nam đủ tuổi thọ Tỳ khưu gọi là: Bhikkhu: Tỳ khưu.
2- Người cận sự nữ đủ tuổi thọ Tỳ khưu gọi là: Bhikkhunī: Tỳ khưu.

6- Chi Pháp Trở Thành Tỳ Khưu

Theo Luật tạng, bộ Chú giải Cūḷavagga dạy:

Tỳ khưu được thành tựu cần phải hội đủ 5 chi pháp.

6.1- Năm Chi Pháp Thành Tựu Tỳ khưu

1- Vatthusampatti: Người cận sự nam hoàn toàn không phạm lỗi.
2- Ñattisampatti: Tụng ñatti: tuyên ngôn hoàn toàn đúng theo văn phạm Pāḷi.
3- Anusāsanasampatti: Tụng kammavācā: thành sự ngôn hoàn toàn đúng theo văn phạm Pāḷi.
4- sīmāsampatti: Chỗ ranh giới sīmā hoàn toàn đúng theo luật.
5- Purisasampatti: Tỳ khưu Tăng hội đầy đủ để hành Tăng sự.

Người giới tử nào hội đầy đủ hoàn toàn 5 chi pháp này, không thiếu một chi pháp nào, sau khi chư Tỳ khưu Tăng hội hành Tăng sự tụng ñatticatutthakammavācā: tụng 1 lần ñatti (tuyên ngôn) và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā (thành sự ngôn) chấm dứt xong, người giới tử ấy trở thành vị Bhikkhu: Tỳ khưu.

Nếu trường hợp người giới tử thiếu một chi pháp nào, dầu là một chi tiết nhỏ, buổi lễ thọ Tỳ khưu không thành tựu, giới tử ấy không trở thành Tỳ khưu, nếu tự nhận là Tỳ khưu thì chỉ là giả danh Tỳ khưu.

6.2- Năm Chi Pháp Không Thành Tựu Tỳ khưu

1- Vatthuvippatti: Người cận sự nam không đủ tuổi hoặc phạm lỗi.
2- Ñattivippatti: Tụng ñatti: tuyên ngôn không đúng theo văn phạm Pāḷi.
3- Anusāsanavippatti: Tụng kammavācā: thành sự ngôn không đúng theo văn phạm Pāḷi.
4- Sīmāvippatti: Chỗ ranh giới sīmā không đúng theo luật.
5- Purisavippatti: Tỳ khưu Tăng hội không đầy đủ để hành Tăng sự.

Nếu giới tử gặp phải một trong 5 chi pháp này, thì buổi lễ thọ Tỳ khưu không thành tựu, giới tử ấy không trở thành Bhikkhu (Tỳ khưu).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2 | 4.3 | 4.4 | 4.5 | 5.0

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-06-2003